13. Thành ốc

Vua Thục thức suốt đêm không ngủ. Vua mong cho mau sáng để gặp một người tên là “sứ giả của dòng Sông Xanh” mà bàn về việc xây thành Ốc.

Đã từ sáu tháng nay, thành trì của vua xây lên cứ đổ sụp hoài. Vua đã cho tuyển những kiến trúc sư giỏi nhất nước Âu Lạc tới để phụ vào việc xây dựng ngôi thành vĩ đại mà vua mơ ước.

Nhưng nhiều người sau khi nghiên cứu đồ án đã lắc đầu. Một kiểu thành như thế chỉ có tiên trên trời xuống mới xây nổi. Thành rộng hơn nghìn trượng đã đành, nhưng cao, cao quá. Dù xây trên một khu đồi, nhưng làm sao đưa nổi những tảng đá lớn lên cao hàng chục trượng. Làm sao dựng được một cung điện chót vót trên đỉnh thành, với bao lơn nhìn ra bốn phía khi mà con đường dẫn lên cung điện đó là một con đường trôn ốc đi giữa hai dãy thành lũy kiên cố, ngoằn ngoèo bò quanh lên đồi như một con rồng vĩ đại, đi ngang những toà ngang dọc nhìn ra bốn phía, mái xoè ra như hai cánh của những con chim garuda to lớn?

Đã có hàng trăm người thiệt mạng vì tai nạn lao động trong khi xây thành. Dân chúng trong nước đã bắt đầu oan thán.

Nhưng vua Thục quyết tâm xây cho được thành Ốc. Có người bảo là oan hồn của những người chết trong cuộc tai nạn làm mất mạng hơn mấy trăm người. Có người nói rằng ban đêm họ thường nghe có tiếng oan hồn hò reo vang dậy dưới chân thành. Có người nói trong đêm khuya, thỉnh thoảng người ta nghe tiếng đàn ai oán từ bên sông vọng lại. Tiếng đàn như khóc, như than, như kể lể, như nguyền rủa, như đòi mạng. Người ta lại đồn rằng ở dưới chân núi Thất Diệu, có một cái quán rượu, và người con gái của chủ quán bị oan hồn thâm nhập đã vừa hoá điên. Đứa con gái này thường hay nói những câu nói xúc phạm triều đình, khóc cười rất bất thường và kêu tên vua mà đòi mạng. Chủ quán sợ quá, bèn nhốt con gái vào một gian phòng. Ban đêm đi ngang người ta thường nghe tiếng cô gái khóc la thảm thiết.

Vua Thục đã nghe hết những lời thầm thì. Vua không tin, cho nên đã có đêm vua thức giấc để lắng nghe. Tiếng hò reo của âm hồn thì vua chưa nghe. Nhưng tiếng đàn ai oán kia, có một lần vua đã nghe được. Tiếng đàn làm cho vua lo âu, ngại ngùng. Đó là tiếng của một loại đàn dây vua đã từng được nghe trình diễn, nhưng chưa bao giờ tiếng đàn lại sầu thảm và ai oán đến như thế.

Vua biết cuộc chiến tranh lật đổ vua Hùng là một cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhưng vua không tin là lại có sự oan hồn báo oán như người ta nói. Tuy nhiên chiếu theo lời của các lạc hầu và lạc tướng, vua cũng đã thiết đàn cầu nguyện Long Vương. Đàn mới thiết lập xong thì có một ông già râu tóc bạc phơ tìm tới. Ông già nhìn vào thành Ốc đang xây lở dở rồi than:

– Xây như thế này bao giờ cho xong được!

Vị Lạc Hầu phụ trách thiết đàn thấy làm lạ liền cung kính mời ông lão vào yết kiến vua Thục. Vua thấy ông già có dáng điệu đáng kính, liền mời lên điện để hỏi:

Xin quý nhân dạy cho biết tại sao quả nhân phí bao nhiêu sức lực mà xây thành này không xong.

Thành này vua xây một mình thì không bao giờ xong. Đợi ngày mai khi có sứ giả của dòng Sông Xanh tới, vua nên nhờ người ấy giúp sức thì mới xây xong được.

Ông già nói xong liền cáo từ đi lập tức, vua mời thế nào cũng không ở thêm.

Chính vì vậy mà vua đã thao thức suốt đêm nay chờ mau sáng để gặp người muốn gặp.

Bỗng vua giật mình. Tiếng đàn ai oán vừa vọng lên. Bây giờ đã quá canh ba. Vua nhỏm dậy, đi ra phòng ngoài. Ngọn đèn dầu bốn tấc để trên án thư như chao động. Vua bước nhẹ tới gần bên cửa, vén màn nhìn ra ngoài. Trời đất trong, sao rất sáng. Tiếng đàn như từ dưới bờ sông vẳng lại. Tiếng đàn kéo dài, lênh đênh, rồi bỗng cao vút lên, chới với như những cánh tay đang vươn ra níu lấy không gian một cách tuyệt vọng. Rồi tiếng đàn lại xuống thấp, thầm thì với loài dế trong cây cỏ não ruột với tiếng gió đang thở dài. Bỗng tiếng đàn ngưng bặt. Sau đó, vua nghe tiếng xoang xoảng như gươm giáo chạm vào nhau, những tiếng ầm ầm như gạch đá đổ vỡ. Vua lấy hai tay ôm đầu. Một lúc sau vua buông thõng hai tay ngồi xuống lắc đầu, như để xua đuổi những bóng hình hư ảo. Gục đầu trên án thư, vua nghĩ đến những ngày thơ ấu là những ngày thanh thản chỉ biết rong chơi. Phụ thân của vua là người quen biết với vua Hùng thứ mười tám, quen nhưng không thân, bởi tính tình họ khác nhau gần như một trời một vực. Hùng Vương thì không lúc nào không đùa cợt, còn phụ thân của vua thì lại tự ái quá nhiều và hay tự quan trọng hoá mình. Khi nghe nói Hùng Vương có nàng Mỵ Nương đẹp tuyệt thế, ông đã cho người đến hỏi Mỵ Nương cho vua. Hồi đó vua đang là một người con trai chưa có chức phận gì. Hùng Vương nghe đâu đã cười ha hả mà trả  lời: “Nếu Thục huynh muốn cưới con gái yêu của ta thì phải đến đây nói chuyện với ta chứ! Ta đâu có thể nói chuyện này với một người mai mối!” Nghe đâu chỉ vì câu nói đó mà họ Thục đã nổi giận đùng đùng, cho rằng vua Hùng ỷ thế làm vua mà miệt thị bè bạn. Ông chứa chất căm hờn trong lòng cho nên đã chiêu tập binh mã, hùng cứ một bộ. Nghe tin vua Hùng gả con gái cho Sơn Vương, ông giận lắm, liền quyết chí đem quân về Phong Châu. Nhưng rồi vì lâm bệnh, họ Thục không tiến binh. Đến khi gần mất, ông gọi vua lại mà dặn:

– Này Phán, sau khi bố mất, con phải đem binh về Phong Châu đánh báo thù.

Vua theo lời di chúc của ông, cử binh đánh Phong Châu. Vua Hùng vì tin cậy quá nơi tài năng của chàng rể và sự yểm trợ của Long Vương nên đã thất bại. Binh tướng của Thục Phán đi đến đâu là quân binh của vua Hùng tan đến đó. Thục Phán tiến quân nhằm vào tháng bảy, trong khi Sơn Vương và Thuỷ Vương đang bận kịch chiến với nhau. Đây là lần kịch chiến thứ mười giữa Sơn Vương và Thuỷ Vương, xảy ra trong mười năm liên tiếp. Những cuộc chiến tranh anh em này đã làm hao tổn rất mau tiềm lực của nước Văn Lang… Sơn Vương bị bao vây trên núi, không đem quân tiếp viện cho Phong Châu được. Đến khi Thủy Vương rút lui thì Phong Châu đã mất. Vua Hùng vì thất vọng quá nhảy xuống giếng sâu mà chết.

Nắm được Phong Châu, Thục Phán lên ngôi vua, chấm dứt nhà Hùng, thành lập nhà Thục. Vua phải đi đánh trong tám tháng mới dẹp được phong trào kháng chiến của những người ủng hộ vua Hùng. Có những người đã tung tin rằng họ Thục là người nước ngoài, từ đất Ba Thục tận trên miền cực Bắc đem quân đội xuống xâm chiếm Văn Lang. Để chứng tỏ điều đó sai, Thục Vương đặt tên nước là Âu Lạc để chứng tỏ mình cũng là dòng giống tiên rồng, và duy trì pháp độ cũ. Vua cũng kén chọn người tài giỏi làm lạc hầu, lạc tướng, cũng gọi các con trai mình là quan lang và con gái là mỵ nương như ở chế độ cũ, cuộc đánh dẹp tuy gian nan, nhưng nhờ tài hành quân khéo léo, vua đã thành công, máu xương do cuộc chiến tranh gây ra đã làm u uất khung trời sáng sủa của nước Văn Lang mà bây giờ được gọi Âu Lạc. Những người chống đối vua, trong khi viết chữ Âu Lạc, thường không chịu viết chữ Lạc theo nghĩa chim Lạc mà lại viết chữ lạc theo nghĩa con thú hình thù quái lạ. Ban đầu vua muốn xây thành trì ở Việt Thường. Nhưng sau đó, nghe lời các lạc hầu vua liền dời đô lên Phong Khê, không xa với thủ phủ xưa của vua Hùng là mấy. Chính trên ngọn đồi cao ở Phong Khê mà vua muốn xây thành Ốc. Vua rất không muốn đóng thủ phủ tại Phong Châu, bởi vì bất cứ một ngọn cỏ hay lá cây nào tại  Phong Châu cũng gợi nên niềm hoài tưởng mười tám vị vua Hùng.

Tiếng một con gà gáy làm vua Thục ngửng đầu dậy. Trời đã tảng sáng. Vua đi rửa mặt, mặc áo, đi hài và ra ngồi ở đại sảnh.

Bỗng có người vào báo sứ giả dòng Sông Xanh đã tới và đang ngồi chờ tiếp kiến.

Vua hỏi sứ giả đến cách nào. Vị lạc hầu đáp:

kim quyLúc trời tờ mờ sáng thì người ta thấy một con rùa Vàng nổi trên mặt sông, từ phía Đông bơi lại. Rùa nói được tiếng người, tự xưng là sứ giả dòng Sông Xanh. Rồi rùa biến thành một ông già râu tóc bạc phơ. Quân hầu đã mời ông ta vào điện.

Vua truyền đón ông già vào, và kính cẩn mời ông ta ngồi trên sập ngự. Ông già nói:

Tôi là Kim Quy, người tay chân của Long Vương được lệnh lên đây giúp vua. Người ta gọi tôi là sứ giả dòng Sông Xanh. Xin nhà vua yên tâm. Thế nào thành Ốc cũng xây xong. Bây giờ ta hãy đi xem qua cho biết.

Vua và Kim Quy sánh vai ra khỏi cung điện. Họ tiến về phía thành Ốc đang xây lỡ dở. Tuy còn lỡ dở, nhưng thành ốc đã bắt đầu biểu lộ hình dáng vĩ đại của nó. Hai người đi lên đồi. Tới đâu, Kim Quy quan sát tới đó, và gật đầu lẩm bẩm một mình những gì không rõ. Cuối cùng, Kim Quy ngừng lại, nhìn vua, nói:

Thành này là một công trình lớn. Tôi chắc chính nhà vua đã nghĩ ra hình thái kiến trúc vĩ đại này. Điều tôi lo ngại là vua đã bắt dân chúng phục dịch và đóng góp nhiều quá. Điều đó rất không nên.

Nhưng nếu xây thành này không xong thì uy tín của triều đình cũng sụp đổ.

Tôi cũng nghĩ như vậy, nên sẽ tìm cách giúp vua tiết kiệm sức dân mà vẫn xây thành xong được như ý muốn. Sáng hôm nay, xin nhà vua cho tôi gặp những kiến trúc sư có nhiệm vụ điều khiển xây thành.

Cuộc họp mặt giữa thần Kim Quy và các kiến trúc sư được tổ chức ngay dưới chân thành Ốc. Kim Quy dùng một chiếc đũa vẽ những hình ngang dọc trên mặt đất để nói chuyện với những nhà kiến trúc. Rồi ông ta đưa những người này lên đồi. Họ dừng lại, đàm luận rất lâu ở những nơi mà hễ xây lên xong thì thành lại sập xuống. Kim Quy đi từ trái sang phải, từ phải sang trái, dùng một cây gậy dài để đo và chỉ trỏ. Rồi ông ta chỉ cách làm một đòn bẩy kiểu mới. Họ đàm luận cho đến chiều tối mới xong.

Khi Kim Quy về tới điện, thì vua Thục đang ngồi đợi cơm. Kim Quy nói:

Bắt đầu từ ngày mai, xin nhà vua chỉ cho giữ lại một nửa số dân phu để làm việc xây thành, còn một nửa số xin vua cho về quê quán làm ăn. Xin nhớ ban tặng thực phẩm, thuốc men và áo quần cho họ. Tôi xin cam đoan chỉ một nửa số dân phu còn lại cũng đủ để xây thành.

Ngày hôm sau, nghe lời Kim Quy, vua tổ chức một đàn chẩn tế vĩ đại ở dưới chân thành. Những tăng sĩ và bô lão trong nước được mời tới dự lễ cầu nguyện. Trên đàn có đủ các thứ xôi, cháo, khoai lang, hạt cốm … để cúng những oan hồn uổng tử chết trong cuộc chiến tranh và mấy trăm người phu chết vì tai nạn trong khi xây thành. Lệnh vua truyền ra là sau khi kết thúc lễ chẩn tế cầu nguyện cho người chết, thì bắt đầu cuộc chẩn tế cho người nghèo. Thực phẩm, thuốc men và vải bô được chất thành từng kho để dành tặng cho những gia đình nghèo khó nhất ở Phong Khê.

Một đêm, trong khi các vị tăng sĩ và bô lão đang tụng kinh cầu siêu cho vong linh những người tử nạn thì vua và thần Kim Quy hoá trang thành thường dân, hướng về núi Thất Diệu. Khi đến quán rượu, họ gõ cửa và tỏ ý xin ngủ trọ lại một đêm. Chủ quán tên là Ngộ Không từ chối:

– Trong quán này ma quỷ thường xâm nhập hò hét suốt đêm, quý khách không thể nào ngủ yên được đâu. Tôi xin dọn cơm rượu cho quý khách dùng, sau đó xin quý khách tìm nơi khác để an nghỉ.

Hai người nhất định ở lại, nói rằng họ không sợ ma quỷ. Chủ quán bất đắc dĩ phải dọn cho hai người một phòng sát phòng cô con gái điên của mình.

Lúc nửa đêm, vua nghe có tiếng gõ cửa gấp rút bên ngoài: hình như có rất nhiều yêu tinh quỷ mỵ đến quấy phá. Vua nghĩ không lẽ một cô gái điên mà có thể làm ra những âm thanh ghê rợn như vậy được, bèn nhìn Kim Quy để hỏi:

Kim Quy nhìn ra cửa nạt lớn:

– Không được quấy phá người ta như thế.

Nhưng tiếng đập cửa và tiếng hò hét vẫn tiếp tục không dứt. Hai cánh cửa bị sức đẩy mạnh từ bên ngoài đang kêu răng rắc sắp gẫy. Kim Quy liền làm phép phóng ra những tia lửa sáng rực. Các oan hồn không xâm nhập được. Ngồi trong phòng, vua vẫn bình yên. Hai cánh cửa vẫn còn kiên cố.

Cuộc quấy phá kéo dài suốt đêm. Đến khi hai người nghe tiếng gà gáy sáng, thì tất cả mọi âm thanh bỗng nhiêm im bặt. Kim Quy tung cửa chạy ra khỏi quán tìm đuổi. Vua cũng chạy theo. Hai người thấy trong màn sương khuya một tia lửa xanh bay vẹt về phía hông núi Thất Diệu và biến mất.

Ngày hôm đó, vua ra lệnh đào trên hông núi Thất Diệu. Thoạt tiên người ta tìm thấy một bộ xương người, và một nhạc khí đời cổ. Tiếp tục đào người ta phát giác hàng ngàn bộ xương người. Chắc chắn đây là một hố chôn tập thể những nạn nhân cuộc chiến tranh vừa xảy ra mấy năm về trước.

Vua truyền đem tất cả những bộ xương ấy, và nhạc khí đào được, rửa sạch đặt vào những chiếc hòm khiêng về trước đàn chẩn tế. Trong bảy đêm bảy ngày, thiên hạ cúng lễ, khóc kể và cầu nguyện. Những người chết này đều có thân nhân ở Phong Khê. Đến tối ngày thứ bảy các bộ xương và cây đàn cổ được đưa lên đàn để làm lễ hoả thiêu. Tất cả dân chúng Phong Khê đều đến dự lễ. Ông chủ quán núi Thất Diệu cũng có mặt trong đám người đi dự lễ. Ông ta kể với những người khác là đứa con gái của ông trưa hôm nay đang la hét như điên bỗng nhiên gục ngã xuống. Ông hoảng hồn đến nâng con dậy. Cô gái chỉ lả đi nhưng đôi mắt ngơ ngác như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ thật dài. Từ đó, cô ta trở lại bình thường, không còn la hét mê sảng như trước nữa.

Hoả đàn bốc cháy. Thiên hạ đua nhau lấy trầm hương ném vào lửa và chấp tay cầu nguyện. Bỗng thấy từ trên khói một con chim trắng bay lên, bay cao mãi và mất hút trong mây xanh.

Sáng ngày hôm sau, cuộc chẩn tế cho người nghèo bắt đầu. Dân chúng trong nước nghe tin vua Thục, được sự ủng hộ của Long Vương, đang phóng thích tội nhân và làm việc phúc thiện thì bắt đầu có cảm tình với vua mới. Kim Quy nói với vua:

văn lang dị sửĐất nước là đất nước của toàn dân. Phải làm thế nào xoá bỏ hận thù giữa những người anh em thì mới có thể làm cho nước giàu dân mạnh. Xin vua ăn ở cho có nhân đức để toàn dân được nhờ. Điều gốc rễ nhất là phải tôn trọng sự sống của con người. Đừng để cho một ai chết oan. Hãy phá bỏ những sự bất công và áp bức. Như thế trong nước sẽ không có loạn lạc và nhà vua khỏi phải mất công đánh dẹp, sẽ không còn đổ máu. Cõi âm thanh thản thì cõi dương mới an hoà. Bổn phận của vua là lo cho cõi Dương, để dân chúng được thuận hoà và an cư lạc nghiệp.

Vua Thục lắng nghe lời của Kim Quy. Vua tự hứa sẽ làm theo lời ông dặn. Vua đặt vương hiệu là An Dương để tự nhắc nhở mình về trách vụ. An Dương Vương tuần thú trong các bộ, đi đến đâu an ủi và vỗ về trăm họ đến đấy. Vua truyền phóng thích các tội phạm, chia đất cho nông dân nghèo, ban dụng cụ nghề nghiệp cho dân đánh cá, dân dệt vải, và cho những người làm các ngành thợ khác. Vua lại khuyên dân chúng tự nhiên đến khai oan, và ra lệnh xét xử lại tất cả các vụ kiện tụng oan ức.

Tám tháng sau, khi trở về Phong Khê, vua ngạc nhiên thấy thành Ốc đã được xây dựng xong. Thật là một kỳ công của đất nước Âu Lạc. Từ xa, vua đã thấy thành cao sừng sững như hình ảnh cung điện mà một lần vua nằm mộng thấy. Mái cung điện trên đỉnh thành xoè ra như chín cái đầu của một con rồng lớn. Những toà nhà ngang dọc được trang điểm bởi những hình chim garuda và hình thiên nữ múa hát. Những tường lũy kiên cố chạy vòng từ chân thành lên tới đỉnh, quanh co theo đường trôn ốc, ngắt quãng bởi những pháo đài hình quả trám có nhiều cửa sổ trông ra bốn phía.

Phút chốc, An Dương Vương đã đến dưới cổng thành. Kim Quy đã đứng đợi vua tại đây để từ biệt:

– Thành đã xây xong, tôi xin từ giã.

Vua khẩn khoản mời Kim Quy ở lại, nhưng ông già từ chối nói rằng có việc ở thủy phủ phải về gấp.

Buồn bã, vua nói với thần:

– Ơn tri ngộ đối với quý nhân ta chưa hề được đền đáp trong muôn một. Việc nước là việc chung. Tuy thành đã xây xong, dân đã phủ dụ, nhưng còn bao nhiêu việc khác chưa thành. Ta nghe bốn phương có thể dấy động binh đao; trong trường hợp bị xâm lăng, chưa biết có cách nào để giữ nước cho vẹn toàn. Xin quý nhân dạy bảo.

Kim Quy nói:

– Sự an nguy của đất nước tùy ở đức trạch của nhà vua. Nếu vua biết tu nhân tích đức, lo cho mạng sống của dân như lo cho mạng sống của mình thì không lo gì mà ngôi báu không vững bền. Còn việc chống xâm lăng thì thời nào cũng phải tiên liệu. Dân chúng một lòng thì chẳng có cuộc xâm lăng nào thành tựu được. Đó là điểm chính. Tuy nhiên để giúp vua, ta xin tặng một vật mọn này.

Nói xong, Kim Quy cúi xuống tháo một móng chân của mình đưa ra cho vua và nói:

Đây là một cái móng chân của tôi, hình cong như hình dây cung. Chắc vua chưa biết thế nào là công dụng của một chiếc nỏ thần. Xin vua nhìn xem.

Kim Quy dương móng lên, nhắm vào một cây cao cành lá xum sê trước mặt mà bắn. Một âm thanh trong như chuông đồng vọng lên, tiếp theo là tiếng rào rào như mưa đổ. Nhìn ra An Dương Vương thấy tất cả lá trên cây đều đã rụng xuống đất, làm hiện ra những cành cây xương xẩu trơ trụi.

Kim quy nói:

Đây là một chiếc nỏ thần. Hễ giặc vào xâm lăng, lấy nỏ thần bắn thì giặc tan. Trong số các lạc hầu và lạc tướng dưới quyền nhà vua, tôi thấy có nhiều người có tài năng, ví dụ như tướng Cao Lỗ, người còn trẻ mà có nhiều tài ba. Tôi xin vua cho tướng Cao Lỗ việc nghiên cứu và sử dụng nỏ thần này.

Nói xong, Kim Quy từ biệt. Vua tiễn ông ra bờ sông. Kim Quy biến thành rùa vàng bơi trên mặt nước. Trước khi lặn xuống, rùa vàng còn ngóc đầu chào.

An Dương Vương cầm nỏ thần về cung, lòng vui mừng vì có được phương tiện giữ gìn bờ cõi.