Phụ lục
Bản tuyên cáo của T.T. Nhất Hạnh
(trích dịch trong biên bản Nghị viện Hoa Kỳ, ngày 2-6-1966)
Nghị sĩ John Dow (tiểu bang New York): Thưa ông niên trưởng, hôm qua một số nghị sĩ trong Ủy Ban Nghiên Cứu Dân Chủ đã hân hạnh gặp Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh, một tăng sĩ Phật giáo từ Việt nam đến. Thượng toạ là giám đốc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại Sài Gòn, là một người chuyên lo việc đào tạo cán bộ tái thiết nông thôn cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ông rất gần gũi với người dân quê vốn chiếm tới 90 phần trăm dân số Việt nam.
Thượng Toạ Nhất Hạnh là chủ bút tờ tuần báo Thiện Mỹ và giám đốc nhà xuất bản Phật giáo tại Sài Gòn. Là một trong những người của giới trí thức lãnh đạo ở Việt Nam, ông cũng là một trong những thi sĩ nổi tiếng và là tác giả của mười cuốn sách đã xuất bản.
Dù Thượng Toạ không phải là người đại diện chính thức của giới lãnh đạo Phật giáo,ông vẫn có đủ thẩm quyền trí thức để nói chuyện với chúng ta; bởi vì ông hiểu rõ cả tình trạng Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Ông quen nhiều với Thích Trí Quang từ 20 năm và chính ông Thích Trí Quang đã đánh điện mời ông về Việt Nam năm 1964 trong lúc ông đang dạy tại đại học Columbia.
Thượng toạ Nhất Hạnh nói về vấn đề Việt nam và Phật giáo như một trong những người có thẩm quyền quyết định. Ông cho ra bản tuyên cáo này ngày 1-6-66. Bản tuyên cáo chứa đựng những tư tưởng mà chỉ một người am hiểu tường tận đất nước Việt Nam mới có thể làm được. Bản tuyên cáo cũng chứa đựng những đề nghị về một giải pháp Việt Nam tương đương với đề nghị của những nhà lãnh đạo sáng suốt nhất trong giới trí thức Hoa Kỳ. Thêm vào đó, giải pháp chắc chắn bắt buộc Mặt trận phải chấp nhận. Đó là điều đáng chú ý nhất.
Bản tuyên cáo của T.T. Nhất Hạnh ngày 1-6-1966
Mới sáng hôm nay, toà lãnh sự Mỹ ở Huế bị sinh viên Việt Nam giận dữ đốt cháy và chỉ trong bốn ngày qua, năm người Việt đã tự thiêu để phản đối chính sách Mỹ tại Nam Việt. Trong một cuộc viếng thăm Hoa Kỳ ngắn ngủi của tôi, rất nhiều người Mỹ đã hỏi tôi tại sao người Việt đã trở thành bài Mỹ mạnh mẽ đến thế.
Trước hết, tôi xin nói để quý vị an lòng là tôi không bài Mỹ, trái lại, chính vì tôi còn hy vọng nơi sự sáng suốt của người Mỹ nên tôi đã quyết định sang đây dù tôi biết rằng chuyến đi này sẽ gây cho tôi nhiều hiểm nguy khi tôi trở lại Việt Nam. Tuy nhiên tôi bằng lòng chấp nhận sự hiểm nguy đó bởi vì tôi tin rằng nếu quần chúng Hoa Kỳ có thể bắt đầu hiểu đươc chút ít những cảm nghĩ của người Việt đối với những gì xảy ra ở Việt Nam thì một phần không nhỏ những thảm hoạ và khổ đau vô ích mà cả hai dân tôc phải chịu đựng chắc chắn có thể xoá bỏ đi dược.
Những cuộc biểu tình, tự thiêu và phản đối mà chúng ta đang chứng kiến ở Việt Nam đều là những phản ảnh của những dồn nén và thất vọng mà người Viêt đã chất chứa từ lâu khi họ nghĩ rằng họ bị đặt ra ngoài lề và không có quyền tham dự vào sự quyết định tương lai xứ sở họ. Tám mươi năm đô họ Pháp đã chấm dứt bằng một cuộc tranh đấu dai dẳng và đẫm máu. Mười hai năm từ ngày độc lập, đa số người Việt vẫn không có tiếng nói và không có quyền quyết định về vận mệnh xứ sở họ trong lúc đất nước đang bị chiến tranh tàn phá một cách thảm khốc chưa từng thấy bao giờ. Nếu những cuộc biểu tình gần đây mà có tính cách bài Mỹ là tại vì người Việt nhận ra rằng chính lực lượng Mỹ đã ủng hộ cho các chính quyền Sài Gòn thống trị người Việt mà không thèm để ý đến nguyện vọng của người Việt. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu một cách gian khổ để giành một nền độc lập chứ không phải để chịu thống trị như thế.
Chiến tranh ở Việt Nam hiện nay đã khiến cho người Việt lâm vào cảnh nồi da xáo thịt, một bên là Mặt Trận, một bên là chính quyền. Bên nào cũng tuyên bố mình là đại diện cho dân Việt, nhưng thực sự không có bên nào đại diện được cả.Nếu Việt Cộng có thể tuyên truyền rằng chính quyền Sài Gòn chỉ là bù nhìn của Mỹ, là tay sai của đế quốc,đó cũng là tại vì chính quyền Sài Gòn không phải là đại diện cho dân Việt. Càng leo thang chiến tranh, càng gửi thêm quân đội, người Mỹ càng giúp cho Mặt trận tuyên truyền như thế để mà mở thêm binh lính. Đại đa số người Việt khát khao hoà bình và chống lại sự lan rộng của chiến tranh. Ai cũng thấy rằng chính sách leo thang hiện giờ chỉ có thể làm cho viễn tưởng hoà bình xa hút và càng đe doạ tiêu diệt cho toàn thể dân đất Việt. Đã có trên 300.000 binh lính Mỹ ở đất nước tôi. Họ hiểu biết rất ít về phong tục và cách ăn ở của người Việt và nhiều khi đã tàn phá tính mạng và tài sản người dân Việt. Điều này đã khiến cho những luận điệu tuyên truyền bài Mỹ càng ngày càng được người dân quê tin. Thực là một thực tại bi đát khi ta nhận ra rằng cuộc chiến đã tàn sát nhiều dân lành vô tội hơn là tàn sát Việt Cộng. Họ oán trách những kẻ ngồi trên các phi cơ oanh tạc gieo điêu tàn và tang tóc trên đầu họ nhiều hơn. Làm sao họ có thể nghĩ khác hơn thế?
Hoa Kỳ chọn và ủng hộ những kẻ mà Hoa Kỳ tưởng là có thể thực hiện được ước vọng Hoa Kỳ cho tương lai Việt Nam. Nhưng thực ra những phần tử đó chưa bao giờ được người Việt nhận là đại diện cho họ, là tiếng nói đích thực của họ. Ông Ngô Đình Diệm cũng thế mà những người kế tiếp ông Diệm cũng thế. Cho nên, cùng với ý định chiến thắng bằng giải pháp quân sự, sự chọn người như thế đã đi trái hẳn với nguyện vọng sâu xa nhất của dân tộc Việt Nam mà chỉ có thể phá đổ mục tiêu người Mỹ muốn đạt tới khi chiến đấu tại Việt Nam.
Theo chúng tôi, mục tiêu chính của Hoa Kỳ là một nước Việt nam chống Cộng hoặc ít nữa là một nước Việt Nam không Cộng sản. Trong khi mục tiêu của người Việt là hoà bình. Họ không thích Cộng sản nhưng họ lại thù ghét chiến tranh, nhất là khi chiến tranh đã tàn phá mọi cơ cấu và văn hoá xã hội của họ trên 20 năm trời rồi. Vì vậy càng tiếp tục cuộc chiến , người ta càng làm cho Cộng sản phát triển hơn là tiêu diệt nó.
Trong xã hội Việt Nam, một giai cấp mới đã được chiến tranh tạo ra: đó là giai cấp buôn bán chiến tranh, quân sự cũng như dân sự. Những kẻ này ủng hộ chiến tranh và chỉ trong chiến tranh họ mới kiếm được tiền bạc và địa vị. Hoa Thịnh Đồn không thể nào hiểu được ý định và ước muốn của dân Việt nếu Hoa Thịnh Đốn nghe theo hạng người buôn bán chiến tranh này. Dân tộc Việt Nam phủ nhận hạng người ích kỷ và hư hỏng này bởi vì những nguời này chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng họ. Dư luận ở đây thường cho rằng không có giải pháp nào thay thế cho giải pháp chính trị và quân sự hiện giờ của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Lực lượng quân sự không Cộng sản được nói tới như là quá yếu, và người ta thường nghĩ rằng nếu quân đội Mỹ rút lui tức là Mặt trận có thể chiếm ngay lấy Việt Nam bằng cách khủng bố.
Người Việt cũng nhận thấy có một phần như thế, nhưng người Việt lại cũng nhận rằng chính sách hiện tại hoàn toàn vô hiệu và không thể chấp nhận được, nhất là vì những hậu quả khốc hại của nó trên xã hội Việt Nam. Hơn nữa chúng tôi không chấp nhận ý kiến cho rằng không có giải pháp nào thay thế cho giải pháp độc tài quân phiệt. Lực lượng của khối quốc gia yêu nước và không cộng sản có thể đáp ứng cho một giải pháp như thế. Chính tinh thần yêu nước đó là lực lượng gìn giữ không cho xã hội Việt Nam tan rã hoàn toàn và cũng là lực lượng duy nhất có thể đoàn kết mọi người Việt. Nhưng tinh thần yêu nước không thể bộc lộ hữu hiệu được trong khung cảnh chính trị Việt Nam hiện tại, khi mà đối lập với chính quyền thì bị đàn áp tàn bạo và khi mà liên kết với chính quyền lại bị quần chúng nghi ngờ, ghét bỏ.
Đã bao nhiêu năm nay, cái không khí chính trị đó đã dồn biết bao nhiêu người Việt về phía Mặt Trận Giải Phóng và cũng dồn biết bao nhiêu người Việt yêu nước khác vào tình trạng im lặng chết đứng. Năm ngoái, một số người trí thức yêu nước ký một bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Việt nam Cộng Hoà và Mặt Trận giải Phóng thương thuyết hoà bình với nhau, nhưng đã bị chính quyền đàn áp nặng nề, cho dầu họ đã có tới gần năm ngàn người ký tên ủng hộ, bây giờ cũng không nghe ai nhắc nhở về họ nữa. Ngày nay, chỉ những người Phật tử Việt Nam mới có được nhiều phương tiện và cơ hội để bộc lộ tinh thần ái quốc đó và chính họ có đủ sự ủng hộ của quần chúng để đấu tranh cho một chính quyền được dân chúng ủng hộ. Đây không phải là một hiện tượng mới, bởi vì trong nhận thức của người dân quê Việt Nam, đạo Phật và lòng yêu nước không thể tách rời nhau ra được. Lịch sử truyền bá Cơ đốc giáo và đô hộ Pháp đã ngẫu nhiên tạo ra hình ảnh đó. Sư kỳ thị Phật giáo của người Pháp và của chính quyền Ngô Đình Diệm lại làm cho hình ảnh đó sâu đậm hơn. Ngày nay, khi Phật tử cố gắng biểu lộ những ước muốn sâu xa lâu ngày bị đè nén của nhóm quần chúng không tên tuổi, thì họ lại bị xe tăng và hoả lực trả lời họ. Dân tộc Việt Nam, dù là Phật tử, hay không Phật tử cũng đều thấy rõ hành động nào phản chiếu được tinh thần dân tộc và hành động nào phản bội tinh thần dân tộc. Vì thế, dù dân chúng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh có bị thất thế, đàn áp vì không có lực lượng ngoại bang yểm trợ đi nữa thì sự thắng thế trắng trợn của một số tướng lãnh ở Sài Gòn chỉ làm cho dân chúng ghét bỏ họ và chỉ giúp cho sự tuyên truyền của Mặt Trận là chính quyền chẳng đếm xỉa gì đến quần chúng. Nổ lực của Phật tử không phải làm yếu thế dân tộc mà trái lại làm cho mạnh thế đứng của dân tộc.
Tuy giữa đồng bào Phật giáo, Công giáo và các tôn giáo khác có những điểm dị biệt nhưng những điều đó không phải là không thể vượt qua được nếu tạo ra một không khí thuận lợi cho sự đoàn kết. Nhưng có những kẻ lại sợ hãi phong trào đoàn kết và yêu nước tại Việt Nam, vì thế cứ gây nghi ngờ, chia rẽ để duy trì quyền bính và lợi lộc của họ. Không, chúng tôi không thể chấp nhận ý kiến cho rằng không thể có một chính quyền khác hơn là loại chính quyền bây giờ. Lẽ thứ nhì cho rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục chính sách hiện tại bởi vì nếu Hoa Kỳ ngưng chiến và rút lui tức là dâng Việt Nam cho Cộng sản. Chúng tôi không chấp nhận được lý luận đơn giản đó. Nếu Mặt trận càng ngày càng mạnh là tại những lầm lỗi của Sài Gòn chứ không phải vì dân quê mê ý thức hệ Mác-xít hoặc bị khủng bố mà theo. Nếu ở Nam Việt có một chính quyền có thể đáp ứng được những nguyện vọng căn bản của quần chúng Việt Nam và nếu chính quyền ấy thực sự gắn liền với những nguyện vọng căn bản của quần chúng Việt Nam và nếu chính quyền ấy thực sự độc lập đối với mọi chính sách ngoại bang thì dân chúng chắc chắn sẽ ủng hộ chính quyền ấy và không còn lý do để ủng hộ Mặt trận nữa. Nếu chính quyền thực hiện được hoà bình và độc lập thì Mặt Trận sẽ không có lý do gì để tồn tại; nếu cuộc chiến tranh tiếp diễn trong trường hợp này, quần chúng sẽ xem những người gây chiến là thù nghịch và sẽ bỏ rơi họ, bởi vì quần chúng ao ước hoà bình, chủ quyền và xây dựng xứ sở.
Từ khi bước chân đến Hoa Kỳ, đã rất nhiều lần tôi được yêu cầu nói ra những đề nghị cụ thể nhằm chấm dứt chiến cuộc ở Việt Nam. Dù không phải là một chính trị gia và do đó không thể đề nghị hết mọi chi tiết cho một cuộc dàn xếp, tôi vẫn không thấy một cách rõ rệt, cũng như những người Việt khác, cái đường hướng chúng ta phải đi. Theo đường hướng này, không phải Hoa Kỳ sẽ thương thuyết với Hà Nội, hay là Mặt Trận. Đối với dân Việt, những cuộc thương thuyết ấy nếu cần có, là công việc của người Việt chứ không phải là công việc của người Mỹ. Giải pháp của tôi theo những nét chính sau đây:
1) Hoa Kỳ ngưng oanh tạc ở Bắc cũng như ở Nam.
2) Giới hạn hoạt động quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam lại trong phạm vi tự vệ. Nếu Mặt Trận đáp ứng thì tức khắc đó là một cuộc ngưng bắn.
3) Hoa Kỳ long trọng cam kết rút quân khỏi Việt Nam trong một thời gian là bao nhiêu tháng, và bắt đầu thực hiện rút ít toàn quân để chứng minh thiện chí và sự thành thực.
4) Hoa Kỳ tuyên bố rõ rệt ý muốn tôn trọng ý chí người Việt trong việc thành lập một chính quyền đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng Việt Nam, và thực hiện những hành động cụ thể để chứng minh lời tuyên bố đó như từ chối không ủng hộ nhóm này để đàn áp nhóm khác.
5) Thành thực giúp Việt Nam tái dựng xứ sở đã bị chiến tranh tàn phá. Sự giúp đỡ này hoàn toàn không có sự liên hệ chính trị và ý thức hệ – những thứ được coi là động chạm đến nền độc lập Việt Nam.
Một chương trình như trên phải thực hiện rất mạnh dạn để có thể chinh phục được người dân Việt hiện giờ đã trở nên nghi ngờ. Một chương trình như thế thực hiện với sự thành tâm sẽ liên kết được người Việt để xây dựng và ổn định tình trạng Việt Nam.
Người ta sẽ hỏi rằng làm sao mà Hoa Kỳ biết chắc rằng chính quyền Nam Việt và Mặt Trận có chịu cộng tác với một chương trình như thế không? Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ trong những lời tuyên bố gần đây của ông đã nói rõ rằng ông không muốn dàn xếp ôn hoà cuộc chiến tranh này, Thực ra, chính cũng vì Sài Gòn nói khác Hoa Thịnh Đốn mà dân Việt đã không được cái gọi là “cuộc tấn công hoà bình” của Hoa Kỳ mùa đông năm ngoái. Vậy thì sự kiện Hoa Kỳ chấm dứt ủng hộ tướng Kỳ có thể là điều kiện cần thiết đầu tiên để thực hiện một chương trình như thế. Và ai cũng biết là khó có thể tiên đoán được phản ứng của Mặt Trận đối với chương trình như thế. Tuy nhiên, sự thành lập một chính quyền được quần chúng ủng hộ với sự ngừng bắn và bắt đầu rút quân của Hoa Kỳ sẽ làm cho Mặt Trận hết lý do đi tới và bắt buộc phải cộng tác.
Cuối cùng, nếu ai có hỏi tại sao tôi yêu cầu Hoa Kỳ nên bước những bước đầu, tôi sẽ nói rằng vì Hoa Kỳ là nước có quân lực hùng mạnh nhất, Hoa Kỳ làm như thế để thực hiện hoà bình thì không ai nói Hoa Kỳ nhát. Để lãnh đạo, không phải chỉ cần súng lớn là đủ. Phải có thực lực tinh thần nữa. Mà lịch sử nước Mỹ chứng tỏ nước Mỹ có thể làm như thế
Giải thích lập truờng
(Trả lời những câu hỏi hay được đặt ra trong chuyến vận động tại Hoa Kỳ và Âu Châu)
1) Thật là một điều sai lầm khi nghĩ rằng tình trạng căng thăng giữa chính phủ Hoa Kỳ và Phật giáo đã được gây nên bởi sự tranh chấp quyền bính ở Việt Nam. Cuộc tranh đấu của những người Phật Tử biểu dương cao độ sự đè nén thái quá và sức chịu đựng quá sức của một dân tộc trải qua 20 năm chinh chiến mà vẫn chưa thấy đưa đến một giải pháp nào. Cuộc tranh đấu này đang nhằm vận động hết thảy mọi lực lượng quốc gia không theo Mặt Trận để chống lại một chính thể mà ai cũng thấy rằng chính thể đó không tranh đấu cho quần chúng Việt Nam mà chỉ phục vụ cho chính sách Mỹ. Mục tiêu hiện tại của cuộc tranh đấu Phật giáo là thiết lập một chính phủ dân sự và độc lập, chuẩn đích của chính phủ này là thể hiện ý chí khát khao hoà bình và tiêu chuẩn về độc lập của nó nằm trong khả năng tự do chọn lựa những quyết định về chiến tranh hay hoà bình. Những người Phật tử Việt Nam không bao giờ muốn giành giựt cho riêng họ. Họ chỉ tranh đấu để tiến tới một chính phủ dân cử gồm đủ mọi đại diện tôn giáo tham dự.
2) Một điều sai lầm khác là người ta thường nêu cao sự đối nghịch giữa những cuộc biểu tình (điều động bởi Phật giáo) chống chính phủ Kỳ, chống chính sách Mỹ tại Việt Nam và chống chiến tranh và những cuộc diễu hành được gọi của “Thiên chúa giáo” phản đối lại những mục tiêu trên. Mặc dù những cuộc biểu tình chống chính sách sai lầm của chính phủ được lãnh đạo bởi Phật giáo, các tôn giáo khác vẫn hưởng ứng triệt để. Vì Phật tử là lực lượng quần chúng đông đảo tại Việt Nam và Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia, do đó tiếng nói của Phật giáo đã trở thành tiếng nói trung thực của quảng đại quần chúng.
3) Các báo chí thường cho rằng những người Thiên chúa giáo đại biểu cho lực lượng chống Phật giáo và chống Cộng. Người ta đã hỏi tôi rằng: có cách gì để cho những người Phật tử và Thiên Chúa giáo cộng tác với nhau đấu tranh cho hoà bình và thiết lập một chính phủ vững vàng không? Và sự sợ hãi cũng như sự căm thù những người Cộng sản của những người Thiên Chúa giáo có thực sự nghiêm trọng như người ta thường nói hay không? Để trả lời, tôi nhận thấy có nhiều điều phải đề cập tới.
Tình trạng phức tạp nhất thường xảy ra ở các đô thị, ở đó có nhiều vị lãnh đạo của các tôn giáo hiện diện . Rất nhiều vị lãnh đạo Thiên chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam, một phần đáng kể trong những vị này có tinh thần chống Cộng rất bạo động. Họ cộng tác mật thiết với người Mỹ đến nỗi họ phải tách lìa với quảng đại quần chúng. Nhưng một số những người Thiên Chúa khác, gồm những vi linh mục trẻ và những tín đồ Thiên Chúa giáo, tuy cũng chống Cộng song họ không tin vào sự hiện hữu của giải pháp quân sự. Đồng quan điểm với những người Phật tử, họ tìm phương cách trị liệu tận gốc vấn đề Việt Nam bằng cách tranh thủ hoà bình và kiến thiết lại những căn bản xã hội vì họ nhận định đó là điều kiện thiết yếu để thoát khỏi mọi ảnh hưởng ngoại lai.
4) Dù những người Cộng Sản có đang điều khiển bộ máy trung ương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, họ vẫn chỉ là thiểu số. Ảnh hưởng của Mặt Trận trong quần chúng nông dân không phải có được vì lý do họ chứng tỏ cho quần chúng thấy rằng họ là Cộng Sản; trái lại, vì họ liên tục chứng minh rằng Mặt Trận đang tranh đấu quyết liệt chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng ở miền Nam Việt Nam. Chín mươi phần trăm quần chúng Việt Nam là nông dân, họ đều có chung một ngôn ngữ Việt và họ thấy không có gì khác giữa những mưu ý của người Pháp trước kia và của những người Mỹ bây giờ. Họ xem người Tây phương là bạch chủng. Người Mỹ ngày nay, còn đông hơn người Pháp trước kia, đang chiếm đóng xứ sở họ, đang điều khiển những chính trị gia tại Sài Gòn, đang thả bom trên làng mạc và giết chóc nông dân vô tội. Ngay cả những người đồng ý cho rằng người Mỹ đang chiến đấu chống sự xâm lăng của những người Việt miền Bắc cũng công nhận rằng những luận điệu này không thắng được sự tuyên truyền của Mặt Trận. Chiến tranh càng tiến diễn thì Mặt Trận càng gây thêm uy tín trong quần chúng nông dân.
5)Yếu tố chính của chiến tranh không phải là quân sự mà là tâm linh. Hoa kỳ với thế lực quận sự hùng mạnh nhất nhì thế giới có thể đi tới một thắng lợi quân sự nhưng lúc đó đất nước Việt Nam đã bị xoá tên trên bản đồ thế giới và dân tộc Việt Nam đã bị diệt chủng. Con đường đưa tới thắng lợi này chỉ làm cho người Mỹ mất hết cảm tình và sự ủng hộ của quần chúng.
Trái lại nếu Hoa Kỳ quyết tâm thực hiện hoà bình và giao ước rút quân khỏi Việt Nam khi hoà bình tái lập tại Việt Nam, ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ lớn rộng hơn nhiều. Khi Hoa Kỳ thực quyết tâm dứt chiến tranh, thì không có lý do gì Mặt trận từ khước. Trường hợp Mặt Trận vẫn tiếp tục gây chiến, lúc đó qủng đại quần chúng thôn quê hiện đang khao khát ngừng chiến sẽ trở lại chống Mặt Trận. Chính Mặt Trận cũng ý thức đến điều đó, cho nên họ không bao giờ từ chối cộng tác khi Hoa Kỳ chứng tỏ được quyết tâm thực hiện hoà bình.
6) Quảng đại quần chúng thôn quê Việt Nam đã quá chán ghét chiến tranh. “Dân chủ” và “tự do” đối với họ không có nghĩa bằng hoà bình để được yên ổn làm ăn. Chẳng có ai ủng hộ cho chính phủ Kỳ, và ủng hộ đắc lực cho Mặt trận thì chỉ có một số. Họ ủng hộ cho Mặt Trận không vì lý do say mê Chủ Nghĩa Cộng Sản hay sợ khủng bố (mặc dầu hình thức khủng bố đếu được cả hai bên áp dụng). Họ theo Mặt Trận chỉ vì không thấy có giải pháp nào khác để chống lại tập đoàn Kỳ Mỹ. Sự tham chiến của người Mỹ cùng những chính phủ kế tục sau những lần đảo chính ở Sài gòn chỉ càng làm tăng thêm uy tín cho Mặt Trận. Và Mặt Trận trở nên độc quyền trong việc giành độc lập cho quốc gia.
7) Phần lớn người Việt Nam đều nghi ngờ chủ trương của Mỹ. Rất nhiều người nghi rằng người Mỹ muốn lợi dụng Việt Nam làm căn cứ quân sự chống Trung Hoa lục địa. Họ không thể tin rằng người Mỹ đang giúp đỡ dân tộc Việt Nam chống sự xâm lấn của Cộng sản miền Bắc. Họ so sánh rất rõ ràng những nguyên nhân gây chiến xuất phát từ sự vi phạm hiệp định Genève của ông Diệm và người Mỹ, cùng dưới sự đàn áp dã man của chính thể độc tài Ngô Đình Diệm.
8) Trong vòng các đô thị ở miền Nam có nhiều người đồng ý với chủ trương chiến tranh của người Mỹ và chính thể Kỳ. Sở dĩ có sự kiện đó là bởi hạng người này sống nhờ chiến tranh, nhờ những số tiền kết xù mà Hoa Kỳ và quân đội Mỹ tung vãi ra. Hạng người này thường rêu rao chống Cộng hơn cả, hơn cả những người chống Cộng thực sự. Đến nổi mà bây giờ những ai chống Cộng thực thụ tại miền Nam không có muốn tuyên bố ra, vì sợ bị liệt ngay vào hạng “đi ăn mày đô la”. Ở Việt Nam ngay nay chống Cộng đã thành chuyện thương mãi.
9) Quảng đại quần chúng ở Việt Nam là Phật tử. Nếu không có sự tham chiến của quân đội Mỹ và sự nhúng tay của người Mỹ trong các vụ đảo chánh nhằm giúp đỡ Hội Đồng Quân Lực thì Phật tử Việt Nam đã có đủ lực lượng hùng hậu để nói chuyện thương thuyết với Mặt Trận. Ở trong vùng Mặt Trận chiếm đóng cũng như ở khắp mọi nơi, số lượng Phật tử bao giờ cũng số lượng đáng kể và dĩ nhiên họ sẽ luôn luôn hưởng ứng và ủng hộ cho chủ trương Phật giáo
10) Người Phật tử không bao giờ chấp nhận luận điệu cho rằng chỉ có thể chọn lựa giữa hai giải pháp: thắng trận hay đầu hàng. Một giải pháp khác có thể có thể phối hợp theo những khởi đầu sau đây: Ngưng ngay những cuộc oanh tạc ở miền Nam và miền Bắc, ngưng ngay những cuộc hành quân gây chiến của quân đội Mỹ và thiết lập một chính phủ độc lập và dân sự ở miền Nam Việt Nam. Việc quân đội Mỹ tức thời rút khỏi Việt nam là điều không thể thực hiện ngay trong một lúc. Đây không phải là một đề nghị thực tế. Tuy nhiên, quân đội Mỹ có thể giao ước rút đi sau một thời gian nào đó và chứng tỏ bằng sự thực nghiêm chỉnh. Trong quá khứ, 37 ngày “ngưng oanh tạc” miền Bắc không thể hiện được thực tâm của người Mỹ dù họ đã quảng cáo rầm rộ. Làm sao có thể tin được khi trong thời gian này quân đội tiếp viện Mỹ vẫn dồn dập đổ bộ vào Việt Nam. Ngay chính những người Việt ở miền Nam còn không thể tin được tiện chí rút lui của Hoa Kỳ thì làm sao chúng ta có thể hy vọng những người ở miền Bắc và trong Mặt Trận tin được?
11) Phải mở cuộc thương thuyết với ai để chấm dứt chiến tranh? Chúng tôi đồng ý với những ai cho rằng Mặt Trận phải được tham dự vào mọi cuộc thương thuyết, bởi lẽ họ đã tham chiến. Nhưng, một chính phủ chính đáng, độc lập, đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng Việt nam cũng phải được tham dự. Cuộc thương thuyết nhằm giải quyết mọi khó khăn gây cấn về vấn đề Việt Namthì dĩ nhiên cuộc thương thuyết này phải do người Việt Nam đảm nhận lấy.
12) Những thực thi nghiêm chỉnh vừa đề cập trên kia là những thực thi nào? Trước tiên ngưng oanh tạc miền Bắc cũng như miền Nam, sau đó ra lệnh cho bộ binh ngưng tấn công các vị trí địch. Tiếp đến, tuyên bố minh bạch tôn trọng hiệp ước Gienève và tuyên bố rút quân sau một thời gian nào đó: ví dụ 8 hay 10 tháng.
Làm thế nào để Hoa Kỳ có thể ” rút lui trong danh dự”? Danh dự là gì? Danh dự theo truyền thống Hiệp Chủng Quốc là sự tôn trọng dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc. Nhưng danh dự đó không được tôn trọng tại Việt Nam thì còn gì là danh dự của Hiệp Chủng Quốc. Danh dự của Hiệp Chủng Quốc sẽ không bao giờ bị sứt mẻ khi Hiệp Chúng Quốc quyết định ngừng dội bom, ngưng giết quần chúng Việt Nam. Danh dự đó đã bị tổn thương trầm trọng khi người Mỹ để cho miền Nam Việt Nam từ khước hiệp ước Genève. Miền Bắc Việt nam cũng như Mặt Trận đã có lý do chính đáng khi họ không đặt lòng tin vào Hoa Kỳ. Cần có những hành động cụ thể và mạnh dạn để chinh phục lại lòng tin đã mất.
Người ta hỏi tôi nghĩ sao về việc quân đội Bắc Việt, họ có phải rút đi chăng và tại sao tôi không lên tiếng đòi hỏi việc đó. Dĩ nhiên là tôi cũng đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân đi. Điều tâm nguyện của chúng tôi là chiến tranh phải chấm dứt, và trong bản tuyên ngôn phổ biến rộng rãi trên thế giới hồi tháng giêng của uỷ ban Lương Tâm Quốc Tế về Việt Nam tựa là “Chúng ta đang giết anh em chúng ta”, Mặt trận phải gánh lấy trách nhiệm trong việc chấm dứt chiến tranh. Sở dĩ bây giờ tôi không đề cập đến vấn đề này trong những cuộc nói chuyện, phỏng vấn hay họp báo là vì ba lẽ:
1) Tôi đang kêu gọi các nước Tây phương và Mỹ quốc. Tôi không nghĩ rằng trong số các thính giả ở đây có những nhân vật quan yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến nền chính trị Hà Nội.
2) Rất nhiều người Tây phương tìm cách lẫn trốn mọi mặc cảm tội lỗi về nhừng hành động tại Việt nam bẵng cách lý luận cho rằng quân đội Mỹ đang chiến đấu chống sự xâm lăng của Bắc Việt. Đó là điều sai lầm. Tôi mong rằng những người bạn Tây phương đừng tìm sự an tâm lẫn tránh trong cái thần thoại đó. Việc quân miền Bắc chỉ chính thức vào Nam Việt một thời gian khá lâu sau khi việc kiểm soát của người Mỹ ở Việt Nam trở thành thực tại và khi chính phủ Việt nam được người Mỹ ủng hộ từ khước những cuộc tuyển cử mà họ đã ước định với quần chúng. Quân đội Bắc Việt đang hiện hữu ở miền Nam, tôi mong họ phải rút đi, nhưng chúng ta phải biết rằng lý do chính của sự hiện diện này là sự tham chiến không ngừng của người Mỹ.
3) Bắc Việt viện dẫn lý do sự có mặt ở miền Nam bằng hai điểm: sự vi phạm hiệp định Genève về điều khoản quy định tổng tuyển cử để thống nhất xứ sở, và sự có mặt của quân đội Mỹ. Thật ra Bắc Việt và Mặt trận không có đủ những phương tiện quân sự như người Mỹ. Họ hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ quần chúng nông thôn. Phương sách hữu hiệu nhất làm cho quân đội Bắc Việt phải rút lui là đem lại Hoà Bình và gây niềm tin cậy cho nông dân Việt Nam, phơi bày cho họ thấy một đảm bảo nền độc lập cho họ. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thiết lập một chính phủ miền Nam độc lập, dân sự và đại biểu cho mọi tầng lớp, một chính phủ có đủ quyền tự do chọn lựa mọi quyết định cần thiết cho Hoà Bình và minh chứng thiện chí của Hoa Kỳ trong việc muuón chấm dứt chiến tranh thực sự bằng cách ngưng oanh tạc, ngừng các cuộc hành quân gây chiến và công bố chương trình cùng thời hạn rút lui của quân đội Mỹ.
Thích Nhất Hạnh
Lời Kêu Gọi Của Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh nhân ngày kỷ niệm Quốc Khánh Việt nam 1966
(Lời kêu gọi này đã được nhiều hãng thông tấn tại Melbourne truyền đi đúng vào sáng mồng một tháng mười một năm 1966).
Đây là một lời kêu gọi hướng thẳng đến những người anh em của tôi trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng.
Lời kêu gọi này đã tới sau lời kêu gọi của tôi đối với các nhà trí thức, nhân bản và tôn giáo trên thế giới, yêu cầu họ, lên tiếng chống đối ý định kéo dài cuộc tranh chấp ở Việt nam giữa những người Hoa Kỳ và những người Cộng sản, quốc khánh mồng 1-11 của Việt nam có giá trị tượng trưng cho một sự đoàn kết của mọi người Việt nam dù là Mặt trận hay không phải Mặt Trận, trong cuộc chiến đấu chống độc tài trong tinh thần cách mạng dân tộc và trong ý chí dân tộc tự quyết. Tôi muốn nhân tinh thần quốc khánh để kêu gọi sự đoàn kết trong giới những người Việt Nam yêu nước để tranh đấu cho nền hoà bình và độc lập của Quốc gia Việt Nam. Không một người Việt nam nào lại từ chối cuộc tranh đấu này, và vì vậy, không có lý do gì để những người anh em một nhà phải đi chém giết lẫn nhau.
Có những người Việt nam ủng hộ Mặt Trận vì tin tưởng rằng Mặt Trận đang lãnh đạo cuộc tranh đấu dánh độc lập và tự quyết, và cũng có những người Việt nam chống lại Mặt trận vì nghi ngờ Mặt trận đang lái đần dân tộc về con đường Cộng Sản Điều lo ngại này đang mỗi ngày mỗi tăng bởi vì cuộc chiến tranh càng kéo dài và người Mỹ càng tăng vũ khí quân lực thì Mặt Trận càng phải dựa vào khối Cộng Sản để chiến đấu chống lại Hoa Kỳ và như thế càng ngày càng trở nên công cụ của cộng sản.
Chúng tôi chống đối Hoa Kỳ bởi vì người Hoa Kỳ đã xâm phạm tới chủ quyền Việt nam và đang trực tiếp nhúng tay vào việc tàn sát người Việt. Chúng tôi cũng lên án âm mưu của những người Cộng sản, lợi dụng tình yêu nước và ý chí chống ngoại bang của người Việt Nam, để thực hiện chủ nghĩa của họ. Nhưng chúng tôi nghiêng mình kính phục tất cả những người Việt nam yêu nước đang tranh đấu cho hoà bình, độc lập và tự do dân tộc và đặt những mục tiêu ấy lên trên tất cả mọi ý thức chủ nghĩa.
Tôi kêu gọi những người anh em của tôi trong Mặt Trận Giải Phóng nhìn nhận sự có mặt của khối Lực Lượng những người Việt Nam yêu nước không nằm trong Mặt Trận, chống Cộng nhưng vẫn chống chính sách Hoa Kỳ cấp tốc tìm cách đối thoại hợp tác và đoàn kết với họ để người Việt có đủ sức tự mình giải quyết vấn đề Việt Nam, một mặt chấm dứt được sự nương tựa vào khối Cộng sản để ngăn chận âm mưu sử dụng Mặt Trận như một công cụ thực hiện chủ nghĩa Cộng sản ở miền Nam và để ngăn chận hữu hiệu sự can thiệp của người Hoa Kỳ trong nội bộ Việt Nam, đang xâm lấn và tước đoạt quyền tự quyết của người Việt.
Cuộc đối thoại và hợp tác đó chắc chắn sẽ thiết lập và bình đẳng được một nền trung lập thực sự ở Việt Nam Cộng Hoà, loại ra ảnh hưởng của khối Cộng Sản cũng như khối Hoa Kỳ và thực hiện nền Hoà bình mà dân tộc ta đang khao khát.
Tôi kêu gọi những người anh em của tôi sớm hành động để kịp thời chận đứng được nguy cơ diệt vong do Hoa Kỳ đem tới và nguy cơ Cộng Sản do sự lệ thuộc càng ngày càng nhiều của Mặt Trận vào khối Cộng Sản. Chỉ có sự đoàn kết giữa những người Việt mới có thể tìm được lối thoat cho dân tộc. Tôi cầu nguyện cho tình thương được thực hiện giữa những người cùng một huyết thống và cho tất cả chúng ta nhận định rằng tương lai và sự sinh tồn của dân tộc không tuỳ thuộc Hoa Kỳ hay Nga Xô hay Trung Cộng mà tuỳ thuộc nơi sự đoàn kết của chính người Việt Nam.
Thích Nhất Hạnh
Melbourne, 1.11.1963
Thư gởi Mục sư Martin Luther King Của Một Tăng Sĩ Phật Giáo (ngày 1-6-1965)
Các bạn theo Cơ Đốc Giáo ở Tây phương có lẽ không hiểu được tường tận ý nghĩa của sự tự thiêu của các vị tăng sĩ Việt Nam trong năm 1963. Hồi đó báo chí nói đến tự tử, nhưng kỳ thực những vụ tự thiêu đó không hẳn là tự tử. Cũng không hẳn là một sự phản kháng. Những gì các vị tăng sỉ ấy nói trong các bức tâm thư để lại trước khi tự thiêu đều nhắm tới sự báo động, nhắm tới sự làm rung chuyển trái tim của những kẻ đàn áp tàn bạo và để kêu gọi nhân dân thế giới chú ý đến tất cả những khổ đau mà lúc bấy giờ ngưới dân Việt Nam đang phải chịu đựng.
Lấy lửa tự đốt mình là để chứng tỏ rằng những gì mình đang nói là những điều hết sức quan trọng. Không có gì làm ta đa đau đớn bằng sự tự thiêu. Nói một điều gì trong khi chịu đựng sự đau đớn đó tức là nói với tất cả can đảm, thẳng thắn, quả quyết và thành khẩn. Trong lễ trường kỳ của đại giới đàn, như ta thấy ở truyền thống Bắc Tông, người giới tử thường đốt một hay nhiều huyệt nhỏ trên thân thể để phát nguyện thọ trì 250 giới khất sĩ, sống đời một vị tăng, đạt ngộ, và xả thân cứu độ chúng sanh. Cố nhiên người ta cũng có thể vừa ngồi trên một chiếc ghế dựa êm đềm vừa đọc những lời phat nguyện như thế; nhưng chính trong lúc giới tử quỳ trước đại chúng chư tăng và chịu đựng sự đau đớn do những huyệt hương gây ra, những lời phát nguyện kia mới biểu lộ được tất cả tích cách thành khẩn nghiêm trọng của lý trí và tình cảm giới tử và do đó có một giá trị lớn lao hơn.
Trong lúc tự thiêu các tăng sĩ Việt Nam nói lên với tất cả tâm huyết và quả cảm rằng các vị có thể chịu đựng được niềm đau đớn lớn lao nhất để cầu nguyện và bảo vệ quần chúng đau khổ của họ. Nhưng tại sao các vị lại phải tự thiêu cho đến chết, các bạn? Các bạn sẽ hỏi. Sự sai biệt giữa thiêu và tự thiêu đến chết chỉ là một sự sai biệt về lượng không phải về chất. Một người tự thiêu đến mức độ nào đó thì phải chết. Điều quan trọng không phải là chết, mà là thiêu. Các vị tăng sĩ Việt Nam, không nhắm đến cái chết: họ nhắm đến sự hiển lộ ý chí quả cảm của họ để bênh vực quần chúng đau khổ. Trong tín ngưỡng Phật Giáo, đời sống không phải chỉ được giới hạn trong vòng 60 hay 80 hay 100 năm. Đời sống là miên viễn. Đời sống không phải chỉ được giới hạn trong xác thân này: đời sống là phổ quát. Cho nên bày tỏ ý chí mình bằng tự thiêu, không phải là một hành động có tính cách huỷ diệt mà lại một hành động có tính cách xây dựng -xây dựng đây là đau khổ và chết vì kẽ mình thương yêu. Đây không phải là tự tử. Tự tử là xoá bỏ tự diệt. Mà chỉ vì những lỹ do sau đây người ta mới tự xoá bỏ và tự diệt:
1- thiếu can đảm để sống và đối phó với những khó với cuộc đời.
2- thua cuộc với cuộc đời và mất hết hy vọng
3- ước ao hư vô ( abhava)
Vì những lý do ấy thì mới gọi là tự tử một trong những vi phạm lớn lao nhất của đạo Phật. Những vị tăng sĩ tự thiêu không phải là mất can đảm, mất hy vọng, cũng không phải vì ước ao hư vô. Trái lại, họ rất can đảm, rất hy vọng, và rất ước ao những điều tốt đẹp cho tương lai. Họ không nghĩ rằng họ đang tự huỷ diệt. Họ tin nơi nghiệp quả tốt đẹp của sự hy sinh vì hạnh phúc và an lạc của các kẽ khác. Cũng như Đức Phật trong một chuyện tiền thân tự hiến mình cho một con sư tử đói đang sắp ăn thịt các con mình, người tăng sĩ tự thiêu tin tưởng rằng mình đang thực hiện hạnh từ bi tối thượng bằng cách tự hy sinh để kêu gọi sự chú ý của thể giới trên niềm đau của dân tộc và tiềm cầu sự giúp đỡ của thế giới đối với dân tộc.
Thưa Mục sư, tôi tin với tất cả tâm hồn tôi rằng trong lúc tự thiêu, các vị tăng sĩ Việt Nam không nhắm đến cái chết của những kẻ đàn áp tàn bạo mà chỉ nhắm đến sự thay đổi của chính sách họ. Kẻ thù của các vị tăng sĩ kia không phải là con người. Kẻ thù của họ là cuồng tín là độc tài, là tham lam, là giận dữ, là kỳ thị-những thứ này nằm sâu trong lòng người. Tôi cũng tin chắc rằng cuộc đấu tranh vận động cho bình đẳng và tự do mà Mục sư lãnh đạo ở Birmingham, Alambana…không nhắm đến sự chống báng người da trắng mà chỉ nhắm đến sự chống báng kỳ thị giận dữ, độc ác. Những cái này vốn là những kẻ thù đích thực của con người, chứ không phải là con người. Nơi tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng tôi mỗi ngày chúng tôi đều gào thét một cách tuyệt vọng: Xin đừng giết con người, dù là nhân danh con người. Hãy giết kẻ thù đích thực của con người -những kẻ thù này hiện hữu khắp nơi, trong trái tim và khối óc mỗi người.
Giờ đây, thưa Mục sư, trong cuộc đương đầu với các thế lực lớn ở Việt Nam, hàng trăm ngàn người dân Việt ngã gục hằng ngày dưới sự tàn phá của tên đạn và đất nước chúng tôi đang bị xé nát một cách không thương tiếc-cuộc chiến tranh bi thảm đã kéo dài tới 20 năm nay rồi. Tôi biết chắc rằng bởi vì Mục sư đã từng dấn thân vào một cuộc tranh đấu cam go nhất cho bình đẳng và nhân quyền, ngài là một trong những người có thể hiểu thấu và chia sẽ được những đau khổ không bờ bến của dân tộc Việt. Các nhà nhân bản lớn trên thế giới chẳng thể nào ngồi yên và giữ yên lặng được. Mỹ quốc thường được nhắc nhở tới như một quốc gia có căn bản vững chãi về tôn giáo, vậy thì các nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc Mỹ sẽ không thể nào để cho đường lối chính trị và kinh tế hoa kỳ thiếu mất chất liệu tâm linh được. Ngài không thể im lặng được, bởi vì ngài đã từng hành động và ngài hành động vì thượng đế đang hành động trong ngài – nói theo nhà thần học Kari Barth, và Albert Schweitzer cũng vậy với ý niệm tôn trọng sự sống. Và Paul Tillich nữa, với cái can đảm hiện hữu và do đó, cái can đảm yêu thương. Và Niebuhr. Và Mackey. Và Fletcher. Và Donald Harrington. Tất cả những nhà nhân bản tôn giáo ấy, và rất nhiều các vị khác nữa, sẽ không chịu để cho sự ô nhục ở Việt Nam kéo dài hơn nữa đâu -một sự ô nhục chung cho toàn nhân loại. Gần đây, ngày 20 tháng 4 năm 1965, một học tăng tên Giác Thành tự thiêu để kêu gọi thế giới chú ý đến những đau khổ hiện tại của dân Việt.
Một học ni khác, tên Diệu Thiện, cũng sắp sữa tự thiêu vì một mục đích, nhưng bản nguyện của cô đã không thành tựu vì cô đã không có đủ thì giờ đánh lên một que diêm khi người ta thấy và đến can thiệp. Ở đây không ai muốn chiến tranh cả. Vậy thì chiến tranh để làm gì? Và chiến tranh cho ai?
Hôm qua trong buổi họp, một sinh viên của tôi đã đứng dậy cầu nguyện: “Lạy Phật cho chúng con nhận thức rằng chúng con không phải là nạn nhân của nhau. Chúng con là nạn nhân của vô minh, vô minh của chúng con và của kẻ khác. Xin Phật giúp cho chúng con tránh được sự đi sâu vào tương tàn tương sát chỉ vì thiên hạ đang tranh dành thế lực.”
Thưa Mục sư tôi là một tăng sĩ Phật giáo trong khi viết cho ngài tôi đặc niềm tin của tôi nơi tình thương, nơi thông cảm, và nơi những nhà Nhân bản thế giới mà chúng tôi biết rằng tư tưởng và thái độ sẽ phải là chỉ nam cho con người để con người có thể tìm ra những kẻ thù đích thực của con người.
Mồng một tháng sáu năm 1965
Nhất Hạnh