II. Chú thích
1. Thành Xá Vệ (Sāvatthī): Thủ đô của Vương Quốc KOSALA nằm về phía tây kinh đô Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu).
2. Lễ tự tứ (Pravāraṇā) được cử hành vào cuối mùa mưa, tức là mùa an cư ba tháng của các vị khất sĩ. Lễ tự tứ là lễ trong đó mỗi vị tu sĩ có mặt cầu xin đại chúng chỉ bảo cho mình biết những thiếu sót và yếu kém của mình trong mùa tu học ba tháng vừa qua. Ngày trăng tròn là ngày cuối của mỗi tháng. Thường thường lễ tự tứ được tổ chức vào cuối tháng Assayuja – tương đương với tháng mười dương lịch, nhưng vào năm nói kinh này thì Bụt muốn lễ được tổ chức trễ hơn một tháng, tức là vào cuối tháng Kārtika – tương đương với tháng mười một dương lịch. Mùa an cư năm ấy như vậy dài tới bốn tháng.
3. Ngày trăng tròn tháng tư được gọi là ngày Komudī. Komudī có nghĩa là ngày trăng tròn của tháng Kārtika. Kumuda là loại sen trắng thường nở ra vào tiết này cho nên ngày trăng tròn tháng Kārtika được gọi là Komudī.
4. La Hán (arahat, tiếng Phạn: arhat): cũng đọc là lô hán hay a la hán, quả vị cao nhất của tiểu thừa. La Hán có nghĩa là ứng cúng (xứng đáng được cung dưỡng), sát tặc (giết được giặc phiền não) và bất sinh (không còn sinh tử luân hồi).
5. Phiền não: những sợi dây ràng buộc tâm ý như: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v. Tiếng Pali là kisela. Phiền não tương đương với lậu hoặc (āsava), những chất độc của tâm ý, nguyên do của sinh tử, như tham dục, tà kiến, vô minh.
6. Năm sợi dây ràng buộc đầu: đó là năm thứ đầu trong mười triền sử (saṃyojana) sau đây: kẹt vào tà niệm bản ngã, nghi hoặc, kẹt vào giới cấm và lễ nghi vô lý, tham dục, hờn giận, tham đắm thế giới hình sắc, tham đắm thế giới vô sắc, kiêu mạn, trạo cử (bất an) và vô minh. Triền sử là trói buộc và sai khiến.
Trong đại thừa, thập sử được kể như sau: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. Năm thứ đầu được gọi là độn sử, năm thứ sau được gọi là lợi sử.
7. Quả Bất Hoàn (Anāgāmi-phala): quả vị tu chứng gần quả vị La Hán nhất. Người đạt được quả vị này không còn trở lại luân hồi.
8. Quả Nhất Hoàn (Sakadāgāmi-phala): quả vị tu chứng thấp hơn Bất Hoàn một bậc. Người đạt quả vị này còn trở lại tái sinh một lần nữa.
9. quả Dự Lưu (Sotàpatti-phala): quả vị tu chứng thấp nhất. Người đạt được quả vị này được xem như là đã gia nhập vào dòng sông giác ngộ, thế nào cũng chảy về biển cả giải thoát.
10. tứ niệm xứ (Satipatthàna): bốn lĩnh vực quán niệm, tức là quán niệm thân trong thân, cảm giác trong cảm giác, tâm ý trong tâm ý và đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý.
11.tứ chánh cần (padhàna): bốn nổ lực chân chính: điều ác chưa phát sinh đừng để cho chúng có cơ hội phát sinh, điều ác đã phát sinh tìm cách tiêu diệt, điều thiện chưa sinh làm cho phát sinh, điều thiện đã sinh tìm cách duy trì và phát triển.
tứ như ý túc (iddhi-pàda): bốn con đường đi tới sự thực hiện sức mạnh tâm linh: quyết tâm, tinh tiến, tâm niệm và quán tưởng.
ngũ căn (indriyana): năm khả năng là đức tin, tinh tiến, chánh niệm, chánh định và trí tuệ.
ngũ lực (bala): năm sức mạnh.
thất bồ đề phần (bojjhanga): bảy yếu tố giác ngộ, sẽ được đề cập tới trong kinh.
bát chánh đạo phần (atthangika-magga): con đường tu học chân chính gồm tám yếu tố: cái thấy chân chính, nếp tư duy chân chính, ngôn ngữ chân chính, hành động chân chính, phương thức mưu sinh chân chính, tinh cần trong nẻo chính, quán niệm đúng chính pháp và thiền định đúng chính pháp.
Tất cả các phép tu trên đây cộng lại thành ba mươi bảy phép tu, được gọi là tam thập thất trợ đạo phẩm (bodhipakkhiya-dhamma).
11. từ, bi, hỷ, xả (brama-vihàra): bốn tâm trạng đẹp đẽ và quý báu không có biên giới. Thường được gọi là tứ vô lượng tâm. Từ là cho vui, bi là cứu khổ, hỷ là vui và vui cái vui của người, xả là buông bỏ, không tính toán hơn thiệt, không ôm ấp kiến thức và buồn giận.
12. cửu tưởng quán: phép quán tưởng về chín giai đoạn tàn hoại của một tử thi từ khi sình lên cho đến khi thành tro bụi.
13. 13 & 14. mừng vui và an lạc: danh từ pìti thường được dịch là hỷ (vui) trong khi danh từ sukha được dịch là lạc (sung sướng). Ví dụ này thường được đưa ra để so sánh hỷ và lạc: Người đi trong sa mạc thấy một dòng nước mát, đó là hỷ, và khi được uống nước mát, đó là lạc. Ở đây pìti được dịch là mừng vui và sukha được dịch là an lạc.
14. tính tàn hoại (viràga): sự phai lạt và tan rã dần dần của các pháp cũng như sự phai lạt và tan rã dần dần của ham muốn. Ràga nguyên có nghĩa là màu hay nhuộm màu, bây giờ được dùng với nghĩa ham muốn. Viràga là sự tàn phai của màu sắc và của lòng tham muốn.
15. giải thoát: ở đây có nghĩa là sự biến diệt của lậu hoặc và phiền não.
16. buông bỏ: ở đây là buông bỏ những đối tượng mà mình thấy là ảo vọng, không có thực thể.
17. hỷ lạc xuất thế (niràmisa): một thứ hỷ lạc không nằm trong phạm vi dục vọng thân xác.
18. phân biệt và so đo: phân biệt chủ thể và đối tượng, cái ưa với cái ghét, cái được với cái mất. Danh từ upekkha (hành xả) có khi được dịch là indifference (sự lạnh nhạt, không tha thiết), có khi được dịch là equanimity (coi mọi cái như nhau). Tuy danh từ sau (equanimity) khá hơn danh từ trước (indifference), ý niệm buông bỏ vẫn còn là ý niệm căn bản trong từ upekkha. Buông bỏ ở đây là buông bỏ mọi sự phân biệt về chủ thể / đối tượng, yêu / ghét, được / mất, buông bỏ thành kiến, kiến thức, sở đắc v.v… Phật giáo đại thừa đã khai thác được tới nơi tới chốn ý niệm này.