Tham luận – Diễn đàn Phật Giáo thế giới 2006

Tham luận của Phái Đoàn Tăng Thân Làng Mai đọc tại Diễn Đàn Phật Giáo Thế Giới
Hàng Châu ngày 13 tháng 4 năm 2006

 

Vào dịp ăn mừng 2000 năm đạo Bụt tới Trung Quốc, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc với sự hợp tác của chính quyền đã tổ chức Diễn Đàn Phật Giáo Quốc Tế Thứ Nhất tại Thượng Hải và Hàng Châu, mời những nhân vật Phật giáo quốc tế đến tham dự từ ngày 13.04.2006 đến ngày 16.04.2006. Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Pháp cho biết tại Pháp có hai nhân vật được mời, đó là Thầy Matthieu Ricard và Thiền sư Nhất Hạnh. Thiền sư Nhất Hạnh đã đề cử bốn vị đệ tử xuất gia thay thầy đi phó hội, đó là các thầy Pháp Ấn, Pháp Khí, các sư cô Giác Nghiêm và Tùng Nghiêm. Sau đây là bài phát biểu của phái đoàn Đạo tràng Mai Thôn do Thầy Pháp Ấn trưởng phái đoàn tuyên đọc tại Diễn Đàn.

Kính bạch chư Tôn Đức
Kính thưa Đại Chúng,

Chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu thầy chúng tôi, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Tăng Đoàn Làng Mai nơi đây, trong buổi gặp gỡ lịch sử hôm nay. Chúng tôi xin gửi đến ban tổ chức lòng biết ơn của chúng tôi về cơ hội quý báu này, để có thể trình bày về những cố gắng của chúng tôi trong việc đưa đạo Bụt đến nhân dân nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là đến nhiều cộng đồng Tây phương trong suốt 30 năm qua. Một tập tài liệu chi tiết về việc làm nói trên đã được chuyển đến ban tổ chức diễn đàn, cũng như được lưu trữ trên trang nhà plumvillage.org và plumvillage.hk, dưới dạng Anh ngữ và Hoa ngữ.

Trong thế kỷ và thiên niên kỷ mới này, chúng tôi tin rằng đạo Bụt có một cơ hội rất lớn để phát triển và được cải tiến, hầu đáp ứng những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực bao gồm kỹ thuật và y khoa, cũng như những biến đổi sâu rộng đang diễn ra khắp thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Trong vòng một trăm đến hai trăm năm qua, đạo Bụt đã đi vào xã hội Tây phương phần lớn như những khái niệm và ý tưởng. Nhưng ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng đạo Bụt đã bắt đầu cắm rễ sâu hơn trong đời sống hằng ngày, nghiêng về thực hành nhiều hơn là lý thuyết.

Như một tăng thân cùng thực tập trong suốt 30 năm qua, bằng mọi nỗ lực, chúng tôi đã ứng dụng đạo Bụt vào nếp sống tân tiến trong mỗi ngày. Chúng tôi liên tục phát triển, học hỏi và khám phá lại những phương pháp thực tập khác nhau, những phương pháp có thể được truyền đạt hiệu quả và được con người trong kỷ nguyên mới này dễ dàng chấp nhận. Chúng tôi đã góp phần sáng lập và phát triển mô thức “Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Đời” trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các khóa tu cho những nhà bảo vệ sinh môi, những nghệ sĩ, những thanh thiếu niên, những nhà tranh đấu cho hòa bình, những cuộc đối thoại tôn giáo, những nhà tâm lý trị liệu, những cựu chiến binh, những doanh nhân, những tù nhân, những nhân viên tư pháp như trong giới cảnh sát, kiểm soát trại giam, luật gia, những giáo chức, những dân biểu quốc hội Mỹ và nhiều khóa tu cho những cặp vợ chồng, những bậc cha mẹ, những gia đình.

Chúng tôi đã chứng kiến nhiều điều mầu nhiệm xảy ra trong mỗi khóa tu và tại trung tâm thực tập của chúng tôi. Nhiều người đã có thể hòa giải và trở về sống chung hòa hợp với người thương của họ sau bao nhiêu năm khổ đau bởi trách móc, hiểu lầm và chia rẽ. Các nhóm thù nghịch như giữa người Do Thái và người Palestine đã có thể ôm ấp được niềm đau của đối phương, đồng lòng cùng nhau xây dựng hòa bình, thông cảm. Các doanh nhân và dân biểu có thể thực tập thiền hành ngay trong đời sống bận rộn và căng thẳng của mình. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua sau 39 năm lưu vong của thầy chúng tôi, bằng tấm lòng chân thật và sự thân tình của tăng đoàn, chúng tôi có thể giúp xóa đi nhiều lo lắng và nghi kỵ trong giới chính quyền Việt Nam. Qua đó họ đã nhận ra rằng chúng tôi là bạn. Trong mọi tình huống, chúng tôi luôn thực tập lắng nghe và dùng ái ngữ để truyền thông. Điều này căn cứ trên giới thứ tư của năm giới Bụt dạy, được thầy chúng tôi diễn đạt như sau:

“Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể”.

Cách diễn đạt mới mẻ này của các giới được xem như một thí dụ về những cố gắng của chúng tôi nhằm mục đích hiện đại hóa lời dạy của Bụt, hầu thích nghi với thế giới hiện nay. Trong nhiều dịp, thầy chúng tôi luôn nhấn mạnh tính quan trọng trong sự thực hành Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm như một con đường giúp vượt khỏi nhiều hoàn cảnh khó khăn đang diễn ra trên thế giới hiện nay như chiến tranh, bạo động và nghèo đói, để chúng ta còn có một tương lai.

Pháp ấn của pháp môn Làng Mai có thể được diễn đạt bằng một câu kệ rất đơn giản: “đã về, đã tới”, lời dạy của Bụt và những vị tổ sư thiền của chúng tôi được diễn tả trong Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta Sutta, Majjhima Nikaya 131). Câu kệ trên đi đôi với hơi thở vào, hơi thở ra trong lúc thiền ngồi, thiền đi, thiền buông thư hay trong những sinh hoạt hằng ngày, những cử động cơ thể. Sự thực tập dựa trên những phương pháp được dạy trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati Sutta, Majjhima Nikaya 118) và Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Satipatthana sutta, Majjhima Nikaya 10). Những điều dạy trong các kinh này được khám phá rộng hơn, được diễn giải qua ánh sáng trí tuệ trong truyền thống Đại Thừa và được ứng dụng vào đời sống hằng ngày, căn cứ trên tinh thần của dòng thiền chúng tôi.

Chúng tôi nhận ra rằng một cộng đồng xuất gia tạo nên nơi nương tựa vững vàng và chắc chắn nhất cho mọi người trong tứ chúng. Chúng tôi đã giúp cải tiến nhiều phương pháp thực tập trước đây chỉ dành riêng cho giới xuất gia và giới thiệu chúng đến giới cư sĩ. Xây dựng tăng thân là một trong những việc cần thiết nhất trong thiên niên kỷ mới như một chiến lược để vượt thoát xu hướng phân hóa trong lối sống tân kỳ. Chúng tôi biết rằng điều này là một thử thách khó khăn, nhưng cũng chính là một cố gắng cao quý. Thầy chúng tôi gợi ý rằng vị Bụt tương lai, Bụt Di Lặc, có thể biểu hiện dưới dạng một tăng thân, một đoàn thể tu học, thay vì một cá nhân. Trên tinh thần đó, cộng đồng xuất gia sẽ mang nhiều trách nhiệm hơn trong xã hội tân tiến. Nhu cầu đổi mới qua sự thực tập ngay trong đời sống hiện đại thật cấp bách. Chúng tôi đã giới thiệu đến đoàn thể xuất gia Giới Bản Tân Tu Ba La Đề Mộc Xoa nhằm hướng đến những điều thực tập ngày nay như khi sử dụng xe hơi, máy vi tính, truyền hình, trò chơi điện tử và lên mạng.

Tóm lại, trong 30 năm qua, chúng tôi luôn cố gắng làm mới và hiến tặng giáo lý của Bụt cùng sự thực tập đến mọi tầng lớp xã hội, từ cá nhân đến gia đình và những lĩnh vực khác rộng lớn hơn. Hôm nay, chúng tôi thật hạnh phúc được chia sẻ những cố gắng đã thành công của mình đến nhiều người anh em nơi đây thuộc những truyền thống khác. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ soi sáng cho chúng tôi bằng những kinh nghiệm và tuệ giác của các bạn, hầu giúp chúng tôi làm tốt hơn. Nếu các bạn nghĩ rằng những phương pháp của chúng tôi mang lại nhiều lợi lạc, chúng tôi xin vui mừng chào đón mọi người với sáng kiến và ứng dụng chúng vào nhiều lĩnh vực mới lạ khác.

Xin chân thành cảm tạ sự quan tâm của các bạn.