Tự tin
Chân Bội Nghiêm
“It always seems impossible until it is done.” Đó là câu nói nổi tiếng của Ngài Nelson Mandela. Bản thân tôi đã nhiều lần tự trải qua kinh nghiệm này, khi nghĩ mình không thể làm được việc này, việc kia, nhưng cuối cùng lại làm được. “Tự” nghĩa là chính mình, và “tin” là niềm tin. Có niềm tin nơi chính mình là món quà quý giá nhất mình trao tặng cho tự thân. Có những lúc tôi rơi vào đường cùng, chưa tìm ra cách giải quyết những khó khăn thách thức trong công việc hay những mối liên hệ với mọi người. Nhưng mừng thay câu nói, “I give up!” (Tôi bỏ cuộc) không khởi lên trong tâm ý, mà chỉ có “There is ALWAYS a way.” (Luôn luôn sẽ có cách) Đó là điều tôi rất trân quý nơi bản thân mình. Có được cảm thông, cảm ơn và cảm hứng sẽ làm lớn mạnh niềm tự tin. Đối với tôi không khó để có tự tin và tôi chia sẻ điều này không phải để tự hào, tự cao, tự kiêu hay tự mãn mà từ tự nhiên. Một người thành đạt không nhất thiết là một người thông minh. Chỉ cần người đó tràn đầy nhiệt huyết với những gì mình làm, có lối tư duy tích cực và xem mỗi thất bại như một vị thầy khả kính.
“Em đừng tự tin quá.” Tôi đã từng được nghe một vài vị nói với tôi như thế. Tôi buồn vì trong câu đó dường như ẩn chứa một điều gì không tích cực. Phải chăng vị đó đang muốn nhắn nhủ tôi, “Em đừng tự cao quá”. Những năm tháng học tại trường, trò chuyện với bạn bè và những người thân thương, chúng ta thường được khuyến khích, “Em hãy tự tin lên. Em có thể làm được. Thầy/cô/anh/chị tin em sẽ làm rất tốt”. Vậy nên khi nghe câu nói “Em đừng tự tin quá.”, tôi cảm thấy khá hoang mang. Câu nói đó đang có mục đích gì, tại sao người đó lại nói với giọng điệu, nhìn tôi với ánh mắt không mấy thân thiện như thế? Nhiều băn khoăn đi lên trong tôi, và tôi bắt đầu cẩn trọng hơn khi tiếp xúc với những ai đã nói như thế. Nếu là người bạn thật sự thì sẽ có cách khác để chia sẻ “constructive criticism” (lời phê bình mang tính xây dựng) thay vì “destructive criticism.” (phê bình mang tính phá hủy) Đúng là không đủ khả năng và sức lực mà lại nghĩ mình làm được thì cần phải xem xét lại sự tự tin của mình. Người tự tin thường khiêm cung và chính điều đó khiến họ đẹp hơn và nhận được sự kính quý từ nhiều người. Có những lúc tự tin xuất hiện trong im lặng như khi thầm nói, “Tôi sẽ hạnh phúc mỗi khi rửa tay.”, nhưng có lúc lại biểu hiện như “tiếng hét của sư tử.” khi nói ra “Thôi em suy nghĩ tiêu cực như vậy là đủ rồi nhé.” Dù trong hình tướng nào chăng nữa, tự tin là sự vắng mặt của tự hào, tự cao, tự kiêu, tự mãn hay tự tiện.
Những lúc mình nghĩ chỉ mình mới giỏi và làm được việc này, mình không muốn chia sẻ công việc, không có niềm tin vào ai khác thì chính ngay lúc đó mình đồng thời làm vơi đi tự tin trong bản thân. Người tự tin không xem thường một ai và không nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác. Người tự tin đích thực luôn tạo cơ hội, gây cảm hứng và nhận thấy rằng đang có nhiều người giỏi hơn mình. Nếu một người khác làm công việc mình đang làm thì có thể vị đó sẽ làm hay hơn. Tự tin không đồng nghĩa với mắc kẹt vào những gì mình học và mình biết. Người tự tin còn rất thoải mái thú nhận những điều mình chưa biết. Mong muốn được học hỏi và không ngần ngại lắng nghe ý kiến từ người khác là đức tính đẹp của một người tự tin.
Tháng 05 năm 2018, tôi được ban tổ chức khoá tu Wake Up tại Thái Lan mời cho pháp thoại về đề tài hạnh phúc, mười ngày trước khi khoá tu bắt đầu. Một thầy giáo thọ đảm nhiệm đề tài bốn loại thức ăn và sư cô giáo thọ khác chia sẻ về vô uý. Đôi lúc được biết đề tài pháp thoại trước cũng hay nhưng cũng mệt. Suốt mười ngày đó, tôi nghiên cứu về hạnh phúc ảnh hưởng não bộ và cơ thể như thế nào. Xem biết bao nhiêu đoạn phim, đọc không biết bao nhiêu bài viết và thực tập rất tinh tấn để chế tác hạnh phúc. Bởi tôi luôn quan niệm những gì mình chia sẻ trước đại chúng thì mình cần phải thực hành. Tôi thấy an tâm khi trong sổ tay đã có được dàn bài, và những ý muốn chia sẻ đã thông suốt. Không còn gì để lo lắng nữa, chỉ có mặt trọn vẹn và thưởng thức khoá tu với 350 người trẻ và 200 vị xuất sĩ. Tôi thoải mái ngồi nghe pháp thoại của thầy chia sẻ về bốn loại thức ăn. Sau 30 phút, 45 phút rồi 1 tiếng chia sẻ, thầy không nhắc gì bốn loại thức ăn mà chỉ đề cập đến hạnh phúc. Tôi tự hỏi, “What is going on?” (Chuyện gì đang xảy ra thế này?) Tôi là người ít lo lắng nhưng ngày hôm đó tôi lo thật. Tim tôi bắt đầu đập mạnh và dòng suy nghĩ không ngừng nghỉ. Lúc đó thật khó để thở sâu, tôi không tập trung nghe tiếp nội dung pháp thoại của thầy được nữa. Đột nhiên bài hát “When you believe” của hai divas Whitney Houston và Mariah Carey khởi lên trong tâm ý. Trong đó có câu:
“There can be miracles when you believe.
Though hope is frail, it’s hard to kill.
Who knows what miracle you can achieve
When you believe somehow you will.
You will when you believe.”
(Phép lạ sẽ đến khi bạn có niềm tin
Tuy niềm hy vọng đang rất mong manh, nhưng rất khó để nó bị tiêu diệt
Ai biết được phép lạ gì sẽ đến
Khi bạn tin thì thế nào bạn cũng sẽ làm được
Bạn sẽ làm được khi bạn tin.)
Hai phút trước khi chấm dứt pháp thoại, thầy nói, “Ngày mai đại chúng sẽ được nghe sư cô Bội Nghiêm chia sẻ về bốn loại thức ăn.” Tôi nghĩ đây là mơ hay thật?!
Trong buổi ăn trưa hôm đó, tôi chỉ nhai sự lo lắng, buồn tủi, bực tức và trách móc. Bao nhiêu câu hỏi đi lên như: “Tại sao thầy lại làm như vậy? Bây giờ phải làm gì?” Làm sao tôi quên được buổi nghỉ trưa ngày hôm đó chứ? Lần đầu tiên trong đời ngủ trưa mà gặp ác mộng vì lo lắng quá, và thật khó thở vì tim đang làm việc quá sức. Có nhiều quý sư cô biết tin nên đã an ủi và tìm mọi cách để giúp tôi. Buổi chiều về phòng, tôi thấy trên bàn có năm cuốn sách của Sư Ông Làng Mai và sư cô Sùng Nghiêm đã bookmark (đánh dấu) những trang viết về bốn loại thức ăn. Tôi thật sự cảm động với cử chỉ đầy tình thương và tình người ấy. Hình ảnh đó đã làm tôi có thêm động lực và tự tin. Tôi không vì tình huống bất ngờ đó mà bỏ những sinh hoạt của đại chúng. Tôi vẫn đi làm chủ toạ pháp đàm, dùng cơm tối và ngồi thiền như mọi khi. Vì tôi biết nếu ngồi trong phòng thì chỉ lo lắng thêm thôi. Giờ nghỉ giữa các sinh hoạt, tôi chuẩn bị nội dung mới và xem những gì tôi đã chuẩn bị cho đề tài hạnh phúc có thể đem vào chia sẻ được. Tối đó tôi đi ngủ khá khuya và bất chợt thức dậy giữa đêm vì sự lo lắng và căng thẳng vẫn còn quá lớn.
Giờ cho pháp thoại đã đến. Tôi đi lên thiền đường một mình, tự nhắc nhở bản thân thở cho thật sâu và an trú trong từng bước chân. Đến nơi mới sực nhớ mình quên mang theo áo Tiếp hiện. Cũng may Bồ tát – sư cô Sùng Nghiêm đi về ni xá lấy áo cho tôi mượn. Sau ba tiếng chuông bắt đầu buổi pháp thoại, tôi nhìn xuống thính chúng mà lòng hồi hộp. Không phải vì tôi sợ nói chuyện trước thính chúng mà vì không biết mình đã sẵn sàng chưa? Tôi kể cho đại chúng nghe những gì đã trải qua trong 24 giờ vừa rồi và những điều tôi đã học được. Tôi lấy cơ hội đó để bày tỏ lòng biết ơn đến thầy kia, “Con cảm ơn thầy đã cho con cơ hội này. Con xem đây như một bài học, một công án mà thầy cho con. Thầy đang thử sức xem con làm được không? Con có sẵn sàng để xử lý những bất ngờ và bất như ý không? Thưa thầy, hôm nay con xin trả bài cho thầy.”
Tôi cũng có chia sẻ thêm một điểm, “Ngày hôm qua tôi rất sợ việc cho bài pháp thoại hôm nay vì thấy khó quá. Nhưng sau đó tôi tự nhủ, “cho pháp thoại mà khó hả?” Bụt đã mất sáu năm để tìm đạo, đã ngồi dưới cây bồ đề 49 ngày. Sư Ông đã đi qua bao nhiêu khó khăn trong thời chiến tranh, thành lập Làng Mai và xây dựng đoàn thể tu học. Đó là những công việc rất khó để làm. Còn mình cho 1 tiếng 30 phút pháp thoại mà than khó. Buồn cười nhỉ.” Đại chúng đã cười và khóc trong buổi đó. Cuối buổi pháp thoại, tôi thầm nói với chính mình, “You aced the test. Good job, sister Bội Nghiêm.” (“Em đã làm bài thi rất tuyệt. Tốt lắm, sư cô Bội Nghiêm.” Tôi không muốn lãng phí thời gian ngồi đó nghĩ rằng tôi giỏi hay dở hơn ai. Những gì hay và đẹp tôi đang có là nhờ được sống và tu tập trong tăng thân, chứ không phải vì được lớn lên ở Mỹ. Những điểm yếu còn đang có mặt trong tôi, tôi sẽ tinh tấn thực tập để chuyển hoá, với sự giúp đỡ của tăng thân. Đừng nói, cũng đừng nghĩ “Sư em lớn lên tại Việt Nam nên không có nhiều cơ hội để học như sư chị.” Đại chúng đang cho mình nhiều cơ hội lắm đấy, mình có chịu nhận hay không thôi.
Trải nghiệm này đã cho tôi nhiều bài học khó quên. Hãy tin vào chính mình, hãy tự nói, “Mình sẽ làm được.” Hãy tâm sự với những người bạn về những tình huống, những tâm trạng mình đang đi qua để đón nhận sự động viên, yểm trợ và giúp đỡ. Tự tin chứ đừng tự kỷ. Suy nghĩ tiêu cực và sự lo lắng sẽ cản trở chúng ta thực hiện công việc theo cách hiệu quả nhất. Sư Ông đã nhắc nhở chúng ta “hãy nắm lấy cơ hội” trong một bức thư viết cho đệ tử. “Đi khoá tu là cơ hội, ở nhà cũng là một cơ hội. Mỗi bước chân là một cơ hội, mỗi hơi thở là một cơ hội.” Lời dạy này đã giúp tôi đón nhận mọi việc đến trong đời mình như một cơ hội để nắm lấy (let’s seize the opportunity). Bao nhiêu điều kiện đã tụ hợp đầy đủ để một bài pháp thoại được biểu hiện, để nụ cười được hiến tặng hay để cơn giận đi lên. Mình là điều kiện cuối cùng để giúp nó biểu hiện đẹp hay xấu. Điều đó tuỳ thuộc vào niềm tin, cách tư duy và công phu tu tập của chúng ta.
Tôi đã thầm phát nguyện sẽ không tình nguyện đi khoá tu hay cho pháp thoại. Nhưng nếu ban tổ chức hay hội đồng giáo thọ đề nghị thì tôi sẽ không từ chối, và tôi sẽ nắm lấy cơ hội để cống hiến hết trái tim và khả năng. Tuy nhiên tôi không muốn tên mình xuất hiện trên hai lần trong việc hướng dẫn trong một khoá tu. Không làm cũng không được mà làm nhiều quá cũng không hay. Khi Đại chúng đã đề cử là Đại chúng đang cho mình niềm tin để nuôi lớn sự tự tin trong mình. Ai tặng cho tôi món quà niềm tin là tôi nhận liền, không ngần ngại. Và tôi cũng thích tặng lại món quà đó. Mắt tăng rất sáng nên sẽ không để mình rơi vào con đường của tự hào, tự cao, tự kiêu hay tự mãn. Có những vị rất muốn được sự công nhận và chú ý nên không ngần ngại để tình nguyện hướng dẫn. Đại chúng sẽ tìm cách khéo léo để không tạo điều kiện cho vị này đóng vai trò lãnh đạo tâm linh vì thấy vị này cần thực tập khiêm cung. Ngược lại, Đại chúng tìm mọi cách để khuyến khích những vị khác tự tin và mạnh dạn lên để ra hướng dẫn vì thấy quý thầy và quý sư cô đó có phẩm chất tâm linh rất cao nhưng còn hơi rụt rè.
“Con thấy con không có khả năng. Con làm không được đâu. Con không biết làm…” là những câu nói tôi thường nghe. Lạ thay đôi lúc có người lại nói, “Sư em đó khiêm cung.” Tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi không xem đó là sự khiêm cung. Nếu đó là biểu hiện của sự khiêm cung thì câu, “Con thấy con có khả năng. Con sẽ làm được…” là không khiêm cung? Nếu vậy thì không biết bao nhiêu kiếp nữa tôi mới khiêm cung đây. Sư Ông thường chia sẻ, “Thầy làm được thì các con sẽ làm được và thậm chí các con sẽ làm hay hơn Thầy.” Mình hãy cho mình cơ hội để đi ra khỏi comfort zone (vùng thoải mái). Nếu chỉ làm những việc quen thuộc thì sẽ rất ít cơ hội học hỏi những điều mới. Nên chăng, nếu nghĩ mình làm không được thì hãy tập làm rồi qua thời gian mình sẽ trở thành chuyên nghiệp. Mình chưa làm thì sao lại biết mình làm không được? Hoặc mới chỉ một lần thất bại, sao đã vội mất đi sự tự tin? Thomas Edison đã thất bại đến hàng ngàn lần trước khi phát minh ra dây tóc bóng đèn. Hãy cho mình ít nhất ba hoặc năm cơ hội rồi lúc đó mới kết luận mình làm được hay không.
Một trong những điểm chính yếu làm cản trở sự tự tin là khuynh hướng so sánh mình với người khác. Ba mẹ so sánh mình với bạn đã mệt rồi, mình so sánh mình với người khác lại càng rắc rối hơn. Chưa kể, mình chỉ nhìn thấy thành quả của người khác, nào biết những khó khăn hay nỗ lực mà họ đã phải trải qua suốt cả hành trình? Tôi được mời ngồi chuông cho buổi sinh nhật 80 tuổi của Sư cô Chân Không tại Làng Mai Thái Lan năm 2018. Sau đó có một sư em đến nói với tôi, “Cảm ơn sư chị đã ngồi chuông rất hay, tạo không khí vui tươi trong đại chúng”, nhưng tâm hoan hỷ lại không có mặt trong câu nói đó. Tôi cảm nhận rõ sư em đã phải cố gắng và có sự ngượng ngùng mới nói được. Sáng hôm sau một sư em khác cho tôi biết là tối hôm trước sư em đó đã khóc. Buổi trưa sư em gặp tôi và xin được nói chuyện. Tôi cũng đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra nên trong lòng có sự chuẩn bị khi ngồi lắng nghe sư em. Sư em nói, “I envy you. You have the capacity to create joyful energy in the Sangha, which something I don’t have.” (Sư em ganh tỵ với sư chị. Sư chị có khả năng tạo không khí tươi vui trong đại chúng, điều này em không có). Tôi lắng nghe mà thương cho sư em của mình, không có chút giận hờn hay trách móc.
Từ lúc nhỏ cho đến khi vào xuất gia, sư em thường đóng vai trò “background” (làm nền), đứng phía sau, khiến sư em không tự tin và thường so sánh mình với người khác. Sư em vừa chia sẻ vừa khóc, còn tôi chỉ biết cầm tay sư em mà thôi. Tôi cảm ơn sư em đã chia sẻ chân thật và chờ vài phút để cảm xúc trong sư em lắng dịu. Rồi tôi nói “Sư em có biết bao nhiêu vị trong đại chúng đang mong ước có những gì sư em đang có không? Uy nghi của sư em rất đẹp, sư em giỏi về âm nhạc và thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt. Chị cũng muốn được như sư em lắm đó. Chị muốn chia sẻ rằng sự ganh tỵ của sư em sẽ không làm chị rút lui trong công việc cống hiến của chị. Nếu chị làm với mục đích để người khác ganh tỵ thì chị sẽ không bao giờ làm. Chị làm với tâm trong sáng và thường xuyên để ý intention (chủ ý) của mình khi nhận lời mời từ ban tổ chức. Nếu vì muốn được lời khen, sự chú ý hay làm cho người khác mặc cảm tự ti thì chị sẽ không nhận. Chị nhận với tâm muốn cống hiến những gì mình có thể.” Có một sư em hay nói đùa mỗi khi ai nhờ sư em giúp việc gì với câu: “Bức hình đẹp hay không là nhờ vào background đấy.”
Điều gì đã khiến mình thiếu sự tự tin khi thấy một ai khác “giỏi hơn” mình? Người đó đang truyền cảm hứng sao mình không chịu nhận? Tại sao mình không nghĩ như vậy để có thêm niềm vui và lòng hoan hỷ? Như nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn có nói, “Nếu quý vị thấy tôi làm MC hay thì quý vị hãy tìm cách để làm hay hơn tôi mà không nên ganh tỵ hay nói những lời không xây dựng.” Tôi không nhớ nguyên văn nhưng nội dung là thế. Sư cô Xứ Nghiêm chia sẻ câu chuyện làm tôi rất cảm kích. Sư cô Xứ Nghiêm không chia sẻ thì thôi chứ khi đã chia sẻ thì vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc, làm cho người nghe suy ngẫm. Sư cô thắc mắc tại sao mình buồn khi ai đó giỏi hơn mình. Những người mẹ khi thấy con mình giỏi hơn mình thì mẹ mừng vui và hạnh phúc lắm. Tại sao thế? Tại vì trong mẹ có tràn đầy tình thương. Còn mình chưa có đủ tình thương với sư chị và sư em nên buồn và mặc cảm tự ti.
Thời gian gần đây tôi rất thích nhìn cây mỗi khi đi thiền hành hoặc đi bộ. Càng quan sát tôi càng kinh ngạc với những điều kỳ diệu của tự nhiên. Tôi để ý từng chi tiết và thấy rằng những chiếc lá, những nhánh cây rất hiếm khi đụng nhau. Tuy cùng gốc rễ, thương yêu và bảo vệ cho nhau từ khi là cây non đến lúc trưởng thành, lá và nhánh cây cho nhau không gian để vươn lên. Những cây lớn không chiếm không gian hay làm cho những cây nhỏ đứng bên cạnh yếu đi hay ngã đổ. Mỗi cây có vị trí riêng và tất cả các cây đều có thể được nhìn thấy. Không có cây nào ẩn trốn sau cây nào. Thậm chí không có cây nào thật sự “đứng trước” hay “đứng sau”, hoàn toàn tùy theo góc độ mình đứng nhìn. Lá đang nuôi rễ và rễ đang nuôi lá. Ai cũng quan trọng như nhau. Mục đích của tất cả các cây là mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Cây cũng cảm được niềm đau khi thấy bạn mình đang chết dần. Rồi tôi nghĩ lại mình. Tôi vẫn là sư em của nhiều sư chị và cũng là sư chị của nhiều sư em. Ngoài việc hướng dẫn hay cho pháp thoại, tôi vẫn tiếp tục rửa nồi, dọn dẹp, lau nhà vệ sinh, sửa bồn cầu hay đi xin phân bò và tôi rất hạnh phúc với điều này. Tôi không muốn việc tay chân hay cho pháp thoại trở nên xa lạ. Thế nhưng lại có những khi tôi thấy mình đi ra hướng dẫn khá nhiều so với quý sư chị của mình. Quý sư chị có những lý do riêng như “chị chưa cảm thấy thoải mái, tiếng Anh của chị chưa lưu loát, chị không thích nói trước máy computer.” Thế là chỉ còn “tôi với trời bơ vơ” và phải nhận thôi chứ biết làm sao bây giờ. Tôi nghĩ lại mục đích của cây là mỗi ngày mỗi lớn. Sư chị đang yểm trợ mình nên hãy nắm lấy cơ hội. Và tôi mời một sư em khác làm với tôi. Đừng vì sư chị không làm mà mình không làm, mình hãy làm cho sư chị và hãy giữ tâm mình cho đẹp lúc đang làm và sau khi làm. Cũng đừng vị một lời chê hay góp ý mà lùi bước. Cây đứng rất vững nhưng cây biết nương tựa vào những người bạn chung quanh.
Người tự tin không ích kỷ, ngược lại họ luôn muốn chia sẻ những gì mình biết và mình có để những người khác cũng được như thế. Người tự tin có mặt để giúp đỡ và thường xuyên tạo cơ hội cho người khác có thêm tự tin. Và khi một ai đến nói: “Sao sư em làm được việc đó hay quá vậy? Sư em là viên ngọc của tăng thân” hay “Sư em rất hãnh diện có sư chị trong đại chúng… ”, thì người tự tin sẽ không chối từ bằng những câu nói: “Sư chị nói hơi quá. Sư em đừng nói như thế.” Người kia đang nuôi lớn lòng hoan hỷ và tình thương khi nói câu đó thì tại sao mình lại chối từ. Hãy nhớ rằng người kia nói câu đó không với mục đích làm cho mình tự hào, tự kiêu, tự cao và tự mãn mà với mục đích muốn mình tiếp tục nuôi dưỡng những đức tính đẹp qua cách suy tư, nói năng và hành động. Người tự tin sẽ mỉm cười và nói, “Thank you for your encouragement.” (Cảm ơn những lời khích lệ của sư chị và sư em). Sau đó, người tự tin sẽ thầm biết ơn Bụt, Thầy, tăng Thân, ba mẹ và vô vàn điều kiện khác giúp mình được như ngày hôm nay.
Đầu năm 2005 tôi viết bức thư đầu tiên dâng lên Sư Ông, chia sẻ niềm lo lắng và mặc cảm tự ti khi thấy có nhiều vị trong tăng thân viết văn hay, giỏi về nghi lễ và làm rất nhiều việc giúp đại chúng. Nhìn lại tôi thấy mình không được như thế. Trước khi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 39 năm viễn xứ, Sư Ông gọi tôi vào thất Ngồi Yên tại Xóm Thượng. Tôi vừa đi vừa hồi hộp trong lòng vì đây là lần đầu tôi được gặp Sư Ông một mình. Sư Ông ngồi rất thảnh thơi trên ghế đung đưa và nói với tôi: “Con thấy cảnh phía trước có đẹp không? Con biết gì không? Đối với Thầy tài năng quan trọng nhất là sống hoà hợp trong đại chúng”. Tôi không bao giờ quên giây phút ấy và lời dạy từ trái tim của Sư Ông.
Người tự tin luôn xem sự hoà hợp và niềm hạnh phúc của các bạn là điều quan trọng. Nếu những người mình đang sống chung không đến được với mình thì có thể người bạn tự tin đang vắng mặt. Người tự tin được những người bạn thấy khả năng của mình, thương những lúc mình lầm lỗi, hoan hỷ với những gì mình đang có, yểm trợ những lúc mình gặp khó khăn và tin tưởng vào sự tự tin của chính mình. Nếu có ai tránh xa mình thì hãy nhìn lại mình đã làm gì sai để cải thiện tự thân. Nếu mình không làm gì sai thì việc còn lại là của vị đó phải giải quyết. Vì vậy hãy dành thời gian để nhìn kỹ những người bạn mình đang chơi và nương tựa. Nếu bạn mình có sự Trạch pháp qua cách tư duy, Học hỏi qua cách sống, Khải hoàn khi ra “trận”, Tự nhiên trong lúc cống hiến, Ân cần giúp đỡ người khác, Thuần tuý là chính mình khi nói chuyện, Hiệp sĩ khi đối diện với khó khăn, Linh hoạt với những thay đổi trong tinh thần yểm trợ và cảm thông thì làm sao mình có thể đánh mất sự tự tin được chứ. Những người bạn đang giúp tôi học và hiểu thêm ý nghĩa của sự tự tin.