Chương 04: Đối diện (III)
Ý thức kháng chiến và ý thức chống Cộng
Hồi 1945 khi cụ Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền thì trừ một số trí thức tôn giáo Việt Nam, trong dân chúng ít ai biết Cộng Sản là gì và thực chất của Cộng Sản như thế nào. Dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh, có rất nhiều người trước đã được huấn luyện về chủ nghĩa Cộng Sản, đã từng chống Pháp, ở tù, hoặc lưu lạc ở Trung Hoa, hoặc đã được đào luyện ở Đại Học Moscow. Những tay đắc lực nhất là Phạm Văn Đồng, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Đặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám, Trần Huy Liệu, Hồ Tùng Mậu,… Trong khoảng thời gian ba bốn tháng, Việt Minh đã có thể loại trừ những phần tử quốc gia không Cộng sản ra khỏi những chức vụ quan trọng nhất. Ông Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ tuyên truyền, đã phát khởi một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng cho chủ nghĩa Cộng Sản, sau khi đã loại được Đảng Đại Việt không Cộng Sản, và những phần tử thuộc đệ tứ quốc tế phần nhiều bị loại trừ trong thời gian này, trong số đó ta có thể kể tên: Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Bùi Quang Chiêu, và Phạm Quỳnh. Sự chống đối của các phần tử quốc gia không Cộng Sản trở nên mãnh liệt khi các nhà chính trị quốc gia ẩn náu ở Trung Hoa trở về nước; cùng một lúc với 180.000 quân Trung Hoa được gửi qua Việt Nam để “tước khí giới của quân Nhật”. Trong số những người này có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam. Được che chở bởi Siao Wen, cố vấn chính trị của tướng Lư Hán cầm đầu quân đội Trung Hoa ở Việt Nam, họ mở mặt trận quân đội để chống đối chính phủ Hà Nội và đòi thiết lập chính quyền Liên Hiệp. Hoạt động của họ được nhiều người Việt Nam có ý thức chống Cộng ủng hộ. Cụ Hồ Chí Minh tìm biện pháp đối phó: tháng 11 năm đó, cụ tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương để trấn an mọi người và đề nghị dự án một sắc luật bầu cử.
Đảng viên các đảng Đại Việt, Đồng Minh, và Việt Nam Quốc Dân Đảng không chịu nhường bước. Họ thành lập mặt trận “Liên Hiệp Quốc Gia” cho ra tờ Thiết Thực và dùng các biện pháp tuyên truyền khác để chống đối lại chính quyền. Ngày 12 tháng Chạp, nhân lễ kỷ niệm Tôn Dật Tiên, Nguyễn Hải Thần (Đồng Minh Hội) tổ chức một cuộc mit tinh lớn tại Hà Nội để phản đối chính quyền. Cuộc mit tinh biến thành cuộc xung đột Quốc Cộng. Siao Wen can thiệp vào và đề nghị thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia để đủ sức mạnh cứu lấy miền Nam hiện đang bị quân Pháp trở lại chiếm đóng. Cụ Hồ đồng ý, nhưng sau đó lại tuyên bố một chính phủ liên hợp chỉ có thể thành lập sau Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức mấy tuần lễ sau đó. Mặt trận “Liên Hiệp Quốc Gia” không chịu, liền bắt cóc Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu để đe doạ… nhưng cuối cùng họ thiếu sự ủng hộ của quần chúng, bởi vì chính họ phải nương vào thế lực của Lư Hán trong khi dân chúng thì không có cảm tình chút nào với bộ đội Trung Hoa vốn có tính cách nhiễu loạn, cộc cằn và thiếu lễ độ. Một mặt khác trong các đảng phái quốc gia đó chưa có đảng nào có chương trình hành động và ý thức hệ rõ rệt, nên không gây được niềm tin và sự ủng hộ. Chính phủ Hà Nội, nhân lợi thế ấy, đã kiểm soát được tình thế và giữ yên được những người chống đối.
Đại đa số quần chúng lúc ấy chưa ý thức được những mâu thuẫn lớn lao giữa những người Cộng Sản và những người không Cộng Sản. Quần chúng chỉ được kích động bởi lòng yêu nước bởi ước vọng độc lập quốc gia cho nên quả thực có một sinh khí mới rạt rào trong sự sống của quốc dân trong những năm đầu theo sau cuộc Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Quần chúng tham dự ồ ạt vào những cuộc biểu tình, những tổ chức chính trị như Thanh Niên Cứu Quốc, Phụ Nữ Cứu Quốc, Phụ Lão Cứu Quốc,… Cả đến nhứng đoàn thể tôn giáo cũng đã thành lập: Công giáo Cứu Quốc, Phật Giáo Cứu Quốc… Sự trở lại của những người Pháp, trước tiên là ở Nam Bộ, đã khiến cho toàn dân lo lắng. Ý thức chống Pháp, ý thức đánh Pháp và “ủng hộ Nam Bộ kháng chiến” trở nên một sức mạnh yểm trợ cho chính quyền Hà Nội lúc đó. Trong tâm trí người Việt Nam hồi đó nhất là người dân quê, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ anh hùng ái quốc chống Pháp và dành độc lập cho Việt Nam. Không ai nghĩ rằng Hồ Chí Minh là người của chủ nghĩa Cộng Sản với ý định thiết lập chế độ Cộng Sản tại tổ quốc họ, trừ một số người trí thức tôn giáo và lãnh tụ các đảng phái quốc gia không Cộng Sản. Quân Pháp trở lại năm 1947 và cuộc chiến tranh Đông Dướng kéo dài tới năm 1954, giữa một bên là người Pháp do Hoa Kỳ ủng hộ và một “chính quyền quốc gia” do Bảo Đại lãnh đạo và một bên là kháng chiến Việt Minh. Vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, trở thành cố vấn của chính phủ Hồ Chí Minh, qua Hồng Kông, sang Âu châu, đã chính thức trở về Việt Nam ngày 24-4-1949 để làm Quốc Trưởng. Quần chúng không ai ủng hộ Bảo Đại, cũng như không ai ủng hộ sự trở lại của người Pháp. Quần chúng hướng về phía chiến khu, về lực lượng kháng chiến. Lực lượng kháng chiến được nhận thức lúc ấy như là mặt trận thống nhất giữa các lực lượng Dân Chủ, Xã Hội, Liên Việt, và Tôn Giáo. Các phần tử Cộng sản trong thời gian kháng chiến này cũng đã hoạt động rất đắc lực và phát triển ảnh hưởng thật mau chóng. Tháng 3 năm 1951, đảng Lao động được thành lập. Đảng này chính là hậu thân của đảng Cộng Sản. Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh là Tổng Thư Ký của Đảng.
Những cuộc hành quân, tàn sát và bố ráp của quân Pháp càng ngày càng làm tăng thêm thù hận của dân chúng và càng làm cho trái tim của quần chúng hướng về chiến khu. Số thanh niên, sinh viên, học sinh bỏ lên chiến khu để chống Pháp là vô số kể. Quần chúng trong thời gian đó, vẫn chỉ nghĩ đến công cuộc kháng chiến như là một phong trào yêu nước dành độc lập và ít để ý đến sự bành trướng của thế lực Cộng Sản trong đó. Các chính phủ “quốc gia” dưới thời của Quốc Trưởng Bảo Đại cũng tuyên truyền chống Cộng, nhưng sự tuyên truyền không có hiệu lực, bởi vì quần chúng không thể tin một điều gì do người Pháp và chính quyền bù nhìn của họ nói ra. Tất cả những gì họ làm, họ nói, trong ý niệm của quần chúng, đều là trái chống quyền lợi dân tộc Việt Nam. Quần chúng không thể tin được lời của những người đang cố tình xâm lấn đất nước Việt Nam, đang bắn phá, tàn sát, đốt nhà và khủng bố người Việt, dù lời đó là lời chống Cộng. Các chính quyền quốc gia thời đó cũng không có một uy tín nào đối với quốc dân. Họ được thực sự coi là tay sai của Pháp, và họ đã thất bại trong việc gây ý thức chống Cộng trong quần chúng. Thế lực Cộng Sản, trong khi đó, nương tựa đồng nhất vào tinh thần kháng chiến yêu nước, đã trưởng thành thật mau chóng và tìm được chỗ đứng rất vững chãi. Đến cuối năm 1953, Việt Minh đã kiểm soát được ba phần tư miền Bắc Việt Nam và một phần ba miền Nam Việt Nam. Ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ, và người Pháp không thể tiếp tục chiến tranh nữa.
Sự thất bại của chính quyền Ngô Đình Diệm
Khoảng hai tháng sau, ngày 21-7-1954 hiệp định chiến lược ký kết tại Genève, và Việt Nam bị phân chia thành hai miền Nam Bắc. Quân đội Pháp rút ra khỏi Việt Nam trong hai năm 1954 và 1955. Ông Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại chỉ định về làm thủ tướng. Cuối năm 1954, gần 800.000 người mà đa số là công dân Công giáo từ Bắc di cư vào Nam. Người Mỹ đã bắt đầu gửi “cố vấn” vào Việt Nam để giúp đỡ về phương diện kỹ thuật, chính trị và quân sự.
Cuộc trưng cầu dân ý do ông Ngô Đình Diệm tổ chức vào tháng 10 năm 1955 đã chính thức hạ bệ quốc trưởng Bảo Đại và đưa ông lên làm tổng thống miền Nam Việt Nam.
Nhờ sự ủng hộ của Hoa Kỳ, tổng thống Ngô Đình Diệm có đủ điều kiện để tỏ ra chống Pháp, tuy rằng đó là một nước Pháp sau chiến bại Điện Biên Phủ. Cuộc “vận động Thu Hồi chủ quyền” của chính quyền Ngô Đình Diệm tuy không khó khăn nhưng đã đem lại cho chính quyền này một mớ uy tín. Quần chúng Việt Nam từ lâu thù ghét thực dân Pháp, nay rất hoan nghênh những gì tỏ ra chống Pháp. Ngay trong tháng 9.1954, chính quyền ra lệnh bãi bỏ toà án hỗn hợp Pháp Việt, bãi bỏ Công An Liên Bang (Sûreté fédérale). Viện Phát Hành Đông Dương và viện Hối Đoái Đông Dương cũng bị giải tán để nhường chỗ cho Ngân Hàng Quốc Gia và Viện Hối Đoái Việt Nam. Hiệp định ký ngày 29-12-1954 công nhận Việt Nam có quyền ấn định chính sách ngoại thương. Việc quản lý viện Đại Học được Pháp giao lại cho chính quyền. Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ trực tiếp cho chính quyền Việt Nam không còn qua trung gian người Pháp nữa, bắt đầu từ tháng 7-1954. Dinh Norodom, tức là dinh Toàn Quyền, được trao trả cho chính quyền Việt Nam và được gọi là Dinh Độc Lập. Và công cuộc trao trả dinh Noromdo này đã được cổ động như là một sự tượng trưng cho một sự thu hồi thực sự chủ quyền Việt Nam, sau một thế kỷ chống Pháp. Người Mỹ hồi ấy chưa có quân đội chống Pháp ở Việt Nam và liên hệ chính sách giữa người Mỹ với chính sách người Pháp quần chúng bình dân ít ai biết đến. Thêm vào đó quần chúng thành thị thấy người Mỹ đang giúp đỡ Việt Nam trong một số vấn đề kinh tế xã hội, nên họ không nhìn người Mỹ như nhìn những người Pháp thù nghịch. Thời đại ấy thật là thời đại thuận lợi nhất của người Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Công trình đáng kể nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm vốn là sự đóng góp đáng kể vào ý thức phân biệt giữa kháng chiến và cộng sản. Một số dân chúng, trước hết là dân trí thức tiểu tư sản thành thị, bắt đầu hiểu biết và ủng hộ chính sách quốc gia không cộng sản. Sở dĩ chính quyền có thể làm được như vậy là nhờ ở chiến dịch tuyên truyền “thu hồi chủ quyền” vừa kể. Những cố gắng của chính Ngô Đình Diệm, đứng trên phương diện chính quyền mà xét, thì rất đáng được khuyến khích. Nhưng đứng về phương diện áp dụng thực tế, những người thừa hành đã gây ra rất nhiều hư hỏng. Trong sự hư hỏng ấy, nguyên nhân chính là sự thiếu mặt của những phần tử quốc gia có tài ba, có ý thức chống cộng. Từ lúc nắm chính quyền, ông Ngô Đình Diệm đã áp dụng mọi biện pháp để thanh toán đối lập. Ông Ngô Đình Diệm không tin ai cả ngoài một số người trong gia đình và trong tôn giáo mình. Và cố nhiên trong số đó ngoài một số có tài ba, phần nhiều đều là bất tài, nịnh bợ, có tham vọng và hay ỷ vào chính quyền và thế lực tôn giáo.
Sự đàn áp và thanh trừng đối lập, theo chính quyền Ngô Đình Diệm và chính quyền Hoa Kỳ thời ấy, là cần thiết, bởi vì không thể dung dưỡng chế độ có những quốc gia trong một quốc gia. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã nghĩ tới biện pháp thanh trừng mà không nghĩ tới biện pháp điều hợp, chỉ đến cách dùng bạo lực mà không nghĩ đến những biện pháp phối hợp chính trị và quân sự có tính cách nhân đạo, dân chủ và do đó, khôn ngoan hơn. Chính quyền Ngô Đình Diệm thanh toán sự chống đối của nhóm sĩ quan thân Pháp trong quân đội chính quy, trong đó Nguyễn Văn Hinh và Nguyễn Văn Vỹ là những người quan trọng nhất. Những lực lượng chống đối có võ trang khác là Bình Xuyên ở Sài Gòn và phụ cận, Cao Đài ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Nam và miền Trung, Hoà Hảo ở một số các tỉnh miền Nam, Đại Việt ở các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên và Phú Yên, Quốc Dân Đảng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định … dần dần cũng bị thanh toán. Trong những lực lượng đối lập này, có những lực lượng phải dựa trên thế lực người Pháp, lúc ấy chỉ mới thực hiện bắt đầu rút quân mà thôi, và rất muốn duy trì ảnh hưởng và thế lực mình tại Việt Nam.
T.T Ngô Đình Diệm là một người Công Giáo, tuy nhiên vẫn thừa hưởng tinh thần phong kiến và quan lại Nho giáo, bởi vì ông thuộc về một gia đình Nho giáo và chính ông đã từng làm thượng thư dưới chính phủ Bảo Đại. Ông sử dụng quyền hành tổng thống cũng như một vị thượng thư sử dụng quyền hành của mình đối với dân chúng, tuy rằng hình thái tổ chức của quốc gia giống như hình thái tổ chức của một nước Cộng Hoà. Ông có ý hướng phục hưng tinh thần trung, hiếu, tiết và nghĩa của Khổng giáo để làm lợi khí củng cố quyền bính. Ông đòi hỏi sự vâng lời và sự trung tín của quốc dân, và tuy là người Công giáo, ông không có tư tưởng tác phong của người Công Giáo mà lại có tư tưởng và tác phong của một nhà Nho có quyền bính, một bậc dân chi phụ mẫu. Ông nói đến trung tín nhiều quá, khiến cho dân chúng phải phản ứng lại. Giới Phật tử đã nhận thức thật sớm rằng chính thể Ngô Đình Diệm là chính thể trong đó họ không thể nào dễ thở được. Kao Tâm Nguyên, trong một áng văn trào phúng ở báo Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam hồi đó, đả kích kịch liệt chính sách dùng luân lý phong kiến để củng cố chính quyền của ông Ngô Đình Diệm. Bài báo viết dưới hình thức một vở hài kịch xảy ra dưới âm phủ, khi toà án âm ty đem các nhân vật chính trị của trần gian ra xét xử. Vai Hồ Quý Ly là tượng trưng cho ông Ngô Đình Diệm. Ý thức sử dụng tinh thần phong kiến để củng cố địa vị của Tổng thống Ngô Đình Diệm được ví như sự tự tay chú giải mới của Hồ Quý Ly đối với bộ Tứ Thư. Và Hồ Quý Ly bị buộc tội như là bất trung, bất nhân, bất trí, bất nghĩa, nghĩa là phản lại tinh thần Nho giáo chính thống.
“Phán quan: Anh bị cáo là soán ngôi đoạt vị (1), là tên cường đạo đường đường thuộc hạng nặng cân. Hậu quả của việc đạo tặc của anh là nhân tâm ly tán, làm mồi cho nội biến ngoại xâm (2). Chính anh đã gieo rắc lầm than khổ não cho sinh linh. Cho anh tự bào chữa đi.
(1) Ám chỉ việc truất phế Bảo Đại, người đã chỉ định mình làm thủ tướng
(2) Ám chỉ việc làm tan rã hàng ngũ người quốc gia để cho cộng sản phát triển và xâm lấn.
Hồ Quý Ly: Thưa bảo rằng tôi “cướp nước” thì không đúng. Đó là vì bấy giờ triều đình thuận theo ý trời, dưới thể theo lòng dân, tôn tôi lên ngôi cửu ngũ thay nhà Trần trị vì. Tôi đâu có muốn! Tôi đâu có muốn! Thực là cực chẳng đã. Vả lại, nước là của dân, mà chính dân suy tôn tôi lên. Nào đâu phải một dòng họ nào mà bảo tôi cướp bóc. Chỉ vì Nho giáo lúc bấy giờ suy đồi, tà chính không phân. Danh không chính nên Ngôn mới điên đảo như vậy. Để chữa mối tệ ấy, tôi đã phải tự tay chú giải lại cả bộ Tứ Thư do bọn hủ nho Trình Chu chú giải bậy bạ… Thưa, chắc Ngài đã xem rồi đấy chứ? Nếu chưa, tôi xin hứa sưu tầm lại để Ngài tường lãm.
Phán quan (nạt lớn): Không nói chuyện ấy! Nếu anh không mưu mô thì tại sao dựng Tây đô, bắt dân xài tiền giấy để vơ vét tiền thật làm gì?
Hồ Quý Ly: Ấy, đấy là “bồ kinh luân” của tôi đấy. Tôi đã thưa rằng xin Ngài xem xong bộ Tứ Thư chú giải của tôi đã, rồi hãy xét xử kẻo oan tôi lắm.
Phán quan: Không oan gì hết. Anh chịu mệnh Trần, rồi anh phản Trần, đó là việc người quân tử không làm (1), huống hồ anh muốn kế nghiệp thánh hiền, biết chú giải Tứ Thư mà lại làm điều sỉ nhục ấy ư? Vua hèn, anh đừng thờ. Vua hèn mà thờ là bất trí. Đã thờ mà phản là bất nghĩa, bất trung. Triều đình đổ nát, anh đừng dự. Đã dự, đừng quay giáo. Quay giáo sát hại là bất nhân, bất tín (3). Quá nhiều bất như anh thì dù có chú giải Tứ Thư đúng đến đâu thì cũng bằng thừa. Anh há chẳng biết đã là bậc vĩ nhân anh hùng thì chỉ nên lập sự nghiệp trên đạo đức hoặc trên thanh gươm yên ngựa hay sao?” (Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, số 9 ngày Phật đản 1956)
(3) Ám chỉ việc thanh toán đối lập
Hồi đó tôi làm chủ bút tờ báo đăng bài trên, và tôi biết nếu ông Kao Tâm Nguyên không viết những điều đó dưới hình thức một bản kịch cười thì thế nào bài báo cũng bị kiểm duyệt hoặc thế nào báo cũng bị đóng cửa và tôi vào ngồi tù.
Người Hoa Kỳ đã không trông thấy những nguyên nhân sau này đưa tới sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong khi không đáp ứng lại sự đòi hỏi cải tổ chính phủ của các lực lượng đối lập, chính quyền chỉ nghĩ đến sự thanh toán. Sự thanh toán các lực lượng đối lập ấy đã được thực hiện một cách tàn bạo và không thẳng thắn. Đối với lực lượng Cao Đài và Hoà Hảo chẳng hạn, Ông Diệm đã lập mưu đánh lừa những người muốn thoả hợp. Tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế chẳng hạn, sau khi quy thuận bị chính quyền nghi ngờ và sát hại. Lãnh tụ Lê Quang Vinh tức Ba Cụt của Hoà Hảo cũng bị dụ về thoả hợp rồi bắt xử tử… Những thủ đoạn như thế làm cho quần chúng bất phục. Thêm vào đó, tính cách độc tài gia đình trị, sự lợi dụng tôn giáo và sự để những thành phần xấu của tôn giáo lợi dụng, sự thanh trừng tất cả mọi thành phần tử không đồng ý với mình đã khiến cho chính quyền trở nên bị ghét bỏ (unpopular). Nếu chính quyền đã không phạm vào những lỗi lầm đó, và nếu dân chủ được thực hiện một phần nào ở miền Nam giữa những phần tử không Cộng Sản, chắc chắn là Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có công lớn. Nhưng những đau thương và phẫn uất đã gieo rồi. Quần chúng không còn ai ủng hộ chính quyền nữa cả và cuộc chiến tranh mới, chưa kịp được quốc dân nhận thức như một cuộc chiến tranh chủ nghĩa, chống Cộng, bảo vệ tự do, đã bị dân quê đồng hoá với cuộc chiến tranh chống kháng chiến, một cuộc chiến tranh điều khiển bởi người Tây phương vì quyền lợi của người Tây phương.
Quần chúng tiếp tục nghe lời tuyên truyền của lực lượng kháng chiến, trong đó có những phần tử Cộng sản và bắt đầu tin rằng chính sách Mỹ, vốn đang ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm, như một chính sách theo đuổi quyền lợi của Tây phương, và Hoa Kỳ đang theo đuổi một chính sách “thực dân mới”.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam
Sự từ chối hiệp thương với Hà Nội để tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất toàn quốc như hiệp định Genève 1954 quy định đã là một lý do để Bắc Việt chính thức chuyển thành chính sách chống đối Nam Việt. Hai năm 1958 và 1959 là thời gian Hà Nội chuyển hẳn sang thế tấn công. Tại Nam Việt, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời ngày 20-12-1960, cố liên hiệp tất cả các lực lượng chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm lại. Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được sự ủng hộ của Bắc Việt, và điều đó là một điều dĩ nhiên. Trong kỳ Đại Hội thứ 3 của đảng Lao Động Bắc Việt tại Hà Nội, Lê Duẩn, Tổng thư ký của Đảng, cũng báo tin về sự thành lập của Mặt Trận và cho rằng Mặt Trận là do Đảng lãnh đạo, mục đích để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, huỷ bỏ hiến pháp miền Nam, và tiến tới thống nhất Miền Bắc.
Điều không ai không thấy là trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có vô số phần tử yêu nước, quốc gia và không Cộng sản. Họ gia nhập Mặt Trận không phải vì họ ưa thích chủ nghĩa Cộng Sản mà họ đồng ý với Mặt Trận là phải chống đối lại với chính quyền Ngô Đình Diệm và chính sách của người Hoa Kỳ mà họ bắt đầu thấy tương tự với chính sách của người Pháp, nhất là sau khi họ hiểu rằng người Hoa Kỳ trước kia đã viện trợ cho người Pháp trong suốt thời gian họ kháng chiến chống Pháp. Người Hoa Kỳ trong khi ủng hộ một chính sách độc tài, đã bị quốc dân đồng nhất hoá với chính sách độc tài ấy. Huống nữa ai cũng nhận biết rằng người Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam không phải chỉ vì để “bảo vệ cho tự do và quyền lợi của Việt Nam” mà cũng vì những quyền lợi của Hoa Kỳ, những quyền lợi chính trị và kinh tế được mệnh danh là của “thế giới tự do”. Mặt trận sẽ không bao giờ lớn mạnh được nếu chính quyền Ngô Đình Diệm biết cách ăn ở với những người không Cộng sản. Chính quyền đã dồn một số đối lập vào thế bất lực không thể xoay sở được gì và một số đối lập khác vào Mặt trận. Có rất nhiều phần tử ưu tú và thẳng thắn, can đảm nói ra những điều họ suy nghĩ, những người này đều bị chính quyền đàn áp, khủng bố tù đày. Một số không ít đã phải trốn đi. Nhưng chẳng có chỗ nào để trốn đi cả ngoài Mặt trận, bởi vì Mặt trận là tổ chức đối lập hữu hiệu và vững chãi duy nhất có thể có tại Nam Việt Nam. Chính những thanh trừng, những khủng bố, những đàn áp của chính quyền đối với các phần tử đối lập đã giúp cho Mặt trận có thể trưởng thành mau chóng.
Thành phần của ban lãnh đạo trung ương của Mặt trận gồm có những phần tử không phải là đảng viên đảng Cộng Sản, tuy thế yếu tố Cộng sản thật vô cùng quan trọng. Người ta chỉ biết đến tên tuổi của những người lãnh đạo “nổi” của Mặt trận mà không biết ai chính là những người đang thực sự lãnh đạo Mặt trận. Theo tài liệu của hội Nghiên Cứu Chính Trị Ba Lê, trong số những người thực sự lãnh đạo Mặt Trận mà không công bố tên ít ra cũng có bốn người thuộc Trung Ương Đảng Bộ Đảng Lao Động Bắc Việt. Và vì thế, có thể nói được yếu tố Cộng Sản đang điều khiển được guồng máy trung ương của Mặt Trận.
Tuy nhiên, đại đa số quần chúng nông thôn Việt Nam không nghĩ tới Mặt trận như một tổ chức Cộng sản mà như một phong trào tranh đấu ái quốc. Mặt trận không tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, Mặt trận chỉ tuyên truyền cho một cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc, giải phóng khỏi “sự xâm lược của đế quốc Mỹ”. Và chính điều này là một nguyên nhân cho thắng lợi lớn của Mặt Trận. Quần chúng Việt Nam phần nhiều là dân quê, cùng một thứ tiếng như nhau, rất yêu nước, rất ghét ngoại xâm và sẵn sàng nghe lời tuyên truyền để tin rằng người Mỹ cũng có mục đích như người Pháp muốn thành lập một chế độ thực dân mới ở Việt Nam. Người thị dân thì nghĩ khác hơn. Ai cũng cho rằng mục đích của người Hoa kỳ tại Việt Nam là có những căn cứ quân sự lâu dài. Điều đó cũng đã là một chuyện bất ổn rồi huống hồ là trên mặt kinh tế và chính trị, người Hoa Kỳ càng ngày càng chứng tỏ có nhiều quyền hạn kiểm soát.
Từ năm 1961, Tổng thống Kennedy gửi huấn luyện viên quân sự sang Việt Nam và cuộc chiến tranh bắt đầu mang một bộ mặt khác. Các “cố vấn Hoa Kỳ” hành quân cùng với quân đội, và từ đó, người dân quê Việt Nam bắt đầu nhìn người Mỹ như họ đã nhìn người Pháp trước kia. Dưới sự tuyên truyền của Mặt trận, chính quyền Ngô Đình Diệm được xem như là chính quyền của Bảo Đại thực hiện một chính sách Tây phương.
Vào tháng giêng năm 1962, đảng Nhân Dân Cách mạng được thành lập trong lòng Mặt trận. Đây chính là đảng Cộng Sản của Nam Việt, có thể nói là phân bộ Miền Nam của Đảng Lao Động Bắc Việt. Sự ra đời của Đảng này chứng tỏ những cố gắng củng cố lực lượng Cộng Sản trong hàng ngũ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Báo Nhân Dân ở Hà Nội ngày 4-4-1962 viết: “Đảng Nhân Dân Cách Mạng là lực lượng xung phong ở tiền tuyến trong cuộc đấu tranh hiện tại”. Hà Nội bắt đầu nói Nam Việt như tiền đồn chống xâm lăng, như “tuyến đầu tổ quốc”.
Quân đội Hoa Kỳ càng được gửi qua nhiều thì hiệu lực của sự tuyên truyền Mặt trận càng trở nên lớn mạnh. Những cảnh tượng làng mạc tàn phá, nhà cửa bốc cháy, dân quê chết chóc càng lúc càng gây thêm uất hận trong lòng người dân quê đối với người lính Hoa Kỳ. Những bức hình chụp trong đó những chiến sĩ Việt Cộng (đó là nói theo kiểu chính quyền Miền Nam, thực ra phải nói Mặt trận) ở trần, trói cánh gà, ghì chặt do lính Hoa Kỳ áp giải bằng súng có cắm lưỡi lê khiến mọi người liên tưởng đến cảnh tượng cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, và khiến cho chính những người Việt Nam chống Cộng cũng thấy đau lòng. Những người Hoa Kỳ mà tôi quen biết cũng không thể chịu đựng nổi khi thấy các hình ảnh đó. Người Việt Nam, dù là người Việt Nam chống Cộng, cả những người Mỹ tại Việt Nam nữa, cũng không thể khinh bỉ được những người lính Việt Cộng, trong khi họ có thể khinh bỉ những tướng tá đứng về phía họ. Quả thực những người lính Việt Cộng chiến đấu dũng cảm hơn những người lính quốc gia. Họ chiến đấu dũng cảm hơn không phải vì họ ham mê chủ nghĩa Cộng sản. Tôi dám chắc rằng đa số không biết chủ nghĩa Cộng Sản là gì và cũng không thích chủ nghĩa Cộng Sản. Họ chiến đấu dũng cảm, họ có tinh thần hy sinh chính vì họ tin rằng họ đang thực hiện sự tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, họ đang thực sự tranh đấu để giải phóng quốc gia khỏi sự “xâm lược của đế quốc Mỹ”. Mặt trận thuyết phục họ tin như thế, và Mặt trận cũng dựa trên một số những sự kiện để thuyết phục họ. Ngay dưới thời Pháp thuộc người nông dân cũng không thấy nhiều lính Pháp như họ thấy lính Mỹ bây giờ. Đầu năm 1965, số quân sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hơn 200.000 người. Bây giờ thì số đó đã lên tới 300.000 người và trong không lâu sẽ tới 400.000. Đất nước Việt Nam tràn đầy cả lính Mỹ. Và những người lính Mỹ có hiểu biết gì nhiều về phong tục, văn hoá và lối sống của dân Việt đâu. Trong khi họ tiếp xúc với quần chúng, trong khi họ nói chuyện, trong khi họ hành quân, không thể nào tránh được những lỗi lầm. Khi họ ở chốn thôn quê hẻo lánh, họ có thể làm điều thất nhân tâm và làm sao người Hoa Kỳ ở Việt Nam có thể kiểm soát được hành vi của ba bốn trăm ngàn lính Mỹ? Ở Việt Nam, khi một người lính Việt ăn cắp gà của dân chúng thì đó là chuyện không làm người ta xúc động mấy. Chứ khi người lính Mỹ làm một cử chỉ tương tợ, hoặc là hiếp dâm một người phụ nữ Việt Nam, điều đó là những điều rất có hại cho uy tín của Hoa Thịnh Đốn. Những người của Mặt trận luôn luôn có mặt để khai thác những sự kiện như thế để tuyên truyền chống Mỹ. Mà những hành động đáng tiếc đó xảy ra luôn, không thể kiểm soát được. Những công dân Hoa Kỳ khi nghe các tin này có thể sẽ xúc động, phẫn nộ, và có lẽ cũng có người không tin là các sự việc như thế có thể xảy ra được. Kỳ thực, chỉ khi nào sống đời sống của những chiến binh nằm trong bùn sình, hoặc giữa rừng núi muỗi mòng sâu độc, sống bên cạnh cái chết rình rập, người lính nào cũng có thể trở nên liều lĩnh coi thường những giá trị luân lý đạo đức, nhất là khi họ chiến đấu không vì lý tưởng mà vì sự ép buộc, và cũng nhất là họ không tin rằng cuộc chiến tranh là một cuộc chiến tranh có chính nghĩa. Họ thù ghét những người đã đẩy họ vào tình trạng phải chết tối tăm cho một cái gì thật là vô nghĩa.
Có lẽ không người Hoa Kỳ nào có lương tâm mà lại có thể chịu đựng nổi cái cảnh trực thăng chở lính Mỹ đi bắt cóc phụ nữ ở miền quê hẻo lánh về trại để thoả mãn sự đòi hỏi xác thịt. Tôi không thể nào quên được hình ảnh mà tôi trông thấy hôm đó: chiếc trực thăng hạ dần xuống làm cho những con bò đang kéo chiếc xe đi trên con đường quê sợ hãi chạy nhanh, và cả người cả thúng mủng đồ vật rơi lông lốc xuống đường làng. Trên bờ ruộng những người lính Mỹ đã xuống trực thăng, áp tới bắt cóc người thiếu phụ đang lồm cồm ngồi dậy trong tay còn ẵm đứa con trai hai tuổi. Nét kinh khiếp hiện rõ trên khuôn mặt người đàn bà nhà quê trẻ tuổi và trên mặt bà mẹ già đầu bạc: người thiếu phụ trao con cho mẹ với một cái nhìn không thể nào tả nổi. Và bà mẹ già nét mặt đau thương, chỉ biết đưa tay ôm lấy đứa cháu và nhìn theo, vô cùng tuyệt vọng. Chiến tranh ở đâu cũng vậy, và người Mỹ ở đất họ nào có được báo cáo về những chuyện này. Người Việt Nam nào trông thấy cảnh tượng ấy cũng tự thấy căm hờn trào dậy. Và chính đây là một nguyên nhân đưa tới sự thất bại của Hoa Kỳ.
Điều tệ hơn hết là lính Mỹ không thể nào phân biệt thế nào là Việt Cộng và thế nào là không Việt Cộng. Người lính du kích của Mặt trận không có mang đồng phục hay huy hiệu gì cả, họ giống hệt như người dân quê. Vì không thể phân biệt nên người lính Mỹ dùng hoả lực tấn công một cách bừa bãi. Có khi họ tấn công ngay cả những đơn vị của họ hoặc là những đơn vị bạn. Số lượng những người vô tội chết vì những cuộc hành quân lớn hơn gấp bội số người Việt Cộng bị giết. Từ năm 1961 đến 1964 theo con số thận trọng nhất, thì ít ra cũng đã có nửa triệu người bị hy sinh, trong đó phần lớn là người dân quê vô tội. Sự kiện này là nguyên nhân lớn nhất đã dựng bao nhiêu người Việt dậy chống Mỹ.
Khi báo chí kể lại rằng “hôm qua, 500 Việt Cộng đã bị giết trong một cuộc hành quân chẳng hạn, điều đó không thể tin cậy được ngay. Có thể trong số 500 người đó (mà có chắc là 500 người không? Làm thế nào để đếm?) chỉ có dăm bảy người lính của Mặt trận, còn ngoài ra đều là dân làng vô tội. Có lẽ cũng không có người Việt Cộng nào cả cũng chưa biết chừng. Ai dám nói rằng “chúng tôi đã tàn sát 500 người dân lành vô tội”? Đã tàn sát nhầm rồi, người ta liền gọi các nạn nhân kia là Việt Cộng. Và những nhà “khoa học chính trị” ngồi trong tháp ngà tin tưởng vào những con số, những bản “thống kê” và những sự kiện báo chí tường thuật lại chỉ có thể xây nên một cái “hiểu biết” về Việt Nam xa hẳn với thực tại Việt Nam.
Chỉ cần thấy một cái gì như lá cờ Mặt trận thấp thoáng ở trong làng thôi, hoặc chỉ cần một sự nghi kỵ rằng trong làng có Việt Cộng thôi, người lính Mỹ cũng có thể dùng hoả lực để tiêu diệt cả làng. Trong cái đêm mà Việt Cộng hoả kích phi trường Tân Sơn Nhất và phá huỷ một số khá lớn các phi cơ Hoa Kỳ, tôi ngủ lại trong một làng gần ngay đó với một số sinh viên công tác xã hội. Chúng tôi giật mình thức dậy ngay sau tiếng nổ đầu tiên rất gần, làm rung chuyển cả nhà cửa. Những tiếng nổ kinh hồn kế tiếp nhau. Nhìn về phía sau, chúng tôi thấy phi trường bốc cháy dữ dội. Cuộc pháo kích xảy ra trong nửa tiếng đồng hồ, và sau đó Việt Cộng rút lui. Chúng tôi khoảng hai chục người, nằm sát xuống đất cho đến khi cuộc pháo kích chấm dứt. Nửa giờ đồng hồ sau đó, tiếng phi cơ rền vang: máy bay Hoa Kỳ tới, và trái châu bắn lên sáng rực bốn góc trời. Chúng tôi lại phải nằm sát xuống đất. Phi cơ bắt đầu bắn phá xuống ngay trong làng của chúng tôi. Đạn bay vèo vèo, nổ ầm ầm kinh khủng. Đạn xuyên qua mái nhà. Một mảnh Rocket lớn bằng bàn tay xuyên máy bay vào phòng tôi, đỏ như một khối lửa, cách chỗ tôi nằm độ một thước. Tiếng bích kích pháo nổ ngay trong xóm ầm ầm. Chúng tôi nằm im, nín thinh, không dám thở. Cuộc trả đũa kéo dài nửa giờ đồng hồ mới chấm dứt. Trong làng, sáng ra, người ta kéo ra được một người đè nặng dưới vôi gạch. Nhiều nhà bị bích kích pháo làm đổ nát. Nhiều người bị thương. Những bụi tre bị đạn xé rách như xơ mướp. Tối hôm đó không có một Việt Cộng nào bị hại mà chỉ là người dân vô tội. Những cảnh tượng như thế và bi đát hơn thế nhiều xảy ra luôn luôn, ngày nào cũng có, đêm nào cũng có trên đất Việt Nam. Sự tàn phá càng dữ dội thì oán trách càng nặng nề. Người Hoa Kỳ càng ngày càng bước lún vào bùn lầy của sự chết chóc và oán hờn. Không ai không nhận thấy rằng chiến tranh du kích phải được nương tựa vào sự ủng hộ của quần chúng. Những công dân Hoa Kỳ ở bên nước họ nghe người ta nói rằng dân quê theo Việt cộng vì dân quê bị Mặt trận khủng bố bắt buộc phải theo. Điều này không đúng. Phải thẳng thắn công nhận rằng Mặt trận được một số khá đông dân quê ủng hộ, bởi vì Mặt trận đã có thể thuyết phục những người dân quê kia rằng cuộc đấu tranh chống Hoa Kỳ là một cuộc đấu tranh giành độc lập. Tinh thần yêu nước của người dân quê rất cao. Họ ít hiểu biết về lịch sử thế giới, về chính trị quốc tế, về chiến tranh chủ nghĩa. Họ chỉ thấy trước mặt họ những người Mỹ đang tìm giết đồng bào họ, những người đã từng đổ xương máu ra để chống Pháp. Thế là họ ủng hộ Mặt trận. Khi giết họ, người Mỹ chỉ giết những người Việt Nam yêu nước, vì họ không phải là Cộng sản. Chính đại đa số những người đang chiến đấu trong hàng ngũ Mặt trận cũng không phải là Cộng sản. Họ là những phần tử yêu nước và bị chi phối một cách vô thức bởi một số thành phần lãnh đạo, thế thôi. Giết họ, không những người Mỹ không giết được Cộng Sản mà lại tạo thêm căm thù, bất mãn và đối lập. Điều đó, những người công dân Mỹ phải biết, phải được báo cáo, để có thể giữ cho chính sách Mỹ đừng đi sâu vào sự sai lạc.
Một số lượng to lớn của quần chúng nông thôn, một nửa có khuynh hướng ủng hộ cho Mặt trận, một nửa thì ngần ngại không làm như thế vì các lãnh tụ tôn giáo của họ không muốn cho họ làm như thế. Điều này thật là quan trọng. Tiếng gọi của lòng yêu nước hướng họ về Mặt trận và tiếng gọi của tôn giáo khiến họ ngần ngại, ngập ngừng. Điều này đúng cho tất cả tôn giáo, kể cả Cơ đốc giáo, trong đó có một số dân di cư. Các nhà lãnh tụ tôn giáo đứng đắn chưa bao giờ tuyên bố chống Cộng một cách bạo động hết, không phải vì họ có cảm tình với Cộng sản, nhưng vì họ không muốn được hiểu lầm là ăn tiền của chính quyền và của người Mỹ. Ở Việt Nam từ 10 năm nay, “chống Cộng chủ nghĩa” đã trở thành một nghề làm ăn. Múa máy ngòi bút hoặc múa máy ba tấc lưỡi về việc chống Cộng là dễ kiếm tiền vô cùng. Sự thực, những người hô hào chống Cộng nhiều nhất là những người ít chống Cộng nhất. Nói một cách khác, họ chẳng làm được gì thiết thực để chống Cộng cả. Trái lại, bằng cách nương tựa vào thế lực của chính quyền, của công an, của Mỹ, họ chỉ lo cho địa vị và quyền lợi của họ, đè nén và hà khắc dân chúng. Và hậu quả chỉ là làm cho dân chúng càng ngày càng ghét bỏ chính quyền, ghét bỏ họ và ngả theo Mặt trận. Chính họ đã giúp thêm hậu thuẫn cho người Cộng sản mà họ lại được đối đãi như những người chống Cộng.
Dân quê chưa ngả hết về phía Mặt trận cũng vì các vị lãnh tụ tôn giáo của họ không muốn họ làm thế. Nhưng các vị lãnh tụ tôn giáo cũng biết rất rõ ràng rằng không thể giữ người dân quê lâu được nếu không tìm ra cho họ một con đường yêu nước khác hơn là con đường Mặt trận. Dân quê thì không thể không yêu nước. Nhưng họ biết ủng hộ cho những chính phủ không tượng trưng cho tinh thần độc lập và tự quyết của quốc gia không phải là một việc làm yêu nước. Mặt trận chống Mỹ cũng như ngày xưa kháng chiến chống Pháp, theo họ nghĩ mới là con đường yêu nước. Họ cũng đã vài lần nghe đến Cộng sản như là một cái gì nguy hiểm. Nhưng họ không thấy gì về Cộng sản hết. Họ chỉ thấy quân du kích đang “đánh đuổi Mỹ để giành độc lập” mà thôi. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Công giáo, Phật giáo,… không thể nào khuyên tín đồ của họ ủng hộ cho những chính phủ như chính phủ Diệm, Khánh, Hương, Kỳ,… được (có một vài nhân vật họ ưa chuộng như Dương Văn Minh, Phan Huy Quát, nhưng những người này bị lực lượng phản động đánh đổ mất). Những chính phủ này thối nát, hư hỏng, không có thực quyền, chỉ biết thi hành chính sách theo đuổi chiến tranh một cách thiếu thông minh mà thôi. Những chính phủ này không hấp dẫn được quần chúng, luôn luôn tím cách loại trừ và thanh toán những phần tử quốc gia khác, vì quyền lợi và địa vị, sử dụng xương máu và tiền bạc của quần chúng một cách không nương tay, và luôn luôn tạo thêm bất công xã hội. Những chính quyền này chỉ được quần chúng xem như một sự nối dài của chính quyền Mỹ, và chính sách của họ cũng chỉ được xem như một sự nối dài của chính sách Mỹ. Ngân sách Việt Nam và chính trị Việt Nam được trù định tại Hoa Thịnh Đốn mà không phải tại dinh Gia Long. Việt Nam là một xứ sản xuất gạo mà nay phải nhập cảng gạo từ Mỹ… Tất cả những sự kiện ấy tạo thành một bi hài kịch lớn. Người Hoa Kỳ không thấy được rằng nếu hiện giờ người Hoa Kỳ không theo Mặt trận hết là tại nhờ có các tôn giáo, trong đó Phật giáo là một tôn giáo có nhiều tín đồ hơn cả. Nếu các nhà lãnh đạo Phật giáo không thể chỉ cho tín đồ của họ một con đường yêu nước khác hơn là con đường Mặt trận mà họ nghĩ có thể dẫn tới Cộng sản, thì không lâu tín đồ của họ cũng sẽ bỏ họ. Tín đồ của họ sẽ lên án là họ không yêu nước, là chạy theo chính quyền bù nhìn, là chạy theo Mỹ, là ăn nhờ trên chiến tranh, trên xương máu của đồng bào. Sở dĩ tín đồ các tôn giáo còn chịu nghe các lãnh tụ họ là vì các vị này đã cẩn thận (trừ một vài kẻ không quan trọng) không chịu liên minh với chính sách chiến tranh, và đã cất lên tiếng nói của lương tâm tôn giáo về cuộc chiến tranh. Các vị lãnh tụ tôn giáo chính vì thao thức tìm cho tín đồ họ một con đường yêu nước không Cộng sản mà phải đứng dậy để tranh đấu. Họ đòi Quốc Hội Lập Hiến, họ đòi chính phủ dân cử là để mà thực hiện điều đó. Nhưng những cố gắng của họ đang bị người tự xưng là chống Cộng ngăn cản và đàn áp. Chính người Hoa Kỳ cũng ngăn cản và đàn áp họ, và chính người Hoa kỳ đã ủng hộ cho thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đàn áp họ. Người Hoa Kỳ chỉ muốn các lực lượng tôn giáo nằm im đừng động tới chương trình chiến tranh của họ để tạo thêm khó khăn và cản trở cho những nỗ lực chiến tranh của họ thế thôi.
Sự thất bại của chính sách Hoa Kỳ
Ở Việt Nam, người Hoa Kỳ cũng tiếp tục đi vào sự sai lầm của người Pháp trong khi tỏ ý chỉ tin tưởng vào các phần tử Công giáo như những phần tử duy nhất thực sự chống Cộng. Họ không ý thức sự cần thiết tách rời chủ nghĩa quốc gia yêu nước và chủ nghĩa Cộng sản. Họ chỉ làm cho hai thứ đó liên kết lại. Và đó là nguyên nhân quan trọng nhất khiến Mặt trận lớn mạnh. Họ hoàn toàn thả lỏng để cho Mặt trận kêu gọi lòng yêu nước của quần chúng và để cho Cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng. Có những phần tử tuy e ngại rằng Mặt trận có mang bản chất của Cộng Sản nhưng vẫn chịu hợp tác để “đánh kẻ thù chung”, bởi tuy họ là người chống Cộng, họ cũng là những người chống đối lại những tàn bạo của chính quyền, của chính sách Hoa Kỳ. Mặt trận có thể lớn mạnh là vì gửi được những chiếc rễ quan trọng vào lòng yêu nước và chống độc tài của quần chúng, chứ không phải vì những lời hứa hẹn của chủ nghĩa Mác-Xít. Người ta thường nói đến vấn đề cải cách điền địa như là một điều có sự ủng hộ của dân quê đối với Mặt trận, kỳ thực điều này không quan trọng gì. Trong thời gian kháng Pháp, những đại điền chủ trốn chạy chiến tranh, tìm cư trú tại những thị xã có an ninh và để ruộng vườn hoang phế. Các ruộng vườn này được kháng chiến chia cho dân canh tác. Đến khi đình chiến, các chủ ruộng này trở về quê và căn cứ trên giấy tờ, để lấy ruộng lại. Điều này chắc chắn có gây bất mãn trong giới dân nghèo, tuy nhiên không phải đây là một lý do quan trọng để dân nghèo ủng hộ Mặt trận. Ông Ngô Đình Diệm bằng dụ 57 ngày 22-10, về cải cách điền địa, đã có ý muốn thực hiện một vài điều nhắm thu phục cảm tình người nghèo. Nhưng ý định này chỉ được thực hiện một cách nửa vời, lý do là vì tay chân của chính quyền vẫn liên hợp với kẻ giàu có và thế lực. Theo dụ ấy, chủ điền nào có trên 100 mẫu thì chỉ được giữ lại 100 mẫu, còn bao nhiêu thì bị truất hữu (nghĩa là bị chính quyền mua) để bán lại với các điều kiện dễ dãi cho các gia đình nghèo. Kết quả không rực rỡ tí nào. Năm 1959, số ruộng “truất hữu” chỉ có 58661 mẫu trong khi số ruộng cho tá điền mướn là 1.469.197 mẫu. Mặt trận có người theo không phải là lý do “khủng bố thiên hạ” như có người tưởng. Biện pháp khủng bố không thể mang lại sự ủng hộ lâu bền. Cố nhiên là Mặt trận thỉnh thoảng có những cuộc ám sát các ông ấp trưởng, chủ tịch hội đồng xã… Những người này bị lên án là cộng tác với chính quyền và nhũng lạm quần chúng. Mặt trận có khủng bố, ám sát và họ làm công việc ấy có ý thức. Họ lên án kẻ bị ám sát hoặc trước hoặc sau khi thi hành bản án, và họ cố chứng tỏ cho dân quê biết là họ có lý trong lúc làm như vậy. Có lúc họ ám sát những kẻ mà dân chúng ghét bỏ, và như vậy lại được lòng dân. Số lượng những người bị khủng bố và ám sát tuy nhiều, so với số lượng của những người dân vô tội bị chết vì oanh tạc và trong những cuộc hành quân và những người bị tù đày thanh toán, vẫn không là đáng kể.
Chính sách thành lập ấp chiến lược trong ý niệm của nó có mục đích quân sự. Các ấp chiến lược này không xây dựng bằng ý chí của quần chúng, bằng sự tự nguyện mà bằng bạo lực và sự ép uổng. Chính quyền đã muốn giải quyết tất cả mọi việc bằng tiền bạc và bạo lực. Dân quê nhiều người bị bắt ép bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ mồ mả tổ tiên để đi tới sống tại một địa điểm mới. Làng cũ có thể bị nghi ngờ như là nơi chấp chứa các tài liệu Việt Cộng và bị đốt cháy cùng với các kỷ niệm, bàn thờ tổ tiên, mảnh vườn quen thuộc. Ấp chiến lược được lập ra để ngăn chận không cho Việt cộng vào ấp và để dân trong ấp hoàn toàn không “nhiễm độc”. Kỳ thực trong rất nhiều trường hợp, những người thuộc Mặt trận vẫn an nhiên sống chung trong ấp. Và một buổi sáng, trong phòng họp của ban trị sự ấp, người ta có thấy truyền đơn và dấu tích của sự có mặt của Mặt trận. Tinh thần chống Cộng của ấp vì vậy tiêu tan mất. “Chống Cộng” ở đây có nghĩa là chống Mặt trận.
Tại Sài Gòn và những đô thị lớn, dân chúng tương đối “vô thần” hơn thôn quê nhiều. Có những lãnh đạo tôn giáo đứng đắn, tuy làm việc âm thầm không tuyên bố “chống Cộng” nhưng rõ rệt là những phần tử không Cộng Sản. Một số trong đó vì lý do không ưa thích chính quyền, đã được chính quyền nhận định như thiên tả, nhiều khi bị chụp mũ là Cộng sản. Ở Việt Nam, hễ anh ghét ai, anh cứ việc chụp mũ họ là Cộng Sản. Thế là họ chẳng làm ăn gì được nữa. Số người bị ghen ghét thù oán bị chụp mũ Cộng Sản và bị loại trừ, tù đày không biết bao nhiêu mà kể. Tuy vậy, số những người còn lại đang sống ẩn nhục âm thầm là số người có uy tín nhất trong hàng ngũ những người không Cộng sản và có thể lãnh đạo được họ.
Các đô thị cũng tập trung số người làm ăn bằng chủ nghĩa chống Cộng. Những người này sống sung sướng nhất vì vừa có an ninh, vừa có tiền bạc. Họ khá đông đảo, họ chống tất cả mọi cuộc biến động chính trị, mọi biểu tình, và có rất nhiều tiền và thế lực để chạy chọt cho con cháu khỏi phải đi quân dịch.