Kinh Úc Già Trưởng Giả

TÓM TẮT Ý KINH

Trong một thời Pháp tại rừng Kỳ Đà, Bụt nói về ba cách sống phạm hạnh của người tu để trả lời ba câu hỏi của trưởng giả Úc Già, một cư sĩ đã từng hộ trì chư Bụt trong nhiều kiếp, hôm đó cũng có mặt trong hội chúng. Vì vậy trong phần đầu, kinh dạy cho giới cư sĩ phương cách sinh sống để xứng đáng là một Bồ tát tại gia. Phần thứ hai, kinh giải thích về phép tu học, hành trì cần thiết của một Bồ tát xuất gia. Trong phần thứ ba, Bụt nói về năm cách sống trong gia đình để những người có căn cơ lớn vẫn có thể tu học được như những người xuất gia. Với rất nhiều chi tiết, trong phần này kinh dạy người Bồ tát tại gia muốn thực tập như người Bồ tát xuất gia thì phải thực tập như thế nào, muốn sống đời sống gia đình mà vẫn có thể tu phạm hạnh được như người xuất gia thì phải làm sao. Thực tế mà nói, nếu không có một tăng thân để cùng tu học thì thực tập theo kinh Úc Già Trưởng Giả không phải là chuyện dễ!

KIẾN GIẢI KINH

Văn bản tiếng Việt của kinh Úc Già Trưởng Giả mà chúng ta dùng để bình giảng là Hội thứ 19 trong kinh Đại Bảo Tích (Mahāratnakūṭa Sūtra) do thầy Trí Tịnh dịch. Khung cảnh trong đó kinh được dựng ra là Tu viện Cấp Cô Độc trong rừng Kỳ Đà. Hôm đó chỉ có 1.250 vị Thanh văn có mặt, trong khi đó lại có tới 5.000 vị Bồ tát tham dự. Trong số những vị lãnh đạo đại chúng Bồ tát, có Bồ tát Di Lặc (Maitreya hay Ajita), Bồ tát Văn Thù (Mañjuśrī), Bồ tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara). Như vậy những vị Bồ tát dù lớn dù nhỏ đều có mặt để yểm trợ Pháp hội này. Ngoài ra còn có hàng trăm ngàn thính chúng tụ hội quanh Đức Thế Tôn để nghe pháp ngày hôm đó. Lúc này cư sĩ Úc Già trưởng giả (Ugradatta) cùng với năm trăm quyến thuộc thân bằng từ thành Xá Vệ kéo đến để vấn an và hỏi đạo Đức Thế Tôn. Trong số này, Úc Già trưởng giả là người thông minh nhất và là phát ngôn viên của họ. Quây quần quanh Bụt hôm đó còn có những vị trưởng giả nổi tiếng khác như Cấp Cô Độc, một vị trưởng giả mà ai cũng biết tiếng. Sau khi thấy đại chúng đã vân tập, Úc Già trưởng giả bèn chắp tay hướng về phía Bụt và hỏi rằng: “Bạch đức Thế Tôn, nếu có người con trai hay con gái nào muốn phát tâm Vô thượng Bồ đề, đã hiểu được Đại thừa, đã tin vào Đại thừa, và đã muốn ngồi lên cỗ xe lớn đó để thực tập giải thoát cho mình và cho các loài chúng sinh, thì họ phải theo đường lối nào để tu học?” Nói một cách khác, câu hỏi đầu tiên của trưởng giả là Giới đức tu hành của hàng Bồ tát tại gia là gì? Giới đức tức là giới luật và pháp môn tu tập. Vì vậy mà kinh này có tính cách rất thực tế, xây dựng mẫu người lý tưởng của Bồ tát tại gia cũng như Bồ tát xuất gia. Kinh rất hay nhưng lâu nay được rất ít người để ý.

PHƯƠNG CÁCH HÀNH TRÌ CỦA BỒ TÁT TẠI GIA

Bụt dạy rất kỹ về phương cách hành trì của một Bồ tát tại gia. Những vấn đề Ngài dạy gồm có:

Vấn đề Quy y

Một vị Bồ tát tại gia trước hết phải thọ phép tam quy, tức là quy y Bụt, quy y Pháp, và quy y Tăng. Ba sự quay về nương tựa này đã được Bụt giảng một cách rất sâu sắc và chi tiết. Quy y Bụt là phải thực tâm muốn thành Bụt, I want to take refuge in you, but I also want to become like you. Con muốn được thành Bụt, có đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm. Quy y như vậy mới xứng đáng. Nếu chỉ nói: Con về nương tựa Bụt và suốt vô lượng kiếp, con chỉ có thể và chỉ muốn nắm áo Bụt thôi thì không bao giờ con có thể được như Ngài. Con chỉ có thể là Thanh văn, con chỉ có thể tối đa là đắc quả A La Hán. Thái độ ấy, hành trì ấy, theo giáo lý Đại thừa, chưa phải thật sự là quy y Bụt.

Quy y Pháp trước hết là phải biết cung kính đối với Pháp, và phải biết cung kính đối với người thuyết pháp. Phải an trú nơi Pháp, phải thực tập Pháp, và phải yểm trợ Pháp. Tuy nhiên như vậy chưa đủ. Phải sử dụng Pháp như một nguồn năng lượng, một sức mạnh, một công cụ, một khí trượng để giải thoát cho mình và cho người, và nguyện rằng khi đã thành Đạo Vô thượng rồi, sẽ đem Chánh Pháp này chia sẻ với tất cả mọi loài. Đó mới thật sự là quy y Pháp. Nếu chỉ cúi mình xuống và nói: Con về nương tựa Pháp và không có một ước nguyện lớn nào thì chưa phải là thật sự quy y Pháp.

Quy y Tăng là phải nương tựa vào đoàn thể tu học của mình, phải cung kính người xuất gia, dù người đó là Thanh văn. Điều này chúng ta phải để ý lắm mới được. Đây là một kinh Đại thừa, nhưng kinh lại nói rằng khi gặp người xuất gia, nghĩa là Thanh văn, thì không được khinh nhờn, phải cung kính hết mức, với điều kiện mình phải có ước nguyện lớn hơn người Thanh văn. Kinh nói rằng dầu cung kính người Thanh văn nhưng không có tâm an trụ nơi con đường Thanh văn mà thực tâm muốn đi xa hơn, thì đó mới gọi là quy y Tăng.

Chúng ta thấy trong câu này đã có một động lực, một ý chí muốn vươn lên. Tuy vậy đối với các Thanh văn, ta phải cung kính hết mức, vì dầu sao họ cũng là đại diện cho Tam Bảo. Đây là điều khác biệt lớn giữa kinh này và kinh Duy Ma Cật. Quy y Tăng tức là nhận thức rằng người Thanh văn cũng đang thực hiện rất nhiều công đức, ta cũng cần tới công đức đó của Thanh văn, nhưng trong thâm tâm thì ta mong cầu một cái gì lớn hơn. Tuy vậy, vì chưa đạt được quả vị Thanh văn, cho nên ta phải thực hiện quả vị đó trước. Đến khi tìm được một vị Bồ tát xuất gia xứng đáng, ta phải quyết lòng nương tựa vào vị Bồ tát này. Sau đó kinh còn nói thêm rằng thân cận các vị xuất gia Thanh văn để có thể ảnh hưởng các vị đó, giúp họ phát tâm Bồ tát và trở nên một vị Bồ tát xuất gia, tức là nên khuyến khích họ đi theo con đường của giáo hội Đại thừa.

Thực tập Quán niệm

Kế đến, Bụt dạy rằng người Bồ tát tại gia phải thực tập phép quán niệm. Trước hết là học về các phép niệm Bụt (Buddhānusmṛti), niệm Pháp (Dharmānusmṛti) và niệm Tăng (Saṅghānusmṛti). Sau khi nói về nguyên tắc quay về nương tựa và thực tập quán niệm Tam Bảo, Bụt giảng về đường lối tu học, gọi là Thượng sĩ hành. Thượng sĩ tức là Bồ tát. Đây là một danh từ dùng trong kinh Úc Già La Việt Vấn Bồ Tát Hạnh. Trong Úc Già Trưởng Giả Hội, không thấy dùng chữ Thượng sĩ hành mà dùng chữ Thiện trượng phu. Trượng phu cũng như Thượng sĩ, là một con người có rất nhiều chí khí, có chí nguyện lớn. Một vị Thiện trượng phu hay một Thượng sĩ thì có quyền thiết lập nhà cửa, đất đai, nhưng luôn luôn tạo dựng tài sản theo đúng pháp luật. Không dùng những phương tiện mua bán không hợp pháp và không thẳng thắn để làm giàu, không đầu cơ, không bức hiếp ai. Phải xây dựng sản nghiệp của mình một cách đúng pháp, phải luôn luôn nhớ tưởng đến vô thường, nghĩ rằng bất cứ một sản nghiệp nào cũng có thể tan vỡ. Không được có ý tưởng bỏn xẻn, phải ưa chuộng việc chia sẻ tài sản, phải biết cung phụng mẹ cha và yểm trợ gia đình mình. Sau đó nên sử dụng tài sản, ít nhất là một phần nào đó, vào công việc bố thí cho chúng sinh. Đây là những lời giáo huấn rất thực tế, không phải là những lý thuyết suông.

Hộ trì Chánh Pháp

Bụt nói rằng người Bồ tát tại gia, ngoài công việc xây dựng cơ sở của mình, phải có thì giờ để gánh vác sự nghiệp Chánh Pháp. Nếu để 100% thì giờ của mình để xây dựng cơ nghiệp cho riêng mình thì đâu phải là Phật tử, đừng nói là Bồ tát tại gia. Nhiệm vụ của mình là phải gánh vác Chánh Pháp, độ cho mọi loài, giáo hóa cho tất cả chúng sinh mà không biết mỏi mệt. Những hiện tượng về lời, lỗ, khen, chê, khổ, vui không làm khuynh động được người Bồ tát tại gia. Mình có thể rất giàu nhưng không bao giờ kiêu mạn và phóng dật. Luôn luôn giữ giới về thân, khẩu và ý. Thấy những người thọ giới rồi mà phá giới thì không nên giận, phải thương những người đó, đến với những người đó để giúp họ học thêm giới, phục hồi giới thân và hành trì giới luật trở lại cho vững chãi. Làm việc gì thì không bỏ bê nửa chừng. Đó là một người biết ơn và biết nhớ ơn, đó là một người không kiêu mạn, cố gắng làm cho nỗi lo buồn của người khác được chuyển hóa. Cung kính và tôn trọng những người học rộng biết nhiều để có thể thừa hưởng được trí tuệ và kiến thức của họ. Học được Chánh Pháp thì không giữ lấy cho riêng mình, mà phải đem chia sẻ cho những người khác. Đối với các đối tượng dục lạc trong thế gian, phải quán chiếu chúng là vô thường. Phải quan niệm rằng sinh mạng của mình là vô thường như một giọt sương, và tài sản của mình như một đám mây. Nếu không cẩn thận thì vợ con và quyến thuộc của mình có thể trở thành một nhà tù của chính mình. Như vậy chúng ta thấy kinh rất chu đáo, cẩn thận, không muốn người Bồ tát tại gia suốt ngày nói lý, mà phải hạ thủ công phu, phải thực tập đàng hoàng.

Vấn đề trì giới

Tiếp theo, Bụt dạy rằng người Bồ tát tại gia phải giữ vững năm giới. Giới thứ nhất là không sát sinh. Người Bồ tát tại gia phải biết hổ thẹn, và phải phát lời thề nguyện là không động tới sinh mạng của bất cứ một loại chúng sinh nào. Vì vậy phải luôn luôn thực tập lòng từ bi. Giới thứ hai là không trộm cướp, bóc lột, không có lòng tham. Giới thứ ba là không tà dâm. Giới thứ tư là không vọng ngữ, và giới thứ năm là không uống rượu.

Thực tập nói pháp

Bụt dạy rằng người Bồ tát tại gia phải học thuyết pháp, tức là phải chia sẻ kiến thức về Phật Pháp của mình với những người trong thôn xóm. Chúng sinh không có lòng tin thì cố làm sao cho người ta có lòng tin. Chúng sinh bất hiếu, không biết ơn cha mẹ, cũng không biết ơn người xuất gia thì phải dạy cho họ có niềm tin để thương kính cha mẹ và tin tưởng ở các bậc xuất gia. Chúng sinh thất học thì phải làm cho họ được học, người lớn cũng như trẻ con.

Mục đích của người Bồ tát tại gia là phải điều phục và giáo hóa chúng sinh. Nếu người Bồ tát tại gia ở trong thôn xóm hoặc thành phố của mình mà không làm công việc điều phục giáo hóa chúng sinh thì sẽ bị chư Bụt quở trách. Tương tự như trong thành phố của mình có một ông thầy thuốc giỏi nhưng không ra tay chữa trị, để cho bệnh nhân chết, ông thầy thuốc đó sẽ bị quở trách. Vị Bồ tát tại gia cũng vậy, để cho chúng sinh trong thôn lạc của mình rên xiết khổ đau, thì vị đó không phải là một vị Bồ tát tại gia.

Môi trường gia đình

Bụt chỉ cho ta thấy gia đình là một môi trường trong đó sự tu tập có thể rất khó. Người học kinh Duy Ma Cật nên đọc đoạn này cho thật kỹ. Khi là người tại gia, mình nên biết rằng gia đình có thể là chỗ có mặt của mọi thứ khổ não. Tất cả những nhánh lớn, nhánh nhỏ của ưu bi khổ não đều có thể phát sinh từ trong gia đình của mình.

Bị ràng buộc trong nếp sống gia đình, những căn lành mình chưa làm sẽ không bao giờ làm được; những căn lành mình đã làm, chúng có thể bị hư thối. Những chuyện tốt mình nói sẽ làm thì không bao giờ thực hiện được, vì mình đâu có thời giờ để làm! Vợ réo, con kêu, chồng hối thì sao mình có thể làm được? Những điều tốt may mắn đã đạt được thì mình không dễ tiếp tục đi theo. Sống trong gia đình, mình phải làm thỏa mãn nhiều nhu yếu của những người trong gia đình. Cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc đòi hỏi rất nhiều sự thương nhớ, đòi hỏi đủ cách và không chừng mực, tức là không bao giờ mình có thể làm thỏa mãn được những sự đòi hỏi của họ. Đòi hỏi về danh, về lợi, về tài, về sắc. Giống như biển cả, nuốt hết cả hàng ngàn con sông mà vẫn chưa thấy đầy nước. Gia đình của mình cũng vậy. Trong bài tựa, thầy Tăng Hội có trích dẫn đoạn này, thầy viết: Thương nhớ, của cải, tham dục không chán như biển cả nuốt chứa trăm sông đầy.

Môi trường gia đình còn có thể xem như một đám lửa cháy, với gió thổi không ngừng, cho nên dập tắt ngọn lửa đó rất khó. Bụt nói rằng những gì trong nếp sống tại gia cũng đều mỏng manh, như là giọt sương, rất dễ tan vỡ. Những câu thề non hẹn biển nghe ra thì keo sơn gắn bó, nhưng thực tình thì chúng giống như những hạt sương. Nếp sống tại gia lại giống như một giọt mật, tuy ngọt, nhưng chỉ ngọt trong chốc lát. Hết mật thì có những giọt khác, nhiều khi là giọt đắng. Nếp sống gia đình có thể như một cái lưới có nhiều gai nhọn, vì trong sự ràng buộc đó có đầy rẫy sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếp sống gia đình đem lại cho mình nhiều sự lo lắng, sợ hãi. Mình rất sợ bị trộm cướp, sợ bị nước lụt, bị lửa cháy, bị quân lính nhà vua bắt, v.v… Tóm lại, đây là đoạn nói về những bất lợi của nếp sống gia đình.

Những tư tưởng này không thấy trong kinh Duy Ma Cật. Vì vậy ta phải đưa ông Duy Ma Cật, các vị Bồ tát tại gia, và nhất là những cư sĩ chỉ ưa lý thuyết suông, trở về chấm chân xuống đất, để đọc kỹ những lời giáo huấn này.

Sáu phép Ba la mật

Tiếp đó Bụt nói về sáu phép Ba la mật (Pāramitā): Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Trí tuệ.

Bố thí tài vật

Đứng về phương diện bố thí tài vật mà nói, những gì mình đã đem chia sẻ cho người khác, những thứ đó mới đích thực là của cải còn lại của mình. Tài sản còn giữ trong nhà, không hẳn là của mình. Khi cho tức là mình đã đầu tư vào sự an ninh và hạnh phúc ngày mai của mình. Những của mà mình đã bố thí sẽ còn mãi đó, và mình không cần phải giữ gìn chúng. Ngược lại, những của mà mình chưa bố thí thì mình phải cất giữ, nhưng không chắc mình giữ được chúng trong đời này, đừng nói đến đời sau! Khi vị Bồ tát thực tập bố thí như vậy thì ba nội kết lớn nhất trong con người của họ, tức là tham, sân và si, sẽ càng ngày càng tiêu mòn đi. Vì khi bố thí chân thật, mình sẽ không bị vướng mắc, không có tâm tham đắm, cho nên nội kết về tham nhỏ đi dần dần. Khi bố thí mình có lòng thương, năng lượng của tình thương sẽ làm giảm đi năng lượng của giận hờn. Trong khi đó tâm từ bi sẽ làm tiêu mòn niềm sân hận của mình. Ngoài ra, khi bố thí để hồi hướng đến đạo giải thoát thì khối si mê của mình càng ngày càng nhỏ lại, và từ từ nó biến mất đi.

Đối với thân bằng quyến thuộc

Bụt còn nói đến thái độ của người Bồ tát tại gia đối với cha mẹ, vợ con, và bạn bè của mình. Bụt dạy rằng cha mẹ của mình đời này có thể không phải là cha mẹ của mình trong những đời khác. Bạn hữu cũng vậy. Bạn hữu lúc vui không phải là bạn hữu lúc buồn. Con cái cũng tương tự. Vì thế đừng vì cha mẹ, vì vợ con, vì thân thuộc mà tạo ra những nghiệp bất thiện, những ác nghiệp cho đời này và cho đời sau, dù cho những ác nghiệp đó nhỏ như là một sợi lông hay một cọng cỏ.

Thực tập Bát quan trai

Bụt dạy rằng người Bồ tát tại gia phải thực tập Bát quan trai giới. Thỉnh thoảng phải tổ chức ngày chánh niệm để vợ con mình có dịp được tu học.

Thân cận người hiền

Người Bồ tát tại gia phải biết thân cận các bậc Sa môn có đức hạnh. Khi có thầy thì mình phải cố tâm thọ trì tịnh giới, có thái độ cung kính đối với thầy, đừng cố soi mói tìm lỗi của thầy để khinh nhờn. Nếu thấy một vị xuất gia vi phạm giới hạnh, mình vẫn phải cung kính. Ngược lại nếu nói tôi chỉ quy y Bụt và quy y Pháp thôi, còn Tăng thì vì phàm tục quá nên tôi không quy y, thì vị Sa môn phạm giới đó sẽ không có cơ hội để trở về con đường tu tập. Thành ra sự cung kính của mình là một duyên lành, một điều kiện để giúp vị Sa môn phạm giới kia trở về cương vị Tăng Bảo của ông ta. Vì vậy người Bồ tát tại gia phải có thái độ trọng Tăng.

Đối với một vị khất sĩ phạm giới, mình phải có lòng thương xót, phải nghĩ rằng sở dĩ người ấy phạm giới là vì có những nội kết quá lớn và chưa có người giúp tháo gỡ. Tình thật họ không cố ý phạm giới. Vì vậy mình nên thương người phạm giới chứ đừng nên công kích. Khi một vị Bồ tát tại gia đi vào tu viện, gặp những người xuất gia thì phải làm lễ trước khi vào. Phải quan niệm rằng đây là nơi thực tập ba cánh cửa giải thoát Không, Vô tướng và Vô tác. Đây là chỗ thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, và nên phát tâm rằng xuất gia là cung cấp cho mình những điều kiện thuận lợi để thực hiện ước vọng Bồ tát. Vì vậy người Bồ tát tại gia phải có ước nguyện được xuất gia. Phải chú ý đến những câu này thì mình mới hiểu được những kinh khác. Tại gia thì có nhiều trần nhiễm, có nhiều sự trói buộc, trong khi đó xuất gia thì có nhiều tự do, nhiều thảnh thơi, và có nhiều cơ hội để thực tập chí nguyện của mình.

Hai nếp sống

Tiếp theo, Bụt so sánh nếp sống của người tại gia và người xuất gia. Một câu mình cần nhớ: Tại gia là còn ở bên này bờ, xuất gia là đã sang bờ bên kia. Khi một vị Bồ tát tại gia đi vào trong cộng đồng xuất gia thì phải quán sát công đức của các vị xuất gia. Người nào học giỏi, người nào thuyết pháp giỏi, người nào nghiêm trì giới luật, người nào có khuynh hướng A La Hán, người nào có khuynh hướng Bồ tát, người nào thiểu dục, người nào tri túc, người nào biết mặc y áo đơn giản, người nào tọa thiền siêng năng, người nào chấp tác siêng năng, mình phải để tâm nhìn và thấy được những điều đó. Đối với người có những hạnh như vậy, mình phải cúi đầu kính ngưỡng. Những người không giỏi điều này hay điều kia, mình không nên có ý nghĩ chê trách. Khi mình nhận thấy sự có mặt của một người xuất gia mà có tâm niệm Bồ tát thì phải cố gắng gần gũi người đó và tu học theo sáu phép Ba la mật với người đó. Nếu có những vị xuất gia chưa thấy được vị trí của mình, ở đây có nghĩa là chưa quyết định được nên tiếp tục con đường của Thanh văn hay nên theo những thầy có tư tưởng Đại thừa, thì mình phải xen vào, giúp đỡ họ, và phải khuyên vị xuất gia đó phát tâm Bồ đề vô thượng. Nói rõ ra là mình phải giúp người đó phát khởi tư tưởng Đại thừa.

Khi thấy các vị xuất gia cạnh tranh nhau, thưa kiện nhau, không hòa hợp với nhau, thì phải đem cả thân mạng mình ra để hòa giải cho các vị đó, chứ không thể lánh xa, quay lưng lại với họ. Các vị Bồ tát tại gia khi thấy các vị xuất gia bị bệnh thì phải hết sức chăm sóc cho những người đó được lành bệnh.

Sau khi Bụt nói xong, Úc Già trưởng giả và các trưởng giả khác lạy Bụt và một số xin được xuất gia. Bụt bèn dạy Bồ tát Di Lặc làm lễ thế phát cho họ. Theo kinh thì có chín ngàn vị trưởng giả xin thọ giới xuất gia ngày hôm đó, và cả ngàn vị trưởng giả khác, tuy không xuất gia nhưng phát được tâm Vô thượng Bồ đề, tức là có khuynh hướng theo đạo Bụt Đại thừa.

NẾP SỐNG CỦA MỘT BỒ TÁT XUẤT GIA

Sau đó Úc Già trưởng giả thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã nói về công đức và những khó khăn của các Bồ tát tại gia, bây giờ xin Ngài nói về phương thức tu học của các vị Bồ tát xuất gia.”

Như vậy trong số những vị xin xuất gia không có cư sĩ Úc Già. Ông có cảm tưởng mình không cần phải xuất gia và nghĩ rằng khi tiếp tục nếp sống tại gia, mình cũng có hy vọng làm được như những người xuất gia.

Trước hết, Bụt dạy rằng mục đích của việc xuất gia là thực hiện trí tuệ, lấy trí tuệ làm sự nghiệp chính của mình.

Chúng ta có câu Duy tuệ thị nghiệp trong kinh Bát Đại Nhân Giác, có nghĩa là lấy trí tuệ, lấy sự giác ngộ làm sự nghiệp của đời mình. Bụt nói sự nghiệp trí tuệ đó, người xuất gia không được chần chờ mà phải thực hiện ngay. Ví như có người đội khăn ở đầu mà khăn bốc cháy thì ta phải dập tắt ngọn lửa ngay. Đó là thái độ người xuất gia cần có đối với sự nghiệp tu hành của mình.

Tại Việt Nam xưa kia chỉ có phụ nữ mới thường đội khăn, còn đàn ông chỉ đội khăn đóng khi có lễ lạc. Ngược lại ở Ấn Độ hầu như ai cũng đội khăn, nhất là đàn ông. Không hiểu vì sao mà thỉnh thoảng khăn đội đầu của họ bị bốc cháy, và tóc họ cũng bị cháy theo! Nếu không chữa gấp thì tính mạng sẽ bị nguy hại. Bụt đã dùng hình ảnh này để nhấn mạnh mức độ khẩn cấp của việc thực hiện trí tuệ trong cuộc đời tu hành của người xuất gia. Dập tắt lửa trên đầu chữ Hán gọi là cứu đầu nhiên. Nguyên câu là: Đại chúng đương cần tinh tấn như cứu đầu nhiên, nghĩa là đại chúng một lòng tinh tấn (tu học) như đang dập tắt ngọn lửa trên đầu của mình.

Sống bình dị

Bụt dạy rất cẩn thận về cách sinh hoạt hàng ngày của Bồ tát xuất gia. Đặc điểm của kinh này là ở chỗ rất thực tế. Trước hết, Bụt dạy về bốn vấn đề: cơm ăn (ẩm thực), áo mặc (y phục), thuốc men (y dược), và chỗ ở (ngọa cụ).

Người Bồ tát xuất gia phải có một nếp sống bình dị, đừng để ý đến bốn nhu yếu đó quá mức. Danh từ Bụt dùng là tri túc. Tri túc tức là biết đủ, mình chỉ cần đủ chứ không cần đẹp, cần sang. Nếu hơi thiếu thì không buồn, không luyến tiếc, không tham đắm. Người xuất gia phải biết rằng nếu mình dư dật quá về bốn phương diện đó thì có hại cho cuộc đời tu học của mình. Bụt đi vào từng vấn đề:

1.     Ẩm thực

Đứng về phương diện ẩm thực, Bụt khuyên người Bồ tát xuất gia đừng bỏ hạnh khất thực. Khất thực có thể giúp mình tiếp xúc với quần chúng, giúp mình thực tập được đạo giải thoát, giúp mình nuôi dưỡng được tính khiêm nhường và tinh thần trách nhiệm của người xuất gia. Đi tu mà có sẵn một trương mục trong ngân hàng, không cần đến ai hết, thì lúc đó mình không tu được. Thời nay có nhiều người thiết kế sự đi tu của họ như vậy, họ làm cho có một số tiền, cho vào trương mục rồi rút ra từ từ để tu! Tu theo kiểu đó thì không bao giờ thành.

Trong khi khất thực, lúc đứng trước một nhà nghèo hay một nhà giàu để đợi cúng dường thức ăn, mình biết rằng sự tu học của mình có dính líu đến người đó, và người cho mình cơm, cà ri hay khoai lang, mình có ý thức rằng người kia đang chia sẻ phần cơm của họ cho mình. Vì vậy khi ăn cơm đó mình có ý thức trách nhiệm rằng, nếu thí chủ này không được quy y Bụt, Pháp, Tăng, không được an lạc, không được thanh tịnh, thì tội nghiệp cho họ quá, và mình không làm tròn bổn phận của người xuất gia. Vì vậy khi muốn ăn với một tâm yên ổn, không băn khoăn thì mình phải làm thế nào để cho người đàn việt này được lợi lạc nhờ sự tu học của chính mình.

Kinh nói rằng: Có ai bố thí cho tôi ăn thì tôi phải làm sao để khiến cho họ được an trú nơi ba pháp quy y, lúc đó tôi mới ăn cơm một cách thanh thản được. Với những người không cúng dường cho tôi, có thể là vì thành kiến, hay vì bỏn xẻn, thì tôi cũng phải phát sinh lòng đại bi đối với họ. Nếu tôi giận họ, tôi cho họ là người không biết gì hết về Tam Bảo và tôi khinh ghét họ thì tôi cũng không có cơ hội để phát triển lòng từ bi và sự hiểu biết ở trong tôi.

Khi nhận một bát cơm hay một củ khoai, của một người nghèo hay của một người giàu, tự nhiên ta nhiếp phục được tâm ngã mạn của mình. Trái lại, nếu ta không nhờ họ, và vì họ cung kính ta quá đáng, thì ta sẽ có ý tưởng là họ cần mình và mình không cần họ, lòng ngã mạn của ta sẽ tăng lên rất mau.

Trong thực tế, ta thấy rất rõ điều đó. Nếu người Phật tử tại gia cung kính người xuất gia quá đáng, thì vị xuất gia sẽ bị hư hỏng. Trong các phép khất thực do Bụt dạy, có một phép gọi là thứ đệ khất thực, nghĩa là đến đứng khất thực trước nhà này rồi mới đến nhà kia, không được bỏ sót nhà nào. Nếu nghĩ rằng nhà này cho ăn không ngon, ta có thể bỏ qua hay chỉ ngừng một phút chứ không đứng đợi năm ba phút như thường lệ, như vậy là sẽ có tội vì không theo phép thứ đệ khất thực.

Trong nếp sống hiện tại của người xuất gia, chúng ta nên suy ngẫm về chuyện này. Nếu chúng ta dựa quá nhiều vào người đàn việt thì sẽ có hại, vì họ sẽ không cho chúng ta cơ hội để có thể đổi mới đường lối tu học, nhất là khi họ là những người quá bảo thủ. Người cư sĩ khi cúng dường, có thể có những đòi hỏi rất kỳ lạ, nếu chúng ta không thỏa mãn được những đòi hỏi của họ thì có thể họ không cúng dường nữa, và nếu ta quá lệ thuộc vào họ thì ta sẽ hỏng đời tu. Ví dụ khi cúng dường, họ chỉ muốn chúng ta cầu an, cầu siêu, đưa đám, và làm những công việc chiếm hết thì giờ tu học, không cho ta an cư nhập hạ. Như vậy làm sao ta tiến tu được? Ngược lại nếu không áp dụng lời Bụt dạy, thì cũng hỏng. Vì vậy chúng ta phải tìm một con đường trung đạo, tức là vẫn dựa trên người cư sĩ, nhưng phải dựa như thế nào để đừng mất chủ quyền của tăng đoàn xuất gia. Đó là một đề tài pháp đàm rất quan trọng cho tăng thân xuất gia.

2.     Y phục

Trong kinh này khi nói về vấn đề y phục, Bụt dùng danh từ hoại sắc. Những sắc áo mà người xuất gia mặc phải là màu hoại sắc, không lòe loẹt, không láng lẩy. Khi ta khoác áo xuất gia và chiếc áo đó mang màu hoại sắc, nó sẽ tạo nên sự mến chuộng và cung kính cho loài trời, loài người, và loài A tu la. Vì vậy mà áo hoại sắc có vẻ đẹp riêng, giá trị riêng của nó.

3.          Thuốc men

Luật tạng (Vinaya Piṭaka) có ghi lời Bụt dạy về những phương cách chữa trị khi bị bệnh. Các thầy chỉ được dùng những thứ y dược thông thường, gần với thiên nhiên như các thứ cây cỏ (dược thảo), nước tiểu hay phân bò. Trừ khi đau thật nặng mới được sử dụng các loại dầu, bơ, đường hay sữa.

Qua những lời giáo huấn đó, chúng ta thấy chủ ý của Bụt là tạo một nếp sống đơn giản, gần với thiên nhiên và bớt lệ thuộc vào vật chất cho tăng đoàn, hầu giúp cho đời sống tu học của người xuất gia dễ dàng tăng tiến. Ngày nay, lẽ tất nhiên chúng ta có thể cải biến những điều này cho hợp với cuộc sống của xã hội mới.

4.          Chỗ ở

Kế đến Bụt nói rằng người Bồ tát xuất gia không nên bỏ chỗ trực tĩnh của mình. Chỗ trực tĩnh là tu viện, trong đó có điều kiện của sự thanh tịnh, của sự vắng lặng, là chốn A lan nhã. Bụt nhấn mạnh đến điều này, vì một người xuất gia, dầu là xuất gia trong truyền thống Bồ tát cũng phải cư trú ở chỗ vắng lặng, thanh tịnh.

Chính ở một nơi thanh tịnh như vậy ta mới có thể tập luyện được đạo lý vô ngã, tự tại và không bị ái nhiễm.

Nếu ở trong xóm làng, trong thành phố, ta sẽ khó để thực tập vô ngã, tự tại và không ái nhiễm. Chính nhờ khung cảnh thanh tịnh và an lạc ta mới có thể thực tập được chánh niệm một cách dễ dàng, vì nơi đó không có nhiều chướng ngại. Kinh nói rằng khi cư trú và tu học ở những nơi trực tĩnh, sẽ có nhiều lợi ích, cho nên vị Bồ tát xuất gia trọn đời chẳng xa lìa chỗ trực tĩnh của mình.

Nếu phải đi về thành phố mới được nghe pháp, hoặc nếu cần đi thăm Hòa thượng tức là thầy bổn sư của mình, hay phải đi thăm một người thân, hoặc là một bậc thầy bị bệnh và bắt buộc phải đi vào thành phố, người Bồ tát xuất gia nên nghĩ rằng vì duyên sự mà tôi phải đến những nơi này, nhưng tối nay tôi sẽ trở về chỗ trực tĩnh của tôi. Tuy vậy, Bụt cũng dạy rằng không phải cứ ở chỗ vắng vẻ mới thực sự là một vị Sa môn. Đôi khi ở nơi vắng vẻ, nhưng trong tâm không thực sự vắng vẻ, tức là thay vì sống một mình thì ta lại sống hai mình! Tuy ở chỗ khỉ ho cò gáy, không có xã hội đông đúc, nhưng ta vẫn mang trong tâm sự có mặt của người thứ hai. Người thứ hai này không hẳn phải là một người, mà có thể là một dự án, một mong cầu. Trong kinh Bụt gọi đó là trường hợp người sống hai mình. Xin đại chúng đọc kinh Người Biết Sống Một Mình để thấy rõ hơn về giáo lý này.

Tám sự hành trì chân chính sáu phép Ba la mật

Ở chỗ vắng vẻ mà ta không điều phục được tâm mình, thì ta sẽ không vững chắc, không trực tĩnh. Do đó ở nơi trực tĩnh, ta phải thực tập nhiếp niệm, phải thực tập con đường tám sự hành trì chân chính, gọi là Bát chánh đạo (Āryāṣṭāṅgika-mārga). Trong khi thực tập như vậy, mỗi giây phút của đời sống hàm chứa cả sáu phép Ba la mật. Sáu phép Ba la mật được thực hiện cùng một lúc trong mỗi giây phút của đời sống. Không phải thực tập bố thí xong rồi tôi mới thực tập trì giới, vì trì giới cũng là một sự bố thí. Nếu ta sống vững chãi theo giới luật tức là ta đã bố thí cho người bằng nếp sống Chánh Pháp của mình. Người ta thấy ta không tà dâm, không uống rượu, không nói dối, nên họ được hưởng cái phong thái, cái nếp sống giải thoát đó, tức là người ta được hưởng bố thí. Vì vậy sáu phép Ba la mật phải được thực tập cùng một lượt. Ở đây Bụt còn dạy rằng vị Bồ tát xuất gia phải thực tập ba cánh cửa giải thoát là Không (Śūnyatā), Vô tướng (Animitta), và Vô nguyện (Apraṇihita). Không tiếng Anh là Emptiness, Vô tướng là Sightlessness và Vô nguyện là Aimlessness.

Tứ y

Bụt cũng dạy về phương pháp thực tập Tứ y. Tứ y là bốn sự nương tựa, bốn nguyên tắc căn cứ.

Thứ nhất là Y pháp bất y nhân, tức là nên căn cứ vào pháp mà không căn cứ vào người. Đôi khi có một người có nhiều kiến thức về giáo pháp. Nhờ một may mắn nào đó họ đã được học, được nghe và được hiểu. Nhưng người đó chưa có khả năng thực tập, vì vậy nếp sống của người đó chưa phản ảnh được giáo pháp mà người đó nói. Trong trường hợp đó nếu ta bảo rằng vì ông ta sống bê bối như vậy nên không dạy mình được, thì ta mất đi một cơ hội học hỏi giáo pháp từ ông ta. Tuy bê bối nhưng có thể những giáo pháp ông biết rất quý, do đó ta phải chịu đựng con người của ông mà gạn lọc lấy phần tinh ba, những hiểu biết, những giáo lý mà ông đã học được. Có thể mai kia nhờ hạt giống giáo lý đó mà ông bừng tỉnh, ông thực tập. Hiện giờ thì ông chưa thực tập, ông học để nói cho vui, ông huênh hoang để chứng tỏ ông giỏi giáo lý vậy thôi. Đối với những người như vậy ta phải cẩn thận, đừng gạt họ qua một bên, và nói rằng ông này chỉ là giáo pháp lý thuyết nhưng chưa có giáo pháp thực tập. Nói khác đi, y pháp bất y nhân là ta hãy nhìn vào pháp mà đừng quá chấp vào người nói pháp.

Ví dụ nếu ta biết trong thùng rác hôi và dơ kia có lẫn một viên kim cương, thì ta phải chịu khó bươi xới để lấy cho được viên kim cương đó, chứ không vì hôi dơ mà đem đổ nó đi. Đôi khi người đó là một người rất khó chịu, ngồi với họ chừng mười lăm phút là ta đã có thể nổi cáu, muốn đá họ một cái. Tuy vậy nếu người ấy có một dữ kiện nào đó về giáo lý, thì ta phải chịu khó ngồi nghe.

Về tiêu chuẩn Y pháp bất y nhân này chúng ta phải cẩn thận. Ông thầy mà không thực hành những điều mình dạy thì học trò khó có niềm tin. Khi làm thầy ta phải dạy bằng thân giáo, tức là dạy bằng cách sống hàng ngày của chính mình. Tuy nhiên nếu chúng ta đòi hỏi phải có thân giáo toàn hảo thì có lẽ khó tìm ra thầy lắm. Đôi khi ta không nên vì ông thầy làm sai mà mất niềm tin nơi Bụt. Thứ hai là Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, tức là hãy căn cứ vào những kinh liễu nghĩa mà đừng căn cứ vào những kinh không liễu nghĩa. Liễu nghĩa kinh là kinh diễn bày chân lý tuyệt đối. Bất liễu nghĩa kinh là những kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối. Vì căn cơ, có người cần chân lý tương đối mới tu được, đưa ra chân lý tuyệt đối thì họ không theo nổi. Mình phải nắm cho được, hiểu cho rõ các danh từ liễu nghĩa và không liễu nghĩa.

Trong ba tạng Kinh, có những kinh không liễu nghĩa. Khi thấy những kinh không liễu nghĩa, mình đừng lên án rằng kinh này không phù hợp với chân tinh thần đạo Bụt. Không nên nói, không nên nghĩ như vậy, vì có thể những kinh đó đã được nói ra để dẫn dắt những người mới bước chân vào đạo. Tuy kinh chưa phơi bày nghĩa lý thâm áo của Bụt, nhưng nó đã có tác dụng đưa người ra khỏi vũng bùn hiện tại. Mình chỉ cần nói đây cũng là kinh Bụt, nhưng là một kinh chưa liễu nghĩa, thì tức khắc trong lòng mình được hoan hỷ. Đó là thái độ rất rộng rãi của người Phật tử. Khi thấy hai kinh nói khác nhau thì mình phải chọn kinh liễu nghĩa.

Ý niệm về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa đi đôi với ý niệm hai sự thật gọi là nhị đế: sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Sự thật tương đối cũng là sự thật, nhưng nó không phải là sự thật sâu sắc nhất, nó là sự thật nửa vời, nhưng nó rất quan trọng. Sự thật tuyệt đối là sự thật tương đương với liễu nghĩa, danh từ Phật học là chân đế (Paramārthasatya), còn tục đế (Saṃvṛtisatya) là sự thật tương đối, cũng là một thứ sự thật.

Ví dụ trong một căn nhà, người ta thường muốn thờ Phật ở tầng trên, ngủ ở tầng dưới, vì nếu thờ phượng ở tầng dưới, đi đứng nằm ngồi ở tầng trên thì có cảm giác mang tội. Đó là một sự thật mà nhiều người tin theo, nhưng đó là một sự thật tục đế. Mình tin rằng mình ở dưới và thờ Bụt ở tầng trên, nhưng khi trái đất quay ngược lại, thì mình ở trên mà nơi thờ phượng lại ở bên dưới. Thành ra ý niệm về trên và dưới là một ý niệm tương đối. Đứng về phương diện sự thật tuyệt đối mà nói thì không có trên mà cũng chẳng có dưới. Tuy vậy tục đế cũng rất quan trọng và đôi lúc mình không thể bỏ qua.

Hôm đó, có hai thầy trò từ một thiền viện, đi xe lửa từ Sài Gòn ra Nha Trang. Theo truyền thống của thiền viện, thầy phải nằm giường ngủ ở trên, vì không lý một thượng tọa lại nằm ở dưới để cho chú tiểu leo lên trên cao nằm? Họ đã tính như vậy và chú tiểu rất vui vì khỏi phải leo. Riêng thầy thì hơi ngán vì già lụm khụm mà phải leo cao, lỡ tàu chạy lắc lư, thầy rớt xuống thì nguy quá! Đó là trường hợp hai thầy trò theo tục đế mà hành xử. Sau này nếu có dịp đi xe lửa, tôi sẽ nói với thị giả rằng: “Thôi con leo lên trên kia ngủ giùm thầy đi”. Đối với tôi thì việc trên dưới là thuộc về vấn đề sự thật tương đối. Nếu cả hai cùng hiểu được điều đó thì trò nằm giường trên không có mặc cảm và thầy nằm giường dưới cũng thấy an nhiên. Tuy vậy, nếu trong toa xe đó có nhiều Phật tử và họ chưa nắm được chân lý không trên không dưới, thì thầy trò tôi vẫn phải làm theo tục đế, nếu không thì sẽ bị thế gian đàm tiếu.

Tục đế có khi được gọi bằng danh từ thế gian tất đàn. Chân đế còn gọi là đệ nhất nghĩa tất đàn. Tất đàn tiếng Phạn là Siddhi. Tất đàn có bốn loại mà mình sẽ học trong khóa học Phật Pháp căn bản.

Thứ ba là Y nghĩa bất y ngữ, tức là căn cứ vào nghĩa lý, đừng bị kẹt vào ngôn từ. Một người học trò giỏi phải thấy được nghĩa lý núp đằng sau các chữ và vượt qua khỏi ngôn từ. Nếu bị kẹt vào chữ nhiều quá, mình sẽ biến thành nô lệ. Mình phải thông minh. Điều này rất quan trọng. Chữ nghĩa và ý niệm là ảnh tượng của sự thật, không là tự thân của sự thật, không là bản chất của sự thật. Ví dụ khi trời nắng, ra sân nhìn xuống đất chúng ta thấy bóng cây Bồ đề hiện rõ. Thấy bóng cây Bồ đề, ta biết có một cây Bồ đề cạnh đó. Chỉ cần ngẩng mặt lên là thấy được tự thân cây Bồ đề. Như vậy cây Bồ đề có hai thân, một là ảnh tượng của nó do mặt trời chiếu xuống mặt đất, hai là tự thân cây Bồ đề, và mình phải nhìn lên mới thấy được. Cũng như chiếc máy bay đang bay qua, nếu không nhìn lên trời thì mình chỉ thấy bóng một chiếc máy bay đang bay dưới đất. Nếu tưởng đó là một chiếc máy bay thật, đang bay dưới đất thì đúng là mình không thông minh chút nào! Nếu thông minh, mình biết trên trời đang có một chiếc máy bay, chỉ cần ngẩng lên là mình được trực tiếp đối diện với thật tướng của chiếc máy bay đó.

Cũng vậy, mọi vật thể đều có hai phần, một là ảnh tượng, hai là bản chất. Chân lý cũng vậy, chân lý ảnh tượng làm bằng ngôn ngữ và ý niệm, chân lý bản chất phải trực tiếp trải nghiệm mới thấy được. Bụt và các vị Bồ tát, những người đã đạt ngộ thì họ chứng nghiệm chân lý bản chất. Khi các Ngài diễn bày bằng ngôn ngữ, bằng ý niệm, thì điều mà chúng ta tiếp nhận được chỉ là chân lý ảnh tượng. Nếu cố chấp thì mình chỉ tiếp nhận được ảnh tượng mà thôi. Nếu thông minh, mình sẽ theo nguyên tắc y nghĩa bất y ngữ và mình cũng có thể đạt tới chân lý bản chất.

Một hôm có hai thầy đứng ngoài sân chơi. Một thầy thấy con chim bay qua đẹp quá, bèn nói: “Này thầy nhìn xem, con chim đẹp quá!” Thầy kia đang bận sửa lại gọng kiếng, khi nhìn lên thì không thấy con chim đâu cả, bèn hỏi: “Thầy nói chim đẹp mà tôi có thấy gì đâu?” Thầy nọ nói: “Thật mà, vừa có một con chim rất đẹp bay qua.” Thầy kia nhất định không tin, dù thầy nọ có giải thích gì đi nữa thì cũng không làm sao thỏa mãn được thầy kia. Tất cả những điều đó đều là ngôn ngữ, đều là ảnh tượng. Do đó không phải tiếp xúc được với người giác ngộ là mình tiếp nhận được bản chất của giác ngộ. Mình phải mẫn tiệp lắm, phải có cơ hội lắm mới có thể tiếp nhận được. Dù mình có ở với người đó năm mười năm đi nữa, nhưng nếu mình không có cơ hội, không có cái mẫn tiệp, thì cũng như không.

Thứ tư là Y trí bất y thức, tức là nương vào trí tuệ mà đừng nương vào kiến thức, biết đem cái trí của mình để tiếp xúc với sự thật. Thức này là nhận thức hoặc là đối tượng của nhận thức. Nhận thức của chúng ta thường bị che lấp bởi tham dục, bởi sân hận, bởi si mê, cho nên đem nhận thức ra để chứng nghiệm chân lý thì ta làm méo mó chân lý. Vì vậy ta phải tìm cách tiếp xúc với chân lý bằng trí tuệ chứ đừng dùng kiến thức của mình để chứng nghiệm. Trí tiếng Phạn là Prajñā, thức là Vijñāna. Trí tức là trực tiếp, không qua trung gian của suy luận và khái niệm, và không bị ngăn cách bởi tham lam, giận dữ, si mê, kiêu mạn.

Phải biết sợ

Bụt dạy rằng những vị Bồ tát xuất gia, vì sợ mà tìm tới những chỗ thanh vắng. Tức là các vị Bồ tát xuất gia cũng bắt đầu như một người thường, một người với tất cả những yếu đuối, những khuyết điểm của mình, vì vậy phải biết sợ. Biết sợ cuộc sống ở thành phố, biết sợ chỗ đông đảo náo nhiệt, nhiều phiền não. Vì biết mình còn yếu, dễ bị kéo theo những thói hư tật xấu của đám đông, cho nên mình tìm tới một chỗ tĩnh lặng, trong đó không có những thói hư tật xấu.

Trong chốn ồn ào náo nhiệt, mình dễ thân cận với những người nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, nhiều phiền não, nhiều độc tố, những kẻ xấu ác, những băng đảng, những người lừa đảo, gạt gẫm, bạo động, những chương trình truyền hình, những phim ảnh chứa đựng bạo động, khiêu dâm. Vị Bồ tát phải biết sợ những thứ đó để đừng tưới tẩm và gieo trồng thêm vào tâm thức những hạt giống chứa đầy độc tố. Xa lánh những ác tri thức để thân cận những thiện tri thức, để dùng thì giờ của mình một cách thông minh vào sự tu tập, đừng đánh mất thì giờ vào những chuyện không đâu, phí lãng cuộc đời của mình.

Phải biết không sợ

Kế đến Bụt nói rằng: “Sau khi Bồ tát xuất gia đã học biết sợ, Bồ tát xuất gia còn phải học biết không sợ.”

Bồ tát xuất gia nếu thực tập quán chiếu về vô ngã, không còn chấp ngã thì sẽ đạt được khả năng vô úy, tức là không còn sợ hãi nữa. Nếu mình phá được ngã chấp thì tất cả những vướng mắc, những vọng tưởng, những tham đắm của mình đều tiêu tán, không còn gì để cho mình phải sợ hãi nữa. Nếu những người ở chỗ thanh tịnh và không có ngã tưởng, tức là không có tri giác về ngã, thì người đó mới thực là người đang ở chỗ trực tĩnh. Đối với những người như vậy, phiền não không làm cho họ náo loạn, ý niệm về phiền não cũng không lay động được họ.

Bụt dạy rằng ý niệm về Niết bàn còn không làm cho mình lay động được, huống hồ ý niệm về phiền não. Nếu sợ phiền não mà chỉ chú tâm muốn đạt cho được Niết bàn, thì mình cũng đang bị một điều làm lung lạc, đó là cái ý niệm muốn vào Niết bàn cho sớm kẻo mệt quá!

Con đường của vị Bồ tát xuất gia là con đường của giới, định, và tuệ. Bồ tát phải theo trình tự giới, định, tuệ mà tu học. Vị Bồ tát xuất gia phải để ý để biết tâm tư của thầy mình. Thầy mình có một ước muốn, có một trông chờ nào ở mình, mình phải thấy cho được cái tâm đó của thầy, mà cố gắng làm theo. Nếu mình làm được điều mà thầy trông chờ ở mình, là mình biểu lộ tâm kính tiến của mình đối với thầy một cách sâu sắc nhất.

Tâm tu học

Vị Bồ tát xuất gia phải có tâm tu học. Bất kỳ người nào có thể dạy mình, dù chỉ một điều rất nhỏ trên con đường tu học, mình cũng phải cung kính tiếp nhận. Ví dụ đó chỉ là một bài kệ bốn câu, trong đó chứa đựng quá trình tu học giới, định, tuệ thì mình cũng phải cung kính như cung kính thầy mình vậy.

Trì giới

Tiếp theo Bụt dạy về giới. Bụt nói rằng giới, định, tuệ là con đường tu học của Bồ tát xuất gia. Giới, định, tuệ phải được thực tập trên cả ba phương diện thân, khẩu và ý. Đây là một đoạn kinh rất quan trọng, vì chúng ta biết trước đó giáo hội chỉ có giới của người Thanh văn và của người tại gia mà thôi. Nghĩa là chỉ mới có mười giới của người tập sự làm khất sĩ, 250 giới của người khất sĩ hay 380 giới của người nữ khất sĩ và năm giới của người tại gia. Đến khi tư tưởng Đại thừa phát khởi, người ta muốn có một nếp sống Đại thừa độc lập, vượt lên trên thái độ cố chấp của người Tiểu thừa, nên người ta phải tinh luyện ra giới luật của Đại thừa. Đây là giai đoạn mà giới luật Đại thừa được hình thành. Nhưng phải đợi đến nhiều trăm năm sau chúng ta mới thấy giới luật của Đại thừa thành hình rõ rệt trong kinh Phạm Võng. Kinh Phạm Võng có hai văn bản, một là kinh Phạm Võng của Phật giáo Nguyên thủy, và một là kinh Phạm Võng của Đại thừa. Giới Đại thừa nằm trong kinh Phạm Võng Đại thừa.

Trong kinh Phạm Võng của Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta được nghe nói đến sáu mươi hai kiến chấp của ngoại đạo. Trong kinh Phạm Võng của Phật giáo Đại thừa chúng ta thấy có giới Bồ tát. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ tư thì giới Bồ tát mới có cơ sở vững vàng trong các tu viện tại Trung Hoa. Trước khi có giới luật thì phải có quan niệm cơ bản về giới luật, tức là giới luật được căn cứ vào những nguyên tắc nào. Ta có thể nói rằng quan niệm về giới ở trong Đại thừa đã trưởng thành từ từ. Nói đến giới Đại thừa tức là nói đến giới Bồ tát của cả người xuất gia lẫn tại gia. Những tư tưởng và những hạt giống của giới Đại thừa đã có sẵn trong kinh Hoa Nghiêm, thuộc kinh Đại thừa đợt một, xuất hiện trước kinh Phạm Võng.

Theo quan niệm của Đại thừa, thọ giới có hai giai đoạn: biệt thọ, và tổng thọ, và giới gồm có ba nhóm: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện Pháp giới, và Nhiêu ích hữu tình giới. Biệt thọ là tiếp nhận giới để bảo vệ cho riêng cá nhân mình. Đối với người xuất gia lúc biệt thọ trước hết mình phải tiếp nhận:

Nhiếp luật nghi giới. Nhiếp luật nghi có mười giới của người tập sự (tức Sa di và Sa di ni), 250 giới cho khất sĩ nam, và 348 giới cho khất sĩ nữ. Đó là những giới có mục đích giữ mình trong vòng luật nghi.

Nhiếp có nghĩa là thâu tóm lại, tiếp nhận vào trong người của mình, đưa vào trong vòng ảnh hưởng của mình, mình trở nên một với cái đó, nó có ảnh hưởng trên mình và mình có ảnh hưởng trên nó. Nhiếp là một chữ rất đặc biệt trong Phật giáo. Sau này khi học đến kinh Thắng Man (Śrīmālā Sūtra) ta sẽ thấy danh từ Nhiếp thọ Chánh Pháp, tức là đồng nhất mình với Chánh Pháp, đem Chánh Pháp vào mình để mình và Chánh Pháp là một, Chánh Pháp có ảnh hưởng trên mình và mình có bổn phận với Chánh Pháp. Tiếng Anh mình tạm dịch là Embracing. Mục đích của những giới này là ngăn ngừa, không cho mình đi lầm đường, gây tội lỗi, gây khổ đau cho mình và cho người, đồng thời bảo vệ cho sự tự do của mình. Hễ phạm giới là mất tự do. Người ta thường nghĩ rằng giữ giới là mất tự do, nhưng kỳ thực khi không giữ giới mình mới mất tự do.

Ví dụ khi uống rượu say thì mình đâu còn tự do nữa? Mình bị rượu sai khiến, lung lạc, mình đâu còn chủ quyền? Khi chạy theo tà dâm cũng vậy, mình đâu còn là con người tự do? Mình chạy như một con vụ, nó kêu đâu mình chạy đó. Cờ bạc cũng tương tự. Vì vậy mà giới giúp bảo đảm tự do của người trì giới.

Nhiếp thiện Pháp giới là những giới thâu nhiếp các điều lành. Nhiếp luật nghi là không làm những điều xấu. Nhiếp thiện pháp là làm những điều tốt. Như vậy hành trì Nhiếp luật nghi giới thì không gây đau khổ, mà hành trì Nhiếp thiện Pháp giới thì tạo được hạnh phúc. Một bên đứng về phương diện tiêu cực, một bên đứng về phương diện tích cực.

Đối với Đại thừa thì giữ giới không phải chỉ thực tập về một phương diện là đủ. Đại thừa đưa ra một quan niệm rất mới về giới: Nếu giữ những giới điều để đừng gây đau khổ thì rất đúng, đó là điều cần làm, nhưng vẫn chưa đủ. Phải làm những điều tốt, tức là phải hành trì Nhiếp thiện Pháp giới thì mới được.

Ví dụ khi không sát sinh, mình chỉ giữ được Nhiếp luật nghi giới. Nếu khi có thể cứu được người mà mình không cứu thì mình phạm Nhiếp thiện Pháp giới. Một vị tì kheo có thể nói rằng tôi không giết cho nên tôi không phạm giới, tuy nhiên đối với một vị Bồ tát thì nếu có cơ hội cứu người mà mình không cứu tức là mình phạm giới. Chia ra như vậy là để cho các vị Thanh văn thấy rõ hơn, kỳ thực các vị Thanh văn cũng đã thực tập Nhiếp thiện Pháp giới trong cuộc sống. Ở đây các Tổ chỉ muốn nhấn mạnh hơn mà thôi.

Nhiêu ích hữu tình giới, tức là đem những điều lợi lạc lại cho tất cả các loài hữu tình. Hữu tình là những loài có cảm thọ và tri giác. Người xưa nghĩ rằng họ biết những loài nào có cảm thọ, loài nào không. Ngày nay ta thấy rằng có nhiều loài mà các nhà khoa học không biết chắc là có hay không có tri giác. Làm sao mình biết cây cỏ, sỏi đá không biết đau? (“Làm sao em biết bia đá không đau?” – Trịnh Công Sơn).

Tóm lại, giữ giới Bồ tát là chẳng những không làm những điều ác, mà còn phải làm những điều lành, và trong tâm luôn luôn có ý nguyện thực hiện những điều có an lạc, có hạnh phúc cho tất cả các loài hữu tình.

Tất cả những giới điều của Bồ tát đều được căn cứ trên ba nhóm giới đó, gọi là Tam tụ tịnh giới. Tịnh giới chỉ có nghĩa là giới, vì trong bản chất, giới đã là thanh tịnh. Tam tụ tức là ba trung tâm, ba nhóm giới: nhóm Nhiếp luật nghi, nhóm Nhiếp thiện pháp, và nhóm Nhiêu ích hữu tình.

Khởi đầu, lúc mới xuất gia mình biệt thọ, tức là chỉ thọ nhóm giới thứ nhất, và thọ trước mặt đại chúng, có hội đồng truyền giới đàng hoàng. Sau đó mình phải tổng thọ tức là phải thọ thêm hai nhóm giới còn lại. Như vậy tổng thọ là thọ cả ba nhóm giới, còn biệt thọ là chỉ thọ nhóm giới đầu. Khi thọ giới, ta luôn luôn phải bắt đầu từ nhóm thứ nhất, tức nhóm Nhiếp luật nghi giới. Điều này có nghĩa là thời đó việc thọ giới Bồ tát xuất gia chưa phải là một phép thực tập phổ thông.

Tổng thọ là trường hợp rất hiếm có. Trên thực tế, trong số mười hay mười lăm tu viện mới có một tu viện trong đó mình được thọ nhóm giới thứ hai và thứ ba. Vì vậy kinh cho ta thấy rằng biệt thọ là căn bản của các vị tì kheo và tì kheo ni ngày xưa cũng như ngày nay.

Tổng thọ có hai loại: Tùng tha đắc là từ người khác mà mình có được giới thể. Khi gặp những người có giới thể Đại thừa, mình đến quỳ và xin nhận giới đó từ họ. Nếu chấp thuận, họ sẽ là hội đồng truyền giới cho mình. Trong trường hợp mình ở những nơi không có các thầy đang thực tập Đại thừa, mình có thể Tự thệ đắc, tức là mình đối diện với Tam Bảo, và phát nguyện thọ trì nhóm giới thứ hai và thứ ba: Con đã được tiếp nhận Nhiếp luật nghi, giờ đây xin Bụt, Pháp, Tăng cho con tiếp nhận Nhiếp thiện pháp và Nhiêu ích hữu tình giới. Như vậy là mình cũng đã thọ giới thể.

Ngày xưa thường là vậy. Vì không phải ở đâu cũng có đủ điều kiện để truyền giới. Điều quan trọng là ở tâm của mình. Vì vậy mà ta có danh từ Tâm giới. Bồ tát thì căn cứ vào tâm nhiều hơn là vào ngoại cảnh.

Cũng trong tinh thần giới thể Đại thừa, tuy Bồ tát giới chưa hình thành rõ ràng nhưng đường lối và tinh thần đã rõ ràng, đó gọi là tinh thần Khai. Trong kinh Ưu Ba Ly Hội, tức là Hội thứ 24 của kinh Đại Bảo Tích, chúng ta thấy danh từ Khai giới xuất hiện. Theo chỗ tôi thấy thì kinh Ưu Ba Ly tuy có vẻ cùng thời với kinh Úc Già Trưởng Giả, nhưng có thể xuất hiện không lâu sau kinh Úc Già.

Trong kinh điển chúng ta có các danh từ Khai, Giá, Trì, Phạm. Khai là mở ra, có nghĩa là cho phép làm chứ không cấm. Tức là có những trường hợp mình có thể làm mà không phạm giới, ví dụ mình uống rượu hay mình nói dối. Tại sao vậy? Tại vì có những trường hợp trong đó nếu mình không nói dối, mình sẽ gây đau khổ. Ví dụ có một người trốn dưới gầm giường mình, và một người khác đi tìm để giết. Nếu cố giữ giới và mình nói: Có, nó ngồi ở dưới gầm giường của tôi, thì tuy là mình nói sự thật, nhưng sự thật đó gây đau khổ, mình làm mất mạng người khác! Trong trường hợp đó mình phải có đủ thông minh để thực tập Khai, tức là mình được quyền nói dối. Vì vậy Bồ tát đôi lúc có thể nói dối được, còn Thanh văn thì không có quyền nói dối vì họ chưa đạt đủ hiểu biết. Đứng về phương diện lý luận mà xét thì gần như Thanh văn theo hình thức chủ nghĩa, còn Bồ tát theo nội dung chủ nghĩa. Nhưng tôi tin rằng trong giới Thanh văn cũng có rất nhiều người thông minh, khi thực tập chánh niệm họ cũng biết lúc nào cần nói ngược lại mà vẫn không có cảm tưởng mình phạm giới. Như vậy hạt giống Đại thừa cũng đã có trong những người Thanh văn. Vì vậy mình đừng coi thường Thanh văn và nghĩ rằng họ chỉ theo hình thức chủ nghĩa.

Giá (Preventive, Prohibitive) tức là ngăn ngừa, không cho mình rơi vào chỗ lầm lỗi, gây đau khổ cho người và cho mình. Theo tinh thần Đại thừa thì giới Tiểu thừa chỉ có khả năng Giá thôi. Đại thừa đôi khi đi xa hơn và nói rằng một người nữ có thể dùng nhan sắc của mình, dẫn dụ những chàng trai hiếu sắc, để đưa họ từ từ vào con đường tu học, nghĩa là dùng phương tiện quyền xảo, và như vậy sử dụng mỹ nhân kế cũng có thể được gọi là không phạm giới.

SỐNG TẠI GIA, HÀNH TRÌ GIỚI XUẤT GIA

Sau khi hỏi về nếp sống của những vị Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia, Úc Già trưởng giả bèn hỏi câu thứ ba: “Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào để những người Bồ tát tại gia như chúng con học và hành được giới xuất gia?”

Bụt dạy: “Này trưởng giả, nếu vị Bồ tát tại gia làm được năm điều sau đây thì tuy rằng đang sống tại gia nhưng vẫn tu học được như những người xuất gia.”

Nhất thiết trí

Thứ nhất, Bồ tát tại gia không tiếc bất cứ một tài vật sở hữu nào và tương ưng với tâm nhất thiết trí, chẳng mong cầu quả báo. Tương ưng với tâm nhất thiết trí tức là tâm mình chỉ có một xu hướng duy nhất là đạt tới nhất thiết trí. Sống tại gia nhưng mình không lo chuyện làm giàu, mình buông bỏ tất cả những tài vật và nhất tâm hồi hướng tới nhất thiết trí, mà mình không mong cầu những quả báo hữu lậu. Hữu lậu có nghĩa là những phiền não, những lầm lỗi của chúng sinh.

Phạm hạnh thanh tịnh

Thứ hai, Bồ tát tại gia thực tập phạm hạnh thanh tịnh, ý tưởng dâm dục còn không có, huống là có sự dâm dục.

Thiền tập độ người

Thứ ba, Bồ tát tại gia biết thực tập thiền quán (Vipaśyanā) ở những nơi vắng vẻ và dùng những phương tiện của mình để độ người mà không đi vào Niết bàn một mình.

Từ bi với mọi loài

Thứ tư, Bồ tát tại gia phải tinh tấn thực tập trí tuệ Ba la mật, và đem lòng từ bi đối xử với tất cả các loài để hóa độ cho mọi chúng sinh.

Hộ trì Chánh Pháp

Thứ năm, Bồ tát tại gia giữ gìn Chánh Pháp, luôn luôn tìm cách giáo hóa và khuyên bảo mọi người.

KẾT THÚC

Sau khi Bụt dạy xong, Úc Già trưởng giả liền đứng dậy đảnh lễ và thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, con xin tiếp tục sống đời sống tại gia và sẽ cố gắng thực hiện cho được năm điều Bụt vừa dạy.”

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn mỉm cười. Thầy A Nan biết có chuyện gì vui, nên đứng dậy đảnh lễ và hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, hôm nay có việc gì vui mà Thế Tôn mỉm cười?” Bụt trả lời: “Ta cười vì ta biết rằng vị trưởng giả Úc Già này trong quá khứ đã cúng dường, hộ trì Chánh Pháp rất lâu đời. Mỗi khi có một đức Phật xuất hiện trong thế gian, ông đều thực tập làm người tại gia, cúng dường và cung kính hộ trì Chánh Pháp. Tuy là người tại gia, nhưng ông đã hóa độ rất nhiều chúng sinh. Công trình hóa độ của ông lớn đến độ có những vị Bồ tát xuất gia đã tu hàng trăm kiếp cũng chưa sánh bằng. Vì vậy ta nói rằng công đức của trăm ngàn Bồ tát xuất gia cũng chẳng so sánh bằng công đức của vị trưởng giả này.”

Chúng ta thấy rõ ràng ở đây là những tư tưởng, những hạt giống, những chồi non đưa tới tư tưởng Duy Ma Cật. Do đó ta có thể nói rằng tư tưởng Úc Già trưởng giả là thai nhi của tư tưởng Duy Ma Cật, và là viên gạch lót đường cho kinh Duy Ma Cật sau này.