Chút ít lịch sử
Đứng về phương diện thiền tập, kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm cùng với kinh Quán Niệm Hơi Thở có thể được xem như là hai kinh quan trọng vào bực nhất. Hai kinh này đều nói tới niệm (sati, phạn: smrti) như cánh cửa chính để đi vào giác ngộ. Địa vị của niệm là địa vị then chốt trong các pháp tu tứ niệm xứ, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần và bát chánh đạo.
Chúng ta may mắn có tới ba tụng bản của kinh này. Tụng bản thứ nhất là kinh satipatthana sutta (M.10 và D.22) thuộc hệ phái Theravada được ghi chép lại bằng tiếng Nam Phạn (Pali) vào thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch. Tụng bản thứ hai là kinh Niệm Xứ (ĐTTT.26 (98)) thuộc hệ phái Sarvastivada tức là thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, mà bản dịch ra chữ Hán là của Gotama Sanghadeva dịch từ tiếng Bắc Phạn ra từ đời Đông Tấn (317-420). Tụng bản thứ ba là kinh Nhất Nhập Đạo (ĐTTT.125 (12)) thuộc hệ phái Mahasanghika tức là Đại Chúng Bộ. Bản dịch giả là Gotama Sanghadeva nhưng có thể là do Đharmanandi thực hiện.
Hồi Bụt còn tại thế, ngôn ngữ được xử dụng cho kinh và luật là tiếng Ardhamagadhi. Nhưng địa bàn hoằng pháp của Bụt rất rộng, cho nên tại các địa phương không thuộc trung tâm lưu vực sông Hằng, các thầy và các sư cô thường phải giảng dạy giáo pháp bằng các thứ tiếng địa phương, và điều này đã được Bụt chấp nhận và khuyến khích. Một hôm, tại tu viện Cấp Cô Độc, hai đại đức Yamelu và Tekula xin phép bụt được dịch tất cả các kinh của người nói ra cổ ngữ Vedic thường được dùng trong các thể phúng tán của các kinh Vệ đà. Hai đại đức thưa rằng sở dĩ họ muốn làm như vậy là vì lời của Bụt dạy rất đẹp mà đến khi được dịch ra các thứ tiếng địa phương thì có thể trở thành méo mó, và làm cho người ta hiểu lầm ý Bụt. Dịch lời Bụt ra thành thể phúng tụng theo cổ ngữ là một cách bảo vệ cái đẹp và tính cách chính xác của giáo lý. Bụt đã không đồng ý với hai thầy. Người không muốn giáo lý của người trở nên một bảo vật dành riêng cho giới trí thức quý phái. Người muốn giáo lý của người là một thực thể sống động trong mọi giới quần chúng. Vị vậy Bụt đã nói: “không, tôi không muốn các thầy đưa giáo lý vào hình thức phúng tụng cỗ ngữ. Tôi muốn mọi người có thể học và hành giáo lý trong tiếng mẹ đẻ của chính mình”.
Sau ngày Bụt nhập diệt khoảng bốn tháng, đại đức Mahakasyapa triệu tập một cuộc hội nghị tại núi Thất Diệp (Saptaparnaguha) tại thành Vương Xá (Rajagrha) để kiết tập kinh luật. Kiết tập (sangiti) có nghĩa là thu góp lại, tập họp lại, ôn lại, đừng để cho tán thất. Năm trăm vị khất sĩ có uy tín được mời tham dự hội nghị kết tập này. Vua Ajatasatru quốc vương xứ Magadha đứng bảo trợ cho cuộc kết tập. Cố nhiên ngôn ngữ được xử dụng để kết tập vẫn là Ardhamagadhi, tiếng của Bụt vẫn dùng. Và nếu các địa phương có những tụng bản với ngôn ngữ khác, các tụng bản này đều đã phải căn cứ trên tụng bản của hội nghị Rajagraha.
Một trăm bốn mươi năm sau, tại thành phố Vesali, một hội nghị khác được triệu tập để kết tập kinh điển lần nữa. Kỳ này bảy trăm vị khất sĩ được mời tham dự. Hội nghị kết tập thứ ba được tổ chức tại Pataliputra vào năm 236 sau khi Bụt nhập niết bàn (244 trước kỷ nguyên Tây Lịch) dưới sự bảo trợ của vua Asoka.
Sau kỳ kết tập thứ hai, giáo đoàn khất sĩ chia thành hai phái: một Thượng Toạ Bộ (Sthavira) có khuynh hướng bảo thủ, và hai là Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) có khuynh hướng cởi mở và cải cách. Cố nhiên phái đại chúng bộ đông đảo hơn. Việc này xảy ra vào khoảng năm 375 trước kỷ nguyên Tây Lịch.
Trong khoảng ba trăm năm kế tiếp, từ hai phái ấy đã phát sinh nhiều bộ phái khác. Theo sách Di Bộ Tông Luân Luận (Samayabhedoparacanacakra) thì tất cả có tới mười tám bộ phái. [Tác giả của sách này là Vasumitra, sống vào khoảng bốn trăm năm sau ngày Bụt nhập diệt. Ông thuộc về bộ phái Sarvastivada (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ)].
Đó là theo truyền thống miền Bắc. Theo truyền thống miền Nam, tác phẩm Dipavamsa, số lượng các phái đã đi đến con số hai mươi bốn.
Sở dĩ có nhiều bộ phái khác nhau là vì có nhiều cách hiểu và giải thích giáo lý của Bụt khác nhau. Những tác phẩm được viết ra để trình bày những cái hiểu ấy được gọi là các tác phẩm Abhidharma, thuộc về Luận Tạng. Mỗi bộ phái truyền lại kinh tạng, luật tạng và luận tạng riêng của mình.
Tụng bản thứ nhất của chúng ta, kinh Satipatthana, là thuộc bộ phái Theravada, một bộ phái đã duy trì được đầy đủ tam tạng của mình, nhờ địa bàn hành đạo tương đối an ổn ở xứ Tích Lan. Tam tạng của bộ phái này được ghi chép bằng tiếng Pali, có nguồn gốc ở Ấn Độ. Bộ phái Theravada (phân biệt Thuyết Bộ) vốn là một bộ phái đối lập với bộ phái Saravastivada (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) tác giả sách Dị Bộ Tông Luân Luận của truyền thống Bắc tông thuộc về bộ phái Saravastivada
Kinh Satipatthana là kinh thứ mười của Trung Bộ (Majjhimanikaya) và cũng là kinh thứ 22 của Trường Bộ (Dighanikaya) của kinh tạng Pali.
Tụng bản thứ hai của chúng ta, kinh Niệm Xứ, là thuộc về bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) được dịch từ Phạn ra Hán vào cuối thế kỷ thứ tư kỷ nguyên Tây Lịch. Sau kỳ kết tập thứ ba, có lẽ vua Asoka có biệt nhãn với phái Vibhajyavada nên chủ lực của phái Sarvastivada đã dời lên miền Bắc và đã lập căn cứ phát triển của mình tại Kashmir. Căn cứ này đã tồn tại trên một ngàn năm. Chính từ căn cứ này mà kinh Tứ Niệm Xứ được truyền dịch sang chữ Hán. Kinh Tứ Niệm Xứ là kinh thứ 98 trong bộ Trung A Hàm, mang số 26 trong Đại Tạng Tân Tu. Trung A Hàm là kinh bộ tương đương Với Trung Bộ ở văn hệ Pali.
Tụng bản thứ ba của chúng ta, kinh Nhất Nhập Đạo, là thuộc về bộ phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika). Đây không phải là bộ phái gốc mà là bộ phái ngọn của Đại Chúng Bộ. Ta biết Đại Chúng Bộ phát xuất từ cuộc kết tập Pataliputra ở nước Magadha và sau đó phân thành hai dòng, một dòng thiên di lên miền Tây Bắc, một dòng thiên di xuống Miền Nam, xung quanh Amaravati, Dhanyakatala và Nagarjunakonda. Tại miền Tây Bắc, Đại Chúng Bộ được phân làm năm phái, trong đó có phái Lokottaravada có khuynh hướng Đại thừa. Kinh Tăng Nhất A Hàm Dharamanandi dịch hẳn là do bộ phái Lokottaravada này truyền lại. Kinh Nhất Nhập Đạo được tìm thấy ở bộ Tăng Nhất A Hàm, kinh số 125 trong Đại Tạng Tân Tu. Tăng Nhất A Hàm được xem tương đương với Tăng Nhất Bộ (Ekottaranikaya) trong văn hệ Pali. Bài tựa của kinh Tăng Nhất A Hàm đã mang nhiều sắc thái phát triển của đạo Bụt Đại thừa. So với hai tụng bản đầu, tụng bản mang tên Nhất Nhập Đạo không được nguyên thuần bằng, vì trong kinh đã có những yếu tố mới được thâm nhập. Tuy nhiên bản chất chính của kinh vẫn còn được duy trì không mất mát.