Hội thứ bảy
HỘI THỨ BẢY
Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay.
Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
BÌNH GIẢNG
Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.
Chúng ta thấy rằng trong bài Cư Trần Lạc Đạo cũng như trong những tác phẩm bằng chữ Nôm ở thế kỷ thứ 13, không có tác phẩm nào sử dụng danh từ Phật hết. Điều đó chứng tỏ rằng vào thế kỷ thứ 13, 14, dân Việt vẫn còn dùng chữ Bụt để chỉ đấng Toàn Giác.
Từ khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, họ gom góp và đốt hết tất cả những thư tịch của các thầy ở Việt Nam sáng tác, và đem kinh điển ở bên Trung Quốc sang, thì chúng ta mới bắt đầu gọi Bụt là Phật, một danh từ phiên âm từ tiếng Trung Hoa. Đó là từ thế kỷ thứ 15, 16. Trước đó chúng ta vẫn gọi Phật là Bụt, theo danh từ tiếng Việt.
Trong tác phẩm chúng ta đang dùng đây, không bao giờ có chữ Phật hết, toàn là Bụt. Vì vậy, là con cháu, ngày nay chúng ta nên trở về nguồn, nên theo tổ tiên của chúng ta mà sử dụng danh từ Bụt, và đừng dùng danh từ Phật của người Trung Hoa đã ép buộc ông cha ta sử dụng.
Phép Bụt trọng thay, nghĩa là phép của Bụt rất quí báu. Rèn, tiếng Anh là training, nghĩa là học hỏi và tập dượt. Nếu có học và tập theo phép Bụt thì ta mới thấy được, mới hiểu được rằng Phật pháp rất mầu nhiệm, rất quí báu. Chữ phép Bụt là tiếng Việt của chữ Phật pháp. Ta có bài kệ mở kinh:
Phép Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi
Vô minh hết bồ đề thêm sáng
Vô minh tức là sự không thấy rõ, không có ánh sáng. Mục đích của việc học là lấy vô minh ra khỏi ta. Nhưng khi vô minh ra khỏi rồi thì sẽ có một cái khác để thay thế, đó là bồ đề, tức là sự giác ngộ, là sự hiểu biết sáng thêm. Có nghĩa là ta đã có ánh sáng rồi, nhưng vì màn vô minh che lấp cho nên ánh sáng đó chỉ tỏa chiếu một cách rất khiêm nhường. Nếu ta lấy màn vô minh đi thì ánh sáng đó chiếu ra rạng rỡ. Vô minh hết Bồ đề thêm sáng là câu lặp lại những câu ở trong kinh: Vô minh diệt, minh sinh, nghĩa là khi nào vô minh diệt thì minh sinh ra. Ánh sáng xuất hiện khi bóng tối đi mất, đó là một định luật. Hễ bóng tối đi mất là chỗ đó có ánh sáng.
Phiền não rồi đạo đức càng say
Phiền não rồi tức là phiền não đã được chuyển hóa, đã được thảnh thơi. Chữ rồi ở đây chúng ta nhớ nó có nghĩa là thảnh thơi. Khi phiền não đã được thảnh thơi rồi thì cái đạo và cái đức càng được quí chuộng, ưa thích.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay
Phỏng ở đây là làm theo (adapt). Xem và làm theo, bắt chước theo. Lòng kinh tức là tinh yếu của kinh, bản chất của kinh chứ không phải là hình thức của kinh, không phải là cái xác kinh, không phải là chữ nghĩa, văn cú của kinh.
Chữ lòng là dịch từ chữ tâm. Kinh chi tâm tức là cái tinh yếu của kinh. Thốt ở đây có nghĩa là nói, là thưa thốt. Dễ cho thấy dấu: dấu này là dấu vết. Nếu học kinh mà chúng ta biết để đừng bị kẹt vào chữ nghĩa, chúng ta đi vào tinh túy của kinh, biết thực tập theo lời kinh dạy, mà không đi vào lý thuyết thì dấu vết của những lời Bụt dạy trở nên rõ ràng, ta có thể thấy được, nắm được.
Học đòi cơ tổ: Học đòi tức là học theo. Cơ nghĩa là then máy, là cơ quan. Tức là những phương pháp của các tổ dùng để giúp người ta giác ngộ, như những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những bài kệ ngược lại với kinh điển, đó là cơ. Học đòi cơ tổ tức là học theo những phương pháp của chư tổ.
Sá thiền không khôn chút biết nay. Sá có nghĩa là lối đi, là con đường, như đường sá. Thiền không là những giáo lý về không (sujnata) được dạy trong thiền môn, không phải cái không ở ngoài đời mà là cái không không thể nói tới.
Khôn chút biết nay: khôn ở đây nghĩa là khó biết được, như trong chữ khôn lường (difficult). Thay vì là nơi, đọc là nay. Nơi là chỗ, là nơi chốn. Vì đây là Hội thứ Bảy, tất cả các vần đều là “ay”, cho nên chữ nơi phải đọc thành chữ nay. Những giáo lý mầu nhiệm về không ở trong thiền, con đường đạt tới nó không phải dễ dầu gì mà tới nơi tới chốn được đâu.
Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Cùng là đi tới tận nơi tận chốn, không bỏ nửa chừng. Căn là rễ, bản là cái nền. Cùng căn bản là đi tới nguồn cơn, gốc rễ, tiếng Anh là go all the way through, hitting the bottom. Rữa trần duyên: Rữa tức là rã ra. Ví dụ có một khối gì đó chúng ta để ngoài mưa. Ban đầu nó cứng, nhưng nước thấm vào từ từ, mưa gió đi qua, và nó bắt đầu rã ra từng mảnh. Đó là rữa ra. Trần duyên là những ràng buộc vào phiền não. Trần đây là những bụi bặm của cuộc đời. Duyên là những ràng buộc của cuộc đời. Rữa trần duyên nghĩa là những bụi bặm, những ràng buộc của cuộc đời từ từ rã ra. Ban đầu nó làm thành một cái vỏ cứng giam hãm chúng ta, nhưng nếu chúng ta đi tận cùng tới cái căn bản của giáo lý, của thiền tập, thì những mối trần duyên làm chúng ta khổ đau trong bao nhiêu kiếp sẽ từ từ rã ra hết.
Mựa để mấy hào ly đương mặt. Mựa là đừng, chớ. Hào ly là một chút xíu, hay là những mảy vụn. Câu này nghĩa là chớ để cho những mảy vụn của nó còn trước mặt ta. Cái trần duyên đó rã ra, nó tan hết, và đừng để cho nó còn lại dầu là một tơ hào, một mảy mụn rất nhỏ. Đừng cho nó ở lại trước mặt nghĩa là đừng thấy nó một chút xíu nào nữa cả. Cái trần duyên đó phải được rã ra một cách hoàn toàn.
Ngã thắng tràng: Tràng là một cái cờ. Thắng tràng là cờ chiến thắng. Ngã là ngã xuống. Ngã cờ chiến thắng đó xuống. Ngày xưa khi đánh trận thắng, người ta dựng cờ lên, gọi là cờ chiến thắng. Thắng trận là thắng tràng. Các vị Bụt, các vị Bồ tát khi chiến thắng được ma quân, chiến thắng được phiền não vô minh thì cũng giống như dựng lên một cây cờ chiến thắng của đạo pháp.
Nhưng tại sao lại ‘ngã thắng tràng’? Cây cờ chiến thắng đó tại sao lại làm cho nó ngã? Tại vì nó vẫn còn có ý niệm là có người thắng, người thua. Nó có thể có ý niệm về ngã, về mạng, về sự tự hào, tự đắc, cho nên làm cho cây cờ chiến thắng đó nó ngã xuống. Tức là bước cuối cùng của sự chiến thắng của ta.
Viên tri kiến: Viên tức là làm cho nó tròn đầy; tri kiến là cái thấy, cái biết của ta. Cái thấy và cái biết của ta làm cho nó tròn đầy, gọi là viên tri kiến. Chúng ta có tri kiến của chúng ta, mà Bụt cũng có tri kiến của Bụt. Tri kiến của chúng ta rất nhỏ bé, còn tri kiến của Bụt rất lớn lao.
Kinh Pháp Hoa được xem như một kinh diễn bày cho ta thấy tri kiến của Bụt: Khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến. Tức là mở ra, chỉ bày, làm cho chúng ta thức tỉnh, và chúng ta đi vào trong tri kiến của Bụt. Viên tri kiến là làm cho tri kiến của ta càng ngày càng tròn đầy.
Chớ cho còn họa trữ cong tay: Làm sao để cho những tai họa không còn ẩn dấu trong hai vòng tay của ta. Tại vì tai họa nó từ đâu tới? Tai họa nó nằm trong hai vòng tay ta mà ta không biết, ta tưởng từ ngoài nó đi vào! Tất cả những tai họa đến với ta đã nằm sẵn trong hai vòng tay của ta. Một ngày nào đó gặp tai họa, ta nghĩ là từ xa nó đi tới, kỳ thực nó đã có sẵn! Cong tay là trong tay.
Muốn cho tai họa đừng tới thì ta phải thấy rằng nó đã nằm núp sẵn trong hai vòng tay của ta. Vì vậy cho nên phải làm ngã xuống cái thắng tràng của ta, ngã sự tự hào, tự thị là ta giỏi hơn người, ta thành công hơn người. Và ta phải làm cho tròn đầy cái thấy và cái biết của ta (viên tri kiến), thì những tai họa ẩn náu trong hai vòng tay của ta, dưới hình thức của những hạt giống, tan rã đi, lúc đó ta mới thật sự có an ninh.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Giác ngộ là một thứ lửa. Tính thức là một thứ lửa. Khi các thứ lửa đó được đốt lên thì tất cả rừng tà kiến ngày trước sẽ rần rần cháy hết. Buông lửa giác ngộ: Buông, tiếng Hán-Việt là phóng (phóng giác ngộ hỏa). Bao nhiêu cái thấy sai lầm của ta là một rừng tà kiến rậm rạp, và ta phải phóng lửa giác ngộ để cho nó đốt tan tành rừng tà kiến đó. Rừng đó có từ bao nhiêu kiếp trước, gọi là rừng tà ngày trước. Còn đốt hoại thảy, tức là đốt và phá hủy tất cả. Thảy có nghĩa là tất cả, như trong chữ hết thảy.
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay. Giác ngộ là một thứ lửa, còn trí tuệ là một cây gươm. Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta thường hình dung đức Văn Thù cầm một thanh gươm. Thanh gươm đó là thanh gươm trí tuệ, có nhiệm vụ cắt đứt tất cả phiền não.
Này gươm trí tuệ mài đây,
Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi.
Đó là hai câu thơ trong tác phẩm Quan Âm Thị Kính.
Quét cho không tính thức thuở nay: Quét cho đến khi nào sạch không. Tính thức tức là cái tính của nhận thức sai lầm. Thuở nay tức là từ trước cho tới bây giờ. Chữ thức đối lại với chữ trí. Khi tâm còn chứa chất nhiều vọng tưởng, nhiều tà kiến, gọi là thức; khi những tà kiến, những vọng tưởng đã được chuyển hóa thì cũng cái tâm đó nhưng gọi là trí. Chuyển thức thành trí. Một bên là vijđana (thức, conciousness), một bên là prajđa (trí, Wisdom hay Insight).
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. Mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Ơn của Bụt, đức của thánh, ta phải nhận thức được và ta phải biết quí chuộng. Thánh đây tức là The Holly Ones, các vị A La Hán, các vị Bồ tát, các vị Bụt đều có ơn với ta, và ta phải thấy được, nhận thức được cái ơn đó, cho nên ta phải thương mẹ (xót là thương), thương cha, ta phải thờ thầy, học đạo. Thờ ở đây có nghĩa là sống một bên để phụng sự. Sống bên thầy để thực tập đạo, và đó là một cách thương mẹ, thương cha, và đền ơn các bậc thánh.
Mến đức cồ: Cồ có nghĩa là lớn lao. Có người giải thích rằng Cồ đây là Gotama (Cồ viết hoa), nhưng có lẽ không đúng. Mến đức cồ tức là mến cái đức lớn. Cái ơn kia là ơn rất thánh thiện, còn cái đức này là đức rất lớn lao.
Kiêng bùi ngọt, tức là đừng ham ăn, đừng chạy theo các món ăn ngon. Nếu chạy theo các món ăn ngon thì đâu có thì giờ để phụng sự, thờ thầy và học đạo. Cầm giới ăn chay, những thức ăn ngon kia tốn rất nhiều tiền, tốn rất nhiều thì giờ, vì vậy cho nên ta trì giới và ăn chay. Ăn chay để cho thân thể khỏe mạnh, ăn chay để có thì giờ nuôi dưỡng tâm từ bi. Và trì giới là để bảo hộ cho ta, giữ tự do lại cho ta, tại vì nếu mất tự do thì không còn hạnh phúc nữa.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận
Ta cảm vì cái đức từ bi của Bụt, và ta mong ước rằng kiếp này sang kiếp khác ta được gần gũi Bụt và các vị Bồ tát. Để nhiều kiếp nguyền cho thân cận: Để cho được thân cận trong nhiều kiếp.
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay
Ơn cứu độ của Bụt, của Bồ tát, ta không thể nào quên được. Nếu cần nhiều hơn là một thân thể này, kiếp này sang kiếp khác, dù có chịu những khổ nhục, những đắng cay thì ta vẫn đi theo con đường đó, tại vì con đường đó là con đường ta cứu độ được mẹ cha, cứu độ được tổ tiên, cứu độ được con cháu của ta.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
Ta phải nhớ tới cái nghĩa và đừng quên cái đạo. Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên: Chăng tức là chẳng. Hương hoa cúng xem còn nên thảo: Mỗi ngày ta chỉ cần cúng dường một cây hương hay một đóa hoa thôi, không tốn kém gì cả. Nhưng nếu có đạo và có nghĩa thì phẩm vật cúng dường đó biểu lộ được lòng hiếu thảo của ta đối với tổ tiên, đối với Bụt, đối với các vị Bồ tát, đối với thầy. Xem còn nên thảo: thảo đây có nghĩa là hiếu thảo. Làm con, làm học trò, làm đệ tử phải có hiếu, có thảo. Hiếu thảo này không cần phải biểu lộ bằng tiền bạc, bằng ngọc vàng. Chỉ cần biểu lộ bằng sự đừng quên đạo, đừng quên nghĩa, thì một bông hoa hay một cây nhang là đủ để tỏ lòng hiếu thảo của ta.
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay: Cái miệng ta nói tin vào đạo, tin vào nghĩa, tin vào Bụt, tin vào thầy, nhưng lòng lại lỗi, tức là cái tâm ta lại không chân thật. Ta không cố tâm tu chánh niệm, ta chỉ tu hình thức bên ngoài. Thấy người ta ngồi, ta cũng ngồi, thấy người ta đi, ta cũng đi, thấy người ta ăn cơm im lặng, ta cũng ăn cơm im lặng, nhưng ta không đem hết tâm để làm chuyện đó. Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, tức là ta thật sự không có tín, do đó ta không có tấn, không có niệm, không có định, và không có tuệ. Vậy thì trong trường hợp đó ta có làm chùa, làm tháp hay làm bàn thờ bằng vàng, bằng ngọc, thì cũng không biểu lộ được, không chỉ cho người ta thấy được cái ngay của ta. Chữ ngay ở đây không phải là một trợ từ, ngay ở đây là một danh từ, và nó đối với chữ thảo, thảo và ngay. Ngay, tức là sự thẳng thắn của ta. Nếu ta không có ngay thẳng thì dầu ta có vàng có ngọc để cúng dường đi nữa, cái đó cũng không biểu lộ được cái tâm chân thật của ta.
Giáo pháp
Trong hội này chúng ta học rằng khi bóng tối vô minh tan biến thì ánh sáng tự nhiên hiện rõ và soi sáng cho ta. Khi học tập ta phải dùng sự thông minh của ta, ta đừng kẹt vào trong chữ nghĩa, ta phải luôn luôn nhớ phá những tà kiến của ta, tại vì tà kiến của ta có cả rừng, và ta phải vun trồng cái tri kiến của Bụt. Và một người tu thì phải biết ơn nghĩa. Cái ơn nghĩa này không phải được trả bằng phẩm vật mà bằng sự thực tập, sự ngay thẳng và sự hiếu thảo của mình.