Thắp sáng hiện hữu
Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh. Bản ghi âm cuộc phỏng vấn đã bị thất lạc một thời gian và gần đây đã tìm lại được. Quý vị có thể nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh trên Plum Village Podcast “The Way Out is In” số 41, phát thanh vào ngày 21 tháng 3 năm 2023.
Jo Confino: Thưa Thầy, trước tình hình biến đổi khí hậu và môi trường thiên nhiên bị tàn phá như hiện nay, nhiều người vẫn có vẻ thờ ơ và chưa muốn hành động gì cả. Thầy nghĩ gì về điều này?
Thầy: Thực ra, họ không hành động không chỉ đối với vấn đề biến đổi khí hậu mà còn đối với nhiều vấn đề khác. Họ có nhiều vấn đề cá nhân như liên hệ với chính tự thân, với người khác và với gia đình, nhưng họ đâu làm gì để cải thiện những mối liên hệ này.
Nếu chúng ta đòi hỏi họ phải làm gì cho môi trường thì có thể hơi quá, trong khi họ chưa làm gì cho những vấn đề cấp thiết của chính họ. Họ sợ phải đối diện với khổ đau, với các vấn đề của chính mình. Mà nếu vậy thì làm sao họ đủ sức để nghĩ tới nỗi khổ của đất Mẹ hay của môi trường? Vậy nên nhiều người có thái độ thờ ơ. Họ sợ. Họ không muốn nhìn thấy sự thật.
Jo Confino: Một khi họ thấy được sự thật thì chuyện gì sẽ xảy ra thưa Thầy?
Thầy: Khi họ nhìn ra sự thật thì có thể đã quá trễ để hành động. Đúng vậy, có thể là quá muộn màng. Những người như anh muốn thức tỉnh họ, nhưng có thể họ không muốn thức tỉnh vì sẽ phải đối diện với khổ đau. Vì vậy họ sẽ tiếp tục đắm chìm trong giấc mơ. Họ không đủ mạnh để đối diện với sự thật. Điều đó không có nghĩa là những người này không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Họ chỉ không muốn nghĩ đến nó. Họ cố tình bận rộn để quên đi. Đâu phải vì họ thích làm những gì họ đang làm nên mới bận rộn, họ cần bận rộn để khỏi phải nghĩ tới thực tại.
Jo Confino: Thầy có nghĩ mọi người chờ đến khi có một thảm hoạ thực sự xảy ra thì mới thức tỉnh hay không? Hay lúc đó có khi họ còn trốn chạy nhiều hơn? Thầy nghĩ điều gì có thể giúp tạo ra sự thay đổi?
Thầy: Nếu anh chỉ cho họ thấy sự thật, thí dụ cho họ xem một cuốn phim, hay cái gì đó làm bằng chứng để thuyết phục họ là tình hình đang rất cấp bách, họ sẽ bỏ ra một ít thời gian để xem. Nhưng sau đó, họ sẽ trở lại y như cũ, bởi vì họ không muốn nghĩ đến nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không đủ thông minh để biết chuyện gì đang xảy ra.
Tôi nghĩ cũng có một vài cách để thức tỉnh họ, như chỉ cho họ thấy có một thực tại khác. Cho họ thấy một người vui vẻ, hạnh phúc, biết sống thảnh thơi. Người đó không cần có nhiều tiền hay quyền lực mới hạnh phúc. Ta có thể giúp họ trải nghiệm một chút những hạnh phúc như vậy. Nếu họ nếm được hạnh phúc của sự thư giãn và bình an thì may ra họ sẽ thay đổi. Họ sẽ thấy theo đuổi tiền bạc, quyền hành là không đáng. Ta nên đem họ tới một nơi có nhiều hạnh phúc, cho họ gặp những người có hạnh phúc thật sự. Đó là cơ hội cho họ, bởi vì họ nghĩ rằng không có con đường nào khác ngoài con đường họ đang đi. Phải chỉ cho họ thấy những người hạnh phúc như vậy để họ được thức tỉnh.
Jo Confino: Thầy cũng có nói về đức vô úy, về cái dũng. Điều gì có thể giúp người ta có đủ dũng khí để đứng ra làm một điều gì đó cho dù có thể bị đe dọa đến sự an thân của mình?
Thầy: Một người có dũng khí để đứng lên khi người đó có đủ từ bi. Từ bi là một năng lượng rất hùng tráng. Không có từ bi, ta không thể làm gì được. Có lòng từ bi, người ta có thể chết vì người khác, như người mẹ có thể chết vì con của mình. Từ bi chỉ có mặt khi ta thấu hiểu được khổ đau. Từ bi được sinh ra từ tuệ giác. Tuệ giác đó có được khi ta đi qua khổ đau và hạnh phúc. Ta sẽ có đủ cái dũng để làm, để nói mà không sợ bị mất một cái gì cả. Ta không sợ mất danh vọng hay địa vị, bởi ta biết đó không phải là nền tảng của hạnh phúc. Nền tảng của hạnh phúc chính là hiểu và thương. Cho nên nếu ta có tuệ giác đó, và ta sống với tuệ giác đó thì không có gì để sợ nữa. Nhưng nếu ta còn sợ mất danh vọng, địa vị, nhà cửa, … ta sẽ không có can đảm để hành động. Nếu ta đã từng có hạnh phúc, như hiểu và thương, ta biết rằng hạnh phúc không đến từ những điều kiện bên ngoài. Ta biết hạnh phúc đến từ cái thấy nội tâm. Ta biết cách tạo nên hạnh phúc và biết nhận diện những điều kiện thật sự của hạnh phúc mà ta đang có. Và ta không còn sợ hãi nữa.
Jo Confino: Thưa Thầy, đâu là cách truyền thông hay nhất để có thể thật sự tạo nên sự thay đổi trong quảng đại quần chúng mà không phải chỉ trong một vài người?
Thầy: Là một nhà báo, anh có thể viết một quyển sách về nghệ thuật tiêu thụ, bởi vì hàng ngày người ta dùng tiền để mua rất nhiều thứ. Anh có thể sử dụng một loại ngôn ngữ giúp người ta thức tỉnh để thấy những cái người ta mua không thể làm cho họ thực sự hạnh phúc.
Rất nhiều người mua sắm để che lấp khổ đau. Điều đó không giúp gì được cho họ, bởi vì khi đêm đến, những thứ trong lòng trồi lên làm cho họ khổ sở và tự giam mình trong địa ngục do chính họ tạo ra. Cho nên ta cần chỉ cho họ cách tiêu thụ và tiêu thụ cái gì, để họ có thể được chữa lành và có thêm bình an, thương yêu.
Khi thiền hành, chúng ta tiêu thụ thời gian. Trong bối cảnh của nền văn minh hiện đại, đi như vậy là phí thời giờ. Bạn chẳng làm gì cả, không nói, không suy nghĩ, chỉ đi thôi. Đó là một sự phí phạm thời gian. Thời gian là tiền bạc. Nhưng đối với chúng ta, đó là một sự tiêu thụ có ích, bởi vì chúng ta cho phép thân và tâm được nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, với những yếu tố tươi mát và trị liệu trong mỗi bước chân. Đó là một sự tiêu thụ có ích lợi. Sau nửa giờ thiền hành như vậy, ta cảm thấy tươi mới và khỏe khoắn. Điều đó không cần phải có nhiều tiền mới làm được. Không cần tốn kém gì cả. Chúng ta không phản đối chuyện tiêu thụ như vậy.
Cho nên ta cần chia sẻ cho họ cách đi từ bãi đậu xe đến nơi làm việc. Đi như thế nào để mỗi bước chân có thể phục hồi sự bình an, niềm vui và tình yêu cuộc sống trong họ. Giúp cho họ làm thế nào để dừng suy nghĩ.
Jo Confino: Rất nhiều người mất sự kết nối giữa cuộc sống của họ và những điều ảnh hưởng đến cuộc sống ấy. Thí dụ như khi mua một cái gì đó, họ không biết nó đến từ đâu, cũng không biết ai đã sản xuất nó và những người sản xuất đó sống ra sao. Họ thật sự bị cách biệt với thế giới xung quanh. Và họ không thấy được rằng bất cứ điều gì họ làm cũng có ảnh hưởng đến thế giới. Thầy có nghĩ rằng người ta sống mà bị mất kết nối như vậy là một vấn đề hay không?
Thầy: Chính vì thực trạng đó cho nên trong quyển sách “Nghệ thuật tiêu thụ”, ta có thể chỉ cho họ cách ăn: nghệ thuật ăn. Thay vì suy nghĩ và nói nhiều trong khi ăn, người ta tập dừng lại để ăn cho đàng hoàng. Nhìn vào thức ăn, tiếp xúc với miếng cà rốt, với phân bón, với nước, với mưa, với nắng. Tiếp xúc với đất Mẹ. Ăn như thế nào để có thể tiếp xúc được với sự sống, với gốc rễ của mình. Đó là thiền tập. Và thiền tập rất dễ chịu. Người ta vốn đã có một thói quen ăn uống cho nên ta phải chỉ cho họ một cách ăn khác để họ có thể thấy được làm thế nào một miếng cà rốt có mặt trong bữa ăn của họ. Trước khi bắt đầu ăn, ta đọc Năm lời quán nguyện. Nhưng sự quán chiếu phải kéo dài trong suốt bữa ăn chứ không phải chỉ lúc bắt đầu mà thôi. Khi dừng lại mọi suy tư, ta nhai mỗi miếng thức ăn trong ý thức đó, tiếp xúc với thức ăn và phát khởi lòng biết ơn. Chừng nào còn biết ơn, chừng đó ta còn hạnh phúc.
Sáng nay lúc tôi lạy xuống, tôi không lạy như một cá nhân. Tôi thấy cả hai dòng tổ tiên tâm linh và huyết thống. Tôi thấy tôi là một với tăng thân tứ chúng. Và tôi lạy xuống như một tăng thân đông đảo mà không phải là một cá nhân. Tôi không thấy mình là cái ngã riêng biệt mà là cả dòng họ tổ tiên.
Khi tôi lạy xuống trước Bụt, tôi không thấy Bụt là một cái ngã riêng biệt mà là sự tiếp nối của cả một dòng tâm linh bất tận. Cho nên ta có thể thấy được gốc rễ của Bụt trong nhiều thế hệ. Trong khi lạy xuống như vậy, ta có được tuệ giác vô ngã. Người ngồi trước mặt của bạn chính là một vị đại sứ. Người ấy có mặt không như một cá nhân. Người ấy đại diện cho cả dòng họ tổ tiên, cho đất nước, dân tộc của mình. Cho nên bạn cần tập nhìn người thương, bạn bè của mình như những vị đại sứ của cả dòng họ tổ tiên. Và bạn xá xuống trước họ: “Xin chào ngài đại sứ”. Nhìn được như vậy bạn sẽ có thể liên hệ với người đó với lòng kính trọng và nể phục, bởi vì trong họ có những tài năng và đức hạnh của rất nhiều thế hệ. Bạn không nói với người ấy như một cá nhân. Bạn nói chuyện với người ấy với lòng kính trọng bởi vì trong người ấy cũng có một vị Bụt. Đó là cách để nhìn mọi người.
Một cây thông được làm bởi rất nhiều thế hệ, có cả trăng, sao trong đó. Cho nên bạn xá xuống trước một cây thông. Đó là một hành động văn minh, một lối sống đẹp. Nếu bạn học theo lối sống đó, bạn không cần ai nhắc nhở trong việc chăm sóc môi trường. Bạn có thể tự làm được. Đó chính là tuệ giác có được khi bạn thực hành vô ngã. Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày với những trải nghiệm như vậy. Khi đó những gì chúng ta nói hay viết đều có thể chạm đến trái tim của người khác. Bởi vì chúng ta viết từ tuệ giác của chính mình mà không phải lấy từ ý của người khác. Vì vậy viết quyển sách “Nghệ thuật tiêu thụ” cũng chính là một sự thực tập. Những người sản xuất ra sản phẩm cho chúng ta tiêu thụ, và chúng ta, những người mua các sản phẩm đó, tất cả chúng ta đều cần học cách tiêu thụ.
Jo Confino: Theo Thầy, những nhà hoạt động xã hội nên làm gì? Thầy nói rất đúng là việc đầu tiên họ phải làm là chế tác hạnh phúc cho chính họ. Nhưng về phương diện hành động, ta phải làm thế nào để lên tiếng chống lại áp bức và bất công xã hội? Có cách nào để làm việc đó với sự bình an và lòng quyết tâm?
Thầy: Các vị xuất sĩ Làng Mai an cư ba tháng mỗi năm, và trong mùa an cư, mỗi tuần sẽ có một ngày dành riêng cho tăng thân xuất sĩ. Chúng tôi ý thức rằng nếu chúng tôi không thể là chính mình, không đủ tình huynh đệ và hạnh phúc thì những điều chúng tôi làm sẽ không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi tổ chức ngày xuất sĩ để nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng tăng thân, rồi từ đó chúng tôi mới có thể cống hiến những khóa tu và những ngày chánh niệm ở nơi này nơi khác.
Chúng tôi thấy rõ là chúng tôi không nên đánh mất mình trong công việc. Nếu không, những gì chúng tôi cống hiến sẽ không phải là “hàng thiệt”. Vấn đề không phải ở chỗ làm nhiều việc, mà làm việc một cách chân thật. Không nên có mặc cảm là mình chưa làm đủ trong việc giúp người, giúp đời mà nên bảo đảm là khi làm gì thì làm đàng hoàng, đúng mức. Được như vậy chúng ta sẽ an tâm, bởi vì bất cứ cái gì chúng ta làm cũng đều đem lợi ích cho mọi người, ngay cả khi chúng ta đơn giản chỉ ngồi thiền hoặc đi thiền.
Nếu bạn đi thiền cho đàng hoàng, bạn sẽ được nuôi dưỡng và trị liệu trong mỗi bước đi. Không chỉ tổ tiên trong bạn được lợi lạc, mà thế hệ tương lai cũng được lợi lạc. Không làm được điều đó, ta sẽ không thể làm được điều gì ích lợi cả. Vậy nên mỗi bước chân là sự hành trì căn bản. Mỗi hơi thở, mỗi buổi ngồi thiền đều phải có phẩm chất nuôi dưỡng và trị liệu. Thậm chí bạn chỉ làm một việc nhỏ thôi, thí dụ như tổ chức một ngày quán niệm, nếu bạn làm hết lòng và hạnh phúc thì bạn cũng đồng thời làm tất cả mọi việc khác rồi. Cho nên, bất cứ việc gì bạn làm cho chính bạn một cách đàng hoàng, bạn cũng đồng thời làm việc đó cho tất cả mọi người. Đó là cách tôi thực tập. Bạn không cần phải mặc cảm là bạn chưa làm đủ. Điều này rất quan trọng.
Tôi nghĩ để góp phần làm nên một sự tỉnh thức tập thể, chúng ta cần vận hành như một cộng đồng, như một tăng thân. Các nhà báo cũng cần có tăng thân để chia sẻ nỗi khổ niềm đau, khó khăn, hạnh phúc, hy vọng và thành công của họ với nhau. Đây là một điều rất quan trọng. Điều này rất rõ ở Làng Mai: không có tăng thân, chúng tôi không thể làm bất cứ việc gì có ý nghĩa. Cho nên nương tựa tăng thân là một điều căn bản.
Một doanh nhân sản xuất ra những sản phẩm không lành mạnh thì người ấy không giúp gì được cho chính mình, cũng không giúp được cho khách hàng. Ta muốn ông ấy thay đổi. Nhưng làm sao để thay đổi đây? Có rất nhiều cách. Một trong những cách đó là tới gặp ông và nói rằng ông có thể hạnh phúc hơn, thư giãn hơn. Ông có thể sống một cuộc sống không quá bận rộn, hối hả như vậy. Ông có thể buông thư hơn và có nhiều niềm vui hơn. Ông không cần phải chìm ngập trong lo lắng, giận dữ, … Đó là một cách.
Cách thứ hai là khuyên bạn bè nên tiêu thụ dựa theo Năm giới. Tại sao bạn phải mua những thứ đó? Chúng ta cần những loại sản phẩm làm chúng ta khỏe mạnh hơn. Nếu khách hàng có sự tỉnh thức thì người sản xuất sẽ phải thay đổi. Nếu không thì việc làm ăn không thể kéo dài. Cho nên, chúng ta buộc nhà sản xuất phải thay đổi bằng cách không mua những thứ chúng ta không cần. Tôi có thể sống khoẻ mà không cần đến các loại máy móc điện tử. Tôi có nhiều thời gian hơn cho chính mình và cho tăng thân nhờ không sử dụng quá nhiều các loại máy móc điện tử này. Chúng ta có thể sống khỏe mà không nhất thiết phải có ti-vi, thậm chí không cần cả điện thoại hay báo chí. Chúng ta đâu cần phải xem chương trình thời sự mỗi ngày, có khi cả hai lần mỗi ngày. Bao giờ mấy tờ báo đăng những tin nuôi dưỡng thì chúng ta sẽ mua báo. Vì vậy có rất nhiều cách. Tôi nghĩ nếu chúng ta vận hành như một tăng thân và chúng ta làm việc với những người hoạt động ở cấp cơ sở thì sự thay đổi có thể bắt đầu ở đó. Không cần phải thuyết phục những người ở cấp cao nếu việc đó quá khó khăn.
Thánh Gandhi có khả năng kêu gọi người dân tẩy chay nhiều thứ, và ngài biết cách tự chăm sóc cho mình. Ngài biết là trong quá trình tranh đấu bất bạo động, ngài cần phải chăm sóc chính mình. Ngài nói với vợ là: chúng ta cần phải thực tập phạm hạnh trong thời gian này. Chúng ta cần tập thở và bảo tồn năng lượng vì đây là một cuộc tranh đấu khó khăn. Ngài biết tất cả những điều này, làm sao để bảo tồn năng lượng vì cuộc tranh đấu kéo dài. Cho nên sự thực tập tâm linh rất cần thiết trong quá trình hoạt động nhằm góp phần thay đổi xã hội.
Chúng ta cần tổ chức cuộc sống của mình như thế nào để có thêm bình an, thư giãn và trị liệu mỗi ngày. Ta cần những người bạn đồng tu và cần có tăng thân. Ý tưởng đem các nhà báo đến với nhau như một tăng thân để có được tuệ giác tập thể và tìm ra cách làm việc rất là quan trọng. Ở Làng Mai, chúng tôi cần các thầy, các sư cô cùng làm việc với nhau. Chúng tôi cần yểm trợ nhau, nếu không sống cùng nhau như một tăng thân, chúng tôi không thể làm gì được cả. Chúng tôi không thể phụng sự, theo nghĩa tích cực nhất của từ “phụng sự”.
Jo Confino: Làm sao người ta có thể nhìn ra thế giới một cách bình thản khi có quá nhiều khổ đau như thế? Chiến tranh xảy ra khắp nơi, không thấy có dấu hiệu hòa bình. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu càng lúc càng trầm trọng thì khổ đau sẽ vô cùng khủng khiếp. Có cách nào để duy trì sự bình an của chính mình khi đứng trước những điều đang xảy ra chung quanh như thế?
Thầy: Theo tôi, chúng ta cần thay đổi quan niệm về thời gian. Đối với chúng ta, thời gian là một cái gì đó hữu hạn. Nhưng đối với đất Mẹ, nếu có tổn thương gì, đất Mẹ sẽ có khả năng tự chữa lành. Nếu cần, đất Mẹ có thể để ra hàng trăm triệu năm để phục hồi. Với chúng ta, thời gian ta ở trên trái đất chỉ có khoảng 100 năm, cho nên chúng ta không có sự kiên nhẫn.
Tôi nghĩ chúng ta có một cộng nghiệp. Sự vô minh tập thể của loài người, sự giận dữ và bạo động của loài người có thể sẽ dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Chúng ta phải học chấp nhận điều đó. Biết đâu đất Mẹ sẽ cho ra đời một thánh nhân trong một vài thập niên tới và vị ấy sẽ dẫn đường cho chúng ta tránh khỏi tai ương. Không thể biết trước được. Đất Mẹ rất tài ba. Người đã cho ra đời các vị Bụt, Bồ tát và đại nhân. Cho nên, hãy nương tựa nơi đất Mẹ, phó thác cho đất Mẹ, cầu xin đất Mẹ hãy chữa lành và yểm trợ chúng ta.
Chúng ta phải tập chấp nhận để chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất có thể xảy ra, đó là loài người sẽ hầu như bị diệt vong cùng với nhiều loài khác. Sau vài triệu năm, đất Mẹ sẽ có khả năng đem chúng ta trở lại lần nữa, hy vọng lúc ấy chúng ta sẽ khôn ngoan hơn. Chúng ta rất thông minh, nhưng chúng ta chưa học được cách hành xử khá hơn. Mà đầu tiên là học cách yêu thương đất Mẹ.
Khi chúng ta thực tập chánh niệm, nhìn vầng thái dương trong khi thiền hành, quán thân trong thân, chúng ta sẽ thấy mặt trời có trong ta. Không có mặt trời thì cũng không có sự sống. Thấy được như thế, lập tức chúng ta tiếp xúc với mặt trời rất khác. Mối liên hệ giữa ta và mặt trời thay đổi. Mặt trời ôm ta như một người cha ôm con. Đó chính là sức mạnh của chánh niệm: làm phát sinh tuệ giác. Trước đó, ta thấy mặt trời như một cái gì đó rất xa xôi, không liên hệ gì mấy tới ta. Trên thực tế, mối liên hệ đó vô cùng sâu sắc. Ta là đứa con của mặt trời. Ta từ mặt trời mà sinh ra.
Điều này cũng đúng với đất Mẹ. Ta đi như thế nào để có thể thấy được mối liên hệ giữa ta và đất Mẹ vô cùng sâu sắc, và đất Mẹ có trong ta. Đây không phải là một điều khó thấy. Nó dễ hơn rất nhiều so với triết học. Nếu ta có thể đi như thế, mối liên hệ giữa ta và đất Mẹ sẽ thay đổi một cách vô cùng mầu nhiệm.
Khi ta có thể cảm được đất Mẹ ở trong ta, ta là đất Mẹ, khi đó ta không còn sợ cái chết nữa, bởi vì đất Mẹ không bao giờ chết. Ta có thể sẽ được sinh ra trở lại dưới một hình thức khác hay hơn, đẹp hơn. Giống như một con sóng vậy. Một con sóng biến mất và xuất hiện trở lại. Làm sao con sóng có thể chết được? Đó là tuệ giác phát sinh khi mình có liên hệ tốt với đất Mẹ. Tôi không nghĩ chỉ các triết gia mới có thể cảm được những điều như vậy. Ai trong chúng ta cũng có thể thấy được mối liên hệ đó.
Jo Confino: Cám ơn Thầy rất nhiều vì đã dành thời gian quý báu cho cuộc phỏng vấn này.