Về chủ đề kinh

Hồi Bụt còn tại thế, có một vị khất sĩ tên là Ekavihariya ưa sống một mình. Pháp danh của thầy có lẽ cũng được hiến tặng cho thầy, căn cứ vào nếp sống thanh tịnh và giàu có chánh niệm ấy. Eka có nghĩa là một, một mình. Vihara có nghĩa là ở, sống, trú. Bụt đã có lời khen thầy, và lời khen này là một bài kệ trong kinh Pháp Cú:

Một mình ngồi, một mình nằm
Một mình đi không ngại năm tháng
Một mình não phiền chế ngự
An lạc thấm nhuần thân tâm

Thầy Ekavihariya rất được các bạn đồng tu kính mộ và yêu mến. Thầy có để lại mấy bài thi kệ trong tác phẩm Trưởng Lão Kệ (Theragatha), trong đó thầy ca tụng nếp sống tĩnh lặng một mình. Có một vị khất sĩ khác tên là Thera, cũng rất ưa sống một mình và thường ca ngợi sống độc cư. Tuy nhiên thầy này không được các bạn đồng tu khen ngợi và cũng không được Bụt khen ngợi. Có lẽ thầy đã nghe ca tụng về hạnh độc cư và cũng muốn thực hiện việc sống một mình, nhưng thầy chỉ sống theo hạnh này một cách hình thức. Các bạn tu của thầy thấy có cái gì không ổn trong cách sống của thầy, nên mới tìm đến trình bày vấn đề với Bụt. Bụt cho gọi thầy Thera. Khi thầy Thera đến trình diện, Bụt hỏi thầy:” Người ta nói thầy ưa sống một mình, và ưa ca tụng nếp sống độc cư, có phải như thế không?”. Thầy Thera đáp:”Bạch Đức Thế Tôn, đúng như thế.” Bụt hỏi : “ Thầy sống một mình như thế nào?”. Thầy Thera đáp :” Con đi khất thực một mình, con rời xóm làng về một mình, con thọ trai một mình, con ngồi thiền một mình, chỉ có thế.”

Bụt nói:” Này thầy Thera, đúng là thầy đang sống một mình. Tôi không nói là thầy không sống một mình. Nhưng tôi biết một cách thức sống một mình còn thâm diệu và mầu nhiệm hơn nhiều. Để tôi nói cho thầy nghe.” Rồi Bụt dạy”
“Cái gì đã qua, cái ấy được buông bỏ. Cái gì xảy ra trong hiện tại cần được quán chiếu để ta đừng bị kẹt vào. Đó là cách sống một mình mầu nhiệm hơn cả.”

Câu chuyện trên đây được kể lại trong kinh Theranamo (samyutta Nikaya 21.10) và trong kinh Tạp A Hàm (kinh thứ 1071). Bài kệ trong kinh Tạp A Hàm có nơi khác, nhưng ý chính cũng còn được duy trì. Ta đọc như sau:

Hãy quán chiếu cuộc đời
Thấy rõ được vạn pháp
Không kẹt vào pháp nào
Lìa xa mọi ái nhiễm
Sống an lạc như thế
Tức là sống một mình.

(Tất tánh ư nhất thiết
Tất tri chư thế gian
Bất  trước nhất thiết pháp
Tất ly nhất thiết ái
Như thị lạc trú giả
Ngã thuyết vi nhất trú)

Ta tin rằng, sau khi được nghe Bụt dạy, thầy Thera sẽ không còn thực tập hạnh “ Sống một mình “ một cách hình thức nữa. Bụt đã dạy thầy rằng chánh niệm là bản chất của đời sống độc cư. Nếu không sống với chánh niệm thì dù ở trong rừng một mình thì cũng không thể nói là mình đang đích thực sống một mình. Mà sống theo chánh niệm là không luyến tiếc quá khứ, không lo lắng tương lai, và biết quán chiếu sự vật đang xảy ra trong hiện tại. Ta tin rằng vị khất sĩ Thera đã học và đã thực tập được nếp sống độc cư chân chính sau khi Bụt chỉ dạy.

Kinh văn ghi lại câu chuyện này là kinh Theranamo, có nghĩa là vị khất sĩ có tên Thera. Có thể Thera cũng không phải là pháp danh thật của thầy. Tại vì Thera chỉ có nghĩa trong Thượng Tọa có thể là các vị khất sĩ đã vì mến sau đó mà không gọi tên thật của thầy trong khi tụng kinh này.

Người biết sống một mình, như thế, không phải là người sống xa lánh xã hội. Xa lánh xã hội, bỏ vào rừng, chưa hẳn là sống một mình, nếu ta còn nhớ tưởng về quá khứ, lo âu cho tương lai , hoặc đắm chìm trong thanh sắc hiện tại. Người biết sống một mình có thể sống ngay giữa xã hội, trong làng mạc, bên cạnh các bạn tu. Điều này Bụt dạy rất rõ trong kinh Migajala (Samyutta Nikaja, 35.63-64. Kinh này tương đương với kinh số 309-310 trong Tạp A Hàm), lúc bấy giờ, Bụt ở xứ Chiêm Bà (Campa), bên bờ hồ Yết Già, lúc ấy có một vị khất sĩ tên là Migajala (Lộc Nữu) tới thăm Bụt. Thầy đã có nghe phong phanh về ý niệm sống một mình, cho nên thầy đến thăm Bụt về vấn đề này.

Bụt nói với thầy Migajala: “Những hình sắc, đối tượng của con mắt có thể là dễ chịu, có thể là đáng yêu, có thể là đáng nhớ, và có thể đem lại những ái dục. Nếu một vị khất sĩ bị ràng buộc vào chúng, vị ấy bị kết sử. Này thầy Migajala, bị kết sử như thế, vị khất sĩ đó không phải sống một mình nữa, mà là người sống hai mình.”

Danh từ người sống hai mình được dịch từ chữ Sadutiyavihari. Sadutiya có nghĩa là “hai mình“, trái với Eka là “một mình“. Kinh Tạp A Hàm dịch là nhất trú và nhị trú. Sadutiyavihari là người sống nhị trú. Còn Ekavihari là người sống nhất trú. Ở đây, Bụt không có ý nói là hai người sống chung với nhau. Ý Bụt là người ấy sống với sự ràng buộc, một kết sử. Bụt dạy tiếp:

“Này thầy Migajala, một vị khất sĩ sống kết sử như thế, thì dù ông ta ở rất sâu trong rừng, dù nơi ấy vắng bóng người, nơi ấy không có tiếng động, thì ông ta vẫn là người sống hai mình. Vì sao thế? Vì ông ta vẫn chưa buông kết sử. Kết sử chính là kẻ thứ hai đang sống chung với ông ta vậy.”

Bụt dạy thầy Magajala rằng người thực sự biết sống một mình là người sống thảnh thơi, không bị ràng buộc bởi những nội kết gây ra do đối tượng của sáu giác quan: sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Bụt kết luận:

“Này thầy Migajala, một vị khất sĩ sống được như thế, dù sống ngay trong thôn làng, hoặc giữa các bạn tu, khất sĩ và nữ khất sĩ, hoặc giữa các vị cư sĩ và cư sĩ nữ, hoặc giữa các vị quốc vương, đại thần, hoặc giữa các giới ngoại đạo đi nữa, thì vị khất sĩ ấy cũng là người biết sống một mình. Vì sao thế? Vì vị ấy buông bỏ các kết sử, buông bỏ các kết sử, buông bỏ “ kẻ thứ hai “ rồi vậy.”

Một hôm khác, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong rừng cây Kỳ Đà, Bụt gọi các vị khất sĩ lại, và dạy cho họ một bài kệ thu tóm yếu nghĩa về phương pháp sống một mình. Rồi không cần mời thỉnh, người giải thích bài kệ ấy. Đây là nội dung kinh Bhaddekaratta, kinh Người Biết Sống Một Mình. Bài kệ này trở thành nổi tiếng, được lặp lại nhiều lần trong kinh điển. Trong Hán tạng, bài kệ được gọi tên là Bạt Địa Ra Đế (phiên âm từ Bhaddekaratta). Trong bộ Trung A Hàm, ta thấy có ba kinh nói về bài kệ này. Kinh thứ nhất là kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên, mang số 165, trong ấy bài kệ được lập lại bốn lần. Kinh thứ hai là kinh Thích Trung Thiên Thất, mang số 166, trong ấy bài kệ được lập lại ba lần. Kinh thứ ba là kinh A Nam Thuyết, mang số 167, trong ấy bài kệ chỉ được đọc một lần.

Trong tạng Pali, ta thấy có tới bốn kinh mang bài kệ Bhaddekaratte, tất cả đều thuộc về Trung Bộ (Majihima Nikaya). Kinh thứ nhất tên là Bhaddekaratta, mang số M.132, tương đương với kinh A Nam Thuyết trong Hán Tạng. Kinh thứ ba là kinh Mahakaccana-Bhaddekarata, mang số M.133. Kinh thứ hai là Ananda-Bhaddekaratta, mang số M.132, tương đương với kinh A Nam Thuyết trong Hán Tạng. Kinh thứ ba là kinh Mahakaccana – Bhaddekaratta, mang số M1.33, tương đương với kinh Thích Trung Thiền Thất trong Hán Tạng, bản dịch này lấy tên là Phật Thuyết Tôn Thượng Kinh mang số 77 trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Người dịch là thầy Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi.

Chủ đề sống một mình như thế, là một chủ đề khá quan trọng trong toàn bộ giáo lý đạo Bụt. Ngoài bốn kinh trong hệ Pali và ba kinh trong văn hệ Hán, còn có nhiều nơi trong kinh tạng đề cập tới vấn đề “ Sống một mình”, tuy không sử dụng bài kệ Bhaddekaratta. Như kinh Theranamo và kinh Migajala mà ta vừa nhắc tới trên kia chẳng hạn. Chủ đề “ sống một mình” phản ảnh được tinh yếu của nếp sống tỉnh thức mà Bụt dạy. Đó là buông bỏ quá khứ, buông bỏ vị lai, sống chánh niệm để quán chiếu và phát kiến ra được tự tánh của vạn hữu đang xảy ra trong phút hiện tại.

Các danh từ Ekavihari (người sống một mình) và Sadutiyavihari (người sống hai mình), trong văn mạch kinh Migajala thật là dễ hiểu và dễ nhận. Tuy nhiên danh từ Bhaddekaratta lại là một hợp từ khó. Chính thầy Dharmanandi, người dịch bộ kinh Samyuktagama ra Tạp A Hàm, cũng không hiểu được từ này, cho nên thầy chỉ dịch âm Bạt Địa, Ra Đế mà thôi, và lấy đó làm tên của bài kệ. Thầy Pháp Hộ đã dịch hợ từ Bhaddekaratta là Hiền Thiện, và gọi bài kệ người biết sống một mình là Hiền Thiện Kệ. Tiền tự Bhadda dịch là hiên, hậu tự ratta dịch là thiện cúng có thể gọi là chính xác; nhưng từ eka nằm giữa thì lại bị bỏ quên, trong khi nó là từ căn bản. Trong giới Phật tử Nam tông, có người hiểu Ekaratta là  “một đêm“, và dịch Bhaddekaratta là “một đêm thiền quá tốt đẹp”. Lấy ý kinh mà xét thì dịch như vậy không có ý nghĩa.

Một vị khất sĩ học giả hiện đại, thầy Nanananda, đã phân tích hợp từ Bhaddekaratta như sau và khá hợp lý: Bhadda có nghĩa là tốt, là hay, là giỏi, là lý tưởng. Eka có nghĩa là một, một mình. Ratta có nghĩa là ưa thích. Thầy đề nghị dịch là “người ưa thích sống một mình một cách tốt đẹp nhất, giỏi giang nhất, lý tưởng nhất“ (the ideal lover of solitude – người độc cư lý tưởng). Suy đi, nghĩ lại, tôi thấy trong Tiếng Việt, dịch là NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH thì hợp lý với ý kinh hơn cả.

Bài kệ người biết sống một mình (gọi là Bạt Địa Ra Đế kệ hay Hiền Thiện kệ) là một bài thơ của Bụt làm, có lẽ là để tóm lại những ý mà Bụt đã dạy các thầy Thera và Migajala. Và người đã đem bài thơ ấy để đọc và giải thích cho các vị khất sĩ tại tu viện Cấp Cô Độc. Đó là trường hợp trong kinh Người  biết sống một mình (Bhaddekaratta M.131) được nói.

Cố nhiên, số người được Bụt hôm ấy giới hạn trong số các vị khất sĩ có mặt ở tu viện Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Vì tầm quan trọng của chủ đề Biết Sống Một Mình cho nên các vị khất sĩ và nữ khất sĩ sống ở các nơi khác dần dần được nghe nói tới bài kệ Người Biết Sống Một Mình. Kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên (Trung A Hàm 165) kể chuyện thầy Samiddhi (Tam Di Đề) như sau:

Hồi đó, Bụt cư trú ở làng Vương Xá, trong vườn tre Calanda. Thầy Samaddhi hồi đó cũng cư trú trong vùng lân cận, trong một khu vườn gần suối nước nóng. Gần Vương Xá có mấy suối nước nóng mà Bụt và các thầy hay đến tắm. Sáng hôm ấy, sau khi tắm ở suối nước nóng lên, thầy Samiddhi mới khoác y vào thì có một vị thiên giả sắc tướng, mỹ lệ hiện xuống làm lễ thầy và hỏi thầy đã được nghe và thực tập bài kệ Người Biết Sống Một Mình chưa. Thầy trả lời là chưa. Và thầy hỏi xem chính vị thiên giả ấy đã được nghe và thực tập bài kệ ấy chưa. Vị thiên giả cũng trả lời chưa.
Thầy hỏi tiếp:
“ Vậy thì ai đã được nghe và thực tập bài kệ ấy?”
“Đức Thế Tôn hiện đang có mặt tại tu viện Trúc Lâm ở thành Vương Xá này. Thế nào cũng đã có người được nghe và thực tập bài kệ ấy. Khất sĩ Samiddhi!

Thầy nên đến xin Bụt dạy cho bài kệ ấy đế mà thực tập. Tôi nghe bài kệ ấy chứa đựng giáo nghĩa thâm diệu của chánh pháp. Đó là nên tảng của nếp sống phạm hạnh của người xuất gia, có khả năng đưa đến tri giác và Niết Bàn.”

Vị thiên giả nói xong, chấp tay đi vòng ba lần quanh khất sĩ Samiddhi để bày tỏ sự cung kính rồi biến mất. Sau đó đại đức Samiddhi đi tìm Bụt nghe cuộc gặp gỡ giữa thầy và vị thiên giả, rồi cầu khẩn Bụt dạy cho bài kệ Người Biết Sống Một Mình. Bụt hỏi thầy Samiddhi xem thầy có biết vị thiên giả đó là ai không? Thầy thưa là thầy không biết, Bụt nói vị thiên giả ấy tên là Chánh Điện, từ cõi trời thứ 33 đi xuống. Lúc đó, thầy Samiddhi và các vị khất sĩ lên tiếng xin Bụt dạy cho bài kệ. Bụt đọc cho họ nghe bài kệ:

Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mầu Ni gọi là
Người biết sống một mình.

Đọc xong bài kệ, Bụt rời chỗ ngồi đi vào tịnh thất để thiền tọa. Các vị khất sĩ, trong đó có thầy Simiddhi, được nghe bài kệ nhưng lại còn muốn được nghe giảng giải về bài kệ nữa. Họ tìm đến vị đại đức Kaccana (Ca Chiên Diên), một vị cao đệ của Bụt để nhờ thầy giảng giải thêm cho họ về bài kệ này. Thầy Kaccana nổi tiếng là một vị khất sĩ đạo cao chức trọng, thường được Bụt khen ngợi là thông minh. Họ tin là đại đức có thể giảng giải bài kệ một cách sâu sắc. Sau khi tìm đến thầy, họ đọc cho thầy nghe bài kệ. Ban đầu thầy Kaccana tỏ vẻ ngần ngại; thầy khuyên các thầy nên đến xin Bụt trực tiếp giảng giải bài kệ cho. Nhưng cuối cùng các vị khất sĩ năn nỉ quá nên thầy bằng lòng, Những lời giải thích của thầy về bài kệ là nội dung chủ yếu của kinh Ôn Tuyền Lâm Thiên này. Ôn Tuyền Lâm Thiên có nghĩa là vị thiên giả hiện ra ở khu rừng có suối nước nóng.

Sau khi giảng giải cho các bạn về bài kệ, thầy Kaccana nói rằng, nếu có dịp, các thầy nên đến trực tiếp xin Bụt giảng giải, bởi vì cái thấy của thầy về bài kệ thế nào cũng không sâu sắc bằng cái thấy của Đức Thế Tôn.

Các vị khất sĩ trong đó có thầy Samiddhi, sau đó lại được có dịp diện kiến Bụt, họ kể lại cho Bụt nghe những lời giảng giải của thầy Kaccana về bài kệ Người Biết Sỗng Một Mình. Bụt mở lời khen ngợi. Người nói:

“Lành thay, lành thay! Trong số học trò của tôi, có những người có con mắt, có trí tuệ, nắm được giáo pháp, hiểu được chân nghĩa. Thầy mới đọc bài kệ mà chưa có dịp giải thích thì trò đã có thể y cứ vào văn cú để nói rộng về nghĩa lý của bài kệ. Khất sĩ Kaccana là một vị khất sĩ lớn. Các thầy cứ nương theo những lời giảng giải của thầy Kaccana mà thực tập. Bởi vì sao? Bởi vì những lời ấy phù hợp với chân nghĩa và sự thật.”

Chuyện vừa kể xảy ra tại thành Vương Xá, thủ đô nước Magadha, nằm dưới miền Nam, bên tả ngạn sông Hằng. Còn câu chuyện sau đây lại xảy ra tại thành Xá Vệ, thủ đô nước Kosala miền Bắc, bên hữu ngạn. Chuyện này được kể lại trong kinh Thích Trung Thiền Thất. Thích Trung Thiền Thất là một thiền thất do những người trong thân tộc Thích Ca lập ra, ở một vùng đồi núi không xa thủ đô Xá Vệ. Ngọn đồi này tên là A Luyện Nhã. Thiền thất này còn có tên là thiền thất Vô Sự. Vô Sự có nghĩa là không có vấn đề gì cả, lại cũng có nghĩa là bình yên. Vị khất sĩ Lomasakangiva ( Lô Di Cường kỷ ) lúc ấy đang cư trú ở thiền thất. Một buổi khuya nọ, lúc trời gần sáng, thầy từ trong thiền thất bước ra, nơi có những chiếc giường làm bằng giây kê dưới các hàng cây ngoài khuôn viên thiền thất. Thầy trải toạ cụ trên một chiếng thằng sàng, rồi ngồi lại trong tư thế kiết già. Lúc ấy có một vị thiên giả hình sác mỹ diệu hiện xuống, làm lễ thầy rồi hỏi thầy có bài kệ Người Biết Sống Một Mình không, và nếu có biết thì thầy đã được nghe giải thích về bài kệ ấy chưa. Thầy Lomasakangiva nói chưa. Thầy hỏi lại vị thiên giả. Vị này trả lời là đã được nghe bài kệ, nhưng chưa có dịp nghe giảng giải về nghĩa lý của bài kệ. Đại Đức hỏi:

“ Tại sao thiên giả được nghe kệ rồi mà lại chưa được nghe giảng giải về nghĩa lý?”
Vị thiên giả mới kể lại rằng hồi Bụt đang cư trú tại thành Vương Xá, người có đọc cho nghe bài kệ nhưng người không giải thích về bài kệ. Vị thiên giả nói:

“Tôi đã được nghe bài kệ nhưng tôi chưa được nghe giải thích. Bài kệ như sau…”

Rồi vị thiên giả đọc cho thầy nghe bài kệ, và khuyên thầy nên tìm đến Bụt để nhờ Bụt giải thích thêm về bài kệ. Vị thiên giả cũng ca tụng bài kệ giống hệt như vị thiên giả ở trong khu rừng có suối nước nóng gần thành Vương Xá.

Thầy Lomasakagiva sau đó đi tìm Bụt và kể lại cho Bụt nghe câu chuyện. Bụt hiện đang ở tu viện Cấp Cô Độc thành Xá Vệ. Nghe thầy kể xong, Bụt bảo cho thầy biết  rằng vị thiên giả đó tên là Candana (Bàn Na Mạc Nan), cũng từ cõi trời thứ 33 đi xuống. Thầy Lomasakangiva thỉnh cầu Bụt giảng giải về bài kệ. Hôm ấy có nhiều vị khất sĩ có mặt bên thầy. Bụt bằng lòng. Người đọc lại bài kệ giảng giải trực tiếp bài kệ. Những lời giảng giải này là phần chủ yếu của kinh Thiết Trung Thiền Thất (Trung A Hàm 166), tương đương với kinh Lomasakangiya Hhaddekaratta (M.134). Như ta biết, kinh này còn có một bản dịch Hán văn thứ hai mà dịch giả là thầy Trúc Pháp Hộ, tên là Phật Thuyết Tôn Thượng Kinh, so sánh hai bản dịch là một việc làm thích thú khiến ta hiểu thêm nhiều chi tiết của kinh.

Kinh chót là kinh A Nan Thuyết. Hồi đó Bụt còn ở Xá Vệ. Một đêm nọ, thầy Ananda triệu tập đại chúng ở giảng đường chính của tu viện Cấp Cô Độc rồi đọc và thuyết giảng bài kệ Người Biết Sống Một Mình. Tờ mờ sáng hôm sau, một vị khất sĩ tới gặp Bụt và báo cáo cho người biết. Kinh không nói là vị khất sĩ tỏ ý không tin tưởng thầy Ananda. Nhưng kinh chép rằng, sau khi nghe. Bụt bảo thầy ấy đi tìm thầy Ananda. Khi thầy Ananda tới, Bụt hỏi:

“ Có phải đêm qua thầy đã đọc và giảng bài kệ Người Biết Sống Một Mình không?”
Thầy Ananda bạch có. Bụt hỏi:
“ Thầy đọc và giảng giải như thế nào?”
Rồi người hỏi những câu hỏi để thầy Ananda trả lời. Nghe xong, Bụt ngõ lời khen ngợi thầy Ananda. Bụt nói:

“ Lành thay, lành thay! Trong số học trò ta, có người có con mắt, có trí tuệ, nắm được giáo pháp, hiểu được chân nghĩa…”
Bụt khen thầy Ananda giống hệt ngày xưa người khen thầy Kaccana ở thành Vương Xá. Cố nhiên hôm đó nhiều vị khất sĩ có mặt, trong đó có cả vị khất sĩ đã tới báo cáo với Bụt về chuyện thầy Ananda thuyết giảng. Có lẽ lời khen ngợi của Bụt là để chứng minh rằng kiến giải của thầy Ananda cũng vững chãi như kiến giải của thầy Kaccana. Và các vị khất sĩ có thể căn cứ vào đấy mà tu hành. Những câu trả lời của thầy Ananda là phần chủ yếu của kinh A Nan Thuyết ( Trung A Hàm 167), tương đương với kinh Ananda Bhaddekaratta (M 132) của tạng Pali vậy.