Tiếng gọi

(Sư Cô Chân Hiền Hạnh)

“Châu báu chất đầy thế giới
Tôi đem tặng bạn sáng nay
Một vốc kim cương sáng chói
Long lanh suốt cả đêm ngày”
(Châu ngọc Pháp Hoa, thơ Sư Ông Làng Mai)

Ô cửa từ từ mở ra, cái lạnh se se đưa lòng về thực tại. Sáng nay nhìn mưa bay qua vòm trời xa tít có chút gì đó thổn thức tâm hồn. Mưa đẹp quá và thi vị biết bao. Cảm xúc lòng khơi dậy và thôi thúc mình ghi lên vài con chữ. Mưa giăng lối đưa tôi về nhiều kỷ niệm. Mưa là tôi, là nắng, và là cả thiên hà.

Ngày ấy, sau một chuyến đi chơi xa. Về nhà, tôi cảm nhận ấm áp và thênh thang biết bao. Đúng là nhà, như người Tây phương thường diễn đạt: Home sweet home! (nói một cách dân dã là không đâu bằng nhà mình!). Nâng chén trà bên hiên nhà sáng ấy, mình tận hưởng không khí mát dịu như tiết trời thu xứ Pháp. Một cảm giác thân quen vui vui trở về. Ồ đây là nhà ở quê mà, mình bay bổng tưởng tượng chút xíu cho vui. Mỉm cười với mình và tận hưởng phút giây mình với trà.

Chung trà đã cạn, mình đứng dậy nhìn ra xa, ôi nước… Thấy biết như vậy, vì quê mình mùa ni làm bạn với thiên tai. Hững hờ với tiết trời bên ngoài. Mưa tạo duyên cho mình ở trong nhà để khám phá, để học hỏi. Tại vì mỗi khi trời nắng đẹp, mình thích thú ra vườn, dòm cây nọ, ngó cây kia, trồng cây nớ,… Xa xa nghe tiếng điện thoại reo. À chị X… “Nước lụt sao rồi em?”. Mình chụp cái hình gửi cho chị và gửi vào vũ trụ sự vô lo của mình. Rồi lại tiếp tục vài thứ còn đang dang dở.

 

Xế chiều thì nước ùa lên sân nhà. Khi đó mình hơi lo lắng chút xíu. Có vài thứ cần kê lên, một mình thì làm sao? Nếu bị ngập hư thì lấy gì xài. Ngóng ra đường thì thấy cậu bạn đang chèo ghe đi chơi. Mình í ới nhờ cậu ta trợ giúp. Hai đứa kê đồ lên cao hơn chút rồi tủm tỉm cười. Cậu ta là đứa bạn một thời thả diều, chơi ô quan với mình. Nay có gia đình ở xa, mỗi tuần đều ghé về chăm mẹ già. Hơn hai mươi năm gặp lại, đứa nào cũng vui vui và tự thấu hiểu nỗi gian khó của quê hương.

Quê mình, bà con mỗi lần gọi nhau làm gì thì làng trên xóm dưới đều nghe. Mình xa quê cũng lâu và bây giờ ở nhà trong hình tướng sư cô nên sự tiếp xúc với xóm giềng cũng khác. Mà khi cần thì tình làng nghĩa xóm vẫn gần gũi chân chất.

Cậu bạn ra về, mình tiếp tục nhìn sự ngổn ngang. Kiếm chút gì ăn đã, rồi tiếp tục dọn nhà, kê đồ. Ôi nước tràn vào nhà rồi, lên nhanh thiệt. Mình ngồi nhìn dòng nước và kỷ niệm lúc bảy, tám tuổi trở về…

Đêm đó nước lên ngang cửa sổ, nội lội nước ngang bụng đi lượm vài thứ bềnh bồng trôi. Nội vừa lội vừa run lẩy bẩy. Mạ thì đặt cái lò trấu trên bàn tôn để nấu cơm. Cô bé ấy chắc đang vọc nước và bị la mà cứ tinh nghịch vô tư… Ký ức về mạ và nội nguyên vẹn như đang có mặt đó với mình. Nước càng lên cao, mình cứ thản nhiên. Lúc đó có vài cuộc gọi video từ phương xa. Mọi người thấy nước rồi xót xa… Mình cũng nói chuyện vui vui như mọi lần. Chuyện gì phải tới thì sẽ tới thôi, cái nhìn kiên định có mặt như vậy.

Loay hoay tới khuya, giờ nằm ở đâu chút xíu đây! Chỉ còn cái bàn gỗ là cao và chắc, leo lên đó nằm. Ngủ yên hơn một tiếng thì vài chú muỗi vo ve. Với tay nhìn đồng hồ, gần ba giờ sáng. Vậy là mình ngồi dậy đi nấu nước. Hì, mất điện rồi! Mình tìm nến và thắp lên đầy nhà. Nước và nến lung linh. Lúc ấy mình cảm giác như đang ở một ốc đảo. Mình đang ngồi trên một phiến đá chênh vênh ngắm nhìn biển trời lênh láng dưới ánh sao đêm dày đặc. Tĩnh mịch, đẹp vô cùng! Mình tìm cái gì đó kê làm bàn trà để an yên hơn. Nhìn qua bên cạnh thấy cái hộc tợ (bàn nhỏ).

Đứng dậy định khiêng thì thấy chú rắn nằm trong góc giường nhìn lên. Ôi rắn, phản xạ tức thời… con vật mình sợ nhất. Dù đang đi trên đường thấy nó chết mình cũng bỏ chạy. Bây giờ nó nằm đó làm gì đây!? Phút chốc đi qua, mình bình tĩnh lại. Mình nhìn nó và thấy nó cũng đang sợ bị nước cuốn trôi. Nhưng nếu lỡ đụng, nó cắn thì sao? Nhớ trong kinh có đoạn Bụt mời chú rắn đi chỗ khác để quý thầy nghỉ ngơi. Mình cũng bắt chước Bụt thì thầm to nhỏ với chú rắn. Nó uốn éo rồi cuộn tròn thân hình một cách khéo léo và nằm êm ấm hơn. Chú ta có vẻ không nghe mình nói gì cả. Chẳng lẽ làm bạn với chú rắn này ư?

Mình không tới gần mà cũng không xua đuổi. Mình tìm một góc khác ngồi uống trà.

Nhìn đằng kia là một đàn kiến đang bám vào cái chổi. Góc nọ mấy con châu chấu đang lờ đờ, bị nước dập dìm.Và chú rắn đây nữa. “Giờ phút linh thiêng gió lặng chim ngừng”! Mình ta với ta. Văng vẳng lời dạy của Thầy đi lên trong tim: “… Con là con ếch bơi trong hồ thu mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái, con là con sâu con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm con kiến con sâu …” Lòng thật bình yên, con thẩm thấu tuệ giác của Thầy “mình là một với muôn loài”. Cảm nhận hơi thở thật nhẹ và sâu. Thầy và mạ đang có trong con.

Thở vào, thấy hình hài mạ cho vẫn an lành khỏe mạnh.

Thở ra, thấy pháp thân tuệ mạng này, Thầy đã và đang dưỡng nuôi.

Thầy và mạ cùng hiện khởi trong tim con. Thầy và mạ là một, ấm áp ngọt ngào:

“Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
là bóng mát trên cao
là mắt sáng trăng sao
là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.”
Bông hồng cài áo
(Lời: Sư Ông Làng Mai; Nhạc: Phạm Thế Mỹ)

Đèn nến vẫn lung linh, chung trà dần cạn. Mình thấu hiểu trùng trùng nhân duyên đã đang nâng đỡ từng bước chân đi. Chắp tay nguyện cầu gửi vào đất Mẹ hoa thơm trái ngọt nhất đến với mọi người. Tình Thầy, tình mẹ, nghĩa bạn bè luôn trọn vẹn và mãi tinh anh.

Giáng sinh năm nay tiết trời khá lạnh. Mình vẫn thắp nến thưởng trà và gói ghém niềm biết ơn vào trang vở. Thiếu quà, thiếu bánh gửi đến người thương mà lòng bình an là vậy. Bởi trong con và người con thương đang có Thầy. Đồng hành, thấu hiểu và cảm thông. Mình có trong nhau tự thuở nào.