Đức Bụt tương lai đã có mặt rồi

(Sư cô Chân Uyển Nghiêm)

Tình thương của Thầy

Nhắc đến tình thương, tôi không khỏi nghĩ đến Thầy. Mỗi lần nhắc đến Thầy hay tăng thân, tôi cũng như nhiều quý thầy và quý sư cô đều dễ xúc động. Tôi nhớ có lần tôi được làm thị giả cho Thầy. Lúc đó Thầy chuẩn bị đi khóa tu ở Anh. Tôi còn rất mới và tu tập chưa giỏi nên chưa biết cách quan sát. Thời gian ấy, Thầy nghỉ ngơi và làm việc ở Sơn Cốc. Sáng ngày đưa Thầy ra sân bay đi Anh, sư cô Chân Không làm tài xế lái xe. Trước khi rời khỏi Sơn Cốc, Thầy gọi tôi vào thư viện để giúp cho Thầy vài việc. Sau đó, hai thầy trò đi kiểm tra một vòng xung quanh để chắc chắn đèn đã tắt, cửa đã khóa, gas đã được khóa lại,… Khi thấy mọi thứ đã ổn, hai thầy trò ra xe để đi.

 

 

Trên đường đi ra sân bay, Thầy nói với tôi: “Ồ, con kể chuyện cho Thầy nghe đi. Dạo này con tu học có vui không? Các anh chị em sống với nhau như thế nào?”. Vâng lời Thầy, tôi ngồi líu lo kể hết chuyện này sang chuyện kia và thầy trò cười với nhau rất vui. Cứ như vậy, đi được hơn nửa đường, Thầy chợt hỏi tôi: “Lúc nãy đi ra, con có cầm cái đãy (túi vải) của Thầy không?”. Tôi hết hồn, trả lời Thầy: “Dạ không”.

Trong đãy của Thầy có máy ghi âm. Những lúc Thầy đi dạy ở ngoài, những bài pháp thoại có lúc được quay phim, có lúc không, nhưng thường thì Thầy có đem theo máy ghi âm để tự thâu lại những bài giảng. Thứ nhất là để lưu lại làm tư liệu, thứ hai là Thầy biết đó là tài sản mà Thầy để lại cho thế hệ tương lai. Đi chung với Thầy vui quá nên tôi hoàn toàn không nhớ và cũng không biết là mình cần đem theo cái gì cho Thầy.

Giây phút nghe Thầy hỏi, tôi từ trạng thái vui vẻ, hạnh phúc chuyển sang trạng thái hối hận, ray rứt và sợ hãi. Tôi sợ đến nỗi không dám nói xin lỗi Thầy. Đặc biệt là khi nghe sư cô Chân Không nói rằng bây giờ đã gần đến sân bay rồi, nếu quay lại lấy sẽ trễ giờ. Tôi run rẩy và chỉ biết ngồi im thôi. Lúc đó, từ băng ghế trước, Thầy đưa tay lại phía sau và hỏi: “Tay con đâu?”. Thời điểm ấy, tay tôi run và lạnh ngắt. Tôi đưa tay ra và Thầy nắm lấy tay tôi. Bàn tay Thầy rất mềm và ấm. Thầy nói với tôi: “Không sao đâu con. Chắc thầy thị giả có đem một cái sơ-cua. Mà nếu không đem cũng không sao, không có gì quan trọng cả”. Nghe Thầy nói như vậy, tôi cảm thấy nhẹ hẳn. Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc đó. Tôi cảm nhận rằng đối với Thầy, lưu lại bài giảng tuy quan trọng nhưng nuôi dưỡng tâm hồn người đệ tử vẫn quan trọng hơn. Thầy không muốn tôi có cảm giác ray rứt và tội lỗi. Thầy luôn muốn đệ tử mình có những kí ức đẹp.

Thầy dạy bằng tình thương. Tình thương của Thầy khiến tôi nhớ và biết rằng mình sẽ không bao giờ phạm lại những lỗi như vậy. Tôi cũng hứa với lòng sau này làm một người thầy, tôi cũng sẽ cố gắng thương đệ tử của mình, thương em của mình như Thầy thương. Nhưng thật sự điều này rất khó bởi tôi tu còn yếu. Tuy rằng rất muốn thương, nhưng vì vẫn còn đang trên đường thực tập, nhiều khi tôi vẫn làm em mình tổn thương như thường. Tuy vậy, đã có con đường và phương pháp, tôi có niềm tin rằng chỉ cần cố gắng tu tập, mọi việc rồi sẽ ổn.

Có một người lớn chưa trưởng thành

Lúc còn nhỏ tôi thường mơ ước mình mau lớn, tôi thích được làm người lớn. “Ăn rau sẽ mau lớn”, bà vẫn thường dỗ tôi ăn rau bằng cách này vì tôi không thích ăn rau.

Năm mười sáu tuổi, khi đi làm thẻ căn cước công dân, tôi có cảm giác rằng mình đã lớn rồi nên việc đầu tiên tôi làm là…trốn nhà đi tu. Thế nhưng tôi đã nhầm. Khi ba mẹ lên chùa tìm, Sư bà đã bảo tôi về đi học lại vì chưa đủ mười tám tuổi, ba mẹ có thể kiện nếu Sư bà nhận tôi. Lúc đó tôi nghĩ, “Vậy là mười tám tuổi mới lớn, mới được gọi là trưởng thành”.

Tùy theo mỗi quốc gia mà độ tuổi trưởng thành được quy định khác nhau. Thông thường trưởng thành nghĩa là ta có quyền đi bầu cử, tự lo cho bản thân mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật và không cần đến sự trợ giúp của gia đình nữa. Nhưng đến năm ba mươi tuổi, khi đi tu cũng được khá lâu rồi, tôi mới hiểu được ý nghĩa thật sự của hai từ “trưởng thành”.

Thời điểm ấy, tôi rất giận một sư em. Trong cơn giận đó, tôi muốn tới và la sư em một trận. Tôi đã chuẩn bị sẵn một “bài la” rất bài bản. Lúc đi đến cửa phòng sư em, tôi bỗng xoay người và trở về lại bàn học của mình, ngồi đó rất lâu và khóc. Sau đó tôi lấy ra một mảnh giấy và viết:

“Có một đứa trẻ không chịu lớn và có một người lớn chưa trưởng thành.”

Tôi khóc cho sư em và cũng khóc cho chính mình. Khóc cho sư em vì tôi thấy sư em có đủ tất cả những điều kiện để lớn lên: được dạy dỗ, được chăm sóc và nhắc nhở rất nhiều nhưng em không muốn lớn. Em chỉ muốn nương tựa vào người khác mà không chịu đứng trên đôi chân của mình. Dù mọi người có thương bao nhiêu, sư em cũng không thấy đủ. Khóc cho bản thân vì đã tu bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn sân si quá, không chăm sóc được cảm xúc của chính mình, muốn đi la sư em. Một cái thấy bất chợt xuất hiện: “La sư em thì có ích gì, la xong thì sư em cũng đâu thể lớn lên ngay được mà mình cũng khổ luôn”. Giây phút đó tôi nhận ra là mình vẫn chưa trưởng thành.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi hiểu được trưởng thành nghĩa là mình có khả năng thấu hiểu mình và người khác, chăm sóc được cảm xúc, tri giác cũng như tâm hành của mình. Chỉ khi làm được như vậy tôi mới trưởng thành. Có thể năm mươi, sáu mươi tuổi nhưng mình vẫn hành xử như một đứa trẻ và làm tổn thương những người xung quanh.

Trưởng thành là cả một quá trình mà người làm con hay làm cha mẹ, ông bà đều phải học. Không có ai hoàn hảo, chỉ nhờ rèn luyện mà làm tốt hơn mỗi ngày.

Sư bạn

Trong tu viện, chúng tôi gọi những thầy, những sư cô lớn là sư cha, sư mẹ. Đó là những vị tuổi đạo cao, sống lâu trong chúng, có tình thương và dành sự chăm sóc cho những người nhỏ. Tuy là anh, là chị mà cũng là cha, là mẹ. Rồi có những “sư em”, tuy là em nhưng cũng là những người thầy của mình. Dù cho mới xuất gia, sự thực tập vững chãi và tươi mát của sư em giúp tôi tỉnh ra những lúc đắm chìm trong phiền não. Lúc đó, sư em trở thành một vị thầy dạy tôi dừng lại, trở về thực tập.

 

 

Ngoài ra còn có thêm một danh từ nữa, đó là “sư bạn”. Những người bạn đến tu cùng cũng là những người thầy của mình. Khi sống trong tăng thân, ai cũng là bạn của mình. Mỗi người đều dạy cho mình một bài học nào đó. Người nào khiến mình nổi giận, họ là người thầy dạy mình rằng mình chưa đủ kiên nhẫn. Tôi cảm ơn vị thầy ấy đã cho tôi một bài trắc nghiệm về lòng từ và sự kiên nhẫn. Còn người cho tôi sự bao dung, tha thứ, tôi cảm ơn vị đó đã cho tôi hiểu thế nào là tình thương đích thực. Vậy nên trong tăng thân, chúng ta có thể gọi nhau là sư bạn. Mỗi lần gặp huynh đệ, tôi hay chắp tay chào và gọi người đó là “sư bạn”.

Đức Bụt tương lai đã có mặt rồi

Ai trong chúng ta cũng có khả năng hiểu biết và thương yêu, khả năng hiến tặng tình thương của mình. Ai cũng có phẩm chất của một vị Bụt. Thời buổi hiện nay, mọi người nói rất nhiều về “self love” (thương yêu chính mình). Thương yêu chính mình không có nghĩa là tích trữ thật nhiều thứ như áo quần, phải có nhà đẹp, xe đẹp. Yêu bản thân mình có nghĩa là mỗi người biết quay về, chăm sóc tốt cho tự thân. Từ nền tảng của việc thương yêu chính mình, chúng ta sẽ có khả năng hiến tặng tình thương cho những người xung quanh.

Bụt Sakya là đức Bụt của quá khứ, đức Bụt tương lai là Bụt Maitreya (Từ Thị), biểu hiện cho tình thương. Nhiều người hay đặt câu hỏi với Thầy rằng bao giờ thì đức Bụt Từ Thị sẽ xuất hiện để cứu khổ cho chúng sanh. Tình hình thế giới hiện nay ngày càng có nhiều bạo động, giận dữ; những vấn đề như bất công xã hội cũng càng ngày càng leo thang.

Thầy trả lời rằng đức Bụt tương lai đã có mặt rồi. Tại vì mình không thật sự có mặt nên mình mới không thấy mà thôi. Đức Bụt của tương lai không phải là một cá nhân dù đó là một cá nhân xuất sắc. Đức Bụt tương lai là một đoàn thể tu học. Chỉ có sức mạnh của cộng đồng mới đủ khả năng, đủ trí tuệ và tình thương để chữa lành cho thế giới. Tất cả chúng ta đều có cơ hội là một phần của cộng đồng đó, cùng đóng góp vào sự nghiệp chung đó.

Sen búp xin tặng người. Một vị Bụt tương lai.