Làm sao khuyên các bạn cùng tu

Hỏi: Con năm nay 26 tuổi, con học Nha, con mới ra trường khoảng 1 năm, con thường sinh hoạt trong nhóm sinh viên ở trong Chùa (quận 10). Con thấy trong các chùa hầu như đều có GĐPT, nhưng nhóm sinh viên thì thật hiếm hoi. Bây giờ muốn huy động các bạn tham gia thật khó! Khi rủ ngồi thiền hay đọc kinh thì nhiều bạn cho mình mộ đạo quá, thậm chí hơi “điên”.

Sư cô Chân Không xin chia sẻ:

Hồi là một cô bé 16 tuổi, sư cô cứ nhìn các trẻ em đường phố, đứa đi đánh giày kiếm tiền, có đứa xin ăn khi đói. Hỏi chúng tại sao không đi học. Chúng bảo vì cha mẹ không đủ tiền nuôi ăn. Cô bé (là sư cô ngày xưa) đã tự hỏi: Tại sao mình có cơm ăn áo mặc, lại còn được đi học còn các em kia thì không được? Cô bé thấy phải làm cái gì cho các em, không làm thì bất công quá đi mất. Cô bé tới các nhà quen xin bác chủ nhà rằng: Trước khi bác nấu cơm cho gia đình, bác đong xong 3 chén gạo vào nồi của bác, con xin bác nắm bớt lại một nắm gạo bỏ vào bao nầy để dành cho con. Bác kể như ngày nào ăn cơm cũng còn một ít gạo thừa dính trong nồi bác sẽ đổ ra cho chim chóc ăn. Gạo thừa cho chim đó, nó tương đương với một nắm gạo mà bác cho con. Sáng một nắm, chiều một nắm, để cuối tháng con đến xin góp nhặt lại từ nhiều gia đình, con sẽ cấp cho mỗi trẻ em nhà nghèo 16 ký gạo để các em được đi học như con. Hơn nữa con muốn xin bác cho con một đồng VN mỗi tháng (cách đây 50 năm! Giống như bây giờ em xin thiên hạ hai ngàn đồng mỗi tháng vậy) để con góp lại tìm cách gầy vốn buôn bán cho một bà mẹ thất nghiệp mà phải lo ăn cho mấy mẹ con. Bác Năm nói : “Một đồng ít quá bác cho con 10 đồng, con chịu không ?” Cô bé trả lời: “Nhưng bác có cho con 10 đồng mỗi tháng không? Thôi con xin một đồng của bác nhưng bác cho con hoài hoài mỗi tháng bác nhé. Rồi bác cho phép con cũng xin các con của bác như anh Ba một đồng nè, chị Tư một đồng, anh Năm một đồng, chị Sáu một đồng mỗi tháng. Rồi con của anh Ba nữa, nó cũng cho được một đồng mỗi tháng mà. Thế là mỗi người trong gia đình bác Năm đều tham dự đóng góp cho công tác nhỏ xíu này của con. Được không thưa bác? ” Bác thương cô bé quá, đồng ý ngay. Cô bé kêu gọi mọi người đóng góp, từ chị giúp việc đến bác tài xế. Cuối cùng ra khỏi nhà bác Năm, cô bé có 9 người ủng hộ mỗi tháng 1đồng X 9 người = 9 đồng và l bịt gạo. Xin rất dễ nên cô bé rủ em gái cũng làm như vậy, bạn bè cũng làm như vậy và mỗi tháng 4 đứa rồi 6 đứa rồi 16 rồi 69 người trẻ như cô bé tới chùa, đổ gạo xin được ra mỗi tháng. Chia thành từng bao 16 ký để giúp mỗi em và đi chăm sóc cho các em bé nghèo ở các ổ chuột thành phố. Nghe tới đây em có sáng kiến chưa? Đừng than là làm từ thiện không biết lấy tiền từ đâu. Từ lòng thương của mình sẽ tiết ra nhiều sáng kiến lắm. (Nếu rủ bạn làm từ thiện mà họ có hỏi đạo Phật hay đạo Chúa? thì em cứ chỉ công tác cứu khổ này và nói người khổ không có đạo nào hết, không thuộc chùa này hay chùa kia gì hết. Quan trọng là đối tượng giúp đỡ của em có xứng đáng được giúp đỡ không và cái tâm mình có đủ thánh thiện, vô vụ lợi không? ) Bây giờ em có muốn làm từ thiện không? Làng Mai có chương trình giúp trẻ em ở các vùng sâu vùng xa (miệt Tây Nguyên, cha mẹ rất nghèo, làm lụng suốt ngày, gần đó không có trường mẫu giáo…) Cứ hễ có được 25 em từ 20 mươi tháng đến 5 tuổi là mình ráng trả lương cho một cô giáo và một cô bảo mẫu theo dõi tắm rửa cắt móng tay, dạy hát dạy chơi. Cứ mỗi 25 em mình cần 2 người. Một người dạy hát, dạy vẽ, dạy chơi và học ABC, còn một người nấu ăn trưa, giặt giũ cho các cháu vì nhỏ quá đã ị dơ… trong khi mẹ chúng đi làm ngoài nương, rừng. Lương tháng mỗi cô giáo hay bảo mẫu chỉ có 400.000 thôi và tiền ăn trưa mỗi cháu mỗi buổi là 2.000 đồng + 1.000 đ của ba má cháu phụ. Mỗi tháng em dẫn các bạn đem gạo hay đem tiền lên cho các cháu.
Kế bên 95 lớp bảo mẫu có 350 tu sĩ tu theo pháp môn Làng Mai rất cần một vài nha sĩ phát tâm bồ đề lên Tu Viện chữa răng dùm quý thầy và quý sư cô. Có một số Phật tử VN ở Đức đang cúng tiền trang bị phòng nha tại Tu Viện. Em có thể mời bạn lên tu viện xem: một mặt giúp chữa răng các thầy sư cô cần chữa răng. Một mặt cho trẻ em nghèo cực quanh vùng được chữa miễn phí. Thuốc men Làng Mai sẽ tìm người phụ vào. Em nghĩ sao?

Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng

Tăng thân Mây Thong Dong là một tăng thân cư sĩ ở Đà Nẵng tu tập rất hòa hợp và có nhiều hạnh phúc. Cái đặc biệt của tăng thân Mây Thong Dong là những đám mây “lão thành” bay thong dong cùng với những đám mây “non”. Những thiền sinh trẻ tu tập chung với các thiền sinh “không còn trẻ” một cách rất hòa điệu. Điều đó đã tạo hứng khởi cho rất nhiều người trong sự thực tập cá nhân cũng như trong thực tập xây dựng tăng thân. Với nhiều niềm vui, BBT xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Tâm Kiên Định, một thành viên của Mây Thong Dong nhân dịp xuân về.

Anh chị em thương!

Như vậy là không còn bao lâu nữa, chúng ta sẽ cùng nhau bước sang năm mới Quý Tỵ – 2013. Theo lịch của người phương Tây thì năm mới đã bắt đầu từ hơn một tháng nay rồi, nhưng mà trong tâm thức của người phương Đông chúng ta thì năm mới chỉ thực sự bắt đầu khi mình đi qua những ngày Tết truyền thống tính theo Âm lịch. Bởi vậy, mình có may mắn là được ăn Tết hai lần trong một năm với hai khóa tu được tổ chức ở chùa Tổ. Lá thư này được gửi đến anh chị em khi mà ngoài kia trời đất đang chuyển mình để bước sang một mùa xuân mới tràn đầy sức sống và sự sinh sôi. Sư ông gọi mùa xuân là mùa tuôn dậy. Một một cách gọi thật hay và ý nghĩa.

 

Ăn Tết “lần một” trong khóa Tu tại chùa Tổ

Rõ mặt đôi ta

Những ngày gần cuối năm này, Kiên Định lại được về nhà đoàn tụ với gia đình huyết thống lẫn gia đình tâm linh. Lẽ tất nhiên, khi mình thực tập thì đi đâu mình cũng thấy được sự có mặt gia đình huyết thống lẫn tâm linh ở trong từng bước chân và hơi thở của mình rồi. Nhưng việc được nhìn thấy nhau, được ngồi cạnh những người thương quý là một hạnh phúc lớn lao của mình. Mình đọc truyện Kiều đến đoạn Thúy Kiều trở về đoàn viên với gia đình sau mười lăm năm lưu lạc khắp chân trời góc biển thì cụ Nguyễn Du đã cho mình thấy được cái hạnh phúc rất lớn của nàng lẫn những người thương quý của nàng. Mười lăm năm với bao biến cố, gia đình Kiều tưởng chừng như Kiều đã chết rồi nên lập đàn giải oan bên sông Tiền Đường. Vậy mà, cuối cùng một sự tình cờ đã đưa họ gặp lại nhau. Gặp lại những con người đang đứng đó bằng xương bằng thịt mà có lúc mình tưởng như không còn thấy mặt được nữa. Hạnh phúc đó lớn đến nỗi mà mình không tin đó là sự thực nữa, mình ngỡ đó như là một giấc mơ:
Tưởng bây giờ, là bao giờ,
Rõ ràng trước mắt, còn ngờ chiêm bao!

Nhìn lại, chúng ta thấy mình có nhiều điều kiện hạnh phúc hơn Kiều ngày xưa nhiều. Mình có gia đình, có bạn bè, có tăng thân, có đầy đủ những điều kiện hạnh phúc ở xung quanh. Mình nghĩ là mình sẽ không phải như Kiều, gặp gia biến rồi lưu lạc nơi này nơi kia thật xa xôi (mà thời nay cũng có điện thoại, facebook nên dẫu có đi xa thì cũng đâu có biệt tăm như Kiều đâu mà sợ phải không?). Nhưng có đôi khi mình đang ở đây, đang ở giữa gia đình, bạn bè, Tăng thân mà chúng ta vẫn phải chịu cảnh lưu lạc như Kiều. Những toan tính, lo nghĩ hay bộn bề công việc kéo mình đi từ ngày này qua tháng nọ. Hay đôi lúc chỉ vì chạy theo những cuộc vui ở bên ngoài mà không còn thời gian để dành cho gia đình. Có những người cả tháng không ăn cơm cùng gia đình hay có ngồi ăn cơm thì cũng lo chạy theo những lo nghĩ về quá khứ hay tương lai. Nếu vậy thì mình ngồi đó để “ăn” những lo nghĩ rồi chứ có ăn cơm đâu. Quán chiếu như vậy, có khi chúng ta giật mình nhìn lại thấy nguy hiểm vô cùng. Mình ngồi đây, mình tưởng mình an toàn nhưng thực tế mình đang phải lưu lạc về quá khứ hoặc tương lai, chuyện này hay chuyện nọ. Nhưng bình thường chúng ta không nhận ra điều đó, nghĩ rằng mình vẫn có mặt ở đây một ngày hai bốn tiếng. Nhưng thực ra chỉ có cái hình hài mình ngồi ở đây thôi, còn tâm thức thì đã lưu lạc ở chốn nào rồi. Đến một khi có biến cố gì xảy ra, giật mình nhìn lại thì mình thấy mình đã đi rất xa, đã đánh mất rất nhiều cái. Mình ở bên người thân nhưng mình chưa có cơ hội nhìn cho rõ mặt nhau, mình rong chơi khắp các tụ điểm để rồi thật lâu chưa ngồi chơi với ba mẹ, mình đi đủ nơi rồi cả tháng chưa có cơ hội về ngồi với Tăng thân để uống một chén trà thơm ngon. Mình đã lưu lạc, đã đánh mất nhiều cơ hội. Nhưng cũng không cần phải tiếc nuối lâu đâu. Nhiều cơ hội mất đi thì cùng lúc đó nhiều cơ hội khác cũng đang mở ra trong hiện tại. Chỉ cần mình dừng lại thôi. Trong truyện Kiều, có một câu mà Tăng thân đã sử dụng như một thiền ngữ để nhắc nhở mình thực tập dừng lại và trân quý những điều kiện hạnh phúc mình đang có:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.

Rõ mặt “đôi ta”

Dựng xây hạnh phúc

Có những người lầm tưởng rằng hạnh phúc là một cái gì đó xa vời mà có khi bỏ cả đời ra để tìm kiếm cũng không thể thấy được. Có người cho rằng có tiền và có nhiều điều kiện vật chất là sẽ có hạnh phúc. Họ cố gắng làm việc, cố gắng để kiếm thật nhiều tiền nhưng rồi họ cũng không có được hạnh phúc. Những tranh giành, chiếm đoạt, thèm khát trên thương trường đôi lúc còn làm họ tổn thương và đau khổ nhiều hơn nữa. Hay ngay cả trên con đường tu học, mình cũng thấy có nhiều người nói rằng không tìm được hạnh phúc, an lạc dù đã tu tập rất nhiều năm rồi. Tại vì họ suy nghĩ rằng Bụt, Niết Bàn, Tịnh độ ở một nơi nào xa xôi lắm, là một cõi đất nào nằm ngoài Hệ Thái Dương mà mình phải “đi tìm” thì mới có được. Cứ như vậy, lẩn quẩn hoài trong những ý niệm đó, họ không thoát ra được những đau khổ bằng những con đường như vậy. Nhìn lại, mình thấy mình may mắn hơn nhiều. Mình có cơ hội để nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt xung quanh, mình thấy ra được hạnh phúc rất giản đơn và gần gũi. Mình sống hết lòng và sâu sắc trong giây phút hiện tại, có cơ hội nhìn rõ mặt ba mẹ mình, anh chị em hay người thương, có Tăng thân cùng tu học. Đó là một hạnh phúc rất lớn. Mình không phải tìm đến nơi núi non heo hút, xa lánh tất cả mới có an lạc. Trong từng bước chân, hơi thở mình tiếp xúc sâu sắc với đất mẹ. Mắt thấy trời xanh mây trắng, tai nghe lá reo, chim hót… Mình thấy niềm vui và hạnh phúc, đem niềm vui và hạnh phúc đó hiến tặng cho mọi người. Vậy thì Tịnh độ đang ở ngay dưới chân mình rồi đâu cần phải tìm kiếm nữa. Biết rằng hạnh phúc có được không phải do sự kiếm tìm nên mỗi phút giây cùng nhau sống sâu sắc và thảnh thơi là mình đã xây dựng nên hạnh phúc rồi.

Ai cũng vui

Rong chơi trời phương ngoại

Nghe hay đọc những câu chuyện trong sử sách thì mình thấy ngày xưa tổ tiên mình có nhiều hạnh phúc, thảnh thơi. Có các vị Nho sĩ ra làm quan phò vua giúp nước, sau một thời gian thì xin cáo lão về sống nơi thôn dã và dành hết thời giờ để du ngoạn đây đó, thăm thú cảnh đẹp nước non. Cụ Nguyễn Trãi sau khi về ở ẩn nơi Côn Sơn đã để lại những vần thơ mộc mạc nhưng không kém phần tài hoa. Cụ Nguyễn Du ngày xưa cũng đã từng đi bộ dạo chơi khắp chín mươi chín ngọn của dãy núi Hồng Lĩnh. Ngay cả tổ tiên mình khi là nông dân một nắng hai sương cũng có rất nhiều hạnh phúc. Ông bà ngày ngày chịu mưa nắng trên đồng ruộng, cực khổ vô cùng nhưng nụ cười, những câu hò hát không bao giờ thiếu vắng. Tổ tiên ngày xưa giỏi hơn chúng ta trong việc xây dựng hạnh phúc nhiều. Kho tàng ca dao, tục ngữ vô tận còn lại đến ngày nay chính là minh chứng sinh động cho điều đó.

Hôm trước, Kiên Định đã có một chuyến đi từ Sài Gòn về Long An chung với các anh chị em Xuân Phong bằng xe đạp. Đạp xe suốt hơn năm mươi cây số trên con đường chạy bên dưới đường cao tốc men theo những đồng lúa hay dòng sông, khung cảnh đẹp vô cùng. Cứ đạp xe thong thả, khi nào mệt thì nghỉ ăn trái cây, ca hát rồi lại đi tiếp. Có khi vừa đạp xe vừa hát nữa. Mình có cả ngày để rong chơi, bỏ lại những lo lắng về công việc nên không việc gì phải vội vàng cả. Tới nơi lại cùng nhau đi hái dừa, đi ngắm hoàng hôn. Buổi tối cúp điện thì ra ngoài hiên thiền trà, ngắm trăng lên. Đó cũng chính là cách xây dựng hạnh phúc mà chúng ta được tiếp nhận từ tổ tiên. Mình không cần phải tới những tụ điểm giải trí đông đúc mà vẫn thấy vui, thấy hạnh phúc. Mình không cần tới những sản phẩm công nghệ hay vật chất hiện đại mà vẫn tìm được những niềm vui. Làm được những điều nho nhỏ đó thôi đã là một thành công lớn của mình rồi.

Đi chơi núi

Chỉ còn ít lâu nữa là mình sẽ cùng nhau đón một cái tết đoàn tụ cùng với Tăng thân, mình lại có thể cùng nhau lạy tổ tiên, nói chuyện và ăn trưa. Hình ảnh anh chị em ngồi với nhau như vậy là một bức tranh về tình huynh đệ rất đẹp đối với mỗi chúng ta. Đó cũng là cách để chúng ta xây dựng hạnh phúc với việc ngồi bên nhau, có mặt cho nhau. Mình lạy tổ tiên đầu năm để tỏ lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên tâm linh và huyết thống. Nhưng ngay trong đời sống hàng ngày, mình phải làm sao để có thể tiếp nối được công trình xây dựng hạnh phúc mà tổ tiên đã làm trong mấy ngàn năm qua thì đó mới là cách biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc hơn cả.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc thêm một câu nữa trong truyện Kiều:
Nghe tin, nở mặt, nở mày
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?

Xuân tới, mình lại về bên nhau, còn có cơ hội để nhìn rõ mặt nhau,bày tỏ tình thương yêu với nhau, đó là một tin mừng rất lớn đối với mỗi người. Chúng ta hãy cùng nhau trân quý điều đó.

Tháng Chạp năm Nhâm Thìn

Tâm Kiên Định

 

Ngày nay bên nhau

Ngọn lửa ngày đông – Lá thư từ Paris

Đây là lá thư của một em thiền sinh trẻ sinh hoạt với tăng thân ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris. Đọc thư em các bạn sẽ cảm được niềm vui và niềm tin ở sự thực tập của em, song song với sự nương tựa và tin cậy của em đối với Bụt, Pháp, với Thầy và với Tăng thân. Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ. BBT

Pháp đàm

Tăng thân Hơi Thở Nhẹ thương quý,

Tối nay, 24/12/2012 là một dịp để những gia đình theo truyền thống Phương Tây được ngồi bên nhau và chia sẻ với nhau những niềm vui trong giờ phút đoàn tụ.

Tối nay con may mắn có thời gian để ngồi viết thư này, chia sẻ với quý cô bác và anh chị em về những niềm hạnh phúc mà con đã có từ hôm qua tới giờ, mong có thể đóng góp thêm bên cạnh những niềm vui sẵn có của mọi người. Lễ Giáng Sinh ngày nay là ngày lễ gia đình mà, cũng giống như Tết Nguyên Đán ở nhà mình ấy. Lễ Giáng Sinh vốn là ngày lễ mang tính tôn giáo. Con dành tối nay để viết thư cho gia đình tâm linh của con, những người đã ở bên và nâng đỡ con trong thời gian qua.

Hôm qua (chủ nhật 23/12), ngày sinh hoạt ở Thiền đường đã để lại cho con một ấn tượng rất đẹp.

Ngày quán niệm của người Việt kì này không đông như mọi lần, vì nhiều cô bác vắng mặt, có lẽ vì cũng bận đi chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và những việc khác. Nhưng Thiền đường vẫn rất ấm áp và tràn ngập không khí gia đình.

Buổi sáng, đại chúng được nghe bài phỏng vấn Sư Ông do bác Ngọc Ngạn thực hiện (một người nổi tiếng về viết truyện ma hỏi thăm một vị Thầy dạy giáo lí của Bụt). Trà lời phỏng vấn cho chủ đề về mẹ, Sư Ông chia sẻ về đoản văn “Bông hồng cài áo“, qua đó chúng ta được gặp lại những lời dạy giản dị của Sư Ông về tình mẹ con và được nhắc nhở về sự may mắn của mình nếu vẫn đang còn mẹ. Tiếp theo, đại chúng cùng nghe một pháp thoại Sư Ông đã giảng cách đây mấy năm, tiêu đề pháp thoại là “Soi sáng trong gia đình“. Con rất hạnh phúc khi được nghe lại pháp thoại này của Sư Ông. Nghe Thầy giảng thì mình được mở mang, được sáng tỏ nhiều điều, để biết đường mà tu học. Tu học một chút rồi nghe lại pháp thoại thì mình càng hiểu thêm, càng thấm thía, và lại đón nhận mưa pháp một lần nữa để cho những hạt mầm của tình thương và sự hiểu biết trong mình càng lớn thêm. Đại chúng trong tăng thân mình thuộc nhiều lứa tuổi. Có lẽ mỗi người nghe Sư Ông giảng sẽ đón nhận theo những cách riêng, sẽ được đánh động ở những khía cạnh riêng.

Khi nghe pháp thoại “Soi sáng trong gia đình”, được Sư Ông nhắc nhở về tầm quan trọng của việc ý thức được về Tịnh Độ trong gia đình mình, nghĩa là trân quý sự có mặt của những người thương của mình… thì bên trái con là cô Hiệp và em Quỳnh Lan, bên phải con thì có chị Đài Trang và bé An Claire, xung quanh con là tăng thân đang rất chăm chú lắng nghe những lời dạy quý báu của Sư Ông. Con cảm nhận được hạnh phúc của những người mẹ, người con đang có mặt bên nhau trong giây phút ấy.

Chúng ta là những người con, người mẹ, người cha, người chị, người anh, người em, người cháu, người chồng, người vợ… Nếu mình biết trở về với hải đảo tự thân của mình, biết thiết lập Tịnh Độ ở ngay nơi mình đang ở, rồi đón những người xung quanh mình vào không gian thiêng liêng ấy, cho họ cùng bước chân lên mặt đất bình an ấy, thì làm sao mà mình không được an vui, làm sao mà không có hạnh phúc!

Nghe pháp thoại xong, đi thiền hành với tăng thân cũng là khoảng thời gian con rất hạnh phúc. Mỗi lần đi thiền hành với tăng thân, con đều hạnh phúc, nhưng con toàn… nuốt vui vào bụng thôi, hôm nay mới mang ra chia sẻ với mọi người. Sư Ông vẫn dạy tăng thân mình “đi như một dòng sông”, mình đi như thế nào để không còn chạy theo những mộng tưởng viển vông nữa, để tiếp xúc được với những vẻ đẹp thật sự đang hiện hữu trong giây phút hiện tại, dưới mỗi bước chân mình, xung quanh mình, cũng như trong chính mình. Tăng thân là một biểu tượng của sự đoàn kết, của tình huynh đệ, của sự lắng nghe, cảm thông và thanh tịnh. Đi trong tăng thân là đi trong vẻ đẹp nhiệm màu. Đi trong tăng thân và thấy rõ Tăng Thân thì mình sẽ tiếp xúc được (dù chỉ chút chút thôi cũng tốt rồi!) với Phật Thân và Pháp Thân. Chỉ thở và bước đi thôi mà đã chạm tới những sự thật tuyệt diệu ấy rồi!

Bữa trưa, vẫn là ăn cơm nghi thức, nhưng tăng thân quây quần thành một vòng tròn xung quanh một cây thông nhỏ. Con thấy ngồi thành vòng tròn như thế (thay vì ngồi thành hai phía như thường lệ) trong khi ăn cũng rất hay, vì con gần như thấy được tất cả mọi người, và thật sự thuận tiện khi muốn thực hiện việc “ý thức về tăng thân bao quanh”, như trong lời nhắc nhở quán nguyện khi ăn. Ý thức thì không nhất thiết phải nhìn, nhưng khi nhìn thấy bằng mắt thì sự ý thức càng dễ dàng hơn.

Sư cô Gia Nghiêm rất từ bi khi sẵn lòng nhận hướng dẫn thiền buông thư trên Thiền đường, dù lẽ ra sẽ không có thiền buông thư do chưa có ai chuẩn bị để hướng dẫn. Đại chúng rất hoan hỉ. Con cũng thấy rất vui.

Ở nhà dưới, chú Henri cũng vẫn tặng cho mọi người sự có mặt khiêm nhường và tình thương của chú qua những bài tập Viet Tai Chi.

Thời khóa pháp đàm buổi chiều được mở đầu bằng một màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc. Con rất biết ơn các sư cô đã có sáng kiến cho mở đầu buổi pháp đàm bằng chương trình âm nhạc, hơn nữa chúng ta còn may mắn có những người nghệ sĩ rất tài hoa trong tăng thân. Cảm ơn Bảo Ngọc, Quang Khánh, Quỳnh Lan và chú Ứng Long vì đã đóng góp những tác phẩm tuyệt vời. Con thấy rất ấn tượng với sự kết hợp thành công của hai nghệ sĩ dương cầm Quỳnh Lan và Bảo Ngọc, ngẫu hứng mà rất hài hòa. Bé Quang Khánh tặng cho tăng thân một giai điệu violin mượt mà và tươi sáng, trên nền nhạc piano của chị gái, một sự hòa quyện không chỉ có tính nghệ thuật mà còn đong đầy tình thương. Sư cô Nguyệt Nghiêm cho đại chúng hát bài “Một ngón tay nhúc nhích”, hay quá là hay! Lần đầu tiên con nghe bài hát đó, nó quá đơn giản nhưng mà quá đúng, không có ai trong đại chúng hát bài đó mà không cười nắc nẻ cả, hạnh phúc vô cùng! Ở giữa buổi pháp đàm, sư cô Văn Nghiêm còn tặng cho tăng thân bài hát rất dễ thương của sư cô nữa.

Buổi pháp đàm lần này có sự chia sẻ của sư cô Nguyệt Nghiêm, sư cô Văn Nghiêm, sư cô Cảnh Nghiêm, sư cô Phùng Nghiêm, và ngay cả sư cô Vịnh Nghiêm cũng lên tiếng. Có lẽ đây là một dịp may hiếm có để tăng thân mình được nhiều sư cô chia sẻ đến thế trong cùng một buổi, các sư cô nên phát huy nhé!!!

Buổi pháp đàm đối với con rất là nuôi dưỡng. Ngồi nghe mọi người chia sẻ, con được đón nhận trọn vẹn cả ba loại thức ăn là xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Con biết ơn cô Ngọc Anh và chú Ứng Long đã chân thành chia sẻ với tăng thân về kinh nghiệm của bản thân về việc nhận diện tập khí của mình và tầm quan trọng của sự lắng nghe để thiết lập Tịnh Độ trong gia đình. Con thấy chú Tín nói rất đúng, việc cô chú cùng nhau có mặt với tăng thân, đặc biệt trong lúc mình đang có thao thức (khó khăn) lớn, là một cái phước lớn. Nhưng đó không phải chỉ là phước của cô chú, mà còn là phước của tăng thân nữa, khi tăng thân có cơ hội có mặt cùng cô chú thì cả tăng thân cũng đang được nuôi dưỡng rất nhiều.

Chị Đài Trang chia sẻ về kinh nghiệm thực tập trong gia đình cũng rất tuyệt, chị nhắc nhở chúng ta về việc “tưới tẩm hạt giống tốt trong nhau”. Muốn tưới tẩm được hạt giống ở người khác thì chính mình phải tưới tẩm những hạt giống tốt trong mình đã, và cũng phải tránh tưới cho những hạt giống xấu trong mình nữa. Chị gợi lại một lời nhắc nhở của sư cô Phùng Nghiêm là: “Nếu buổi sáng thức dậy mà mình không tiếp xúc với cái gì đẹp thì ngày hôm đó mình sẽ rất khổ, trong suốt 24 tiếng”, và Sư Ông cũng đã dạy mình là: “Thức dậy miệng mỉm cười / Hai bốn giờ tinh khôi / Xin nguyện sống trọn vẹn / Mắt thương nhìn cuộc đời”. Mình bắt đầu ngày mới với ý thức là mình còn đang sống, đang tiếp xúc với sự sống và còn gặp được những người thân, người quen của mình, thì mình may mắn quá rồi, phải không cả nhà?

Buổi pháp thoại này, con thấy tăng thân chia sẻ những điều rất quý báu, con vô cùng biết ơn các sư cô, các cô chú và anh chị.

Mỗi chúng ta đều có thể có những khó khăn trong cuộc sống. Có những khó khăn đủ lớn để khiến chúng ta muốn buông xuôi, muốn vứt bỏ tất cả, kể cả những gì mình rất trân trọng và sợ phải lìa xa. Khi ấy thì sự có mặt của tăng thân là cần thiết. Tăng thân có mặt để yểm trợ năng lượng cho mình, và nhắc nhở mình tinh tấn hơn trên con đường tu học. Tăng thân có mặt cho mình cũng tức là có mặt thay mặt cho Sư Ông, cho chư Tổ, chư Bụt và Bồ Tát nữa. Phước báu lớn biết bao nhiêu! Mình nên trân trọng.

Mình có đường đi rồi, không cần phải sợ nữa. “Khổ đau từng nuôi ta lớn lên” mà, nếu mình gắng tu tập và vượt qua được những khó khăn trước mắt thì mình sẽ lại có thêm cơ hội để trưởng thành, để thêm vững mạnh.

Dư âm hạnh phúc từ hôm qua vẫn chưa hết, thì hôm nay (thứ hai 24/12) con lại được bạn con gửi cho một phim Phật Giáo tên là “Nghịch tử”. Nghe tên phim thì hơi tiêu cực một chút, nhưng đây là một phim điện ảnh được phát hành vào mùa Vu Lan năm qua (tháng 8/2012). Đây là một phim của Việt Nam, đối với con thì nội dung phim khá là nhẹ nhàng và dễ hiểu, nhưng đã truyền tải được thông điệp mở đầu: “Hãy yêu thương và trân quý cha mẹ khi cha mẹ còn sống, đừng để cha mẹ mất rồi mới hối hận thì không kịp nữa”.

Con mong là trong những ngày đông giá lạnh, tình thương sẽ cho chúng ta thật nhiều năng lượng để cả thân thể và tâm hồn của chúng ta luôn ấm áp, có sức mạnh để vượt qua mọi chướng ngại trước mắt, tinh tấn trên con đường tu học để chuyển hóa được khổ đau ở bản thân và góp phần mang lại sự yên vui cho mọi người, mọi loài trên thế giới.

Con thương chào cả nhà,

Đông Hy

Tôi đã vượt qua chính mình

 

Tôi không thể hình dung được cuộc sống của mình trong những lúc khó khăn nhất sẽ ra sao nếu như tôi không được tham gia những khóa tu hay những buổi pháp thoại của Làng Mai được tổ chức ở tu viện Bát Nhã và chùa Pháp Vân.

Tôi sẽ sống bất cần đời ư? Sa ngã ư? Hay sẽ tìm đến cái chết như rất nhiều người khác đã làm nếu như họ rơi vào tình cảnh như tôi?

Nhưng những người xung quanh và ngay cả chính bản thân tôi cũng không nghĩ rằng mình lại có thể bình thản đối mặt với những thử thách mà cuộc đời đã mang lại. Khi sống trong sự bình yên, tôi không ý thức được tầm quan trọng của những gì tôi đã được tu học, thậm chí tôi đã không đả động đến những gì liên quan đến Làng Mai trong suốt thời gian tôi đang sống yên ổn. Chỉ đến lúc phong ba bão táp bất ngờ đổ ập xuống đời tôi, tôi đã vượt qua được nhanh chóng, dễ dàng với những suy nghĩ rất tích cực mà ngay cả tôi cũng bất ngờ về chính mình.

Nhưng những điều tích cực ấy không phải tự nhiên mà có, tất cả nằm sâu trong tiềm thức của tôi, từ những ngày tháng ít ỏi tôi tu học tại tu viện Bát Nhã và nghe pháp thoại ở chùa Pháp Vân, cũng như tự đọc sách, nghe pháp thoại ở nhà. Tôi không ngờ đúng vào lúc tôi cần nhất, những kiến thức ấy lại phát huy tác dụng mạnh mẽ đến thế!

Từ một người đang có đầy đủ những thứ cơ bản trong cuộc sống, một gia đình, một cuộc sống vất chất khá giả, bỗng chốc những thứ ấy lại vuột ra khỏi tầm tay tôi dù tôi đã hết sức cố gắng giữ lấy.Tôi không muốn bình luận lỗi tại ai, vì đâu, tôi chỉ muốn chia sẻ về thái độ bình thản của mình khi đối mặt với cuộc sống mà mọi người nghĩ là khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc sống trước đây của tôi.

Tôi đã từng được học “Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, cuộc sống đích thực là ở hiện tại.” nhưng không để ý đến nhiều. Lúc tôi gặp khó khăn điều này bỗng dưng lại có tác dụng to lớn trong những suy nghĩ tích cực của tôi. Đúng rồi, những gì tôi đã mất đi thì đều đã thuộc về quá khứ rồi còn gì. Còn tương lai ư?  Có ai biết trước được những gì sẽ xảy đến trong giờ phút tiếp theo của cuộc đời mình không? Vậy thì tại sao tôi lại không biết quý trọng cuộc sống hiện tại?

Giờ đây, tôi đang có một gia đình lớn, có cha mẹ, anh chị em ở bên cạnh và có thể giúp tôi những lúc tôi cần đến, dù tôi luôn hạn chế tối đa sự nhờ vả. Tôi đang có một đứa con trai bé bỏng rất thông minh, lanh lợi, đáng yêu vô cùng. Và tôi đang có một công việc ổn định suốt hơn bảy năm qua, dù thu nhập không cao nhưng nếu biết chi tiêu tiết kiệm, như những gì tôi đã được học từ Làng Mai,“thay vì mua năm cái áo thì mua hai cái thôi để bớt đi áp lực kiếm tiền”, thì cũng đủ để tôi có thể nuôi con trai sống qua ngày. Và hai mẹ con tôi còn có được một căn hộ nhỏ xinh, điều quan trọng là tôi và con luôn cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ trong căn hộ này, tôi thấy vẫn may mắn hơn rất nhiều người không có nhà ở hay nhà cao cửa rộng mà lúc nào cũng sống trong đau khổ, bế tắc.

Và còn rất nhiều chuyện tôi muốn chia sẻ khi tôi may mắn được tiếp xúc với pháp môn Làng Mai.

Tôi thấy mình là một người may mắn khi trong một hoàn cảnh mà có thể với những người khác là sẽ rất đau khổ, rất khó vượt qua nhưng tôi lại thấy bình thường, vì tôi biết cảm nhận sự mầu nhiệm của cuộc sống hiện tại. Tôi vui khi thấy những người giàu có về vật chất xung quanh mình  cứ mãi lo toan hết chuyện này đến chuyện kia, họ cứ buồn rầu vì hết lo lắng chuyện này đến chuyện khác. Còn tôi, điều tôi quan tâm nhất bây giờ chính là “Go home, and take care of your self”, tôi luôn quan tâm đến việc quay trở về, chăm sóc chính bản thân mình.

Tôi vun vén từng niềm vui trong cuộc sống hàng ngày để đong đầy thành niềm hạnh phúc và hạn chế tối đa đến mức có thể những suy nghĩ về những gì làm tôi không vui để chúng không chồng chất thành nỗi đau khổ cho mình.

Tôi sẽ chia sẻ tiếp trong những lá thư sau về những gì tôi đã và đang thực tập được.

Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Sư Ông, sư cô Như Hiếu, thầy Pháp Ứng, cô Xuân và tất cả những quý thầy, quý sư cô của gia đình Làng Mai. Và cũng xin tạ lỗi vì đã có một thời gian dài tôi hiểu lầm về những người đã từng ở bên tôi, dù trực tiếp hay gián tiếp, trong những lúc tôi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Thắp sáng ngọn đèn tâm

(Ba ngày thực tập chánh niệm – Mừng ngày giỗ tổ Thiền Sư Khương Tăng Hội nhằm ngày 27, 28, 29 tháng 10 năm 2012)

Ngày thứ nhất:

Thời tiết chuyển từ mưa gió sang nắng đẹp

Buổi sáng đầu tiên của khóa tu. Con thức dậy giờ thức chúng và thấy cổ họng đau rát, con định nhờ sư em bỏ bảng bệnh để nghỉ công phu nhưng ngồi nhớ lại: à, hôm nay ngồi thiền, tụng kinh bên Từ Hiếu mà. Vậy nên con mặc áo, lấy dù đi. Lúc này trời đang mưa. Qua tới thiền đường Trăng Rằm thì con thấy đại chúng đã tĩnh tọa hết rồi. Nhẹ nhàng kiếm cho mình một chỗ ngồi và con trở về với hơi thở. Sáng nay thầy Từ Hải hô canh, giọng của thầy hay quá! Thầy làm thiền hướng dẫn cho đại chúng nữa. Khi đại chúng vừa xả thiền, đi kinh hành thì trời bắt đầu mưa lớn, mưa như trút nước, lại có cả gió, gió rít lên từng hồi, tiếng cành cây khô gãy kêu rắc rắc. Mới đầu con chỉ thấy lo lo nhưng sau đó thì lo thật. Vậy thì phải làm sao đây? Con hỏi và cũng tự trả lời: Chỉ có tu thôi. Dường như đại chúng cùng mang một ước muốn giống nhau là mong trời đẹp hơn để khóa tu được thành công. Đây cũng là một món quà vô giá để cúng dường lên Sư Tổ.  Mầu nhiệm thay, trời đã hết mưa, mây đen đi đâu hết rồi, thay vào đó là cả một bầu trời quang đãng. Sau khi thời công phu là chấp tác, đúng 5h30’ đại chúng cùng nhau làm việc. Người thì quét sân, người lấy nước rửa dọn… ai cũng có công việc của mình theo sự sắp xếp của CTC (Ban chăm sóc). Các bạn thiền sinh cũng lấy chổi đi quét sân cùng quý thầy, quý sư cô.

Thời khóa ngày đầu tiên của khóa tu  giống như một ngày quán niệm tứ chúng. Các bạn thiền sinh đến từ nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Huế… Có 5 gia đình pháp đàm, mỗi gia đình mang tên một loài hoa. Giờ chấp tác buổi sáng đại chúng làm việc theo gia đình pháp đàm. Đến 7h15’ thì có chuông báo giờ ăn sáng. Sáng nay đại chúng ăn sáng tại nhà ăn. Đến 8 giờ có pháp thoại của  thầy Từ Hải và sư cô Tịnh Hằng.

 

Thầy Từ Hải và Sư cô Tịnh Hằng chia sẻ pháp thoại

Thầy chia sẻ về bốn loại thức ăn, sư cô chia sẻ về Pháp Môn Căn Bản. Con ngồi hàng đầu, khi nhìn xuống thấy đại chúng ngồi sao ấm cúng quá, đại chúng ngồi thành hình vòng cung, hết cả thiền đường. Các em nhỏ được ưu tiên ngồi hàng đầu, con là người ngồi ké. Trước khi thầy và sư cô chia sẻ thì đại chúng được hướng dẫn hát thiền ca. Những bài thiền ca đã quá quen thuộc với chúng xuất gia nhưng khi hát cùng các bạn thiền sinh con vẫn thấy hay và rung động như lần đầu được hát.  Đại chúng đang hát rất hay và sôi nổi thì phải ngưng vì giờ pháp thoại đến rồi. Trước khi thầy và sư cô chia sẻ đại  chúng được ngồi thiền có hướng dẫn 15’ để cho tâm mình lắng lại. Bài pháp thoại của thầy và sư cô hay mà gần gũi giúp cho các bạn thiền sinh dễ tiếp nhận. Bên cạnh đó, lời chia sẻ của thầy và sư cô rất thật, xuất phát từ tận đáy lòng đã giúp nhiều bạn thiền sinh thay đổi được cách sống cũng như cái nhìn đối với cuộc đời. Điều này được sáng tỏ hơn khi tham dự pháp đàm, lắng nghe các bạn thiền sinh lần đầu đến tham dự chia sẻ con thấy xúc động vì những cái con tưởng như bình thường, giản đơn nhưng với người khác chẳng đơn giản chút nào, nó rất ý nghĩa. Nhiều bạn chia sẻ  là rất hạnh phúc khi được tận hưởng không khí bình an, trong lành ở chùa.

Giờ thiền hành sáng nay con hạnh phúc lắm khi nhìn đại chúng. Đại chúng đứng thành vòng tròn, cùng nhau tập hát thiền ca. Con đưa mắt nhìn quanh thấy khuôn mặt ai cũng rạng ngời. Sáng nay Sư Tổ cùng đi thiền hành với chúng con.

 

Thiền hành quanh hồ bán nguyệt

Bữa cơm trưa nay đại chúng vẫn theo nghi thức quá đường. Con ở lại rửa dọn nhưng dù cho không có mặt đó con vẫn biết rằng năng lượng của đại chúng rất hùng. Những ai lần đầu được ăn cơm im lặng thì cũng hạnh phúc rất nhiều. Bữa cơm chiều đại chúng ăn cơm theo gia đình pháp đàm. Các thành viên của gia đình con tuy không đầy đủ nhưng không vì thế mà mất đi niềm vui. Những ai có mặt đó cũng đều cống hiến hết lòng sự có mặt của mình. Bánh canh chiều nay tuy có hơi mặn nhưng tất cả đều thưởng thức trong niềm vui. Cả gia đình ăn chiều trong im lặng, khi có tiếng chuông báo hết giờ im lặng thầy chủ tọa gia đình nói: bánh canh còn, ai đói bụng thì mời dùng thêm. Có những bạn trẻ lần đầu tiên  thực tập mà giỏi quá. Gia đình con  còn có nhiệm vụ rửa dọn nữa, cả gia đình cùng nhau làm việc trong niềm vui và phấn khởi.

 

Ăn cơm theo nghi thức quá đường

Buổi tối có Ngồi Thiền – Tụng Kinh – Sám Pháp Địa Xúc. 7h30’ mới bắt đầu hô canh nhưng 7h15’ đại chúng đã ngồi yên hết rồi. Con chỉ thấy đại chúng giỏi thôi. Con đường từ Diệu Trạm tới thiền đường Trăng Rằm đã được thắp sáng. Cả ngày hôm qua tri bảo trì đã làm việc rất tích cực để có con đường sáng cho đại chúng đi. Sau giờ công phu thì trăng đã lên cao. Bước chân ra khỏi thiền đường đại chúng ai cũng phải thốt lên là trăng đẹp quá. Ông trăng tròn lấp ló sau lùm cây, trời sáng quá. Không gian thật yên ắng, chỉ có tiếng ếch nhái đó đây. Có lẽ chúng đang cùng nhau chơi đùa dưới ánh trăng, trên bãi cỏ non. Chị em con cùng nhau ra về mà trong lòng vui như mở hội. Các bạn thiền sinh cũng thực tập im lặng hùng tráng rất giỏi. Khi chuông báo giờ chỉ tịnh vang lên thì ai nấy đều trở về với chính mình. Con trở về với góc học tập quen thuộc và giở vở công phu ra, viết lại một ngày đã trôi qua…

Ngày thứ hai:

Con có Bụt có Tổ

Bụt Tổ có trong con

Sáng nay vẫn như sáng hôm qua. Đại chúng thức dậy lúc 3h45’. Hôm nay có Tụng năm giới ở thiền đường lớn còn quý thầy thì tụng giới ở chánh điện. Thiền đường ít người hơn, quý thầy chỉ có mười người vì có như vậy buổi tụng giới mới thành. Nhưng không vì thế mà năng lượng đi xuống, màu y hậu đã làm cho thiền đường càng thêm trang nghiêm và ấm cúng. Con tin rằng 5 giới cũng giúp cho chúng cư sĩ sống tốt hơn với gia đình và xã hội. Vẫn như sáng hôm qua, sau giờ tụng giới là chấp tác rồi ăn sáng. Đại chúng cùng nhau ăn sáng tại nhà ăn của quý thầy.

Sáng nay thầy Từ Thông cho pháp thoại. Thầy nói về cuộc đời và sự nghiệp của Sư Tổ. Đi theo bài pháp thoại của thầy con thấy mình đang được sống cùng Tổ. Rứa mới biết ngày xưa tổ tiên của chúng ta giỏi như thế nào. Nhìn vào Tổ con thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh. Năng lượng của Tổ, của đại chúng đã làm cho thời tiết trở nên đẹp. Hôm nay trời đẹp hơn hôm qua, có nắng vàng, gió mát.  Nắng cũng muốn vào nghe pháp thoại nên ánh nắng đã chiếu vào thấu cả thiền đường. Thầy nói pháp thoại khi nào cũng hay. Bài pháp thoại của thầy kể còn dài nhưng đã 10h kém 15’ nên phải nghỉ để còn có giờ thiền hành. Hôm nay, giờ hát thiền ca trước khi đi thiền hành có đàn và trống. Thầy Từ Hải đánh trống, em Hải đánh đàn (Hải là cháu thầy Pháp Niệm). Thầy và em là những người đánh trống và đàn rất giỏi. Tiếng trống và tiếng đàn làm cho lời bài hát dễ đi vào lòng người. Nếu chỉ có một việc hát thôi thì đại chúng hát đến giờ cơm trưa luôn cũng được nhưng đến giờ đi thiền hành rồi. Chùa Tổ càng thêm đẹp và yên bình khi có nhiều thật nhiều bước chân an lành đặt lên mặt đất. Vẫn con đường quen thuộc ấy nhưng hôm nay con thấy đẹp và thiêng liêng quá. Sau giờ thiền hành là giờ cơm trưa. Bữa cơm trưa nay vẫn là ăn cơm quá đường. Sau giờ cơm trưa đại chúng được tham dự thiền buông thư. Trưa hôm qua đại chúng đã rất hạnh phúc được thầy Pháp Xứ hướng dẫn thiền buông thư. Trưa nay đại chúng lại có thêm cơ hội thực tập thiền buông thư dưới sự hướng dẫn của quý sư cô.

Thời khóa buổi chiều vẫn là pháp đàm. Ai cũng ý thức rằng chỉ còn buổi pháp đàm này nữa thôi nên sự chia sẻ của đại chúng sâu sắc hơn. Sau giờ pháp đàm là giờ thể dục thể thao. Chiều hôm nay cũng như chiều hôm qua, tinh thần chơi chung của đại chúng rất cao. Đúng là tuổi trẻ. Những ai tuổi có hơi cao một chút nhưng vô chơi cũng thành tuổi trẻ. Người cầm còi vẫn là thầy Từ Hải. Thầy có thật nhiều trò chơi, chơi mãi cũng không hết trò, chỉ có hết giờ thôi. Dù cho chơi có phân thắng bại nhưng không vì thế mà xảy ra tình trạng mất đoàn kết. Anh em vẫn là anh em. Có những em tuổi thật nhỏ mà chơi thật giỏi,  cũng có bác tuổi thật lớn mà chơi thật trẻ. Đúng là khi đã vô chơi thì vô tranh, vô ngại. Tình huynh đệ, anh em là trên hết.

Pháp đàm

Thời khóa tối nay là Đại Thiền Trà vì trưa mai là chia tay rồi. Ngồi trong vòng tròn cùng đại chúng con thấy thật ấm cúng. Con thầm cám ơn CTC đã chuẩn bị thiền đường cho buổi thiền trà thật ấm cúng. Đưa mắt nhìn quanh con thấy quý thầy, quý sư cô lớn chẳng vắng ai. Các bạn trẻ thì thật đông. Ngồi lắng nghe đại chúng chia sẻ con nhận ra rằng hai ngày qua các bạn tu học đã gặt hái được nhiều hạnh phúc. Các em còn nói lời cám ơn đến đất Tổ linh thiêng, đến quý thầy quý sư cô đã cho các em nơi để trở về. Đúng là cuộc sống tâm linh thật khó diễn tả, chỉ có sống và cảm nhận mà thôi.

Ngày thứ ba

Ngày kỵ Tổ Khương Tăng Hội – Chia tay

Hai ngày đã đi qua với nhiều thành công, đó cũng là phẩm vật để cúng dường lên Tổ. Hôm nay là ngày kỵ Tổ. Con cảm được năng lượng của Tổ nên thấy lòng mình ấm lại và hình như ai cũng có tâm trạng đó. Bữa cơm sáng nay cũng là bữa sáng cuối cùng của khóa tu nên đại chúng cùng nhau ăn sáng tại thiền đường lớn. 8h sáng có Lễ Tưởng Niệm Tổ. Đúng giờ đại chúng y áo chỉnh tề để làm lễ. Sau khi dâng hương, lạy Bụt, lạy Tổ đại chúng được nghe thầy Từ Hải đọc tiểu sử của Tổ. Đọc xong thầy bắt bài hát về Tổ cho đại chúng cùng hát bài hát ca ngợi Tổ Khương Tăng Hội: Người gốc Giao Châu và Khương Cư, gieo hạt giống thiền mầu nhiệm trên những đồng ruộng phì nhiêu…  Lời bài hát con đã thuộc mà sao hôm nay, khi hát lên con vẫn thấy như có một dòng điện tâm linh chạy trong người. Con chỉ biết nói rằng: Đó là năng lượng của Tổ. Sau khi làm lễ xong thì đại chúng đi lên chánh điện để làm lễ ở đó nữa. Quý thầy quý sư cô cùng quý vị cư sĩ đứng chật cả chánh điện. Tiếng trống bát nhã vang lên làm cho tim con đập mạnh.  Sau khi làm lễ xong đại chúng cùng lạy Bụt, lạy Tổ 3 lạy rồi mới nghỉ. Lúc này mới 10h sáng nên đại chúng lại được đi thiền hành.

 

Ăn cơm theo vòng tròn trong ngày giỗ tổ

Hồi sáng con có nghe là hôm nay nghỉ giờ thiền hành, bây chừ lại có giờ đi thiền hành làm con vui quá. Trời đẹp quá, con đi cùng đại chúng mà thầm mong cho thời gian đừng trôi đi để ngày hôm nay còn mãi. Nhưng đâu có được. Giờ ăn trưa đến rồi. Con thấy thông báo trên bảng là trưa ni đại chúng ăn cơm theo vòng tròn nhỏ tại thiền đường lớn. Sau khi đại chúng khất thực xong thì đi lên thiền đường. Tại thiền đường, những vòng tròn đã được sắp sẵn, giữa vòng tròn có bình bông, bánh chợ cầu, bánh nậm, bánh lọc. Trong khi chờ đợi đại chúng vô đông đủ thì thầy Từ Hải, thay vì đọc những bài kệ ăn cơm thì thầy hát vì thầy đã phổ nhạc cho những bài kệ đó.  Khi đại chúng đã vô đông đủ thì thầy Minh Hy thỉnh 3 tiếng chuông để đại chúng thở, sau đó thầy đọc lời khai thị còn bé Sữa đọc Năm lời quán nguyện (bản tân tu – em mới 9 tuổi). Đại chúng ăn cơm trong im lặng 15 phút đầu, khi có tiếng chuông vang lên, báo hiệu cho đại chúng biết là được phép nói chuyện nhưng đại chúng nói nhỏ đủ để cho vòng tròn của mình nghe. Cả thiền đường hôm nay như một ngày đặc biệt. Thì đúng là một ngày đặc biệt vì  là ngày kỵ Sư Tổ mà. Khi đại chúng đã dùng cơm xong thì thầy Minh Hy mời đại chúng chia sẻ cảm xúc của mình vì chỉ ít phút nữa thôi là chia tay. Hình như nói đến hai chữ chia tay trong lòng ai cũng dâng lên một cảm xúc khó tả. Rất ít người chia sẻ nhưng con hiểu cảm xúc của mọi người.  Nhưng cái gì phải đến cũng đến. Con cũng như đại chúng, không biết dùng từ nào để diễn tả được niềm vui và hạnh phúc của mình khi được tu tập 3 ngày cùng đại chúng.  Ba ngày đã trôi qua với những thành công của sự tu học, đó cũng là nhờ vào sự cố gắng, chuyên cần của cả đại chúng. Con cám ơn Tổ, cám ơn đại chúng đã cho con những giây phút thật ấm lòng. Con thầm nghĩ: Làm sao để xứng đáng là con của Tổ. Có lẽ điều này chỉ có thể chứng minh qua hành động mà thôi. Con thầm hứa với Tổ là sẽ tu học tinh tấn để đền đáp một phần công ơn của Người, để bồi đắp và khai thông suối nguồn tâm linh mà Người đã dày công gieo trồng, để chúng con xứng đáng là con cháu, là sự tiếp nối của Người.

Con của Tăng thân

Chân Chuẩn Nghiêm

Một vài hình ảnh trong khóa tu

Dâng hương, lạy Bụt, lạy Tổ

Khất thực

Boong! Boong! Tôi là chuông đại hồng (Hát thiền ca trước giờ đi thiền hành)

Trò chơi dân gian

Bé Sữa đọc năm quán

Tăng Hội – Những bài không tên (7)

Một tuần sau đêm trăng đoàn tụ với WakeUp, tôi có nói chuyện với Thiện Sanh. Cũng là một buổi tâm tình rất dài đến tận hai giờ sáng. Tôi càng ngày càng quý mến người bạn này. Thiện Sanh có nói một câu đáng phải ghi nhớ: Sở dĩ tình trạng của đất nước như bây giờ là vì lòng người tản mác. Sự hòa giải, hòa hợp đã không thể tiến hành do những vết thương chưa lành. Những vết thương do chiến tranh và thù hận.

Thật là đúng quá phải không bạn. Một người trẻ trong thời buổi này mà có một nhận thức như vậy thì thật là quý lắm, hiếm lắm. Tôi chẳng biết có dân tộc nào phải trải qua nhiều cuộc binh đao khói lửa như dân tộc mình. Đất nước đã từng có tên là Đại Việt nhưng rồi sự phân hóa rẽ chia bắt đầu thành hình. Có lẽ bắt đầu từ thời kỳ Chúa Trịnh – Chúa Nguyễn, Đàng Trong – Đàng Ngoài? Những cái tên thôi cũng đã nói lên tất cả. Nhưng thôi, tôi không muốn biến bức thư của tôi thành những trang sử liệu đâu. Quá khứ đã đi qua. Nếu ta chỉ chìm đắm, chỉ oán than thì cũng chẳng đổi thay được gì. Sẽ là tốt hơn nếu ta nhìn vào ngày tháng cũ với mong muốn tìm hiểu để rút ra những điều cần làm cho hiện tại.

Câu chuyện cổ tích của chúng ta đang đi đến phần kịch tính nhất. Những mâu thuẫn đang lên đến phần cao trào rồi đó, bạn có thấy không? Những nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi, mạch truyện thì lại có vẻ chẳng đi đến đâu cả. Tuy nhiên, nếu dùng chiếc chìa khóa mà Thiện Sanh đã đưa cho thì nhiều khả năng chúng ta sẽ mở được cánh cửa để đến với kho tàng.

Lối thoát cho tất cả

Trở lại với câu nói của Thiện Sanh: Có những vết thương chưa lành trong chiều sâu tâm thức dân tộc. Vậy thì ta có thể hỏi nhau trong suốt bao nhiêu năm qua mọi người đã làm gì? Chắc chắn là mọi người đã làm rất nhiều. Đất nước đã đổi thay. Thời thế đã biến chuyển. Nhưng tất cả chỉ là bề ngoài. Trong thâm sâu vẫn còn là những vết thương âm ỉ. Cách hành xử, những lề thói, những quy tắc mà chúng ta tạo dựng đã không thể chuyển hóa được những cơn đau nhức bên trong.

Vậy những cách thức đối đãi, những quy tắc ứng xử của cả một tập thể, của cả một cộng đồng là gì?
Câu trả lời chắc là bạn cũng đã biết. Đó chính là văn hóa. Định nghĩ về văn hóa rất rộng. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin lấy cách hiểu của ngành Tâm Lý Học vậy. Văn hóa là những cách thức, những quy tắc ứng xử của một nhóm người mà theo họ là chuẩn mực để thích nghi với môi trường xung quanh. Đó là một cách nghĩ, cách hiểu có phần giản dị, đơn sơ nhưng theo tôi là tạm đủ. Như vậy đứng dưới góc độ ngành tâm lý thì ta có thể hiểu nguyên nhân gốc rễ là do “văn hóa” hay “tâm lý đám đông”, “tâm lý xã hội”. Còn hiểu theo tinh thần của Duy Biểu Học thì ta có thể sử dụng thuật ngữ “tâm thức cộng đồng”.

Vậy nên để chữa lành những vết thương trong chiều sâu tâm thức thì ta phải tác động đến “tâm thức cộng đồng”. Một cá nhân muốn chuyển hóa trình trạng thì cơ may thành công là rất nhỏ. Ta phải tận dụng năng lượng của một tập thể để chuyển hóa năng lượng của một tập thể khác. Ta chỉ có thể nương vào Tâm Thức Cộng Đồng để chuyển hóa một Tâm Thức Cộng Đồng khác. Ta cần tới một nguồn năng lượng lành để chuyển hóa một nguồn năng lượng không lành. Chung cuộc, ta cần một đoàn thể, ta cần tăng thân. Ta không thể nào làm điều gì khác nếu không nương vào sức mạnh của tăng thân. Vậy là chúng ta lại đi đến một kết luận như những gì tôi đã viết ở phần trên rồi, phải không bạn? Tôi không biết việc cứ viết đi viết lại những dòng này có gây cho bạn cảm giác nhàm chán hay không. Những điều này có thể là đã quá cũ kỹ rồi. Chúng ta đã được nghe rất nhiều lần về việc xây dựng tăng thân. Chúng ta đã được nghe rằng tăng thân là quý, là tốt. Tôi đã được nghe và bạn cũng đã được nghe rất nhiều lần như vậy. Nhưng xin cam đoan với bạn ngay trong những tháng ngày này, ngay khi viết dòng chữ này thì tôi mới thật sự thấm thía về giá trị, về sự cần thiết của tăng thân.

Trước đây, khi đọc cuốn “Sống Chung An Lạc hay khi nghe những bài pháp thoại thì tôi có một suy nghĩ là tất cả những gì đi vào tôi chỉ là những kinh nghiệm, những cái thấy của những người đi trước. Đó là những lời vàng ngọc, đó là tuệ giác. Nhưng đó không phải của tôi, đó không phải là những gì tôi đã trực tiếp thấy, trực tiếp trải nghiệm. Tôi cũng bằng lòng, tôi cũng đồng ý nhưng sự bằng lòng và đồng ý đó mới diễn ra trên bề mặt ý thức. Giờ thì tôi đã hiểu, tôi đã cảm nhận từ tận đáy sâu tâm hồn. Và trong giờ phút này tôi nghĩ là tôi có thể nói với bạn. Một câu nói mà không phải do ai đó đã rót cho tôi nữa. Tôi xin nói bằng tất cả trái tim, nói bằng tất cả tấm lòng Tôi có thể nói hết sức thành khẩn và chân thành: Không còn điều gì là hệ trọng hơn xây dựng tăng thân. Để chuyển hóa tình trạng xã hội thì cách thức duy nhất chỉ có thể là dựng xây một đoàn thể những người có chung những thiện nguyện.

Tuy nhiên nếu mình chỉ nói “Xây dựng tăng thân” không thôi thì vẫn chưa đủ. Đó vẫn còn là khái niệm chung chung và mông lung quá. Tôi muốn nói rõ ràng hơn, cụ thể hơn nữa. Vào tháng 7 năm ngoái tôi có đọc được hai cuốn sách rất đặc biệt. Hai tác phẩm được đúc kết từ cuộc đời, từ vốn sống của một kỹ sư nông nghiệp. Ông ta là Masanobu Fukuoka. Đó có thể là người Nhật Bản mà tôi mến trọng nhất. Tựa đề hai cuốn lần lượt là “Con Đường Trở Về Tự Tánh” hoặc cũng thể dịch là “Con đường về với thiên nhiên” (The road back to nature) và cuốn Cuộc Cách Mạng Rơm (One straw revolution). Chẳng có một lý thuyết mơ hồ nào cả. Nội dung chính là những cách thức xây dựng một hình thái “nông nghiệp vô tác” mà những người phương Tây gọi là Do-nothing farming. Cuốn sách đã gây một niềm cảm hứng rất lớn cho tôi. Và tôi bắt đầu mơ.

Tôi bắt đầu muốn được sống trong khung cảnh mà tác giả cuốn sách đã tạo dựng được. Tôi bắt đầu mơ về một NÔNG TRẠI HỮU CƠ. Một nơi mà cả chỉ có màu xanh của cỏ cây, của đất trời. Nơi mà người ta có thể làm việc cùng nhau, sống gần với thiên nhiên và canh tác theo những phương thức thân thiện với môi trường. Nhưng ở đây không chỉ là những cơn mộng mị, tôi đã quán chiếu và tôi thấy rõ ràng rằng hình thức những trang trại như thế sẽ là một đối trị với tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa cũng như tình trạng mất cân đối dân số giữa nông thôn và thành thị. Trong những nông trại này, con người được lao động chân tay thường xuyên nên sẽ không phải mắc những chứng bệnh tâm lý. Vì trồng trọt theo quy trình tự nhiên nên việc thực tập Giới Thứ Nhất Bảo Vệ Sự Sống cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài công việc đồng áng thì thời gian còn lại được dành cho việc thiền tập để giúp người thực tập đạt được những bước tiến trong đời sống tâm linh.

Lẽ dĩ nhiên là kế hoạch này của tôi cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Đã có nhiều mô hình thành công tại Tây Phương. Nhưng tại Việt Nam hình như tôi chưa được biết bất cứ ai có một ý tưởng như vậy. Một nông trại hữu cơ nhưng đồng thời cũng mang trong lòng mình một đường hướng tâm linh.

Khi suy nghĩ về một đề án này trong lòng tôi có rất nhiều nghi ngại. Liệu có khả thi hay không? Liệu có phải đây là một chuyện viễn vông, hoang đường hay không? Làm sao để có thể duy trì hoạt động của nông trại? Cách thức nào để sản xuất nông sản sạch và bán ra thị trường? Tôi có quá nhiều điều phải làm để biến ước mơ thành sự thật. Đó là chưa kể đến vấn đề nhân lực.Tôi sẽ cần rất nhiều người chung tay góp sức. Tôi cần một luật sư để bảo đảm những vấn đề về luật pháp. Tôi cần một kế toán viên để giữ sự an toàn tài chính cho nông trại. Tôi cần một kỹ sư am tường về nông nghiệp hữu cơ. Tôi cần một chuyên viên tiếp thị lo phần truyền thông và quảng bá hình ảnh. Tôi cần một nhà quản trị có thể duy trì hoạt động của nông trại. Và quan trọng nhất là tôi cần một nhà đầu tư tin vào kế hoạch này. Đó sẽ là đội nhóm, là tăng thân của tôi. Tăng thân ở đây là tăng thân tại gia, là đoàn thể những người mặc áo lam.

Một thực tế cần phải làm rõ là tăng thân tại gia vốn phải tự túc về vấn đề kinh tế và có những nhu yếu cá nhân nên có một điểm bất lợi là họ sẽ không có nhiều điều kiện ở gần nhau, khó truyền thông với nhau. Do vậy, để nối kết không còn cách nào khác là phải có một tổ chức, một chính thể có đầy đủ tư cách pháp nhân để tập hợp họ lại. Khi người ta hoạt động trong một đoàn thể, có chung một mục tiêu, sống và làm việc gần nhau thì tự nhiên sự truyền thông sẽ có nhiều phẩm chất. Điều này có nghĩa đoàn thể đó phải có một chương trình hoạt động dài hạn, có khả năng sinh lợi về mặt kinh tế, đảm bảo cho họ đạt được những nhu cầu cơ bản ở mức độ vừa đủ. Và do đó ý tưởng về một nông trại gần như là một giải pháp hoàn hảo.
Tôi đã đặt ra một giả định: Nếu tất cả những người nêu trên đều có nhu yếu tâm linh như tôi, đều ít nhiều đã thấm nhuần tư tưởng của đạo Bụt thì chắc chắn mức độ gắn kết của chúng tôi sẽ cao hơn bất cứ một ê kíp nào. Sức mạnh giữ chúng tôi đi chung cùng nhau sẽ không chỉ phải là sức mạnh của đồng tiền mà sẽ là sức mạnh của tăng đoàn, sức mạnh của tình anh chị em. Và sẽ không có nguồn lực nào trên thế gian có thể so sánh được.

Nhưng điều nan giải ở đây là làm sao để tìm ra được những con người như vậy. Làm sao để kết nối, để tập hợp họ lại? Làm sao để giữ cho họ luôn đi chung với nhau? Những điều này bắt đầu vượt quá tầm tay của tôi. Do vậy, tôi rơi vào tình trạng bế tắc. Dẫu tôi biết rằng những người có chung tâm nguyện với tôi vẫn còn đang ẩn tàng đâu đó. Tôi ý thức được họ là những bông hoa chưa biểu hiện. Tôi biết vậy nhưng thời gian thì lại cứ chảy trôi không đợi chờ một ai. Cùng lúc là những mâu thuẫn trong đời sống cá nhân cũng chưa biết cách tháo gỡ. Tôi dần mất đi sự kiên nhẫn. Tôi không cảm thấy hứng thú với bất cứ một công việc nào. Tôi thấy mình càng lúc càng tách biệt với xã hội. Tôi thường xuyên sống trong trạng thái quẫn bách và cùng đường… Những tháng ngày đó quả thật không dễ chịu và thoải mái chút nào. Tưởng chừng không thể đi qua nổi….

Hạt giống “muốn xây dựng một môi trường an lành” trong tôi đã có mặt. Nhưng tôi vẫn chỉ là một người làm vườn vụng về và thiếu kinh nghiệm. Không ai dẫn dắt, không người chỉ bày. Cho nên khu vườn tâm thức chỉ là một mảnh đất xác xơ và hoang tàn. Nhưng… một điều … một điều thật đẹp đã đến, bạn có biết không. Đây là một câu chuyện cổ tích mà. Tôi không muốn nó kết thúc với những ám ảnh, với những dòng bất an như vậy đây. Tôi muốn có một kết thúc có hậu.

Vì em, tôi đã được sinh ra

Cơn gió xuân nồng mang tên WakeUp đã đến. Những hạt giống lành thiện trong tôi đã gặp được ánh nắng mai ấm áp, dòng suối lạnh mát trong. Tôi không biết WakeUp có phải là tăng thượng duyên cho đời sống tâm linh của tôi không nữa? Nghịch duyên hay thuận duyên? Tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết là có một sự đổi thay đã đến. Hạt giống tưởng chừng như đã chết, đã bị vùi lấp bởi sa mạc cuộc đời thì nay bắt đầu cựa quậy. Những nụ mầm đã tái sinh, đã nở.

Người đầu tiên tác động đến tôi là Bách. Bách có viết một bài và mới đây tôi đã được đọc. Bài viết mang tựa đề là “Tình anh chị em, khát vọng và lẽ sống trong đời”. Đó là một bài viết rất sâu sắc kết thúc bằng những dòng sau đây:
“Thay vì đem Đạo Bụt áp dụng vào đời sống mình và chờ trông những hoa trái tại sao chúng ta không hiến tặng đời mình cho Đạo Bụt. Tôi sẽ đi mãi trên con đường phụng sự. Còn các bạn, các bạn thì sao?”

Bách còn chép ghi thêm: Tăng Thân là điều quý giá nhất, cùng với Chánh NiệmChánh Mạng sẽ là ba điểm để ta có thể vẽ được một vòng tròn. Ba điểm đó tác động qua lại, có trong nhau, làm lớn mạnh cho nhau.

Nhưng nếu ta chưa có Chánh Mạng thì làm sao? Một em khác trong tăng thân Mây Thong Dong đã trả lời. Tăng thân chính là tâm điểm và sự thực tập chánh niệm chính là chiếc compass. Nếu ta biết nương tựa vào tăng thân và giữ sự thực tập miên mật thì ta sẽ được vẽ được một vòng tròn thật đẹp. Vòng tròn đó sẽ là cuộc đời, sẽ là nghề nghiệp chân chính, sẽ là Chánh Mạng cho ta. Thật là hay quá phải không bạn? Những người bạn này xứng đáng là bậc thầy hướng đạo cho tôi. Chỉ hơi tiếc một điều là tôi không có nhiều thời gian tu học cùng các bạn.

Trong một dịp tiếp xúc sau cùng, em Mai – giờ thì tôi đã biết tên em là Đức Bảo – có nói một câu. Đại ý như sau: Mình còn trẻ, mình còn bao nhiêu là tháng năm phía trước vậy thì tại sao mình lại lãng phí thời gian, sức lực và tâm lực vào công việc mà mình không thích? Tại sao mình không kiếm tìm một nghề nghiệp vừa đủ nuôi sống mình mà vẫn có thời gian để xây dựng tăng thân? Ôi chao, câu nói như một tiếng chuông vang vọng đánh thức tâm hồn bao lâu nay chỉ chìm đắm trong những cơn mê mộng. Dĩ nhiên tôi đủ bình tĩnh để biết rằng cái nhìn, cách cảm về đạo Bụt của Đức Bảo hay một số các bạn trẻ WakeUp khác vẫn còn tinh khôi lắm. Có những góc khuất các bạn chưa đi qua. Có những mảng tối các bạn chưa chứng kiến. Những thị phi cuộc đời chưa lay động đến các bạn. Nhưng khi hội ngộ, những đôi mắt trong veo đã rót vào hồn tôi dòng suối mật ngọt. Và dường như tôi cũng đã lấy lại được tất cả sự hồ hởi, niềm hứng khởi của những ngày đầu tiên. Bất giác tôi phát hiện thì ra bấy lâu nay tôi đã toan tính quá nhiều. Những toan tính đã khiến cho đời sống tôi trở nên cằn cỗi, phai tàn. Tất nhiên, quá thơ ngây hay quá già dặn đều không tốt. Vấn đề là sự cân bằng. Ta không thể cứ mãi vô tư. Và ta cũng không nên sống chỉ hoàn toàn theo những suy luận và phán xét. Nhưng nhất quyết là ta phải giữ được ánh nhìn của buổi ban đầu.

Nếu bây giờ được gặp Bách thì tôi muốn trả lời cho anh rằng tôi đã biết mình muốn gì, tôi thiết tha điều gì nhất trên đời. Có thể là giấc mơ về một Nông Trại Hữu Cơ luôn cháy bỏng trong tôi. Có thể là tôi luôn mong được tham gia một khóa tu ít nhất là một tháng để hệ thống hóa tất cả những kinh nghiệm xây dựng tăng thân. Nhưng nếu phải đặt ra cho mình câu hỏi: Mình thực sự cần gì? Thì tôi có thể trả lời dứt khoát. Tôi chỉ cần một điều duy nhất.

Tôi chỉ cần tâm ban đầu mà thôi. Giữ được tâm ban đầu thì tôi sẽ có tất cả. Con đường sắp tới sẽ như thế nào đây? Tôi hoang mang lắm, tôi cũng chẳng biết. Tôi sẽ làm gì để tìm ra một nghề nghiệp chân chính? Tôi chưa biết nhưng sự nghiệp của tôi chắc chắn chỉ có hướng về một mục đích duy nhất. Đó chính là xây dựng tăng thân. Như bạn cũng thấy thế giới này thật sự đã có quá đủ những lý thuyết, những danh từ, đã có quá nhiều đau thương và bất hạnh. Chúng ta không cần thêm bất cứ một khái niệm nào nữa. Chúng ta cần tăng thân. Chỉ có tăng thân – đoàn thể của những tâm hồn lành thiện – mới đủ sức chuyển hóa thế giới. Và để xây dựng tăng thân, tôi thấy rằng chúng ta cũng không cần quá nhiều đâu. Chúng ta chỉ cần một trái tim. Chúng ta chỉ cần một tấm lòng muốn hiến dâng và phụng sự. Chúng ta chỉ cần một trái tim biết thương yêu, một trái tim muốn hiểu biết.

Tôi đã đọc bức thư “Nhật ký trước lúc đi xa”. Tôi mừng vui vì bạn đã chọn cho mình con đường xuất gia. Và tôi nguyện cầu bạn sẽ mang theo bên mình những dòng chữ ấy trong suốt những tháng ngày sắp tới. Về phần tôi, tôi vẫn chưa biết tôi sẽ mặc áo lam hay áo nâu. Tôi cũng mong được như bạn lắm. Tôi cũng mong có được một ngày bình yên trong mọi ngày bình yên như bạn. Tôi cũng đang chờ đợi một buổi sáng trời trong. Bàn tay khẽ chạm mái chèo. Con thuyền tâm nhẹ nhàng lướt đi hướng về biển lớn. Nhưng nếu ngày ấy không đến thì bạn cũng hãy yên lòng. Bởi vì tôi xin hứa với bạn hôm nay: nguyện sẽ giữ mãi, giữ mãi trái tim nguyên khôi này. Hình tướng chúng ta khác nhau. Nhưng trái tim chúng ta không khác. Trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập. Mong bạn hãy nhớ lời tôi. Và mong bạn cũng hãy nhắc nhở tôi thường xuyên nhé! Giữ được đôi mắt sáng trong, giữ được tâm hồn tươi trẻ thì bạn sẽ có mặt, bạn sẽ hiện hữu. Và tôi cũng sẽ có mặt, sẽ hiện hữu, tôi cũng sẽ một lần nữa được sinh ra trong đời.

Bạn ơi, xin hãy giữ gìn cho nhau. Tôi xin giữ cho tôi, cho bạn, cho tất cả.

Bạn ơi, hôm nay, xin hãy ghi nhớ lời nhau.

Xin hãy luôn đem ra cho nhau ghi nhớ:
Giữ mãi trái tim thơm ngát này…

hết

Tăng Hội – Những bài không tên (6)

người viết:Đặng Chương
Gửi đến T.C.Đ và các bạn WakeUp

Câu ru mạch máu Đông Phương

[8h00: Một bông hồng cho em]

Vì đã thực tập từ buổi lễ ở thành phố nên tăng thân nhà mình đi qua phần nghi lễ cũng khá chỉn chu. Đội hình vẫn không có gì thay đổi. Dâng hương là em Hừng Đông. Chị Chân Mây thỉnh mõ. Nhật Thái thỉnh chuông. Tôi và Khiêm Từ đảm nhận phần đọc Đoản văn Bông Hồng Cài Áo. Sau khi tụng Tâm Kinh Bát Nhã, tôi bắt đầu tuyên đọc. Viên Lạc đã chuẩn bị sẵn bản tiếng Anh. Nhưng tôi thì lại quên chuẩn bị bản tiếng Việt. Thật là may khi cuối cùng “cô tiên” Viên Lạc “hóa phép” thế nào mà trên tay hai anh em chúng tôi là một cuốn sổ bé tí có đầy đủ cả hai phần Việt ngữ và Anh Ngữ.

Tôi biết bài văn này từ lâu lắm rồi. Chắc cũng gần 7,8 năm. Nhưng hôm nay mọi thứ thật mới lạ. Chưa bao giờ tôi có những cảm giác này. Có một điều gì đó đang trào dâng và tôi phải dừng lại. Thật là khó để giữ được hơi thở trong hoàn cảnh này. Có những đoạn tôi đọc mà cảm thấy mình như mếu máu, như ngẹn ngào. Tôi đã “nhập tâm” vào những dòng chữ rồi chăng? Cũng có thể do tôi mà cũng có thể là do năng lượng xung quanh của đại chúng nữa. Làm sao tâm trí có thể dửng dưng và bàng quang trong một không khí trang nghiêm và thiêng liêng như vậy. Khiêm Từ tiếp tục đọc phần còn lại. Chất giọng của Khiêm Từ sau đó đã nhận được vô số những lời khen tặng. Kết thúc phần tiếng Việt, cuốn sổ tí hon lại được chuyền tay cho Cao, Mi và anh Chi để mấy anh chị em có thể đọc phần tiếng Anh. Nhìn cảnh tượng này, tôi lại nhớ đến buổi thuyết trình giới cùng với mấy anh chị em ở cánh đồng phương Bắc cách đây một năm. Tôi thấy vô cùng biết ơn sự sống này. Vì tôi đã được ngồi không chỉ một lần trong vòng tròn bảo bọc của tình anh chị em, tình tăng thân. Năng lượng bình an của tập thể đó không phải lúc nào tôi cũng có được. Thế mà giờ đây tôi có đủ cả. Òa vỡ, tràn đầy.

Phần đoản văn dài hơn thường lệ cuối cùng cũng đã kết thúc. Nhật Thái thỉnh một tiếng chuông để đại chúng được dịp trở về với hơi thở. Tiếp theo sẽ là phần trình bày bài hát Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Tuy vậy, tôi đã đánh liều hát một bài khác. Bài mà tôi chọn là bản Đạo Ca số 6 “Lời ru, bú mớm, nâng niu” của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Phạm Thiên Thư.

Tôi hơi thiên vị nhạc sĩ Phạm Duy phải không bạn? Có lẽ đúng như thế thật. Mặc dù tôi cũng biết và thích nhạc Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Đình Chương, Cung Tiến v.v… Nhưng không hiểu sao mỗi khi có cơ hội được hát một bài hát nào đó của Việt Nam là tôi lại nghĩ ngay đến nhạc Phạm Duy. Chất nhạc ấy đã nuôi lớn cả tâm hồn tôi từ những ngày thơ ấu. Cứ mỗi một giai đoạn trong đời mình và cả những năm tháng tiếp theo sau nữa tôi đều dự cảm sẽ luôn có một bài nhạc Phạm để tôi hát, để tôi được nuôi dưỡng. Có một lần tôi đã ngồi rất gần với ông nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cứ ngồi yên bất động. Thay vì đến hỏi thăm, để xin chữ ký, để chụp ảnh lưu niệm thì tôi lại cứ ngồi lặng nhìn ông. Giây phút đó tôi chỉ biết ngồi yên để ngắm nhìn. Với tôi thế là đủ. Tôi chỉ cần vậy thôi. Chỉ chừng ấy thôi mà tôi cũng có hạnh phúc lắm.

Bài Đạo Ca số 6 này theo tôi là một bài xứng đáng để thực tập thường xuyên và liên tục. Và tôi đã nghĩ rằng không còn dịp nào phù hợp hơn để hát nữa. Cái hay, cái đẹp đã nằm hết ở phần lời. Tôi cũng đã in ra một bản song ngữ Việt – Anh và đã đưa cho Tranh trước đó với hy vọng là các anh em Âu Châu sẽ hiểu hết nội dung của bài này. Tôi không biết là cách hát ru ở Tây Phương có giống như Đông Phương hay không? Tôi cũng chưa có cơ hội tìm hiểu nội dung những bài được gọi là “lullaby”. Tôi chỉ biết là có một nhạc sĩ người Canada rất thích bài Đạo Ca này. Ông có chia sẻ rằng nếu như thuở xưa khi còn nằm nôi mẹ ông cũng hát ru cho ông nghe những giai điệu như vậy thì ông có cảm tưởng đời mình sẽ phong phú thêm hơn, ông sẽ có tâm hồn nghệ sĩ hơn. Ông sẽ nhìn đời với đôi mắt sạch trong. Ông sẽ đi vào lòng sự sống với những bước chân thanh thản. Đây chắc chắn không phải chỉ là một lời ngợi khen quá đáng. Trẻ em ở phương Tây khi đến tuổi đi học có thể sẽ được học nhạc một cách chính quy và bài bản. Tuy nhiên, bài học âm nhạc đầu tiên phải là lời ru của mẹ. Nếu nhận định như vậy thì có thể nói rằng những em bé Việt Nam có một sự may mắn rất lớn. Không khó để chúng ta có thể nhìn ra một sự thật: những bài hát ru con của “bà mẹ quê” luôn ngập tràn những hình ảnh tuyệt đẹp của thi ca và nhạc họa. Đó là sự kết tinh từ những làn điệu dân ca được truyền khẩu qua nhiều đời. Có thể trí óc của một em bé chưa đủ phát triển để tiếp nhận những lời hát tiếng ca. Nhưng tâm thức chắc chắn sẽ được gieo trồng những hạt giống của thơ và nhạc, những hạt giống văn hóa, những cảm tình, những phong tục, tập quán. Khi mang thai ta, mỗi ngày mẹ đều hát ru. Mỗi ngày mẹ đã trao cho ta cả một kho tàng. Rồi khi ta sinh ra đời, gia tài của mẹ ta lại được tiếp nhận trong những buổi trưa hè, trong những khi chiều tới, những lúc ta đau yếu, những lúc ta khóc than… Kho tàng của văn hóa dân gian đã có trong ta rồi đó, bạn có thấy không. Vậy mà chúng ta lại hay quên lắm. Ta cứ khờ dại thôi. Ta giàu có vậy mà ta không biết. Ta cứ mãi kiếm tìm. Để rồi ta phải cậy nhờ đến hai tâm hồn nghệ sĩ nhắc nhở. Cả hai người đều đã xác quyết rằng “lời ru-bú mớm-nâng niu” chính là món quà quý giá nhất của sự sống này. Dòng sữa nóng cho ta một thân thể kiện khang. Lời ru cho ta một trái tim rộng mở. Và tình thương của mẹ sẽ là sự bình an cho tâm hồn ta trên suốt những chặng đường đời.

Bài Đạo Ca Quán Thế Âm hôm qua do ảnh hưởng bởi giọng thứ nên vẫn còn một chút gì đó u hoài, hờn tủi. Người nghe nếu không có sự thực tập hơi thở có ý thức có lẽ sẽ bị trôi theo chất bi lụy ở đầu bài. Nhưng với bài đạo ca số 6 này thì mọi thứ hoàn toàn khác hẳn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng giọng La giáng trưởng. Chất nhạc du dương, êm ái ngay từ đoạn mở đầu.. Một tiếng hát của mẹ hát ru con, mà cũng có khi ta nghe thấy cha đang hát ru con, chồng đang hát ru vợ. Những nốt nhạc dần cao lên, cao lên, vút bay chạm tới nền trời:

Con ơi ! Mẹ là Thượng Đế, cho con tâm lý nguyên sơ
Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời
Ru con rằng : Đời muôn lối, như mây kết hợp, rồi tan
Thân con là Trời cao vói, tim con là cõi địa đàng.
À ơi Mẹ ru con biết :
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Đông Phương.

Sau bài hát không cần nhạc đệm thì đến phần cài hoa. 6 thành viên WakeUp đứng lên và bắt đầu lạy Bụt. Sáu người đó là Chi, Tranh, Mi, Na, Vui và Bách. Tôi thấy giây phút năm vóc sát đất sáu anh em thật lạ thường. Sáu con người đến từ bốn quốc tịch khác nhau. Từ Ấn Độ, đạo Bụt đã không còn đi về phía Bắc hay phương Nam mà đã đi theo phía Tây, đến với cựu lục địa rồi lại còn vượt trùng dương đến cả Tân Thế Giới. Do không gian không đủ nên mấy anh em đã nhanh chóng đề xuất ý tưởng đại chúng sẽ ngồi yên tại chỗ để các bạn đến cài hoa. Buổi lễ diễn ra thật đơn sơ nhưng vô cùng trang nghiêm. Trong lúc mọi người hiến tặng cho nhau những nụ hoa, tôi tiếp tục hát bài Bông Hồng Cài Áo. Trước buổi lễ, em Tranh đã hỏi tôi có hát bài này không. Dĩ nhiên là có rồi, phải không bạn? Làm sao mà có thể thiếu bài này được?

Lúc này, Khiêm Từ ngồi cạnh đang chuyển ngữ lời bài này để em Cao có thể hiểu được. Micro bắt đầu được chuyền đi để tiếng hát được nối dài. Nghe nói em Na và Tranh đã ôm nhau khóc. Một số cô chú Phật tử cùng sùi sụt, giọt dài giọt vắn. Với anh Chi thì anh cho biết đây là lần thứ hai được tham gia một lễ Bông Hồng Cài Áo. Lần trước là ở viện EIAB và lần nào anh cũng cảm động. Một điều cũng cần phải nói thêm là những bông hồng được kết từ vải này cũng do bàn tay khéo léo của em Củ Cải Nhỏ. Tất nhiên lực lượng góp sức là rất nhiều nhưng quả thật phần chính yếu là do em này thôi. Theo thông kê thì tăng thân mình đã chuẩn bị khoảng 130 bông. Nhưng phải mua thêm vì con số thực tế vượt hơn dự định. Mấy anh em WakeUp được cài hoa thì tỏ vẻ mừng vui lắm. Sau đó, một số người còn đi xuống tận nhà bếp để cài hoa cho các cô Phật tử do bận lo bếp núc nên không thể tham dự lễ. Điều tích cực nhất là thời gian chương trình theo dự kiến khoảng hai giờ đồng hồ. Và anh em nhà mình đã hoàn thành đúng chính xác. 8h30 đến 10h30 là kết thúc không sai một giây phút. So với sự cố tối hôm qua, sự thành công của buổi lễ ít nhất là ở mặt thời gian đã khiến cho chúng tôi rất sung sướng.

[11:30: Ăn Cơm và Buông Thư]

Buổi ăn trưa lần này vẫn duy trì một không khí thật lặng yên. Em Hừng Đồng thỉnh chuông. Khiêm Từ và Bách luân phiên nhau đọc năm quán bằng hai thứ tiếng. Sau giờ ăn trưa, chị Chân Mây chia sẻ là ở chùa có một số cô Phật Tử đã bày tỏ ý muốn yểm trợ cho việc nấu ăn cho ngày tu. Và chính nhờ những thiên thần áo lam này mà chị và các em khác đã có nhiều thời giờ để tham gia vào thời khóa tu học. Thật biết ơn các cô! Từ đây mấy anh em đã có nhận định rằng bất cứ chùa nào cũng có những quý ân nhân luôn có thiện tâm như vậy. Cho nên, nếu ngày tu xa thành thị được tổ chức thường xuyên thì mình có thể cầu viện đến lực lượng này. Một kinh nghiệm tưởng như không có gì đặc biệt nhưng thật quý báu vì chính tăng thân đã nếm trải.

Thời khóa tiếp theo là Thiền Buông Thư. Đại chúng chia thành 2 nhóm. Một ở khu vực nhà nghỉ sẽ hướng dẫn bằng tiếng Việt. Hai là ở chánh điện, hướng dẫn bằng tiếng Anh. Đây có thể nói là phương pháp thực tập mà tôi rất thích được “can dự” vào. Theo như những lần trước thì đội hình dự kiến sẽ có anh Giác Thành, chị Thái Tín, anh Huệ Phước và tôi. Như vậy thì có thể chia ra thành hai được rồi phải không bạn? Tuy vậy hai người thì giờ đây áo đã “nhuộm hoàng hôn”. Anh Huệ Phước thì không thể có mặt đợt này. Thật may khi có hai anh chị bên các tăng thân kết nghĩa yểm trợ. Như vậy là khu vực nhà nghỉ đã có người đảm nhiệm. Tôi đi gặp mấy anh em WakeUp thì thấy em Cao có vẻ rất sốt sắng với buổi thiền buông thư này. Em này đã cầm trên tay một cuốn sách khá dày. Em xác quyết là mình sẽ hướng dẫn mọi người và Mai sẽ là người hỗ trợ. Ồ, như vậy là tôi được thảnh thơi nằm rồi. Tôi tiến về Chánh Điện, chuyển cái chuông thật lớn giúp cho Cao. Tôi bắt đầu nằm xuống, thả lỏng toàn thân. Trong không gian chỉ có lại tiếng nói của Cao. Tôi nghe theo em cũng đặt tay lên trái tim mình và bắt đầu trân quý những điều kiện hạnh phúc mà tôi đang có. Sau đó thì có thêm những lời rất êm tai và ngọt ngào của Mai nữa. Có ai hát không? Tôi cũng không biết… Lúc tôi ý thức được tiếng chuông thì mới biết là hơn một giờ đồng hồ trôi qua. Tôi quay lại thì thấy hai người em tâm linh cũng đang đưa mắt nhìn tôi. Vậy là tôi ngồi dậy, đến ngồi chung và hát một bài kết thúc. Tôi chọn bài Bonjour Việt Nam. Hát một vài câu tiếng Pháp và tiếng Anh. Như vậy là phần văn nghệ của tôi đã chính thức đóng khép tại ngày tu lần này.

Buổi chiều đại chúng có buổi pháp đàm ngắn để tổng kết ngày tu. Bách có một phần chia sẻ gây ấn tượng mạnh cho đại chúng. Bạn cho biết đã từ bỏ tất cả mọi thứ, việc làm, xe hơi và cả nơi trú ngụ để cùng tham dự chuyến đi Vietnam Social Tour lần này. Tất cả chỉ để giải quyết một vấn nghi duy nhất:“Điều mình thật sự muốn trong cuộc đời này là gì?”

Đến phần kết thúc, đại chúng lại thỉnh Thầy trụ trì. Thầy nói nhiều điều hay lắm. Nhưng đáng nhớ nhất là Thầy mong mọi người đừng chỉ giữ sự tu học trong duy nhất ngày này mà hãy đem về nhà ứng dụng vào nếp sống của mình. Tinh thần của lễ Vu Lan phải đi theo chúng ta trong suốt một năm. Sau khi lắng nghe từng lời vàng ngọc, tăng thân Âu Á trao đổi cho nhau những món quà lưu niệm, những bài hát và cả những cái nhìn lưu luyến. Trong những giờ phút cuối, tôi đã thực tập thiền ôm với các bạn WakeUp. Nhưng theo tôi thì không thành công lắm vì một lẽ đơn giản đó là lần thực tập đầu tiên. Và chúng tôi cũng chưa trò chuyện với nhau nhiều để hiểu nhau hơn. Chỉ một người cho tôi cảm giác thỏa lòng. Bạn đoán thử coi là ai? Đó chính là người đã trò chuyện đến nửa đêm hôm qua đó. Chính là anh chàng Thiện Sanh. WakeUp sẽ tiếp tục hành trình của mình với chuyến xe lên Đà Lạt. Về phần chúng tôi thì mọi người cũng phải vội vã thu dọn hành lý để kịp chuyến xe về lại thành phố.

Tiệc vui nào cũng phải tàn, phải không bạn? Nhưng tin vui là hết buổi tiệc này sẽ còn những buổi tiệc khác. Sự sống sẽ là một chuỗi những festival nối dài… Một khi ta vẫn còn ý thức những điều kiện hạnh phúc quanh mình…