14. Ông trọng

Thủ đô Phong Khê của nước Âu Lạc treo đèn kết hoa và mở hội trong suốt bảy ngày bảy đêm mừng chiến thắng. Quân xâm lược Tần đã hoàn toàn thất bại trên đất Âu Lạc. Không những ở thủ đô Phong Khê mà ở khắp nơi trên đất nước dân chúng đều tưng bừng mở hội. Tiếng trống đồng và tiếng kèn sáo vang lừng từ những ngã tư đô hội và ở các chợ búa. Người ta họp chợ vì mua bán thì ít mà vì những cuộc chơi thì nhiều.

Tuy vậy trong cuộc vui của toàn dân có xen lẫn một niềm tiếc thương, đó là cái tang của Lý Ông Trọng, một trong những kiện tướng đã cầm đầu cuộc kháng chiến chống Tần. Ở huyện Từ Liêm, quê quán của tướng Trọng, dân chúng tổ chức lễ truy điệu vị anh hùng của đất nước một cách long trọng: tượng của vị anh hùng được rước đi suốt ngày đêm trong thành phố, và dân chúng được kêu gọi đóng góp tiền bạc, vật liệu và nhân lực để xây đền kỷ niệm Ông Trọng:

Vị anh hùng kia đã chết không phải vì tay chân Tần mà vì già yếu quá không chịu được cuộc sống gian khổ trong các chiến khu miền ngược. Ông chết năm tám mươi tám tuổi. Tướng Cao Lỗ, một vị tướng lãnh thành của Âu Lạc, đã từ kinh đô về dự lễ tưởng niệm người bạn đồng tâm của mình tổ chức ở huyện Từ Liêm. Tại nơi mà đền thờ của Lý Ông Trọng sẽ được dựng lên, người ta dựng một lễ đài cao trên đó được an trí một bức tượng của Lý Ông Trọng. Tượng làm bằng phên nứa và phết giấy, làm lớn bằng con người thật của Lý Ông Trọng. Tự cổ chí kim chưa ai có một thân hình cao lớn như vị tướng này. Hồi còn sống, ông cao tới hai trượng và ba thước.

Dưới chân tượng, đêm nay có cuộc hát kể cuộc đời của vị anh hùng họ Lý. Một đoàn nhạc công, có sáo, có trống, có đàn nhị, đàn bầu và kèn cùng với bốn mươi nghệ sĩ sẽ ca hát và trình diễn cuộc đời của Lý Ông Trọng. Lạc tướng Cao Lỗ ngồi ở hàng ghế danh dự, bên cạnh quan Bồ Chính địa phương. Cùng ngồi trên hàng ghế là thân thuộc của hai người. Quần chúng tập hợp đông đảo ở công trường. Đuốc thắp sáng choang. Những cây đuốc rực cháy thơm mùi nhựa thông được cắm thành những hàng dài bốn phía công trường. Công chúng vào cửa tự do. Thiếu ghế, quần chúng ngồi xuống bãi cỏ. Tiếng gọi nhau ơi ới. Có những cậu bé và cô bé ngồi trên cổ bố mẹ để nhìn cho rõ. Cuộc trình diễn bắt đầu bằng một hồi trống dài. Mọi người yên lặng. Tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng đàn, tiếng kèn cùng nổi lên rộn rịp. Một lát sau, tất cả mọi âm thanh tự nhiên im bặt để cho một nghệ sĩ ngồi xếp bằng trên sàn gỗ, mở miệng dạo đầu:

– Nhớ tám mươi tám năm xưa, trong huyện Từ Liêm, nước Âu Lạc, có một bé thần dị ra đời …

Tiếng kèn tiếng đàn lại trỗi lên, phụ họa. Tướng Cao Lỗ mỉm cười nhớ tới hình dáng của bạn. Ngày xưa, dù mình là người cao lớn, nhưng mỗi khi đi bên bạn ông thường có cảm tưởng mình chỉ là một đứa bé. Lý Thân, phải rồi, hồi đó Lý Ông Trọng còn được gọi là Lý Thân, cao lớn quá đến nỗi ông có thể để cho một đứa bé ba tuổi đứng trên bàn tay của ông. Tuy là bạn của Ông Trọng, nhưng tướng Cao Lỗ nhỏ hơn ông tới mười mấy tuổi, và chỉ cao bằng một phần ba ông.

Hồi đó tướng Cao Lỗ mới hai mươi mốt tuổi, và đang làm đội trưởng trong quân ngũ. Lý Thân vì có sức học và dáng vóc hơn người, được cử làm quan Bồ Chính ở huyện Từ Liêm, dưới triều vua Hùng thứ mười tám. Cao Lỗ được đổi về Từ Liêm và rất được quan Bồ Chính Lý Thân yêu mến. Chàng được Lý Thân yêu mến một phần là vì óc thông minh và trí giàu sáng tạo của chàng. Mấy trăm binh sĩ dưới tay chàng, trong thời hoà bình đã giúp dân cày ruộng, gặt hái, cất lại những ngôi nhà lụp xụp cho các gia đình quả phụ. Giữa quân và dân quả thực có một mối tình cá nước. Trong huyện không xảy ra trộm cướp. Quan Bồ Chính thường hay vời chàng tới công đường để đàm đạo, uống rượu, làm thơ và tổ chức đi du ngoạn núi nước trong vùng.

Rủi thay một hôm kia, một vị Lạc Tướng của vua Hùng đi tuần thám qua huyện gặp lúc hai người vắng mặt tại công đường. Họ đang uống rượu ngâm thơ trên một chiếc thuyền, lênh đênh ngoài sông nước. Vị Lạc Tướng đợi tới chiều mới thấy hai người trở về nhiệm sở. Trước mặt nha môn và binh sĩ, quan Bồ Chính và viên đội trưởng bị quan Lạc Tướng đánh đòn.

Xấu hổ vì bị làm nhục trước mặt mọi người, Cao Lỗ tìm cách vận động để được trở  về Phong Châu. Còn quan Bồ Chính từ đó ít nói năng. Thiếu bạn, quan không còn uống rượu, ngâm thơ và đi du ngoạn nữa. Quan cũng không hề phàn nàn về việc bị làm nhục trước quần chúng. Nhưng sau đó mấy tháng, Cao Lỗ nghe tin Lý Thân từ quan, và đi lánh cư tại một miền xa, không biết tận đâu.

Vì tài năng và đức chuyên cần của mình, Cao Lỗ được thăng chức rất mau trong quân ngũ. Tới khi An Dương Vương lên cầm chính quyền thì chàng được tuyển vào hàng Lạc Tướng. Trong thời gian xây thành Ốc tại thủ phủ Phong Khê chàng được thần Kim Quy để ý, và dạy cho nhiều bí thuật về võ học. Sau khi thành Ốc xây xong, và thần Kim Quy đã từ giã về thủy phủ, chàng được vua Thục triệu vào, đưa cho chiếc móng của Kim Quy và nói:

– Trước khi từ giã, ta có hỏi Kim Quy về phương thức giữ nước. Thần cho ta chiếc móng rùa này và bảo đây là chiếc nỏ thần có thể phá tan được quân xâm lăng. Thần lại cho ta thấy công hiệu của chiếc móng. Ta đưa cho Lạc Tướng nghiên cứu chiếc móng này và phỏng theo đó để chế tạo binh khí dùng vào việc quốc phòng. Nhớ trao móng thần lại cho ta khi công việc xong xuôi.

Vị Lạc Tướng trẻ tuổi bái nhận nỏ thần và đem về nghiên cứu. Chàng thấy đây là một vũ khí rất lợi hại. Chàng liền cho đốn thử những thân cây dâu và mô phỏng theo nỏ thần, làm thành những chiếc cung dài, bắn một lần được mười mũi tên. Chàng cho tuyển mười ngàn binh sĩ chuyên về việc bắn cung. Mỗi viên binh sĩ này được tập luyện rất tinh nhuệ. Có lần chàng mời vua Thục đi xem một cuộc tập trận. Mười ngàn binh sĩ núp trong rừng cây, trong một khoảnh khắc bắn đứt và làm rơi được hàng chục ngàn lá phướn treo lơ lửng trên thao trường tượng trưng cho hàng chục ngàn quân giặc. Vua Thục vỗ vai chàng tỏ vẻ vừa ý. Sau đó, chàng ra lệnh làm ra hàng trăm ngàn mũi tên đồng cất chứa vào kho khí giới.

Nước Âu Lạc được hưởng bốn mươi lăm năm hoà bình thịnh trị. Bỗng một hôm, người trong nước kinh hoàng nghe tin quân xâm lăng của nhà Tần đã tới biên giới Âu Lạc. Tướng Đồ Thư của nhà Tần theo lệnh Tần Thỉ Hoàng đem nửa triệu binh chia làm năm đạo, một đạo đóng ở đèo Đàm Thành, một đạo đóng giữ ải Cửu Nghi, một đạo đóng ở Phiên Ngung, một đạo ở miền Nam Dã, còn một đạo thì đóng ở sông Dư Can. Thám tử Âu Lạc từ biên giới về báo là quân viễn chinh nhà Tần đã đào rộng các đường mương thành kinh để chở lương đi sâu vào đất Lĩnh Nam, và đã chiếm đóng các miền Lục Lượng, Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận ở vào phía Đông Bắc biên giới Âu Lạc. Quân Tần đã đưa Nhâm Ngao và Triệu Đà lên trấn nhậm các đất ấy. Ngao và Đà đều là những người gốc nước Chu.

Sau đó không lâu một đoàn thám tử khác lại về báo tin dữ cho Lạc Tướng Cao Lỗ: đội trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống vừa bị tử thương và quân Tần đang ồ ạt tiến vào đất Âu Lạc. Thế lực của quân Tần mạnh như vũ bão. Chúng dùng ngựa và xe tải lương tiến mau như tên bắn. Số lượng quân Tần lớn bằng ba số lượng quân Âu Lạc. Những nơi mặt trận Âu Lạc tan vỡ, dân chúng tự động bỏ xóm làng và thành phố, lên núi rừng sống chung với cầm thú và tổ chức kháng chiến. Bốn mươi lăm năm hoà bình, quân sĩ không tập luyện; khi quân giặc đến nhiều người sinh ra hốt hoảng. Tướng Cao Lỗ một mặt lo rèn luyện binh sĩ dưới quyền mình, sử dụng cung tên bảo vệ thủ phủ, một mặt gửi những đạo binh tinh nhuệ ra chận đường giặc. Nhưng giặc Tần được lệnh tấn công không lùi, đêm cũng như ngày, tay không rời khí giới, mình không rời áo giáp. Tuy quân Âu Lạc chặn được quân Tần không cho chúng xâm phạm tới thủ đô Phong Khê, nhưng cả miền Bắc nước Âu Lạc đều đã và đang rên siết dưới gót giày quân viễn chinh nhà Tần. Dân chúng lên rừng gieo lúa, dệt vải, chế tạo cung tên và gươm giáo, tổ chức kháng chiến, nhất định không về làng và phố cộng tác với giặc.

Ba tháng sau khi quân Tần xâm nhập Âu Lạc, tướng Cao Lỗ được tin thám tử về báo là Lý Thân đã về nước theo quân giặc. Ông rất lấy ngạc nhiên không hiểu sao một con người như Lý Thân lại có thể theo giặc về nước để tàn hại dân lành. Nhưng tin tức của thám tử liên tiếp bay về kinh sư: tướng Cao Lỗ được thông báo rằng không phải là Lý Thân theo giặc về giết hại dân lành. Trái lại, ông đã về nước để cộng tác với dân chúng tổ chức kháng chiến chống cuộc xâm lược. Hiện ông đang chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tần ở các bộ Vũ Định và Châu Diên. Hỏi kỹ về chi tiết cuộc đời Lý Thân thì tướng Cao Lỗ được thám tử cho biết như sau:

“ Sau khi từ chức Bồ Chính quận Từ Liêm, Lý Thân đi ra nước ngoài du học. Ông thường nói: “đời ta phải được tự do như chim loan chim phụng, một lần bay là xa ngoài vạn dặm, đâu có phải để cho thiên hạ làm nhục dễ dàng?” Ông cố công học tập, và sau đó ra làm quan với nhà Chu. Đến khi Tần Thỉ Hoàng lên ngôi, ông được đưa lên chức Tư Lệ Hiệu Úy. Lúc Tần Thỉ Hoàng lo chuyện thôn tính thiên hạ, ông được đưa đi trấn thủ ở Lâm Thao. Tài dụng binh và vóc người to lớn của ông làm cho thanh danh ông càng ngày càng lớn, uy danh chấn động cả nước Hung Nô. Tần Thỉ Hoàng mừng quá, ban cho ông hiệu Ông Trọng, tỏ vẻ tôn kính. Nhờ ông trấn thủ ở Lâm Thao nên quân Hung Nô nằm yên, không dám động binh ở chốn biên thùy miền Bắc nước Tần. Nhưng khi nghe tin tướng Đồ Thư lĩnh nửa triệu quân Tần xâm chiếm các nước miền Nam rồi lại chiếm cả lĩnh thổ Âu Lạc, ông nóng ruột từ chức xin về thăm nhà. Đến biên giới, ông cầm một cây gươm dài xông thẳng đến bọn lính Tần đang canh gác. Thấy ông vĩ đại như thiên thần tất cả bọn lính đều bỏ chạy. Ông một mình tìm về bộ Châu Liêm. Sau khi nghe nói già trẻ trai gái đều bỏ thành phố và làng xóm chạy lên núi ở, ông cũng bèn tìm lên chiến khu. Ở đó, dân chúng tôn ông làm lãnh đạo và xin ông cầm đầu cuộc kháng chiến chống Tần.

Tướng Cao Lỗ nghe tin rất mừng, tìm cách liên lạc với Lý Thân mà bây giờ dân chúng và cả thám tử nữa, đều gọi là Lý Ông Trọng. Theo đường núi vòng quanh các miền Tân Hưng, Vũ Định và Lục Hải, tướng Cao Lỗ đưa quân vào các chiến khu, tiếp tế lương thực và cung tên cho Ông Trọng. Tự mình không thể rời Phong Khê, ông cho các lương tá của ông đến liên lạc và trợ lực cuộc kháng chiến của dân chúng miền Bắc. Ông Trọng nhắn tin về kinh đô, xin An Dương Vương giữ vững kinh đô và miền Nam Âu Lạc. Ông hứa là sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Bắc cho tới thành công toàn diện.

Quân kháng chiến dưới quyền điều khiển của Ông Trọng đã xuất hiện nhiều lần từ rừng sâu, chận đường tiếp tế của quân Tần. Trong khi đó tướng Đồ Thư gặp phải sức kháng cự của quân đội chính quy Âu Lạc không tiến thêm được một bước nào nữa về miền Nam. Hễ xuất quân là bị thất bại. Quân Âu Lạc bắn tên đồng rào rạt như mưa vào quân ngũ Tần. Lực lượng viễn chinh của nước Tần tiêu hao dần dần. Trong sáu năm, không một ai được cởi áo giáp mà nằm nghỉ. Cả đến ban đêm. Đàn bà trẻ con Âu Lạc mà quân Tần bắt được đều bị chúng ép làm việc chuyên chở binh lương và khí giới suốt ngày đêm. Nhiều người chịu không nổi phải thắt cổ chết ở dọc đường.

Một hôm An Dương Vương được báo tin là có sứ giả tướng Đồ Thư vào ra mắt và dâng thư của Tần Thỉ Hoàng. Vua cho mở cửa điện tiếp sứ. Trong thư, vua Tần xin vua Âu  Lạc cho Lý Ông Trọng sang Tần trở lại. Nếu vua Âu Lạc bằng lòng điều kiện đó, thì vua Tần sẽ ra lệnh rút hết quân đội viễn chinh ra khỏi lãnh thổ Âu Lạc.

Một cuộc hội họp cơ mật được tổ chức trong triều. Tướng Cao Lỗ xin vua cho hỏi ý kiến Ông Trọng. Ông Trọng nhắn tin về, nói:

– Chẳng bao giờ tôi lại chịu trở sang Tần. Xin đức vua cùng các lạc hầu và lạc tướng đề phòng âm mưu của địch.

Triều đình Âu Lạc cho sứ giả nhà Tần ra về và không trả lời lá thư ngoại giao. Trong số các lạc hầu, có người cho là vua đã bỏ mất một dịp để vãn hồi hoà bình, cứu dân ra khỏi tình trạng máu lửa đã kéo dài gần mười năm trời. Nhưng vua Thục tin lời của Ông Trọng. Mất Ông Trọng chắc chắn sức chiến đấu của Âu Lạc sẽ suy giảm và quân Tần có thể tiến bước.

Nhưng những cuộc điều tra sau đó của thám tử Âu Lạc đã đem lại nhiều tin tức rất phấn khởi.

Trước hết, miền Bắc nước Tần đang bị quân Hung Nô tấn công như vũ bão. Sở dĩ vua Tần cố đòi cho được Ông Trọng, đó không phải là một mưu kế nhằm làm sút giảm tiềm lực chiến đấu của Âu Lạc mà là một sự cần thiết cho sự chống giữ ở biên thuỳ miền Bắc. Quân Hung Nô biết là Ông Trọng không còn ở Lâm Thao nên đã không ngần ngại tấn công vào đất Tần.

Sau đó, là dân chúng các miền Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận đã bắt chước dân chúng Âu Lạc bất hợp tác với quân Tần, bỏ lên rừng núi để tổ chức kháng chiến. Hiện lực lượng của quân Tần đã tiêu hao quá nửa. Số người bị bệnh kiết lỵ, sốt rét rừng và thiếu ăn nhiều không thể đếm được. Hiện tướng Đồ Thư đang lo lắng ngày đêm không ngủ.

Điều cuối cùng mà là điều ngộ nghĩnh. Tướng Đồ Thư thay vì báo cáo với vua Tần là Âu Lạc không chịu gởi tiến cống Lý Ông Trọng, lại báo cáo rằng Lý Ông Trọng đã chết. Vua Tần nghĩ rằng Âu Lạc nói gạt, liền cho người sang điều tra xem hư thực. Đồ Thư lại báo cáo về một lần nữa là đã cho điều tra kỹ biết rằng Lý Ông Trọng vì mắc bệnh đi tả đã chết và đã được chôn. Ông ta lại thêm rằng: chính ông ta cho đào mồ của Ông Trọng lên và kiểm soát lại và thấy đó quả thực là thi hài to lớn của Lý Ông Trọng. Vua Tần sau khi nghe báo cáo của Đồ Thư, liền cho lệnh đúc một pho tượng đồng của Ông Trọng đặt ở gần biên giới Hung – Tần. Đó là một pho tượng rỗng ruột, ở trong tượng có thể ẩn nấp năm sáu người. Những người này dùng máy lay động tay chân của tượng, làm như vẻ đó là chính Ông Trọng đã trở về trấn ngự ở biên giới. Vua Tần làm như thế để quân Hung Nô khiếp sợ mà không dám xâm phạm bờ cõi miền Tây Bắc nữa.

Khi vua Thục và quần thần nghe báo về điều sau này, ai cũng bật cười. Mọi người đều tự hào rằng nước Âu Lạc đã có một nhân vật phi thường như Lý Ông Trọng. Khi chính Ông Trọng nghe tin ấy, ông cũng cười. Tuy đã tám mươi bảy tuổi và không còn ra trận mạc nữa, nhưng ông vẫn không ngớt dùng trí óc và kinh nghiệm để điều động guồng máy kháng chiến. Ông báo tin mật về triều đình là sẽ mở cuộc phản công vào mùa mưa tới, và xin vua Thục cho đại quân tấn công từ miền Nam lên vào đúng ngày giờ đã định.

Quả đúng như lời Lý Ông Trọng dự đoán, đến đầu mùa mưa năm tới, quân Tần đột nhiên lâm vào một tình trạng khốn đốn vì thiếu lương thảo. Quân và dân từ miền rừng núi đổ ra tấn công ào ạt. Từ thủ đô Phong Khê và các châu bộ miền Nam như Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài Hoan . . . binh đội tinh nhuệ của Âu Lạc cũng tiến lên miền Bắc như thác lũ. Quân Tần tan vỡ, tướng Đồ Thư bị quân Âu Lạc bắn tử thương, hàng ngàn quân Tần bị bắt sống. Nghe Âu Lạc thành công, và biết sức nhà Tần đã suy giảm, Nhâm Ngao và Triệu Đà cũng đi đôi với quân kháng chiến để đánh bật quân Tần ra khỏi Nam Hải, Tượng Quận và Quế Lâm. Họ bắt giết hết những quan chức do Đồ Thư lập nên để phục vụ cho nền đô hộ nhà Tần. Trong khi dân chúng và binh đội Âu Lạc ùa về đánh phá các căn cứ quân Tần ở các thành thị và làng mạc thì Lý Ông Trọng, vì thức suốt mấy đêm bên bản đồ chỉ huy các trận tuyến, đã lâm bệnh nặng. Người ta khiêng ông về trụ sở giải phóng của bộ Vũ Định. Nhưng đến nửa đường thì ông tắt thở.

Dân Âu Lạc tưng bừng mở hội ăn mừng chiến thắng. Đây là ngày hội thứ ba.

Tiếng reo hò của dân chúng vang dậy khi đoàn nghệ sĩ trình diễn xong màn chót của cuộc đời Lý Ông Trọng. Tướng Cao Lỗ khóc; ông khóc vì không được gặp lại bạn để nói một vài lời tâm sự trước khi bạn chết. Ông khóc vì nhớ lại những kỷ niệm xưa, một huyện Từ Liêm thái bình, đầy tiếng ca hát, hai người bạn trên một chiếc thuyền con với túi thơ bầu rượu, lênh đênh trên quãng trời nước bát ngát mênh mông …