Còn biết ơn là còn hạnh phúc

(Trích từ sách Con đã có đường đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

“Thanksgiving Day” là ngày lễ tạ ơn theo truyền thống của người Mỹ. Tại Làng Mai, hàng năm, chúng ta đều tổ chức lễ tạ ơn, nhưng với một tinh thần khác. Tinh thần của sự thực tập làm lớn lên lòng biết ơn để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong đời sống nơi mỗi chúng ta. Bởi khi nào lòng biết ơn còn có mặt thì hạnh phúc vẫn còn. Và người đã cạn kiệt lòng biết ơn, hạnh phúc không thể còn có được.

Theo truyền thống Cơ Đốc Giáo, biết ơn được hiểu là biết ơn Thượng Đế, biết ơn Chúa. Bởi theo truyền thống Cơ Đốc Giáo thì Thượng Đế đã sinh ra mình, sinh ra vạn vật, và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Còn trong truyền thống đạo Bụt, sự biết ơn được hiểu như tứ ân: cha mẹ, thầy tổ, bạn bè và mọi loài. Vì cha mẹ cho ta hình hài này, thầy tổ cho ta đời sống tâm linh, bạn bè là những người đồng hành, và nâng đỡ ta trong những lúc khó khăn, các loài hữu tình và vô tình khác mang lại cho ta những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Ta biết rằng, tổ tiên của mình không chỉ là loài người. Chúng ta có chung nguồn gốc với các loài động vật, thực vật và cả những loài khoáng vật. Bởi con người xuất hiện rất muộn trong lịch sử hình thành sự sống. Do vậy, lòng biết ơn không chỉ hướng đến loài người, mà cả mọi loài. Đối tượng của lòng biết ơn trong đạo Bụt rất lớn.

Người Phương Đông có quan niệm phú tải chi ân – trời che đất chở. Bầu trời ôm lấy mình, che chở mình. Còn mặt đất chuyên chở mình, là nơi cư trú của mình. Trên thì che, mà dưới thì chở – thiên địa phú tải chi ân. Đó là ý niệm về lòng biết ơn của người Đông phương. Nếu có tuệ giác, mình thấy được mọi thứ hiện hữu xung quanh đều có ơn đối với mình. Khi nhìn nước chảy từ vòi ra, mình ý thức rõ: “Nước từ nguồn suối cao. Nước từ lòng đất sâu. Nước mầu nhiệm tuôn chảy. Ơn nước luôn tràn đầy.” Trong mình sẽ dâng lên niềm biết ơn, nếu mình biết quán chiếu như vậy, rồi mình nhìn sâu để biết ơn không khí, lửa,…Niềm biết ơn của mình sẽ bao trùm vạn hữu vũ trụ.

Trong ngày tạ ơn, người Mỹ thường có truyền thống trang hoàng những trái bí rợ rất lớn, những trái dưa, những trái bắp. Đây là những quà tặng của đất trời. Quà tặng ấy ta được tiếp nhận mỗi ngày. Ta cần thể hiện lòng biết ơn 24 giờ mỗi ngày. Ngày tạ ơn chỉ là biểu trưng cho lòng biết ơn ấy. Cần thực tập để lòng biết ơn trải rộng trên khắp mọi loài. Lòng biết ơn còn bị giới hạn, chưa phải là lòng biết ơn đích thực. Chúng ta thường nghĩ, cha mẹ là người nuôi dưỡng ta nên vóc nên hình. Nhưng nhìn sâu hơn, ta có thể thấy, góp công vào sự dưỡng dục ấy còn có rất nhiều yếu tố như đất, trời,… Nếu không có đất, có mặt trời sao có được lúa gạo, sao có được bông để dệt vải,…Do vậy, ta cũng có thể gọi, mặt trời là cha chung của muôn loài, trái đất là mẹ chung của muôn loài.

 

 

Người trao truyền, vật trao tryền và người tiếp nhận

Trong triết lý của đạo Bụt, chuyện cho và nhận được nhận thức rất sâu sắc. Khi quán chiếu sâu sắc, ta thấy rằng trong quan hệ cho – nhận, người cho với người nhận không phải là hai thực tại riêng biệt mà người cho cũng là người nhận và người nhận cũng là người cho. Thực tế là vậy, nhưng ít khi ta thấy được điều này. Ví dụ, tuy ta biết cha mẹ là người trao truyền cho ta hình hài này nhưng ta vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng ta và cha mẹ là hai thực thể riêng biệt. Cha mẹ là một thực thể khác, con là một thực thể khác. Thấy như thế thì chưa đúng với tinh thần đạo Bụt. Nhìn kỹ, hình hài này chứa đựng cả cha mẹ. Cha mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. “Con có cha có mẹ. Cha mẹ có trong con”. Con mang đầy đủ những hạt giống và nhiễm sắc thể của cha mẹ.  Người trao truyền và vật trao truyền là một. Đây gọi là cái nhìn Bất nhị, một giáo l‎ý rất thâm sâu trong đạo Bụt.

Nếu đem cái nhìn bất nhị này áp dụng vào trường hợp của những người bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo ta sẽ có được những cái thấy rất hữu ích. Các bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo nếu quán chiếu thật kỹ sẽ thấy được mình và Thượng đế không phải là hai thực thể riêng biệt. Ta ở trong Thượng đế và Thượng đế ở trong ta. Đối với vấn đề tạo hóa và tạo vật cũng vậy. Ta hay quan niệm rằng tạo hóa và tạo vật là khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ vào tạo hóa sẽ thấy được tạo vật ở trong, và ngược lại. Nếu không có liên hệ với nhau thì làm sao tạo hoá làm ra tạo vật được?  Nếu không có liên hệ, làm sao có sự trao truyền? Trong truyền thống Cơ đốc, nhiều vị tu sĩ đã thấy được điều này là nhờ có cái nhìn Bất nhị. Họ không đi tìm Thượng đế và Chúa bên ngoài họ bởi họ đã thấy Thượng đế và Chúa ngay bên trong họ. Kinh Phúc âm có dạy rằng : “Chúa, Thượng đế nằm ở trong trái tim của mình chứ không phải là một thực thể bên ngoài mình”.  Do vậy, người trao truyền chính là vật trao truyền vì người trao truyền đã trao truyền chính mình cho người tiếp nhận. Đứng về phía người tiếp nhận vật trao truyền, họ cũng chính là vật trao truyền. Tuy nói rằng sự trao truyền có ba yếu tố: người trao truyền, người tiếp nhận, và vật trao truyền nhưng kỳ thực, ba yếu tố đó chỉ là một. Cái này được gọi là Tam luân không tịch, tức là ba cái không có sự riêng biệt. Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận nương nhau mà có. Một trong ba yếu tố vắng mặt thì hai yếu tố còn lại không thể được hình thành.

Ngày Tạ Ơn là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn. Nhưng lòng biết ơn ấy có sâu sắc hay không còn tùy thuộc vào cái thấy về lòng biết ơn có sâu sắc hay không. Cái thấy sâu sắc nhất chính là cái thấy Bất nhị, người mình mang ơn và mình là một.

Khất thực trong làng Thénac

(Thầy Chân Trời Đức Định) 

Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Duyên đã chín muồi

Vài năm trước, trong một lần quý thầy, quý sư cô cùng đi bộ tại Thénac, một làng nhỏ nơi xóm Thượng, Làng Mai tọa lạc, mọi người tác ý là một ngày nào đó sẽ đến khất thực nơi nhà những bạn bè quen biết, cũng là các hàng xóm cư sĩ ở đây. 

Vào đầu mùa an cư kết đông 2023 – 2024, tôi đề nghị ý tưởng này với quý thầy. Nếu được như thế, chúng tôi có thể kết thúc mùa an cư một cách rất ý nghĩa. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy quý thầy chấp nhận đề nghị này một cách thật dễ dàng và vui vẻ. Không lâu sau đó, một ban tổ chức rất nhiệt tình gồm ba thầy và năm cư sĩ đã thành hình. Suốt thời gian tổ chức sự kiện này, chúng tôi đã gặp nhiều thuận duyên và rất ít khó khăn. Có vẻ như điều kiện đã chín muồi nên mọi việc diễn ra trôi chảy. Cá nhân tôi rất ngạc nhiên thấy một sự kiện liên quan tới nhiều người đến thế mà lại diễn ra một cách thật hòa điệu.

Một cơ thể, một trái tim

Sáng thứ bảy, 13.01.2024, hai nhóm xuất sĩ mang bình bát đi thiền hành tới Thénac, ngang qua những cánh đồng miền quê nước Pháp. Quang cảnh bên đường, từng hàng cây ngọn cỏ đều trắng tinh vì phủ đầy sương giá. Khi đến nhà của các bạn cư sĩ hàng xóm, sau khi được cúng dường, quý thầy tụng bài “Cát tường” để hộ niệm cho thí chủ, đoạn xá chào cảm ơn, rồi tiếp tục bước thiền hành.

 

 

Khi các huynh đệ cùng đi với nhau trong tĩnh lặng, tôi cảm thấy tất cả chúng tôi cùng thuộc về một cơ thể, một trái tim. Tôi cảm được sự gắn bó và có cùng chung một niềm hạnh phúc với huynh đệ. Nhóm khất thực của chúng tôi sắp xếp hai hàng đi song song với nhau và cất bình bát trong túi bọc khi đi trên một đoạn đường dài, lúc gần đến nhà cư sĩ, chúng tôi đổi lại đi hàng một, tay nâng bình bát. Cứ như trong một vũ điệu, chúng tôi hòa vào một dòng chảy. Khi vị đầu tiên dừng lại, tất cả các thầy đều dừng lại một lượt, lấy bình bát ra cùng một lượt. Tôi có thể cảm được quý thầy đi phía sau sẵn sàng hay chưa nhờ lắng nghe sự yên lặng rất bình an của cả đoàn. 

Tưới tẩm hạt giống rộng lượng và biết ơn

Khi quý thầy trở về xóm Thượng thì các bạn thiền sinh cùng tham dự an cư, thiền sinh dài hạn và các cư sĩ sống ở vùng lân cận đang chấp tác một cách vui vẻ. Người thì giúp trang hoàng thiền đường, người khác nấu nướng trong bếp hoặc giúp dọn dẹp xóm. Chốc chốc lại có các bạn cư sĩ từ nhà tới, mang theo một món ngon nào đó.

Đến giờ ăn trưa, đại chúng bắt đầu đi theo thứ tự để khất thực. Quý thầy đi đầu, theo thứ tự hạ lạp, và được các vị thiền sinh cúng dường thức ăn vào bình bát. Trong khi tiếp nhận thức ăn, tôi có một chút hồi hộp nhưng rất vui khi thấy các bạn rất hết lòng tiếp thức ăn cho quý thầy.

Sau đó các bạn thiền sinh cũng được tiếp thức ăn. Rồi tất cả cùng đi vào thiền đường để dùng cơm trong im lặng, cùng chia sẻ với nhau các loại trái cây khô, hạt, và những thức ăn khác mà quý thầy đã nhận được từ buổi khất thực ban sáng trong làng Thénac. 

Tôi còn nhớ một hôm trước ngày khất thực, khi đi bộ ngang nhà của một bạn cư sĩ, nhìn qua cửa sổ thấy bạn đang nấu nướng, tôi thoáng nghĩ có lẽ bạn ấy đang chuẩn bị cho buổi cúng dường ngày mai, lòng thấy cảm động và biết ơn. Chắc là ngay lúc ấy có nhiều vị cư sĩ khác cũng đang háo hức chuẩn bị thức ăn cúng dường cho quý thầy.

Toàn bộ sự kiện là một cơ hội để cho quý thầy nhận diện và kết nối với các vị thiền sinh cư sĩ, những người đã chuyển nhà đến sống gần tu viện. Hàng ngày, kể cả các ngày quán niệm, thường thì quý thầy không nhận ra các vị cư sĩ này là ai, nhất là khi họ không nói cùng một thứ tiếng và không cùng pháp đàm trong một nhóm với quý thầy.

 

 

 

Tôi rất cảm ơn ban tổ chức của buổi khất thực bởi vì mọi người đã thực tập theo tinh thần mà tôi nghĩ là Thầy sẽ hài lòng: cùng làm việc thảnh thơi, vui vẻ và hòa điệu, có hiệu quả nhưng lại không bị kẹt vào kết quả. 

Cùng làm việc trong ban tổ chức với hai huynh đệ, tôi cảm thấy rất được yểm trợ. Nhờ cơ hội này chúng tôi có sự kết nối chặt chẽ với nhau hơn trong khi cùng nhau phụng sự đại chúng.

Là gì cũng đẹp

Lúc đi khất thực ngoài làng, tại ngôi nhà đầu tiên, tôi đã nhận thực phẩm cúng dường từ một người bạn thân, vị này trước đây từng ở cùng gia đình xuất gia với tôi, sau này đã trở về đời và có gia đình. Đầu tiên tôi thấy không được thoải mái cho lắm, hơi ngượng ngập, hơi bối rối không biết bây giờ quan hệ của chúng tôi nên như thế nào. Trong khi sắp xếp ngày khất thực, ban tổ chức chúng tôi có quán chiếu về mối liên hệ giữa xuất sĩ và cư sĩ. Chúng tôi ý thức rằng ai cũng đều có khả năng đi đến giải thoát hoàn toàn, dù người đó là ai đi nữa.

Đối với tôi, một người lớn lên trong xã hội Tây phương, những mối liên hệ dựa trên tính hào phóng, lòng biết ơn và tâm không mặc cảm là những điều không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy để học hỏi. Bây giờ nghĩ lại, nhờ những giáo lý đã được học và thực tập trong tăng thân mà tôi có thêm sự sáng tỏ trong vấn đề này. Sống như một thầy tu, hay như một cư sĩ đều đẹp cả, bởi vì một cuộc sống tu tập với tâm hiểu biết và từ bi là một cuộc sống tuyệt vời. 

Là một thầy tu, tôi có thể cống hiến sự thực tập hết lòng của mình, học hỏi để hiểu và sống những gì mình học, kể cả tình thương lớn mà Bụt Tổ đã trao truyền cho tôi. Khi nhận thức cúng dường, tôi được nhắc nhở rằng mình cần hết lòng dấn thân để thực hiện những điều mà tôi mong mỏi nhất cho bản thân và cho cuộc đời.

Khi một vị thiền sinh cúng dường tăng thân, hoặc đóng góp tiền rau đậu để dự một khóa tu từ số lương ít ỏi mà họ kiếm được, thì họ cũng sẽ được nhắc nhở một điều tương tự: đó là ước nguyện sâu sắc nhất của họ. Đây là một điều thật sự rất tuyệt vời giúp tôi nhìn thấy, cảm nhận, được đánh động và mỉm cười trước mối liên hệ tương dung, tương quan của vạn vật.

Bình bát của Như Lai

Nay được nâng trên tay

Nguyện hết lòng thực tập

Pháp tam luân không tịch 

(Kệ Nâng bát – Bước tới thảnh thơi – Sư Ông Làng Mai)

Con bướm và bông hoa, nếu ta lấy đi một cái, thì cái kia cũng không còn tồn tại nữa. Con bướm và bông hoa nương vào nhau để biểu hiện cùng một lúc. Nếu chúng tiến hóa, thì chúng sẽ cùng nhau tiến hóa. Chúng không hơn, không kém mà cũng không bằng nhau.  

Người huynh đệ cư sĩ và tôi tương tức với nhau. Mối quan hệ tuyệt vời này đang xảy ra, đó là sự kết nối, là sự biết ơn, là tấm lòng rộng lượng. Cả thế giới đang có mặt trong chúng ta, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ, khi chúng ta tương tác với nhau. Thay vì cảm thấy ngượng ngùng, tôi hạnh phúc. Xuất sĩ không phải là một điều gì tồn tại biệt lập ngoài cư sĩ. 

Sau đây là một ít hoa trái mà tôi gặt hái được trong mùa an cư này: 

Khi tôi có thể nhận ra mối tình thân thương, gắn bó giữa các loài dù tiềm ẩn hay biểu hiện;

nhận ra liên hệ giữa những hạt giống trong tàng thức và những hoa trái trong cuộc sống hằng ngày: 

hoàn cảnh, con người, thử thách…;

nhận ra mối liên hệ nội tại giữa nhu cầu thực sự của bản thân và những gì nhận được,

khi đó tôi có thể hoàn toàn tiếp nhận của cúng dường,

và hộ niệm cho người thí chủ

bằng một nụ cười tự tấm lòng.


Đi khất thực là một pháp môn

Trong chúng tôi, có một vài người tự hỏi “Có phải chúng ta tổ chức một sự kiện chỉ có tính cách biểu tượng mà thôi?”, hay “Chúng ta có nuôi dưỡng ý tưởng muốn làm những gì Đức Bụt đã làm, trong khi trên thực tế, chúng ta đã có quá đủ thức ăn và tiện nghi trong tu viện hay không?”.

Tôi đã tìm ra một câu trả lời khi quan sát những gì xảy ra vào ngày khất thực qua cách tổ chức và sự thực tập của mọi người. Tôi thấy những hạt giống thiện lành trong từng cá nhân và trong đoàn thể đang được tưới tẩm. Chúng tôi thực tập hài hòa trong quan điểm, lắng nghe nhau, có mặt và hành động trong chánh niệm, tưới tẩm những hạt giống rộng lượng, biết ơn, khiêm tốn, hạnh nguyện, quyết tâm và hiểu biết – thậm chí bằng cách đặt những câu hỏi như trên. Trong ngày hôm đó, chúng tôi cũng quán chiếu về mối quan hệ giữa mình với thức ăn và cảm thọ nơi tự thân.

Thêm một câu trả lời nữa mà tôi đã tìm ra, nhờ một câu trong kinh Duy Ma Cật: “Đi khất thực như vậy không hẳn là vì mình cần ăn”. Thầy cũng đã giải thích thêm trong tác phẩm Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia rằng “Khất thực không phải là để có thức ăn, mà là một pháp môn thực tập. Đi khất thực là chỉ để đi khất thực thôi”.

Tương tự như thế, cúng dường chỉ là để cúng dường thôi, không hẳn là vì để quý thầy có thức ăn, hay để tạo thêm chút phước.

Chúng tôi đã tổ chức sự kiện khất thực để thưởng thức nó thật hết lòng, và tôi nghĩ là chúng tôi đã làm được điều đó.

Tuy vậy tôi cũng nhân cơ hội này suy ngẫm về nhu yếu đích thực của mình trong vai trò của một hành giả, cũng như nhu yếu đích thực của một tăng thân đang chia sẻ các pháp môn thực tập với cộng đồng quốc tế bằng vô số phương tiện.

Sống thiểu dục tri túc

bằng cả thân và tâm

Là hạnh nguyện sâu sắc 

Để sống đời tỉnh thức.

Cảm ơn tăng thân, gia đình tâm linh yêu quý, đã tạo ra vô vàn khoảnh khắc tuyệt vời như ngày hôm nay. Chúng ta có thể cùng nhau ăn mừng hạnh phúc và cam kết cùng nhau đi trên con đường tu tập này thật lâu bền.



 

 

 

 



Phụ lục 2: Từng bước nở hoa mai

Làng Mai Pháp – Xóm Thượng

Thất Ngồi Yên

Thiền đường Nước Tĩnh

Tháp chuông Mùa Xuân

Tháp chuông Mùa Thu

Làng Mai Pháp – Xóm Hạ

Cư xá Đồi Mận (1984)

Cư xá Đồi Mận (2016)

Quán sách

Cư xá Mây Tím

Văn phòng và Thiền đường Nến Hồng

Thiền đường Hội Ngàn Sao

Tháp chuông Đại Hồng

Rừng bạch dương

Thiền hành cùng Sư Ông tại rừng bạch dương

Thiền hành quanh hồ sen Xóm Hạ

Làng Mai Pháp – Xóm Mới

Tháp chuông Đại Hồng mùa mai nở

Sân Chim

Thiền đường Trăng Rằm

Làng Mai Bắc Mỹ – Tu viện Bích Nham

Đường vào tu viện

Cổng vào tu viện

Bên trong tu viện

Thiền đường

Bên trong Thiền đường

Thiền đường mùa đông

Làng Mai Bắc Mỹ – Tu viện Lộc Uyển

Thiền đường Thái Bình Dương

Tháp thầy cố trụ trì đêm trăng

Ngồi thiền trên đỉnh núi

Làng Mai Bắc Mỹ – Tu viện Mộc Lan

Làng Mai Âu châu – Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB)

Làng Mai Á châu – Tu viện Vườn Ươm Thái Lan

Quy hoạch tổng thể Tu viện Vườn Ươm

Cổng vào Tu viện

Thất Nhìn Xa từ trên cao

Thất Nhìn Xa

Thiền đường Tình Huynh Đệ xóm Trời Quang

Thiền đường Voi Trắng

Ni xá

Đi thiền hành trên đất mới

Bên ngoài thiền đường xưa

Tăng xá xưa

Làng Mai Á châu

Chùa Liên Trì

Ni xá Nhập Lưu, Porcupine Ridge

Thiền đường Thanh Lương Địa, Beaufort

Họa sĩ Minh Đăng Khánh

Khi tôi sang Pháp thì anh Minh Đăng Khánh có lẽ chưa nổi tiếng nên tôi chưa hề biết mặt anh. Minh Đăng Khánh ở trong nhà tù không làm gì giúp được vợ con nhưng biết tin tôi thường gửi quà cho các con anh. Một hôm nọ tôi chợt nhận được một gói quà khá đặc biệt. Đó là cái cái lược bằng kim khí (nhôm hay hay sắt) có khắc chữ: Thân quý tặng cô Phương Hương và có bức thư viết: “Chúng tôi lượm được một mảnh bom. Nó tương đối nhỏ và hơi dẹp. Danh hài Khả Năng đề nghị hai anh em mài miếng bom này cho dẹp như cái lược và khắc tặng cô Phương Hương. Tôi thấy vợ tôi có vẻ không vui gì khi đi thăm nuôi nên không biết quà cô gởi về các con tôi có nhận được hay không. Anh Khả Năng nói, mình vừa làm vừa niệm Phật thì quà của cô sẽ đến tay các cháu.” Chân Không khóc cả ngày khi đọc những dòng này. Hiện tại trong Sơn Cốc của Thầy ở Làng Mai có một tấm tranh nhiều màu đỏ vàng xanh dương xanh lục, có vẻ trừu tượng, ghi là tác phẩm cuối của Minh Đăng Khánh. Sau này có một bức thư của Lê Thương cho biết vợ của hai anh Khả Năng và Minh Đăng Khánh không tha thiết gì tới chuyện đi thăm nuôi nên có lẽ vì thế mà hai anh phải niệm Phật cầu mong cho quà tới tay các con của mình.

Nhà văn Duyên Anh

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long. Tôi thích nhà văn Duyên Anh vì anh hay viết các tập truyện ngắn cho tuổi trẻ như Con sáo của em tôi… Anh viết về các trẻ em đường phố như Dzũng Đa Kao nên tôi rất có cảm tình với anh. Phải kiên nhẫn lắm tôi mới liên lạc được với gia đình anh Duyên Anh. Trở ngại thứ nhất là các bạn quen tôi và biết Duyên Anh có những câu phê bình về vợ chồng Duyên Anh như: “Họ còn giàu lắm, không thiếu thốn gì đâu, cho quà uổng! Họ không cần đâu.”

Khi liên lạc được với chị thì lại có nhiều trở ngại khác như bị nghe chị than phiền về anh. Nhưng tôi vẫn kiên tâm trân quý nhà văn cho tuổi thơ bất hạnh. Đôi khi vẫn còn buồn phiền vì các điều không như ý khi sống bên nhau ngày trước nên vợ của Duyên Anh có viết nhiều phê bình về ông chồng hời hợt của mình. Nhưng thầy Nhất Hạnh, Thầy chúng tôi dạy: “Thương thì thương cho trọn, chỉ đứng về phe thương mà không trách móc gì hết”. Từ trong nhà tù tăm tối anh Duyên Anh đã viết cho cô Angelina Nguyễn (giả danh của Chân Không): Từ khi nhà tôi gửi vào cho tôi những viên thuốc B1, B6, B12 và nói về cô, tôi thật như đứa trẻ côi cút đói khát mà biết được rằng có người vẫn để phần ăn cho mình. Cô Angeline ơi, cô quả thực là Bụt trong truyện Tấm Cám. Một hôm trong khi bị đi lao động trong rừng, tôi nhặt được miếng gỗ mun, biết cô là người đạo Phật, tôi bỗng thấy như được đức Phật từ bi giáng sinh trong chốn tù đày tăm tối này, tôi âm thầm cắt gọt đục đẽo miếng gỗ đen trong tay, màu đen này là tự thân màu của miếng gỗ cô nhé, tôi không phải pha màu.

Bức tượng Bụt cao 4cm, rộng 3cm, dày 0.8cm đang nằm trên bàn thờ ở Sơn Cốc Làng Mai như niềm hy vọng của các bạn không may còn bị giữ trong tù. Những năm 1976 đến 1982, tôi vẫn còn ở Phương Vân am, đang trên đường đi tìm đất làm Làng Hồng tại Pháp và có nhiều bạn quý đã từng giúp tôi trong thời gian kêu gọi Hoà Bình cho Việt Nam. Từ Phương Vân am với chiếc máy in Gestetner, loại làm việc văn phòng, nhỏ xíu nhưng có luôn máy cắt, tôi mua giấy nhiều màu xanh trời, xanh lá, màu cam, đỏ, vàng, làm nhiều chương trình vận động thả tù nhân qua đường bưu điện. Giấy cỡ 21cm x 29,7cm, dày 120mg, tôi mua về cắt làm bốn postcards. Tôi dùng máy cắt một tờ giấy carton 120gr làm bốn, màu xanh gửi đi Hà Lan, màu tím gửi đi Thuỵ Sĩ, màu cam gửi đi Hoa Kỳ, màu vàng gửi đi Ý Đại Lợi… Mỗi nơi tôi nhờ tăng thân địa phương vận động, như ở Ý tôi nhờ chị Hedi Vaccaro với vài chục tăng thân địa phương quanh vùng Rome, Sicilia, Milano, Torino. Tôi nhờ các bạn vận động chữ ký và tên địa chỉ người gửi yêu cầu chánh phủ Việt Nam thả tám người tù chính trị. Trên postcard mình đã in sẵn một câu dễ thương, khen nhà nước có đổi mới và xin xét giùm có tám trường hợp này thôi, ví dụ Doãn Quốc Sỹ ở trại giam Z30, số tù là gì, Lý Đại Nguyên T38, Vũ Mộng Long (Duyên Anh) Z80… Nhờ cách vận động này chúng tôi đã xin thả được một số văn sĩ tên tuổi. Vì xin lẻ tẻ (8 người một lần) nên nhà nước dễ giải quyết. Lúc trước chúng tôi gửi qua Amnesty thì lần đầu có danh sách 48 người, lần thứ hai là có tên 54 thầy tu. Con gái anh Lý Đại Nguyên viết cho cô Chân Không: “Bố con rất khinh thường người có quyền nên cứ bị đưa vào cát sô (cachot tức hầm nhốt riêng từng người tù lì lợm khó dạy của quản giáo) hoài cô ạ. Vì thế nên khi quản trại đọc tên những người chuẩn bị được ra tù thì tất cả tù nhân đều thốt ra ngạc nhiên: ‘Chàng Nguyên, Lý Đại Nguyên lì sắp được ra!’ Khó ai tin được điều này. Thế mà bố con cũng được ra cô ạ. Chúng con biết sự kiện này chắc có bố sư cô (là thầy Nhất Hạnh) nói ra nói vào sao đó nên bố của con mới được về!” Thật ra là chỉ nhờ những postcard đỏ đỏ xanh xanh khắp nơi trên thế giới mà tôi đã tẩn mẩn nhờ các bạn vô danh của tôi gửi về mà thôi.

Viết về Duyên Anh, tôi phải mượn lời của nhà báo Vĩnh Phúc, bạn khá thân của gia đình Duyên Anh: Theo tôi, trong Duyên Anh có hai con người. Nếu muốn cũng có thể bảo rằng hai con người đó tượng trưng cho hai mặt tốt và xấu của Duyên Anh. Mặt xấu chính là Duyên Anh làm báo, dưới những bút hiệu như Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyên, Mõ Báo… Vì “đánh đấm” lung tung nên bị nhiều người oán ghét. Còn Duyên Anh nhà văn, nhất là nhà văn của tuổi thơ, nhà văn viết cho tuổi ô mai, Duyên Anh chủ trương tuần báo Tuổi Ngọc, thì trái hẳn lại, được nhiều người thương. Có ai đã đọc Con sáo của em tôi mà không thấy lòng mình chùng lại và dám nói là thù ghét Duyên Anh? Nguyễn Mạnh Côn là người đầu tiên đọc truyện ngắn này, thích quá, nên giới thiệu và chọn đăng ngay. Rồi Nguyễn Mạnh Côn bảo Duyên Anh, “Cậu viết hay quá! Nhưng tôi sợ rằng viết như thế này, cậu sẽ không thọ!” Và câu nói của Nguyễn Mạnh Côn đã như một lời tiên tri: Duyên Anh lìa đời cách đây 20 năm, khi mới 63 tuổi. Vào thời buổi này, với những điều kiện vật chất văn minh và đầy đủ, mà sống có bấy nhiêu năm thì quả là “yểu mệnh” thật.

Những cuốn sách của Duyên Anh:

Hoa thiên lý

Ðiệu ru nước mắt

Luật hè phố

Thằng Vũ

Dấu chân sỏi đá

Dzũng ÐaKao

Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang

Bồn Lừa

Ảo vọng tuổi trẻ

Gấu rừng

Cỏ non

Ngày xưa còn bé

Nặng nợ giang hồ

Mùa thu

Con suối ở Miền Ðông

Danh ná (truyện tuổi nhỏ)

Cầu Mơ

Ánh lửa đêm tù

Ánh mắt trông theo

Thằng Côn

Trường cũ

Tuổi 13

Nhà tôi

Chương Còm

Mặt trời nhỏ

Lứa tuổi thích ô mai

Giặc ôkê

Đồi Fanta (truyện)

Khi Duyên Anh được thả về, anh tìm cách vượt biên ngay, vợ con chờ anh sang định cư trước rồi xin đoàn tụ sau. Cháu Vũ Nguyễn Thiên Chương (anh hay gọi là Chương Còm) con cả của Duyên Anh vượt biên trước rồi mới đến anh. Sau khi cả gia đình sang đây rồi thì anh chị được mời tới Làng Hồng chơi. Thiền hành, pháp đàm, thiền toạ, nhất là pháp thoại của Thầy thì tuyệt vời. Nhưng Duyên Anh nói thiệt với tôi là ở đây chỉ thiếu phở gà, phở bò thôi. Trong tương lai anh chị sẽ cố gắng mua cái nhà ở gần Làng, sẽ qua Làng tham dự các thứ tu tập có ích lợi này nhưng sẽ có phở gà hay phở bò cho thiền sinh nào thèm mặn. Sướng chưa? Anh tính phá đám như vậy đó! Vì thế nên chị và các cháu chưa bao giờ về Làng lần thứ hai, có lẽ cũng vì quý vị linh mục ở Paris cũng rất quý mến và lo cho gia đình anh đủ thứ.

Đang vắng tin anh thì bỗng tháng 4 năm 1988 cháu Thiên Sơn, con trai út của Duyên Anh điện thoại báo tin bố cháu bị du côn ở Orange County ở Hoa Kỳ đánh té bất tỉnh, hôn mê nặng và xin sư cô giúp với. Có hai quyển sách của anh in ở Pháp được quý vị linh mục giúp dịch và tìm nhà xuất bản tốt nên tôi biết anh Duyên Anh được bảo hiểm xã hội của những nhà văn như Thầy chúng tôi. Tôi nhắc cháu Sơn nên nhờ ngay quý linh mục lo in sách cho biết thuộc nhà xuất bản nào. Bảo hiểm lấy tiền của nhà xuất bản đó sẽ lo cho anh toàn vẹn vừa đưa phi cơ đặc biệt cho anh về Pháp không tốn tiền, bảo đảm nhập viện, trả công bác sĩ, thuốc men nghiêm minh. An ninh xã hội của Pháp về sức khoẻ rất bảo đảm về việc này nên cháu đừng ngại. Trị liệu của Pháp cũng giỏi lắm, đừng sợ thua Hoa Kỳ. Cũng năm này tai nạn lớn thứ hai đến vào cuối năm khi cháu Vũ Nguyễn Thiên Hương con gái lớn của anh chị, sau khi có chồng là anh Mc Aree, đã cùng chồng đi Việt Nam thăm quê nội. Máy bay từ Hà Nội đi Bangkok bị cháy và hai vợ chồng đều chết trên chuyến bay từ Việt Nam sang Thái trước khi lên đường về lại Âu Châu. Thật là một tai nạn lớn cho gia đình anh chị Duyên Anh và Ngọc Phương. Chị Ngọc Phương có kể cho tôi nghe: “Có nhiều lần anh Duyên Anh bị vu oan, em tức quá đi thì nhà em hay an ủi em và cũng như tự an ủi: Này em, đừng có buồn. Bụt mà còn bị oan ức nhiều lần mà! (Anh được thầy Nhất Hạnh tặng cho bộ Đường xưa mây trắng, kể về của đời của Bụt Thích Ca do Thầy viết căn cứ phần nhiều từ các kinh Nam Truyền.) Anh chỉ bị oan có vài lần thôi, vậy thì có sá chi mà em phải tức giận.” Anh Duyên Anh có được Thầy mời cùng đi Hà Lan để dự một khoá tu do Thầy hướng dẫn cùng với Linh Mục Daniel Berrigan. Anh cũng rất thích. Nhưng sau này, thấy các vị linh mục khác giúp anh rất thành công để in hai quyển sách Một người Nga ở Sài Gòn Đồi Fanta nên chúng tôi cũng yên tâm, chưa dám mời anh về Làng lần thứ hai, sợ anh chị mở quán phở bò để dụ thiền sinh ngả mặn thì nguy! Không dè thiếu phần tu học, anh lại bị quá nhiều rủi ro dồn dập mà chúng tôi không có dịp chia bớt gánh lo âu của gia đình dễ thương này. Lần liên lạc cuối cùng chị nhờ tôi nhắn với các nhà xuất bản bên Việt Nam qua linh mục Nguyễn Ngọc Lan là chị không đồng ý cho họ tự ý in nhiều sách của Duyên Anh mà không có phép. Tôi có khuyên chị, nếu có những người cảm phục Duyên Anh vì tấm lòng anh ấy với tuổi thơ thì xin chị dễ dàng cho họ in đi. Thêm một người trẻ đọc những lời văn dễ thương của Duyên Anh, đánh động lòng hào kiệt của tuổi thơ, tuổi mới lớn thì Duyên Anh càng có thêm công đức. Tiền bản quyền cũng không có bao nhiêu đâu.

Hồ Dzếnh

Ngồi đây mà tôi cũng lấy làm xấu hổ với nhà thơ Hồ Dzếnh. Anh cũng nhận tôi là em gái, cũng chép tặng tôi nhiều bài thơ của anh. Nét chữ của anh đẹp như một bức tranh, rất đều đặn đẹp đẽ và nghiêm túc. Hồ Dzếnh không nằm trong danh sách những người trong Nhân văn Giai phẩm xây dựng góp ý với chính quyền, nhưng vì có gốc lai Trung Hoa nên cũng bị cho ra biển trên một chiếc bè mong manh đẩy những người lai Trung Hoa về nước. Chị Hồng Nhật, vợ anh phải kéo anh về giấu trong nhà và phóng hoạ to bức ảnh chụp trong ngày chiến thắng chị mang hoa tặng cụ Hồ làm bùa hộ mệnh. Với một ít quà cáp cho công an nằm vùng, anh chị mới được yên. Quà cáp ấy là của chị Hồng Phúc, chị là cố nhân của anh Hồ Dzếnh. Ngày xưa, hai người yêu nhau vào tuổi 15, 16.

Tôi biết địa chỉ của anh nhờ chị Hồng Phúc có chồng Pháp và đang ở vùng ngoại ô Paris. Chị theo chồng về Pháp nhưng khi về Hà Nội vẫn thăm vợ chồng anh Hồ Dzếnh và mang quà của tôi về cho anh chị. Tôi xin anh chép với thủ bút của anh vài bài thơ mà tôi thích. Anh Hồ Dzếnh có những câu thơ lạ lẫm và nổi tiếng:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay khói thuốc lá lụi dần…
Tôi nói khẽ: Ôi, làm sao nhớ thế!

Mình nhớ cái hình ảnh mình tưởng tượng về nàng. Nhưng thực tại của nàng thì mình chỉ với tới được khoảng 10% thôi còn 90% kia là tưởng tượng.

Hoặc:

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa…

Sau này học Phật sâu sắc hơn tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng khi yêu ai mình chỉ thấy thoáng qua chừng 5% hay 10% người đó thôi. 5% hay 10% đó là điểm đậm nhất, hay nhất của người đó. Nó đáp ứng rất sâu sự chờ đợi của mình. Còn 80% hay 90% còn lại là hình ảnh của người kia đang có trong đầu mình khi mình mong đợi nàng chàng. 80% đó được tưởng tượng ra trong tâm nhớ nhung vẽ vời của mình về nàng hay chàng. Những hình ảnh ngọt ngào đó, tính tình đó, mình đã tưởng tượng theo những kỷ niệm mơ mộng của riêng mình chứ thực tại của người kia lại hoàn toàn khác với tưởng tượng của mình. Khi cưới được nhau, mỗi người phải va chạm với thực tại của người kia. Nó hoàn toàn khác hẳn với cái hình mình vẽ trong đầu của mình về người kia. Người kia cũng thế, cũng thoáng tóm được một vài nét đẹp rất thật của mình. Nhưng phần còn lại anh cũng vẽ, cũng tưởng tượng theo những kỷ niệm thời thơ ấu của anh về một người đẹp như thế đó. Than ôi những cái tưởng mà anh ưa thích chỉ đúng 10% con người thật của nàng, 90 % kia chỉ là “cái tưởng” của anh thôi. Ví dụ như nàng hạnh phúc quá khi được anh đến thăm và tặng cho chậu hoa cúc. Từ chậu hoa cúc nàng vẽ vời tình yêu rất lãng mạn của hai bên. Nhưng sự thật là anh có óc tính toán tiết kiệm nên nghĩ: Mỗi lần tới thăm mà có hoa thì nàng thích thật. Tuần trước nàng cũng quá thích khi được tặng chậu hoa cúc. Mỗi lần đi thăm nàng mà mình phải mua chậu hoa mới thì cũng hơi tốn, chi bằng tuần tới mình mua chậu hoa lan bằng nhựa thật đẹp đem làm quà. Lần sau anh mang tới chậu hoa lan bằng nhựa và nói: “Em ơi chậu hoa bằng nhựa này cũng đẹp ghê, em giữ gìn để xài nhiều lần. Mỗi chiều thứ năm khi anh đi tới thăm thì em vẫn đốt nến lên, vẫn có chậu hoa trong buổi cơm chiều thứ năm em nhé!

Xài cho nhiều lần, đỡ tốn” nàng hụt hẫng, tự nhủ mình đâu phải đồ giả mà anh phải mua hoa bằng nhựa! Tình chỉ đẹp khi còn đang dang dở. Vì chưa cưới, chưa gần nhau ngày và đêm nên chỉ thấy vừa đủ 10%, 90% còn lại vì tưởng tượng, vì chưa cưới hẳn, chưa sống chung nên phần thấy sai ở người kia còn chấp nhận được. Nhưng khi cưới rồi, chạm vào thực tế thấy người kia không như mình tưởng, không đẹp như thế nên mình bực mình, cau có, gắt gỏng. Tại vì thương chỉ 10% mà lại tưởng 100% nên thấy đẹp quá. Không phải vì người kia xấu mà tại vì người kia được giáo dục khác, tiêu chuẩn của người kia về đẹp xấu, thương ghét rất khác gia đình mình. Mình thấy hành xử như A (như cùng đi sinh hoạt tăng thân) mới đẹp, mà người kia thấy hành xử như B (đưa gia đình đi ăn các quán ăn ngon) mới đẹp. Rồi hai bên cãi nhau ai đúng ai sai. Cái mặt mình vốn cười rất xinh những khi gặp nhau, nhưng khi không đúng ý mình thì mình đưa cái bộ mặt dễ ghét của mình ra.

Hình ảnh cái cô dễ thương mờ đi từ từ, để nhường chỗ cho cái cô hay cau có, khó chịu.

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa…

Học giả và nhân sĩ Đào Duy Anh

Hồi năm 1981 mình chưa có mạng toàn cầu Wikipedia nên cô Tây con (là tôi) này có biết cụ Đào Duy Anh là ai đâu. Tôi chỉ biết loáng thoáng cụ là một nhân sĩ lớn đi cách mạng cứu nước cùng thời với cụ Hồ. Nhưng vì đóng góp ý kiến xây dựng một xã hội lành mạnh, thanh khiết hơn đăng lên trong Nhân văn Giai phẩm tháng 11 năm 1956 mà bị vào sổ đen, mất quyền công dân như các nhà văn nhà thơ lớn khác của đất nước như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt.

Tôi liên lạc làm quen bằng một thùng thuốc Pháp nhỏ 1 kí lô thôi, xưng tên là cô Đào Thị Mây. Tuy hộp thuốc nhỏ nhưng là những thứ thuốc bổ toàn diện cho người lớn tuổi mà chắc chẳng khi nào gia đình thanh bạch này đủ tiền mua bồi dưỡng cho ông cụ. Vì vậy cho nên cả nhà thương quý cô bé họ Đào này, sinh sau đẻ muộn mà ý tứ biết tới tên tuổi cụ, xin được làm quen, được làm con cháu họ xa của cụ, cúng dường một ít thuốc men khi cụ về già. Lúc đó cụ ông đã yếu lắm rồi cũng viết một câu ngắn nhận tôi, cô bé Đào Thị Mây là cháu của ông. Rồi cụ bà viết dài hơn nói cụ ông nhắc Đào Thị Yến Phi nào trong Gia Đình Phật Tử ở Nha Trang đã tự thiêu cầu nguyện cho nhân quyền, cũng đúng là dòng dõi họ Đào nhà ta. Ông bà cụ gửi hình cả nhà có nhiều con cháu. Cháu nội là Đào Thị Hoàng Mai, con gái của anh Đào Hùng, con trai út của cụ. Con trai lớn là anh Đào… cũng là khoa trưởng một phân khoa ở Đại học. Anh sáng chế ra cách làm bánh tráng bằng bột củ khoai mì, cũng mỏng để thay bánh tráng gạo dùng cuốn chả giò. Ở ngoại quốc rất nhiều người yêu chuộng bánh tráng gạo.

Mở Wikipedia ra, tôi đọc công trình nghiên cứu, biên soạn của cụ Đào Duy Anh. Cụ thực hiện trên 30 công trình về nghiên cứu và dịch thuật cổ văn được in thành khoảng hơn 60 tập sách bắt đầu từ năm 1927:

Từ điển

  • Hán – Việt từ điển (1932): năm 28 tuổi đã soạn và in xong tự điển Hán Việt
  • Pháp – Việt từ điển (1936): năm 32 tuổi soạn xong Pháp Việt tự điển
  • Từ điển Truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản năm 1974), cụ cho Chân Không một quyển do anh Đào Hùng, con trai cụ Đào nhân một chuyến công du mang sang Pháp tặng và nhân dịp xem “dung nhan cô Đào Thị Mây” ra sao.

Trong chuyến gặp gỡ này, anh Đào Hùng được thầy Nhất Hạnh rất thương. Thầy mời uống trà và đàm đạo rất sâu.

15 giáo trình và công trình nghiên cứu sâu sắc và công phu:

  • Việt Nam văn hoá sử cương (1938)
  • Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938)
  • Trung Hoa sử cương (1942)
  • Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)
  • Lịch sử Việt Nam (giáo trình Đại học, 1956)
  • Cổ sử Việt Nam (giáo trình Đại học, 1956)
  • Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập:
  • Nguồn gốc dân tộc Việt Nam
  • Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc
  • Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt
  • Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến.
  • Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957)
  • Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958)
  • Đất nước Việt Nam qua các đời (1964)
  • Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975)

Hiệu đính, biên dịch, chú giải 15 công trình:

  • Lịch triều hiến chương loại chí (1961 – 1962)
  • Đại Nam thực lục (1962 – 1977)
  • Phủ biên tạp lục (1964)
  • Đại Việt sử ký toàn thư (1967 – 1968)
  • Đại Nam nhất thống chí (1969 – 1971)
  • Binh thư yếu lược (1970)
  • Gia Định thành thông chí
  • Nguyễn Trãi toàn tập (1969)
  • Khoá hư lục (1974)
  • Sở từ (1974)
  • Truyện Hoa Tiên (1978)
  • Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988)
  • Ngoài ra ông còn biên dịch và chú giải Kinh Thi, Đạo Đức kinh và học thuyết của Lão Tử nhưng chưa xuất bản.

Mở Wikipedia ra tôi thật ngợp với những công trình vĩ đại của ông và xấu hổ thấy lòng kính yêu mình đối với Người chỉ như hạt cát giữa cuộc đời.

Hồi ký

  • Nhớ nghĩ chiều hôm (hồi ký, xuất bản năm 1989) – tôi đã được gia đình cụ Đào thân yêu đề tặng.

Tôi chỉ có được quyển hồi ký nhỏ của cụ và một tập hồi ký của riêng bà Nguyễn Thị Như Mân, phu nhân của cụ Đào, trong đó cụ có nhắc tới niềm vui khi có cô Đào Thị Mây từ phương xa gửi thư về tán thán những công trình của ông cụ. Sau này, bà viết thêm, bà được biết là cô Mây cũng là người tu thiền. Năm 1981 tôi mới chính thức được quen ông bà và được ông bà xem là cháu họ xa. Vài năm sau có một bức thư bà kể, được thư tôi ông rất vui và bắt bà đọc từng câu tôi viết, trong khi cách đó mới mấy ngày trước có ông Văn Tiến Dũng vào thăm thì ông xây mặt vào tường giả vờ như ngủ. Ngay cả lúc cụ Võ Nguyên Giáp đến thăm, cụ Đào cũng lim dim không nói và như không nghe. Không có bức thư nào ông bà phàn nàn về chế độ hay về bất cứ ai. Bà cũng thế, nhưng qua các người con (anh Đào Hùng) và người cháu (Đào Thị Hoàng Mai) tôi biết gia đình sống thiếu thốn nhưng rất liêm trực và thanh cao. Những công trình kể trên có cơ quan nào trong chính phủ nhắc nhở khen tặng gì đâu. Mãi đến năm 2000 khi cụ mất đã 12 năm nhà nước mới vinh danh và tặng cụ giải thưởng Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Nhà nước Việt Nam muốn vào World Trade Organisation nên đã thay đổi cách đối xử với một số nhân sĩ trí thức. Cho đến năm 2007 nhà nước muốn sửa sai nên tặng cho năm nhà văn trong danh sách Nhân văn Giai phẩm (trong đó có thi sĩ Hoàng Cầm bị khai trừ trong mấy mươi năm, bị lao tù, tra tấn tinh thần suýt phát điên) mỗi người một Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật và 20 triệu đồng (khoảng 800 Euros). Giải thưởng, tiền thưởng và sự khen tặng có được sau 19 năm từ khi cụ mất vào năm 1988. Người trong nước nói thật nhiều về cụ. Con đường trước ngôi nhà tập thể Kim Liên mà hai ông bà và các con ở thật khiêm nhường nay bỗng biến thành con đường Đào Duy Anh hoành tráng. Sáng hôm ấy tôi theo anh Đào Hùng về thăm căn hộ nhỏ trong khu nhà tập thể Kim Liên. Tôi xin phép được đảnh lễ cụ ông và cụ bà. Anh Đào Hùng đem hương ra thắp và trao cho tôi ba cây. Anh xoay về hướng bàn thờ và nói giọng run run: “Bố, cô đã về thăm bố rồi đó. Mẹ, cô Mây đã về đảnh lễ bố mẹ rồi đấy!” Giọng anh (lúc này chắc anh cũng 70 tuổi) run run nghe như nghẹn khóc. Tôi hơi bỡ ngỡ và ngạc nhiên, trách mình là năm 2005 khi về thăm Việt Nam sau 37 năm lưu đày, đáng lý tôi phải đến đảnh lễ ông bà ngay tại vì gia đình cụ Đào Duy Anh xem món nợ tinh thần này rất nặng. Tôi cứ nghĩ ông bà đã về với tổ tiên hết rồi, hơn nữa vì có ít thì giờ ở Hà Nội nên tôi chỉ đi tìm những người còn sống như Hoàng Cầm. Tôi quên hẳn rằng đối với các con cháu ông bà Đào Duy Anh, một nén hương đốt lên trước bàn thờ ông bà thật quý biết bao. Bố, mẹ, cô đã về thăm bố đây, cô thăm mẹ đây! Tôi khóc thật và tự giận thầm sao mãi đến năm 2008 mình mới tới đốt nhang!

Năm 2005 Thầy chúng tôi có được ông đại sứ Pháp tại Hà Nội Việt Nam tổ chức một buổi nói chuyện về Thiền bằng Pháp văn cho các người hiểu được tiếng Pháp. Tôi mời anh Hoàng Cầm và con trai anh, ông Đào Hùng, con cụ Đào Duy Anh, tới nghe. Tôi không mời gia đình anh Hồ Dzếnh vì lúc ấy anh đã tịch 14 năm rồi. Các anh Hoàng Cầm và Đào Hùng đều có mặt và sau buổi thuyết pháp Thầy có đến ôm thi sĩ Hoàng Cầm và ôm anh Đào Hùng, ôm thật sâu như như là ôm ông cụ. Nhưng đúng hơn thì ngay những ngày đầu ở Hà Nội, tôi phải đến thăm Khu tập thể Kim Liên với tư cách cháu Đào Thị Mây, đốt hương lạy ông bà mới đúng lòng chờ đợi của gia đình cụ Đào Duy Anh. Mãi đến năm 2008 mới đến đốt hương lạy cụ và khi anh Đào Hùng khóc nói thật nhỏ “Cô về lạy bố đây, lạy mẹ đây!” thì tôi thật xấu hổ và hối hận biết bao. Tôi đã quá nông cạn! Đối với cụ Đào, bao nhiêu người đồng chí sống chết bên nhau với ông bà từ hồi kháng chiến gian khổ mà bây giờ thời thế đổi thay, có chức vụ tiền bạc, giàu sang phú quý lên nhưng không mấy người nghĩ đến những chiến hữu cùng sống chết ngày xưa. Năm 1956, cụ Đào Duy Anh có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do, dân chủ đăng trên bán nguyệt san Nhân văn số 5 (ngày 20 tháng 11). Bài viết nhắc nhở mọi người hãy giữ tâm ban đầu, cố gắng giữ gìn thanh khí của những người yêu nước muốn đóng góp cho đất nước những nét thanh cao, hào hùng, phóng khoáng nhất. Vì thế khi các “đồng chí” lớn đến thăm, cụ ông xây mặt vào vách, cụ ông không chào mừng những chiến hữu đang là các ông lớn. Thế nhưng cụ lại chờ đợi những dòng thư nguệch ngoạc của con bé Đào Thị Mây xa xôi và nằm lắng nghe, chiêm nghiệm và hạnh phúc với những dòng chữ trên nắp hộp, dòng xuống dòng lên đơn sơ mà có cái gì đó gọi là “một chút lòng, một niềm tin vững bền và sâu sắc nơi bậc cha ông”.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Ba sinh hương lửa, Khu rừng lau là hai quyển sách gối đầu giường của tôi, đã mở mắt cho tôi từng tình tiết éo le của những người thanh niên thiếu nữ dấn thân vào việc giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ Pháp. Tôi đã đọc trên nhật báo những câu chuyện thật cảm động của những người con trai con gái trung trinh, can đảm, dũng cảm, vô vàn xứng đáng. Rồi từ từ tôi sống cùng những tình huống ôi là éo le đau xót vô cùng tận, tôi thao thức ngày đêm theo dõi từng trang hồi ký đăng trên nhật báo. Và rồi tôi bị quên mất các chi tiết sau thời gian.

Nhưng sau đó những câu chuyện kia được in thành sách Ba sinh hương lửa, Khu rừng lau Dòng sông định mệnh. Lời văn chân thành mộc mạc nhưng ngầm chứa rất nhiều nếp sống thanh cao của những nhân vật trong truyện mà tôi vô cùng kính phục. Không phải Thầy giới thiệu và hướng dẫn “cô Tây con lớn lên trong văn chương Pháp” như tôi đọc những cuốn sách đó. Chính Thầy dạy tôi phải tìm đọc các quyển sách như Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, Nhà nghèo của Tô Hoài. Tôi đã tự đọc và tìm hiểu về tình trạng đất nước, đã thao thức ngay từ tuổi 14, 15 với những câu hỏi: Tại sao? Tại sao tôi có cơm ăn áo mặc, tại sao các cháu bé kia không được cắp sách đến trường như tôi? Những câu hỏi mà các anh chàng “các áng mây màu” của tôi không tha thiết, không cần biết.

Những ngày cuối của thành phố Sài Gòn, anh Trương Bính – một người bạn rất thân của Doãn Quốc Sỹ, ghé ngang Văn phòng Phái đoàn Hoà bình của Phật giáo Việt Nam tại Hội Nghị Paris. Anh xin theo Thầy học đạo cho đỡ cô đơn. Vợ anh mất vì không tặc làm nổ máy bay trên đường bay từ Sài Gòn đi Đà Nẵng. Gia sản của hai vợ chồng, anh chị định đem về làm một siêu thị lớn theo lối Hoa Kỳ ở Đà Nẵng, giờ đang kẹt tại các ngân hàng Sài Gòn. Mỗi sáng được uống trà với thầy trò của Phái đoàn Hoà bình Phật giáo, tôi rất ưa nghe anh Bính kể nhiều chuyện về Sài Gòn, nhưng tôi thích nhất là hỏi thăm được về nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác giả của cuốn Ba sinh hương lửa mà tôi đã đọc từng trang truyện trong Nhật báo Thần Chung lúc 16 tuổi. Ôi những tấm lòng trung trinh, yêu nước, yêu quê hương quá liêm trực và cũng rất nghệ sĩ. Qua anh Bính tôi biết chị Sỹ là con gái của cụ Tú Mỡ. Thầy chúng tôi thì biết nhưng tôi thì mù tịt. Tôi xin anh Trương Bính vui lòng cho tôi xin địa chỉ anh chị Doãn Quốc Sỹ ở đường Thành Thái. Thế là tôi viết thư ngay xin tên và địa chỉ của các con lớn của anh chị để xin gửi quà về làm quen và tỏ lòng tri ân. Đối với tôi, Doãn Quốc Sỹ là vị thầy đã mở mắt cho tôi về tình trạng đất nước trong những khu kháng chiến qua những mảnh đời của những người trẻ lớn lên trong tao loạn miền Bắc Việt Nam. Qua chị và cháu Thanh, tôi được địa chỉ của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn…

Nhờ sự giới thiệu của anh Trương Bính, anh chị Sỹ thương tôi ngay như cô em gái nhỏ. Tôi là cô Chín của các cháu Thanh, Liên, Hưng, Hương. Vui quá là vui! Lần nào cô Chín gửi về những gói quà nhỏ thì chị cũng bảo các cháu đem hộp thuốc cảm này, mấy viên Cequinyl chia cho Thanh Tâm Tuyền và cho họ địa chỉ của cô Chín khi họ cần thuốc men. Vì vậy cho nên các vị lần lượt liên lạc với tôi khi cần thuốc men. Thư nào cũng cám ơn cô Chín, thăm anh Bính và kính lời thăm “dì Năm”. Hạnh phúc lớn của tôi lúc này là được thư các cháu kể cho nghe chuyện bao nhiêu lần công an đến nhà xét lúc 12 giờ khuya, 1 giờ sáng rất kinh khiếp. Họ vứt tung tất cả sách vở giấy tờ của gia đình. Họ thô tháo lục tung giấy tờ của bố các cháu là anh Doãn Quốc Sỹ. Nhưng suốt ba tiếng đồng hồ anh đã đã ngồi thiền thật yên trước bàn Phật. Tiếng hét, tiếng doạ nạt càng dữ dằn thì bố các cháu càng ngồi yên. Yên cho tới nỗi họ không dám đánh bố dù là một tát tay. Cuối cùng gia đình anh Doãn Quốc Sỹ cũng gửi được một tác phẩm “chui” cho cô Chín và thư nào cũng kính lời thăm “dì Năm”. Dì Năm là ai các bạn biết không? Đó là thầy Nhất Hạnh. Sau này các cháu giải thích là bố Sỹ của các cháu nói bố thương Thầy như mẹ nên bảo gọi “dì” cho thân thương, “dì Năm”, trên danh nghĩa là em của mẹ anh Sỹ nhưng mà thật ra là thầy Nhất Hạnh.

Anh Bính đã mất trong thời gian tôi bận bịu trong công tác phụ tá cho Thầy trong chương trình Máu Chảy Ruột Mềm cứu thuyền nhân trên biển của World Conference on Religions and Peace – (WCRP). Hội này đã bầu và đề cử Thầy làm giám đốc (mời độc giả xem tập 2 Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi).

Quyển sách Đi là tác phẩm đầu tiên của Hồ Khanh (bút danh của anh Doãn Quốc Sỹ). Qua quyển Đi, độc giả biết được cách sống thanh bần mà cao quý dễ thương của gia đình ông giáo Doãn Quốc Sỹ. Vậy mà tại sao anh phải ĐI thôi!

Phụ lục 1: Những áng mây vàng

Tôi đã viết xong bộ hồi ký với tiêu đề 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự gồm bốn tập. Sau đó tôi phải viết gấp lịch sử thành lập Làng Mai, Thiền đường Hơi thở nhẹ, Tu viện Thanh Sơn, Tu viện Lộc Uyển, Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Thiền đường Hội Ngàn Đinh và Tu viện Quốc tế Làng Mai Thái Lan… cho các sư em sinh sau đẻ muộn được biết và vui.

Cùng với sự quan tâm chia sẻ của Thầy với các nghệ sĩ như đã kể trong cuốn hồi ký tập 4 – Cần Thơ về Kinh Bắc, cũng còn đó những nhân sĩ, văn sĩ như những Áng Mây Vàng quá dễ thương. Nếu không viết thì thật là thiếu sót. Thật ra tôi còn muốn viết nhiều hơn nữa nhưng như vậy cũng tạm trả nợ cho các sư em của tôi.