Hội thứ chín
HỘI THỨ CHÍN
Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ưa, chẳng cho mà cả; sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần vật; Cu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn Ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng thiên cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
BÌNH GIẢNG
Trong Hội này có nhiều điển tích, và chúng ta sẽ có cơ hội nghe một số công án và những truyền thuyết về các vị tổ sư thiền ở Trung Hoa.
Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Vậy cho hay nghĩa là cho nên chúng ta biết rằng. Cơ quan là những then máy (devices). Cơ quan tổ giáo tức là những then máy, những biện pháp, những phương tiện mà chư tổ đã sử dụng để tháo gỡ những cái kẹt ở trong tâm ta. Tâm ta có những chỗ kẹt, và thầy ta là người thợ chuyên môn gỡ rối giùm ta. Ta sống với thầy thì thầy có bổn phận quán chiếu tâm ta và biết rằng tâm ta đang bị kẹt ở những chỗ nào. Những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những cây gậy, những cái đá, đôi khi những cái đạp nữa, đều là những cơ quan, những then máy. Nếu chúng ta không hiểu đó là những then máy thì chúng ta có thể buồn, chúng ta có thể khổ, chúng ta có thể nói rằng: “Tại sao thầy không đối xử với mình một cách dễ thương?” Đây không phải là vấn đề dễ thương hay không dễ thương. Đây là vấn đề gỡ kẹt cho ta.
Tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang: Có nhiều phương pháp rất khác nhau, nhưng chẳng cách mấy gang, nghĩa là tuy khác như vậy nhưng chẳng xa nhau bao nhiêu. Gang là gang bàn tay. Đôi khi nó chỉ cách hai gang hoặc một phần tư gang thôi, nghĩa là các phương pháp đó tuy rất khác nhau, nhưng kỳ thật chúng giống nhau ở mục đích, ở phương pháp.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu hoàng.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ nghĩa là chúng ta chỉ nên nói những gì đã xảy ra từ thiền sư Mã Tổ trở về sau. Nghĩa là chúng ta hãy duyệt lại một số những cơ quan mà các vị tổ sư thiền đã dùng, bắt đầu từ thiền sư Mã Tổ.
Mã Tổ Đạo Nhất sinh năm 707, tịch năm 786. Mã Tổ Đạo Nhất cùng với thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên, là hai vị thiền sư rất nổi tiếng vào thời đó. Người ta gọi hai vị là Long Tượng, tức là con rồng và con voi của thiền môn, có nghĩa là những thiền sư có tầm cỡ lớn trong cửa thiền.
Ắt đã quên thuở trước Tiêu hoàng: Tiêu hoàng tức là vua Lương Vũ Đế. Vua Lương Vũ Đế sống trong thời đại Nam Bắc triều. Vua là người đã được gặp thầy Bồ-Đề Đạt-Ma khi thầy vừa ở Tây Trúc sang. Lương Vũ Đế tên là Tiêu Diễn cho nên được gọi là Tiêu hoàng.
Vua Lương Vũ Đế ban đầu sùng đạo Nho, nhưng về sau rất tôn sùng đạo Bụt. Vua đã học hỏi và hành đạo rất nhiều. Vì vậy khi nghe tiếng tổ Bồ-Đề Đạt-Ma đến nước Lương thì vua mời tới để tiếp kiến.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên, bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.
Công đức toàn vô tức là không có công đức gì hết! Đó là lời tuyên bố của thầy Bồ-Đề Đạt-Ma. Trong cuộc đối thoại giữa vua Lương Vũ Đế và thầy Bồ-Đề Đạt-Ma, vua hỏi:
– Trẩm đã xây được rất nhiều chùa, tô được rất nhiều tượng và độ được rất nhiều tăng ni, xin hỏi có được công đức gì chăng?
Giống như vua Lương Vũ Đế chờ đợi một lời khen của thầy Bồ Đề Đạt Ma. Ai ngờ thầy trả lời là chẳng có công đức gì hết. Đó là một gáo nước lạnh mà thầy dội lên cho vua. Giống như bây giờ có một sư chú hay sư cô nào đã học bốn năm năm ở Làng Mai, thấy mình khá giỏi, đến khi nghe thầy nói: “Con chưa biết gì hết!” thì sư chú hay sư cô đó chịu không nổi.
Tính chấp si càng thêm lỗi nghĩa là khuynh hướng hay thói quen bị kẹt làm cho tính si mê của ta (vô minh) càng ngày càng lớn. Khổng Tử nói rằng: “Biết rằng mình không biết là bắt đầu biết rồi. Còn người nói mình đã biết rồi tức là người đó chưa biết!” Vì vậy bốn chữ công đức toàn vô giáng xuống như một cái búa, họa may vua có thể thoát ra được ý niệm rằng vua là vị Bồ tát đã từng ủng hộ Phật pháp trong các nước Phật giáo, nhà vua được xưng tụng là Hộ quốc Nhân vương, là một vị Bồ tát. Trong các chùa ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, mỗi ngày rằm, mồng một có lễ chúc tán cầu nguyện cho nhà vua, vì đó là vị Bồ tát Hộ quốc. Bây giờ có một ông thầy chùa bá vơ nào vừa ở Ấn Độ qua lại dám nói rằng việc làm của vua chẳng có công đức nào cả, cho nên vua rất giận!
Quách nhiên, bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang: Quách nhiên có nghĩa là mênh mông, như là hạo nhiên. Bất thức là không biết. Trong cuộc đối thoại với thầy Bồ Đề Đạt Ma, vua hỏi:
– Đệ nhất Thánh đế là gì?
Đệ nhất là cao hơn hết. Đế là sự thật, không thể nào bẻ gãy được. Thánh đế tức là chân lý thiêng liêng, tiếng Anh là Holly truth. Tại vì vua cũng đã học kinh, cũng biết có những chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Với câu hỏi đó vua cũng muốn trình bày, khoe khoang cái hiểu biết của mình. Giống như có vị thiền sinh lên hỏi thiền sư Triệu Châu rằng: “Con chó có Phật tánh không?” Có ý cho thiền sư hay rằng mình cũng biết tất cả mọi loài đều có Phật tánh. Cho nên câu hỏi đó không phải là câu hỏi, mà chỉ là một cách khoe với thiền sư rằng mình cũng biết mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh. Biết vậy cho nên thiền sư Triệu Châu trả lời: “Không có!” Nếu thiền sư nói: “Có, con giỏi lắm!” thì vị thiền sinh đó đâu có lớn lên được! Vị đó càng chấp thêm một ý niệm nữa! Nghe như vậy, vị thiền sinh bị thất điên bát đảo, không biết bám víu vào đâu nữa. Đó là ngôn ngữ của thiền.
Trong câu hỏi đầu của vua Lương Vũ Đế, thầy Bồ-Đề Đạt-Ma đã cho một gáo nước lạnh (công đức toàn vô). Trong câu hỏi thứ hai, thầy đã trả lời: “Quách nhiên vô thánh!” Nghĩa là “chẳng có cái gì là thánh!” Và đó là gáo nước lạnh thứ hai. Quách nhiên là mênh mông. Vô thánh là không có gì thiêng liêng hết, tôi dịch là absolutely nothing Holly, tuyệt đối không có gì gọi là thánh cả. Tại vì vua bị kẹt vào chữ thánh đế (sự thật tuyệt đối) cho nên câu trả lời của thầy Bồ Đề Đạt Ma là để gỡ cái kẹt của vua. Ngược với thánh đế là phàm đế, là sự thật ở ngoài đời, còn gọi là tục đế (sự thật tương đối).
Khi học Phật, ta thường chỉ thích nói đến sự thật tuyệt đối (bản môn) hơn là tương đối (tích môn). Có hai cái, tại sao ta lại không chọn cái oai hơn? Vua cũng như ta vậy thôi, chỉ ưa nói chuyện bản môn! Cũng như khi nói: “Thế nào là pháp thân thanh tịnh?”. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Nước tiểu của con ngựa là pháp thân thanh tịnh!”. Đó là cơ quan tổ giáo. Tại vì người hỏi bị kẹt vào chữ thanh tịnh, bị kẹt vào lưỡng nguyên. Pháp thân thì làm gì có dơ, có sạch mà nói pháp thân thanh tịnh? Đi tìm cái thanh tịnh ở ngoài cái không thanh tịnh là một lỗi lầm rất lớn. Thành ra vị thiền giả bị kẹt vào ý niệm thanh tịnh được Tuệ Trung Thượng Sĩ dùng một cái then máy gọi là “vũng nước đái của con ngựa” để mà tháo gỡ. Còn vua Lương Vũ Đế bị kẹt vào ý niệm thánh đế được thầy Bồ-Đề Đạt-Ma dùng cái then máy gọi là “Vô thánh” để tháo gỡ.
Sau khi nghe như vậy (quách nhiên vô thánh), vua vẫn chưa hiểu được, bèn hỏi:
– Vậy người đang đối thoại với trẫm là ai vậy? Ngài là ai mà lại dám nói ra những câu không đúng với kinh sách như vậy?
Cái ý có thể là như vậy. Bồ-Đề Đạt-Ma trả lời:
– Bất thức.
Bất thức là không biết. Đây là gáo nước lạnh thứ ba! Hai chữ bất thức này trở nên rất nổi tiếng. Nếu chúng ta đi vào các thiền viện thì thế nào cũng tìm ra hai chữ “bất thức” được viết ở phía dưới của bức tranh vẽ Bồ-Đề Đạt-Ma. Tranh đó đi tìm ở thiền viện nào cũng có. Nhưng rốt cuộc những câu này cũng làm cho người ta bị kẹt rất nhiều.
Từ khi Bồ-Đề Đạt-Ma qua Trung Quốc, thầy đã tạo ra ba cái bẫy, và không biết bao nhiêu người Trung Hoa và người Việt Nam bị kẹt vào ba cái bẫy đó. Tại vì ta dùng cái then máy để gỡ giùm cho người ta, nhưng đôi khi người ta lại kẹt vào cái then máy của ta! Ví dụ có cậu bé không thấy mặt trăng. Nó nói trăng ở đâu mà sư ông Làng Mai cứ nói đến trăng hoài. Thì sư ông mới đưa ngón tay chỉ về hướng mặt trăng. Nhưng cậu bé lầm tưởng ngón tay là mặt trăng nên nói: “Trăng gì mà kỳ vậy?”
Vì vậy cho nên những then máy đó trở thành đối tượng của sự thực tập, và chúng ta phải có khả năng đốt cháy những then máy này. Còn nếu chúng ta chỉ là những người hiếu thảo, thầy nói gì nghe đó, không dám sai lời, thì chúng ta lại kẹt thêm một lần nữa! Vì vậy người thiền sinh là phải thông minh.
Lúc thiền sư Triệu Châu còn tại thế, có một thiền sinh đến hỏi ngài:
– Bạch thầy, chủ đích của thầy Đạt-Ma khi qua Trung Quốc là để làm gì?
Tại vì câu hỏi đó rất phổ thông trong thiền giới, nó trở thành một công án rất nổi tiếng. Thiền sư thấy sư chú này theo đòi phong trào cho nên thiền sư chán quá. Thay vì trả lời, thiền sư hỏi:
– Chú có thấy cây tùng ở trước sân không? (Đình tiền bách thọ tử)
Đình tiền là trước sân. Bách thọ là cây tùng. Ở trước sân có mấy cây tùng rất đẹp, vậy mà sư chú đi ra đi vào không thấy nó, cái đầu chỉ bị kẹt vào chuyện thầy Đạt-Ma qua đây làm gì! Sống không có ý thức, không thấy được cái đẹp, không thấy được cái mầu nhiệm, không về được quê hương đích thực mà chỉ bị kẹt vào những ý niệm về giáo lý, cho nên thầy Triệu Châu mới nhắc sư chú nhìn cây tùng trước sân. Thành ra cây tùng đó là một cái then máy. Không biết sư chú đó thực tập ra làm sao, hay là về ngồi thiền và nói: “Cây tùng, cây tùng, cây tùng, cây tùng trước sân!” Có thể sư chú sẽ hành động một cách thiếu thông minh như vậy! Đâu biết được!
Ở đời này có nhiều người thực tập như vậy đó. Miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, nhưng trong lòng thì không có Phật, chỉ có những phiền não. Cũng giống như khi tụng Lăng Nghiêm hay Bát Nhã vậy, nhiều khi ta chỉ biết chú trọng tới âm điệu như hát vậy thôi, chứ trong tâm ta không có định, không có niệm. Những cái đó trở thành những cái kẹt của ta. Thành ra chúng ta đừng cười. Đôi khi ta cũng chính là sư chú đó, sư cô đó, ta cũng đang bị kẹt vào các then máy của các vị tổ sư.
Các vị có biết rằng các vị làm khổ chúng con không? Các vị đã làm ra những then máy và bây giờ chúng con kẹt cứng vào những chỗ đó. Mà ý của các vị là để gỡ cho chúng con khỏi kẹt. Ai dè chúng con đã kẹt một lần rồi, lại kẹt thêm một lần thứ hai.
Đình tiền bách thọ tử trở thành một công án rất nổi tiếng trong tỉnh Hà Bắc. Rồi nổi tiếng luôn cả nước Trung Quốc. Cho đến nỗi có một thầy ở cách đó tới mấy ngàn cây số, nghe tiếng công án “Cây tùng trước sân“ mới lấy làm thích thú, chống gậy lên đường đi lên miền Bắc để gặp thiền sư Triệu Châu mà hỏi cho ra công án “Cây tùng trước sân”. Nhưng rủi thay, khi tới được chùa của thiền sư Triệu Châu thì thiền sư đã tịch rồi. Buồn quá ông khóc than, nên có người mách nước:
– Thầy tịch rồi thì tới tham vấn với đệ tử lớn của thầy.
Ông ta mừng quá, vào gặp vị chủ tòa và nói:
– Bạch ngài, xin ngài cho con biết thế nào là cây tùng trước sân.
Thầy chủ tòa nói:
– Cây tùng nào vậy? Tôi đâu có nghe nói đến cây tùng hồi nào?
Vị tăng khách ngạc nhiên hết sức, tại vì cái công án “Cây tùng trước sân” nó nổi tiếng cho đến nỗi tất cả nước đều nghe, mà tại sao ngay chùa gốc, vị chủ tòa lại không nghe nói tới cây tùng trước sân? Đó là chuyện không thể nào tưởng tượng được!
– Thầy không biết hả? Cả nước nói tới chuyện đó, mà ngay tại chùa chính này thầy lại không biết có chuyện đó, thì con không thể nào tin được!
Ông đâu biết rằng thầy chủ tòa đang muốn gỡ kẹt cho ông. Thầy chủ tòa bèn nhìn vào trong mắt của vị khách tăng và nói:
– Thầy tôi chưa bao giờ nói tới cây tùng trước sân cả, thầy đừng vu oan giá họa cho thầy tôi như vậy.
Vị khách tăng hoàn toàn mất phương hướng, không biết làm gì cả! Thầy chủ tòa rất thông minh, thầy biết rằng vị khách tăng này đã bị kẹt quá sâu vào cái công án cây tùng, cho nên thầy đã tìm cách gỡ giùm cho ông ta. Bề ngoài thì giống như thầy nói láo hay thầy thật sự không biết, nhưng kỳ thực thầy biết rằng biết bao nhiêu người đã ngã quỵ, đã bị kẹt vào công án cây tùng.
Năm ngoái khi thầy trò Làng Mai chúng tôi gần 20 người đến thăm chùa của thầy Triệu Châu ở Hà Bắc, bước vào thì thấy trước cổng đề tên chùa là Bách Lâm Tự. Bách tức là cây tùng, Lâm là rừng, Chùa Rừng Tùng. Tôi quay lại nói với các thầy, các sư cô:
– Một cây tùng mà người ta đã chết rồi, người ta đã khổ vì kẹt như vậy rồi, nay là một rừng tùng thì người ta sẽ khổ biết bao nhiêu mà kể!
Tới thăm chùa Bách Lâm, tôi nói một pháp thoại cho đại chúng ở chùa và tôi tìm cách để đốn tất cả những cây tùng đi. Tôi đã nói rằng chúng tôi ở xa tới không có quà gì lớn, chỉ có cái cưa để lại đây. Quí vị nên cưa hết tất cả những cây tùng ở đây đi! Đó là giúp Tổ, đó là có hiếu với Tổ.
“Bất thức” là không biết. Người đối diện với trẫm là ai vậy? Tổ trả lời: “Tôi không biết!” Sau buổi đàm thoại đó thì cả hai bên đều không cảm thấy hài lòng, và thầy Bồ-Đề Đạt-Ma bỏ nước Lương vượt sông sang nước Ngụy. Sau đó Lương Vũ Đế thuật lại cuộc đối thoại cho một ông quan tên là Chí Công. Chí Công hỏi:
– Bệ hạ có biết người đó là ai chăng?
Làm như là ông có biết! Vua Lương Vũ Đế nói:
– Không biết.
Chí Công nói:
– Đó là hiện thân của đức Quan Thế Âm Bồ tát, đi sang đây để truyền tâm ấn của Bụt.
Nghe nói như vậy, vua Lương Vũ Đế hối hận, bèn cử một phái đoàn đuổi theo để mời thầy Bồ-Đề Đạt-Ma trở lại. Chí Công mới nói rằng:
– Tâu bệ hạ, vô ích! Dù tất cả mấy trăm triệu dân nước này, đuổi theo khóc lóc chưa chắc người đó đã trở lại, huống hồ là gởi một phái đoàn.
Vua nghe vậy nên không gởi phái đoàn nữa. Đó là những điều đã được ghi chép lại trong sách.
Khi nghe những câu chuyện như vậy chúng ta phải cẩn thận, tại vì câu chuyện đó có thể là một cái then máy; có thể nó không phải là sự thật mà nó chỉ phản ảnh ý nguyện của người kể chuyện để giúp ta tháo gỡ một cái kẹt mà thôi. Nếu lôi thôi thì chúng ta cũng sẽ bị kẹt vào cái đó luôn! Dễ lắm, chúng ta sinh ra là để bị kẹt mà, phải không?
Khi nghiên cứu sử liệu, người ta thấy rằng Chí Công qua đời năm 514, mà Bồ-Đề Đạt-Ma mãi đến năm 520 mới bước chân vào đất Ngụy. Vậy thì làm sao có vụ này xảy ra?
Thành ra khi nhìn vào công án này, chúng ta phải xét cái tâm của người kể chuyện, chứ đừng bị kẹt vào cái ý niệm đây là chuyện có thật đã xảy ra. Chúng ta cũng đừng vội tin vào ý niệm Lương Vũ Đế là người như thế đó, và Bồ-Đề Đạt-Ma là người như thế kia. Chưa chắc là đúng.
Khi Bồ-Đề Đạt-Ma vượt sông đi lên miền Bắc nước Ngụy thì Tổ không tiếp xúc với ai hết. Suốt chín năm ngài ngồi quay mặt vào vách. Tại sao lại phải ngồi quay mặt vào vách đến chín năm? Đó là câu hỏi mà tôi đã đặt ra. Nếu quả thật ta đã giác ngộ rồi, ta đã có niềm vui, ta đã có tuệ giác, ta đã có hạnh phúc rồi, thì tại sao không dùng chín năm đó để hóa độ mà lại ngồi quay mặt vào vách? Hay là vì vua Lương Vũ Đế hỏi một câu mà Tổ không trả lời được: “Người ngồi trước mặt tôi là ai?” “Không biết!” Chữ “không biết” đó có thể là rất thành thật! Tôi chưa tìm ra được tôi. Vì vậy mà tôi phải ngồi đến chín năm để tìm ra tôi!
Chúng ta là học trò, chúng ta là thiền giả, chúng ta phải dùng trí tuệ của chúng ta, tại vì ta đâu có gì nữa? Ta chỉ có sự quán chiếu và trí tuệ của ta. Ta đâu phải là tín đồ mà ai nói gì cũng phải nghe. Rất nhiều điều trong kinh sách, trong các bộ luận, đôi khi trái chống nhau, tại sao chúng ta phải gánh hết tất cả những cái đó trên hai vai của chúng ta? Chúng ta phải có tự do, phải có khả năng quán chiếu. Tại sao Tổ vào nước Ngụy ngồi quay mặt vào vách trong chín năm? Nếu đó không phải là để giải quyết một cái công án, một cái then máy mà do chính Lương Vũ Đế đưa ra? Ai đóng vai thiền sư trong câu chuyện này, Lương Vũ Đế hay Bồ-Đề Đạt-Ma? Xin mời đại chúng tham khảo.
Sau đó, vì tổ Bồ-Đề Đạt-Ma ngồi cửu niên diện bích, cho nên người ta gọi Tổ là “ông Bà La Môn ngồi quay mặt vào vách”. Chín năm sau mới có một thiền sinh tên là Huệ Khả đi tới, nhưng đó là chuyện của hồi sau phân giải. Bây giờ chúng ta trở lại với Hội thứ Chín.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi. Quách nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang: Tai ta là tai của người ngu, tức chưa phải là tai có thể nghe và hiểu được, gọi là tai ngu. Câu trên là tính chấp, còn câu dưới là tai ngu. Mảng là một từ cổ, có nghĩa là nghe. Ví dụ như trong câu “Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng” tức là nghe tin thì xiết nỗi kinh hoàng. Tai ngu mảng ắt còn vang có nghĩa là cái lỗ tai u mê của ta khi nghe những chữ đó thì âm hưởng của nó còn vang lại ở trong đầu ta: nào là Công đức toàn vô; Quách nhiên vô thánh; Bất thức v.v…, những tiếng đó dội lại trong lỗ tai ngu của ta và chúng ở lại với ta rất lâu! Nếu thông minh thì ta có thể sử dụng được những chữ đó làm phương tiện để gỡ kẹt cho mình.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ, tức là nói về tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, sơ tổ của thiền tông Trung Quốc. Ngài sinh ở bên nước Thiên Trúc, chết ở chùa Thiếu Lâm, và được chôn một cách không kỹ lắm ở chân núi Hùng Nhĩ. Núi Hùng Nhĩ rất nổi tiếng. Người ta đồn rằng sau khi chôn thiền sư rồi thì có người gặp thiền sư đang vượt biển trở về Ấn Độ và chỉ mang theo có một chiếc dép. Cho nên người ta đã tới chân núi Hùng Nhĩ, đào ngôi mộ của ngài lên, giở nắp hòm ra thì không thấy nhục thân của thiền sư mà chỉ thấy có chiếc dép thứ hai mà thôi. Đó là những truyền kỳ người ta đã xây dựng chung quanh nhân vật Bồ-Đề Đạt-Ma. Tức là ngài không chết, ngài trở về Thiên Trúc.
Trong khi đó thiền sư Thường Chiếu đã trả lời lúc đệ tử hỏi:
– Bạch thiền sư, một người đắc đạo như thiền sư mà cũng phải tùy chết đi như thế tục hay sao?
Tức là ông ta muốn so sánh Bồ-Đề Đạt-Ma làm được như vậy thì thầy của mình có làm được như vậy không. Thiền sư Thường Chiếu nói:
– Tại vì ta muốn giống như mọi người cho vui!
Đó cũng là một cách trả lời. Thiền sư Thường Chiếu không muốn nói những chuyện kia là chuyện người ta bịa đặt ra, không ích lợi gì cả. Có thiền sư còn nói: “Đừng nghe những tiếng chó sủa trăng làm gì cho mệt! Họ đặt ra những chuyện đó!” Ví dụ như chuyện từ cái thất của tổ sư, ban đêm tôi thấy ánh hào quang chiếu ra! Đó là những điều không quan trọng bằng chuyện anh có thể gỡ được những cái kẹt hôm nay của anh để anh đừng có buồn, đừng có giận, đừng có ganh, đừng có chấp. Làm được những cái đó còn quan trọng hơn là anh phóng hào quang! Tại nếu cần ánh sáng thì anh có thể mượn sư em, sư chị cái đèn pin để dùng!
Thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang
Ai cũng biết câu này là nói về tổ thứ Sáu. Tổ thứ Năm là Hoằng Nhẫn, có nhiều học trò giỏi, trong đó có một vị thương tọa tên là Thần Tú. Thần Tú là một vị giáo thọ lớn, thường thay thầy để nói pháp thoại cho đại chúng, và là người anh cả trong tăng thân mà ai cũng thương, cũng mến phục.
Một hôm tổ Hoằng Nhẫn nói:
– Bây giờ các con trong đại chúng mỗi người làm cho thầy một bài kệ kiến giải, tại vì thầy muốn trao truyền cái tâm ấn của thầy cho người làm bài kệ kiến giải hay nhất.
Tức là thiền sư cho làm bài thi! Và người nào làm được bài kệ kiến giải hay nhất sẽ thừa kế cái pháp của thầy, sẽ được nhận áo Cà-sa và bình bát của thầy.
Mọi người đều nôn nao, nhưng có nhiều người có mặc cảm: “Sức mấy mà mình được tiếp thọ cái y bát đó. Có những thầy quá giỏi như thầy Thần Tú, mình sức mấy mà chen vào đó được!” Cho nên nhiều người không chịu làm. Thầy Thần Tú cũng có làm một bài nhưng thầy không trình lên, tại vì thầy thấy các sư em thầy có nhiều người giỏi mà tại sao họ không làm? Cho nên tuy làm rồi, nhưng thầy cất trong túi áo.
Một hôm tổ Hoằng Nhẫn nhắc:
– Sao lâu quá mà chưa ai trình kệ kiến giải cả vậy?
Đêm đó thầy Thần Tú mới viết bài kệ kiến giải của mình lên trên một tấm vách. Bài kệ kiến giải đó là:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức.
Mạc sử nhã trần ai.
Bài kệ này có nghĩa là thân ta như một cây Bồ đề, tâm ta như một đài gương sáng. Ta phải luôn luôn (thời thời) phủi (phất) và lau chùi nó (phất thức). Mạc sử nhã trần ai là đừng có để cho bụi bặm bám vào. Nếu quí vị muốn biết thêm chi tiết của sự kiện này thì xin đọc kinh Pháp Bảo Đàn.
Theo ý của tôi thì bài này hay lắm, và nó rất thực tế. Sự tu hành của ta không phải là tu tâm không thôi mà còn phải tu thân nữa. Không phải là vấn đề của thân (sycho) cũng không phải là vấn đề của tâm (soma) không thôi. Vấn đề là tu cả hai, thân và tâm. Chữa bệnh cũng vậy, ta cũng phải để ý chữa cả thân lẫn tâm. Chăm sóc cả hai phần thì nó dễ thành công hơn. Đó là nguyên tắc y khoa ngày nay. Khi chữa bệnh, bác sĩ phải biết cái tâm và cái thân của người đó. Chữa bệnh tâm phải biết về thân, chữa bệnh thân phải biết về tâm. Đó là phương pháp mới của trị liệu.
Thân thị bồ đề thọ, tâm như minh cảnh đài, thời thời thường phất thức, Mạc sử nhã trần ai. Tu là phải như vậy. Mỗi ngày thường phải phủi bụi, đừng để cho bụi bặm bám vào và phải lau sáng đài gương của mình. Tại vì đài gương soi chiếu để cho ta thấy. Đây là công phu hàng ngày. Như vậy ta thấy bài này đi đôi với phương pháp tu chánh niệm rất hay!
Đứng về phương diện văn học mà xét thì khuyết điểm của bài này là không nói gì về cây bồ đề hết. “Thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng”, hai câu đồng đều với nhau. Nhưng hai câu chót lại chỉ để giải thích câu thứ hai, còn câu thứ nhất thì lẻ loi một mình, không làm gì cả: không làm những động tác chánh niệm, không ăn uống cho đàng hoàng, không đưa vào thân thể những độc tố. Đó là sự khiếm khuyết của thượng tọa Thần Tú.
Thành ra các thầy, các sư cô, sư chú phải học cho được bài học đó. Sau này dạy đệ tử thì phải cho họ tập thiền chạy, phải cho họ ăn uống cho đủ chất bổ nhưng đừng bao giờ ăn chất độc vào.
Tuy thầy Thần Tú có nói thân là quan trọng, nhưng thầy không dạy ta làm sao để tu thân. Hay thầy nghĩ chỉ có bốn câu làm sao nói hết được? Đó là chúng ta thanh minh giùm cho thầy Thần Tú! Nếu không đủ, tại sao thầy không cho sáu câu hay tám câu?
Buổi sáng hôm đó, tổ Hoằng Nhẫn đi ngang qua, thấy bài này, Tổ gật đầu khen hay, rồi dạy đại chúng thực tập theo bài này. Các sư em thấy Tổ khen nên nghĩ rằng chắc bài này hay thật. Thường là thầy thì có “kí-lô” lắm. Thầy nói gì thì chắc là đúng, nhất là tác giả của bài kệ này là một vị giáo thọ rồi. Có gì ngờ vực nữa đâu! Hơn nữa Ngũ Tổ cũng có nói: “Nếu chúng ta thực tập theo bài này thì chúng ta sẽ thành công, sẽ có hạnh phúc, sẽ đạt đạo. Và chúng ta nên đem hương trầm để đốt lên cúng dường bài này.” Cả chúng đều rất hãnh diện vì trong đại chúng có một sư anh rất giỏi. Chúng ta có thể tưởng tượng được một cảnh tượng rất đẹp: Tất cả các sư em, mấy vị ở dưới bếp cũng vậy, đều lên quỳ trước bài kệ đó, đốt hương lên, chắp tay cung kính. Thầy trò vui sướng lắm!
Trong khi đó, ở dưới bếp có một anh chàng tên là Huệ Năng, không lên tham dự vì anh ta bận giã gạo, chùi nồi. Nghe đồn rằng anh chàng này không biết chữ, thành ra có lên cũng chịu thua. Nghe đồn thôi, không chắc là anh chàng không biết chữ! Đôi khi người ta nói quá như vậy. Anh chàng này nguyên ở Lĩnh Nam (có thể là ở vùng Bắc Việt hiện nay) lên đó tu học. Sách sử không nói rõ, chỉ nói chàng quê ở Lĩnh Nam. Khi thấy đại chúng xôn xao, có vẻ hí hửng, có vẻ hạnh phúc như vậy thì anh chàng ở dưới bếp mới hỏi:
– Có chuyện gì mà vui như vậy thưa mấy sư anh?
Mấy sư anh mới nói:
– Chú ở dưới bếp nên chú có biết gì đâu! Chuyện này vui lắm! Đó là việc thượng tọa Thần Tú vừa trình một bài kệ và tất cả mọi người trong tăng thân đều rất hứng khởi. Thầy có nói rằng nếu thực tập theo đúng bài này thì sẽ thành công trong sự tu học, nên mọi người đã đốt hương cúng dường. Tối nay chùi nồi xong, lau nhà bếp xong, tôi sẽ đọc cho chú nghe.
Huệ Năng nói: “Dạ”.
Tối hôm đó sư anh kia mới đưa Huệ Năng lên và chỉ vào bức tường ở nhà ngang rồi đọc bài đó cho Huệ Năng nghe, xong rồi hỏi:
– Hay không?
Thầy Huệ Năng nói:
– Dạ hay. Em cũng có một bài.
Thầy kia giật nẩy mình! Anh chàng này mà cũng có một bài kệ để trình lên! Thầy lắc đầu:
– Chú mới tu, làm việc ở dưới bếp, làm sao mà trình kệ kiến giải được? Sức mấy mà chú tranh đua kịp với thượng tọa Thần Tú, sư anh của chúng tôi?
Theo lời thuật lại của kinh Pháp Bảo Đàn thì thầy Huệ Năng nói:
– Đừng nên chê, đừng nên có thành kiến như vậy. Tuy là sư em không có biết chữ, nhưng sự chứng ngộ không tùy thuộc vào chữ nghĩa. Tính giác ngộ thì mọi người đều có, tại sao lại phân biệt Nam Bắc, tại sao lại phân biệt biết chữ và không biết chữ, tại sao phân biệt mới tu hay tu lâu năm? Thành ra sư anh cứ viết giùm bài kệ cho sư em đi!
Người sư anh đó cũng chịu chơi cho nên đáp lại:
– Như vậy là sư em có can đảm lắm, có chí khí lắm, nếu sau này được thầy chấp nhận và trao truyền giáo pháp thì sư em nhớ tới sư anh nghe!
Trong lúc đó hình như đại chúng đã đi ngủ hết. Người sư anh mới bắt một cái ghế leo lên, cầm cây bút nhúng vào dĩa mực, còn Huệ Năng thì đốt cây đuốc nhỏ đưa lên. Trong ánh sáng mù mờ đó Huệ Năng đọc cho người sư anh viết xuống bài kệ của mình:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệt phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhã trần ai
Bài này có tính cách gây gổ. “Làm gì có cái cây gọi là cây Bồ đề? Làm gì có một cái đài gọi là đài gương sáng?” Nó giống như là một lời phủ định. Tại vì trong kinh điển Bụt nói rất rõ là từ trước đến nay không có một vật nào thật sự là có hết! (Bản lai vô nhất vật). Như vậy thì cái bụi bặm mà anh nói đó nó bám vào chỗ nào?
Theo tôi, chúng ta có thể nói một cách khác, nhìn một cách khác, mà đừng tiếp tục nhìn và hiểu theo cách của người đi trước. Trước hết, ta có thể nói rằng hai bài kệ này có thể được viết ra dưới hai nhãn quan khác nhau. Một bên là nói về bản môn, một bên là nói về tích môn, như vậy không có nghĩa là bản môn hay hơn tích môn. Có thể là ông nói gà, bà nói vịt, nhưng ông nói cũng đúng, bà nói cũng đúng. Thật sự giữa hai bài không có sự đối thoại! Tưởng như có đối thoại, tưởng như bài này bẻ bài kia, nhưng kỳ thực hai người đứng trên hai bình diện khác nhau.
Nhưng nếu đúng là giáo lý chân thật của Bụt thì hai bài kệ phải có liên quan với nhau. Bản môn là bình diện bản thể, còn tích môn là bình diện hiện tượng. Bản môn là nước, mà tích môn là sóng. Sóng rất khác với nước, nhưng đồng thời sóng cũng là nước. Bản môn với tích môn tuy là hai nhưng chúng dính vào nhau, chúng là một.
Ví dụ chúng ta có bài tập Giận nhau. Sư anh giận sư em, hay sư em giận sư chị. Theo phương pháp thực tập của tôi đưa ra là khi giận nhau và chúng ta làm khổ nhau, thì chúng ta phải thực tập bài kệ mà chúng ta đã thiết lập ra từ giáo lý kinh Pháp Hoa Tam Muội:
Giận nhau trong tích môn.
Nhắm mắt nhìn mai sau.
Trong ba trăm năm nữa.
Em đâu và tôi đâu?
Khi giận sư em hay sư chị thì phương pháp thực tập là ta đừng nói gì hết, ta nhắm mắt lại. Người kia đang ở trước mặt ta, ta ghét quá trời, ta không muốn nhìn thấy người đó nữa, hoặc ta sắp nói một câu để người đó đau cho bỏ ghét! Nhưng theo pháp môn này thì đừng nói gì hết. Nhắm mắt lại, thở vào một hơi, ta nói: Giận nhau trong tích môn.
Thở ra: Nhắm mắt nhìn mai sau.
Thở vào: Trong ba trăm năm nữa.
Thở ra: Em đâu và tôi đâu?
Chỉ cần nhắm mắt lại mà quán chiếu trong ba trăm năm nữa ta sẽ như thế nào và sư chị của ta sẽ như thế nào? Lúc đó cả hai người đều tịch mịch, đều trở về bản môn. Chỉ cần thở như vậy mấy hơi thì mọi giận hờn đều tan biến cả, và điều ta muốn làm trong lúc đó là ta muốn ôm lấy sư chị hay sư em của ta mà thôi. Tại vì giận nhau như vậy là dại vô cùng! Có được thời gian sống với nhau dưới ánh sáng mặt trời, có thầy, có bạn, có con đường thiền hành, có những bước chân thảnh thơi mà không thừa hưởng lại đi giận nhau như vậy là uổng quá chừng!
Vậy thì bản môn là thời gian vô cùng và không gian vô biên. Còn tích môn là giờ phút hiện tại. Khi thực tập như vậy, ta tiếp xúc với bản môn, và tự nhiên cái tích môn của ta trở nên tươi sáng hơn, dễ chịu hơn trước.
Thành ra bài kệ kiến giải của thầy Thần Tú được viết ra trên bình diện tích môn (historical dimension), còn bài kệ của thầy Huệ Năng được viết ra trên bình diện bản môn (ultimate dimension). Vì vậy cho nên đem hai bài so sánh với nhau, cho rằng bài này hay hơn bài kia, là chuyện làm không đúng. Cách nhìn này có thể là một sự sửa chữa lại cách nhìn sai lầm đã có từ hàng ngàn năm nay.
Bài kệ của thầy Huệ Năng cũng đúng về giáo lý, đúng với cái nhìn của Bát Nhã về Không Quán. Nhưng thầy Thần Tú cũng đúng. Theo tôi, bài của thầy Thần Tú có ích lợi hơn cho sự thực tập hàng ngày của người tu, nó thiết thực hơn. Còn bài của thầy Huệ Năng dễ đưa chúng ta vào thế giới của hí luận, của khái niệm.
Chúng ta phải đem cái thông minh và quyền tự do của chúng ta ra để quán chiếu, đừng để bị ảnh hưởng, đừng để bị uy hiếp bởi thầy, bởi các Tổ. Tại vì các thầy, các Tổ có cái nhìn của các vị, ta phải có cái nhìn của ta. Các thầy các Tổ sẽ đồng ý với ta về chuyện đó. Ta không phải là một tên nô lệ. Tu là để có tự do nhận thức của mình. Ta cũng làm Thầy làm Tổ được, ta cũng làm Bụt được. Vì vậy cho nên nếu ta học theo thói quen chỉ là nô lệ thôi thì không bao giờ ta đáp ứng được ơn của Thầy và của Tổ.
Thành ra trong tâm thức của những người thiền sinh, họ nói bài của thầy Huệ Năng hay hơn, là bài đạt đạo, và họ bác bỏ bài của thầy Thần Tú. Đó là một sai lầm rất lớn! Họ có thể thắp hương cúng dường bài của thầy Huệ Năng, nhưng họ không thể không thực tập bài của thầy Thần Tú! Chúng ta tuy là con cháu của Nam tông, nhưng ta không kỳ thị Bắc tông. Bắc tông là Thần Tú, Nam tông là Huệ Năng. Người ta thường nói Nam Năng, Bắc Tú. Ta là con cháu của Nam Năng, nhưng ta cũng là con cháu của Bắc Tú. Bắc Tú không phải là đối lập với ta. Phải như vậy thì ta mới vươn lên được.
Tăng thân của tổ Hoằng Nhẫn cũng chưa hay lắm. Nói vậy mà ta không sợ mang tội. Tại vì chính ngay tăng thân của Bụt thỉnh thoảng cũng có những bê bối, và tăng thân của Bụt có lúc cũng bị chia ra làm hai, chống đối nhau. Chúng ta phải nhìn vào sự thật, chúng ta phải nhìn vào tăng thân của tổ Hoằng Nhẫn và thấy rằng họ chưa toàn bích. Trước đó họ đốt hương cúng dường bài kệ của thượng toạ Thần Tú. Nhưng buổi sáng thức dậy, họ thấy có một bài khác, đọc rúng động, rồi nói bài này hay hơn bài kia, rồi thì xôn xao, bàn tán, như cái chợ. Khi nghe ồn như vậy, tổ Hoằng Nhẫn từ trong phương trượng đi ra và hỏi:
– Gì mà ồn quá vậy các con?
– Dạ không biết người nào vừa viết thêm một bài kệ mà ghê gớm quá. Hôm qua chúng con tin bài kệ kia là số một, nhưng hôm nay chúng con thấy bài kệ này còn hay hơn!
Tổ Hoằng Nhẫn nói:
– Bài ra sao đọc cho thầy nghe coi. Bài của ai viết vậy? Có người thưa:
– Dạ của sư chú giã gạo ở dưới bếp, chú chưa được thọ sa di mà chỉ đang tập sự xuất gia thôi.
Khi đọc lên, theo lời ghi chép lại, Tổ thấy bài kệ này là chứng đạo, nhưng sợ động chúng và sợ mất uy tín của Thượng tọa Thần Tú (vì Thượng Tọa tu đã mấy mươi năm nay, bây giờ bị một tên đàn em vô danh tiểu tốt, mới tới có mấy tháng, đánh ngã thì còn thể thống gì của thiền viện nữa!), cho nên Tổ nói:
– Bài này cũng tạm được, nhưng làm sao bằng bài kia? Cũng chưa chứng đạt.
Rồi Tổ lấy chiếc giầy rơm xóa bài thứ hai đi.
Chưa chắc Tổ đã làm như vậy. Chúng ta hãy cẩn thận. Tôi không tin rằng tổ Hoằng Nhẫn đã làm như vậy. Đây là qua lời thuật lại của những người sau. Chúng ta sống ở trong những truyền kỳ thì rất nhiều, còn sự thật thì rất ít. Chúng ta phải khôn khéo mới khỏi bị kẹt. Tại vì còn rất nhiều chứng thư khoa học cho chúng ta thấy rằng có những thêu dệt của Nam tông để đưa lại uy tín cho Nam tông và triệt hạ uy tín Bắc tông, những thêu dệt đó không ăn khớp với những sự thật của lịch sử.
Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đang nghe một câu chuyện. Chúng ta đừng vội tin ngay rằng những chi tiết của câu chuyện đó là phản ảnh những sự thật đã xảy ra. Phải đề cao cảnh giác lắm mới được. Tuy nó có thể không phải là sự thật, nhưng đó là từ tâm của một con người nói ra, và chúng ta đang nhìn vào tâm của người kể chuyện. Tâm của người kể chuyện là một sự thật. Khi nghe một câu chuyện, chúng ta phải tỉnh táo, phải nhìn vào câu chuyện đó và phải thấy cho được tâm của người kể chuyện mà đừng vội tin vào những chi tiết.
Vậy thì người kể chuyện nói rằng tổ Hoằng Nhẫn tuy thấy bài kệ thứ hai phản chiếu được sự đắc đạo, sự giác ngộ, nhưng Tổ đã không công nhận trước đại chúng, tại vì Tổ sợ nguy cho tánh mạng và sự an ninh của Huệ Năng. (Hay là Tổ sợ thượng tọa Thần Tú buồn?) Tổ sợ cái gì mà Tổ lấy chiếc giầy rơm của mình để xóa bài của Huệ Năng, và nói bài của chú Huệ Năng chưa đạt đạo? Sự thật như thế nào thì chúng ta không biết. Đây là chuyện đã được kể lại trong kinh Pháp Bảo Đàn. Thầy Thần Tú có thể giỏi, thầy Huệ Năng có thể giỏi, nhưng trong tăng thân có nhiều kỳ thị, có nhiều ganh ghét, có nhiều sự a dua. Cố nhiên là có thể có những chất thánh ở trong tăng thân, nhưng những chất phàm ở trong tăng thân qua câu chuyện đó được hiện ra rất rõ.
Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Bài này cũng chưa thấy đạo”, rồi lấy chiếc giầy rơm mà xóa đi. Chúng ta hãy quán chiếu cho kỹ, đừng vội lên án, đừng vội chê trách, nó có thể thế này, có thể thế kia, nó có thể được bày đặt ra để gây uy tín cho Nam tông.
Chiều hôm đó, Tổ đi xuống nhà bếp và thấy Huệ Năng đang giã gạo. Tổ không hỏi mà chỉ nói:
– Chà, giã gạo cực dữ à con! Gạo đã trắng chưa con?
Hình như Huệ Năng nói dạ trắng rồi hay sao đó, không quan trọng lắm. Mời quý vị đọc kinh Pháp Bảo Đàn để rõ. Rồi Tổ mới dùng cây gậy gõ ba lần lên chiếc cối đá.
Huệ Năng hiểu, và canh ba hôm đó, Huệ Năng một mình đột nhập vào phòng của Tổ. Hai thầy trò gặp nhau. Tổ đem kinh Kim Cương để dạy cho Huệ Năng, và trao cho Huệ Năng cái áo cà-sa và bình bát của mình, rồi nói với Huệ Năng phải lập tức đi về phương Nam để hành đạo. Như vậy là trong căn phòng nhỏ bé của Tổ đã xảy ra một lễ truyền đăng chui!
Tại sao phải như vậy? Tại vì tăng thân đó chưa có khả năng chấp nhận chuyện truyền đăng cho một người dở nhất, cho người trẻ nhất, cho người không biết chữ gì hết ở trong tăng thân! Nếu công khai làm truyền đăng, như vậy là tạt một gáo nước vào những vị thông minh, những vị học thức cao ở trong tăng thân, trong đó có thượng tọa Thần Tú.
Một lần nữa tôi mời quí vị tham cứu chứ đừng đọc kinh rồi nhắm mắt nghe người ta nói gì thì tin cái đó. Phải dùng cái thông minh của mình.
Ngũ tổ còn làm hơn thế nữa. Tổ đưa Huệ Năng ra bờ sông, ở đó đã có một chiếc thuyền đợi sẵn. Tổ nói:
– Thầy sẽ đưa con đi một đoạn đường.
Huệ Năng thưa:
– Khi con còn một mình và chưa chèo chống được, thì thầy chèo chống cho con. Bây giờ con đã chèo chống được rồi, xin thầy trao cho con mái chèo.
Sau đó hai thầy trò tạm biệt nhau. Khi về tới tu viện, Ngũ tổ đóng cửa phòng lại, không ra ăn sáng. Không ra ăn trưa, mà cũng không ra ăn tối! Ngài ở luôn mấy ngày trong phòng. Đại chúng xôn xao: Không lý thầy bệnh? Nhưng không dám vào phòng để làm rộn thầy. Sau đó vài ngày thì thấy không thể nào không vào để hỏi thăm, cho nên trong chúng mới cử một phái đoàn đi vào để hỏi thăm:
– Bạch thầy, thầy có sao không, thầy có bệnh gì không mà mấy ngày nay thầy không ra?
Ngũ tổ nói:
– Thầy không sao hết, chỉ có chuyện là y và bát đã đi về phương Nam rồi.
Lúc đó toàn chúng mới nhốn nháo lên, và biết Ngũ tổ đã truyền pháp và truyền y và bát cho sư em út là Huệ Năng rồi.
Trong kinh còn nói rằng, nghe tin đó xong, có một đoàn rất đông người đã đuổi theo, họ tổ chức một cuộc săn bắt Huệ Năng để cướp lại y và bát đó. Những chi tiết đó cho chúng ta một ảnh tượng không mấy đẹp về tăng thân của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Người kể chuyện đó tuy có thể với mục đích tạo uy tín cho Nam tông, cho Ngũ tổ và Lục tổ, nhưng kỳ thực đã bêu xấu tăng thân của Ngũ tổ và chính bản thân của Ngũ tổ nhiều lắm! Tại vì nếu ta là Huệ Năng, ta cũng không hãnh diện vì có một tăng thân như vậy. Quý vị đừng tưởng đây là chuyện đời xưa, Thần Tú đang ngồi đây và Huệ Năng cũng đang ngồi ngay trong giảng đường này!
Đoàn người đi ngày này qua ngày khác, và cuối cùng thì có một người, ngày xưa vốn là võ tướng, đuổi kịp lên đồi. Nghe tiếng chân rầm rập đuổi theo sau, Huệ Năng mới đặt y và bát ở trên một tảng đá rồi chui vào núp trong một bụi rậm. Viên võ tướng đó bây giờ đã trở thành sư anh rồi, khi lên tới đỉnh đồi thì không thấy Huệ Năng đâu mà chỉ thấy y và bát để trên tảng đá, nên đưa tay ôm lấy, nhưng không biết tại sao cái bát nặng quá, vô phương nhấc lên nổi! Lúc đó sư anh mới nói rằng:
– Tôi đến đây là vì pháp chứ không phải vì bát xin hiền giả xuất đầu lộ diện.
Kể lại vậy không biết có đúng hay không! Có lẽ tại nâng bát lên không nổi cho nên mới nói vậy. Nên nhớ rằng đây là câu chuyện kể lại thôi, không hẳn sự thật nó đã xảy ra như vậy. Chúng ta đang nhìn vào tâm của người kể chuyện. Tại tâm của người kể chuyện là một thực tại chứ không phải chỉ có câu chuyện mới là sự thật. Câu chuyện này chính thức thì nói là do tổ Huệ Năng kể lại và người ta ghi chép. Những điều này không có bằng cớ nào chứng thật được. Có thể là Huệ Năng và Thần Tú là hai anh em rất thương nhau, không có vấn đề, và giờ đây tôi đang có cái cảm tưởng đó. Những nghiên cứu của tôi gần đây cho biết rằng hai anh em rất thương nhau, không có sự đối lập Nam Bắc. Đối lập Nam Bắc là chuyện học trò sau này sinh ra, bắt đầu từ thầy Thần Hội, đệ tử của Huệ Năng. Như vậy cũng không hẳn là ta muốn nói xấu thầy Thần Hội.
Khi nghe sư anh nói vậy, Huệ Năng mới xuất đầu lộ diện và đã giúp cho người sư anh đó đạt đạo và trở về.
Khi người sư anh đó xuống đồi, gặp những người kia thì nói:
– Tôi đã xem xét phía này rồi, không có anh chàng ở phía này, mình đi phía khác.
Nhờ đó mà Huệ Năng thoát.
Sau đó Huệ Năng phải ẩn tránh một thời gian, cuối cùng xuất đầu lộ diện tại một ngôi chùa đó. Vị trụ trì nhận ra đây là một pháp khí nên đã làm lễ xuất gia cho Huệ Năng.
Tất cả những điều đó quí vị có thể đọc trong kinh Pháp Bảo Đàn. Kinh này hiện có bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Giai đoạn từ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma cho đến Huệ Năng có thể là giai đoạn đầu của thiền tông ở Đông Độ, đó gọi là giai đoạn thành lập, kéo dài tới 250 năm. Trong giai đoạn này thì các vị tổ sư thường sử dụng kinh điển, và các vị không có tinh thần đối lập tông phái, tức là không có cho tông pháp mình là hơn hết. Hơn nữa thiền tông trong giai đoạn này cũng không có tách rời với các tông phái khác, và lúc đó cũng chưa gọi mình là thiền tông. Chúng ta nên biết chuyện này. Trước khi tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma xuất hiện thì đã có những trường phái khác, những truyền thống khác thực tập về thiền như là Thiên Thai tông (của Trí Giả Đại Sư), Tam Luận tông, cũng như phái thiền của tổ Tăng Hội. Thiền của tổ Tăng Hội đã xuất hiện tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III. Thành ra thiền đã xuất hiện trước đó rồi không phải đợi tới thế kỷ thứ VI mới có thiền. Trước đó, danh từ thiền dùng để chỉ cho nhiều tông phái. Nhưng từ đời Đường về sau người ta mới cho thiền của Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma là thiền, còn những cái trước đó không phải là thiền. Đó là sự sai lầm trong sự sử dụng ngôn từ.
Thời kỳ đầu là thời kỳ thành lập tông thiền là 250 năm từ Bồ-Đề-Đạt-Ma cho đến sau Huệ Năng.
Thời kỳ kế tiếp cũng là 250 năm, gọi là thời kỳ phát đạt của tông thiền. Thời kỳ này bắt đầu từ thiền sư Thanh Nguyên cho đến cuối đời Đường. Gọi là Ngũ đại. Thế kỷ thứ VII, thứ VIII và giữa thế kỷ thứ IX là thời kỳ phát đạt nhất của tông thiền ở Trung Quốc. Các thiền sư lớn, những long tượng của thiền, xuất hiện trong thời đại này như là Mã Tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Y Thiên. Thời kỳ này, những then máy được thiết lập rất nhiều, rất linh hoạt, như sử dụng tiếng hét, cây gậy, phất trần, đôi khi sử dụng cả cái đấm, cái thụi, cái chân đạp, sử dụng công án, thoại đầu, và theo tinh thần tức tâm tức phật, hay bình thường tâm thị đạo (cái tâm bình thường là đạo). Trong thời kỳ thứ hai, chủ truơng là “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, tức là thiền tông của chúng tôi không cần tới kinh điển; thiền tông của chúng tôi được Bụt truyền trực tiếp từ trái tim Ngài sang trái tim thầy Ca Diếp, rồi thầy Ca Diếp truyền từ trái tim thầy sang trái tim của thầy A Nan… cho đến thầy Bồ-Đề-Đạt-Ma. Khi sang Trung Quốc, tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma đã lấy tim mình ấn vào tim của tổ Huệ Khả… Gọi là truyền tâm ấn. Tông thiền trong thời kỳ này rất coi thường sự học tập và nghiên cứu. Trong khi tông thiền thời kỳ thứ nhất thì các tổ sử dụng và trích dẫn kinh điển khá nhiều, như kinh Lăng Già, kinh Kim Cương…
Thời kỳ thứ ba kéo dài vào khoảng 320 năm, thời kỳ này thiền tông không được thịnh hành như trong đời Đường nữa, gọi là thời kỳ thủ thành. Trong thời kỳ này thì tông Lâm Tế chia thêm ra hai phái là Huỳnh Long và Duyên Kỳ, và tạo ra cái thế Ngũ gia và Thất tông. Ngũ gia là năm tông phái, và thất tông là bảy tông phái thiền. Trong thời kỳ này, phương thức giáo hóa và thực tập đã đổi khác. Thiền tông hơi yếu, cho nên có khuynh hướng Thiền Giáo Nhất Trí, bắt đầu sử dụng kinh điển lại và không nhìn những tông phái khác bằng con mắt nhìn xuống nữa.
Thời kỳ thứ tư là thời kỳ suy đồi của tông thiền. Thời kỳ này kéo dài 450 năm, qua những thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến vua Càn Long. Thỉnh thoảng có một vài thiền sư sáng lên, nhưng không thể nào so sánh được với các vị thiền sư vào đời Đường.
Đó là sơ lược về bốn thời kỳ của tông thiền. Bây giờ xin trở lại với Hội thứ chín của bài Cư Trần Lạc Đạo:
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng
Vương lão tức là thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, sinh năm 748 và tịch năm 834. Nam Tuyền (đắc pháp từ thiền sư Mã Tổ) giáo hóa ở chùa Nam Tuyền và là thầy của thiền sư Triệu Châu. Thiền sư Nam Tuyền đã chém một con mèo đứt làm hai khúc. Và con mèo cho đến ngày hôm nay vẫn còn đau!
Hôm đó, các vị thủ tọa của hai cư xá ở trong chùa Nam Tuyền tranh nhau một con mèo. Bên Tây đường có một chúng, bên Đông đường cũng có một chúng. Không biết tại sao hôm đó lại có sự tranh chấp giữa hai cư xá về một con mèo. Lúc đang có sự tranh chấp thì thiền sư đi ngang qua hỏi:
– Việc gì vậy?
Người ta mới kể lại chuyện tranh chấp và trình con mèo lên. Thiền sư nói:
– Quí vị phải nói lên một câu, nếu không tôi sẽ chém con mèo này đứt làm hai đoạn!
Các vị ở trong hai cư xá không ai mở miệng ra được hết, và chính hai vị thủ tọa cũng cứng miệng không nói được gì cả. Vì vậy thiền sư buộc lòng phải chém con mèo làm hai khúc!
Câu chuyện này được truyền đi khắp nước. Người thì phê phán cách này, người thì phê phán cách khác, và nó đã truyền lại cho đến ngày nay.
Có người nói thiền sư Phổ Nguyện đã đắc đạo rồi, thành thử con mèo mà thiền sư chém làm đôi sẽ được hóa sinh làm người, và thiền sư không có tội tình gì cả. Có người nói tại sao thiền sư là người tu, hơn nữa là bậc thầy mà lại sát sanh? Có người nói thiền sư đã vượt ra ngoài vòng quả báo rồi thành ra thiền sư làm như vậy là để độ người và để độ mèo. Rất là lăng xăng. Và gần cả 1000 năm nay biết bao nhiêu nước miếng đã đổ ra vì câu chuyện Vương Lão chém mèo.
Người nào nghe câu chuyện này cũng nghĩ đến con mèo mà tội nghiệp, mà không biết rằng chém con mèo như vậy thì có ích lợi gì cho đại chúng của hai cư xá hay không?
Chiều hôm đó, thiền sư Triệu Châu đi đâu về, người ta mới kể lại chuyện đã xảy ra vào buổi sáng cho thầy nghe. Nghe xong câu chuyện, thiền sư Triệu Châu mới lấy chiếc dép đang đi dưới đất để lên trên đầu rồi đi ra khỏi thiền đường. Lúc đó, thiền sư Nam Tuyền mới nói:
– Tiếc quá! Nếu hồi sáng mà thầy có mặt ở đây thì chắc con mèo không đến nỗi bị giết!
Chúng ta thử tưởng tượng thiền sư Triệu Châu đặt một chiếc dép lên trên đầu rồi lững thững đi ra sau khi nghe câu chuyện!
Con mèo của thiền sư Nam Tuyền còn đó. Nó còn đóng vai trò của nó, nó chưa chết đâu. Người ta thường chú ý tới sự kiện thiền sư chém con mèo ra làm hai. Nhẫn tâm hay không nhẫn tâm? Cách giáo hóa của thiền sư như thế nào? Nhưng rốt cuộc thì người ta thấy không có gì thay đổi trong không khí của tăng thân hết. Tại vì không có ai trong đại chúng đã nói lên được câu nào. Chính hai vị thủ tọa của hai cư xá cũng không nói ra được một câu nào cả! Vì vậy mà con mèo bị hy sinh!
Khi thiền sư Nam Tuyền nói ra câu đó thì đã tạo ra một sự căng thẳng trong chúng. Bắt buộc vì lòng thương con mèo mà phải nói lên kiến giải của mình, nhưng rốt cuộc thì tất cả đều bị ứ đọng, không thoát ra được, kể cả hai vị thủ tọa. Vì vậy mà bắt buộc thiền sư Nam Tuyền phải chém con mèo ra làm hai đoạn. Một sự thất bại rất lớn của đại chúng trong hai cư xá, mà cũng là một sự thất bại rất lớn của thiền sư Nam Tuyền. Tại vì học trò như vậy thì mình lãnh đủ. Theo thầy Thanh Từ thì tạo ra một tình trạng khẩn cấp như vậy là để cho một câu nói từ tuệ giác có thể vọt ra từ một người trong đại chúng. Tình trạng khẩn trương đó đã được tạo ra, nhưng tất cả mấy trăm người có mặt đều chết cứng, đều bị ứ đọng, và không người nào thốt ra được một lời nào để có thể cứu được con mèo!
Phương pháp của chúng ta là chúng ta phải nhìn vào hoàn cảnh chứ đừng chỉ chú ý tới sự kiện mà thôi. Có một điểm mà ít người chú ý tới là sự tranh chấp của hai cư xá về một con mèo, nếu không quán chiếu về sự kiện đó thì chúng ta không thể nào hiểu được về công án này. Hai cư xá tranh chấp một con mèo, đó là tình trạng đã tạo nên công án.
Con mèo này có thể là một rổ cà chua, một chiếc xe Van. Hai cư xá đó có thể là Xóm Thượng và Xóm Hạ. Con mèo còn y nguyên đó. Khi Xóm Hạ nghĩ rằng Xóm Thượng như thế này, hay Xóm Thượng nghĩ rằng Xóm Hạ như thế kia, có sự phân biệt giữa hai xóm, thì bất cứ một cái gì cũng có thể trở thành con mèo của thiền sư Nam Tuyền hết.
Có những cảm thọ, những vui buồn, những kỳ thị xảy ra khi ta nghĩ rằng ta là Xóm Hạ, còn bên kia là Xóm Thượng. Hoặc ta là sư cô, còn bên kia không phải là sư cô; ta là Tây phương, còn những người kia là người Việt. Tất cả những cái đó là những ranh giới mà ta đặt ra. Từ những ranh giới do ta đặt ra đó, ta sẽ có những vui buồn, những kỳ thị, những ý kiến, những đau khổ. Thành ra vấn đề đại chúng của chùa Nam Tuyền có phải là vấn đề của quá khứ đâu? Và con mèo đó có phải là con mèo đã chết rồi đâu? Con mèo đang “sống nhăn răng” đó! Cho nên nhờ sư cô, sư chú nào ra bắt con mèo vào đây, để chúng ta coi thử mặt mũi con mèo đó như thế nào!
Chúng ta nhớ ngày xưa có chuyện một rổ cà chua phải không? Một sư cô nào đó lượm những trái cà chua tốt đem cất đi, và để ra những trái cà chua không tốt bằng, để nấu ăn buổi chiều hay buổi sáng hôm sau. Nếu ta là một người có trách nhiệm, có ý thức, thì ta đều sẽ làm như vậy hết, tức là lựa những trái tốt đem cất lại, còn những trái gần hư thì ta để nấu cơm chiều hôm nay. Thế nhưng có một người khác lại nghĩ rằng xóm đó lấy hết những trái tốt đi và để cho xóm mình những trái cà chua xấu!
Từ một ý niệm kỳ thị, nó sinh ra một cảm thọ giận hờn, và nó chỉ là một vọng tưởng thôi, tức là một tri giác sai lầm thôi. Người kia đã làm với tính cách thương yêu, không kỳ thị, nhưng vì ta thiếu tuệ giác, ta nghĩ đó là hành động không thương yêu, kỳ thị, và tự nhiên có sự tranh chấp. Và tự nhiên rổ cà chua biến thành con mèo của thiền sư Nam Tuyền!
Chiếc xe Van cũng vậy. Nó thuộc Xóm Thượng hay Xóm Hạ? Nó cũng là một con mèo của thiền sư. Lát dao của thiền sư Nam Tuyền có sắc bén, có gây đau nhức bằng lát dao của nhận thức sai lầm không? Khi dùng lát dao của nhận thức sai lầm, ta cắt đôi rất nhiều thứ: Xóm Thượng và Xóm Hạ ra làm hai khúc khác nhau, người xuất gia và người không xuất gia làm hai khúc hoàn toàn khác nhau; sư em của ta và ta là hai cái khác nhau. Từ những phân biệt khác nhau đó cho nên ta mới có sự giận hờn, ganh tị và kỳ thị.
Vậy thì người dùng lát dao để xắn sự thật ra làm nhiều mảnh, chặt nhỏ cái thực tại ra, là thiền sư Phổ Nguyện hay là những người ở trong đại chúng chia chẻ hai cư xá? Lưỡi dao đó không phải là lưỡi dao của thiền sư Phổ Nguyện Nam Tuyền. Lưỡi dao đó là lưỡi dao nhận thức của ta.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta băm đời sống của chúng ta thành nhiều mảnh. Chúng ta cho rằng người sư anh không dễ thương với chúng ta, người sư chị hay sư em không dễ thương với chúng ta. Từ đó mà chúng ta có những nhận thức kỳ thị, ganh ghét và giận hờn.
Giả dụ có một sư chú ở trong cư xá phía Đông nói rằng:
– Bạch thiền sư, con mèo này khi qua cư xá con, nó kêu “meo meo” thì tự nhiên con nhớ rằng tất cả những người trong cư xá bên kia đều là sư anh và sư em của con. Và khi nó sang cư xá bên kia kêu “meo meo” thì các sư anh và sư em ở bên đó cũng nghĩ rằng tất cả những người sống trong cư xá bên này cũng đều là sư anh và sư em của họ hết”.
Nếu có một sư chú nói được như vậy thì con mèo đã không bị chém làm hai đoạn! Mà câu đó đâu có khó khăn gì mà nói không được? Nếu ta thực tập, ta thấy được những người trong cư xá kia là ta, và ta là những người trong cư xá kia, thì làm gì có chuyện thiền sư Nam Tuyền chém con mèo ra làm hai đoạn. Nhưng sư chú đó đã không có mặt trong đại chúng, nên đã không nói lên được câu nói đó hay một câu tương tự. Thiếu gì câu! Vì vậy cho nên chúng ta phải làm ăn sao cho khá hơn đại chúng của chùa Nam Tuyền.
Nếu bắt buộc có một người nào đó không được thường trú tại Làng Mai nữa, thì quyết định đó phải được phát xuất từ nhận thức bất nhị, nhận thức thương yêu. Người đó ở hay người đó đi ta vẫn thương người đó như là thương bản thân của ta. Như vậy mới đúng theo sự thực tập của chúng ta.
Khi một quyết định được làm trên nhận thức bất nhị, trên tình thương, thì quyết định đó sẽ được coi như sự sống linh động. Còn nếu quyết định đó ta chỉ cứ căn cứ trên nguyên tắc để làm việc thôi, trong đó không có nhận thức bất nhị và không có tình thương, tức là ta không có làm theo nguyên tắc của Bụt dạy.
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa. Lòng ngừa tức là cái tâm còn có những nghi ngờ, còn có những chướng ngại. Thủ tọa tức là hai vị thủ tọa của hai cư xá, Đông đường và Tây đường. Lượt trẩy, theo tự điển của Huỳnh Tịnh Của xuất bản cách đây 100 năm, thì chữ lượt này có nghĩa là lọc qua (filter). Trẩy có nghĩa là đi, giống như “trẩy hội Chùa Hương” là đi hội chùa Hương. Lượt trẩy là lọc qua, đi qua. Chữ lượt này cũng có thể đọc là “lướt”, tức là sấn tới, sấn qua. Ở đây nó có nghĩa là thiền sư đi thấu qua cái tâm của hai vị thủ tọa.
Thiền sư chém con mèo là tại thiền sư đi ngang qua, thấy rất rõ về cái tâm còn bị kẹt của hai vị thủ tọa. Không những của hai vị thủ tọa mà của luôn cả đại chúng trong hai xóm. Thiền sư Phổ Nguyện chém con mèo vì khi lướt qua và thấy rõ cái tâm đang chứa chấp những nghi ngờ, những vô minh, những cái kẹt của hai vị thủ tọa. Hai vị thủ tọa đó là ai? Là ta đó! Mỗi người trong chúng ta đều có những chướng ngại ở trong tâm. Cẩn thận! Đừng trách móc những người khác. Con mèo hôm nay nó sống dậy, quý vị hãy thương con mèo, đừng để con mèo bị chết mỗi ngày một lần, hay hai lần mà tội nghiệp nó. Con mèo nó đang ở với chúng ta. Đây không phải là chuyện quá khứ.
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Thầy Hồ tức là thiền sư Lợi Trung ở trên núi Tử Hồ, vì vậy hiệu của thầy là Tử Hồ. Thầy có dựng một cái bảng ở trước cư xá của thầy, viết rằng:
“Ở trong viện này có một con chó rất dữ. Con chó này có cái đầu là đầu người. Cái bụng là bụng người. Cái chân giống như chân người. Người nào tới đây mà xôn xao bàn tán thì nó sẽ cắn chết. Thành ra quý vị hãy cẩn thận!”
Chúng ta thỉnh thoảng đi ngang qua nhà có treo một cái bảng vẽ hình con chó, ở dưới có đề “Chó dữ” để cho mình sợ. Thầy Tử Hồ cũng vậy. Ở đây có con chó rất dữ, nó cắn chết những người ưa thao thao bất tuyệt về lý thuyết Phật giáo. Thường thường có những vị du tăng tới tham vấn về thiền, vừa mới đẩy cửa vô hay vừa mới vén cái rèm thì thầy Tử Hồ nói: “Coi chừng! Coi chừng chó!” Thành ra ai cũng giật mình hết!
Một hôm khi thầy về tới phương trượng của thầy thì có người đứng đợi, và hỏi:
– Bạch thiền sư, ngài nói có con chó, nó ở đâu?
Thì thầy đáp: “Gâu gâu!” Đó là câu chuyện của thầy Tử Hồ. Chắc cũng có nhiều Phật tử tới nói lý thuyết chân như, bản tánh v.v… với thầy nhiều quá, cho nên thầy chán lỗ tai. Không lo tu mà chỉ lo nói về Phật pháp cao siêu mầu nhiệm của phương diện lý thuyết thôi. Người bị bệnh này nhiều lắm. Kẻ thù ta là một rổ danh từ mà! Cho nên thầy mới đặt ra một con chó để khi nào có người tuôn ra một mớ lý thuyết về Phật pháp thì thầy khua chó đuổi đi.
Một bên là chém mèo, một bên là khua chó ra để cắn. Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Trỏ xem tức là chứng minh, chỉ cho thấy. Trí nhẹ là cái trí tuệ đang còn non kém. Tuy học thuộc lòng rất nhiều, nói rất hay, nhưng tuệ giác không có gì cả. Có những người nghe người ta nói gì thì tin liền, gọi là nhẹ dạ. Dạ cũng có nghĩa là cái tâm. Trí nhẹ ở đây có nghĩa là cái tuệ giác còn non yếu. Con giàng là chữ xưa, dùng dịch chữ “côn sàng”, có nghĩa là con cháu. Thế hệ hậu côn tức là thế hệ con cháu sau này.
Thiền sư Tử Hồ xua chó, dọa người ta là chó sẽ cắn, để chỉ cho người ta thấy cái tuệ giác của những người học trò, của đàn con cháu đang còn nhỏ bé, còn yếu kém.
Chợ Lư Lăng gạo mắt quá ư, chẳng cho mà cả. Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Đây là nói về Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (660-740). Có một vị học tăng hỏi:
– Đại ý Phật pháp là gì?
Thầy hỏi lại:
– Sư chú có biết giá gạo ở ngoài chợ Lư Lăng bao nhiêu một cân hay không?
Thay vì giải thích thế nào là Phật pháp, thì thầy hỏi lại giá gạo. Và gạo Lư Lăng đã trở thành một công án.
Có những câu hỏi có tính cách ước lệ. Hỏi để có hỏi. Có khi hỏi không phải vì muốn biết mà hỏi để trình bày cái kiến thức của mình. Điều đó làm tốn thì giờ của học trò và của thầy rất nhiều.
Nếu quý vị có đi tổ chức những khóa tu, những ngày đầu của khóa tu thường mình cứ nghe họ hỏi những câu trên trời dưới biển như vậy. Không biết quý vị có biết dùng phương pháp của thiền sư Tử Hồ là xua chó ra, hay phương pháp của thiền sư Hành Tư là nói chuyện giá gạo ở ngoài chợ hay không. Ngày xưa các tổ đã dùng những then máy như vậy, những phương pháp như vậy. Chợ Lư Lăng gạo mắt quá ư, chẳng cho mà cả. Mà cả tức là mặc cả, trả giá.
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Thạch Đầu tức là chỗ ở của thiền sư Hy Thiên. Thiền sư Hy Thiên dựng cái am của mình ở đầu một tảng đá lớn tại núi Hành Sơn, vì vậy ngài có biệt hiệu là Thạch Đầu.
Có một thiền sinh tên là Đặng Ẩn Phong muốn trèo lên núi để tham vấn Hòa Thượng Thạch Đầu, thì bị thiền sư Mã Tổ ngăn lại và nói: “Con đường lên đó trơn lắm, coi chừng đó”. Khi thiền sinh này leo lên đó thì bị trượt té thật. Vì vậy người ta thường nói con đường lên thiền sư Thạch Đầu trơn lắm, ta có thể té như chơi. Nghĩa là ta phải rất cẩn thận, ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi ta tới với thiền sư. Và câu “Đá Thạch Đầu rất trơn” trở thành một công án.
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Sở tức là chỗ, là trụ sở. Khôn tức là khó. Thưa tức là tham vấn, thưa hỏi. Đang ở đây tức là chữ đương. Đương nghĩa là vâng chịu, gánh vác, tiếp tục sự nghiệp. Vậy thì thưa đang là nhận chịu sứ mạng của thầy để tiếp tục gánh vác sự nghiệp giáo hóa chúng sanh. Câu này có nghĩa là chỗ ở của thiền sư Thạch Đầu có con đường đá hết sức là trơn, cho nên rất khó để có thể tới tham vấn và nhận chịu trách nhiệm do thiền sư trao phó.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thành miếu. Câu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Thiền sư Phá Táo hiệu là Tung Sơn. Thiền sư thường hay đi với đệ tử du hành ở trong núi Tung Sơn. Một hôm họ gặp một cái miếu thiêng, trong đó có một cái bếp, và dân ở trong vùng thường đem trâu, bò, gà, heo tới đó để giết và cúng thần trong miếu. Trong miếu có cắm một cây cờ, tượng trưng cho vị thần miếu. Thiền sư Phá Táo thấy vậy rút cây cờ liệng đi, rồi lấy cây gậy đập xuống ba ông táo ở trong miếu mà dân trong vùng đã dựng lên để thờ. Ngài nói:
– Cái bếp này là do bùn đất mà làm ra, nó có gì linh thiêng đâu? Sao lại bắt người ta sát sanh hại vật để cúng tế?
Người thường thì rất sợ ông thần bẻ cổ, nhưng ngài thì không.
Nghe nói rằng sau khi ngài dẹp xong cái miếu thần đó rồi thì có một người mặc áo xanh đội mũ tới lạy và nói rằng:
– Con là thần bếp ở đây, lâu đời chịu nghiệp báo, ngày nay được nhờ thiền sư khai thị cho chánh pháp, thành ra con đã thoát khỏi kiếp tù túng ở nơi này. Con xin đội ơn thiền sư.
Đó là câu chuyện kể lại về thiền sư Phá Táo.
Câu Chi dơ ngón: Câu Chi là vị thiền sư thường hay đưa ngón tay lên khi người ta tham vấn một đề án về thiền. Chúng ta đã học về sự tích của Câu Chi Trưởng Lão rồi.
Dùng đòi nếp cũ ông ang: Tức là áp dụng theo phương pháp giáo hóa mà ông cha đã trao truyền. Ông ang tức là ông cha. Đòi tức là theo. Dùng đòi tức là áp dụng theo.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu Thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.
Lưỡi gươm Lâm Tế tức là lưỡi gươm của thiền sư Lâm Tế. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (787-867) là vị sáng lập ra phái thiền Lâm Tế. Người ta nói tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có khi như là một tiếng sét, có khi sắc như một lưỡi gươm. Tiếng hét đó có thể đánh tan được những khối u mê ở trong lòng của chúng ta; tiếng hét đó có thể chặt đứt được những sợi dây phiền não, và những ràng buộc vô minh trong lòng chúng ta, cho nên tiếng hét đó gọi là lưỡi gươm Lâm Tế.
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con. (Trần Thái Tông)
Đi ngang qua có thể bị hét giật nảy mình! Khi mà có sự giật nảy mình thì có thể có sự thay đổi trong người của ta.
Nạng Bí Ma: Thiền sư Bí Ma hiệu là Ngũ Đại Sơn, thường cầm một cái nạng gỗ có cái chỉa hai. Mỗi khi có một thiền sinh nào tham vấn thì thầy lấy cây nạng cặp vào cổ của thiền sinh! Rồi thầy hét:
– Ma quỷ nào đã xúi anh xuất gia? Ma quỷ nào đã xúi anh đến đây tham vấn? Nói đi, nói không được thì tôi nạng cho chết! Mà nói được tôi cũng nạng cho chết luôn!
Có nhiều thiền sư dùng những phương pháp khác nhau như vậy, ta không thể ngờ được!
Trước nạp tăng no dầu tự tại. Nạp tăng là những người xuất gia mặc áo vá. Có chiếc áo được may bằng 100 miếng vải đụp, ngoài Bắc gọi là áo bách nạp, ca-sa trăm tấm, trong Nam thì gọi là bá nạp. Hồi sư cô Thị Kính đi tu thì cũng mặc áo ca-sa, và tác giả mô tả rằng:
Đã bồng trăm tấm cà-sa,
Nhưng người tiên vẫn trông ra xác phàm.
Đi tu rồi, cạo đầu rồi, mặc áo vá trăm miếng rồi, nhưng vẫn trông đẹp như thường.
No dầu tự tại: No tức là được nuôi dưỡng đầy đủ, không có đói về chánh pháp, về phương pháp thực tập. Dầu là thỏa thuê, tha hồ. Tự tại là sự thảnh thơi, sự tự do. Trước nạp tăng tức là các vị xuất gia ngày trước, được nuôi nấng, được dạy dỗ để được tha hồ có sự tự tại. Cũng có thể hiểu là các vị thiền sư khi đã chứng ngộ rồi, thì họ có tự do rất lớn, họ có thể sử dụng bất cứ một biện pháp nào để cho người đệ tử có thể tháo gỡ những cái kẹt ở trong tâm của họ.
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang. Sư tử ông Đoan tức là sư tử của thiền sư Tây Dư. Thiền sư Tây Dư họ Đoan, cho nên gọi là ông Đoan. Thiền sư Tây Dư có một cái nón đan bằng chỉ nhiều màu, giống như một cái đầu sư tử. Thỉnh thoảng ông đội cái nón đó vào trong khi dạy đệ tử, ông nói: “Ta là sư tử.”
Trâu thầy Hựu: thầy Hựu tức là Tổ của phái Quy Sơn, Quy Sơn Linh Hựu. Ngày xưa thiền sư Vô Ngôn Thông đã từng dạy thầy Linh Hựu trước khi qua Việt Nam. Hồi đó thiền sư Quy Sơn đang là một chú tiểu nhỏ.
Quy Sơn Linh Hựu sinh năm 771 và tịch năm 853. Một hôm thiền sư Quy Sơn lên pháp tọa và tuyên bố rằng:
– Một trăm năm sau tôi sẽ đầu thai thành một con trâu trắng ở dưới núi này.
Có một thầy khác nói theo:
– Tôi cũng muốn theo thầy, tôi cũng muốn làm con trâu trắng ở dưới núi. Đẹp lắm!
Thì thầy Quy Sơn nói:
– Như vậy thì thầy phải ngoạm một ngoạm cỏ vào trong miệng thì tôi mới nhận ra thầy!
Răn đàn việt hượm sá nghênh ngang: Răn tức là cảnh cáo, báo cho biết trước. Đàn việt tức là những người Phật tử tới chùa để cúng dường. Chữ đàn có nghĩa là cúng dường, tiếng Phạn là Dana. Có khi ta gọi là đàn-na, như đàn-na thí chủ. Hượm tức là khoan đã, đợi đã; sá là chớ, đừng có. Hượm sá nghênh ngang là khoan đã, đừng có lấy le cho rằng: “Ta là giỏi, ta là giàu, ta là hộ pháp, ta là quan trọng trong chùa này. Không có ta, chùa này đâu được như vầy!” Tại vì thầy mình lớn lao như vậy mà thầy chỉ muốn làm con trâu trắng ở dưới núi thôi. Vậy thì mình chớ có hống hách cho mình là quan trọng.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Phiến tử là cái quạt. Thiền sư Văn Uyển hiệu là Vân Môn. Vân Môn là một trong năm thiền phái ở Trung Quốc. Trong khi thuyết pháp, thầy thường cầm một cái quạt dơ lên và sử dụng một công án. Có một hôm thiền sư nói:
– Cái quạt này có thể nhảy lên cõi trời thứ 33 và đụng vào lỗ mũi của vua Đế Thích. Con cá chép ở biển Đông bị đánh một gậy, mưa như chậu đổ. Quí vị có hiểu không?
Lúc đó thiền sư đưa cái quạt lên. Đưa phiến tử có nghĩa như vậy. Đó là một công án.
Cất trúc bề: Trúc bề là một dụng cụ bằng tre, phía trên xòe ra. Một hôm thiền sư Quy Tính đến tham vấn thiền sư Tỉnh Niệm. Thiền sư Tỉnh Niệm đưa cái trúc bề lên hỏi:
– Bây giờ mình gọi cái này là cái gì đây?
Gọi là cái trúc bề thì không được, tại vì ta biết cái trúc bề là được làm bằng những yếu tố không phải là trúc bề. Mà không gọi nó là trúc bề thì cũng không đúng luôn. Cũng như hai chị em. Ta gọi người này là chị, thì cũng không được, tại vì nếu không có người em thì người kia là chị của ai? Mà nếu không gọi là chị thì gọi là gì bây giờ? Tức là muốn nói hai cái là một, không có cái này thì không có cái kia. Và đó là một công án của thiền sư đưa ra. Ta biết hễ mở miệng ra nói tôi và anh, thầy và con, xuất gia và chưa xuất gia… là đã sai rồi, vì có sự phân biệt nhị nguyên ở trong đó. Tại vì có em trong anh, có anh trong em; có thầy trong học trò, có học trò trong thầy; có con trong mẹ, có mẹ trong con. Làm thế nào để cho cái gươm có thể cắt đứt cho hai cái không dính với nhau được? Chuyện đó không thể nào có được! Thành ra mẹ phải sống đời sống của con, con phải sống đời sống của mẹ. Học trò phải sống đời sống của thầy, thầy phải sống đời sống của học trò. Hai là một. Ta phải ở trong da thịt của nhau thì mới đúng.
Nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. Nhẹ nhẵn tức là nhẹ nhõm. Cơ quan tức là những phương pháp, những phương tiện, những cái then máy để có thể giúp được người thiền sinh. Người thiền sinh là kẻ học giả. Nghiệm tức là trắc nghiệm, kinh nghiệm. Đưa phiến tử, cất trúc bề tức là sử dụng những phương pháp nhẹ nhõm để giúp kẻ thiền giả trên con đường chứng nghiệm, đạt đạo.
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Xô hòn cầu tức là nói về thiền sư Tiết Phong Nghĩa Tùng. Một hôm lên pháp tọa thuyết pháp, thầy đưa ra một quả cầu bằng gỗ, thì có một vị đệ tử tên là Sư Bị nắm lấy và để lại chỗ cũ. Cầm mộc thược: Mộc thược là cái vá bằng gỗ. Như vậy các thiền sư đã dùng những dụng cụ như vậy để khai thị cho đệ tửû.
Bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Bạn thiền hòa là những người sống ở trong tăng thân. Tức là thiền sinh với nhau cùng sống chung trong sáu sự hòa hợp (lục hòa). Chước móc là mưu kế; khoe khoang là đôi khi ta không hiểu mà muốn chứng tỏ là ta hiểu, nghĩa là ta có thể lạc vào trong hình thức. Tại vì các thiền sư khi có sự đạt ngộ thì họ dùng những phương tiện như tiếng hét, như đưa cái quạt lên, v.v… Còn ta, đôi khi ta không đạt ngộ gì cả nhưng ta cũng giả đò hét lên một tiếng, hay cầm cây gậy múa một hồi để nói rằng ta có đạt cái gì đó. Đó chỉ là làm trò cười cho thiên hạ thôi. Những cử động đó đều là bất thường, không có chứa đựng gì cả!
Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịnh tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Thuyền Tử tức là thiền sư Thuyền Tử Đức Thành. Thầy không muốn lập đạo tràng để giáo hóa, chỉ muốn đi chơi sơn thủy thôi. Thầy thường dùng chiếc thuyền con, đi và đưa người từ bên này sông sang bên kia sông. Sống một cuộc đời rất phiêu lãng, không cư trú ở một chỗ nhất định. Nghe nói sau này thầy Thuyền Tử lật úp chiếc thuyền lại và chết ở trong giữa dòng nước xanh, và người ta nghĩ rằng thầy chưa đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn. Tịnh tẩy có nghĩa là hiểu biết một cách thấu đáo, là giải thoát hoàn toàn. Dòng xanh chửa cho tịnh tẩy, nghĩa là dòng sông xanh chưa cho phép thầy đạt tới sự giải thoát hoàn toàn.
Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng: Mỗi khi lên diễn đàn thì thầy Đạo Ngô đội mũ hoa sen, cầm thanh gươm gỗ (tức là cái hốt) và thầy múa, làm trò hề. Càn ma tức là giống như tà ma; quái quàng tức là làm bậy bạ, không ra gì cả. Bề ngoài thì người ta thấy thầy làm như vậy, giống như một người mất trí, nhưng không chắc ở trong có sự mất trí.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Yển lão, tức là thiền sư Văn Yển, nói:
– Cái gậy này của tôi là con rồng lớn. Nó có thể nuốt được cả trời đất.
Càn khôn là trời đất. Lệ tức là sợ hãi. Ta xem chỉn lệ: Ta nhìn cái gậy của thiền sư Văn Yển và thấy đó là một con rồng có khả năng nuốt trọn cả trời đất, cho nên ta rất sợ nó nuốt luôn cả ta!
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang: Trên đây là con rồng của thiền sư Văn Yển, bây giờ tới con rắn của thiền sư Nghĩa Tồn. Thiền sư Nghĩa Tồn một hôm lên pháp tọa nói:
– Ở núi phía Nam có một con rắn mũi giải, các con phải coi chừng!
Con rắn của thiền sư Nghĩa Tồn cũng là một phương tiện để giúp người. Người thấy ắt giang tức là người ta trông thấy con rắn đó, thế nào cũng phải giang ra một bên.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên cang.
Cây bách ở đây tức là cây tùng trước sân của thiền sư Triệu Châu. Có một vị thiền sinh hỏi:
– Tổ Bồ Đề Ma Đạt Ma từ bên Tây Trúc qua đây để làm gì?
Thiền sư Triệu Châu nói:
– Coi kìa! Cây tùng ở trước sân chùa! (Đình tiền bách thọ tử).
Cây bách là lòng: Cây bách đó chính là tâm của ngươi. Thác ra trước phải phương Thái bạch: Thác tức là nhờ cậy, phó thác. Thái bạch là sao Thái Bạch, mọc ở phương Đông. Phương Thái Bạch tức là phương Đông. Muốn thấy được cây bách đó thì phải ra trước sân nhìn về hướng sao Thái Bạch mới có thể nhận thức được sự có mặt của cây tùng đó.
Bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên cang: Thiên cang tức là vị thần chủ của sao Bắc Đẩu, ở phương Bắc. Bính, đinh là hai cang thuộc về hành hỏa. Người ta làm ra thiên cang và ngũ hành. Ngũ hành là Kim (kim khí), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất). Ví dụ bộ phận tiêu hóa thuộc về hành thổ.
Bính Đinh đã là hỏa mà còn đi tìm hỏa là chuyện buồn cười. Ta cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có khả năng giác ngộ ở trong trái tim mình, vậy mà chúng ta vẫn đi tìm cái giác ngộ đó ở ngoài thì cũng giống như anh chàng Bính Đinh đi tìm lửa vậy. Trong chùa thường có một chú tiểu coi về đèn đuốc, giữ cho đèn đừng bao giờ tắt. Chú tiểu đó được gọi là Bính Đinh trọng tử.
Lại trở sau lỗi hướng Thiên cang. Nếu không hướng về sao Bắc Đẩu thì ta dễ đi lộn đường, cũng như Bính Đinh đi tìm hỏa ở một nơi khác. Lỗi tức là lầm; lỗi hướng tức là đi lạc đường.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Trà Triệu lão tức là trà của thiền sư Triệu Châu. Có một tăng khách tới thì thầy hỏi:
– Thầy đến đây lần đầu hay đã đến nhiều lần rồi?
Đáp:
– Dạ con đến đây nhiều lần rồi!
Thầy nói:
– Vậy thì mời thầy đi uống trà!
Một thầy khác tới, thiền sư hỏi:
– Thầy đến đây lần đầu hay đã đến nhiều lần rồi?
Thầy đó đáp:
– Dạ con mới đến lần đầu.
Thiền sư nói:
– Vậy thì mời thầy đi uống trà!
Vị thủ tọa ngạc nhiên hỏi:
– Bạch thầy, như vậy thì có khác gì đâu! Tới nhiều lần, thầy cũng mời đi uống trà, mà mới tới lần đầu thì thầy cũng mời đi uống trà, như vậy có nghĩa là sao?
Thiền sư nói:
– Mời thầy đi uống trà!
Đó là trà của thiền sư Triệu Châu.
Mỗi người trong chúng ta phải biết nếm trà của thiền sư Triệu Châu. Nếu ở đây ba bốn năm rồi thì ta phải uống cho được trà đó; nếu mới tới một vài ngày ta cũng uống trà đó, mà nếu ta không hiểu tại sao người nào cũng phải như vậy hết thì ta cũng phải uống trà đó luôn! Tại vì nếu ta muốn tìm cái gọi là “special treatment” thì ta chết! “Special treatment” tức là muốn được biệt đãi, muốn thầy coi ta là đặc biệt, muốn đại chúng coi ta là đặc biệt, tức là ta còn kỳ thị. Cho nên trà của thiền sư Triệu Châu là một thứ trà rất đặc biệt mà mỗi người phải uống, nếu không, thì quý vị sẽ khát hoài.
Bánh Thiều Dương: Thiều Dương tức là thiền sư Văn Uyển. Có người hỏi thiền sư Văn Uyển một câu gì đó, tôi không nhớ là câu gì. Ví dụ như chủ đích của thầy Bồ-Đề Đạt-Ma khi tới đây là để làm gì? Hoặc đại ý của Phật pháp là gì? Thì thầy trả lời: “Bánh!”. Thiền sư hay mời người ta ăn bánh. Có một hôm thiền sư hỏi một thầy:
– Thầy ăn được mấy cái bánh rồi?
Người đó đáp:
– Dạ con ăn năm cái rồi.
Thiền sư hỏi thầy khác:
– Thầy ăn được mấy cái?
Đáp:
– Dạ hai cái.
Và thiền sư thường hay dùng chữ “bánh” để trả lời những câu hỏi của các vị đệ tử, cho nên thiền sư nổi tiếng là vị thiền sư hay tặng bánh cho người ta thay vì tặng những ý niệm hết sức mơ hồ của giáo lý.
Bầy thiền tử hãy còn đói khát: Dù cho ta có những thầy rất giỏi, cho ta đầy trà nhiều bánh nhưng ta vẫn chết đói và chết khát như thường. Ta vẫn khổ, ta vẫn buồn, vẫn giận nhau, vẫn ganh tị nhau như thường. Tại vì trà của thầy mời, ta không chịu uống; bánh của thầy cho, ta không chịu ăn. Bầy thiền tử: bầy là đám, thiền tử là thiền sinh. Bầy thiền tử hãy còn đói khát thì đó không phải là lỗi tại thầy.
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang: Ruộng Tào Khê là ruộng của Tổ thứ Sáu; Vườn Thiếu Thất tức là vườn của tổ Bồ-Đề Đạt-Ma. Chúng ta là con cháu, ruộng vườn hương hỏa của cha ông để lại rất nhiều nhưng chúng ta không chịu cày cấy, chúng ta đã để hoang đất vườn của tổ tiên cho nên chúng ta đói. Vườn ruộng ông cha phải tự cày là một câu thơ của thiền sư Trần Thái Tông. Lưu hoang là để hoang, không cày cấy. Tâm của ta là ruộng. Nếu ta không cày ruộng tâm thì ta không thể nào gieo trồng và tưới tẩm để có những hoa trái của hạnh phúc và giác ngộ cả.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
Thiền sư Tuyết Phong đến thăm thiền sư Ngộ Bổn ở núi Động Sơn. Khi bước vào, thiền sư Ngộ Bổn nói:
– Muốn vào cửa thì phải có một lời nói mới vào cửa được.
Thiền sư Tuyết Phong nói:
– Tôi không có miệng!
Thầy Ngộ Bổn nói:
– Nếu không có miệng thì trả con mắt lại cho tôi, tại sao không có miệng được? Con mắt tôi giao cho anh, anh để đâu mà bây giờ anh nói anh không có miệng?
Con mắt tức là trí tuệ, tuệ giác. Lúc đó thiền sư Tuyết Phong mới liệng bó củi vác trên vai xuống. Thầy Ngộ Bổn hỏi:
– Nặng không?
Thầy Tuyết Phong nói:
– Nặng lắm, tất cả mọi người trong xã hội này tới khiêng mà khiêng không nổi.
Đó là điển tích gieo bó củi của thầy Tuyết Phong.
Nẩy bông đèn là câu chuyện của hai thầy trò nhà kia, thầy là Long Đàm, trò là Đức Sơn. Trò vào tham vấn thầy xong, khi bước ra ngoài thì thấy trời tối om. Đức Sơn bước vào bạch thầy: “Bên ngoài trời tối om, con không thấy gì cả.” Long Đàm mới thắp đèn lên rồi đưa cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa cầm lấy cây đèn bước ra, thì Long Đàm gọi Đức Sơn lại. Tưởng thầy gọi có chuyện gì, Đức Sơn bước tới gần thì Long Đàm thổi phụt một cái làm cây đèn tắt! Bóng tối đến một cách đột ngột. Và Đức Sơn đột nhiên giác ngộ, mọi kiến chấp đều tan vỡ. Đó là sự tích “Nẩy bông đèn”.
Nhân mang mới nết: Nết tức là giỏi. Tự thân mình đã đi qua cái kinh nghiệm đó, gọi là mang. Nhân mang mới nết nghĩa là vì lý do ta đã trải qua những kinh nghiệm đó (mang bó củi, mang cây đèn) cho nên mới đạt tới cái thấy đó, ta mới trở thành người giỏi.
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang: Lộc đào hoa là nói về thiền sư Linh Vân. Thấy những lộc hoa đào nở, thiền sư Linh Vân tiếp xúc được với bản môn, với mầu nhiệm của pháp thân, và thiền sư giác ngộ.
Nghe tiếng trúc, là nói đến thiền sư Hương Nghiêm: Có một lần sư phụ trao cho thầy Hương Nghiêm công án: “Hãy cho tôi biết mặt mũi của thầy trước khi cha mẹ thầy sinh ra như thế nào?” Thầy Hương Nghiêm mang công án đó về để khảo cứu. Thầy học rất giỏi, thuộc rất nhiều kinh, nhưng đến khi bị thiền sư hỏi thì thầy không trả lời được. Cho nên thiền sư mới nói tất cả những gì mà thầy đã học đều hoàn toàn vô ích, không giúp gì cho đời sống của một người tu hành cả. Thành ra thầy giận. Không giận sao được! Mình giỏi như vậy mà thầy nói mình là zero thì chịu sao nổi. Và thầy về đốt hết tất cả kinh điển, sách vở rồi thầy rút về một cái am nhỏ lo cuốc đất trồng khoai thôi. Một hôm, đang khi cuốc đất, cái cuốc của thầy chạm vào một hạt sỏi, và hạt sỏi đó văng vào một thanh trúc kêu một tiếng “cóc”. Nghe tiếng “cóc” của thanh trúc đó, tự nhiên tâm tư thầy bừng nở và thầy giác ngộ! Đó là chuyện nghe tiếng trúc. Tiếng trúc đó nếu tới trước khi thầy buông bỏ cái ý niệm cho rằng mình giỏi thì chắc là không có kết quả.
Mặc vẻ mà sang: là nói tới thiền sư Linh Vân và thiền sư Hương Nghiêm. Một thầy nhìn hoa đào mà giác ngộ, một thầy nghe tiếng sỏi chạm vào thân trúc mà giác ngộ. Hai thầy là hai ông thầy sang nhất trong tất cả các ông thầy sang!
Giáo pháp
Trong hội thứ Chín, hội khó nhất của bài Cư Trần Lạc Đạo, chúng ta đã duyệt qua một số những cơ quan, những công án, những pháp thức của các thầy ngày xưa đã sử dụng để tháo gỡ những cái kẹt cho học trò của họ.
Nhân đây ta nói tóm lại những nguyên tắc thực tập chính của thiền tông Trung Hoa:
1- Nương vào tự lực hơn là tha lực. Chúng ta biết rằng trong các tông phái của Phật giáo, có tông phái căn cứ vào tha lực nhiều hơn (tức là nương vào sức của Bụt và Bồ tát). Còn tu thiền là ta phải có đức tin ở nơi ta, nơi tâm thức của ta. Đó là một nét chính của thiền. Ở alaya thức có một khả năng tháo gỡ những đau khổ, những cái kẹt của ta, và đưa lại tuệ giác và hạnh phúc ở trong ta. Vì vậy cho nên ta phải tin rằng từng bước chân thiền hành hay từng hơi thở chánh niệm có công năng đem lại hạnh phúc và tuệ giác cho ta chứ ta đừng có đặt đức tin vào nơi ông thần ông thánh nào xa xôi! Người tu thiền là phải có niềm tin ở nơi tự lực (self-relying), chứ không cầu khẩn những thế lực bên ngoài.
2- Chú trọng tới thực tập hơn là kiến thức. Có những truyền thống mà trong đó họ học rất nhiều, học thuộc lòng luôn cả tam tạng kinh điển! Và họ nói thao thao bất tuyệt về tất cả các vấn đề. Nhưng con người của họ không có thay đổi. Những đau khổ, những cái họ mắc kẹt vẫn còn y nguyên. Cho nên những kiến thức đó giúp họ rất ít, đôi khi cũng không có giúp được gì. Vì vậy cho nên thực tập thiền là phải chú trọng về sự thực tập của chính ta nhiều hơn là kiến thức mà ta chứa chất mỗi ngày.
3- Thiên về nhập thế hơn là xuất thế. Tức là không có cầu thoát ra khỏi cõi này mà đi tới cõi khác, tức là ta phải ôm lấy chỗ này làm quê hương của ta. Tịnh độ là đây, đây là tịnh độ.
Đó là ba nguyên tắc. Còn về phương pháp thì thiền có hai phương pháp:
1- Sử dụng ngôn ngữ sinh động hơn là giáo lý cứng ngắt. Ngôn ngữ sinh động dịch tiếng Anh là living words. Ví dụ như khi đệ tử hỏi: “Mục đích của thầy Bồ Đề Đạt Ma tới đây là để làm gì?” Thiền sư trả lời: “Ăn bánh chưa?” hay “Uống trà đi!” Đó là ngôn ngữ sinh động. Nó không hẳn là phải có những danh từ Phật giáo, phải sử dụng danh từ chân như, bản thể, bát chánh đạo… Chỉ cần nói: “Uống trà đi con!” hay “Ăn cơm cho đàng hoàng đi!”, “Mình đang ở đâu đây?”, “Con có thấy mặt trăng đã lên chưa?”, “Này con, con có thấy cây tùng ở trước sân chùa hay không?”… Không có danh từ Phật giáo gì hết, nhưng chính nó làm bung ra được chánh niệm, sự giải thoát.
Có một câu chuyện mà trong đó chú đệ tử lên than phiền:
– Bạch thầy, con ở đây đã được ba năm rồi mà thầy chưa dạy cho con cái gì quan trọng hết. Thầy mới dạy thở vô thở ra thôi! Và ở đây, con gánh nước, nấu cơm…, con làm đủ hết tất cả mọi cái cho thầy hạnh phúc mà thầy chưa chịu dạy cho con cái gì cao siêu hết.
Thầy gọi:
– Sư chú ơi?
Sư chú:
– Dạ.
Thầy lại gọi:
– Sư chú ơi?
Sư chú:
– Dạ!
Rồi thầy hỏi thêm một lần nữa:
– Sư chú ơi?
– Dạ!!!
Sư chú rất lấy làm ngạc nhiên, tại sao sư chú dạ tới hai ba lần mà thầy còn cứ gọi. Lúc đó, nhìn vào mặt sư chú, thầy nói:
– Hồi nãy, nghe sư chú nói thầy có cảm tưởng thầy không có dễ thương với sư chú, nhưng thiệt ra là sư chú không có dễ thương với thầy. Thầy gọi chú ba lần như vậy mà chú chỉ có dạ thôi. Tiếng gọi của thầy rất thân thiết, để gọi sư chú trở lại, để thấy thầy và sư chú là một. Đó là những cái gì quý nhất của thầy, thầy đã trao cho chú rồi.
Đó là ngôn ngữ sinh động. Tại vì giây phút giác ngộ, giây phút chứng nhập vào bản môn có thể xảy ra ở ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đó. Cho nên trong thiền gia mới có câu nói đói thì ăn, khát thì uống, và nhờ đó mà đạt đạo. Khi ăn thì phải ăn cho thật sự, uống thì phải uống cho thật sự, chứ đừng có trong khi ăn hay trong khi uống mà cái tâm của mình đang ở đâu khác. Và vì vậy trong ngôn ngữ thiền không phải là ngôn ngữ của con vẹt, lặp lại những điều Bụt nói. Chúng ta phải học như thế nào để đừng kẹt vào ngôn ngữ chết.
2- Chủ trương dùng thuốc xổ nhiều hơn thuốc bổ. “Ăn mày công đức” nhưng vào ruột thì không tiêu! Nó trở thành những cặn bã và vì vậy có thêm bao nhiêu đi nữa cũng không có ích lợi gì cả. Thiền sư giỏi là phải cho thuốc xổ và rất ít thuốc bổ. Tại vì khi xổ rồi, cái ruột của ta sạch rồi và nó sẽ tiếp nhận chất bổ rất dễ dàng. Ai trong chúng ta mà không có chất độc ở trong tâm? Chính những chất độc đó làm cho ta không có hạnh phúc, ta không tiếp nhận hạnh phúc đó được. Thuốc xổ mạnh hơn thuốc bổ!
Nếu nắm được những nguyên tắc này thì ta không cần phải bắt chước các thiền sư. Ta phải làm thế nào để cho ngôn ngữ của ta là ngôn ngữ sinh động mà không phải là giáo lý khái niệm. Ta phải làm thế nào để bản thân của ta xổ được và giúp cho những người học trò của ta xổ được.
Năm 1964, tôi có xuất bản một cuốn sách gọi là Đạo Phật Hiện Đại Hóa. Tôi đã nêu ra ba nguyên tắc của sự thực tập:
1- Sự có mặt vô hành của đạo đức. Vô hành là không có làm gì cả. Đạo tức là chứng đạo, là cái thấy. Đạo đây không có nghĩa là con đường. Đức là năng lượng tích cực phát xuất từ đạo, tức là sự vững chãi, sự thảnh thơi và sự an lạc. Khi đạt tới một cái thấy thì tự nhiên ta có yếu tố của sự vững chãi, thảnh thơi, an lạc, và những yếu tố đó không cần phải diễn dịch ra hành động là đã có lợi ích cho cuộc đời lắm rồi. Đó gọi là sự hiện diện vô hành của đạo đức.
2- Sự có mặt của ngôn ngữ đạo đức. Ngôn ngữ đạo đức này chính là ngôn ngữ sinh động. Khi ta có an lạc, vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc thì tự nhiên ta phát xuất ra một thứ ngôn ngữ truyền đi được những chất liệu vững chãi, thảnh thơi và an lạc đó. Và khi người ta nghe, người ta cảm nhận liền lập tức những chất liệu đó. Ngôn ngữ đạo đức là thứ ngôn ngữ phải có ở trong thời đại của chúng ta. Khi một người tu mà không đạt được một cái thấy, thì con người tu đó sẽ không đạt được thứ ngôn ngữ đạo đức. Thứ ngôn ngữ đạo đức này là do chúng ta sáng tạo ra qua sự chứng đạo mà không phải rút tỉa từ kinh điển. Và mỗi thời đại phải cần ngôn ngữ đạo đức phù hợp với thời đại đó.
3- Sự có mặt hữu hành của đạo đức. Hữu hành tức là diễn đạt ra bằng hành động. Ví dụ như ta giúp con nít đói, nuôi những người khuyết tật… Những hành động đó không được gọi là những hành động xã hội tại vì nó phát xuất từ cái thấy, từ tình thương của chúng ta. Nếu chúng ta không có đạo đức vô hành thì những hành động của ta không thể gọi là những hành động của đạo đức được. Cho nên một tác viên xã hội đi làm ở ngoài đời để giúp người cùng khổ thì người đó chỉ làm với tư cách một người làm thuê thôi. Nhưng nếu người tác viên đó có cái thấy, cái thương, cái hiểu, cái vững chãi, cái thảnh thơi và an lạc, thì khi đó hành động cứu khổ của người tác viên là hành động đạo đức. Theo cái thấy này, thì cái căn bản là đạo đức vô hành. Có đạo đức vô hành rồi thì tự nhiên bất cứ hành động nào của ta cũng sẽ là đạo đức chân chật, và bất cứ lời nói nào của ta cũng trở thành ngôn ngữ đạo đức, ngôn ngữ sinh động mà không phải là những câu nói khô cứng, lặp đi lặp lại.
Có một điều mà chúng ta phải nhắc nhở nhau là ngày xưa các Tổ sáng tạo ra những công án và những thoại đầu để gỡ kẹt cho chúng ta. Ngày nay chúng ta có thể bị kẹt vào những công án hay thoại đầu đó. Ví dụ như xã hội hiện đang có những vấn đề rất cấp thiết mà chúng ta không quán chiếu, mà chúng ta lại chỉ để hết thì giờ suy nghĩ, quán chiếu về công án “tiếng vỗ của một bàn tay“, hay “mục đích của tổ Bồ Đề Đạt Ma qua Tàu để làm gì?“… thì chúng ta hoàn toàn tách biệt ra khỏi sự sống. Vì vậy khi ở Nhật Bổn và Cao Ly, tôi đã nói rằng quí vị thực tập như thế nào để cho sự thực tập của quí vị có dính líu tới những đau khổ có thật trên thế giới ngày hôm nay và những đau khổ có thật của chính quý vị. Còn nếu quý vị thực tập mà không có dính líu gì tới những đau khổ của quý vị và của xã hội ngày hôm nay thì quý vị đang bị mắc kẹt vào những công án của các vị Tổ.