Cách tổ chức và thời khoá sinh hoạt

Hồi đó, chúng ta thường ưa làm việc tay chân vào các buổi sáng. Chỉ trong vòng ba tháng sau ngày chúng ta về, Phương Bối đã trở nên quang đãng và đẹp đẽ. Bởi vì sáng nào chúng ta cũng làm việc tay chân và ngày nào chúng ta cũng có ít ra một người bạn Thượng làm việc trong phạm vi Phương Bối. Sau này ta lại có anh Năm, người con trai hiền lành từ xứ Quảng di cư vào, Năm đã ở lại với chúng ta trong suốt thời gian hưng thịnh của Phương Bối.

Chỉ trừ những ngày mưa, còn thì buổi sáng nào ở Phương Bối cũng đẹp. Buổi sáng Phương Bối thật là linh động. Sáng nào Phương Bối cũng vang động tiếng chim tiếng vượn. Trời Phương Bối rét nên chúng ta không dậy sớm. Thường thường tôi chong đèn ngồi viết đến nửa đêm. Buổi sáng tôi thường thức dậy giữa tiếng chim tiếng vượn. Chính Tuệ và Nguyên Hưng biết rằng tôi chưa khôi phục lại được sức khỏe ngày xưa nên hai người cứ lẳng lặng dậy trước, để yên cho tôi ngủ. Còn dì Tâm Huệ thì ngủ rất ít. Thường thường khi tôi dậy thì đã có nước trà để uống cho ấm bụng. Nồi cháo trắng đỗ xanh lúc ấy đã chín rồi; thường thường chúng ta hay chạy vào bếp sưởi ấm, uống nước và ăn điểm tâm ngay trong cái nhà bếp nghèo nàn nhưng ấm cúng đó, Nguyên Hưng nhớ không.

Nắng mai tuy rất trong và rất đẹp nhưng không đủ ấm. Cho nên chúng ta phải bắt đầu mỗi ngày bằng công việc tay chân. Làm như thế thì chỉ trong mười phút là đã thấy ấm người rồi. Hồi đó tôi cũng biết sử dụng phảng, cuốc và mai không kém gì Nguyên Hưng vậy. Nguyên khu đồi Thượng, chúng ta cũng đã phải để ra hàng tháng mới dọn xong. Bao nhiêu là gốc cây. Bao nhiêu là dây chằng. Bao nhiêu là gai góc. Chúng ta đã làm được không biết bao nhiêu là ghế, là bàn, bằng những nguyên liệu của rừng như mây, như gỗ, ngay trên đồi Thượng. Lại còn có những chiếc ghế treo nữa. Các thầy ở Huế hay ở Saigon mỗi khi lên thì cứ ưa ngồi hàng giờ trên đồi Thượng và dù lớn đến cách mấy, vị nào cũng thích ngồi đu trên những chiếc ghế treo.

Buổi mai ở Phương Bối đẹp như một tờ giấy trắng tinh, nguyên vẹn, một tờ giấy trắng tinh có ửng mầu hồng ở góc. Thực vậy, Nguyên Hưng. Chúng ta thức dậy ở Phương Bối với ý thức là chúng ta có trước mặt một ngày trọn vẹn không bị ai xâm phạm. Không phải đi hội họp, không phải chờ xe buýt, không phải ngồi ở phòng đợi, không phải thao thức vì những cái rendez-vous. Một ngày trọn vẹn, có đủ sáng, trưa, chiều, tối, và đẹp như mầu hồng của bình minh. Một ngày trọn vẹn mà ta muốn sử dụng như thế nào cũng được. Nguyên Hưng có thể hoặc làm cỏ ở đồi trà, hoặc dọn thêm khu rừng trước mặt, hoặc trồng thêm cây ăn trái, hoặc viết lách hay nghiên cứu. Chúng ta làm được thật nhiều việc, nhưng không bao giờ chúng ta chán việc, bởi vì tất cả những gì ta làm là đều do sở thích. Nếu ta không làm cỏ ở đồi chè chẳng hạn, thì anh Năm cũng chịu khó làm và thế nào đồi chè cũng sạch cỏ. Nếu ta không dọn thêm một khu rừng trước mặt hôm nay thì ta có thể làm vào một hôm khác. Chúng ta, tóm lại, muốn làm gì thì làm. Buổi sáng, sau khi ăn điểm tâm, thế nào trong chúng ta cũng có một người đề nghị là nên đi làm việc gì sáng hôm nay. Tôi nhớ hồi đó Phương Bối có Nguyên Hưng, có Tuệ, có Triều Quang, có Lý, có Năm, có Phú, có dì Tâm Huệ và có tôi. Nếu Nguyên Hưng đề nghị “sáng nay dọn thêm ở khu đồi Thượng” thì ít nhất cũng có ba người hưởng ứng. Hoặc nếu Lý đề nghị “sáng nay làm một con đường xuống thung lũng” thì Lý chắc chắn cũng có người hưởng ứng. Thường thường các đề nghị đều được tất cả mọi người tán thành. Có khi hai người cùng đề nghị một lần, và chúng ta chia ra hai nhóm tuỳ theo sở thích. Lâu lâu chúng ta lại có một cuộc thám hiểm núi rừng. Ai nấy đều chuẩn bị kỹ lưỡng. Thường thường những cuộc “thám hiểm” như thế kéo dài cả ngày. Chúng ta hay dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi bên một dòng suối. Nhiều hôm Nguyên Hưng và Triều Quang mang về những cây phong lan tuyệt đẹp. Ai nấy đều mệt nhoài. Đêm đến chúng ta ngủ rất ngon.

Trong những buổi đi rừng, phục sức của tất cả mọi người đều rất kỳ dị. Nguyên Hưng có nhớ không? Ở Phương Bối chúng ta không cần vâng theo luật lệ của… người phàm. Ta có thể đội bất cứ thứ mũ nào, mang bất cứ thứ giầy ủng nào, dùng bất cứ thứ thắt lưng nào. Có khi nhìn vào tấm gương tôi thấy tôi giống như một ông ngáo ộp. Râu thì có khi một tuần chưa cạo một lần. Không phải vì làm biếng mà vì chúng ta có những việc khác ưa làm hơn! Áo thì bằng da dày cộm để gai rừng không bấu rách. Ống quần thì túm lại bỏ vào đôi ủng cao su để khỏi bị vắt xâm nhập. Vai thì mang một cái xách đựng hoặc cơm trưa, hoặc chiếc võng đay, hoặc hộp cứu thương. Tay thì cầm một cái xà gạc hoặc một cây gậy. Những người học trò của tôi ngày xưa nếu có trông thấy tôi trong hình dáng ngáo ộp ấy chắc cũng không thể nào không kinh ngạc cho được. Ăn mặc như thế này để vào lớp giảng thơ Nguyễn Du thì chắc là không được đâu, phải không Nguyên Hưng? Ở rừng núi chúng ta đi đứng mạnh bạo hơn. Chào nhau ở cửa rừng đôi khi chúng ta không chắp tay trước ngực mà chúng ta đưa một cánh tay thẳng lên trời. Đi lại trên các con đường rừng núi thì không cần bước từng bước đĩnh đạc bệ vệ nữa; chúng ta đi rất mau, hoặc là chúng ta chạy. Từ đồi này chúng ta la hét sang đồi kia. Nguyên Hưng hét to hơn ai hết. Như một cái còi xe lửa. Có một điều mà ta thấy rất rõ là ai lên Phương Bối cũng ưa la hét thật to. Tôi nhớ có một lần trèo lên cây thông cao ở rừng Tham Thiền để đốn một cành thông xanh, Nguyên Hưng hét vang cả núi rừng. Tôi lúc đó đang dọn dẹp thiền thất cũng bị tiếng hét của Nguyên Hưng kích động. Tôi bỏ chiếc chổi lau, chạy ra, nhìn về phía rừng Tham Thiền. Và buồn cười chưa, tôi cũng hét to để hỏi và để trả lời Nguyên Hưng. Rừng núi lớn lao quá khiến ta có cảm tưởng là bị nhỏ bé lại và vì thế tiếng hét của ta là để phá tan cái mặc cảm là chúng ta bé nhỏ. Có phải không Nguyên Hưng? Lại cũng có lẽ là vì chúng ta muốn trả thù những công thức giao tiếp của cái xã hội cũ. Trong xã hội đó, nói thì phải nói với giọng giữ gìn, để ý từng câu từng chữ. Xã hội quy định ta phải ăn như thế nào, chào như thế nào, đi như thế nào, ngồi như thế nào, vén áo như thế nào, ngả mũ như thế nào. Vì vậy khi lên Phương Bối chúng ta đã có khuynh hướng lật nhào tất cả những luật lệ đó. Và chúng ta chạy hoặc hét là để phá vỡ cái mặc cảm chúng ta bị nô lệ, để chứng tỏ rằng chúng ta có “tự do”.

[…]

Tôi không thể không nhớ đến những người bạn Thượng của chúng ta ở B’su Danglu, những người bạn Thượng thường hay đi qua Phương Bối để hái rau rịa. Rau rịa là một thứ lá rừng ăn rất ngon; người Thượng nào cũng ưa thích. Thứ cây này có rất nhiều ở Phương Bối, nhất là trong khu rừng phía tây nam. Ta chỉ có thể hái được những đọt lá còn non mầu hồng tím. Lá rịa mọc song đôi trên đọt cho nên Lý đặt tên thứ rau này là song diệp thái. Người Thượng có thể bán cho người Kinh bất cứ thứ gì họ kiếm được ở rừng: tre, mây, phong lan, thịt nai, măng… nhưng không bao giờ bán lại rau rịa. Họ nói: không ăn rau rịa thì hai chân sẽ nhức mỏi; đi rừng nhấc chân không nổi. Tôi chắc là thứ lá ấy có dược tính trừ được tê thấp, hay gì đó. Bác Đại Hà nói những người mất ngủ nếu ăn rau rịa thì sẽ ngủ được. Chúng ta ai cũng thấy điều đó là đúng, và lâu lâu lại vào rừng đi hái thứ rau quý giá đó về để cho dì Tâm Huệ nấu canh.

Thỉnh thoảng gặp những người Thượng đi ngang Phương Bối, chúng ta hay ra mời mọc họ vào chơi, uống nước. Những người Thượng như thế ít nhiều cũng nói được tiếng Kinh. Còn tiếng Thượng thì chúng ta chỉ biết một vài câu xã giao thôi. Bác Đại Hà nói tiếng Thượng thật giỏi, nhưng không có dịp để dạy chúng ta. Tôi đã kiếm được một tập tự điển Thượng Kinh Kinh Thượng in bằng ronéo, nhưng cũng chưa có dịp thuận lợi để học.

Mùa an cư đầu tiên

Hồi đó Tuệ, Hưng, tôi và chị Diệu Âm hay rủ Như Khoa và bọn trẻ con gia đình Đại Hà vào chân đồi Thượng cắm trại, luôn tiện xem các ông thợ làm nhà. […] Vì muốn về Phương Bối trước mùa an cư cho nên chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Lúc bấy giờ đường lên Phương Bối đã được phát dọn quang đãng. Cái khu rừng từ cầu Mai lên đến dưới đồi Thượng, cái khu rừng ấy mới đẹp làm sao. Tôi muốn được suốt đời đi trong một con đường rừng như thế. Con đường thơm ngát hoa chiều. Và có một vài thứ hoa gì nữa cũng rất thơm mà chúng ta không biết tên. Mỗi lần lên Phương Bối mà leo tới được cầu Mai là đã thấy khỏe rồi. Thấy như là mình đã tới rồi, tới được cõi của mình rồi. Khúc đường còn lại là khúc đường rừng hấp dẫn nhất mà tôi vừa nói đó. Thầy Thanh Từ sau này rất thích đội một cái nón lá thật to vành và chống một chiếc gậy đi lên đi về con đường đó. Phương Bối hiện ra một cách đột ngột ở một khúc quanh: đồi Thượng sáng lên như một chân trời giác ngộ, như một cõi Bồng Lai, nhất là ngày bắt đầu có chiếc nhà Thượng với hai mái cao vừa hùng vĩ vừa e lệ.

Những cơn mưa gió đến trước mùa an cư làm chúng ta phải cực nhọc nhiều lần. Chúng ta đã có tủ để đựng hai vạn cuốn sách. Chúng ta đã có giường có bàn, chúng ta lại cũng có một chiếc nhà bếp xinh xắn cách đó không xa. Và quý nhất là chúng ta đã xây được một cái hồ đựng nước mưa chứa được chừng vài chục thước khối nước. Những ngày ấy chúng ta rất bận rộn với ngôi nhà mới sắp hoàn thành. Tuệ lúc đó bận dạy học ở trường Bảo Lộc cho nên ít giúp chúng ta được. Nguyên Hưng với tôi đã để rất nhiều thì giờ trang trí thiền thất. Màu sắc và cách xếp đặt ở thiền thất như Nguyên Hưng biết, cũng khá trang nhã. Có một bữa cùng với Nguyên Hưng đứng ở lan can nhìn xuống khu rừng phía trái mà ta thường gọi rừng Tham Thiền tôi thấy một dải mây giăng ngang từ cửa rừng sang đến gần chân đồi Thượng. Dải mây giống như một dải lụa, bề rộng chừng độ hai thước. Thật là kỳ thú. Tôi với Nguyên Hưng đã chạy xuống đi lại gần dải mây. Tới gần thì không thấy dải mây đâu. Chúng ta thất vọng, bởi vì chúng ta đã muốn đứng sát một bên dải mây, nhưng khi trèo lên lại lan can nhìn, thì dải mây vẫn còn đó, tuy đã biến hình và loãng dần ra. Rừng Tham Thiền có lẽ là khu rừng đẹp nhất. Khu này có nhiều thông và nhiều cây cao, to, rất hùng vĩ. Khu rừng có vẻ bí mật. Chúng ta đã định làm những chỗ ngồi tham thiền và chiêm nghiệm. Cứ lâu lâu, chừng năm bảy hôm một, Nguyên Hưng và tôi lại đi vào rừng Tham Thiền để hái hoa đem về đơm trong một cái giỏ mây cúng Phật. Hoa có rất nhiều thứ, nhưng kỳ nào ta cũng hái hoa chiều và hoa trang.

Chỉ còn có ba hôm nữa là đến mùa An Cư. Nguyên Hưng và tôi đã định về Phương Bối đúng ngày An Cư. Như Ngọc và Như Thông hứa là ngày ấy sẽ từ Saigon lên chơi để “khánh thành” Phương Bối luôn thể… Trời mưa như trút nước. Mưa rồi lại tạnh. Tạnh rồi lại mưa. Như Khoa đã mượn giúp cho Tuệ và Hưng một chiếc xe jeep để chở hai vạn cuốn sách vào Phương Bối. Sách đựng trong những chiếc bao tải lớn. Chiếc jeep leo núi một cách mệt nhọc, trèo lên trượt xuống. Chiếc xe phải hì hục gần suốt một ngày mới chở được hết sách. Nguyên Hưng và Thanh Tuệ, trong chuyến chót, đã chở vào được thêm một cái tủ – cái tủ trắng rất xinh của Như Thông gửi tặng cho Phương Bối. Tôi còn nhớ trong chuyến ấy, nửa đường các cậu gặp mưa. Cả hai người, Nguyên Hưng cũng như Thanh Tuệ, đều ướt như chuột lột. Thấy mà thương quá. Lúc ấy tôi đang bận bịu xếp sách vào các ngăn tủ. Tôi ra đón Tuệ và Hưng. Tôi bắt Nguyên Hưng vào thay quần áo, lau mình thật sạch và trùm chăn kín lại. Tôi định vào đốt lò sưởi cho Tuệ nhưng Tuệ từ chối, đòi về theo xe. Cả Hưng và Tuệ đều run rẩy. Tuệ nói: “Phen này thì chắc ốm to. Có lẽ thương hàn là ít.” Tôi cũng thấy sợ ghê. Các em dãi nắng dầm mưa nhiều quá. Thế nhưng mà không sao. Dì Tâm Huệ dọn cơm chiều lúc bảy giờ tối; bữa cơm đầu tiên ở Phương Bối được dọn ra đàng hoàng trên bàn, ngoài phòng ăn. Tôi đến nói với Nguyên Hưng: “Dậy ăn cơm đi Hưng.” Nguyên Hưng không chịu, trả lời rằng là chắc hẳn không ăn được. Tôi nài nỉ Nguyên Hưng ra ngồi chơi với tôi trong khi tôi ăn cơm. Nguyên Hưng bèn chịu. Ra tới phòng ăn tôi xới cơm và ép Nguyên Hưng ăn một chén. Nể lời Nguyên Hưng cầm đũa. Thế rồi vui miệng và vui câu chuyện, Nguyên Hưng đã để cho dì Tâm Huệ xới cơm cho Nguyên Hưng tới ba lần. Đêm ấy Nguyên Hưng ngủ ngon không “ốm to” cũng không “thương hàn”. Sáng mai, Tuệ lặn lội vào Phương Bối rất sớm. Thì ra cậu ta cũng chẳng “ốm to”, chẳng “thương hàn” gì cả. […]

Trong cùng một đêm đó, Nguyên Hưng và tôi ngủ lại Phương Bối lần đầu. Cánh cửa giữa chưa lắp, thành ra nửa đêm bị gió thổi rơi xuống sàn nhà một cái rầm. Hai chúng ta đều thức giấc. Nằm bên nhau, chúng ta nghe mưa gió rào rào bên ngoài. Có lẽ là có bão tố ở đâu ấy. Chúng ta đang nằm ngủ trên rừng, cách xa xóm làng đô thị. Rất xa. Chúng ta đã muốn lên tận trên này, làm nhà và dựng cho chúng ta một quê hương bé nhỏ. Tôi không thể nào nằm ngủ được nữa. Tôi rủ Nguyên Hưng trở dậy. Chúng ta đi sờ soạng tìm hộp diêm nhen, đốt một đống lửa và thức bên nhau nói chuyện, cho đến khi tiếng vượn hú hoà với tiếng chim kêu đã vọng vang cả núi rừng. Chúng ta trèo lên đồi Thượng. Phương đông, chân trời vẫn chưa ửng hồng. Sương phủ khắp đồi núi xa xa. Phương Bối đã trở thành một cái gì có thực. Có thực một cách hư ảo. Các bạn ở xa chưa ai biết rằng ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại, cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chỉ có cây rừng, có chim có vượn. Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời…

[…]

Nguyên Hưng, vào cái ngày bắt đầu mùa An Cư năm xưa ấy, trời bỗng tạnh mưa. Vào khoảng chín giờ sáng thì Như Thông, Như Ngọc và thầy Châu Toàn lên. Họ mang theo rất nhiều thứ quà để tặng Phương Bối. Tôi còn nhớ đến chiếc giỏ mây thật đẹp mà chúng ta thường dùng để đơm hoa rừng cúng Phật. Và nào là chén, là đĩa, là đũa, là thức ăn. Hồi đó đồi Thượng chưa được dọn sạch nên không thể ăn bữa cơm đầu hạ trên ấy như chúng ta ước muốn. Tuệ cũng đã vào từ lúc sáng sớm. Nguyên Hưng và tôi vẫn còn phải loay hoay dọn dẹp thiền thất. Toàn đã vào Rừng Tham Thiền một mình để hái hoa. Một lát sau chị Diệu Âm và cô Lưu Phương vào, cùng đi hái hoa với Toàn. Chị hái được rất nhiều bông chiều, những chùm hoa lớn và trắng như tuyết. Còn Toàn thì sau khi hái được một ít hoa mẫu đơn đã bị rừng sim lôi cuốn. Thế là từ lúc đó, Toàn hái toàn những cành hoa sim. Tôi nhớ ngày hôm đó ở Phương Bối có rất nhiều bình hoa nhỏ mà phần lớn là những bình hoa sim – nhưng vì Toàn đã trẩy gần hết lá sim nên các bình hoa kia trông như những bình hoa đào. Cái giỏ mây đầy cả hoa chiều, hoa mẫu đơn, và một vài thứ hoa khác nữa mà chúng ta không biết được tên được họ. Toàn còn chặt cả một đọt thông lớn để cắm vào chiếc ché Thượng men nâu để trên thiền thất. Như Khoa và Thanh Giới cũng đã băng rừng băng núi tìm vào. Các bạn của Phương Bối như thế, cũng đã khá đông. Sau buổi lễ Phật trang nghiêm và ấm áp, chúng ta đưa mọi người đi một vòng ở Phương Bối. Tuy nói là một vòng kỳ thực đó chỉ là một vòng nhỏ, bởi vì phần lớn đồi núi ở Phương Bối vẫn là hoang vu, không đặt chân đến được.

Những người bạn của Phương Bối đã ở lại đến ba giờ chiều để đàm đạo về những dự tính cho Phương Bối trong tương lai. Rồi thì Toàn cùng với Như Ngọc và Như Thông từ giã chúng ta trước. Họ phải về Saigon và trước khi đi tìm tới xe, họ phải băng rừng qua đến Đại Hà, rồi Như Khoa và Thanh Giới cũng về. Gia đình Đại Hà cũng về. Chị Diệu Âm và cô Lưu Phương cũng về. Thanh Tuệ cũng về, bởi vì Tuệ chưa vào Phương Bối luôn với chúng ta được – lý do là Tuệ còn cưu mang dở dang mấy lớp học ở Blao. Buổi chiều ấy, sau khi họ ra về hết rồi, Phương Bối thật là vắng và thanh tịnh. Đưa Tuệ và chị Diệu Âm về xong, chúng ta từ cửa rừng Tham Thiền – nơi có mấy chữ Nho viết dọc theo một bảng gỗ đóng trên một thân cây “Đại Lão sơn Phương Bối am” – thong thả đi vào. Phương Bối là một thực tại rồi đó, nhưng mà, cũng như chiều hôm trước, chúng ta vẫn không chắc là nó có thực. Nó hiện hữu như một cái ráng trời. Ta có thể nghĩ rằng nó muốn tan biến đi lúc nào thì nó tan biến. Có lẽ vì Phương Bối không giống với bất cứ một cái gì chúng ta đã gặp, đã thân thiết. Cũng có lẽ vì Phương Bối đối với ta còn mới mẻ quá, nhưng đã thân thiết quá. Lại cũng có lẽ vì Phương Bối đẹp không cùng. Ta chưa hề nghĩ rằng số kiếp của ta mà lại có thể liên hệ đến một thực hữu kỳ diệu như Phương Bối. Vậy cho nên Phương Bối nửa như là thực, nửa như là hư. Ta không nghĩ rằng Phương Bối thuộc về ta. Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Cho nên tôi rất đồng ý với Nguyên Hưng, khi Nguyên Hưng nói: Chúng ta thuộc về Phương Bối. Vì câu nói ấy mà sau này Lý thêu dệt thêm ra. Lý nói: Phương Bối là “thánh địa”. Chúng ta là “dân” của thánh địa, đi đâu thì cũng thuộc về thánh địa. Cái tính của Lý thì hay “ăn to nói lớn” như vậy đó mà, Nguyên Hưng.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, khi đưa Tuệ và chị Diệu Âm ra về, chúng ta đã đi thẳng lên đồi Thượng, nhìn ra bốn phía. Rồi chúng ta đi vào trong những hàng trà. Đất rất mềm và xốp. Chúng ta men theo bờ rừng và đi mãi xuống đến gần thung lũng. Bỗng dưng Nguyên Hưng chỉ cho tôi những dấu chân cọp rất mới, in rõ ràng trên nền đất xốp sau trận mưa hồi hôm. Dấu chân ấy hướng về phía lối về cầu Mai. Trời cũng đã chiều rồi. Thanh vắng quá. Tôi hơi ngài ngại, liền rủ Nguyên Hưng trở về. Chúng ta băng qua những đồi chè để trèo lên đỉnh đồi Thượng. Khi vào tới nhà, chúng ta đi đốt lửa, vì trời đã rét. Dì Tâm Huệ ngày hôm ấy chưa ở lại được với chúng ta, nên đêm ấy chỉ có một mình tôi với Nguyên Hưng. Chúng ta soạn một bữa cơm chiều rất giản dị, rồi ngồi ăn bên nhau dưới ánh sáng của bốn ngọn đèn nến. Đêm ấy, tôi đã nói cho Nguyên Hưng nghe về những dự liệu văn hoá chúng ta sẽ thực hiện sau này. Trước khi đi ngủ chúng ta đã có một buổi “công phu” ngắn và cảm động.

Cảnh trí của Phương Bối đẹp như thế nào?

Vui câu chuyện chúng tôi đến đồi chè mới lúc nào không hay. Đồi thật cao. Đây là ngọn đồi cao nhất ở vùng này. Bây giờ ngọn đồi quang đãng, chúng tôi mới có thể nhìn được cảnh vật bên dưới. Thật là một quang cảnh ngoạn mục. Nhìn từ đây, trời xanh xanh hơn, mây trắng trắng hơn. Những ngọn núi xa có mây trắng phủ phía dưới chân trông như những cù lao nổi giữa biển nước trắng xoá. Nguyên Hưng có biết không. Suốt hai năm trời ở Phương Bối mà buổi sáng nào đứng từ đồi Thượng ta cũng thấy Phương Bối đẹp. Không có một buổi sáng nào giống buổi sáng nào. Có những buổi sáng thức dậy ta chẳng trông thấy được gì ngoài cửa sổ. Bởi vì sương mù dày đặc. Đứng cách nhau chừng năm sáu thước đã có thể không trông thấy nhau. Có những buổi sáng đứng trên đồi Thượng ta có cảm tưởng rất thực là ta đang đứng trên một hòn cù lao ở hải đảo. Sương mù trắng xoá và bằng phẳng như mặt biển, dàn trải đến chân trời. Các ngọn núi xa là những cù lao. Mãi cho đến gần mười giờ sáng sương mới tan và cảnh tượng mới lại phô bày chân tướng. Mà thực ra ta khó nói được thế nào là chân tướng của cảnh tượng nữa. Mỗi ngày mỗi khác. Mỗi giờ mỗi khác.

Phương Bối là một dòng tiếp nối của những cảnh tượng thần diệu. Đó, Nguyên Hưng có nhớ một buổi sáng nọ khi chim hót vang rừng chúng ta đi từ thiền thất lên đến đỉnh đồi Thượng không? Đứng trên đồi ta trông thấy một cặp nai tơ đùa chơi trong nắng sớm, giữa những hàng trà. Những con nai tơ vàng mình có lốm đốm những hàng sao trắng. Chúng ta đã đứng im bất động một lúc lâu, sợ chúng chạy mất. Nắng mai đùa giỡn với những con nai con trên đồi trà. Một lát sau, hai con nai đuổi nhau về phía cửa rừng phía Nam và lẩn mất vào rừng. Chúng ta chỉ còn biết nhìn nhau.

Khu đồi hồi đó tuy đã được trồng trà nhưng còn hoang vu lắm, Nguyên Hưng. Chúng tôi đi giữa những cây trà mới lên. […] Đất mềm và thơm. Chúng tôi đi một vòng đồi, rồi dừng lại ở cửa rừng. […]

Princeton thật là đẹp, nhưng mà Princeton không có được những nét độc đáo của Phương Bối. Princeton không có những buổi sương mù bao trùm núi đồi và gây cho ta cảm tưởng đang đứng trên mặt biển. Princeton không phảng phất hương của hoa chiều, không có tiếng chim kêu vượn hú vang rừng, không có huyền bí và hoang dại như Phương Bối. Tôi không thể nào quên được những đêm trăng rừng Phương Bối. Nguyên Hưng cũng biết là buổi tối ở trên rừng không giống gì với buổi tối ở đồng quê hay là ở thành thị. Mới chừng tám giờ tối thôi, ta đã có cảm tưởng như là đêm đã khuya lắm rồi. Màn đêm dày đặc hơn, huyền bí hơn. Xung quanh Phương Bối quyền uy của rừng thiêng hình như đã được thiết lập lại. Ngồi trong thư phòng, thỉnh thoảng ta nghe những tiếng kêu kỳ dị, phát ra từ những khu rừng bao quanh. Thế giới rừng núi quả đã khôi phục được quyền hành của nó. Ta có thể cảm thấy được những bước chân chậm rãi của chúa sơn lâm và tiếng xào xạc của khu rừng tranh cao quá đầu người khi chúa sơn lâm đi ngang. Rừng núi hết sức yên lặng, nhưng cũng hết sức linh động. Những đêm có trăng, nhất là trăng khuya, ở Phương Bối hình như ít ai ngủ được. Có một bữa, ham viết cho đến một giờ khuya, tôi không biết rằng Thanh Tuệ đã thức giấc và đang đứng lặng yên sau cửa sổ nhìn ra khu rừng tẩm ướt ánh trăng. Tôi cũng tắt cây đèn bát đi, và lại đứng gần bên Thanh Tuệ. Cả trăng cả rừng đều huyền bí, đều mầu nhiệm, và cùng tạo nên một khung cảnh mà chúng ta chưa hề thấy bao giờ trong đời, trừ ở Phương Bối. Trăng cũng tuyệt đối im lặng và rừng cũng tuyệt đối im lặng. Nhưng mà trăng với rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta không thể nào biết được. Trăng và rừng lúc này không phải là hai mà chỉ là một. Thí dụ ta lấy trăng đi, thì rừng cũng mất. Hoặc giả nếu ta lấy rừng đi, thì trăng cũng tan biến. Và chính chúng tôi nữa, chúng tôi là gì lúc ấy? Chúng tôi có thể hiện hữu bên nhau sau khung cửa sáng ấy không nếu một trong hai thứ trăng và rừng kia không hiện hữu? Nguyên Hưng cũng đã từng say mê những đêm trăng như thế. Riêng tôi, tôi thấy trăng từ mười sáu trở đi mới già dặn và mới đủ sức nói chuyện với rừng. Có những bữa khuya tôi đứng một mình – cũng sau khung cửa sổ lớn đó – nhìn ra khu rừng trước mặt. Hồi đó khu rừng chỉ cách ta độ năm sáu mươi thước. Khu rừng hùng mạnh, và dưới ảnh hưởng của trăng khuya, tự tạo cho mình một hấp dẫn lực kỳ lạ. Có một sức gì thu hút phát xuất từ khu rừng, một cái gì rất hoang dại và cũng rất hùng biện. Tôi thấy hình như thấp thoáng ở cửa rừng có bóng một người Thượng thân hình đen cháy, hai mắt long lanh, một người Thượng của hàng ngàn năm về trước chứ không phải như những người Thượng bây giờ hay đi ngang qua Phương Bối để tìm rau rịa.

[…]

Nguyên Hưng có nhớ một buổi chiều cùng với bác Đại Hà trồng bạch mai trước sân, chúng ta đón một đoàn người Thượng đi ngang Phương Bối hay không? Họ mang cung tên, trong đó có những mũi tên tẩm thuốc độc. Chúng ta đã ngừng tay và nói chuyện với họ, qua tài nói tiếng Thượng của bác Đại Hà. Lần đầu tiên tôi được mân mê trong tay những mũi tên có tẩm thuốc độc. Bác Đại Hà cắt nghĩa về cái chất vàng vàng ở đầu những mũi tên đó. Để chứng kiến tài nghệ của những người Thượng, Lý yêu cầu họ bắn một mũi tên lên cành cây cong ở khu rừng trước mặt. Bác Đại Hà thông ngôn xong, họ nhận lời ngay. Một người trong đoàn lấy ra một mũi tên – không có thuốc độc – và lắp vào cung. Tiếng giật của giây cung và tiếng mũi tên xé gió đi tới làm cho tôi có cảm nghĩ rằng mũi tên thế nào cũng đi lạc. Nhưng không, sau một âm thanh khô cứng và bén nhọn, tất cả chúng ta đều reo mừng khi thấy mũi tên đã cắm trên cành cây cong, thân tên vẫn còn rung rung.

Đối với chúng ta, đoàn người Thượng hôm ấy là một đoàn người Thượng có phong thái hơn cả, và có tính cách Thượng hơn cả. Một đoàn người như thế thì đi bất cứ trong khu rừng nào cũng không còn phải sợ hãi gì nữa. Chắc là lúc ấy Triều Quang đang tưởng tượng trong óc những lúc đoàn người này gặp cọp giữa rừng và hình dung ra những trận ác chiến ghê gớm giữa người và cọp. Quang hỏi: “Khi gặp cọp trong rừng các ông làm gì?” và chờ đợi nghe những bí thuật, những chiến lược đặc biệt của người Thượng để đối phó với cọp. Bác Đại Hà vừa thông ngôn xong thì câu trả lời bằng tiếng Thượng của người vừa bắn mũi tên trổ tài cũng tới ngay, và rất ngắn. Bác Đại Hà dịch lại: “Khi gặp cọp thì chúng tôi… chạy.” Tất cả chúng ta đều rũ ra cười, phá lên cười, ôm bụng mà cười vì không có ai chờ đợi một câu trả lời như thế, có lẽ trừ bác Đại Hà, người thông hiểu về đời sống của người Thượng hơn hết. Những người khách Thượng ngơ ngác không biết chúng tôi cười vì duyên cớ nào. Họ đã trả lời một cách giản dị và thành thực. Điều đó không có gì đáng cho là khó hiểu hay buồn cười cả. Họ không ngờ chúng tôi cười chỉ vì đã tưởng tượng nhiều quá trong óc chúng tôi về những trận ác chiến với cọp.

Bác Đại Hà cắt nghĩa: “Cọp ở miền này không có ý hại người, không hay giết người ăn thịt. Vì hươu nai và các thú rừng rất nhiều, rừng không nghèo như ở miền rừng Quảng Bình, Quảng Trị. Cọp chỉ xông vào vồ người hoặc kịch chiến với người khi nào cọp bị dồn vào một thế bí. Vì vậy gặp cọp trong rừng thì chỉ cần tránh ra khỏi con đường cọp đi, thế là yên. Chạy có nghĩa là tránh đừng gặp mặt cọp trên con đường cọp đi.”

Tuệ cười đến chảy nước mắt, phải lấy khăn lau. May là chúng tôi gặp những người Thượng chất phác cho nên chúng tôi mới có thể cười thẳng thắn như vậy mà không sao, chứ gặp những người dưới phố mà cười như thế thì chắc là phải có gây gổ với nhau rồi. Muốn tránh sự gây gổ thì phải bóp bụng lại, đừng cười.

Có một hôm, anh Phương con dì Tâm Huệ một mình với chiếc xe đạp cũ leo theo con đường mòn để vào Phương Bối. Qua rừng Tham Thiền chưa được mười thước, ở chỗ ngã rẽ, anh thấy một ông Ba Mươi rất to lớn nằm ngay giữa đường, xoay lưng về phía anh, đang mơ mộng nhìn về dải núi xa xa trước mặt. Thật là bất thần. Không biết là nếu ở vào trường hợp của Phương, Nguyên Hưng hay tôi có chết khiếp đi không chứ theo lời Phương kể lại hôm đó thì Phương thấy lạnh hết xương sống. Ông Ba Mươi vẫn nằm đó, như không hay không biết, chỉ cách Phương có ba thước. Quay xe đạp chạy trốn là một điều nguy hiểm vì Phương biết nếu ông Ba Mươi nghe tiếng động quay lại, ông ta sẽ vồ ngay Phương. Thật là tiến thối lưỡng nan . Phương liền thi hành kế sách làm cho ông Ba Mươi giật mình để ông ta phóng vào rừng. Cậu ta liệng chiếc xe đạp ngay sau lưng con cọp một cái rầm vừa la “ối trời ơi, ối trời ơi” vang cả rừng. Đúng lúc ấy tôi đang đi thăm những gốc khuynh diệp mới trồng. Nghe tiếng kêu hoảng hốt, tôi giật mình tìm ra tới chỗ Phương. Lúc ấy thì ông Ba Mươi đã đi rồi, và Phương ngất xỉu giữa đường với chiếc xe đạp. Thì ra khi nghe tiếng rầm của chiếc xe đạp và tiếng hò hét của Phương ông Ba Mươi không “giật mình phóng vào rừng” như Phương dự tưởng. Ông ta từ từ đứng dậy, không thèm ngoái lại, và uể oải đi từng bước vào rừng. Tôi ra, gặp một anh Phương xám xanh như gà cắt tiết. Tôi vội gọi dì Tâm Huệ và chúng tôi dìu Phương vào. Suốt ba ngày, Phương chưa lấy lại đủ ba hồn, bảy vía.

Nguyên Hưng ơi cũng là may ở B’su Danglu cọp không ăn thịt người nên mấy lần gặp cọp chúng ta cũng chẳng bị hề hấn chi.

Thầy đã đích thân khởi công xây dựng Phương Bối Am như thế nào?

Sau khi chúng tôi mua khu đất thì chúng tôi hết cả tiền, ngay cả số tiền nhỏ dành để uống thuốc, vì hồi ấy tôi còn chưa được bình phục. Sau khi mở vài cuộc thám hiểm khu rừng núi Đại Lão, bác Đại Hà và tôi đã quyết định một khoảnh rừng chừng bốn mẫu để trồng cây trà và một khoảnh khác gần ngọn đồi cao nhất để làm một căn nhà. Phải trồng trà thì mới có phương tiện tự túc, vì Phương Bối sẽ không phải là nơi lui tới của những người thập phương. Phương Bối sẽ chỉ là của riêng chúng ta (Nguyên Hưng xem chúng mình chấp ngã và ngã sở ghê chưa) và hoàn toàn do chúng ta tự do sắp đặt và định liệu. […] Phải đợi trận mưa đầu mùa tới là đào lỗ thành hàng và gieo hạt trà. Hạt trà thì chúng tôi đã đi xin được rất nhiều ở các đồn điền lớn trong quận. […] Thanh Tuệ đã phải về Saigon giao thiệp với các nhà xuất bản và phát hành để thâu số tiền bản quyền những cuốn sách mà tôi đã giao cho họ. Với một số tiền của chị Diệu Âm giúp nữa, chúng tôi khởi công. Chính bác Đại Hà, một người bạn có rất nhiều kinh nghiệm làm rừng, đã chỉ huy công việc giúp chúng ta. Một buổi sáng có nắng cách đó chừng năm tháng, chị Diệu Âm, Thanh Tuệ và tôi, tất cả nai nịt gọn ghẽ, theo bác Đại Hà đi vào khu rừng đã biến thành một đồi chè non. Con đường đi vào chưa được phát dọn và cũng chưa thành một lối đi có dấu mòn. Rừng còn ướt và vắt nhiều quá. Thỉnh thoảng chúng tôi lại phải dừng lại để xem có vắt bám vào chân hay không. Bác Đại Hà thì không ngán vắt một chút nào. Bác kể chuyện có lúc vắt bám đầy cả chân, khi về phải dùng cả một sợi lạt để gạt chúng nó xuống, trước khi rửa chân, xoa dầu khuynh diệp và sưởi lửa. Thanh Tuệ và tôi cũng chỉ hơi sợ vắt mà thôi. Mỗi khi bắt gặp một con vắt đang bám vào chân, chúng tôi ngừng lại và lấy tay rứt nó ra, hơi gớm và hơi rùng mình một tí. Nhưng chị Diệu Âm thì sợ vắt vô cùng. Mỗi khi thấy có vắt bám vào chân thì chị hét lên. Chúng tôi phải dừng lại để mà “bảo vệ” cho chị. Ấy thế mà chừng một năm sau chị không còn sợ vắt nữa.

[…]

Nguyên Hưng ơi, sau ngày đi thăm ấy độ một năm thì Nguyên Hưng về. Lúc ấy Phương Bối đương làm nhà. Bốn mẫu trà kia đã bắt đầu sản xuất chút ít và chị Diệu Âm bàn nên trồng thêm hai mẫu nữa. Lại thêm phải làm một cái nhà bốn gian ngay dưới chân đồi Thượng. Một gian trên cao dùng làm thiền thất. Gian dưới là thư viện và chỗ làm việc. Gian giữa là phòng ngủ. Gian bên là phòng ăn và phòng khách. Khách đây là gia đình Đại Hà, là chị Diệu Âm, là Như Thông, Như Ngọc, Như Khoa, Thanh Giới và ít người bạn tri kỷ khác. Kỳ dư ai mà chịu lặn lội lên tới Phương Bối, vừa xa, vừa cao, vừa vắt, vừa nguy hiểm. Nguyên Hưng, hồi đó chúng tôi lúng túng rất nhiều về vấn đề tiền bạc. Tôi phải bán thêm một bản thảo nữa, và kêu gọi sự giúp đỡ của các bạn quen. Ngoài chị Diệu Âm, những người giúp cho chúng ta nhiều nhất là Như Thông, Như Khoa và gia đình Đại Hà. Trong thời gian làm nhà các bác thợ phải đi lên đi về rất vất vả. Chiếc xe vận tải (bánh xe có ràng xích sắt để leo núi khỏi trượt) phải lận đận lắm mới chở được gỗ và nguyên liệu làm nhà đến dưới chân đồi Thượng, bò quanh theo con đường núi đã lở lói và hư hỏng rất nhiều. Con đường này xa bằng ba con đường rừng đi tắt. Mà từ chỗ rẽ của con đường tới chân đồi Thượng, bác Đại Hà đã làm một con đường dài trên bốn trăm thước. Chính tôi đã cắm mốc làm thầy địa.

[…]

Lần đầu lên Phương Bối thăm, thầy Thanh Từ đã tỏ sự ưa thích Phương Bối một cách mặn nồng. Thầy bảo chúng ta nhường cho thầy một ít vùng núi để làm thiền thất. Tôi nói: tất cả rừng núi Phương Bối là của thầy. Thế là sau đó vài ba tháng, nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn thân của thầy, chúng ta đã dựng nên một thiền thất ở triền đông bắc của Đồi Thượng. Nhà Thiền này được đặt tên là Thiền Duyệt thất. Duyệt có nghĩa là sự vui vẻ hoan lạc về tinh thần. Trong bài cúng dường của Nhị thời khoá tụng, ta thấy có câu “thiền duyệt vi thực”, nghĩa là thức ăn làm bằng sự hoan lạc của thiền định. Thầy Thanh Từ nghe đặt tên cho nhà thiền như thế thì chịu lắm bèn chấp nhận ngay.

Bên cạnh Thiền Duyệt thất, chúng ta còn xây thêm một cái hồ chứa nước nữa và thầy Thanh Từ đã tự tay làm một chiếc giàn hoa leo thật đẹp phía trước. Hai bên con đường từ dưới đồi đi lên, thầy đã trồng những cây thông con bứng về từ Djiring. Thầy lại còn trồng thêm bao nhiêu là thứ hoa nữa xung quanh thất. Lúc Thiền Duyệt thất làm xong thì chiếc nhà Thượng cũng được khởi công dựng trên chót vót đỉnh đồi. Hai người có công nhất là Triều Quang và Nguyên Hưng. Hợp tác với anh Phương ở ngoài xóm và với hai người Thượng nữa Quang và Hưng đã hoàn thành được chiếc nhà duyên dáng ấy trong vòng một tháng. Vì đứng chót vót trên đỉnh đồi nên nhà Thượng phải được tạo dựng vững chãi. Tôi biết Nguyên Hưng đã tốn rất nhiều công phu vào ngôi nhà ấy. Tôi đã cùng Nguyên Hưng trang trí bên trong và bên ngoài nhà Thượng. Sau này chính nhà Thượng trở thành hình ảnh tượng trưng nhất của Phương Bối. […] Chiếc nhà ấy đẹp nhất trong những ngôi nhà rải rác ở các núi đồi Phương Bối, có phải không Nguyên Hưng. Hai mái thật cao như hai bàn tay người Phật tử chắp lại kiểu hiệp chưởng khi chào nhau. Chính trong ngôi nhà Thượng ấy chúng ta đã sống những giờ thật vui vẻ và thanh tịnh. Những giờ học tập, hội thảo, đàm đạo, uống trà và cả nghe âm nhạc nữa. Bữa khánh thành ngôi nhà, tôi còn nhớ, chúng ta đã nấu xôi và chè đậu xanh đãi vỏ ăn mừng. Nhà Thượng được làm theo kiểu nhà sàn, và chúng ta đã ngồi bệt xuống sàn nhà theo kiểu người Nhật và khi đau chân quá thì đổi ra kiểu người Miên. […] Buổi chiều chúng ta hay quây quần bên nhà Thượng cho đến tối, và nhiều đêm chúng ta đem chăn ngủ ngay ở sàn nhà Thượng. Có đêm rét quá mà trên đồi thì nhiều gió, chúng ta bắt buộc, ôm chăn rời nhà Thượng nửa đêm để về nhà cũ. Tôi không quên được những đêm chúng ta đứng trên lan can nhà Thượng ngắm sao ngắm trăng. Những đêm như thế thật là huyền diệu. Sao và trăng gần chúng ta quá. Nhất là sao Mai. Lớn gần bằng một mặt trăng. Không biết ở những nơi như Trúc Lâm, Toàn có thấy sao Mai lớn như thế này không. Có những đêm tôi kéo Lý ra khỏi những đống bản thảo dày cộm của Lý để chỉ cho Lý thấy trăng thấy sao. Tôi thì cũng ham viết lắm, nhưng vào những đêm nhiều sao như thế này, tôi không thể nào viết được.

Thầy ký giấy mua đất và trở thành địa chủ

Khu rừng núi kia nằm trong địa hạt làng B’su Danglu của người Thượng. Sau mấy tuần khó nhọc chị Diệu Âm, anh Điều và tôi tìm được vị trí và vẽ được bản đồ của khu đất chúng tôi muốn mua lại của người Thượng. Khu đất rộng 25 ha 9525, như vậy là gần hai mươi sáu mẫu tây đất rừng. Mà Nguyên Hưng có biết hồi đó chúng tôi mua với giá nào không? Hai trăm năm mươi đồng bạc Việt Nam một mẫu. Giá của khu rừng gần hai mươi sáu mẫu là sáu ngàn năm trăm đồng. Nguyên Hưng đừng tưởng chúng tôi bắt ép những người Thượng hiền lành để mua đất của họ bằng một giá rẻ đâu nhé. Bởi vì đấy là giá chính thức họ bán cho mọi người. Hồi ấy, chúng tôi có tặng thêm cho những người Thượng kia ba ngàn rưởi bạc nữa đấy.

Nguyên Hưng có biết chúng tôi mua bán với ai không? Chúng tôi mua bán với hai người Thượng hiền lành. Một người tên là K’Briu. Một người tên là K’Brôi. Cả hai đều không biết chữ.

Nhưng vị chánh tổng của họ, chánh tổng Mã Blao, tên là K’bres và vị quận trưởng Thượng của họ, tên K’Dinh thì biết chữ và lại ký tên bằng bút máy. Một buổi sáng tháng Tám trời nắng ấm, Tuệ và tôi đi vào quận để làm giấy. Gặp các ông K’Briu, K’Brôi, và vài người nữa. Rồi tôi ký tên vào cái văn tự bán đất (Sao lại bán nhỉ. Phải là mua mới đúng chứ?) đầu tiên trong đời tôi. […]

Địa thế và ý nghĩa của tên Phương Bối Am

Đại Lão Sơn vốn là một khu rừng núi phía trên đèo Blao, cách đèo chừng sáu cây số. Từ Saigon lên bằng quốc lộ số 20 đến cây số 180, nhìn sang tay trái về phía những núi đồi cao nhất: đó là rừng Đại Lão. Muốn tới Phương Bối am, ta phải từ Blao đi về phía đèo bằng quốc lộ. Đến cây số 180, ta phải bỏ quốc lộ, băng qua chừng ba cây số đường rừng. Hồi ấy, đất rừng ở đây được xem như là vật sở hữu của những người Thượng. Những khu đất gần hai bên quốc lộ thì hoặc đã được khai thác trồng trọt, hoặc đang còn là đất rừng – nhưng là thứ đất rừng của người Kinh đã mua lại từ người Thượng. Người Thượng thường chịu bán đứt đất rừng cho người Kinh bằng một giá hạ. Vượt qua ba cây số đường rừng, chị Diệu Âm, tôi và một người bạn tên là anh Điều làm trắc nghiệm viên dừng lại để nhìn ngắm khu rừng núi hùng vĩ và huyền bí trước mặt. Đó là Phương Bối tương lai, Phương là thơm, là quý. Bối là lá bối đa, một thứ palmier lá dài. Ngày xưa chưa có giấy người ta viết kinh trên thứ lá ấy. Phương Bối nói lên được ý hướng quý trọng và phụng sự nền văn học đạo Phật của chúng ta. Phương Bối là lý tưởng của chúng ta, có phải vậy không Nguyên Hưng?

Thầy đã kiếm được mảnh đất đó với ước muốn thành lập một nơi tĩnh cư như thế nào?

Vào khoảng Vu Lan năm 1957, tôi nói với chị Diệu Âm: “Chúng tôi mất chiếc neo cuối cùng rồi. Có lẽ đức chúng tôi đang còn mỏng quá. Chúng tôi phải trở về trong một cái vỏ cứng để tu luyện trong một thời gian đã. Chị kiếm cho chúng tôi một nơi ẩn dật đi”.

[…] Và Nguyên Hưng ơi, chính trong những giờ đàm luận ấy mà chúng tôi thấy nẩy sinh trong óc cái ước muốn và dự định thành lập một khu tĩnh cư trên rừng Đại Lão. Khu ấy sẽ rất yên tĩnh, sẽ ít ai đến được. Khu ấy sẽ rộng, sẽ có đủ núi đồi, suối, vườn, tĩnh đường, thư viện, thiền thất. Chúng ta cần một nơi như thế, có phải không Nguyên Hưng? Chúng ta phải có một nơi như thế để quay về. Để chữa cho lành những vết thương rướm máu. Để nuôi dưỡng bồi đắp lại những gì chúng ta đã phí phạm. Để chuẩn bị cho một cuộc hành trình khác. Niềm tin, sự trong trắng của tâm hồn chúng ta đã bị hao tổn một cách nặng nề. Chúng ta nhận thức được điều đó, và chúng ta quyết định tìm con đường phải đi. Phải trị liệu, phải bồi đắp, phải nuôi dưỡng trước đã. Nếu không, chúng ta sẽ mất chúng ta. Tôi đã ước ao có một nơi do chúng ta tạo dựng, đích thực là của chúng ta. Như thế chúng ta mới thực hiện được công trình “tu luyện” cần thiết. Bởi vì chúng ta sẽ không thể làm được gì nếu vẫn phải sống mãi cái đời ăn gửi, nằm nhờ.

Nguyên Hưng biết, hồi đó, chúng ta đã có vào khoảng trên hai vạn cuốn sách. Núi rừng, cây, suối, thiền thất và thư viện hấp dẫn chúng ta như một dòng nước mát đối với kẻ bộ hành trong sa mạc, như gói quà trong rổ chợ của bà mẹ đối với đứa con thơ. Tôi đã bàn với Thanh Tuệ, với chị Diệu Âm. Thế là chúng tôi nhất định thực hiện cho kỳ được. Cái đời bấp bênh của chúng ta phải được rẽ qua một hướng mới.

[…]

Ngày xưa có người đành lòng lên ở chỗ nhiều thú dữ để dù rằng có bị thú dữ ăn thịt đi nữa thì cũng không đau khổ bằng sống dưới một sự cai trị hà khắc nhiều khốn đốn. Rừng Đại Lão tuy rằng không phải là một nơi đầy thú dữ, một nơi sơn lam chướng khí độc địa – trái lại; là một nơi rất đẹp, rất yên tĩnh, rất kỳ thú – nhưng còn chúng ta, cái gì đã khiến chúng ta bỏ thành thị bỏ xóm làng mà lên đây? Chúng ta, nhất là Lý và tôi, không được chế độ chấp nhận. Mà không được chế độ chấp nhận là bởi vì chúng tôi thao thức muốn nói những điều mà chúng tôi cho là sự thực. Nguyên Hưng ơi, tôi thấy rằng cái chân hoặc cái thiện bao giờ cũng phải đi với cái cường nữa thì mới có thể có chỗ đứng trên trái đất này. Ngày xưa học thơ ngụ ngôn của La Fontaine, tôi rất bất bình khi nghe nói rằng lý luận của kẻ mạnh là lý luận hay hơn cả. La raison du plus fort est toujours la meilleure! Tôi giận ứ cả cổ. Tôi ghét con chó sói lắm. Tôi vẫn tin rằng câu ấy là một câu nói mỉa mai, chớ không phải là một chân lý. Nhưng mà đã mấy mươi năm qua rồi, cuộc đời đã bao nhiêu lần cho tôi biết rằng đó là một chân lý, dù là một chân lý đáng ghét. Chân lý mà không có sức mạnh thì không có chỗ đứng. Sức mạnh không hẳn là bạo lực. Nhưng mà anh phải mạnh. Chúng ta chỉ có những cây bút nhỏ, làm sao chúng tôi chống chọi lại với một chế độ, hả Nguyên Hưng?

Và tất cả chúng ta, nào Mẫn, nào Hiện, nào Hương, nào Tuệ, nào Hưng, và bao nhiêu người khác nữa cũng không tìm được chỗ đứng của chúng ta trong tổ chức Phật giáo. Chúng ta mang tiếng là những người gieo rắc tư tưởng phản giáo lý truyền thống, những người quá khích, những người chỉ biết phá hoại. Chế độ không dung được ta mà truyền thống cũng không dung được ta. Cổ họng chúng ta bé bỏng. Nói chuyện thống nhất Phật giáo, nói chuyện hiện đại hoá lễ nhạc, giáo dục, hoằng pháp, nói chuyện về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, những điều ấy chúng ta đã theo đuổi từ gần tám năm nay. Những hạt giống đã gieo, một cách vô cùng khó khăn. Trong khi chờ đợi, chúng ta gặp toàn những giông tố, những ghét ghen, những thành trì cố chấp hủ bại.

Để bắt đầu: Phương Bối Am và Nẻo về của ý

Các em ơi, sư cô Chân Không phải thuật gấp lý do thành lập Làng Mai và các trung tâm Làng Mai trên thế giới kẻo mai mốt chết thì không còn ai kể cặn kẽ cho các em nghe vì sư cô theo Thầy lâu bền nhất.

Chúng ta hãy đọc lại vài đoạn trong Nẻo về của Ý để biết rõ về Phương Bối am, tiền thân của tất cả các trung tâm Làng Mai sau này. Đây là những nguyên nhân đưa đến sự xuất hiện của Phương Bối am:

Chúng ta đã đi từ thất vọng này sang thất vọng khác trong niềm ước ao tìm một lối thoát cho chúng ta, cho thế hệ những người trẻ tuổi muốn đem lý tưởng đạo Phật làm đẹp cho cuộc đời. Nguyên Hưng trẻ hơn tôi đến gần mười tuổi, nhưng mà Nguyên Hưng cũng đã chịu biết bao nhiêu nỗi thảm nhục rồi. Chúng ta đã đau khổ vì tình trạng chính trị của đất nước. Chúng ta lại còn đau khổ vì tình trạng của đạo Phật. Hồi ấy chúng ta đã nói tới vấn đề hiện đại hoá đạo Phật. Hồi ấy chúng ta đã cố gắng mọi cách gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc để mong phục hồi sinh lực dân tộc trong ước vọng xây dựng xứ sở. Tôi đã làm báo, đã viết sách. Nào báo Hướng Thiện, nào báo Liên Hoa, nào báo Sen Hái Đầu Mùa. Năm 1955, chắc Nguyên Hưng còn nhớ, tôi được Tổng hội Phật giáo Việt Nam giao cho chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam.

Lúc đó tôi đã có dịp gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc. Tôi cũng đã thấy rõ tính cách rời rạc phân tán của tổ chức đạo Phật, nên đã cố gắng viết tất cả những gì tôi nghĩ về một nền Phật giáo thống nhất toàn vẹn. Tôi chắc Nguyên Hưng biết rõ những nguyên do gần xa trong ngoài của sự rời rạc. Hơn hai năm sau, tờ báo bị đình bản. Lý do là hết tiền. Nhưng kỳ thực, đó là vì các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung và miền Nam không chịu đựng được những loạt bài nói về vấn đề thống nhất thực sự. Trong một buổi họp, họ đã lấy cớ hết tiền để kết liễu sinh mệnh của tờ báo. Họ có nói: “Ai lại tờ báo của Tổng hội mà đi dạy tổng hội về vấn đề thống nhất bao giờ.”

Nguyên Hưng, thế là chúng ta mất khí giới cuối cùng. Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng ta, những người trẻ tuổi, không có tiền bạc, không có uy thế, không có một “miếng đất để cắm dùi”, làm sao thực hiện được ước mộng? Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao. Còn Nguyên Hưng và các bạn thì mỗi người phiêu lưu một ngả. Lần thất bại này có lẽ là lần thất bại to lớn nhất có phải không Nguyên Hưng?

Thiền trong mỗi phút giây

(Trích từ sách Muốn an được an của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Chúng ta nên đưa sự thực tập trong thiền đường vào trong đời sống hàng ngày. Thực tập như thế nào để hiểu được cảm thọ, tri giác của mình. Chúng ta không chỉ xử lý cảm thọ, tri giác trong lúc ngồi thiền mà phải xử lý chúng suốt ngày. Chúng ta phải pháp đàm với nhau làm thế nào để thực hiện được điều đó. Chúng ta có thực tập hơi thở ý thức khi gọi điện thoại không? Chúng ta có mỉm cười khi lặt rau, làm bếp không? Chúng ta có thực tập buông thư sau mỗi giờ làm việc không? Những câu hỏi này rất thiết thực. Nếu chúng ta biết ứng dụng đạo Bụt vào bữa cơm tối, vào thời gian rảnh rỗi và ngủ nghỉ thì đạo Bụt sẽ đi vào đời sống hàng ngày của ta. Và như vậy sẽ có những ảnh hưởng lớn đến những mối quan tâm của xã hội. Bụt, Pháp, Tăng trở thành những vấn đề hàng ngày của ta trong mỗi giây, mỗi phút mà không phải là những lời giảng giải xa xôi.

Tâm chúng ta như một dòng  sông,  trong đó có những tư tưởng, cảm thọ luôn trôi chảy không ngừng. Thực tập thi kệ nhắc nhở chúng ta ý thức về những gì đang xảy ra. Khi chúng ta tập trung tâm ý vào thi kệ thì ngay giây phút đó thi kệ là tâm. Thi kệ tràn ngập tâm thức ta trong vòng nửa giây, mười giây hay một phút. Sau đó ta có thể đọc một bài thi kệ khác cho những công việc tiếp theo. Ăn cơm im lặng, tôi cũng đọc thi kệ trước rồi mới bắt đầu ăn. Ăn xong, tôi đọc một bài thi kệ khác và uống một tách trà. Giả sử ta có một giờ ngồi thiền và sau đó là năm giờ không ngồi thiền, rồi đến ba giờ ngồi thiền thực tập chuyên sâu. Thì giữa thời gian thực tập và thời gian không thực tập ấy có dính líu gì với nhau không? Tâm lúc thực tập và tâm lúc không thực tập có liên quan gì với nhau? Ngồi thiền giống như một bài thi kệ vậy, một bài thi kệ im lặng dài. Cái quan tâm chính của tôi là làm thế nào để việc thực tập thi kệ ảnh hưởng đến tâm thức ta lúc không thực tập thi kệ.

Những tài xế lái xe đôi khi cũng cần những bảng chỉ đường. Bảng chỉ đường và đường là một, bởi vì bảng chỉ đường sẽ giúp mình đi một quãng đường dài cho đến khi bảng chỉ đường kế tiếp xuất hiện. Không có sự khác biệt nào giữa bảng chỉ đường và đường. Đó là điều ta nên làm khi thực tập thi kệ và ngồi thiền. Thi kệ giúp ta trở về với chính mình và khi đọc thi kệ xong ta vẫn tiếp tục thực tập theo như một dòng chảy. Nếu chúng ta không nhận ra được sự hợp nhất giữa thi kệ và thời gian còn lại của ngày, giữa bảng chỉ đường và đường thì chúng ta sẽ bị ngăn cách hoàn toàn (absolute compartmentalization), cái mà tiếng Pháp gọi là cloisons étanches, nghĩa là không có liên hệ gì giữa hai thứ, không thể hòa nhập được. Tâm lúc thực tập thi kệ và tâm lúc không thực tập thi kệ hoàn toàn khác biệt, tâm lúc ngồi thiền và tâm lúc không ngồi thiền không dính líu gì với nhau cả.

Làm thế nào để thi kệ ảnh hưởng lên đời sống hàng ngày của ta, kể cả những lúc ta không thực tập thi kệ? Làm thế nào để thời gian ngồi thiền thâm nhập được vào đời sống hàng ngày của ta, vào những giờ ta không ngồi thiền? Chúng ta phải học hỏi phương pháp thực tập để mỗi bài thi kệ, mỗi phút ngồi thiền, mỗi bước chân thiền hành ảnh hưởng đến suốt ngày của ta. Mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi dòng tư duy đều có ảnh hưởng của nó. Cho dù chỉ một cái vỗ tay của tôi thôi cũng ảnh hưởng khắp mọi nơi, ảnh hưởng đến cả những tinh hà. Mỗi cái ngồi, mỗi bước chân, mỗi nụ cười đều ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của ta và của những người khác. Sự thực tập của ta phải được dựa trên nền tảng đó.

Khi ngồi thiền hay đi thiền hành, chúng ta phải để ý đến chất lượng mà không phải là số lượng. Chúng ta phải thực tập một cách thông minh. Phải chế tác ra những phương pháp thực tập thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta.

 

 

Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một người phụ nữ chuyên niệm danh hiệu Bụt A Di Đà. Mỗi ngày bà đều dùng chuông mõ để niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” ba thời, mỗi thời một tiếng đồng hồ. Khi niệm đến một ngàn lần thì bà thỉnh chuông. Mặc dù đã thực tập như thế cả 10 năm rồi nhưng bà vẫn là một người khá hẹp hòi, ích kỷ và hay chửi mắng người khác.

Người láng giềng của bà thấy vậy, muốn dạy cho bà một bài học, nên một ngày nọ sau khi bà ta dâng hương, thỉnh ba tiếng chuông và bắt đầu tụng: “Nam Mô A Di Đà Phật” thì ông ta đến ngay cửa nhà bà và gọi: “Bà Nguyễn, bà Nguyễn”. Bà rất bực mình vì đây là lúc bà đang tu mà ông ta cứ đứng trước nhà gọi tên bà. Bà tự nhủ: “Mình phải chiến thắng cơn giận của mình mới được, mặc kệ ông”. Rồi bà tiếp tục: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”

Người đàn ông tiếp tục gọi lớn tên bà. Cơn giận của bà càng lúc càng dữ dội hơn. Bà đấu tranh với nó rồi tự hỏi: “Liệu mình có nên ngưng tụng mà ra mắng cho ông ta một trận không?” Tuy thế bà ta vẫn tiếp tục tụng và đấu tranh gắt gao hơn. Ngọn lửa giận dữ bốc lên nhưng bà vẫn tiếp tục: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Người đàn ông biết được và tiếp tục kêu lớn: “Bà Nguyễn, bà Nguyễn”.

Không chịu được nữa, bà quăng chuông mõ, chạy ra cửa và la lên: “Ông không biết tôi đang niệm Phật hả? Sao ông cứ gọi tên tôi hoài vậy? Ông đang làm cái trò gì thế?” Người đàn ông cười và nói: “Tôi mới gọi tên bà có mười phút mà bà đã nổi giận đùng đùng như vậy, thử hỏi bà gọi tên Bụt cả mười năm nay thì Bụt giận đến cỡ nào?”

Do đó, vấn đề không phải là làm nhiều  mà là làm đúng. Nếu thực hành đúng chúng ta sẽ trở nên tử tế hơn, dễ thương hơn, có hiểu biết và thương yêu hơn. Khi ngồi thiền hay đi thiền hành chúng ta nên để ý đến chất lượng mà không phải đến số lượng. Nếu chỉ để ý đến số lượng thôi thì chúng ta chẳng khác gì bà Nguyễn. Tôi nghĩ rằng bà đã học được bài học của mình và sẽ làm tốt hơn.

 

Bóng dáng Thầy

(Sư cô Chân Trăng Bồ Đề)

Dưới khung trời xanh tươi đầy nắng
Con bỗng thấy
Bóng dáng Thầy…

Đoàn thiền hành đã dừng lại trên đỉnh đồi, cùng ngắm trời xanh, thưởng thức nắng ấm. Phút giây ấy không có sự hiện hữu của cái ngã riêng biệt. Trong vườn hoa tăng thân, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có một cách thức riêng để tiếp nối Thầy. Nhiều khi tưởng chừng như khó có được tiếng nói chung. Tuy vậy, con thấy chừng nào mọi người còn trân quý những giá trị Thầy để lại như bước chân, hơi thở, trân quý những giờ thiền hành, chừng đó tăng thân vẫn còn một hướng đi chung.

Chuông nhà thờ đang vang vọng từng hồi trong không gian thênh thang. Phút giây này tăng thân đang hòa chung nhịp thở…

Mùa an cư này, giờ thiền hành trong ngày xuất sĩ vào thứ Năm hàng tuần thật sự trở thành cơ hội cho con thực tập dừng lại, buông xuống những suy tư, những bận rộn, trở về với hiện tại, và đơn giản nhận ra rằng mình đang bước đi. Sau hai tiết học, không còn gì tuyệt vời hơn việc được ra ngoài hít thở không khí trong lành, chơi với thiên nhiên:

“Rậm lục thưa hồng chuông gợi bước
Chân hôn mặt đất mắt ôm trời
Ngàn xưa một thoáng, mùa tuôn dậy
Tuyết cũng màu xanh, nắng cũng rơi.”
(Cúc cu đúng hẹn, thơ Thầy Làng Mai)

Đây là giờ “ra chơi” của con. Nhớ lúc còn đi học, chỉ trông tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên để gấp sách vở lại, cùng bạn bè ùa nhau xuống căng-tin mua quà vặt. Hai lớp học vào sáng thứ Năm thật sự cho con cảm giác quay trở về những tháng ngày làm bạn với con chữ, với bảng đen, phấn trắng. Vượt ra ngoài công thức truyền thống “sáng pháp thoại, chiều pháp đàm”, quý thầy, quý sư cô lớn đã vì anh chị em con mà mở ra nhiều lớp học trong mùa an cư này. Có lớp tìm hiểu về tác động của não bộ và thân thể lên đời sống của sư cô Hội Nghiêm, lớp tâm lý học Phật giáo của sư cô Tuệ Nghiêm, lớp Đạo đức học so sánh của sư cô Hiến Nghiêm,… Những lớp học đã thành công khơi gợi cảm hứng, đem lại một sức sống mới riêng biệt cho mùa an cư 2023-2024 đáng nhớ này.

Học 10 hiểu 1

Cảm hứng và nhiệt huyết trao truyền của quý thầy, quý sư cô giáo thọ đứng lớp dường như là vô tận. Sư mẹ Chân Đức vừa kết thúc lớp học thứ nhất dành cho những vị muốn đào sâu, tìm hiểu thêm về giới luật thì đi ngay đến địa điểm thứ hai để dạy lớp tiếng Pali. Sư mẹ dạy chúng con phiên bản tiếng Pali của những bài kinh quen thuộc như kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Người biết sống một mình, kinh Quán niệm hơi thở,… với tất cả lòng bao dung và sự kiên nhẫn.

Thực tế chứng minh rằng nhiệt huyết của người trao truyền không giới hạn nhưng khả năng tiếp thu của học trò là… có giới hạn. Nhiều khi con không khỏi cảm thấy xấu hổ với trình độ học 10 hiểu 1 của mình. Thường thì anh chị em con sẽ thay phiên nhau đọc lên một câu kinh tiếng Pali rồi sau đó dịch ra theo cái hiểu của mình. Lần nào đến lượt con, con cũng hết sức cố gắng bày tỏ thiện chí muốn làm quen với các bạn chữ cái nhưng mặc kệ thái độ thành khẩn của con, các bạn ấy vẫn nhất quyết làm lơ rằng chúng ta không quen nhau, khiến con chỉ biết ấp a ấp úng tìm lối thoát trong sự rối rắm của mình. Nhiều khi câu trả lời theo quán tính, “may nhờ rủi chịu, một chết hai sống” của con khiến cả lớp được một phen cười ầm lên.

Thật ra các anh chị em trong lớp rất đoàn kết, một người “gặp nạn” là cả lớp đều quăng “phao” đến tới tấp để cứu nhưng… khổ nỗi là nhiều phao quá, trong lúc nhất thời bối rối lại không biết nên bám lấy cái nào để sống sót. Cũng may Sư mẹ rất từ bi, trả lời đúng hay không đúng Sư mẹ đều cho qua lượt cả, khiến con thở phào nhẹ nhõm.

Mặc dù học 10 hiểu 1 nhưng sau ba tháng “lấy cần cù bù thông minh”, với sự dìu dắt của Sư mẹ và sự khích lệ của các bạn đồng tu, con cũng thu nhặt được vài chữ bỏ túi, cũng thuộc được đoạn kinh xưng tán Tam bảo làm vốn liếng:

“Itipi so bhagavā arahaṁ sammā-sambuddho,
Vijjā-caraṇa-sampanno sugato lokavidū,…”

Mỗi giờ đến lớp là một niềm vui

Sau năm buổi học chung với nhau về đại cương giới luật, anh chị em chúng con có ba lựa chọn cho tiết học thứ nhất: một là tiếp tục học với Sư mẹ Chân Đức để đi sâu vào giới luật, đóng góp ý kiến về việc tân tu giới bản, hai là tham dự lớp văn hoá xuất sĩ của thầy Pháp Hữu, ba là lớp áp dụng pháp môn Thầy trao vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của thời đại nơi xã hội Tây phương do thầy Trời Bảo Tạng và sư cô Trăng Tam Muội đứng lớp. Đọc hết một lượt ba chủ đề, con thấy tò mò và có cảm hứng học hỏi thêm về văn hoá xuất sĩ. Thế là con ghi danh tham dự lớp này. Tuy có khác tí xíu so với hình dung ban đầu của mình, con vẫn thấy rằng mỗi giờ đến lớp là một niềm vui.

Chúng con được nghe về “sự tích ra đời” của chương trình xuất gia 5 năm, của pháp môn Thiền ôm, của sự thực tập Lạy nhau đầu năm, cách Thầy giản lược những hình thức lễ nghi tôn giáo để đạo Bụt thật sự đi vào xã hội Tây phương trên nền tảng của thực tập chánh niệm,…

 

Phong thái tự nhiên, cách kể chuyện dí dỏm và tinh thần cởi mở của thầy Pháp Hữu khiến anh chị em chúng con có thật nhiều cảm hứng để lắng nghe. “Các sư em biết không, khi sư anh và một nhóm các vị xuất sĩ trẻ lần đầu tiên biểu diễn nhảy hip hop và hát nhạc rap trước chúng, có nhiều vị đã đặt câu hỏi rằng những điều ấy có phù hợp với phong cách của một vị xuất sĩ và có thích hợp trong môi trường tu viện. Việc đó đến tai Thầy và Thầy đã gọi sư anh lên Sơn Cốc. Ngồi trước mặt Thầy, sư anh nghĩ thế nào mình cũng bị Thầy rầy. Thế nhưng không, Thầy chỉ mỉm cười và nói với sư anh một câu thôi: “This is my kind of Buddhism!” (Đó là phong cách đạo Bụt của Thầy!).

Đằng sau ngôn từ, con thấy được ngọn lửa nhiệt huyết bất diệt mà Thầy đã thành công khơi dậy và nuôi dưỡng nơi người học trò bé bỏng Pháp Hữu năm xưa. Để giờ đây, ngọn lửa ấy lại lan tỏa ra thế hệ chúng con. Con thấy được phần nào con người, tính cách, tuệ giác của Thầy thông qua hình ảnh phản chiếu trong lòng người dạy. Con cảm nhận được điều mà người dạy nỗ lực trao truyền cho chúng con là tinh thần, là tuệ giác, là con người của Thầy.

 

Như đế châu ảnh chiếu

Tập nhìn bằng con mắt vô tướng, bóng dáng Thầy bàng bạc trong tăng thân: nơi con đường với hàng tùng xanh thẳng tắp, nơi đồi Bụt, thất Ngồi Yên,… nhưng nhiều nhất và sâu đậm nhất có lẽ là trong lòng những sư anh, sư chị lớn của con. Nếu có người nói: “Thầy là một người rất bảo thủ, luôn muốn giữ lại những tinh hoa, những nét đẹp của truyền thống đạo Bụt”. Con tin. Tương tự, nếu có người nói: “Thầy là người rất chịu chơi, luôn sẵn sàng thử nghiệm những cái mới”. Con cũng sẽ không ngần ngại mà tin ngay.

Mỗi người học trò gặp Thầy ở những thời điểm khác nhau, mà sắc, thọ, tưởng, hành và thức của Thầy cũng biến chuyển không ngừng như bao sự vật, sự việc khác của dòng chảy sự sống. Chẳng có ai tự tin rằng mình nắm bắt được Thầy 100% bởi Thầy là một thực tại linh động không thể nắm bắt được. Cái mà chúng ta lưu giữ lại có chăng là một hình ảnh phản chiếu của Thầy trong tâm thức mỗi người. Nó vừa thật mà lại vừa không thật.

Con nhớ Sư mẹ Chân Đức kể rằng sau khi trở về lại Làng từ chuyến đi Ấn Độ, Thầy đã tặng Sư mẹ một cuốn từ điển Pali. Sư mẹ bắt đầu học tiếng Pali từ dạo ấy. Con nghĩ ngoài tình thương lớn, đọng lại trong lòng mỗi người học trò sâu sắc nhất có lẽ là sự thấu hiểu của Thầy. Thầy biết quán căn cơ của từng người, đặt họ ở những vị trí thích hợp sao cho mỗi người vừa được là chính mình vừa phát huy được thế mạnh của bản thân mà đóng góp vào công trình xây dựng tăng thân.

Với con, tăng thân như chiếc lưới đế châu của vua Trời Đế Thích. Trong đó, mỗi người là một viên ngọc phản chiếu hình ảnh Thầy và đồng thời phản chiếu chính mình. Khi nghe những lời chia sẻ về Thầy, không cần khởi niệm đúng sai, chỉ tùy theo nhận thức của con ở thời điểm đó mà con quyết định hướng đi cho mình. Trên con đường con bước, trong chuyến hành trình của mình, thỉnh thoảng con nghĩ con đã chạm đến được lòng Thầy.

 

 

 

Bóng dáng Thầy trong con

Con không trải qua thời chiến tranh, không có mặt cùng Thầy trong những buổi đầu Làng mở cửa, cũng không theo chân Thầy trên bước đường du hóa nhưng có những thời khắc con cảm nhận sâu sắc rằng mình hiểu được Thầy, cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Bóng dáng Thầy trong con là vầng sáng lóe lên giữa đêm tối. Dù dải ngân hà đã lặn hết ánh trăng sao, con vẫn thấy Thầy thắp lên cho con ngọn lửa của niềm tin và hy vọng…

“Ai biết được giữa màn đêm u uất, có đứa bé đang ngồi khóc lặng thinh?”. Trong cơn giông tố ngập trời, Thầy đã hoá hiện thành những vần thơ vỗ về an ủi, cho con sự ấm áp và thấu hiểu, nhẹ nhàng giúp con hong khô những giọt nước mắt:

“Tôi bưng mặt trong lòng hai bàn tay
Có phải để khóc đâu anh
Tôi bưng mặt để giữ cho ấm áp sự cô đơn
Hai bàn tay chở che
Hai bàn tay nuôi dưỡng
Hai bàn tay ngăn cản
Sự ra đi hờn dỗi của linh hồn.”
Ấm áp, thơ Thầy Làng Mai

Thi hào Nguyễn Du nói rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Thầy là đỉnh trầm đã cháy hết nhưng hương thơm vẫn lưu chuyển trong không gian mãi đến ngàn sau…