Tu viện Bích Nham

 

thiền đường Đại Đồng

Tu Viện Bích Nham nằm trong vùng Hudson Valley của Tiểu bang  New York, một vùng đất cây cối xanh tươi.  Tu Viện được thành lập vào tháng 5, năm 2007. Tu viện Bích Nham, như các tu viện khác của Đạo Tràng Mai Thôn, luôn mở cửa đón nhận tất cả quý đạo hữu xa gần và quý vị từ nhiều truyền thống khác về tu học theo phương pháp Đạo Bụt nhập thế .

Tu Viện Bích Nham rộng  với 80 mẫu tây rừng cây thiên nhiên.  Không khí ở đây rất trong lành. Tu viện là một nơi tu học yên tĩnh cho các bạn thiền sinh .  Nằm gần thành phố New York và ở ngay giữa những đồi núi ngoạn mục của Tiểu bang New York , nơi đây đã trở  thành nơi lý tưởng để mọi người về tu học, chế tác niềm hỷ lạc, bình an và hài hoà trong đời sống.

Tăng thân Tứ chúng , các thầy, các sư cô và các vị cận sự nam, cận sự nữ  tại Tu Viện Bích Nham xin chào đón quý vị tới Tu viện để cùng chúng tôi tu tập phương pháp chánh niệm trong đời sống hàng ngày.

http://bluecliffmonastery.org

Tu viện Lộc Uyển

Tu viện Lộc UyểnTu viện Lộc Uyển

Thiền đường Thái Bình Dương

Tu Viện Lộc Uyển là một trung tâm thiền tập theo truyền thống Làng Mai. Tu viện nằm êm trong một thung lũng ẩn mình giữa những sườn đồi phía Tây Bắc thành phố Escondido, thuộc quận San Diego, tiểu bang California, với diện tích 400 mẫu Anh, có cảnh núi đồi hùng vĩ và những rừng cây cho nhiều bóng mát. Cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm, tại vườn Lộc Uyển, xứ Isipatana gần Benares (Ba-La-Nại, đức Bụt lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp khai thị cho năm anh em ông Kiều Trần Như con đường đưa đến giác ngộ và giải thoát. Do một cơ duyên mầu nhiệm, hai ngàn sáu trăm năm sau, bánh xe pháp tiếp tục được luân chuyển tới một vùng đồi núi có cùng tên Lộc Uyển – Deer Park. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Tu Viện Lộc Uyển cùng với sự ủng hộ của tứ chúng ở khắp nơi đã xây dựng nên một trung tâm tu học nơi đây. Tu viện đã chính thức được thành lập vào tháng 6 năm 2000. Đây là một sự sắp xếp của chư Tổ và ông bà Tổ tiên người Hoa Kỳ cũng như người Việt. Tu Viện gồm có hai xóm: Xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) dành cho các thầy, là vùng đất nằm phía trên đỉnh đồi, Xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet) dành cho các sư cô, vùng đất dưới rừng sồi xanh mát. Cơ sở tuy còn đơn sơ, phòng ốc còn thiếu tiện nghi, nhưng với những bàn tay và tấm lòng của các thầy, các sư cô và các vị thân hữu cùng với năng lượng tu tập hàng ngày, Tu viện đã trở thành một nơi nương tựa cho tứ chúng về tu học. Với trên 40 vị xuất gia thường trú, Tu viện đã thường xuyên tổ chức các khóa tu học hằng năm. Về đến Lộc Uyển là về tới nhà, ngôi nhà tâm linh của tất cả mọi người. Vào những buổi sáng sớm leo lên đỉnh núi, ngồi tọa thiền trên những phiến đá bằng phẳng, tiếp xúc với đất trời và không khí trong lành, chúng ta sẽ có cơ hội trở về với chính mình trong giây phút hiện tại. Xin chúc quý vị thân hữu xa gần về đây có được những ngày tu học thật an lạc và thảnh thơi.

 

 

http://deerparkmonastery.org

Liên lạc với Ni xá Diệu Trạm

Thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên, Việt Nam.

Điện thoại: +(84)816879755

Email: dieutram.office@plumvillage.org

Diệu Trạm Tổng Trì

Mấy tuần nay, Huế lại oi bức, nhiệt độ đã lên đến gần 40oC. Bây giờ mây kéo đến đen nghịt, trời gầm gừ những tia sấm chớp lòe, những cơn gió mạnh thổi dạt đi những hàng tre bên hồ Sao Mai. Cơn mưa đổ ào xuống, không khí trở nên mát mẻ, tôi thấy dễ chịu trong người. Tôi chợt nghĩ: “Làm sao có thể tách rời con người với trời đất được nhỉ?”. Trời đã bắt đầu mưa nặng hạt hơn, tiếng hô canh của sư em cũng vang vọng như tiếng mưa rơi trên mái ngói. Ngồi trong tư thế hoa sen, tôi chiêm ngưỡng những sợi châu ngọc lóng lánh phản chiếu bởi ánh đèn bên ngoài thiền đường. Trước mắt tôi là những hàng châu ngọc lấp lánh thánh thót rơi xuống sân. Tôi nhắm mắt lại cho thân và tâm cùng hòa chung vào một nhịp thở với đất trời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không khí trong lành, cây cối khoác lên màu áo mới xanh tươi. Nghĩ đến những khó khăn đã đi qua cho chúng tôi trong thời gian đầu ở Huế, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi thấy mình được ngồi yên trong thiền đường Hương Cau của Ni Xá Diệu Trạm thuộc Tổ Đình Từ Hiếu.

Ngày mới về Huế, tôi được các thầy giáo thọ cho biết đang có dự án xây một ni xá cho các sư cô đang tạm trú tại Tây Linh về tu học. Chúng tôi đã đi tìm đất ở vài nơi mà không được. Cuối cùng Sư Thúc nhượng lại miếng đất mà ngày trước Sư Thúc đã mua từ một cư sĩ dùng để trồng trọt cho chúng tôi để xây ni xá. Lúc ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép để xây cất. Nhờ ơn Bụt và chư Tổ, cuối cùng chúng tôi được cất giấy phép và công việc xây cất phải trên một năm mới hoàn tất theo ước nguyện là trước mùa An cư kiết Hạ năm 2009. Chúng tôi rời chùa Tây Linh về Diệu Trạm ở hẳn toàn bộ trước ngày an cư. Sư Thúc sức khỏe ngày càng yếu kém nhưng vẫn cố gắng có mặt cho chúng tôi ngày mới dọn về. Bệnh ung thư đã đi vào xương, Sư Thúc được bác sĩ căn dặn không được đi nhiều, nhưng vì thương chúng tôi, Sư Thúc dùng gậy chống để đi qua ni xá và làm lễ khấn trước khi chúng tôi dọn vào. Sư Thúc đã cầm gậy đi từng bước quanh ni xá, góp ý với tôi làm thế nào để chuẩn bị cho ngày khánh thành và an vị Phật.

Sáng nay, ngày 21 tháng 4 âm lịch năm 2009, đại chúng hai chùa Diệu Trạm và Từ Hiếu bận rộn chuẩn bị cho lễ khai mạc Trai Đàn Chẩn Tế được tổ chức tại Tổ Đình Từ Hiếu. Mục đích của buổi lễ là cầu an cho Sư Thúc, đồng thời làm lễ tẩy tịnh và an vị Phật cho ni xá Diệu Trạm. Cờ Phật Giáo được treo đầy trên con đường từ Tổ Đình dọc theo bờ hồ Sao Mai đến cánh cửa cổng vào ni xá Diệu Trạm. Cờ được treo cùng khắp quanh ni xá. Quý sư cô y áo chỉnh tề đứng dọc hai bên đường chờ cung nghinh chư vị Tôn túc. Bên Từ Hiếu, băng role và cờ Phật Giáo cũng được treo cùng khắp, tôi và sư trụ trì chùa Tây Linh cùng quý thầy trong ban nghi lễ cung đón chư vị Tôn túc. Quý Ôn và quý Sư bà đã tới, rất nhiều chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư đều cùng có mặt.

Buổi khai mạc diễn ra thật vô cùng long trọng với sự chứng minh của Hòa thượng Lam Sơn, Hòa thượng Phổ Hòa làm chủ lễ và sự hiện diện của rất nhiều chư vị Tôn túc. Giữa chừng buổi lễ, Hòa thượng Phổ Hòa và chư vị Tôn túc bắt đầu đi qua ni xá Diệu Trạm, mọi người vừa đi vừa niệm Bụt A Di Đà, lúc đó tôi thấy lòng mình vô cùng cảm động lẫn hồi hộp. Hai bên đường, các sư cô và các bác phật tử chắp tay hộ niệm theo. Tất cả đã đến trước tượng Bụt Thích Ca trong thiền đường Hương Cau thì tiếng niệm Bụt cũng vừa ngưng. Hòa thượng Phổ Hòa cất lên lời xướng: Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn, Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu…”, mọi người cùng hòa theo tiếng tụng kinh thật hùng tráng. Quý thầy bảo tôi lạy xuống giữa hai hàng Tôn túc. Thở thật sâu tôi nhẹ nhàng lạy xuống, tôi thấy mình không phải là người duy nhất đang lạy mà có cả gia đình huyết thống và tâm linh đang cùng tôi lạy xuống. Sau này tôi mới biết rằng lúc đó cũng có rất nhiều các sư em đang cùng tôi lạy xuống. Niềm hạnh phúc tràn dâng vì ước nguyện có một nơi để cho các sư cô tu học đã thành tựu. Ước nguyện của Thầy tôi, của Sư Thúc đã thành tựu. Không cần phải biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi biết một điều chắc chắn trong hiện tại là chư Bụt, chư Tổ, chư vị Tôn Túc ở Huế đang chứng giám cho sự có mặt của Diệu Trạm, sự có mặt của chúng tôi. Chúng tôi cung kính lạy xuống để tạ ơn Bụt, ơn Tổ, ơn Long Thần Hộ Pháp, ơn Tổ Tiên của vùng đất đã cho phép chúng tôi sống và tu tập ở đây. Sau bài tụng thì quý Ôn bắt đầu làm phép tẩy tịnh vòng quanh ni xá. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm và cảm động.

Buổi chiều ngày hôm sau chúng tôi cùng tham dự tụng kinh Địa Tạng với Ni bộ Huế. Mặc dù là phái nữ nhưng quý ni sư tụng kinh thật hùng hồn không thua gì phái nam. Nhân tiện đó tôi thỉnh quý Ni sư qua Diệu Trạm tụng cho một thời kinh. Thật cảm động khi quý sư đã không ngại tụng thêm một biến kinh cho Diệu Trạm và đi nhiễu Bụt trong thiền đường Hương Cau. Chấm dứt buổi chiều ngày hôm ấy, quý sư cùng ngồi lại và chúc mừng chúng tôi. Ngày cuối của buổi trai đàn, chúng tôi được cơ hội làm lễ cúng dường trai tăng chư vị Tôn túc. Những ngày ấy chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì được chư vị Tôn túc thương tưởng.

“Ni xá Diệu Trạm đẹp lắm, cái chi cũng đẹp, thiền đường, nhà ăn, vườn hoa, v.v.. Một sư em đã nói với tôi như thế. Trong mắt tôi, Diệu Trạm thật hiền lành. Ni xá có hai dãy nhà gồm hai tầng lầu và một khoảng sân hẹp dài. Một dãy nhà có tầng dưới là phòng ở và tầng trên là thiền đường, còn dãy kia tầng dưới là nhà bếp và tầng trên là phòng ăn, trước sân và cạnh nhà có những cây mít đã có sẵn trái trước khi chúng tôi dọn về. Trước khi dọn về, các sư em đã xin cỏ ba lá về trồng khắp khu vườn hoa. Thầy Từ Giác đã đi xin rất nhiều loại cây, như cây cau, cây mân, cây ngô đồng về trồng trước sân. Riêng tôi, tôi cũng đi mua nhiều loại cây mà chị em chúng tôi đều ưa thích là cây ngọc lan, cây hoa hậu (kỷ niệm khi còn ở  chùa Tây Linh), cây phượng, cây bằng lăng, cây bồ đề, v.v..  Buồn cười nhất là mảnh đất có rộng lớn chi mô mà chị em chúng tôi đòi trồng đủ loại, thành ra mỗi loại chúng tôi chỉ trồng có một cây thôi.

Cách ni xá Diệu Trạm và Từ Hiếu là một hàng rào và song cửa sắt được đóng chặt hàng ngày, trừ ngày quán niệm hay bên chùa Tổ có kỵ song cửa mới được mở.

Chiều nay Sư Thúc và tôi đi dạo một vòng quanh ni xá để nghe Sư Thúc dạy bảo, Sư Thúc chỉ lên hàng rào và nói với tôi: “Các con trồng mồng tơi để leo cho đẹp”. Tôi về nhắn lại lời Sư Thúc dạy nhưng các sư em lại nhìn tôi cười nói: “Trồng mồng tơi thì ốt dột lắm sư mẹ ui!”. “Sao vậy?”, ngạc nhiên tôi hỏi thì các sư em lại tủm tỉm cười. Một sư em hát nho nhỏ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”. Ui chao ơi, thì ra là dzậy! Không lâu hàng rào hiện ra những dây bìm bìm đầy hoa tim tím, và những dây đậu rồng xum xuê sát cổng ra vào, chúng tôi tha hồ thưởng thức những đậu rồng xanh tươi ngọt mát dòn tan. Sư Thúc lại dặn dò: “Các con nên trồng nhiều hoa cho đẹp”. Các em tôi rất ngoan và thương Sư Thúc, không lâu hai bên đường vào ni xá lại đầy những loài hoa hồng, tím, đỏ xinh tươi.

Ni xá mới thành lập mà tưởng chừng như lâu năm. Nhìn ngôi ni xá, tôi thấy ni xá đẹp quá chừng! Vì không phải là chùa nên ni xá không cần mái cong ngói rồng ngói phượng, cũng không có nhiều tượng Bụt, dù là nơi sinh hoạt tu tập sinh hoạt mỗi ngày. Tôi thấy Diệu Trạm đẹp vì có sự đóng góp chân thành của những đôi tay, khối óc và tình thương của các thầy cô trẻ và của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian xây cất, chúng tôi cùng quý thầy bên Từ Hiếu đã chuyền tay nhau từng tảng đá, to có, nhỏ có, từng viên gạch ngói đỏ, chuyển từng xe cát, trồng từng bụi cây, những vòm hoa, từng vạt cỏ. Lúc nghỉ ngơi chúng tôi chia nhau từng miếng bánh, chén chè đậu xanh mát rượi, những nụ cười tươi tắn sau vành nón nghiêng che… Chúng tôi đã làm việc chung với nhau thật hòa hợp. Tôi không quên có những ngày trong mùa hè nắng cháy da người, sư em đã đèo tôi trên chiếc xe gắn máy để đi tìm mua vật liệu theo lời yêu cầu của ông thợ cả. Chúng tôi đã dầm mưa ngày đêm để chuyền cho xong những gói gạch cho kịp mùa nắng. Diệu Trạm đã dạy chúng tôi biết trân quý những gì mình đang tận hưởng, tất cả đều được làm bằng công phu lao tác, chứ không có gì tự nhiên mà ra cả.

Về Diệu Trạm được gần hai tuần, Sư Thúc hỏi tôi: “Các sư cô dọn về Diệu Trạm được bao lâu rồi Hoa Nghiêm?”, “Thưa Sư Thúc, gần hai tuần rồi ạ”, “Các sư cô ở có hạnh phúc không?”. Tôi trả lời: “Thưa Sư Thúc, chúng con hạnh phúc vô cùng!”. Sư Thúc gật đầu: “Như vậy là tốt đó, Tổ Tiên nơi này đã yểm trợ các con rồi”.

Ngày mới về, có một số các sư cô cảm thấy sợ vì quanh đây có nhiều ngôi mộ cổ. Riêng tôi, tôi cảm  được năng lượng thiêng liêng của vùng đất này rồi. Có Diệu Trạm, cư sĩ nữ về thăm chùa Tổ cũng có chỗ lưu trú lại thêm khi khu nhà khách nữ bên Từ Hiếu hết giường. Mẹ các sư cô cũng có chỗ ở khi lên thăm con hay muốn tu tập một thời gian.

Mỗi buổi sáng sớm, sau giờ công phu khuya, chúng tôi thường im lặng thiền hành bên nhau lên đồi Dương Xuân, nơi đây tôi nhớ đến những kỷ niệm Thầy kể khi còn là điệu. Rồi chúng tôi cùng tập mười động tác chánh niệm. Nhìn các sư em đứng thẳng xen kẽ nhau giữa những cây thông, tất cả cùng giương cao đôi tay hướng thẳng lên bầu trời đang từ từ hừng sáng, những thân hình mảnh dẻ đứng bên nhau giống như những cây thông xanh khỏe mạnh trong khu rừng Dương Xuân đã trải qua những năm tháng nắng mưa. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã đứng bên nhau trong thời gian khó khăn lúc ban đầu ra Huế, nhờ nương tựa vào nhau mới có được Diệu Trạm của ngày hôm nay.

Chúng tôi bắt đầu ba tháng an cư ở Diệu Trạm, ngày nào chúng tôi cũng đắp y ăn quá đường. Các bác phật tử tăng thân của bác Siêu, tăng thân tiếp hiện ở Huế xin phép được cúng dường quá đường mỗi ngày thứ ba, chúng tôi rất vui khi có các bác cùng về tu tập.

Một hôm, sư em vào thưa: “Sư mẹ ơi, có người muốn gặp”. Trước mặt tôi là một người đàn bà gầy ốm, trên tay bồng một đứa bé khẳng khiu, gương mặt hằn lên những nét lo âu, đôi mắt nhìn tôi như van xin một điều gì. “Cô gặp tôi có chuyện gì không?”. Người đàn bà chỉ tay vào đứa bé: “Thưa sư cô, xin sư cô cứu giúp con của con, nó bị bệnh u trong não cần  phải mổ mà con không có tiền để mổ, xin sư cô thương xót”. Nói xong người đàn bà đưa ra một tờ giấy như để chứng minh là mình nói thật. Tôi không nhìn tờ giấy và cũng không cần biết là đứa bé có bệnh thiệt hay không, tôi chỉ lặng lẽ đi lấy tiền trao cho người đàn bà. Từ ngày về Diệu Trạm tôi đã gặp trên 50 trường hợp tương tự như vậy. Lúc ban đầu tôi còn nghi ngờ nhưng tôi luôn gặp những con người trông đầy đau khổ, và trong trái tim tôi không cho phép mình làm ngơ trước những tình trạng như vậy. Vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ trên đất nước đang bắt đầu phát triển, nếu như mình bị gạt thì tôi vẫn thấy hạnh phúc hơn là làm ngơ trước nỗi khổ của người khác.

Niềm vui chưa được trọn vẹn thì Sư Thúc ngã bệnh nặng. Chúng tôi cùng quý thầy thay phiên nhau lên bệnh viện chăm sóc Sư Thúc. Đã biết con người không thể nào tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử nhưng nhìn gương mặt xanh xao và con người càng ngày càng gầy xuống của Sư Thúc tôi thấy lòng mình chùng xuống. Trước khi ra đi Sư Thúc muốn về chùa, mỗi ngày chúng tôi đều sang thăm người. Các thầy được chia phiên túc trực ngày đêm. Bác sĩ Cầu bảo: “Còn 24 giờ nữa thôi là Ôn sẽ đi”. Hai đêm đầu, tôi và quý sư nghỉ ngoài hiên Thất Lắng Nghe để hầu chuyện hữu sự của Sư Thúc. Nằm bên quý sư, tôi thấy thương cái tình của quý sư dành cho Sư Thúc. Trước giờ Sư Thúc ra đi, gia đình tâm linh và gia đình huyết thống của Sư Thúc đều có mặt đầy đủ. Sư Thúc đã ra đi thật bình an, Sư Bà Lưu Phương đưa tay vuốt nhẹ gương mặt của Sư Thúc rồi chắp tay niệm Bụt. Hình ảnh này khiến tôi không cầm được nước mắt, tôi cảm được cái tình của một người sư chị đối với người sư đệ trong cái vuốt nhẹ đó. Thời gian ấy Bát Nhã bắt đầu xảy ra chuyện, tin buồn này tiếp đến tin buồn kia, nhờ có sự thực tập mà tôi vượt qua được những lo âu trong lòng.

Đối với tôi, chùa không chỉ là một danh lam thắng cảnh, mà chùa là nơi để chúng ta được trở về để tu tập và chuyển hóa những gốc rễ của mọi khổ đau, nhận diện được con người thật xưa nay bị vô minh che lấp.

“… Sáng hôm nay em tôi trở về quỳ dưới Phật đài

mắt đầm đìa lệ,

ôi những linh hồn đi tìm bến đỗ

(hình bóng của tôi xưa

phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ, khao khát bến bờ)…

(Trích thơ Sư Ông: Tôi sẽ tin rằng tất cả)

Diệu Trạm là nơi chúng tôi tu tập chung với quý thầy bên Tổ Đình để chế tác năng lượng bình an, giúp cho nhiều người tu tập chuyển hóa những khổ đau, tiếp nối sự nghiệp của Bụt, Tổ và Thầy. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên ơn Sư Thúc, người đã thương yêu và lo lắng cho Diệu Trạm cho đến ngày Sư Thúc đi về cõi tịnh. Sư Thúc không còn nữa nhưng Sư Thúc còn mãi trong lòng của chúng tôi.

Sư Thúc ơi, chúng con sẽ không bao giờ quên ơn Sư Thúc. Sư Thúc đã thương yêu và lo lắng cho Diệu Trạm cho đến ngày Sư Thúc đi về cõi tịnh. Diệu Trạm sẽ là nơi giúp cho nhiều người tu tập chuyển hóa những khổ đau, tiếp nối sự nghiệp của chư Bụt, chư Tổ, của Sư Ông và của Sư Thúc. Sư Thúc ơi, chúng con tự nguyện rằng sẽ hoàn thành ước nguyện của Sư Thúc hầu đền đáp công ơn Người đã dày công lo lắng cho chúng con.

Huế bắt đầu vào mưa với những cơn mưa rất lớn, mưa liên tiếp mấy ngày trời. Hình như cơn bão cấp chín đang đi ngang qua Huế, Huế không bão nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít. Rất nhiều cây cối bị ngã nghiêng. Chiều hôm nay mưa đã tạnh, cây cối, vạn vật được tắm sạch sau cơn mưa trông xanh mát hơn. Ánh nắng bớt gay gắt hơn. Tôi ngồi trước phòng mình, ăn chiều cùng sư cô Quy Nghiêm, nắng rơi nhẹ trong không gian xuyên qua những cây trúc tím. Không gian im lắng, đâu đây vài tiếng cười khúc khích nổi lên, tôi nghe lòng bình an. Tịnh độ là đây rồi, còn lo phiền chi nữa. Lo cho tương lai Diệu Trạm, lo cho tăng thân Bát Nhã, lo cho sức khỏe của Sư Ông, cho Sư Thúc đã về cõi tịnh độ rồi. Tất cả những sự lo âu sợ hãi không còn nữa trong giây phút hiện tại, giây phút này tôi đang an trú trong Hiện Pháp, trong tình huynh đệ.

Sáng nay đi thiền hành, con đường được sương mù bao phủ cùng khắp. Tôi thường hay đi sau chót để được ngắm những tà áo nâu và những chiếc nón lá thấp thoáng hai bên đường. Đoàn người đi âm thầm trong sương mù khiến tôi nhớ những buổi thiền hành sáng sớm ở Diệu Trạm. Tôi đã rời Huế sang Thái Lan, nơi một trung tâm tu học nữa của Làng Mai thành hình. Diệu Trạm hay Thái Lan, nơi đâu cũng là Làng Mai, cũng là quê hương nuôi lớn pháp thân huệ mạng.

Tôi khép hờ mắt, nghe trong tâm vang vọng lời kinh: “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn…”.


 

Khi nhớ về Sư Thúc

Sư Thúc kính thương!

Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là tới ngày kỵ Sư Thúc. Nhớ đến ngày đó trong con lại dâng lên một cảm xúc thật khó diễn tả. Dù cho con không được gần Sư Thúc nhiều nhưng với con, Sư Thúc là một người cha hiền, mẫu mực cho chúng con học hỏi và noi theo.

Con nhớ lắm, không thể nào quên được ngày 17/9/2008. Ngày ấy anh chị em chúng con được thầy Trung Hải và sư cô Như Hiếu dẫn ra Tổ Đình để xuất gia. Đây là lần đầu tiên con được ra Tổ Đình và cũng là lần đầu con được biết tới Huế. Trước khi ra Huế chúng con được “trang bị” rất kỹ. Nào là Huế là chiếc nôi Phật giáo nên mọi cử chỉ đi, đứng, nói năng, tiếp xử phải rất cẩn trọng, nếu không thì người ta nhìn vào thì kỳ lắm. Chỉ cần nghe chừng đó thôi anh chị em chúng con cũng đã run lắm rồi. Nhưng sau khi được ngồi chơi cùng Sư Thúc, được ở chùa Tổ mấy hôm thì cái run ấy trong con không còn nữa. Thay vào đó là một cảm giác thân thiện và gần gũi.

Một buổi chiều anh chị em chúng con được sư cô Như Hiếu dẫn lên thất Lắng Nghe để đảnh lễ Sư Thúc. Sư Thúc ngồi trên chiếc ghế tre đơn giản, chiếc bàn cũng bằng mây tre đan. Nhìn Sư Thúc, nhìn bộ bàn ghế sao con thấy thân quen quá, như thể từ lâu con đã ở nơi này. Chúng con ngồi bên Sư Thúc nghe kể chuyện. Sư Thúc kể chuyện hồi nhỏ Sư Thúc đi tu thì khó khăn như thế nào, cả về vật chất và tinh thần. Hồi còn làm điệu Sư Thúc phải học hành và làm việc ra sao. Chỉ cần nghe những câu chuyện về Sư Thúc như vậy thôi cũng đủ cho con nuôi lớn thêm tâm bồ đề, mới thấy mình bây giờ thật may mắn và sung sướng vì bao nhiêu khó khăn cha anh đi trước đã gánh vác  hết.

Sư Thúc đang đưa chúng con về với ngày xưa thì sư chú Mãn Đạt – thị giả của Sư Thúc bưng ra một ly nha đam nhưng sư chú không nói gì mà chỉ lẳng lặng đặt trên bàn. Sư Thúc không thấy ly nha đam nên đã quơ tay và ly nha đam đổ xuống bàn. Sư chú vội vàng tới xin lỗi Sư Thúc thì Sư Thúc chỉ nhỏ nhẹ: “Không sao đâu con à, đổ thì thôi!”. Chao ôi! Lúc đó con chưa có cạo đầu, được nghe một người thầy gọi đệ tử là con, con mới xúc động làm sao. Tiếng con sao mà ấm áp. Qua đó con càng thêm vững niềm tin vào con đường mình đã chọn.

Lầu tiên con được tham dự ngày quán niệm tại Tổ Đình, một cảm giác hạnh phúc thật khó quên. Tổ đình bình yên và mát dịu. Giờ thiền hành hôm đó Sư Thúc dẫn đại chúng đi thiền hành quanh hồ Sao Mai, hồ Sao Hôm rồi dừng chân ở nhà Thủy Tạ. Sư Thúc kêu hết anh chị em chúng con lại để chụp hình. Những kỷ niệm ấy mới đẹp làm sao. Ngày chúng con được xuống tóc, Sư Thúc là người thay Sư Ông truyền giới cho chúng con khi mạng bị rớt. Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng con được Sư Thúc xoa đầu từng đứa. Quả thực, con đã khóc rất nhiều trong khi làm lễ xuất gia. Chúng con được chơi cùng Sư Thúc, cùng đại chúng ở Tổ Đình bảy ngày thì vô lại Bát Nhã.

Khi xa Sư Thúc rồi thì chúng con vẫn thường được nghe sư cô Như Hiếu kể chuyện về Sư Thúc. Rằng là khi sư cô cùng các anh chị em huynh đệ đi làm ruộng thì Sư Thúc ra thăm. Sư Thúc mang theo rất nhiều đồ ăn và nước uống. Sư Thúc cũng chỉ bày cách làm ruộng cho những ai chưa biết làm. Sư Thúc là một người làm ruộng, làm vườn rất giỏi. Có năm Huế bị mất mùa nhưng ruộng của chùa vẫn thu hoạch bình thường. Sư Thúc rất thương cây cối trong chùa nên ngày Sư Thúc tịch cây cối cũng buồn mà vàng úa đi nhiều.

Sư Thúc kính thương!

Bây giờ đây, mỗi khi gần đến ngày kỵ của Sư Thúc thì huynh đệ chúng con lại cùng nhau lên thất Sư Thúc để dọn dẹp, làm mới lại thất của Người. Con thấy mọi đồ dùng của Sư Thúc như đôi dép, cái mền, bộ bàn ghế… tất cả còn nguyên vẹn. Trong thất có treo một bức hình của Sư Thúc thật lớn, Sư Thúc đang cười thật tươi và con như thấy Sư Thúc đang cười với chúng con.

Con ý thức rằng dù ở đâu Sư Thúc vẫn luôn có mặt cho chúng con. Chỉ cần nghe những câu chuyện kể về Sư Thúc thôi chúng con cũng được nuôi dưỡng rất nhiều. Con biết rằng dù con có ở bất cứ nơi nào thì Sư Thúc vẫn có trong con. Pháp thân của Sư Thúc vẫn mãi còn đó và đó là bài pháp thoại không lời nhưng sống động nhất mà Sư Thúc dành cho tất cả chúng con khi nghĩ về Người.

Gió ngừng thổi
Chim ngừng bay
Khi hay tin người ra đi mãi mãi
Nhưng pháp thân người vẫn còn ở lại
Cho hôm nay và mãi mãi ngày sau.

Kể chuyện Người xưa

Sư em thương kính! Sư anh sẽ kể cho sư em nghe câu chuyện về một vị Thầy, câu chuyện này từ khi bắt đầu cho đến kết thúc là cả một đời người nhưng câu chuyện còn rất mới, mới như ngày hôm qua vậy đó. Vị Thầy mà sư anh muốn kể cho sư em nghe là Sư Thúc, một vị thầy khả kính trong lòng Tăng thân. Nếu có dịp về Huế và đi dọc theo con đường chạy dài từ Thuận An đến cửa Tư Hiền, sư em sẽ có dịp dừng chân lại thăm một ngôi làng nhỏ tên là Thanh Dương, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Ngôi làng ấy có một con sông lớn ở bên này và bên kia là biển rộng. Vào mùa hè, dân làng trồng thật nhiều hoa sen, có rất nhiều đầm sen lớn và mỗi đêm về hương sen tỏa ra thơm ngát, theo gió đem đến cho người dân trong làng những giấc ngủ bình yên. Chắc rằng thời thơ ấu, Sư Thúc có rất nhiều niềm vui và những kỷ niệm đẹp với ngôi làng này.

Hồi còn nhỏ, Sư Thúc có nhiều anh em để chơi vì gia đình có đến mười ba anh chị em, Sư Thúc là kế út. Sư Thúc biểu hiện vào ngày 12 tháng 03 năm Mậu Tý (1948) và được đặt tên là Phạm Trí. Bố và mẹ của Người đều là những người chân quê, chất phát, thật thà, cả hai đều là phật tử. Thân phụ tên là Phạm Tăng Khế, pháp danh Trừng Cơ, còn thân mẫu tên là Nguyễn Thị Biểu, pháp danh Nguyên Phong. Có lẽ thân phụ của Người là đệ tử năm giới của Sư Cố chùa Từ Hiếu. Đó là một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, cho nên ngay từ nhỏ Sư Thúc đã được tiếp xúc với phật pháp. Đến tuổi trưởng thành Người từ giã song thân đến chùa Từ Hiếu xin xuất gia làm đệ tử của Sư Cố Thanh Quý – Chân Thật, lúc ấy Sư Thúc tròn mười tám tuổi. Với bản chất thật thà và cần mẫn, Sư Thúc rất được Bổn sư và các huynh đệ đồng liêu thương yêu và tin tưởng.

Thời gian làm điệu là những ngày tháng thật vui. Sư Thúc kể có một lần các điệu thèm kẹo quá, thấy trong liêu Sư Cố có mấy gói mè xửng của mấy vị Phật tử đem lên cúng nhưng không ai dám xin. Thế rồi các điệu mới bàn cách làm sao để có kẹo ăn. Bàn tính xong đâu vào đấy các điệu giao trách nhiệm cho điệu thị giả. Sáng hôm sau trong khi quét dọn, chú điệu thị giả mới chắp tay thưa Sư Cố: “Bạch Thầy! Có mấy con kiến nó đã chui vào trong gói mè xửng và đang ăn bánh của Cố.” Thế là “thừa thần dư huệ”, chú điệu được đem gói mè xửng đó xuống chia cho các điệu. Thì ra, ngày hôm qua trong khi quét dọn điệu đã dùng một cái tăm xỉa răng làm thủng mấy lỗ nơi một gói mè xửng. May quá điệu làm việc đó mà không bị phát hiện. Có lẽ vì vậy mà sau này trong liêu phòng của Sư Thúc lúc nào cũng có bánh kẹo và mỗi lần các sư chú, các điệu, các sư cô lên thăm thì việc đầu tiên là Sư Thúc dạy chú thị giả đem bánh kẹo ra mời.

Làm điệu được hai năm thì Sư Cố viên tịch, khi đó Sư Thúc chưa thọ giới sadi, nhưng vì thấy Sư Thúc rất siêng năng trong công phu tu tập nên trước khi viên tịch Sư Cố đã có thưa chuyện với chư vị tôn túc trong sơn môn và đã được chư vị hứa khả. Một thời gian sau đó, Sư Thúc được thọ giới sadi ở chùa Trúc Lâm – Huế cùng với hai sư huynh nữa đều là đệ tử của Sư Cố. Sư Thúc được đặt pháp danh là Trừng Huệ, pháp tự là Chí Mậu. Sau khi nhận được giới pháp, Sư Thúc tu tập rất tinh chuyên dưới dự dẫn dắt của pháp huynh là Hòa thượng Chí Niệm. Sư Thúc có giọng tụng kinh rất hùng mà mãi cho đến khi lớn tuổi mà giọng tụng kinh của Người vẫn đậm đà như xưa. Đặc biệt, Sư Thúc có đôi lông mày rất đẹp làm tô thêm vẻ uy nghiêm, nhưng bù lại Người có nụ cười hiền từ làm cho ai cũng dễ mến. Đến năm hai mươi hai tuổi, tức là vào năm 1970, trong đại giới đàn Vĩnh Gia được tổ chức tại Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẵng, Sư Thúc được thọ Cụ Túc – Bồ tát Giới. Trong đại giới đàn ấy, Hòa thượng Giác Nhiên làm Hòa thượng đàn đầu. Sau khi thọ giới, Sư Thúc vẫn tiếp tục ở lại học, cho đến năm 1975 thì trở về Huế nương chúng tu học và cùng chăm sóc chùa Tổ. Thời gian ấy rất khó khăn, biết bao nhiêu huynh đệ cùng trang lứa vì khó khăn của thời cuộc và chiến tranh mà không thể đi tiếp con đường tu, nhưng Sư Thúc vẫn giữ một tấm lòng sắt son nương tựa Tam Bảo.

Có sức khỏe và lòng nhiệt huyết của một người tu trẻ, Sư Thúc đã đảm trách những công việc nặng nhọc như tri ruộng và tri vườn. Hồi ấy, chùa Tổ nổi tiếng là một nơi làm vườn rất giỏi. Đến năm 1979, Hòa thượng Chí Niệm viên tịch. Sư Thúc đã được Tông môn ủy cử lên đảm trách điều hành Phật sự của Tổ đình và tiếp tăng độ chúng. Với nhiệt huyết sẵn có, Sư Thúc đã đem hết lòng của mình để phụng sự Tam Bảo, làm cho chùa Tổ trở nên xinh đẹp, ấm cúng, làm phát khởi niềm tin cho Phật tử và du khách mọi nơi mỗi khi trở về thăm viếng. Đến năm 1994, Người đã cùng với chư tôn đức ở Huế và nhiều vị giáo thọ khác mở Phật Học Viện tại Từ Hiếu. Mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng học viện đã đào tạo được hơn bốn khóa, mỗi khóa năm năm.

Một duyên lành rất lớn vào năm 2004, Sư Thúc đã đến thăm Làng Mai trong khóa An Cư năm 2004 – 2005, đại diện Tổ đình mời Sư Ông về thăm quê hương sau ba mươi chín năm xa cách. Năm ấy, Sư Ông đã ra tận sân bay để đón Sư Thúc làm cho ai cũng ngạc nhiên và xúc động. Sư Thúc kể rằng, khi gặp Sư Ông thì Sư Thúc thấy mình như là một chú điệu, không biết làm gì hơn, Sư Thúc đã chắp tay và lạy sụp xuống, Sư Ông đã cúi xuống đỡ Sư Thúc lên và nắm tay Sư Thúc đi ra xe. Những khoảnh khắc ấy thật sâu đậm mà ai đã chứng kiến thì chắc không thể nào quên. Thời gian ở Làng năm ấy là thời gian hạnh phúc nhất trong đời của Sư Thúc. Sư Thúc được gần gũi bên người sư huynh mà mình hằng yêu quý nhưng đã hơn bốn mươi năm chưa một lần thấy mặt. Sư Ông đã dẫn Sư Thúc đi chơi rất nhiều, khắp các xóm của Làng. Trong mấy mươi năm mãi lo phụng sự Tam Bảo, lo cho ruộng vườn để nuôi chúng tu học có khi nào Sư Thúc được thanh thản như vậy đâu. Chỉ khi được qua Làng Người mới có thật nhiều thời gian để đi chơi. Lần đó Sư Ông đã viết tặng Sư Thúc hai câu thơ:

“Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với điệu biết đời nào khôn.”

Sư Thúc nói: “Thầy thấm hai câu đó lắm!” Vì vậy mà khi về lại chùa Tổ Người cứ đọc cho các chú, các điệu nghe hoài. Cũng trong đại giới đàn năm đó Sư Thúc đã nhận truyền đăng và được Sư Ông trao kệ đắc pháp:

“Công phu chí cả nuôi từ quán
Nẻo về thịnh mậu núi Dương Xuân
Quyết tâm nuôi lớn tình huynh đệ
Đất thiên rạng rỡ bước siêu trần.”

Mãn mùa an cư, Sư Thúc trở về Việt Nam để cùng với chư tôn đức trong sơn môn chuẩn bị cho chuyến về thăm quê hương và Tổ đình của Sư Ông và Tăng thân Làng Mai. Sau khi Sư Ông rời Huế, thấu hiểu được ước mơ của những người tu trẻ, Sư Thúc đã cùng với tăng chúng chùa Tổ quyết định làm mới lại sự thực tập và xây dựng chùa Tổ thành một Tu viện đầu tiên ở Việt Nam tu học dưới sự hướng dẫn của Sư Ông và Sư Thúc là một cây đại thụ luôn luôn có mặt đó để làm chỗ nương tựa cho Tăng thân. Sau gần năm năm thực tập pháp môn mới, giờ đây chùa Tổ đã có hai chúng xuất gia nam và nữ hơn một trăm vị cùng tu học và cùng đi trên một con đường chung. Vậy là tâm nguyện của Sư Thúc với Tam Bảo cũng đã được tròn đầy khi thấy con cháu của mình biết tu học và thương yêu nhau như người một nhà, đó cũng là lúc Sư Thúc xả bỏ báo thân, vào ngày 18 tháng 06 năm Kỷ Sửu (2009). Sáu mươi hai tuổi đời và bốn mươi năm làm một người xuất gia, Sư Thúc đã để hết thời gian của mình để phụng sự Tam Bảo, xây dựng Tăng thân, làm cho Tổ đình ngày thêm hưng thịnh.Để hàng con cháu sau này luôn tưởng nhớ đến công hạnh của Sư Thúc, Sư Ông đã viết một câu đối tặng Sư Thúc. Câu đối đã được khắc lên bảo tháp Sư Thúc trong khuôn viên chùa Tổ:

“Từ Hiếu dưỡng chân tổ ấn trùng quang thiên tải chiếu
Mai Thôn đắc đạo sơn môn vĩnh chấn nhất thời hưng”

Sư em thương kính! Vậy là câu chuyện mà sư anh kể cho sư em nghe cũng đã hết nhưng câu chuyện này sẽ bước sang một trang mới, Sư Thúc là trang đầu trong rất nhiều trang có trước đó, còn các trang sau chúng ta sẽ viết tiếp. Nếu có dịp về thăm chùa Tổ sư em sẽ được tiếp xúc với Sư Thúc qua những hình tướng mới. Sư em sẽ thấy Sư Thúc qua sự có mặt của các thầy, các sư chú, sư cô và các điệu ở đó. Chùa Tổ vẫn còn đó, dấu ấn của chư liệt vị tổ sư vẫn còn có đó, chỉ cần đặt từng bước chân thật vững chãi và nhẹ nhàng trên mảnh đất thiêng ấy thì sư em sẽ tiếp nhận được rất nhiều năng lượng bình an của chư vị.

Mai Thôn, Mùa An Cư Kiết Đông 2009 – 2010.

Chân Minh Hy

Những bài có liên quan:

Vị trụ trì giỏi của Tổ đình

Quyết tâm nuôi lớn tình huynh đệ

(Hình ảnh trên: Sư Ông Làng Mai và Sư Thúc Chí Mậu trong chuyến về Việt Nam năm 2005 của Tăng đoàn Làng Mai)