Phỏng vấn thầy Pháp Hội
1. Chúng con được biết Thầy đã từng sống ở Mỹ rất lâu, là một người trẻ ở xã hội Tây phương, điều kiện sống rất đầu đủ, Thầy lại thành đạt trong xã hội. Tại sao Thầy muốn trở thành một người tu?
Thầy Pháp Hội:
Thực ra Pháp Hội mới sống ở Mỹ ba năm thôi, còn mười mấy năm khác thì sống ở Châu Âu. Nhân duyên để Pháp Hội đến với đạo cũng rất đặc biệt. Lúc còn trẻ lối suy tư, cách hành xử, nhận thức của mình cũng giống như những bạn trẻ bây giờ. Mình cũng chạy theo mục đích như kiếm tiền, chạy theo những nhu cầu bình thường của một người trẻ. Nhưng khi được tiếp xúc với những tư tưởng, cách hành xử đẹp của đạo Bụt thì mình nhìn thấy một lối sống mới cao đẹp hơn, mình thấy nó khác hẳn với lối sống mà mình đang theo đuổi. Những quan niệm về giá trị hạnh phúc và cuộc sống cũng khác hẳn với những cái lâu nay mình nghĩ, mình theo đuổi. Thế nên Pháp Hội quyết định buông bỏ hết những giá trị theo kiểu đời thường đó để đi tìm giá trị của một đời sống mới và cảm thấy đây mới là một lối sống đích thực, là những giá trị đích thực mà mình cần, đó là một chân trời mới. Khi thấy được giá trị chân thực của cuộc sống đích thực, của hạnh phúc thì mình có thể buông bỏ một cách dễ dàng lối sống vật chất tiện nghi đó. Pháp Hội tin đó là giá trị đích thực và cao đẹp.
2. Ở xã hội bây giờ luôn mới và có sự thay đổi phát triển không ngừng mà quý thầy, quý sư cô trong Tu viện ngày nào cũng chỉ thực tập thiền hành, thiền toạ… Và ở đây lại không sử dụng điện thoại di động, máy tính cá nhân, truyền hình… Vậy làm sao quý thầy, quý sư cô có thể hiểu và đồng hành để giúp đỡ những người bên ngoài, nhất là giới trẻ rất năng động, có nhiều khó khăn và bế tắc?
Thầy Pháp Hội:
Nét đẹp và giá trị chân thật của người xuất gia là ở ngay trong đời sống hằng ngày mà đạt được lối sống cao đẹp, năng lượng vững chãi, an lành và những quy định của đời sống người tu làm cho những mục tiêu đó được thành tựu. Những quy định của mình như là: không sử dụng điện thoại di động riêng, không xem tivi, hay sử dụng những trương mục cá nhân, e-mail riêng… tất cả những cái đó nhằm mục đích giúp cho người tu trở nên vững chãi hơn, nó ngăn chặn những điều không lành mạnh của xã hội thâm nhập vào. Tự thân những cái đó không có gì quá lớn lao, thế nhưng nó ảnh hưởng vào quá trình bắt đầu của sự tu tập nên mình phải buông bỏ nó đi. Giả sử trong đời sống của người xuất gia, khi mình chưa có sự vững chãi mà sử dụng những tiện nghi đó thì nó sẽ làm đời sống của mình bị ảnh hưởng xấu, đánh mất đi sự sống, nét đẹp của người xuất gia. Mình không phải hoàn toàn chối bỏ nó, mình sử dụng những cái đó trong vai trò, trách nhiệm của một tập thể, mình dùng như một phương tiện để phục vụ cho công việc của đại chúng chứ mình không dùng cho tiện nghi cá nhân. Nó khác nhau ở chỗ đó! Và người trẻ khi tiếp xúc với đời sống của người tu qua dòng tu của mình, họ cứ nghĩ là mình sống cách biệt với thế gian, nhưng trên thực tế thì dòng tu của mình lại giúp được cho người đời rất nhiều, nó tạo niềm tin cho người trẻ và các giới. Vì lối sống của mình có thể tạo ra hạnh phúc đích thực, nụ cười đích thực, có tình huynh đệ, có sự thương yêu, bao dung được cho nhau. Đạo đức trong lối sống, nghệ thuật sống thương yêu và hiểu biết là cái mà xã hội cần chứ không phải là chạy theo đời sống vật chất. Vì người trẻ ở Tây phương đã đi trước giới trẻ Việt Nam trong những cái đó rồi! Họ đã đạt được tiện nghi về mặt vật chất, về quyền con người, họ đã đi một bước rất xa trên con đường đó nhưng cho đến bây giờ họ vẫn không có hạnh phúc đích thực, mình có thể khẳng định rằng đó không phải là phương tiện đem lại hạnh phúc. Nếu người trẻ biết xa lánh những gì không lành mạnh cho đời sống của họ thì đương nhiên họ sẽ tìm đến một lối sống khác đem lại cho họ hạnh phúc. Và đó chính là con đường của người xuất gia. Không phải chỉ có người xuất gia mới có thể tu tập được, mới có thể tạo dựng hạnh phúc được mà bất cứ ai cũng có thể sống hạnh phúc bằng lối sống lành mạnh, bằng cách chỉ tiêu thụ những gì nuôi dưỡng cho thân tâm. Dù có khó khăn, phiền não nhưng nếu biết sàng lọc, tưới tẩm và đem vào trong cuộc sống hằng ngày những yếu tố lành mạnh, yêu thương, biết chăm sóc cho chính mình và cho mọi người chung quanh thì hạnh phúc đạt được sẽ ở mức độ chân thật. Người trẻ một khi hiểu rằng hạnh phúc của họ chỉ có thể được tạo ra bằng chính đời sống lành mạnh của họ và thấy được hạnh phúc của một cá nhân có liên quan đến hạnh phúc của cộng đồng. Họ phải chọn cho mình một cách sống phù hợp không tàn hoại đến thân tâm của chính họ, không tàn hoại đến môi trường, đó là lối sống đích thực – là thông điệp mà chúng ta muốn gởi đến xã hội! Vì những yếu tố đó trong xã hội ngày nay đang bị trào lưu chạy theo vật chất làm lu mờ. Xã hội Việt Nam bây giờ cơ hội làm giàu của người trẻ rất nhiều. Những nhu yếu, những thành tựu của xã hội Tây phương đi vào xã hội Việt Nam nhiều quá mà giới trẻ thì lại dễ dàng tiếp nhận. Thế nhưng, họ không hiểu được một điều là những thành tựu đó không chắc chắn đem tới hạnh phúc. Cách thức trong quản lý xã hội, thành tựu trong khoa học kỹ thuật hay những phương tiện tạo ra vật chất… những cái đó đi vào Việt Nam rất nhiều nhưng đồng thời những thứ rác, những cái không lành mạnh cũng xen vào và ảnh hưởng rất mạnh đến giới trẻ. Nhiệm vụ của người xuất gia là đem lại cho xã hội một con đường mới, một phương thức sống hữu hiệu nhưng vẫn có tự do, có thảnh thơi, không bị ràng buộc bởi tiện nghi mà vẫn hạnh phúc như thường. Thông điệp đó mình đang làm tại đây bằng cách sống, bằng sự chuyển hoá hằng ngày.
3. Đường hướng của Tu viện Bát Nhã là “Đạo Phật dấn thân vào cuộc đời”, xin Thầy chia sẻ một chút về điều đó?
Thầy Pháp Hội:
Sự dấn thân của mình cũng mang một màu sắc rất đặc biệt. Mình sẽ đóng góp cho xã hội bằng cả Tăng thân chứ không phải bằng một cá nhân. Truyền thống đạo Bụt Việt Nam đã từng đào tạo được rất nhiều vị Tăng tài, rất nhiều vị Tôn túc có khả năng, có tuệ giác và có sự tu chứng nhưng chưa bao giờ đào tạo được một Tăng thân đi chung với nhau và sống như một dòng sông. Nó sẽ có hiệu quả nhiều hơn khi mình cống hiến cho xã hội bằng một Tăng thân. Một người cho dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa cũng không thể dễ dàng thay đổi được tâm thức cộng đồng. Mình phải sử dụng năng lượng của cả một Tăng thân, cả một cộng đồng, có lối sống lành mạnh, có sự đi chung với nhau, cùng làm việc thì mới đủ sức! Nếu như một cộng đồng sống với nhau có sự lành mạnh, thương yêu thì môi trường xung quanh cộng đồng đó được thay đổi, những người đến nương tựa vào, họ sẽ có thay đổi và đó là cái mình dấn thân vào xã hội. Ở trong Tu viện nhưng mình luôn đào luyện được cho mình có năng lượng của thương yêu, của vững chãi – những năng lượng đó sẽ tác động ít nhiều vào xã hội. Tuy mình ở đây nhưng mình vẫn chăm lo cho xã hội, vẫn tổ chức những khóa tu cống hiến cho xã hội những phương pháp để chuyển hóa khổ đau và mình quán chiếu những khó khăn, những giá trị đạo đức của xã hội! Ví dụ như bây giờ xã hội Việt Nam, yếu tố niềm tin, giá trị đạo đức ít được người ta tôn trọng nhưng ở đây mình đang xây dựng cái đó. Bởi trong bất cứ một lãnh vực nào của xã hội nếu không có yếu tố đạo đức thì sẽ trở nên hư hỏng dù những người đó đã thành đạt về mặt kiến thức, về mặt vật chất hay quyền chức. Mình dấn thân ở chỗ tạo dựng được cho con người của mình những yếu tố mà xã hội đang cần! Và đồng thời dựa trên tuệ giác của sự tu tập mình sẽ cống hiến cho họ tình thương, cách thực tập trong những khó khăn của họ. Ví dụ như người trẻ bây giờ họ quan niệm về hôn nhân, học đường, về giá trị hành xử không giống trước bởi vì họ gặp những khó khăn không giống như các thế hệ trước. Người trẻ bây giờ được sử dụng tiện nghi về công nghệ cao, sử dụng Internet và nạn xã hội ảo – phục vụ cho nhu cầu của những người trẻ rất nhiều nhưng đồng thời nó cũng đem lại những bê bối, những vụ scandal khá lớn trong xã hội, dòng tu chúng ta dấn thân ở đó, đóng góp được cho người trẻ cách thức để sống, để đối diện với những gì không có trong thời đại của những vị đi trước mà trong thời đại của chúng ta lại có. Dòng tu của mìmh lại luôn biến đổi để cung cấp được cho xã hội, cho người trẻ những giá trị đích thực mà người trẻ cần phải có, một phương cách để có thể giải quyết những vấn đề trong đời sống và đó là cách dấn thân của mình chứ mình không cống hiến cho họ theo một lối sống cũ. Tuy mình sống trong xã hội nhưng mình không nhiễm phải những thói quen không lành mạnh mà còn tạo dựng được một lối sống lành mạnh, chính hình ảnh đó là cái mình cống hiến cao nhất cho xã hội.
4. Thưa Thầy, con thấy ở đây quý thầy, quý sư cô đi tu khi còn rất trẻ, vậy làm sao để quý thầy, quý sư cô có thể chia sẻ về những trường hợp như là tình yêu, hôn nhân và gia đình… Quý thầy, quý sư cô dựa vào đâu để chia sẻ, nó có lý thuyết không khi mà mình chưa có kinh nghiệm thực tế?
Thầy Pháp Hội:
Có một thực tế là khi mình đang ở trong vòng của đau khổ, của tuyệt vọng thì mình lại không hề thấy được lối ra. Nó giống như một người sống trong ngày mùa đông thì chỉ thấy bầu trời xám xịt mà không thấy được ánh mặt trời. Phải là một người vượt lên trên được những đám mây u ám kia mới thấy được mặt trời vẫn đang chiếu rạng cùng lúc đó. Trong môi trường bị ràng buộc bởi hôn nhân, gia đình và xã hội – những hệ lụy của một đời sống bình thường thì sẽ khó thấy được cách giải quyết vấn đề tươi sáng hơn. Có một sự thật là rất nhiều cặp vợ chồng không truyền thông được với nhau nhưng lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của mình với một người tu. Nếu nói về mặt nào đó thì kinh nghiệm của đời sống hôn nhân họ phải rành hơn người xuất gia chứ! Thế nhưng họ lại không tìm được hạnh phúc đích thực ở trong đó mà họ phải nhờ đến người tu để chỉ lối ra cho họ. Đơn giản là vì người tu không bị vướng vào những hệ lụy của đời sống đó và không bị ràng buộc bởi danh lợi, vật chất, bởi những dục vọng cá nhân nên cách giải quyết và cách hành xử cũng vì thế mà có tuệ giác nhiều hơn. Người ta cần đến người tu là cần điều đó! Thế nhưng trên thực tế người xuất gia lại nắm vững cách thức để sống hạnh phúc với nhau, vì hạnh phúc đích thực giống như chúng ta vừa nói tới lại do cách sống của chúng ta chứ không phải là giá trị tầm thường mà người ta theo đuổi. Con người tạo dựng được hạnh phúc của mình là nhờ lối sống trong lành của họ. Nếu như trong gia đình, họ học được cách sống của người tu, biết truyền thông với nhau, biết tôn trọng, thương yêu và hiểu biết nhau thì tự khắc họ sẽ có hạnh phúc. Và điều đó, dù là người xuất gia cũng phải học. Người tại gia sống với người bạn hôn phối của mình cũng phải học thì mới tạo dựng được hạnh phúc. Cái chính là mình có được kinh nghiệm của một đời sống giải thoát.