12. Du thuyết
Đoàn sứ giả nước Văn Lang đã tới kinh đô nước Chu. Mọi người tìm nơi nghỉ ngơi để sáng mai vào yết kiến vua Thành Vương. Không muốn lưu lại trong ngôi nhà mà triều đình dành cho các sứ giả từ phương xa tới, đoàn sứ giả xuống phố tìm một quán trọ riêng. Mọi người tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi một cách thoải mái.
Vị trưởng phái đoàn của Văn Lang là một Lạc Hầu trẻ tuổi, tên là Việt. Chàng có vóc dáng cao lớn và thanh tú, mặt mũi rất khôi ngô. Chàng lại thông hiểu nhiều thứ tiếng ngoại quốc, đã từng nói chuyện với những thương gia từ phương Tây đến hoặc phương Bắc xuống. Tuy chàng đã có hỏi thăm và biết nhiều về đất đai và phong tục xứ Chu, chàng vẫn chưa từng tưởng tượng được đất đai xứ Chu bao la đến thế và dân số nước Chu đông đảo đến thế. Trong chuyến đi trên ba tháng vừa qua, chàng và những người đồng hành đã thấy nghe và học hỏi được bao nhiêu điều mới lạ.
Trong khi mọi người đang ngủ một giấc ngủ an lành để lấy lại sức lực, vị lạc hầu trẻ tuổi nằm vắt tay lên trán, nghĩ đến phương thức đối thoại với vị hoàng đế nhà Chu mà nhiều người chàng gặp trên đường đã cho là một bậc thánh nhân. Chàng đã lắng nghe dân chúng và tìm hiểu vua Thành Vương qua những nhận xét của họ. Chàng nhận ra rằng cuộc nói chuyện ngày mai không phải là một cuộc nói chuyện dễ dàng. Dân chúng cả nước Văn Lang đang trông cậy ở tài ngôn luận của chàng để tránh cho được một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai nước. Âm mưu thôn tính Văn Lang đang thành hình; nước Chu đang sắp sửa soạn binh ngũ. Chuyến đi của Việt nhằm mục đích khuyên vua Thành Vương bãi bỏ ý định thôn tính Văn Lang.
Hồi còn bé, Việt thường hay đi câu cá ở các bờ sông với lũ trẻ trong làng. Một hôm đi chơi một mình, chàng câu lên được một con rắn nhỏ. Không sợ hãi, chàng liệng con rắn xuống sông trở lại. Nhưng lần kế, chàng cũng câu được con rắn nhỏ đó. Chàng lại liệng nó xuống sông. Lần thứ ba, cũng con rắn nhỏ đó cắn câu. Lần này, chàng không liệng con rắn đó xuống nước nữa, mà lại bỏ nó vào trong một cái hũ bên cạnh, lấy một tảng đá đậy lại.
Buổi chiều đó, chàng chẳng câu được gì hết. Trời đã gần tối, chàng đứng lên thu xếp mọi thứ để ra về. Đến khi mở nắp hũ ra tìm con rắn để quăng trở lại dưới sông, chàng không thấy con rắn trong hũ. Chàng lấy làm lạ.
Tảng đá vẫn còn đậy trên miệng hũ, không biết làm sao mà con rắn lại bò ra được. Chàng vừa úp cái hũ xuống đất thì bỗng nghe có tiếng cười khúc khích bên cạnh. Ngoảnh lại, chàng thấy một người con trai cũng tuổi chàng, tóc dài, đang đứng cười.
Anh là ai? Tại sao lại đến đây mà cười? – Chàng hỏi.
Nguời con trai hết cười, trả lời:
Tôi là con trai của Long Vương. Tôi đang đi chơi ngang đây thấy anh, muốn kết bạn với anh để chuyện trò cho vui, nên đã trêu anh bằng cách cắn vào câu anh ba lần.
Vậy anh là con rắn nhỏ hồi nãy hả?
Người con trai lại cười:
Vâng, anh có thể nói: con rắn nhỏ hồi nãy là tôi. Bởi vì là hoàng tử dưới Long cung tôi có thể biến thành rồng, rắn, hay bất cứ một loài thủy tộc nào. Trời tối, nhưng trên trời có sao nhiều, đẹp quá! Gió mát nữa! Thôi anh hãy khoan về; chúng ta ngồi lại trên bờ sông hóng mát và nói chuyện chơi.
Hai người trẻ tuổi ngồi xuống bờ cỏ. Họ nói chuyện dưới nước và trên đất. Việt nói cho hoàng tử thủy cung nghe những cảnh sinh hoạt trên đất của dân quê. Chàng trai thủy cung say mê ngồi nghe Việt kể.
Anh biết không, ở cánh đồng phía bên kia sông, vào mùa lúa chín, thật là không có gì vui bằng. Lúa chín vàng rực cả cánh đồng. Buổi sáng dân trong làng mang hái và đòn gánh ra. Họ gặt lúa. Nắng lên. Họ cười đùa, chuyện trò, ca hát. Họ hát những câu hát đối đáp nhau và thỉnh thoảng lại ngừng tay đứng dậy cười ha hả. Buổi trưa, họ quy tụ dưới những bóng cây mát mẻ để ăn trưa. Họ nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục công việc. Đến chiều, họ gánh những gánh lúa thật nặng về xóm.
Hai người nói chuyện cho đến khuya. Sao về khuya càng lúc càng sáng. Họ ngồi yên bên nhau không nói năng gì, lắng tai nghe những âm thanh của trời đất. Bỗng Việt nói:
Những con dế dưới cỏ không biết kêu gì mà kêu hoài kêu mãi không biết chán thế nhỉ?
Hoàng tử thủy cung ngạc nhiên:
Thế anh không hiểu tiếng dế à?
Hoàng tử thủy cung suy nghĩ và gật đầu:
Đúng rồi, anh không hiểu là phải.
Rồi chàng há miệng nhả ra bàn tay một viên ngọc nhỏ sáng ngời.
Đây anh thử ngậm viên ngọc này vào miệng và lắng nghe thử xem bọn dế đang nói gì.
Việt cầm lấy viên ngọc, bỏ vào miệng ngậm lại, và lắng nghe. Thoạt tiên, chàng thấy tiếng dế cũng giống như tiếng dế chàng nghe thường ngày. Nhưng sau đó, đột nhiên chàng hiểu. Thì ra bầy dế đang hát những bài hát giọng điệu trầm trầm. Thỉnh thoảng trong giọng hát kéo dài vô tận ấy có tiếng cười trong trẻo giống hệt như tiếng cười trẻ em. Lại có tiếng dế nói chuyện xôn xao. Thấy Việt mỉm cười, hoàng tử thủy cung biết chàng đã hiểu được tiếng dế. Chàng nói, mắt nhìn lên trời cao:
Anh thử lắng nghe xem những ngôi sao kia đang nói gì?
Việt ngước mắt nhìn lên trời. Những ngôi sao mà cũng nói chuyện được hay sao? Chàng lắng tai nghe: trước tiên, chàng có cảm tưởng là mình nghe bằng hai mắt. Những ngôi sao lung linh nhấp nháy, vẫy tay, chào hỏi và cười với chàng. Rồi đột nhiên Việt nghe tiếng gọi. Đúng là những ngôi sao đang gọi chàng, gọi đúng tên Việt của chàng. Rồi những ngôi sao xôn xao chuyện trò. Có những ngôi sao đang nói chuyện về mặt đất. Lại có những ngôi sao đang nói chuyện về chàng và về người bạn mới của chàng…
Chàng thẹn quá, cúi đầu xuống và nuốt nước bọt. Nhưng không may cho Việt: viên ngọc quý của hoàng tử thủy cung theo nước bọt trôi xuống cổ họng chàng. Chàng khạc nhổ, nhưng viên ngọc đã xuống tới bụng, không chịu đi ra nữa. Chàng quay sang nhìn bạn, mở miệng định xin lỗi vì vô ý nuốt mất viên ngọc, nhưng hoàng tử thủy cung đã vỗ vai chàng:
Anh không cần phải xin lỗi. Tôi biết anh vô ý mà nuốt viên ngọc, chứ không phải là cố tình. Có lẽ anh có số may. Từ đây anh sẽ nghe và hiểu được mọi thứ tiếng, và chắc điều này sẽ giúp anh nhiều trong cuộc đời. Còn tôi chỉ trong vòng một năm là tôi luyện được viên ngọc khác… Thôi anh cứ vui lên. Tôi chỉ xin anh một điều là đừng tiết lộ sự gặp gỡ giữa hai chúng ta. Thế thôi. Bây giờ tôi xin về thủy cung, kẻo trời khuya lắm rồi. Anh cũng về xóm ngủ đi thôi. Hẹn ngày khác gặp lại.
Cuộc gặp gỡ giữa Việt và hoàng tử thủy cung chỉ ngắn ngủi như thế thôi. Sau đó, chàng trai thủy cung trở về nước, và Việt về xóm.
Từ đó, chàng học hành rất mau tiến bộ. Kinh sách chỉ nghe đọc qua một lần là thuộc. Những ngoại ngữ chàng học rất mau chóng. Chàng thường hay lên Phong Châu chơi, nơi đó chàng gặp nhiều người ngoại quốc. Chàng nói chuyện hàng giờ với những người phương Tây và những người phương Bắc, khiến cho mọi người phải khâm phục.
Lớn lên chàng được mọi người trong quận tiến cử lên vua Hùng. Thấy chàng thông minh và đức hạnh vua Hùng đã dùng chàng tới chức Lạc Hầu và sau đó ủy cho chàng quản trị những huyện trong bộ chàng ở và lấy tên chàng đặt cho miền ấy. Từ đó có bộ Việt Thường. Nước Văn Lang của chàng có tới mười lăm bộ: ngoài bộ Việt Thường, còn có tới các bộ Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quân và Gia Ninh. Kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang nằm ở bộ Gia Ninh.
Chàng lạc hầu trẻ tuổi đã ra sức làm cho dân chúng trong các quận huyện của mình an cư lạc nghiệp. Chàng có nhiều người cộng tác giỏi mà chàng tuyển chọn được trong bộ của chàng. Không những ngành canh nông và tầm tang của bộ Việt Thường phát triển mạnh mà ngành thương mãi cũng đã trở thành chính yếu. Thương gia các nước đến buôn bán rất đông. Chính một nhà buôn từ miền Bắc đi xuống đã báo cho chàng cái tin nhà Chu có ý sửa soạn binh mã để chinh phục Văn Lang. Nhà buôn nói:
Kế hoạch đánh Văn Lang là do một người phụ tá của vua Thành Vương chủ trì. Người đó nói đất Văn Lang không có pháp tắc, kỷ cương, cần phải được khai hóa. Nhưng tôi thấy người Văn Lang có một nền văn minh khác hẳn với văn minh chúng tôi; tuy không cùng một pháp chế nhưng dân chúng Văn Lang cũng đang sống trong hòa bình và thịnh vượng. Tôi xin báo với quan lạc hầu để ngài tìm cách ngăn ngừa cuộc chiến tranh đem tang tóc đau khổ cho dân của cả hai xứ.
Việt cám ơn người thương gia có lòng. Thay vì lên Phong Châu để đàm đạo với vua Hùng, chàng ra ngoài bờ sông ngồi nhìn dòng nước chảy.
Chàng nghĩ phương pháp hay nhất là tìm cách nói thẳng với vua nhà Chu rằng một cuộc chiến tranh xâm lăng sẽ làm khổ đau dân chúng của cả hai xứ. Rằng nước Văn Lang có pháp độ và kỷ cương riêng của mình. Rằng Văn Lang là một nước có văn minh không cần ai khai hóa. Nhưng làm sao để gặp được vua Thành Vương? Có phải là chàng sẽ đích thân sang nước Chu?
Chàng nhìn đồng lúa chín vàng bên kia sông mà tưởng rằng đồng lúa ấy sẽ biến thành một bãi chiến trường đẫm máu.
Bỗng một đàn chim trắng bay ngang. Màu trắng của cánh chim in lên mầu trời xanh ngắt. Đàn chim bay với một dáng điệu uyển chuyển, chàng ít khi trông thấy những con chim đẹp như thế.
Bỗng chàng lưu ý đến tiếng kêu của con chim đầu đàn: nó gọi những con chim khác cùng bay tới chỗ chàng ngồi. Phút chốc cả đàn chim đáp xuống. Có con đậu cả lên vai chàng.
Việt hỏi:
Chim có ý gì giúp ta không?
Con chim đầu đàn đáp:
Sao lại không? Chúng em do bà chúa Âu Cơ sai đến dâng kế cho Lạc Hầu. Đức Bà dạy là Lạc Hầu nên sửa soạn sang du thuyết bên nước Chu.
Nhưng nước Chu ở xa, đi bao giờ cho đến?
Đàn chim cười khanh khách. Con chim đầu đàn nói:
Hễ đi là tới.
Việt thấy vui lên. Nói chuyện với một đàn chim thật là dễ chịu. Dễ chịu như là nói chuyện với một đám trẻ con. Những con chim xinh đẹp này nói năng dễ thương, không cần theo phép tắc nào hết.
Chúng em đã từng bay qua biển cả, thấy những thuyền buôn căng buồm theo gió đi dọc theo biển. Bây giờ đã đến mùa gió thuận để thuyền đi về Bắc. Thánh Mẫu dạy là nên chuẩn bị và đi ngay. Đức Bà biết Lạc Hầu đang do dự nên sai chúng em tới đây. Lạc Hầu biết nhiều thứ tiếng, cả tiếng người nước Chu nữa. Vậy Lạc Hầu có thể nói chuyện trực tiếp với vua Thành Vương.
Nhưng ta chưa chuẩn bị gì hết. Cả đến những tặng phẩm đem theo để biếu vua Thành Vương cũng chưa có. Ta đâu có sẳn những thứ quý giá như vàng, bạc, đồi mồi, sừng tê, ngà voi… Phải về Phong Châu xin vua Hùng mới được chứ.
Con chim đầu đàn bay lên đậu trên vai chàng nói nhỏ:
Tặng phẩm không cần thiết lắm. Lạc Hầu sẽ tiện đường ghé Phong Châu để báo tin cho vua Hùng biết mục đích của chuyến đi. Rồi ra ngay cửa biển, có nhiều thuyền buôn sẽ nhổ neo trong những ngày sắp tới. Chỉ cần đem theo ít thỏi vàng làm lệ phí. Chúng em sẽ đi hộ tống. Lạc Hầu cứ bắt lấy hai con chim trong số chúng em để làm quà tặng vua Thành Vương.
Quà tặng của một nước mà chỉ là hai con chim thôi thì trông sao được?
Quà tặng quý ở chỗ hiếm có chứ không phải ở số lượng. Vàng bạc, trân châu hay sừng tê hoặc ngà voi, họ đã có nhiều. Thành Vương là người có văn học, biết sáng chế ra lễ nhạc và pháp độ, chắc chỉ chú trọng đến phong thái và ngôn ngữ của người mình hơn là để ý đến phẩm vật hiến tặng. Giống chim bạch trĩ chúng em chỉ có ở đất này thôi và chưa từng có mặt ở đất Bắc. Vua Thành Vương chắc là sẽ vui lòng.
Việt cám ơn đàn chim và quay về trị sở. Hai con bạch trĩ trắng như tuyết đậu trên vai chàng và theo chàng về.
Sáng hôm sau, chàng tuyển sáu người có sức mạnh, có văn học và có phong thái cao đẹp cùng đi với chàng. Họ ghé lên Phong Châu yết kiến vua Hùng. Vua Hùng mừng rỡ, căn dặn đủ mọi điều và cấp chứng điệp cho phái đoàn. Ngoài áo quần, phái đoàn chỉ mang theo nước uống, thực phẩm và một số vàng bạc để làm lộ phí. Họ theo một thuyền buôn để đi về hướng Bắc. Gió thuận, buồm căng, thuyền đi rất nhanh. Việt trông thấy đàn chim trắng đi theo một cách kín đáo trên cao để hộ tống đoàn sứ giả. Hai con bạch trĩ vẫn đậu trên vai chàng. Thuyền đi như thế có gần hai tháng trời. Thỉnh thoảng thuyền có ghé lại bờ để lấy nước ngọt và mua thực phẩm. Trong những lúc này đàn chim trên cao biến mất. Nhưng khi thuyền căng buồm tiếp tục cuộc hành trình, đàn chim hộ tống lại hiện ra. Có khi đàn chim bay khuất trong mây.
Cuối cùng thuyền đến bến. Đoàn sứ giả lên bộ. Họ bỏ tiền mua bảy con ngựa, và lấy đường bộ về kinh đô nhà Chu. Đoàn sứ giả ngày đi đêm nghỉ trong gần một tháng trời mới tới. Giữa đường họ ngủ lại ở những tửu điếm. Ở đây, Việt thường hay nói chuyện với những khách hàng và những người chủ quán để tìm hiểu phong tục và tập quán nước Chu. Chàng được nghe kể rằng vua Thành Vương đã sáng chế ra lễ nhạc, các tập tục và nghi thức về cưới hỏi, tang lễ, vân vân . . . Lễ nhạc và tập tục nhà Chu nghe ra có nhiều đặc điểm đặc sắc và khác với lễ nhạc tập tục Văn Lang. Người nước Chu chưa biết dùng cau trầu trong các buổi gặp gỡ cũng như trong cưới hỏi. Họ không tổ chức những cuộc vui giữa trời với âm nhạc và ca vũ trong đó mọi người được tham dự bình đẳng. Ranh giới giữa vua tôi, thầy trò, cha con được vạch ra quá rõ rệt. Kỷ luật của họ quá nghiêm minh, cho nên sự thân mật giữa vua tôi, thầy trò và cha con bị hạn chế quá nhiều. Ở Văn Lang một vị Lạc Hầu cũng có thể múa hát chung với dân chúng trong đám hội. Cha và con cũng có thể múa hát chung. Cả đến vua cũng múa hát chung với dân trong các đám hội. Dân gặp vua khỏi phải phủ phục và tung hô. Họ thường gọi vua là “đức vua kính mến” và chỉ cúi đầu chào mỗi khi thấy vua đi ngang mà thôi.
Việt cũng nghe nói rằng vua Thành Vương nước Chu là một trí thức, một nhà triết học. Vua đang soạn một bộ sách tên là Dịch Học. Sách này nghe đâu đã được khởi soạn bởi vua Văn Vương nhưng chưa hoàn thành.
Mãi suy nghĩ về vua Thành Vương, Việt thiếp ngủ đi bao giờ không hay. Khi chàng thức giấc, ánh nắng đã chiếu qua cửa sổ. Chàng bảo mọi người sửa soạn để vào triều. Hai con chim trắng bay đậu trên vai chàng.
Nghị vệ ở đây nghiêm mật hơn ở cung điện vua Hùng nhiều. Tuy vậy đoàn sứ giả Văn Lang đi đứng rất tự nhiên, không có dáng dấp gì sợ hãi. Vị trưởng phái đoàn của họ, mỗi khi gặp một người nào dù là quan văn, quan võ hay lính gác đều nghiêng đầu chào nhã nhặn như nhau. Cuối cùng, đoàn sứ giả được đưa đến trước điện vua Chu. Mọi người đứng thành một hàng. Việt Thường cúi đầu chào kính cẩn, hai tay nắm lại để trên ngực, nhưng không phủ phục như vị quan viên tiến dẫn. Chàng nói:
Kính xin đức vua cho chúng tôi làm lễ chào hỏi theo nghi thức Văn Lang.
Chàng nói câu trên bằng tiếng mẹ đẻ của chàng, tiếng Văn Lang, mà không phải bằng tiếng Chu. Chàng nghĩ phải giữ thể thống cho văn hoá nước nhà. Giọng chàng trong như chuông và vọng khắp cung điện.
Vua Thành Vương không hiểu tiếng Văn Lang. Quay lại hỏi những văn quan đứng hầu phía trái của vua. Những vị văn quan này cũng nhìn nhau, không ai nói được tiếng Văn Lang.
Cuối cùng một vị quan tâu:
Xin bệ hạ để cho hạ thần ra gọi một người có thể thông dịch tiếng của nước di dịch miền Nam.
Vị văn quan đi ra. Sau đó không lâu, ông ta trở vào với một người khác, tầm vóc khá cao và nước da sậm. Người này, sau khi phủ phục trước vua Thành Vương, đưa hai tay trước ngực cúi đầu chào đoàn sứ giả theo kiểu người Văn Lang. Mọi người trong đoàn biết ngay rằng người này đã từng cư trú ở đất nước họ, và đã am tường phong tục thể chế Văn Lang.
Việt cùng đoàn sứ giả lại chắp tay cúi đầu làm lễ vua Thành Vương một lần nữa. Chàng lập lại:
Kính xin đức vua cho chúng tôi làm lễ chào hỏi theo nghi thức Văn Lang.
Người thông dịch tập tức nói lại câu nói bằng tiếng Chu.
Vua Thành Vương gật đầu mỉm cười, ban cẩm đôn cho mọi người ngồi, rồi hỏi:
– Sứ giả từ đâu tới, và đem theo hai con chim trắng làm gì vậy?
Việt kính cẩn thưa:
– Chúng tôi từ bộ Việt Thường của nước Văn Lang tới. Hai con chim bạch trĩ này là sản phẩm đặc biệt của đất nước Văn Lang. Nghe nói quý quốc không có giống chim này nên chúng tôi mang đến để làm quà dâng lên vua của quý quốc. Quà tuy nhỏ mọn, nhưng thiện chí thì lớn lao, kính xin đức vua chấp nhận cho.
Thấy Việt Thường ăn nói lưu loát, vua Thành Vương gật đầu. Vua hỏi:
Nghe quý quốc tên là Giao Chỉ, nay lại có tên là Văn Lang, vậy tên nào là đúng?
Tâu đức vua, Giao Chỉ là tên một bộ trong mười lăm bộ của nước Văn Lang. Nước chúng tôi tuy nhỏ nhưng vua hiền và dân giỏi, có pháp độ, có văn minh. Hai tiếng Văn Lang tiêu biểu cho nền pháp độ đó. Văn là sáng đẹp, Lang là hiền lành.
Trẫm thường nghe nói đến dân quý quốc người nào cũng có hai ngón chân cái giao nhau, vì vậy mà người của quý quốc được gọi là giống người giao chỉ, có phải thế không?
Tâu đức vua, Giao Chỉ chỉ là tên một bộ trong mười lăm bộ của nước Văn Lang. Dân chúng tôi quả có người có hai ngón chân cái giao nhau, nhưng lại có nhiều người không có. Chúng tôi lại biết rằng có nhiều giống dân khác cũng có người có hai ngón chân cái giao nhau. Cả đến quý quốc thỉnh thoảng chúng tôi cũng có gặp một vài người như vậy. Tuy rằng có hai ngón chân giao nhau thì trèo cây rất mau, nhưng không phải vì vậy mà hai ngón chân trở nên cái tên của một nước.
Có người lại cho rằng quý quốc có vẽ hình giao long trên thân thể cho nên tên của quý quốc là Giao Chỉ, tức là xứ của giống dân Giao Long.
Tâu đức vua, điều ấy cũng không được đúng. Người nước Văn Lang có vẽ mình thật, nhưng vẽ mình cũng chỉ là một hình thái văn minh mà thôi. Chúng tôi là con rồng cháu tiên; chim Lạc và vua Rồng là biểu hiện của giống nòi.
Những người làm nghề chài lưới tin rằng nếu vẽ hình rồng trên người thì các loài thủy tộc sẽ nhận rằng họ có liên hệ thân tộc với loài rồng và do đó sẽ không làm hại. Người trong khắp mười lăm bộ đều có tục vẽ mình, không phải chỉ có người ở bộ Giao Chỉ.
Vậy khanh nói tại sao lại có danh từ Giao Chỉ?
– Tâu đức vua, bởi Giao Chỉ là đất giao tiếp giữa văn hoá hai miền Đông Tây. Đó là nơi gặp gỡ giữa những người tứ xứ: có những người từ quý quốc xuống lưu lại đó trước khi đi sang Tây Vực, có người xứ Tây Vực tới, lại ở đó trước khi sang quý quốc. Tại Giao Chỉ, có thể tìm được người thông dịch rất dễ dàng. Đó là một nơi thuận tiện để học tiếng nước ngoài. Nhiều người Văn Lang biết nói ngoại ngữ. Chữ giao trong Giao Chỉ có nghĩa là giao tiếp. Giao tiếp giữa hai miền văn hoá.
Vua Thành Vương gật đầu
Trẫm hiểu ra rồi, vậy khanh tên họ là gì?
– Tâu đức vua, tôi được họ là Việt, tên Thường.
– Ở quý quốc, có bao nhiêu dòng họ như thế?
Có tất cả một trăm dòng họ như thế. Việt chỉ là một dòng họ. Ngày xưa khi tiên nữ Âu Cơ và Long Vương phối hợp, có một trăm người con ra đời. Dòng họ Việt cũng từ đấy mà ra. Sau này vua Hùng kính mến của chúng tôi đã dùng tên Việt Thường mà đặt cho châu bộ nơi chúng tôi cư trú, cho nên đất chúng tôi gọi là đất Việt Thường.
– Một trăm dòng họ . . . Tới một trăm dòng họ như dòng họ Việt thì dân quý quốc quả cũng khá đông đảo. Hèn gì ta có lần nghe nói đến danh từ Bách Việt.
– Một vị võ quan bỗng đứng dậy tâu:
– Tâu bệ hạ, nhưng đó chỉ là một khoảnh đất di địch, man rợ, không có văn minh, không có pháp độ. Cứ xem cách họ cắt tóc ngắn, để đầu trần, ăn cau trầu toe toét thì đủ biết họ còn dã nam lắm, cần phải được khai hoá.
Nhìn lại viên võ quan, Việt thấy lão có một bộ râu ngắn và một vẻ mặt nham hiểm. Có lẽ người nầy là tác giả của cuộc âm mưu chinh phục Văn Lang. Chàng nói:
– Tâu đức vua, văn minh có nhiều hình thái, Nam Bắc không giống nhau. Trong một xứ nóng bức mà để tóc dài và đội mũ thì không chịu được. Đó là cực hình mà không còn là văn minh nữa. Vậy cho nên người Văn Lang cắt tóc ngắn và để đầu trần. Cắt tóc ngắn vừa mát mẻ vừa tiện lợi cho sự cày ruộng, đốt lửa, gieo lúa, trèo cây, và lặn lội dưới nước. Đã đành thân thể này là của cha mẹ để lại không nên huỷ hoại, nhưng cắt tóc và cắt móng tay không phải là hủy hoại mà chỉ là để săn sóc trau chuốt. Còn vẽ hình rồng là cả một nghệ thuật. Không phải muốn vẽ thế nào cũng được đâu. Sống giữa những dân tộc đông đảo, đó cũng là một phương thức giữ gìn nòi giống không để cho bị đồng hoá.
– Nhưng tại sao các khanh lại ăn trầu?
– Ăn trầu là một tập tục rất đẹp. Miếng trầu làm cho những cuộc gặp gỡ thêm đậm đà ý vị. Miếng trầu làm cho hết lạt miệng, lại làm cho vui câu chuyện và tăng thêm duyên dáng cho người ăn. So với hút thuốc thì ăn trầu là một tập tục đẹp đẽ hơn nhiều. Đức vua và các vị quan chưa nghe kể về lai lịch miếng trầu cho nên mới không thấy được ý nghĩa đẹp đẽ của miếng trầu.
Vua Thành Vương hỏi:
– Lai lịch miếng trầu như thế nào?
Việt bèn kể cho vua nghe về cuộc tình duyên giữa Tân, Lang và Thảo, và quyết định của vua Hùng đệ nhị về việc dùng cau trầu để thay thế cho muối trong các lễ cưới hỏi. Chàng kể chuyện trực tiếp bằng tiếng Chu một cách cảm động khiến cả triều đình chăm chú nghe không bỏ sót một lời nào. Vua Thành Vương có vẻ rất cảm động. Kể xong, chàng tiếp:
– Ăn cau trầu thì miệng rất sạch, không bao giờ hôi. Chất trầu cay và chất vôi nồng làm cho mọi chất độc trong miệng tan hết, hơi thở ấm và thơm, răng sẫm màu và chắc. Người ăn cau trầu ít có đau răng. Ở nước chúng tôi, bất cứ ở một cuộc gặp mặt nào cũng có cau trầu. Cau trầu làm tăng thêm tình thân mật. Nếu một mai kia đức vua ngự giá sang tệ quốc thăm, vua Hùng chúng tôi chắc chắn cũng sẽ đem cau trầu ra để thiết đãi.
Vua Thành Vương cười:
Đợi đến lúc ấy trẫm sẽ nếm thử để xem vị cau trầu đậm đà đến mức nào. Bây giờ khanh cho ta hỏi: đoàn sứ giả quý quốc sang thăm trẫm có ý định gì?
Ba năm nay nghe nói đất Bắc trời không hạn hán, cũng không mưa dầm, bốn biển yên lặng, dân chúng an hoà, chúng tôi chắc là có thánh nhân xuất hiện ở phương Bắc nên đã vượt ngàn trùng sông núi tìm tới chiêm ngưỡng. Quả đúng như chúng tôi dự đoán: đức vua là một vị minh quân, sáng tạo lễ nhạc, ngự chế pháp độ, làm cho trên dưới kỷ cương, bốn biển hoà thuận. Một vị minh quân như đức vua nhất định là không để cho khói lửa nổi dậy, sinh linh ta thán. Nước Văn Lang chúng tôi binh ngũ tuy không lớn bằng binh ngũ đại quốc, nhưng lòng dân với lòng vua như một, đã từng đánh bại cuộc xâm chiếm của giặc Ân. Nước chúng tôi chỉ mong quý quốc lấy ân đức mà làm thấm nhuần bốn phương để hoà bình được duy trì lâu bền trên mặt đất.
Vua Thành Vương nói:
– Trẫm cám ơn vua Hùng và quý quốc đã phái sứ bộ qua thăm và tặng hai con chim đẹp hiếm có. Trẫm xin nhận quà tặng, nhưng cũng muốn căn dặn rằng từ nay trở đi, nếu có sứ giả sang thăm xin đừng mang theo lễ vật. Nước Chu đã làm được gì cho quý quốc đâu mà bắt quý quốc phải thần phục. Đức trạch của trẫm có đủ để thấm nhuần tới quý quốc đâu mà trẫm dám hưởng lễ cống của quý quốc.
Nói điều ấy xong với Việt, nhà vua quay lại ra lệnh cho vị võ tướng mặt đỏ râu ngắn:
– Không nên xâm phạm đến đất Văn Lang. Phải giải trừ tất cả mọi dự định can thiệp vào nội bộ nước ấy. Họ cũng là một nước văn minh.
Quay ra với Việt, nhà vua nói:
Khanh hãy yên tâm. Ta đã biết ý của khanh. Ngày xưa khi lập quốc, đức Hoàng Đế có dặn rằng đất Giao Chỉ ở ngoài phương xa, cấm các thế hệ sau không được phạm đến. Trẫm nghe lời tiên vương, sẽ không nghe lời những kẻ thuộc hạ để dấy động can qua.
Vua truyền ban cho sứ giả một cỗ xe hai ngựa, và một chiếc địa bàn để tìm đường về Nam. Tuy Việt Thường và phái đoàn biết rất rõ đường về – tới được đây mà không tìm được đường về thì thật là quá tệ – và tuy họ không cần xe và ngựa, họ cũng vui vẻ bái nhận và tạ ơn vua Chu. Sứ mạng của họ đã hoàn thành. Họ không cần để mất thì giờ bàn cãi về những chi tiết không quan trọng.
Có một vị trưởng đoàn giỏi như thế, và có một đàn chim hộ tống thông minh như thế, họ lo gì không tìm được đường về cố hương mà phải trông cậy vào chiếc địa bàn chỉ nam của vua nhà Chu?