Hương vị mùa xuân

Thư gửi bạn hiền mùa cô vy (Phần 2)

Đời sống nông trại

Mùa xuân này tôi được ở Làng để ngắm những cành dâu trơ trụi đột nhiên một ngày chi chít đọt non xanh mát. Lá dâu non nhú ra, cả những quả dâu bé tí màu xanh. Những trái mận non cũng ra đời còn dính vào cuống hoa chưa rụng. Cả vũ trụ như đang bừng lên sức sống. Đọt dâu lớn rất nhanh thành những chiếc lá be bé và còn mềm, nên chúng tôi bỗng thành những cô gái “hái dâu” khi tôi tỉa những cành dâu mọc vô trật tự. Chỉ cần tỉa chừng hai cây được khoảng mười cành là đại chúng ăn lá dâu… hai ngày. Chúng tôi cười với nhau thấy mình như tằm ăn dâu, các sư em bảo mình thành Ỷ Lan đi hái dâu hết rồi.

 

 

Mà cả xóm có hơn chục cây dâu lận, ăn sao hết. Lá dâu có vị béo và thơm, lại là một loại lá có nhiều công dụng hỗ trợ cho sức khoẻ: bổ phổi, giúp thanh lọc gan, giải nhiệt cơ thể, trị nám da, cải thiện trí nhớ, làm sáng mắt, hạ cao máu, cholesterol… Thế là mâm cơm hầu như ngày nào cũng có lá dâu không luộc thì xào. Ăn thả cửa đến nửa tháng sau thì lá đã sẫm màu và bắt đầu dai, bấy giờ phải đi hái đọt thôi chứ không ăn hết tất tần tật mọi lá như trước. Lá dâu gần hết “mùa” thì sư cô Chân Đức cho thị giả đem măng bên Sơn Cốc qua. Thế là lại tha hồ ăn măng cho nhớ Thầy (vì Thầy thích tự tay kho măng đãi học trò), ăn hết măng Sơn Cốc thì đi quanh hai bụi trúc Xóm Mới, rồi Xóm Trung, rồi vào xin nhà hàng xóm “đạp măng”. Cứ cách mấy ngày lại có măng kho mà ăn hoài không ngán. Rồi thì măng nướng chấm muối tiêu, bún măng, gỏi măng… Ngày xưa các cụ bảo “thu ăn măng trúc đông ăn giá”, mình thì mùa xuân cũng ăn măng luôn. Ăn măng “ta” chưa đủ, còn măng tây. Nhà hàng xóm trồng măng tây nên thu hoạch xong còn loại vụn vụn, không đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường, là tới phiên mình lấy về. Thế là dù măng tây bán ở ngoài mắc ơi là mắc, mà Xóm Mới thì cứ hết măng tây luộc lại tới măng tây đút lò. Các sư em còn làm măng tây ngâm chua ngọt nữa chứ.

Sống ở đồng quê, rau trái tươi ngon nên bữa cơm nào cũng ngon. Sáng nào cũng có hạt dẻ (hazel) rang vừa bùi vừa béo. Năm ngoái đi lượm được quá nhiều, năm nay lại không có khoá tu nên tới giờ vẫn còn hạt để ăn. Mùa hè năm nay Làng sẽ không mở cửa vì vẫn chưa hết dịch bệnh. Mấy cây mận, mấy cây dâu tằm, cây sung tím chắc là ế khách vì không có thiền sinh, không có mấy cháu nhỏ tới Làng thì ăn sao hết. Bữa nay mấy cây anh đào (cherry) đã đầy trái và có trái bắt đầu đỏ rồi. Nghe nói mùa anh đào năm ngoái đại chúng ăn no cả bụng mà vẫn còn trái, năm nay mất mùa tuy trái không trĩu cành nhưng thấy cũng nhiều, trái non vẫn chi chít.

Cùng nhau mùa cách ly

Mấy hôm nay nghe nói nhiều thân hữu quan tâm đã gởi tiền cúng dường Làng vì sợ chúng tôi không có nguồn thu nhập trong mùa dịch bệnh bị đói. Ôi những tấm lòng để chúng tôi tri ân. Đức của Sư Ông lớn lao nên con cháu được hưởng. Chúng tôi chưa thiếu ăn, chưa đói, chỉ ăn rau và đậu nên cũng không tốn kém lắm. Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài, khoá tu không có thì cũng khá chật vật với các chi tiêu khác như thuế đất, thuế nhà, bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khoẻ, điện, nước, ga, phí điện thoại, linh tinh… Nghe nói bên Việt Nam đã hết cách ly, mọi người có thể đi làm lại. Ở Pháp vẫn còn lệnh phong toả. Từ ngày 15/5 thì ra đường không còn phải đem giấy tờ chứng minh là đi đâu nhưng nạn dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tuy nhiên có lẽ thiên hạ không thể ở nhà thêm nữa nên mấy ngày rồi con đường trước mặt xóm bắt đầu có nhiều xe chạy qua trở lại.

Sau mấy tháng cách ly, bây giờ mọi người học làm quen với các vấn đề trực tuyến. Chúng tôi không giỏi giang gì về kỹ thuật, đường truyền internet thì chậm rì rì vì là “vùng sâu vùng xa”, (công nhận internet ở Việt Nam ngon lành hơn nhiều), nhưng cũng bắt đầu chuyển tải những buổi tu tập của mình đến thân hữu gần xa. Các nhóm lo về sinh hoạt tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp và ban kỹ thuật luôn luôn bận với những pháp thoại trực tuyến và thu hình sinh hoạt. Ban giáo thọ họp về việc cho các khoá tu trực tuyến để thế cho những khoá tu không thể tổ chức ở Làng. Ai có việc đó. Sinh hoạt tu tập vẫn đều đặn. Những buổi ngồi thiền, tụng giới, thiền hành đều hướng tâm cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ và mọi người đều được bình an vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hương vị mùa xuân

 

 

Ngày hôm nay tôi nhất định phải khoe với bạn hiền về món xà lách mới vừa làm. Tôi ôm rổ đi chơi, ngắt ở đây một ít, kia một ít hoa lá trong vườn. Nắng rất trong, cỏ thật xanh, và những đoá hoa dại đủ màu nhàn nhã đu đưa trong gió. Hôm kia nông trại hạnh phúc của Sơn Hạ vừa mới gởi lên những búp xà lách xanh non bụ bẫm nên tôi nhất định phải làm một thau xà lách đủ màu cúng dường lên đại chúng. Đi quanh một chút, vừa ngắm vừa hái, hương thơm của rau thì là, của hoa hồng, của hoa xô thơm thật ngọt ngào. Bạn hiền biết món xà lách này có bao nhiêu thứ không? Kể cho bạn hiền nghe nhé: xà lách, arugula, xà lách xoong, ngò, rau răm, rau bạc hà, thì là, bồ công anh, mùi tây, hẹ và mười loại hoa: hoa hồng năm loại (đỏ, hồng, vàng, trắng, tím), cúc vạn thọ vàng nhạt, vàng đậm, hoa bồ công anh, kim ngân hoa trắng và vàng, hoa xô thơm, hoa sen cạn (nasturtium). Đây đều là những loại hoa và rau trong xóm, vừa là cây trồng vừa là hoa dại. Hầu như thứ nào cũng có chút vị thuốc. Tôi ngâm hoa vào chậu nước lạnh mà nghe mùi thơm dìu dịu phảng phất. Nhìn màu sắc tươi sáng chen lẫn, lòng thật thoả mãn như ôm cả hương vị mùa xuân vào người.

Mấy hôm trước đi thiền hành lên đồi mận. Trời nắng ấm. Hoa dại màu xanh nhạt dập dềnh chen lẫn những đoá hoa hồng, tím, vàng, trắng. Cả một cánh đồng hoa dại đẹp sững sờ. Có lẽ mọi năm mưa ít hơn, hay cỏ cắt thường hơn mà tôi không thấy nhiều hoa như năm nay. Chắc vì mảnh vườn sắp sang tay nên chủ vườn không buồn cắt cỏ, do đó nhiều loại hoa hiếm thấy, năm nay có cơ hội lớn lên đầy cả vườn. Có một loại lan đất nhỏ xíu, tên là lan ong (bee orchid) vì thu hút ong, rất giống loại lan nhỏ xíu ở Việt Nam màu xanh và tím. Có một loại lan dại hình tháp màu tím hồng, vốn dĩ là nằm trong dạng được bảo tồn vì sắp tuyệt chủng, hai mươi năm trước ở xóm hạ tôi đã biết là không được hái mà bây giờ không ngờ vườn mận lại đầy hoa này. Hôm lễ Phật đản vừa ăn trưa xong thấy ông hàng xóm đem cái máy cắt cỏ (tractor) qua cắt cỏ chúng tôi vội vàng đi bứng những gốc lan đó về trồng trong khu vườn nhỏ trước thiền đường. Bứng chỉ được một số, không kịp nổi, chúng tôi đành cắt về trước khi những đoá hoa đó tan nát dưới cái máy cắt cỏ. Bởi vậy hoa trước giờ chỉ dám ngắm mà bây giờ lại đầy nhà, cắm mấy bình cúng Bụt rồi cắm chưng khắp trong phòng ăn, nhìn thấy cả mùa xuân tràn ngập.

 

 

Mặt trăng và tổ chim

Có một ngày trăng vàng “ửng chín”, sáng và gần, thu hút ánh mắt mọi người sau giờ ngồi thiền. Tôi đang đứng chiêm ngưỡng chung với một số sư em thì sư em Trăng Phương Nam lí lắc hoa tay trước mắt tôi: “con đẹp không?” Tôi ngớ ra một chút mới nhận được em đang chơi chữ vì em là “Trăng” mà, nên tôi lắc đầu: “ trên kia mới đẹp”, và chỉ về phía mặt trăng. Em nương theo hướng tay tôi là sư em Trăng Khương Giới đang đứng, lắc đầu nguầy nguậy: “ không, trăng này (chỉ vào mình) mới đẹp, trăng kia không đẹp bằng.” rồi cười lém lỉnh.

Ừ, mình có nhiều “Trăng” quá, nên lúc nào trăng cũng sáng trong lòng.

Hôm trước tỉa cái hàng rào quanh bình đựng ga trước phòng Sư Ông, cây lên cao khỏi cái hàng rào cả mấy tấc, ra hoa trắng khá đẹp. Đang cắt ngắn xuống bỗng sư em thị giả thấy một cái tổ chim có một con chim non và hai cái trứng giữa bụi cây. Thế là cắt hết xung quanh nhưng chừa lại mấy cái nhánh cây trên đầu tổ để che mưa che nắng cho nó. Hai con chim mẹ chim cha bay về có chút ngẩn ngơ nhưng tổ còn nguyên vẹn nên chim mẹ lại vào ấp trứng cho đến ngày cả bầy biết bay và cùng bay đi hết. Cuối cùng để lại cái hàng rào chữ nhật có một túm cao cao như dấu tích của một ngôi nhà đã hết được sử dụng. Cái tổ trống không nhưng không ai muốn dọn đi, thỉnh thoảng mấy sư cô đi ra văn phòng ghé ngang, vạch cây nhìn xem có con chim nào mượn tổ đẻ trứng nữa không.

Rồi tới cây mận trước phòng ngủ của mình có một cặp bồ câu tha cỏ, cây về làm tổ. Các sư cô thấy chim bay đi tìm nhánh nhỏ nên đi lượm dùm, đem về chất đống dưới gốc cây mận nhưng con chim này không biết vì sợ hơi người hay chọn lựa gỗ tốt cho tổ ấm mà không thèm động vào nhánh nào hết, tự mình bay đi ngậm từng cọng cây về. Cái tổ này thật là vui, chỉ toàn cành cây xếp lên nhau chứ không có rêu, cỏ đan lại tròn ủm như cái tổ chim kia. Vậy mà chị bồ câu nằm rất êm ái. Cái tổ chỉ đủ cho một con béo ú, con còn lại nhảy nhảy rồi bay mất, sau này mới biết chúng thay nhau ấp trứng. Đứng trên hành lang nhìn xuống cái tổ và cặp chim rất rõ ràng. Ấp đúng hai tuần nở ra một con chim bồ câu con, vừa hé mắt thấy mấy cặp mắt trên lầu đang nhìn xuống chằm chằm quan sát bé sợ quá dúi đầu vào bụng mẹ. Vẫn còn mấy cái trứng chưa nở nên chim mẹ vẫn còn nằm ì đó cho chúng tôi ngắm. Nghe nói có hai con cú con bị lạc mẹ nên đêm nào cũng kêu, sư em Trăng Thường Chiếu chụp được hình con cú đưa tôi xem khá xinh. Sư em Trăng Giác Hoà kể có hai con nai ở trong rừng bên cạnh chạy ra đồi mận, bây giờ cỏ cắt hết không biết còn ra nữa không.

 

 

Bạn hiền thương. Đây là lá thư thứ hai cho bạn hiền mùa cô vy. Kể bạn hiền nghe chút chút về đời sống của tôi. Trong khi dịch bệnh vẫn còn, lòng người vẫn chưa an, nỗi sợ vẫn còn lớn lao thì trăng vẫn sáng và hoa vẫn nở, nụ cười vẫn tươi. Ai đó đã nói là bầu khí quyển này tốt hơn nhiều, đất Mẹ đang được chữa lành nhờ sự bớt tiêu thụ, và vì chúng ta đang tương tức nên sự khoẻ mạnh ở đây cũng giúp cho mọi người ở nơi khác có thêm chút bình an và hy vọng, phải không bạn hiền?

 

Chân Thoại Nghiêm