Tuổi thơ hoa nở
Con đến từ tỉnh Alberta, Canada, năm nay con mười chín tuổi. Ba con là người miền Tây và mẹ con là người miền Trung Việt Nam. Từ thuở bé con đã được đến chùa qua những lần theo ông bà ngoại và bà nội của con. Vì mẹ và ba đi làm nên bà ngoại và nội đã cùng nhau chăm sóc cho con trong thời gian đó.
Con rất thích đến chùa, vì khi đến chùa được đi theo Sư Ông và quý sư cô mà mình rất thương và ngưỡng mộ; lại vừa được thương, được cưng và được cho ăn rong biển, hạt bí, đặc biệt là được ăn cơm với nước tương nữa, ngon lắm. Con rất thích hình ảnh của thầy mình khi đắp chiếc y vàng để làm lễ, và cũng mong muốn tới một ngày mình cũng được như vậy. Rồi ngày đó cũng đã đến, khi một hôm, con xin phép mẹ cho con được đi xuất gia, và mẹ con đã rất hạnh phúc trong giây phút đó. Mẹ kể cho con nghe rằng hồi còn trẻ khi còn ở Việt Nam, mẹ đã từng gặp hai vị thầy học tại trường đại học Vạn Hạnh. Họ là hai anh em ruột và mẹ của hai thầy có tên giống với tên của mẹ con.
Sau cuộc gặp gỡ đó, mẹ ấp ủ một ước nguyện mà mẹ đã thầm tỏ với đức Quán Thế Âm: “Nếu ai có duyên xuất gia, xin nương con làm người mẹ mà chào đời. Và sau này nếu có con, mẹ hy vọng những đứa con của mẹ cũng sẽ đi tu như hai thầy vậy”. Tuy nhiên, ba con lại khác. Ba con không thấy bất cứ một sự phù hợp nào trong lựa chọn của con và vì thế ba không yểm trợ cho ước nguyện xuất gia của con. Và rồi, tuy không có sự đồng tình của ba con vẫn quyết định vào chùa và trở thành một chú tiểu khi mới ba tuổi. Ba con đã rất buồn và không muốn nói chuyện với con trong một thời gian dài.
Lần đầu tiên con gặp lại ba là khi con vào khoảng năm hay sáu tuổi. Trải qua một thời gian dài không gặp nên ba rất hạnh phúc vì rất nhớ con và cảm động khi nhìn thấy con của mình dưới vóc dáng mới của người xuất sĩ đầu tròn áo vuông (một chú tiểu quá đỗi dễ thương). Tuy rất nhớ con nhưng ba vẫn chưa thực sự muốn cho con ở chùa. Năm tháng trôi đi, con đã học được bao điều mới, đẹp và lành thiện chốn thiền môn, mỗi ngày mỗi trở nên chững chạc và điềm đạm hơn so với tuổi thực của mình. Ba đã cảm nhận được điều đó rồi theo thời gian từ từ làm quen và chấp nhận cho con tiếp tục con đường xuất gia của mình.
Lý tưởng của con
Do đi tu từ nhỏ nên lý tưởng xuất gia của con khi đó chưa hình thành rõ ràng lắm. Cách hay nhất để giải thích cho ước nguyện xuất gia của con là ví như một đứa trẻ lên ba nếu thấy thứ gì cảm thấy thích, nó sẽ đòi cho bằng được còn không sẽ khóc hoặc nhõng nhẽo cho tới khi có được mới thôi.
Bây giờ con đã trưởng thành và vững vàng hơn qua bao tháng ngày được sống và tu tập trong chùa nên mẹ mới bật mí cho con biết thêm về một nhân duyên đặc biệt khiến mẹ rất yểm trợ cho con đi xuất gia. Hồi đó khi mẹ con 29 tuổi, ba mẹ con quyết định có em bé nhưng cả hai lần mẹ đều bị xảy thai dù đã rất cố gắng. Mặc dù ba mẹ con đau khổ rất nhiều về chuyện buồn này nhưng cả hai vẫn không ngừng nuôi hy vọng để tiến tới một lần nữa. Thật không may, sau năm tuần thai nghén, mẹ con phải trải qua mười tám ngày liên tiếp với những cơn đau và biến chứng dữ dội. Mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào. Trong giờ phút khổ đau cùng cực, mẹ đã nhớ quay trở về với sự thực tập và đã một lòng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm với hy vọng năng lượng thương yêu của Ngài có thể mang đến cho mẹ cảm giác bình yên và sự trị liệu. Mẹ nhớ đến lời nguyện của mình năm xưa và cầu nguyện cho con được nương nhờ lòng thương yêu của Ngài mà chào đời bình an. Và rồi, cuối tháng tám năm đó, sau mười tháng nằm trong bụng mẹ, con được sinh ra đời. Với mẹ, hai anh em chúng con hơn tất cả chính là nguồn hy vọng lớn nhất trong cuộc đời của mẹ.
Mẹ kể cho con nghe hồi con mới bắt đầu biết nói và có thể tự chọn đồ ăn, con thường hỏi mẹ thức ăn ấy có thịt không, nếu mẹ nấu đồ ăn mặn thì con sẽ không ăn. Khi con bắt đầu lớn thêm chút nữa và biết chơi đùa, con thường hay bị thu hút bởi những gì có liên quan đến giáo pháp. Như là một sở thích, con ưa sưu tầm thật nhiều nhiều tượng Phật để tặng cho mọi người. Mỗi khi bắt gặp những cuốn sách phật học, mặc dù con chưa biết đọc, nhưng hễ cuốn nào có hình Bụt trang nghiêm thì con liền xin mang về xem và sưu tầm cái đã. Con rất thích chơi trò đặt những con thú nhồi bông trước ban thờ Bụt do con tự thiết lập trong phòng khách rồi ngồi làm giảng sư thuyết pháp cho các bạn ấy nghe và cùng các bạn ấy tụng kinh niệm Bụt; cũng như lắng nghe các nỗi khổ niềm đau của các bạn ấy.
Đáng lẽ đi tu rồi thì con phải ở chùa nhưng thầy luôn hiểu cho hoàn cảnh của con nên thỉnh thoảng thầy hay cho phép con được về nhà thăm gia đình mỗi lần hai hoặc ba tuần. Con rất trân quý cơ hội đó nên dành rất nhiều thì giờ để có mặt và chơi với ba mẹ cũng như em trai của con. Nhờ đó mà mẹ con nhớ rất nhiều những kỉ niệm của con khi còn bé.
Bên cạnh ước nguyện của mẹ, con nghĩ động lực để con đi xuất gia phần nhiều xuất phát từ ước muốn của chính con bởi trong tận sâu trái tim mình con luôn mơ ước được trở thành một vị xuất gia. Con rất hạnh phúc khi được sống và tu tập trong đại chúng, được theo bước chân thầy Bổn sư và có nhiều niềm vui khi được thực tập những điều Bụt dạy.
Mối liên hệ của Sư Phụ con với Làng Mai
Thầy Bổn sư của con (con thường gọi là Sư Ông) là người cho con hình hài của một người xuất gia. Ở trong chùa, chúng con đã được Sư Ông và quý sư cô dạy học các bài thi kệ nhật dụng bằng tiếng Hán Việt và sau đó chúng con với bản dịch hoàn toàn bằng tiếng Việt của Sư Ông Làng mình (Làng Mai). Cuốn kinh nhật dụng đầu tiên được dùng để giảng dạy cho quý vị thiền sinh tây phương cũng là của Làng Mai. Sư Phụ hiện tại của con đã từng có cơ duyên được học pháp trực tiếp với Sư Ông Làng Mai và cũng đã thọ Giới lớn theo truyền thống của Làng. Các sư anh của con cũng được học và thực tập pháp môn của Làng.
Làm sao để những người trẻ có thể đem áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày ?
Sư chú Chơn Tạng cùng quý thầy, quý sư chú Xóm Thượng, Làng Mai
Là một người xuất sĩ trẻ, con thường thao thức làm sao con có thể nỗ lực hết lòng thực tập để có thể trở thành một sự tiếp nối tuyệt vời của chư Bụt và Thầy Tổ, để giúp cho mọi người có cơ duyên đi trên con đường chân thiện và có nhiều an lạc với nếp sống chánh niệm. Con luôn hy vọng rằng trong tương lai, chúng con có thể mang chánh niệm, sự tỉnh giác và những pháp môn thực tập đi vào đời sống hàng ngày nhiều hơn để giúp cho mọi người sống có nhiều tự tại và hạnh phúc hơn, từ đó mỗi giây mỗi phút của sự sống cũng sẽ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn.
Đó là điều quan trọng nhất mà giới trẻ chúng con nên làm, vì chúng con biết rằng chúng con chính là sự tiếp nối của chư Bụt và Sư Ông. Quý Ngài đã từng an trú thảnh thơi trong nếp sống chánh pháp và bước đi trên con đường của tỉnh thức, đã đem đến không biết bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc tới cho chính bản thân và cho những người khác nữa. Những thành tựu đó của quý Ngài chính là nguồn sức mạnh giúp chúng con có thể bước tiếp trên con đường đã được khai mở và dẫn lối. Chúng con ý thức rằng, nếu thực tập hết lòng chúng con sẽ có thể đem lại lợi lạc cho chính chúng con và cho những người thân yêu của chúng con.
Sự tiếp nối đó có thể được biểu hiện bằng tình thương qua những hành động rất nhỏ như giúp ai đó mở một cánh cửa, nhặt một ít rác nơi công cộng để đem đến cho người khác cảm giác thoải mái, sạch sẽ; hay dành tình thương cho chính mình bằng mười phút thiền tập mỗi ngày, trở về tiếp xúc với vị Bụt tươi mát trong tự thân để có thêm nhiều an lạc trong cuộc sống; cố gắng từng chút để trau dồi thêm cái hiểu và thương. Bởi vì con biết rằng chỉ có việc học hỏi giáo pháp Bụt dạy mới có thể giúp mình có khả năng hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của chính mình và của người. Biết nói lời ái ngữ và lắng nghe với cả tấm lòng.
Có thể sự thực tập chưa được dày công, nhưng chúng con xin nguyện nỗ lực không ngừng để đem sự thực tập đi vào cuộc đời và trở thành một phần tất yếu trong đời sống của mỗi chúng con. Với ý thức sáng tỏ đó, con hy vọng mình sẽ cùng nhau bước tiếp trên con đường tỉnh thức sáng ngời mà Sư Ông và chư Bụt đã từng đi. Dù mình có đến từ bất cứ đâu trên thế giới, với những khoảng cách địa lý và nhiều khác biệt văn hóa nhưng đó không phải là trở ngại, bởi vì chúng ta sẽ trở thành một khi chúng ta thực tập chung với nhau. Cùng với nhau chúng ta có thể thức tỉnh như một tăng thân.
Con rất hạnh phúc và thấy mình may mắn vô cùng khi được đến Làng học hỏi và tu tập. Chính nơi đây đã cho con cảm nhận rằng tình thương là có thật, rất đong đầy. Trong đại chúng, ai cũng hết lòng sống hòa hợp cùng nhau, chăm sóc cho nhau và cùng nhau tu tập. Mặc dù có lúc con rất nhớ đến Sư Ông Làng Mai, người mà trong tích môn con chưa từng có cơ hội để học hỏi trực tiếp. Nhưng khi đang được sống tại Làng, con biết con vẫn đang được sống trong vòng tay tình thương rất lớn của Sư Ông. Quý sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em chính là vòng tay đó, cũng như đang được Sư Ông ôm ấp, vẫn được nhõng nhẽo mỗi ngày và lớn lên rất lành mạnh. Con thấy mọi người ai cũng là sự tiếp nối của Sư Ông. Và tại nơi đây, con thấy được Sư Ông đã trao truyền cả tâm huyết, và trao bao nhiêu hoa trái ngon ngọt nhất của cuộc đời mình, bao nhiêu lời dạy từ tuệ giác và tình thương vĩ đại. Gia tài quý giá đó cho con thấy rằng Làng Mai là một câu kinh tuy giản dị nhưng sâu sắc tuyệt vời mà con xin nguyện học hỏi và nương tựa trong suốt cuộc đời.
Con không biết nói gì hơn ngoài niềm biết ơn vô tận và lời nguyện tiếp nối xin được dâng lên chư Bụt, chư Tổ, Sư Ông, quý sư cha, sư mẹ, và tăng thân. Và để xứng đáng với kỳ vọng của ba mẹ, bạn bè và cả chính con.
Sư chú Chơn Tạng