09. Thành Bồ Đề
.ІX.
Thành Bồ Đề
Thành tựu quả bồ đề
_________________
Thành Bồ Đề
Bồ đề, thử vân đạo dã, giác dã. Vị kiến sư tử chi thời, tức kiến nhất thiết hữu vi chi pháp, cánh bất đãi hoại, bổn lai tịch diệt. Ly chư thủ xả tức ư thử lộ, lưu nhập tát bà nhã hải, cố danh vi đạo. Tức liễu, vô thỉ dĩ lai sở hữu điên đảo, nguyên vô hữu thật, danh chi vi giác. Cứu cánh nhất thiết chủng trí, danh thành bồ đề.
Thành tựu quả bồ đề
Bồ đề, tiếng Hán là đạo hay là giác. Khi thấy sư tử là thấy các pháp hữu vi, dù cho chưa đến lúc tàn hoại các pháp ấy vẫn nguyên là tịch diệt. Do không vướng vào nắm bắt hay ruồng bỏ, do nương vào lối ấy chảy vào được biển tát bà nhã, đó gọi là đạo (tát bà nhã: sarvajñāna, nhất thiết trí). Ta thấy được rằng từ vô thỉ đến nay, tất cả các nhận thức điên đảo đều nguyên không có thật thể, gọi là giác. Cái cứu cánh đầy đủ mọi thứ trí tuệ ấy được gọi là bồ đề.
Bồ đề (Bodhi), tiếng Hán là đạo, là giác, thật ra là giác thì đúng hơn. Nhưng chữ đạo trong văn học trung quốc có ý vị của bản thể học, của giác ngộ. Có khi người ta nói là thành đạo. Đạo trước hết là con đường, nếu dịch chữ thì đạo (mārga) là con đường. Nhưng trong văn học trung quốc đạo không có nghĩa là con đường nữa mà là cái đích, là chỗ tới. Thành đạo là giác ngộ. Chữ bodhi dịch là giác thì đúng rồi mà dịch là đạo cũng đúng. Đạo ở đây là chỗ tới, là giác ngộ.
Vị kiến sư tử thời tức kiến nhất thiết hữu vi chi pháp, cánh bất đãi hoại, bổn lai tịch diệt. Chữ tịch diệt có nghĩa là Niết Bàn, là vô vi, là bản thể. Tịch diệt là sự vắng lặng của ngôn thuyết, của ý niệm (the burning away, the extinction). Đây là sự dập tắt của tất cả ngôn ngữ, của tất cả ý niệm. Nhìn vào con sư tử chúng ta phải thấy tính cách tịch diệt của nó tức là phải thấy con sư tử như là một thực tại không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, không một không nhiều. Tịch diệt là Niết Bàn. Con sư tử không cần nhập Niết Bàn. Trong giờ này đây, nó đang là Niết Bàn, nó đang ở trong Niết Bàn rồi.
Đám mây cũng vậy, đám mây giống như thuộc về thế giới hiện tượng, có sinh có diệt, có tới có đi. Nhưng nhìn cho kỹ thì đám mây đó đang an trú trong Niết Bàn tại vì bản chất của nó là không sinh không diệt, không tới không đi. Chúng sanh cũng vậy, mình thấy chúng sanh có sinh có diệt, có tới có đi, có còn có mất nhưng nhìn cho kỹ thì thấy bản chất của tất cả chúng sanh là không sinh không diệt, không tới không đi, không còn không mất. Không phải đợi cho chúng sanh chết đi, đợi cho đám mây mất đi rồi mới có không sinh không diệt mà nó đã không sinh không diệt ngay trong giờ phút này.
Cánh bất đãi hoại có nghĩa là không cần phải đợi cho cái đó mất đi, tiêu diệt hay hủy hoại. Không phải là khi đám mây không còn nữa thì nó mới tịch diệt. Khi đám mây còn sờ sờ trước mặt mình thì nó đã tịch diệt rồi.
Chữ nhập Niết Bàn có thể đưa tới sự hiểu lầm là Niết Bàn ở ngoài ta, ta chưa ở trong Niết Bàn. Nhưng sự thật thì tất cả các pháp đều an trú trong Niết Bàn. Niết Bàn tức là tịch diệt, là bản chất không sinh không diệt, không tới không đi, không còn không mất. Cái đó ta đang có chứ không phải ta đang đi tìm. Ta đi tìm Niết Bàn, đi tìm tịch diệt thì giống như đợt sóng kia đi tìm nước. Ngay trong giây phút hiện tại sóng đã là nước rồi, nó không cần phải tìm nước nữa. Niết Bàn, tịch diệt, đạo, giác ngộ cũng vậy, nó có sẵn rồi. Ta ở trong Niết Bàn, ở trong tịch diệt rồi. Chúng ta tưởng tượng có bồ đề, có đạo, có sự tịch diệt ở đâu đó và ta đi tìm nó, đó là một sự sai lầm rất lớn. Chúng ta đang an trú trong Niết Bàn.
Cánh bất đãi hoại là không đợi tới sự tan rã rồi mới tịch diệt, mình tịch diệt ngay trong giờ phút này. Tịch diệt đây không có nghĩa là chết đi. Tịch diệt ở đây là vượt thoát có-không, còn-mất gọi là đương thế tiện thị. Đương thế tiện thị là ngay trong lúc bây giờ mình đã là cái đó rồi (you are already what you want to become). Cái đó đưa tới giáo lý vô đắc.
Khi thấy sư tử là thấy các pháp hữu vi, dù cho chưa đến lúc tàn hoại các pháp ấy vẫn nguyên là tịch diệt. Do không vướng vào nắm bắt hay ruồng bỏ, do nương vào lối ấy chảy vào được biển tát bà nhã. Đây là phương tiện quyền xảo để đưa ta vào sự chứng ngộ. Tát bà nhã, tiếng Phạn là sarvajñāna, dịch là nhất thiết trí, là đi tìm cái vô vi, cái tịch diệt, cái bất sinh bất diệt trong cái có sinh có diệt. Bề ngoài nó trông như có sinh có diệt nhưng tiếp xúc cho kỹ thì thấy tự tánh của nó là bất sinh bất diệt. Chúng ta hay dùng đám mây, dùng tờ giấy hay dùng ngọn lửa và chứng minh rằng bản chất của đám mây, của tờ giấy hay của ngọn lửa là không tới không đi, không sinh không diệt, không có cũng không không. Nó không sinh không diệt, không đi không tới, không có không không ngay bây giờ chứ không phải đợi sau này mới có. Cho nên nói, tôi sẽ nhập Niết Bàn sau khi thân tôi tàn hoại, thì tức cười lắm!
Do không vướng vào nắm bắt hay ruồng bỏ. Chữ nắm bắt hay ruồng bỏ rất quan trọng. Ta ruồng bỏ thế giới sinh diệt để chạy theo nắm bắt thế giới không sinh không diệt. Ngay chuyện đó ta đã kẹt rồi.. Ta ruồng bỏ sư tử để đi tìm vàng là như vậy. Khi thấy được đương thế tiện thị (đương thế là ngay trong tình trạng này), bây giờ ta đang an lạc rồi, ta đã là cái đó rồi, đừng tìm đâu xa nữa thì ta không có thái độ hoặc ruồng bỏ, chạy trốn hoặc đi tìm bắt. Khi buông bỏ được hai thái độ ruồng bỏ và tìm bắt rồi thì mình có cơ duyên đi vào nhất thiết trí (tát bà nhã).
Ta thấy được rằng từ vô thỉ đến nay, tất cả các nhận thức điên đảo đều nguyên không có thật thể, gọi là giác. Nhận thức điên đảo là những cái thấy lộn ngược (upside down), trút đầu xuống đất. Tất cả nhận thức điên đảo như có-không hay còn-mất, những cái đưa tới thái độ ruồng bỏ hay nắm bắt, những cái làm cho mình buồn, mình lo, mình đam mê…, những cái đó không có thực thể. Thấy được điều đó gọi là giác. Giác tức là bồ đề, là cứu cánh của mọi thứ trí tuệ.