Chương 05: Con đường thực hiện
Cuộc chiến tranh tiêu thổ
Chiến tranh đã trở nên niềm lo lắng to lớn nhất của mọi sinh hoạt quốc gia, cho nên phục vụ chiến tranh đã trở thành một ngành chuyên nghiệp. Hàng trăm người phục vụ cho quân đội ngoại quốc ở các trại binh, ở các phi trường, kiều lộ, công trường xây cất. Những chủ nhà tìm cách lấy lại nhà để cho Mỹ kiều thuê với một giá mấy mươi lần đắt hơn. Một căn nhà thuê với giá 1.500đ bạc Việt Nam vào năm 1960 nay có thể Mỹ kiều thuê với giá 25.000đ bạc Việt Nam. Thật rất khó khăn để cho một người Việt muốn tìm thuê một căn nhà, bởi vì khó cho người Việt trung bình nào có thể thuê được bằng giá ấy. Những nhà giàu thi nhau xây cất nhà để cho Mỹ kiều thuê. Xi-măng từ 60đ Việt Nam leo lên 260đ Việt Nam. Các vật liệu xây cất khác cũng lên giá tương tự, khó kiếm nhất là sắt. Công thợ thì vô cùng đắt đỏ, bởi vì thợ bị thu hút đến những công trường xây cất Hoa Kỳ. Phần lớn các xe xích lô, xe taxi tránh khách Việt Nam để chỉ đón khách Hoa Kỳ, và không lấy tiền theo taximeter nữa. Có những người Hoa Kỳ trả tiền nhiều hơn người Việt có khi đến cả chục lần, theo giá biểu taxi ở Mỹ. Có một số anh em taxi không chịu làm như thế: họ chỉ chở người Việt; nhưng bù lại, trên đường đưa khách họ có thể ngừng lại đón thêm khách nếu khách cùng đi về một phía thành phố. Có những anh taxi khôn khéo đưa khách ngoại quốc tới với một cô gái giang hồ. Những anh này lại được khách trả 300đ Việt Nam và lại được cô gái cho thêm 200đ Việt Nam nữa. Các Bar, các tiệm ăn và du hí dành cho khách ngoại quốc là làm ăn khá nhất. Số lượng các cô gái điếm tăng dần một cách kinh khủng: sự làm ăn khó khăn đến mức độ người ta có thể làm bất cứ một cái gì để có nhiều tiền. Ở Đà Nẵng, thành phố mang không khí chiến tranh nhiều nhất, một cô gái giang hồ có thể nuôi nổi bốn mạng người một cách phong lưu: cô ta, bà chủ chứa cô ta, anh chàng ma cao đi kiếm khách cho cô và anh xích lô chuyên môn đưa cô đi mây về gió. Trong khi đó một bác công nhân nếu không đi làm cho Mỹ thì khó lòng nuôi được gia đình của mình. Lính ngoại quốc thường tìm cách bán thực phẩm, đồng hồ đeo tay và các vật dụng riêng của họ để có thể tìm tới các xóm gái giang hồ.
Số thương gia và nhà thầu giao dịch được với Mỹ làm ăn rất khá. Trong khi đó đại đa số quần chúng sống trong một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, những xáo trộn lớn lao gây nên bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là sự đầu cơ của một số người đục nước béo cò làm khan hiếm những hàng hoá cần thiết.
Số lưu thông bừa bãi của đồng đô la làm đồng bạc Việt Nam mất giá, gây nên sự chệnh lệch tai hại về hối suất. Tình trạng đảo lộn của đời sống dân chúng gây ra do sự có mặt càng lúc càng đông của quân đội ngoại quốc. Sự tàn phá của làng mạc ruộng vườn bằng bom đạn làm giảm hẳn mức độ sản xuất. Chiến tranh tạo nên trở ngại lưu thông và chuyên chở. Nền kinh tế Việt Nam đã bị bế tắc một phần lớn do chính sách viện trợ kinh tế của Hoa kỳ đã chặn đứng không cho Việt Nam buôn bán trực tiếp với các quốc gia lớn không phải Hoa Kỳ và không nằm trong ảnh hưởng của Hoa Kỳ như Anh, Pháp, Nhật, Ý, Đức… đã tạo nên tình trạng chênh lệch về xuất nhập cảng và những lỗi lầm về sự phân phối hàng hoá. Nạn lạm phát lại càng làm cho tình trạng trầm trọng hơn.
Một số rất đáng kể dân quê chạy trốn chiến tranh tìm đến được các thành thị, bỏ lại sau lưng những ruộng vườn nhà cửa và mồ mả của cha ông. Ruộng vườn hoang phế không sản xuất được. Có những miền cày cấy được nhưng đến mùa gặt hái, hai bên chiến tranh giành nhau, và một bên có thể thả xăng xuống đốt cháy mùa màng để bên kia không thể gặt được mà chết đói. Lên tới thành thị số người tị nạn chiến tranh này phải tìm đủ mọi cách để sống. Đời sống ở thành thị không dễ dàng gì. Những buổi sáng tinh sương người ta thấy vô số người đi bươi kiếm những đống rác đồ sộ, nhất là những đống rác của quân lính Mỹ để moi móc tìm kiếm những lon, những hộp, những chai và bất cứ thứ gì có thể đem bán được. Ở các đống rác Mỹ ấy, nhiều khi họ tìm thấy vô số đồ hộp nhà binh chưa ăn, nhưng để lâu quá hạn sử dụng thành ra bị lính Mỹ đem đổ đi. Bắt được những thứ này như bắt được vàng. Người ta tranh nhau giành giật, chia thành từng phe từng nhóm, mang các thức ấy về và đem bày bán ở các góc đường. “Đồ hộp của Mỹ ăn bổ lắm” họ quảng cáo với những người bộ hành đi ngang qua đó.
Một số khá đông tìm tới xin làm ở các công ty xây cất, khuân, trộn hồ, hoặc các công việc tay chân khác ở các công trường người Mỹ điều khiển.
Ở xã hội đô thị, một “giai cấp” mới được thành lập để phục vụ cho chiến tranh. Đó là những người sống nhờ vào chiến tranh, làm ra được rất nhiều tiền bằng chiến tranh và bằng sự có mặt của người Mỹ. Giai cấp này gồm có những thành phần quân nhân, công tư chức, thương gia, nhà thầu… Họ sẽ mất toi công việc làm ăn nếu chiến tranh chấm dứt, hoặc sẽ không thể nào giữ được địa vị và quyền lợi hiện tại nếu chiến tranh chấm dứt. Và chính họ sống tương đối an ninh ở các thành phố lớn, là những người muốn đi tới với cuộc chiến tranh. Họ tuyên bố là phải “chống Cộng” cho đến kỳ cùng. Ngoại số người này ra, quần chúng, dù là ở đô thị, ai cũng đòi hỏi chấm dứt chiến tranh diệt chủng và tiêu thổ ở Việt Nam. Lời của họ to hơn. Nhưng mà tại Việt Nam không ai có quyền nói tới hoà bình, nói tới thương thuyết, nói tới sự chấm dứt chiến tranh. Nói tới những điều đó, theo chính quyền Sài Gòn, tức là theo Cộng Sản, theo trung lập. Mà theo trung lập, theo chính quyền Sài Gòn, nghĩa là theo Cộng Sản. Ai nói tới hoà bình là bị bắt bớ, đàn áp, tù đày. Chính ông Phan Khắc Sửu trong lúc làm Quốc Trưởng Việt Nam cũng không dám nói tới hai chữ hoà bình. Khi cần, ông dùng tới “thanh bình”. Nếu quốc dân Việt Nam la lớn lên cho thế giới biết rằng họ không muốn có cuộc chiến tranh, thì sự có mặt của chiến tranh cũng như có mặt của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ mất lý do tồn tại của nó. Trên mặt pháp lý, người Hoa Kỳ tới Việt Nam chiến đấu là “theo lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam”. Nếu dân Việt không muốn điều đó mà nói được lên, tức là thế giới sẽ thấy mặt trái của sự việc. Cho nên cả người Hoa kỳ cả chính quyền Việt Nam đều tìm cách bít lấp tiếng nói của quần chúng Việt Nam, tiếng nói lên án cuộc chiến tranh tiêu thổ khốc hại và đòi chấm dứt tức khắc cuộc chiến tranh tương tàn tương sát.
Ngày 16-2-1965, một số người can đảm trong giới trí thức Việt Nam ở Sài Gòn đứng dậy trân trọng yêu cấu chính quyền Việt Nam và Mặt trận ngừng chiến để thương thuyết với nhau, tránh họa diệt vong cho dân tộc. Họ thuộc thành phần trí thức, giáo sư đại học, luật sư, bác sĩ, ký giả… Họ ký một bản kiến nghị gửi chính phủ Nam Việt và Mặt trận. Trong thời gian ba ngày, họ lấy được trên bốn ngàn chữ ký trong giới giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhân sĩ, sinh viên và công nhân. Bản quyết nghị nguyên văn như sau:
QUYẾT NGHỊ NGƯNG CHIẾN THỰC HIỆN HOÀ BÌNH
Kính gởi:
- Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà
- Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam
– Xét vì hai mươi năm chiến tranh đã đem lại biết bao chết chóc và điêu tàn cho xứ sở, một cuộc chiến tranh không do dân tộc Việt Nam gây ra
– Xét vì dân tộc Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của cuộc huynh đệ tương tàn ác liệt này
– Xét vì chiến tranh ấy càng ngày càng gia tăng và hăm doạ tiêu diệt dân tộc Việt Nam và biến thành một cuộc chiến mới trên đất nước quê hương
– Xét vì toàn dân tộc Việt Nam đang đòi hỏi chấm dứt chiến tranh cũng như toàn thể nhân dân thế giới đang mong muốn hoà bình
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thuộc đủ các từng lớp nhân dân, quyết nghị:
Yêu cầu đôi bên
- Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà
- Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
trước trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc lập tức ngưng chiến và sớm đem lại hoà bình cho xứ sở.
Làm tại Sài Gòn, ngày 16-2-1965
Ba người ký tên ở trang đầu là bác sĩ Nguyễn Văn Huyến, nhà văn lão thành Á Nam Trần Tuấn Khải và bác sĩ Nguyễn Xuân Bái. Chỉ trong vòng một tuần lễ, phong trào bị dập tắt một cách bạo động. Gần 100 nhà trí thức lãnh đạo bị bắt, nhiều người đến bây giờ còn đang bị giam giữ. Ba người trong số các nhà lãnh đạo bị tống xuất ra Bắc Việt qua cầu Bến Hải ở vĩ tuyến 17. Ba người đó là Bác sĩ Phan Văn Huyến, bác sĩ Cao Minh Chiêm và giáo sư Tôn Thất Dương Kỳ.
Tiếng nói lương tâm tôn giáo
Cũng trong khoảng đầu năm 1965, một vị Tăng sĩ Phật giáo, giáo sư văn khoa tại đại Học Sài Gòn tên là thượng toạ Thích Quảng Liên quy tụ một số trí thức và sinh viên và khởi xướng “phong trào bảo vệ Hoà Bình và hạnh phúc dân tộc”. Phong trào này vừa gây được tiếng vang thì bị đàn áp. Nhiều người bị bắt và chính thượng toạ Thích Quảng Liên bị mời đi Thái Lan và ở lại đó, không trở về Việt Nam nữa.
Những người Hoa Kỳ hướng dẫn bởi mục sư A.J. Muste sang Sài Gòn để tổ chức một cuộc biểu tình chống đối chiến tranh ở Việt Nam đã thông cảm một cách sâu sắc tâm trạng của người Việt. Họ đến Việt Nam để trước hết báo tin cho người Việt biết rằng có những người Mỹ chống đối chính sách chiến tranh của chính quyền họ, có những người Mỹ biết thông cảm những nỗi đau mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng do chính sách Hoa Kỳ gây ra. Buổi sáng mà họ tổ chức họp báo và biểu tình, công an và cảnh sát đến chận tất cả các nẻo vào khách sạn nơi họ ở. Cuối cùng họ được phép tổ chức họp báo tại toà đô sảnh với sự giám hộ của chính quyền. Họ đã bị la ó, liệng cà chua và trứng thối, để rồi cuộc biểu tình cũng bị loại bỏ. Chính nhân viên cảnh sát đã tổ chức cuộc phản đối. Buổi sáng đó có nhiều sinh viên và đồng bào biết trước tụ tập lại gần đấy để ủng hộ họ. Nhưng những đám người này bị giải tán, để cho những đám người khác được chở tới, bằng những chiếc xe hơi mà số xe bị bít lại, để phản đối những người biểu tình. Họ trang bị đầy đủ những biểu ngữ phản đối người Mỹ hoà bình, đòi đuổi những người Mỹ ấy về Mỹ. Các biểu ngữ của những người Mỹ này bị xé, và tất cả 6 người này bị ôm đẩy lên xe hơi chở về phi trường Tân Sơn Nhất để tống xuất khỏi Việt Nam. Trong khi họ còn ở phi trường, đám người biểu tình chống họ được chở tới phi trường để tiếp tục biểu tình phản đối họ. Những người này vào phi trường một cách dễ dàng, trong khi ai cũng biết theo phép tắc hiện hành, không ai được phép vào phi trường cả, chỉ trừ những hành khách hàng không có mang theo vé máy bay ghi rõ ngày giờ máy bay cất cánh. Nếu không phải do các cơ quan công quyền tổ chức, những cuộc biểu tình như thế không thể nào có được.
Ký giả và các quan sát viên ngoại quốc phần lớn chỉ thấy được những cái bề mặt như vậy và có thể nghĩ rằng: dân Việt Nam chống lại hoà bình, muốn kéo dài cuộc chiến tranh tới khi nào giết xong tên Việt Cộng cuối cùng. Giáo sư Bernard Fall đã có lý do khi ông nói rằng một miền Nam chống Cộng theo kiểu ấy là một điều không có thực. Những người kia thuộc về loại những người làm ăn bằng chiến tranh, hưởng thụ chiến tranh; họ chỉ hô hào chống Cộng, trong khi đó thì họ hoàn toàn không làm được gì để chống Cộng cả. Công việc chiến tranh do quân đội Hoa Kỳ phụ trách. Quân đội Việt Nam trở thành phụ thuộc; tình trạng cũng trở lại như trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương.
Quân đội Việt Nam được nuôi dưỡng và trang bị gần như hoàn toàn bởi ngân khoản Hoa Kỳ, và trang bị bằng vũ khí Hoa Kỳ. Từ xe tăng, súng đạn, máy bay cho đến xăng nhớt.
Ở Việt Nam người ta nói đến xăng nhớt như là một ví dụ điển hình cho sự tuỳ thuộc của quân sự Việt Nam với Hoa Kỳ. Không có xăng nhớt thì mọi hoạt động quân sự bế tắc. Các quân nhân ở Đà Nẵng và Huế không thể đứng vững được để chống lại chính quyền Sài Gòn trong tháng 5-1966 cũng vì thiếu hụt tiếp tế và xăng nhớt. Không có xăng của Hoa Kỳ thì thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng không thể đem quân ra Đà Nẵng đàn áp họ. Và như vậy ai cũng thấy rõ rệt rằng chính sách Việt Nam tuỳ thuộc chính sách Hoa Kỳ và mọi hành động của chính phủ Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đều phải gánh lấy trách nhiệm.
Dân quê phần lớn không chú tâm đến vấn đề Cộng Sản hay không Cộng Sản. Họ là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh cho nên họ hoan nghênh tất cả mọi cố gắng và mọi cơ hội để chấm dứt chiến tranh. Trừ những người nhận thức rằng Mặt Trận cần được ủng hộ tới cùng để đánh đuổi “xâm lược Mỹ”, tất cả đều thù oán ghét bỏ chiến tranh. Chiến tranh càng leo thang, họ càng trở thành nạn nhân, bởi vì bên nào cũng đe doạ tài sản và sinh mệnh họ. Từ đầu năm 1964, tôi thường đi lại các vùng quê với các thanh niên làm công tác xã hội, và do đó tôi biết được rõ rệt tâm lý của người dân quê. Đầu năm 1965, chúng tôi đã ngược sông Thu Bồn bằng ghe chèo suốt hai ngày để có thể lên đến quận Đức Dục, một nơi mà nạn lụt đã tàn phá và cuốn trôi đi hàng ngàn nhân mạng. Những nơi như Sơn Thuận, Khương Bình, Cà Tang hồi đó là tiêu biểu cho những khổ đau cùng cực của người Việt. Nhà cửa ruộng vườn tan hoang hết cả, gia đình tan nát, mẹ mất con, vợ mất chồng, chiến tranh tiếp tục tàn phá. Đạn bay vèo vèo trên đầu chúng tôi. Dọc đường chúng tôi bị lính quốc gia, cả lính Mặt trận chận lại xét, và nhiều lúc chúng tôi không biết là chúng tôi đang đứng trước người quốc gia hay người Mặt trận. Trên thuyền, có vài Tăng sĩ và có vài dấu hiệu Phật giáo: gặp ai chúng tôi cũng nói là đi cứu trợ nạn nhân bão lụt. Bên nào cũng không ưa, nhưng bên nào cũng để chúng tôi đi. Người dân quê sống sót trong các miền đó đã thù oán cả hai bên. Bên Mặt trận thì bắt đào hầm trong nhà, bên chính phủ thì cấm không cho đào hầm. Bên Mặt Trận bảo nếu không đào hầm thì làm sao tránh bom đạn khi bị oanh kích. Bên Chính Phủ bảo nếu đào hầm thì Việt Cộng sẽ sử dụng hầm để chống lại quân đội Chính Phủ. Không nghe theo Mặt trận thì sẽ mời lên núi vài ba tháng để tẩy não. Không nghe chính phủ thì họ bị đánh đập bắt bớ. Trên đường cứu trợ, tôi ghé lại nói chuyện với mấy người nhà quê đang sửa soạn gánh củi xuống thuyền. Khi câu chuyện đã đi đến chỗ thân mật rồi, tôi hỏi:
– Vậy các bạn theo bên nào? Bên quốc gia hay bên Việt Cộng?
– Chúng tôi chẳng theo bên nào cả. Chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn. Kẻ nào đảm bảo cho chúng tôi khỏi chết là chúng tôi theo.
Người dân quê không chú trọng đến vấn đề ý thức hệ. Không ai có thể doạ nạt họ về tai nạn Cộng Sản. Họ không có gì để sợ Cộng sản tịch thâu. Nếu ta nói cho họ nghe về những chuyện như tự do, dân chủ… họ sẽ không để ý lắm. Họ nói:
– Có sống rồi mới có tự do dân chủ chớ. Bỏ bom đạn chết nhăn răng ra hết cả thì ai còn đó để mà hưởng tự do dân chủ?
Rõ rệt vấn đề số một của dân Việt là vấn đề sự sống. Phải chạy trốn cái chết. Phải bám vào sự sống. Và phải tìm mọi cách để bám vào.
Đầu năm 1965, nhà xuất bản Lá Bối ấn hành tập thơ “Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện” của tôi. Tập thơ được quần chúng ưa chuộng: bốn ngàn cuốn được tiêu thụ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Tập thơ ấy sở dĩ được ưa chuộng là vì nói lên được ước vọng hoà bình quần chúng và ý thức phản kháng về cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước quê hương. Nhưng tập thơ ấy bị hai bên chính quyền Hà Nội và Sài Gòn và cả Mặt Trận nữa lên án. Sài Gòn có lệnh tịch thu tập thơ, cũng may khi ấy tập thơ đã bán hết. Các đài phát thanh Bắc Kinh, Hà Nội và Giải Phóng cũng công kích nặng lời tập thơ. Một bên thì cho tác giả là Việt Cộng, một bên thì bảo tác giả đã “bị Ngũ Giác Đài và Bạch Cung mua mất linh hồn và thể xác” (Hoàng Hà, Tạp Chí Trí Thức Mới ra ngày 1-6-1965, đăng lại trong tập san Văn Nghệ số 155 ra ngày 1-4-1966, Hà Nội). Tiếng nói chống chiến tranh, tuy vậy, là tiếng nói trung thực của người Việt và con đường thực sự được quần chúng ủng hộ là con đường dẫn ra khỏi vũng lầy của sự giết chóc.
Đầu năm 1966, riêng tại miền trung đã có hơn một triệu người trốn chiến tranh, tìm tới các trại tập trung mà ở đó điều kiện sinh hoạt thật bi thảm. Mỗi người dân tị nạn, theo nguyên tắc, được nhận bảy đồng bạc mỗi ngày để mua thực phẩm (bảy đồng bạc Việt Nam có giá trị tương đương với sáu xu đồng Mỹ kim). Một người Việt Nam cần đến sáu bảy trăm gam gạo mỗi ngày mới đủ no vì thực phẩm chính ở Việt Nam là gạo. Thế nhưng ở nhiều nơi vì chuyên chở khó khăn, giá gạo và thực phẩm đắt hơn Sài Gòn gấp bội. Số gạo mua bằng bảy đồng bạc chỉ đủ để nấu cháo cầm hơi. Nhưng mà không chắc người dân tị nạn chiến tranh có thể nhận bảy đồng bạc mỗi ngày. Họ có thể không nhận được số tiền nhỏ đó, vì luôn luôn có những kẻ thừa cơ loạn lạc, đục nước béo cò lấy mất số tiền ấy đi mà không phát cho họ.
Có những nơi thiên hạ đói quá đến nỗi một cô gái có thể đổi mình để lấy một ổ bánh mì. Có lần tôi thấy một thùng dầu ăn có nhãn hiệu “Mỹ quốc viện trợ” khi truyền đến tay một người nghèo thì không còn đựng dầu mà chỉ đựng toàn nước lã. Có kẻ đã tìm cách hút dầu ra và bơm nước vào rồi chuyển thùng nước đến cho những kẻ đáng được cứu trợ. Người ta làm đủ cách để có thực phẩm, để có an ninh, để bám vào cuộc tồn sinh tủi nhục. Trong hoàn cảnh bi đát đó, các vị tăng sĩ không còn thuyết pháp giảng đạo được nữa, các bài luân lý không còn hiệu lực nữa. Chiến tranh tàn phá không những sinh mệnh con người mà còn tàn phá những giá trị của con người. Chiến tranh phá đổ mọi xây dựng và làm tan rã mọi hệ thống giá trị, tiêu huỷ giá trị tự do và nhân phẩm ngay từ cơ sở hạ tầng của chúng. Niềm tủi nhục này không chỉ là niềm tủi nhục riêng của người Việt; đó là niềm tủi nhục chung của gia đình nhân loại. Nhân loại đắc tội nếu nhân loại không tìm cách chấm dứt cho được tình trạng bi đát tại Việt Nam. Nhưng làm sao để chấm dứt chiến tranh? Tổng thống Johnson đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng Hoa Kỳ chỉ ở lại Nam Việt để bảo vệ cho đất nước này khỏi bị miền Bắc xâm chiếm. Hoa Kỳ không khiêu chiến, Hoa Kỳ không khởi sự chiến tranh. Hoa Kỳ chỉ bảo vệ. Bây giờ nếu miền Bắc chịu thương thuyết thì Hoa Kỳ sẵn sàng ngồi vào bàn hội nghị ngay. Và người ta thấy để thúc đẩy miền Bắc mau tiến tới bàn hội nghị, Hoa Kỳ đã oanh tạc miền Bắc. Và Hoa Kỳ đã oanh tạc miền Bắc từ cuối năm 1964 đến nay. Rồi Hoa Kỳ lý luận rằng oanh tạc Bắc Việt không phải là tấn công, là khiêu chiến; oanh tạc Bắc Việt là để ngăn chận đừng cho Bắc Việt chuyển vũ khí và quân đội vào Nam Việt mà thôi.
Không biết ở các nước khác dân chúng nghĩ sao, chứ ở Việt Nam không người dân quê nào có thể hiểu được lý luận đó. Nếu quả thực Hoa Kỳ phải cương quyết thắng Việt Cộng để bảo vệ Miền Nam thì tại sao Hoa Kỳ có thể bằng lòng một cuộc thương thuyết. Bằng lòng một cuộc thương thuyết có nghĩa là không giữ vững lập trường chiến thắng Việt Cộng để bảo vệ miền Nam. Người dân Việt Nam nghĩ rằng nếu chính phủ Hoa Kỳ phải nói tới hoà bình và thương thuyết là vì chính phủ Hoa Kỳ muốn làm êm dịu dư luận quốc tế đang phản đối chính sách leo thang chiến tranh Hoa Kỳ tại Việt Nam muốn tránh tiếng là hiếu chiến, chứ không phải là muốn Hoà Bình thật, muốn thương thuyết thật. Người Việt đã vấp phải nhiều lần những sự dối trá về thương thuyết và hứa hẹn. Hà Nội đã không tin ở sự thành thực của Hoa Thịnh Đốn trong thời gian ba mươi bảy ngày Hoa Kỳ ngừng oanh tạc Bắc Việt và đề nghị thương thuyết, cũng vì lẽ ấy. Ngoài lời tuyên bố sẵn sàng thương thuyết của Tổng thống Johnson, người Việt thấy các cuộc oanh tạc truy kích ở Việt Nam vẫn xảy ra dữ dội và quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục rầm rộ đổ bộ lên miền Nam. Chính người Việt ở miền Nam cũng khó có thể tin ở sự thành thật của Hoa Thịnh Đốn, thì làm sao người Việt ở Miền Bắc có thể tin được sau mấy mươi năm chiến tranh, sau bao nhiêu điều giao ước mà không điều nào được thực hiện, người Việt đã trở thành đa nghi trước những lời nói thiện chí của các cường quốc, Đông cũng như Tây. Chỉ trừ khi nào Hoa Kỳ dùng biện pháp mạnh, chứng minh thiện chí của mình một cách thẳng thắn bằng những hành động cụ thể, thì Hoa Kỳ mới có thể chinh phục được lòng tin của người Việt.
Hoa Kỳ đã oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh để cắt đứt sự vận chuyển vũ khí và quân đội Bắc Việt vào Miền Nam, và hành động đó được xem như là hành động giải quyết tậm gốc vấn đề. Nhưng oanh tạc đường mòn Hồ chí Minh rồi vẫn không có hiệu quả; sức chiến đấu của Mặt Trận vẫn dẻo dai. Hoa Kỳ bèn oanh tạc Bắc Việt, cho rằng tiêu diệt căn cứ quân sự tại Bắc mới là giải quyết tận gốc vấn đề. Và Hoa Kỳ đã oanh tạc như vậy gần hai năm trời mà vẫn không đạt được điều mình mong muốn. Nếu gốc rễ không nằm trong đường mòn Hồ Chí Minh, cũng không ở các căn cứ quân sự ở Bắc Việt, thì nó phải nằm ở chỗ khác. Chỗ này có thể nằm ở Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống đê điều. Chỗ này có thể là Lào. Chỗ này có thể là Cam bốt. Chỗ này có thể là các trung tâm nguyên tử ở Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa, hoặc có thể là Bắc Kinh. Con đường leo thang của Hoa Thịnh Đốn cũng đang hướng về phía ấy và sự sống còn của nhân loại cũng đang bị đe doạ trầm trọng.
Hoa Thịnh Đốn không biết rằng cái gốc của vấn đế không nằm ở đường mòn Hồ Chí Minh, không nằm ở Hà Nội và Hải Phòng, không nằm ở Bắc Kinh mà nằm ở ngay trong lòng người dân Việt. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã mất ý nghĩa của nó rồi và càng đi tới, Hoa Kỳ càng gây oán thù trong lòng người dân Việt. Người Việt không muốn nhìn người Hoa Kỳ như người thù nghịch, người Việt chỉ muốn nhìn người Hoa Kỳ như bạn. Trong cuộc biểu tình của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn ngày lao động 1966, người Việt đã trương biểu ngữ:
“Chúng tôi muốn Hoa Kỳ là đồng minh của chúng tôi về Hoà bình, không phải là đồng minh về chiến tranh”
Một ngày chậm thực hiện Hoà Bình, là một ngày tiêu hao uy tín của Hoa Kỳ, không những đối với người Việt, mà còn đối với nhân dân các nước trên thế giới.
Một ngày đi tới cuộc chiến tranh là một ngày oán ghét tăng trưởng không những trong lòng người Việt mà trong lòng những con người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Người Hoa Kỳ đang dồn những người bạn của mình vào thế chống đối mình. Người Hoa Kỳ chỉ muốn thắng cuộc chiến tranh tại Việt Nam bằng quân sự mà không nghĩ rằng trong khi đó mình mua lấy một sự thất bại lớn về phương diện uy tín của mình. Hình ảnh của Hoa Kỳ sẽ không còn là hình ảnh của cách mạng, của tự do, dân chủ nữa, mà là hình ảnh của tàn bạo và hiếu thắng.
“Nhưng nếu chúng tôi rút quân ra khỏi Việt Nam thì Cộng sản sẽ tràn vào ngay. Các ông có chịu như thế không?” Có những người bạn Mỹ sẽ hỏi như thế. Nhưng không trả lời được câu hỏi này không có nghĩa bằng lòng cho tình trạng đau thương và vô vọng này kéo dài mãi mãi. Không trả lời được câu hỏi này một cách dễ dàng là vì bị đặt giữa hai tình trạng mà không tình trạng nào mình muốn chấp nhận cả. Mình muốn đi tìm một lối thoát. Và chính lối thoát ấy, những người Việt không Cộng Sản đã hé thấy. Chính họ đang đem tất cả sức lực bình sinh để hướng về nẻo thoát kia.
Trên kia, tôi đã có dịp nói rằng con đường duy nhất là tìm cho dân quê một con đường yêu nước và hoà bình không phải là con đường Mặt Trận. Nghĩa là không dẫn tới Cộng Sản. Từ gần ba ngàn năm nay, người Việt đã liên tiếp chống lại những giống dân đến xâm chiếm đất nước họ và đã chiến thắng được cả quân đội của Thành Cát Tư Hãn. Lòng yêu nước nơi họ là một sức mạnh. Vì những hư hỏng và tàn bạo của mình, các chính quyền miền Nam đã làm cho họ thấy rằng đó không phải là chính quyền có thể thoả mãn được nguyện vọng yêu nước của họ, mà chỉ là những chính quyền dựa trên ngoại bang để thực hiện những chính sách của ngoại bang. Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đầu tưởng đã gây đức tin cho quần chúng, nhưng sau đó đã làm cho hy vọng tắt ngấm. Cuộc cách mệnh 1963 cũng tạo được những sinh lực mới tưởng có thể lật được thế cờ, nào ngờ đâu cũng đổ vỡ, vì lý do là Hoa Kỳ không thực lòng giúp một chính phủ có ước muốn tạo lập Hoà Bình. Ước vọng hoà bình của quần chúng cũng lớn lao như tinh thần yêu nước, và một chính quyền, nếu không chứng tỏ được tinh thần độc lập đối với chính sách Mỹ và ước muốn thực hiện hoà bình bằng những giải pháp chính trị thì sẽ không bao giờ còn được người dân Việt Nam ủng hộ.
Những quan sát viên không chăm chú sẽ kết án rằng những cuộc tranh đấu xuống đường và lật đổ chính phủ trong những năm 1964, 1965 và 1966 là những cuộc tranh đấu không cần thiết, chỉ có hại cho những cố gắng chiến tranh của quân đội. Kỳ thực những cuộc tranh đấu kế tiếp ấy có một mục đích âm thầm là tạo dựng nên một chính quyền có thể được quần chúng ủng hộ, nghĩa là một chính quyền tượng trưng được ý chí độc lập, yêu nước và hoà bình. Quần chúng Việt Nam đã rất rõ rệt. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ tự gọi nội các mình là một nội các chiến tranh, nhưng trong những cuộc biểu tình, người dân Việt đã viết biểu ngữ:
“Chúng tôi muốn không phải là một nội các chiến tranh mà một nội các hoà bình”
Bản tuyên cáo của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ngày 1.5.1966 đã nói rõ điều ấy. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp, và ông Lê Văn Thốt, chủ tịch Tổng Liên Đoàn, đã bị bắt giam ngay sau ngày biểu tình.
Chiến tranh càng “leo thang” càng chứng tỏ rằng sự sai lạc của chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam càng sai lầm nghiêm trọng, và những biện pháp tăng cường quân sự là những biện pháp cuối cùng để tranh thủ lại. Nhưng trên thực tế, chiến tranh càng leo thang thì lại càng làm cho sự sai lầm nghiêm trọng hơn. Mỗi cuộc dội bom hay mỗi cuộc chiến hành quân tiêu diệt xóm làng đều có tác dụng đẩy dân chúng Việt Nam về phía chống đối lại Hoa Kỳ và làm tăng trưởng oán thù, tạo thêm sức mạnh cho Mặt Trận. Một ngày chiến tranh kéo dài là một ngày nghiêng tình cảm Việt Nam về phía Mặt trận; vì vậy không ai không thấy rằng Hoa Kỳ phải thay đổi chính sách và Hoa Kỳ phải để cho Việt Nam tìm lấy giải pháp của mình.
Con đường đấu tranh của những người Việt không Cộng sản
Những người Việt Nam không Cộng Sản phải có cơ hội tạo được chính nghĩa cho một con đường yêu nước không Cộng sản và như thế người Hoa Kỳ phải để cho một chính quyền yêu nước độc lập và hoà bình ra đời. Hoa Kỳ nên thành thật tôn trọng tính cách độc lập của một chính quyền như thế và thành thật giúp cho một chính quyền như thế có thể thực hiện được nguyện vọng của những người Việt Nam không Cộng sản: giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết và vấn đề chấm dứt chiến tranh. Hoa Kỳ hãy giúp cho một chính quyền đó chứng tỏ tính cách độc lập của mình, không những bằng những lời tuyên bố suông mà bằng những hành động cụ thể. Hoa Kỳ phải tôn trọng những quyết định của chính quyền đó kể luôn quyết định mở những cuộc đàm phán với Hà Nội để chấm dứt chiến tranh. Người Việt không Cộng sản không muốn là nạn nhân của một cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và người Cộng Sản; họ muốn tự họ thương thuyết lấy, và như vậy họ phải có đại diện trong quốc hội và trong chính quyền. Chính quyền hiện tại không đại diện cho họ mà chỉ đại diện cho chính sách quyết định leo thang của Mỹ cho nên không thể và không có tư cách để làm công việc ấy. Sự cố gắng của số đông quần chúng Việt Nam là để đạt tới một chính quyền có thể giải quyết vấn đề chiến tranh. Một chính quyền tự chứng tỏ được là có quyền tự quyết độc lập với chính quyền ngoại bang, một chính quyền chứng tỏ được là cương quyết tìm con đường thương thuyết để đạt tới hoà bình, một chính quyền như thế sẽ được đại đa số ủng hộ kể cả khối người không Cộng sản có cảm tình với Mặt trận hoặc đang đứng trong Mặt trận. Lý do là những khối người này đã không vì chủ nghĩa Cộng sản mà nghiêng về Mặt trận: Họ nghiêng về Mặt trận là vì họ chống đối chính sách lệ thuộc của chính phủ Nam Việt, là vì họ cho rằng con đường Mặt Trận là con đường yêu nước.
Một chính quyền được sự tín nhiệm của quần chúng như thế sẽ đủ sức nói chuyện với Hà Nội và Mặt trận để dàn xếp cho sự chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước. Con đường sẽ chia làm nhiều giai đoạn như sau:
1. Thành lập một chính phủ lâm thời có đại diện của các khối công dân tôn giáo và chính trị, nhất là các khối công dân tôn giáo. Chính phủ này sẽ làm việc với Uỷ Hội Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế đã được tăng cường hay với ông Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc để sửa soạn bầu cử Quốc hội lập hiến và một chính phủ dân cử.
2. Chính phủ lâm thời yêu cầu quân đội Hoa Kỳ ngưng mọi cuộc oanh tạc Bắc Việt cũng như Nam Việt, ngưng mọi cuộc hành quân tấn công và rút về những căn cứ quân sự chính yếu trên các bờ biển, trong tư thế phòng thủ, cho đến khi chính phủ dân cử ra đời. Chính phủ cũng chính thức kêu gọi Mặt Trận ngưng chiến.
3. Chính phủ dân cử nói chuyện với chính quyền Hoa Kỳ về vấn đề triệt thối quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, thời hạn này có thể kéo dài từ sáu tháng đến một năm và để một vài đoàn quân rút ngay để tỏ thiện chí và sự tôn trọng lời cam kết cũng như sự tôn trọng chủ quyền Việt Nam.
4. Chính phủ dân cử sau khi củng cố và liên kết được sự ủng hộ của quần chúng, chuẩn bị hoà đàm với Mặt trận về việc thành lập chính quyền liên hợp của Miền Nam và về việc yêu cầu quân đội chính quy Bắc Việt rút khỏi Nam Việt.
5. Chính quyền Nam Việt sau khi ổn định miền Nam, tổ chức hiệp thương với Bắc Việt để thiết lập quan hệ bình thường để dần dần đi tới thống nhất đất nước.
Con đường sáng sủa nhất có thể tìm ra được không thể không cùng một hướng với những điều đã vạch ra trên kia. Một số người Hoa kỳ mà tôi đã gặp nói: con đường ấy mở lối cho Cộng Sản chiếm miền Nam. Tôi thấy ý niệm ấy thật quá đơn giản. Nếu tất cả các thành phần trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đều là Cộng Sản thì điều ấy đúng. Nhưng trên thực tế ngoài một số rất ít chưa tới 1% là cán bộ, đảng viên cộng sản thực thụ, tất cả đều là những người vì yêu nước, vì nghĩ rằng Mặt trận là yêu nước mà theo Mặt Trận. Con đường yêu nước chân chính là con đường đưa họ trở lại trong sự đoàn kết, là con đường lôi họ ra khỏi môi trường lãnh đạo Cộng Sản, và cũng là để cho lực lượng Cộng Sản chỉ có thể là lực lượng Cộng Sản mà không dựa được vào những lực lượng yêu nước không có bản chất cộng sản. Huống là những người dân Việt, trong Mặt Trận hay ngoài Mặt Trận, cũng đều khao khát hoà bình. Bây giờ có một con đường đưa tới hoà bình, mà con đường này cũng đưa tới đối lập với tất cả ngoại bang nữa, thì tất cả sẽ đổ xô vào hưởng ứng – Con đường hoà bình và độc lập mà không cần phung phí xương máu!
Vì uy tín và quyền lợi của mình, người Hoa Kỳ sẽ phải ủng hộ cho con đường đó. Vì những người Việt Nam nếu muốn sống còn, nếu muốn độc lập, phải tranh đấu để cho người Mỹ chấp nhận con đường đó. Đó là con đường độc nhất có thể duy trì được tình thân hữu giữa người Mỹ và người Việt. Vì uy tín và quyền lợi của mình, người lãnh đạo Mặt Trận cũng phải chấp nhận con đường ấy. Bởi vì nếu chính phủ dân cử Việt Nam tìm được một con đường độc lập và hoà bình cho xứ sở và chứng minh được rằng con đường ấy được thực hiện thì dân Việt sẽ đổ xô về ủng hộ. Và nếu Mặt Trận không nghe lời kêu gọi đình chiến và thương thuyết mà cứ tiếp tục những cuộc tấn công quân sự, quần chúng sẽ không còn thấy được rằng con đường của Mặt Trận là con đường yêu nước và hoà bình. Chống với ý muốn yêu nước và hoà bình là chống lại quần chúng. Mặt trận sẽ mất ảnh hưởng, mất sự ủng hộ của quần chúng. Mà mất sự ủng hộ của quần chúng thì sẽ bị tan rã.
Những cuộc thương thuyết không thể có được nếu một chính quyền thực sự là đại diện cho những thành phần công dân không Cộng sản chưa được thiết lập. Nếu người Mỹ thương thuyết ngay với Cộng Sản, thì kết quả sẽ nghèo nàn về phía những người không Cộng Sản. Vì vậy người dân Việt muốn thực sự được đại diện, và chính đại diện của họ sẽ tự dàn xếp lấy công việc hoà đàm.
Những cố gắng của các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam có thể coi một mặt là để nói lên tiếng nói của lương tâm của tôn giáo đối với cuộc chiến tranh thảm khốc tại Việt Nam, và một mặt là tìm những biện pháp dẫn đến sự chấm dứt cuộc chiến tranh đó. Mọi người đều ý thức rằng nói lên tiếng nói lương tâm tôn giáo để lên án chiến tranh là chưa đủ. Cần phải đề nghị những biện pháp rõ rệt hợp lý, và cần phải thực hiện những biện pháp đó. Vì vậy ta thấy được hình thành tại Việt Nam một lực lượng tranh đấu cho hoà bình, một lực lượng mới không thuộc về Mặt Trận, cũng không thuộc về chính sách Mỹ. Các tập đoàn tôn giáo có mặt trong lực lượng này. Tuy nhiên trong các tôn giáo vẫn có những phần tử chậm chạp thiếu nhận thức còn dựa trên chính sách ngoại bang; những phần tử này đang là một sự trở ngại cho sự đi tới phong trào tạo dựng hoà bình, tuy là một thiểu số rất nhỏ nhưng lại được chính quyền Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn ủng hộ. Họ gây chia rẽ trong các khối tôn giáo và nhất là trong khối Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo, những khối công dân lớn ở Việt Nam.
Sự hợp tác của những người Công Giáo và Phật Giáo là một điều có thể thực hiện được. Trừ một số ít người Công giáo và một vài Phật Tử bị mua chuộc tất cả những người Công Giáo và Phật Giáo đều có thể hợp tác trên nền tảng tranh đấu cho hoà bình và dân tộc tự quyết.
Sự thông cảm và cộng tác giữa những người Công giáo và Phật giáo đang được thực hiện và trưởng thành trong giới trẻ tuổi và trí thức. Họ có một cái nhìn rộng hơn cái nhìn của những người lớn tuổi, và tâm hồn họ phóng khoáng hơn tâm hồn của lớp người cũ còn đang mang nặng những dấu tích của quá khứ thiếu thân thiện. Lớp người Công Giáo trí thức và trẻ tuổi đang mở một con đường để Công giáo có thể đi vào giữa lòng dân tộc và chính trên cùng một con đường đó mà họ gặp những người Phật giáo cùng một chí hướng. “Chính sách có mặt” của Công Giáo tại Việt Nam do người Công Giáo thực hiện không có xa cách gì với con đường “đạo Phật đi vào cuộc đời” của những người Phật giáo chủ trương.
Trong một giác thư gửi cho giới trí thức Hoa Kỳ ngày 15-7-1965, giới trí thức Công giáo Việt Nam đã trình bày khá cặn kẽ về tình trạng Việt Nam và đã kết luận:
“Chìa khoá của nền Hoà Bình ở tại chỗ thiết lập một phong trào không Cộng Sản có thể đối thoại ngang hàng với Mặt trận Giải Phóng và đủ lực lượng để buộc đối thủ tuân theo các điều khoản hoà bình sau này.”
“Điều kiện căn bản của hoà bình không thể nào khác hơn là thiết lập một lực lượng dân chủ không liên hệ với một khối nào và trong đó mọi tự do căn bản được tôn trọng, và trong đó Cộng Sản có thể hợp tác để xây dựng một xã hội tiến bộ, đúng với lý tưởng công bằng và tự do.” (đăng ở tập Việt Nam Việt Nam số 1, chủ biên: Lê Văn Hảo).
Cái thấy ấy là cái thấy chung của những người có lương tri và hiểu biết, không những được giới Công giáo chân chính ủng hộ mà còn được giới Phật giáo hoan nghênh nữa. Nhất là khi mười một vị linh mục Công Giáo lên tiếng về vấn đề hoà bình tại Việt Nam, thì giới Phật tử càng thêm vững lòng tin nơi giới trí thức tiến bộ Công giáo. Lời kêu gọi của mười một vị linh mục Công Giáo, đại diện cho giới này, được ấn hành ngày đầu năm 1966, thật đã nói được tiếng nói lương tâm Công Giáo (1)
(1) Đây là danh tánh mười một vị linh mục: Đình Khắc Tiêu, Trương Đình Hoà, Hoàng Kim, Nguyễn Thế Kỷ, Vũ Văn Thiện, Đỗ Xuân Quế, Hồ Đình, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Thanh Cao, Trần Viết Thọ, và Trương Bá Căn.
“Xin từ bỏ chủ trương phải lấy chiến thắng làm bảo đảm cho thương thuyết và đình chiến, từ bỏ ý muốn tiêu diệt hay tiêu diệt ý thức hệ bằng bom đạn và xâm lược, vì chỉ thêm tiêu diệt giống nòi, kéo dài thảm trạng chậm tiến và lệ thuộc của đất nước”.
“Xin chính quyền của hai miền Nam Bắc bắt tay vào việc đối thoại trong công minh thành thực, để tiến tới hoà bình, vì chỉ khi có hoà bình thực sự mới có cơ dốc toàn lực tạo điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để đồng bào được lựa chọn trong tự do và dân chủ, con đường sống của dân tộc”.
“Xin các cường quốc tôn trọng quyền dân tộc tự chủ, tự quyết và đừng làm cho chiến cuộc ở Việt Nam thêm khốc liệt, đi sâu vào con đường bế tắc đến nỗi chỉ còn có thể giải quyết bằng một cuộc chiến tranh thế giới”.
“Vì hai miền Nam Bắc và các cường quốc đang trợ giúp đôi bên, trong những điều kiện chiến tranh hiện tại, đã chứng tỏ không thể tự chấm dứt chiến tranh bằng ảo vọng một bên chiến thắng một bên đầu hàng, nên con đường gần như duy nhất hiện nay (ít ra là ít tiết kiệm xương máu nhất) để đưa đến đình chiến, thương thuyết và hoà bình là cùng công nhận và thỉnh cầu sự trung gian và quyền trọng tài của Liên Hiệp Quốc và thành tâm cộng tác với tổ chức ấy.”
Ngày 1-6-1965, nhà xuất bản Lá Bối của một số nhà văn Phật Tử chủ trương, cho ra một số ấn phẩm bằng Pháp và Anh ngữ nhan đề là Dialogue, gồm có năm lá thư của năm nhà văn Việt Nam gửi cho một số nhà nhân bản trên thế giới và kêu gọi lên tiếng về cuộc chiến tranh thảm khốc tại Việt Nam. Tôi cũng có mặt trong số những nhà văn đó và lá thư của tôi hướng về mục sư Martin Luther King Jr., người được giải Nobel hoà bình. Tôi đã viết: “Những nhà nhân bản lớn trên thế giới không thể im lặng được. Chính Ngài, Ngài cũng không thể im lặng được…” Mục sư Martin Luther King sau đó đã lên tiếng nhiều lần về chiến tranh Việt Nam. Sau này, trong chuyến đi vừa qua của tôi kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cho cuộc đấu tranh hoà bình tại Việt nam, tôi đã được gặp mục sư tại Chicago. Chúng tôi đã đàm luận về vấn đề đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ và cho Hoà Bình tại Việt nam. Mục sư, trong một cuộc họp báo chung với tôi ngay sau đó đã tuyên bố rõ rệt rằng những người Mỹ đấu tranh cho phong trào hoà bình tại Việt Nam đều được “ràng buộc vào chính nghĩa hoà bình và công bình xã hội, và cương quyết hy sinh để đạt tới mục tiêu đó”. (Báo The Chicago Tribune 1-6-1966). Trong tập sách, Hồ Hữu Tường, một nhà học giả nổi tiếng ở Việt Nam đã viết cho Jean Paul Sartre; Tam Ích, một nhà phê bình văn học đã viết cho André Malraux; Bùi Giáng, một thi sĩ, đã viết cho René Char và Phạm Công Thiện, một nhà phê bình văn học, đã viết cho Henry Miller. Tập sách đã được hội Phật tử Việt Kiều Hải Ngoại in lại hai lần tại Pháp và được các báo chí Hoa Kỳ trích đăng. Khi ở Việt Nam nó không được phát hành chính thức vì không vâng theo luật kiểm duyệt.
Thông điệp chính thức kêu gọi hoà bình của Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được công bố ngày 12-12-1965. Thông điệp này đã được giới trí thức, sinh viên và thanh niên Phật tử học tập trong nhiều tháng và đã phát động được phong trào cầu nguyện và hành động cho hoà bình. Cuộc tranh đấu hiện tại được phát động từ thông điệp ấy. Thông điệp đã nói rất rõ ràng về vấn đề chiến tranh:
“Phật tử Việt Nam chúng tôi tha thiết và khẩn cấp kêu gọi những phe đối chiến trên đất nước này hãy tìm những căn bản hợp tình hợp lý mà thương thuyết với nhau, tránh cái hoạ tiêu diệt cho đất nước và đồng bào Việt Nam”.
Sinh viên Đại Học Vạn Hạnh họp đại hội ngày 20-3-66 đã quyết định:
“Kêu gọi các đoàn thể nhân dân Việt Nam cấp tốc đặt lại vấn đề chiến tranh Việt Nam.
“Kêu gọi các cấp lãnh đạo tinh thần và tôn giáo lớn có mặt tại Việt Nam, nhất là Phật giáo và Cơ đốc giáo hãy ý thức sứ mệnh lớn lao mà lịch sử Việt Nam đã giao phó cho tôn giáo mình, đứng dậy đòi hỏi chấm dứt ngay sự tàn sát tại Việt Nam”. (Tập san Sinh Hoạt Đại Học Vạn Hạnh số 6, tháng 4-66).
Sinh viên Viện Đại Học Sài Gòn, họp tại phân khoa Khoa Học ngày 31-3-66 đã quyết định:
“Cương quyết tranh đấu thành lập gấp một chính phủ quốc gia dân cử để kịp thời ổn định tình trạng hiện tại.
Lên án hành động lệ thuộc ngoại bang của chính phủ hiện tại.
Cực lực phản đối cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt nam.” (Tập san Sinh Hoạt Đại Học Vạn Hạnh, số 6, tháng 4-66)
Ngày 1-5-66, Tổng Liên Đoàn Việt Nam phát hành một tờ tuyên cáo, trong đó ý thức chống chiến tranh tỏ bày rất rõ rệt:
“Cương quyết phản đối mọi âm mưu kéo dài cuộc chiến tranh diệt chủng tại Việt Nam.”
“Cương quyết tranh đấu cho sự tôn trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam” (Tập san Sinh Hoạt Đại Học Vạn Hạnh, số 7, tháng 5-66).
Có một điều mà ít ai có thể thấy được là trong bản chất của cuộc tranh đấu là chống chiến tranh để thực hiện cuộc hoà bình tại Việt Nam, mà hình thức của cuộc tranh đấu ấy là hình thức của một cuộc tranh đấu cho quyền tự quyết dân tộc, Quốc Hội Lập Hiến và Chính Phủ dân cử. Các vị lãnh đạo phong trào tranh đấu không chánh thức nói đến chữ hoà bình. Điều này rất dễ hiểu: ở Việt Nam, hoà bình được cắt nghĩa là trung lập, và trung lập có nghĩa là Cộng sản. Hãy đọc vài điều luật trong sắc luật đặt Cộng Sản và Trung lập ra ngoài vòng pháp luật, ký ngày 1-2-1964:
Điều 1- Nay đặt ra ngoài vòng pháp luật những tư nhân, đảng phái, đoàn thể hiệp hội hành động bất cứ dưới hình thức nào để thực hiện trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa Cộng Sản, hay thuyết trung lập thân Cộng sản.
Điều 2- Bị coi như là trung lập thân Cộng sản phần tử nào có những hoạt động tuyên truyền, cổ động cho thuyết trung lập; những hành động này bị đồng hoá với hành động phá rối cuộc trị an.
Điều 3- Những kẻ vi phạm vào điều 1 và 2 sẽ bị truy tố theo điều 2 khoản 3 của bộ Quân luật. Trong trường hợp quả tang, kẻ phạm pháp sẽ bị truy tố trước toà án quân sự, không phải thẩm vấn trước, và bị xử theo thủ tục khẩn cấp…
Chính quyền Việt Nam đồng hoá các chữ hoà bình với trung lập, trung lập với Cộng sản. Nếu ta biết được rằng đã trong mười mấy năm qua có biết bao nhiêu kẻ bị tù tội và thanh trừng vì bị chụp mũ là Cộng sản thì ta sẽ hiểu tại sao phong trào đấu tranh cho hoà bình tại Việt Nam phải bắt đầu như một phong trào đấu tranh cho chính quyền dân chủ và tự quyết.
Kỳ thực hoà bình chỉ có thể đạt được nếu dân Việt thực sự đại diện trong một chính quyền tượng trưng được cho tinh thần dân chủ và tự quyết ấy. Và dân chủ tự quyết là những điều kiện tất yếu đưa tới hoà bình, và là một thứ hoà bình không dâng Việt Nam cho Cộng sản. Hiểu được như vậy, người ta sẽ không buộc tội là những nhà tôn giáo Việt Nam không có chương trình rõ rệt, kế hoạch rõ rệt, chỉ muốn gây xáo trộn trong một tình trạng chiến tranh.
Cuộc đấu tranh cho hoà bình của các lực lượng không Cộng Sản cần được nhận định như phản chiếu ý thức và niềm hy vọng của dân Việt. Trong dịp du hành qua các nước để vận động cho sự ủng hộ phong trào ấy, tôi gặp được rất nhiều người thao thức muốn làm một cái gì để giúp cho Việt Nam. Có người nghĩ rằng cần ủng hộ cho Hoa Kỳ đánh bại Mặt trận thì mới yên được. Có người nghĩ rằng cần ủng hộ cho Mặt trận để đẩy Hoa Kỳ ra ngoài. Những người bạn ấy rất thành thực, nhưng họ đã không hiểu về vấn đề Việt Nam.
Kỳ thực cuộc chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam sẽ không thể nào chấm dứt được vì có những người tiếp tục ủng hộ bên này hoặc bên kia. Làm như thế thực ra chỉ là nuôi dưỡng chiến tranh, và tiêu diệt dân tộc Việt mà thôi. Đường lối hữu hiệu hơn hết là ngưng sự khuyến khích cho cả hai bên và ủng hộ cho cuộc tranh đấu hoà bình và ý chí tự quyết của lực lượng dân chúng Việt Nam đang vươn tới tìm nẻo thoát cho đất nước và cho tương lai họ.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu tự những ngày xa xưa. Đó là một cuộc tranh đấu của dân Việt để đi tới độc lập và thống nhất, và dân Việt đã bước trượt qua cơ hội 1945 cũng như 1954. Bây giờ đây tại Nam Việt, hai phe đối chiến nhau mà không có phe nào thực sự đại diện cho dân chúng cả. Một bên là các chính quyền Nam Việt nối tiếp nhau, phần lớn là chính quyền quân sự, không do dân chúng không được dân chúng ủng hộ, sau lưng có Hoa Kỳ thúc đẩy và yểm trợ. Một bên là Mặt Trận Giải Phóng, cũng không do dân chúng bầu lên, và cũng tự nhận là tiếng nói chính thức của người Việt.
Đó là nhìn gần. Nhìn xa hơn ta thấy cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế, một cuộc chiến ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa – dù trong hiện thời Trung Hoa chưa có gửi quân đội vào chiến đấu tại Việt Nam. Hai cường quốc này đang sợ nhau và do đó đang tìm cách giữ thế với nhau. Cả hai bên, bên nào cũng buộc tội bên kia là lạm dụng đất Việt để bành trướng uy thế của mình ở Đông Nam Á. Bên nào cũng nói rằng nếu không ngăn chặn tham vọng của bên kia, nếu để bên kia thành công ở Việt Nam thì bên kia sẽ được nước và sẽ đi thực hiện mộng “phiêu lưu đế quốc” tại những nơi khác nữa ở Đông Nam Á. Để giải quyết mâu thuẫn này, cả hai bên không tìm ra lối thoát, và mỗi bên đều quyết định hy sinh đất nước và dân tộc Việt Nam, trong khi bên nào cũng lớn tiếng nói rằng mình đang bảo vệ độc lập và tự do cho Việt Nam. Không bên nào bảo vệ độc lập và tự do cho Việt Nam cả. Việt Nam đã trở thành nạn nhân cho xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền cả hai miền Nam Bắc đều bị phụ thuộc vào chính sách của hai cường quốc đó, và vì vậy, cuộc chiến tại Việt Nam chỉ có cơ chấm dứt khi mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được thanh toán.
Nếu chiến tranh tiếp tục leo thang, thì an ninh thế giới sẽ bị đe doạ và cuộc chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ. Vì vậy, các quốc gia yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã trở nên lo lắng và hoạt động tích cực để tìm những giải pháp chấm dứt sự mâu thuẫn đó. Cuộc tranh đấu của nhân dân Việt Nam cũng là để kêu gọi nhân dân thế giới tạo nên một ý thức về sự nguy hiểm của cuộc chiến hiện tại, gây áp lực để Hoa Kỳ và Trung Cộng, nhất là Hoa Kỳ thay đổi chính sách ở Việt nam. Hoa Kỳ cần thay đổi thái độ đối với Trung Hoa, điều này ai cũng thấy là chính đáng và cần thiết. Thay đổi chính sách ở Việt Nam và thái độ đối với Trung Hoa, điều đó không nên được nhận định như là một sự mất mát thể diện. Uy tín của Hoa Kỳ đã tổn thất nặng nề về vấn đề Việt Nam; bây giờ sự thay đổi chính sách Việt Nam không những không làm cho Hoa Kỳ mất mặt mà trái lại càng làm cho Hoa Kỳ được mến chuộng. Uy tín của Hoa Kỳ chỉ tồn tại khi nào Hoa Kỳ đi đúng trở lại con đường truyền thống dân chủ, cách mệnh và tự do sẵn có của mình.
Phât tử Việt Nam đang muốn cộng tác với các giới Công giáo, Cao Đài, và Hoà Hảo, nhất là giới Công giáo, trên bình diện thực hiện hoà bình và xây dựng cho dân tộc. Trong lòng Công giáo cũng như trong lòng Phật giáo đều có một cuộc cách mạng muốn thực hiện công trình đưa nguyên lý tôn giáo vào trong cuộc đời. Điều đó là một niềm phấn khởi và mối liên hệ trở nên quan trọng và cần thiết. Trong lòng dân tộc và trong ý hướng muốn phụng sự cho hoà bình dân tộc, các phần tử của gia đình Việt Nam sẽ chấp nhận nhau và đoàn kết với nhau, vượt thắng mọi trở ngại và làm tiêu tán những bóng ma quá khứ đã từng theo dõi họ trong suốt mấy thế kỷ.
Cuộc cách mệnh tại Việt Nam cũng đi theo chiều hướng cách mệnh trong lòng Phật giáo và cuộc cách mệnh trong lòng Công giáo. Đạo Phật cũng đang đi trên con đường hiện đại hoá, và nhận chịu không biết bao nhiêu đau xót từ trong bản thân cũng như từ ngoài hoàn cảnh. Sự thoát xác của đất nước Việt Nam đồng thời cũng là một sự thoát xác cho đạo Phật Việt Nam. Đạo Phật Việt Nam sau này nếu có thể cống hiến được gì trong ý thức mới của thế giới cũng là nhờ cuộc thử lửa gian khổ và đau đớn hiện tại.
Phật tử Việt Nam, nhất là khối đa số theo Bắc tông Phật giáo, quan niệm hiện đại hoá là dĩ nhiên và cần thiết. Mỗi xứ sở, mỗi địa phương, mỗi thời đại có những điều kiện tâm lý, văn hoá và xã hội khác nhau, cho nên hình thái của đạo Phật cũng được thay đổi để thích ứng với môi trường xã hội mới, và cũng để có thể chuyên chở được bản chất đạo Phật, được xem như là những nguyên lý linh động không bao giờ chịu đựng những khuôn khổ nhất định. Bị giam giữ trong cái vỏ hình thức không còn thích hợp với môi trường xã hội mới, bản chất của đạo Phật sẽ khô héo tàn tạ, và vì vậy, đi tìm những hình thái sinh hoạt mới có thể thực hiện được bản chất đạo Phật trong cuộc đời tức là làm cho đạo Phật được sống mãi. Lịch sử Phật giáo đã chứng tỏ như thế, và đạo Phật Việt Nam cũng đang thực hiện công cuộc hiện đại hoá trên căn bản nhận thức ấy và bằng những kinh nghiệm sinh hoạt ấy.
Hiện đại hoá đạo Phật không phải là một công cuộc thực hiện mới không có gốc rễ ở quá khứ. Từ thế kỷ thứ XI, đạo Phật ở Việt Nam đã tự tạo cho mình những sắc thái đặc biệt Việt Nam và đóng góp phần tối đa của mình vào công việc xây dựng văn hoá dân tộc và các cơ cấu sinh hoạt xã hội. Sự cố gắng của đạo Phật để tạo cho quốc gia một bản sắc và một sức mạnh tinh thần để chống lại sự xâm lấn của văn hoá và của quân sự Bắc phương được biểu hiện rõ rệt nơi đời sống của các Thiền sư và các Phật tử như Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Trần Thái Tông… Những cố gắng của đạo Phật trong giai đoạn hiện tại một mặt để tự hiện đại hoá trong tư trào văn hoá mới và một mặt để dự phần vào công việc bảo vệ cùng một phương hướng. Tinh thần cởi mở và bao dung của đạo Phật là một bảo đảm cho khả năng dung hợp của đạo Phật đối với các ý thức hệ khác có mặt trên đất Việt để phụng sự cho nền hoà bình và dân chủ thật sự của đất nước Việt Nam.