Phỏng vấn thầy Pháp Hộ

Phỏng vấn thầy Chân Pháp Hộ

Thầy Chân Pháp Hộ sinh ra và lớn lên tại Stockholm, Thụy Điển. Năm 29 tuổi thầy rời Thụy Điển đi Ấn Độ. Chuyến du lịch và tìm một con đường tâm linh ấy đã tạo duyên cho thầy đến Làng Mai, nơi thầy xuất gia vào năm 2003. Mùa đông năm nay (2015), thầy về an cư ở Làng Mai, sau 10 năm sống và thực tập tại Lộc Uyển. Từ năm 2010 đến nay, thầy là trụ trì xử lý thường vụ tại tu viện Lộc Uyển.

 

BBT: Năm 2009, Sư Ông chia sẻ với đại chúng về một bức thư thầy viết cho Sư Ông, trong đó thầy đã nói rằng không phải là thầy đang đi trên con thuyền Tăng thân mà thầy chính là con thuyền ấy, và vì vậy, cho dù con thuyền có bị chìm thì thầy cũng sẽ không nghĩ đến chuyện nhảy ra khỏi nó. Thường thường chúng ta hay viết thư cho Sư Ông sau khi vượt qua một khó khăn. Câu chuyện đằng sau tuệ giác đó là gì, thưa thầy?

Thầy Pháp Hộ: Đầu tiên thì có lẽ đó là một cái thấy, một tuệ giác. Nhưng Sư Ông luôn dạy rằng những tuệ giác như vậy cần được duy trì không ngừng như một định lực, hay nói cách khác là chúng ta phải sống với tuệ giác mà chúng ta có được. Điều này rất khó, nhưng nếu làm được như vậy thì đời sống của chúng ta sẽ luôn thấm nhuần và tỏa chiếu tuệ giác ấy.

Kể từ khi bước vào tăng thân, con nghĩ là mình có một chí nguyện khá rõ ràng. Tận đáy lòng, con biết là con muốn sống ở đây, con cần phải ở đây. Nhưng điều đó vẫn không ngăn được sự hoang mang và nghi ngờ đi lên khi con gặp khó khăn. Trước đây, khi có một huynh đệ rời chúng, con hay tự hỏi không biết nếu con rời chúng thì sẽ như thế nào. Rồi đến một lúc, con nhận ra là mình cần phải nuôi dưỡng và làm lớn mạnh cam kết của mình đối với tăng thân. Điều đó có nghĩa là con cần phải nuôi lớn tình thương đối với tăng thân, với huynh đệ của mình, một sự “vướng mắc” lành mạnh, để khi sự nghi ngờ phát khởi, hay lúc có khó khăn, con sẽ không dễ dàng rời bỏ tăng thân, vì con đã thương huynh đệ rất nhiều. Chính tình thương đối với tăng thân và huynh đệ là cái có thể bảo hộ và duy trì cuộc đời xuất gia của con. Đó là một thực tập cụ thể mà con cố gắng hành trì.

Thực tập cụ thể thứ hai là con viết thư bày tỏ với Sư Ông, rằng nếu con có tâm nghi ngờ và muốn rời bỏ tăng thân thì con không bỏ chạy ngay, ngược lại, con quyết tâm sẽ ở lại một năm trong chúng để chia sẻ với quý thầy, để nhìn sâu hơn vào những khó khăn và để biết chắc chắn rằng đó là điều mình muốn làm. Những thực tập và trải nghiệm ấy đã đưa đến tuệ giác về tăng thân mà con đã chia sẻ với Sư Ông.

BBT: Thầy có nghĩ rằng trách nhiệm trụ trì tu viện Lộc Uyển đã giúp thầy có cái thấy sâu sắc rằng mỗi chúng ta là một yếu tố làm nên con thuyền tăng thân? Xin thầy chia sẻ đôi điều về cái thấy ấy.

Thầy Pháp Hộ: Trong chuyến hoằng pháp châu Á năm 2010, tại Malaysia, thầy Pháp Dung hỏi con có hoan hỷ làm trụ trì xử lý thường vụ trong thời gian thầy về Làng ba tháng hay không. Con nói: “Dạ được, con sẽ thử”. Con hỏi thầy Pháp Dung có lời chỉ dẫn nào cho con không. Thầy bảo con chỉ cần làm một tờ giấy trắng là được. Thầy Pháp Dung khá hiểu con nên thầy biết điều gì con cần thực tập khi làm công việc này. Con có dịp làm việc gần thầy Pháp Dung một vài năm, vì vậy mà con có cơ hội quan sát và học hỏi rất nhiều ở cách thầy chăm lo cho tăng thân, tuy con và thầy có tính cách rất khác nhau.

Trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm 2010, Sư Ông đã chính thức bổ nhiệm con làm trụ trì xử lý thường vụ của tu viện Lộc Uyển. Cho đến nay con vẫn tiếp tục vai trò ấy. Thực tâm con nhận trách nhiệm đó trước hết là vì con thấy nó là một sự huấn luyện để mình có thể phụng sự và yểm trợ cho tăng thân. Trong tác phẩm Sống chung an lạc, Sư Ông dạy rằng, vai trò của một vị trụ trì là lúc nào cũng có mặt cho mọi người, tìm cách phát hiện tài năng cũng như những cái đẹp của mỗi cá nhân trong tăng thân, và giúp nuôi dưỡng những cái đẹp ấy. Trách nhiệm ấy có vẻ hơi khó nhưng con cũng có cảm hứng để làm thử.

Con thấy giữ thái độ cởi mở để đến chơi và làm việc được với tất cả huynh đệ, tránh trường hợp chỉ hợp ý với một vài người trong chúng, là một thực tập rất quan trọng. Con thường tìm đến với nhiều huynh đệ khác nhau để nhờ giúp đỡ về mặt này hay mặt khác. Không phải tất cả mọi người trong đại chúng đều có cùng một mong đợi hay kỳ vọng nơi vị trụ trì, vì vậy mà sự thực tập và phụng sự của con càng trở nên năng động.

Cương vị này giúp con ý thức hơn về tập khí cầu toàn trong công việc, đồng thời tập cho con phải dành đủ thì giờ để lắng nghe và trò chuyện với huynh đệ, cũng như đủ thì giờ để nhìn sâu vào những gì đang xảy ra. Có rất nhiều điều mà con cần phải học hỏi. Nhưng mọi sự thực tập đều quay về điểm mấu chốt là an trú trong hiện tại.

Một số thiền sinh tò mò hỏi con có phải là trụ trì hay không. Khi được hỏi, con hay nói rằng con chỉ là người làm công việc yểm trợ tăng thân, tạo điều kiện và khích lệ khả năng của mọi người trong chúng, ngoài ra con cũng phối hợp với ban chăm sóc và tri sự để công việc trong chúng được trôi chảy. Tăng thân nắm quyền quyết định những việc quan trọng trong chúng, không phải vị trụ trì.

Sau ba năm làm trụ trì, con được một thầy soi sáng: “Trong hai năm đầu tiên, thầy Pháp Hộ rất căng thẳng, nhưng giờ thì thầy làm khá lắm”. Đó chính là nhờ tình thương và sự dìu dắt của đại chúng. Qua đó, con thấy chúng ta cần lắng nghe những phản hồi từ đại chúng, chiêm nghiệm và cố gắng chỉnh sửa những gì chưa hay một cách khéo léo. Tăng thân sẽ biết, sẽ thấy sự tiếp nhận ấy của chúng ta.

Về Làng an cư trong mùa đông năm nay là một dịp để con dừng lại và nhìn sâu vào một số vấn đề, thí dụ như làm thế nào để con có thể sống hòa điệu hơn, khéo léo hơn trong đại chúng. Sư cô Diệu Nghiêm chia sẻ rằng, sư cô thấy có ít nhất ba lĩnh vực cần được chăm sóc trong tăng thân: thứ nhất là xác định hướng đi của tăng thân; thứ hai là tổ chức-hành chánh; và thứ ba là ôm ấp và gắn kết mọi người trong đại chúng bằng tình yêu thương. Vị trụ trì có thể là người yểm trợ tăng thân trong các lĩnh vực kể trên, nhưng không nhất thiết luôn phải là người làm những công việc đó. Con xem đây như là một kinh nghiệm để con quán chiếu và nhìn sâu hơn về cách con thực tập và phụng sự tăng thân. Duy trì ý thức không có gì tồn tại vĩnh viễn cũng giúp con rất nhiều.

Con thấy khi Sư Ông hoặc tăng thân đề nghị ai đó nhận một trách nhiệm trong chúng, chúng ta thường nhận lời một cách miễn cưỡng, và như vậy thì chúng ta không cho phép mình cống hiến một cách hết lòng. Chúng ta hay nói: “Con không đủ khả năng, con chưa đủ lớn… con chưa được thế này… con chưa được như thế kia…” Đó là lý do tại sao khi thầy Pháp Dung hỏi con có nhận làm xử lý thường vụ không, con đã nhận lời. Con nguyện đảm đương trách nhiệm ấy một cách hết lòng trong khả năng của mình và con cũng cho phép mình phạm những sai lầm, vụng về khi làm công việc này. Con không có mặc cảm tự tôn hay tự ti gì hết. Con xem đó là một phương tiện giúp con trưởng thành trong sự tu tập.

BBT: Tăng thân đang phát triển, đại chúng càng ngày càng lớn. Quý thầy và quý sư cô lớn phải gánh vác nhiều trọng trách. Có rất nhiều tài năng trong tăng thân nhưng để tìm người thích hợp có thể giúp những vị lớn là một điều không dễ. Thầy nghĩ sao về vấn đề này? Các sư em có thể giúp như thế nào?

Thầy Pháp Hộ: Con nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào cách sống của mình, nhất là vào sự thực tập để thấy mình đang đầu tư năng lượng vào đâu. Trong một bài pháp thoại, Sư Ông có dạy rằng, công việc của chúng ta không phải là lau chùi nhà vệ sinh hoặc làm công việc giấy tờ… Công việc của chúng ta là nhìn sâu vào cái mà chúng ta đang làm. Dĩ nhiên tùy thuộc vào kinh nghiệm và tính cách riêng mà mỗi người có khả năng làm những công việc khác nhau. Người này biết làm vườn, người kia có khả năng nấu những món ăn vừa ngon vừa lành cho đại chúng, người nọ tự nguyện đảm trách công việc hành chánh văn phòng. Mỗi người mỗi việc, việc nào cũng cần thiết và quan trọng như nhau. Không cần mặc cảm.

Một yếu tố quan trọng nữa là tất cả chúng ta cần hết lòng cống hiến thời gian, sức lực và tài năng của mình. Nếu chúng ta quá khép mình thì cuộc sống sẽ kém phần thú vị và mất đi nhiều ý nghĩa. Chúng ta cần thoát ra khỏi những chướng ngại nội tại đang giam cầm và cô lập chúng ta. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện để tất cả mọi người trong tăng thân được phát triển khả năng và tiềm năng của mình, giúp cho những tiềm năng ấy được thăng hoa trong đời sống tăng thân.

Phần lớn chúng ta đều không sống trong tu viện trên chính đất nước mà mình sinh ra và không nói tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó trở thành một vấn đề lớn của tăng thân. Có được một chút hiểu biết về văn hóa, nói được tiếng nói của người bản xứ, dù là căn bản, sẽ làm chúng ta thấy thoải mái khi tiếp xúc với thiền sinh, thấy gắn bó hơn với phong tục tập quán và đất nước ấy. Đây là một sự rèn luyện. Dần dần chúng ta sẽ có thể ra ngoài mua sắm cho đại chúng, hoặc có thể tiếp xúc với những người cung cấp các dịch vụ cần thiết cho tu viện.

Một điều rất quan trọng là các sư anh, sư chị cần thực tập để không can thiệp vào việc mà các sư em đang làm, không nên quá “nhiệt tình” giúp đỡ (cái này con chưa giỏi lắm). Dĩ nhiên là khi mình tự làm thì công việc sẽ chạy hơn nhiều, nhưng về lâu về dài, để cho các huynh đệ khác tập làm thì mới có sự tiếp nối và trao truyền được. Vì vậy, chúng ta phải có niềm tin. Niềm tin này sẽ lớn lên khi chúng ta nuôi dưỡng lòng biết ơn và trân quý các huynh đệ của mình. Chúng ta chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và có niềm tin rằng chắc chắn các huynh đệ sẽ làm được, rồi chúng ta buông công việc đó ra.

Đối với con, việc chăm sóc các em tập sự xuất gia hoặc các sư em chính là một sự đầu tư, là thêm một bước nữa trong việc con thực hiện cam kết gắn bó với tăng thân. Sự đầu tư vào thế hệ trẻ rất thiết yếu trong việc xây dựng một tăng thân xuất gia vững mạnh.

Rất nhiều lần Sư Ông dùng hình ảnh của một bàn tay để nói về tăng thân. Bàn tay sẽ không làm được gì nếu tất cả các ngón đều là ngón cái hoặc là ngón út. Chúng ta cần có nhau. Nuôi dưỡng ý thức này là một điều quan trọng. Không phải ai cũng cần nói tiếng Anh lưu loát, không phải ai cũng phải nấu ăn ngon hay biết chơi với trẻ con. Đối với một số người, học một ngoại ngữ là rất khó nhưng họ lại rất khéo tay, hoặc lại rất dễ đến với huynh đệ trong chúng. Chúng ta cần phải biết thế mạnh của từng người và giúp nhau thăng hoa để được là chính mình.

BBT: Mối quan tâm lớn của thầy về bảo hộ sinh môi đã giúp thầy khởi xướng những thực tập trong tăng thân để bảo hộ đất Mẹ. Xin thầy giải thích một cách chính xác với ngôn ngữ dễ hiểu nhất về vấn đề “Biến đổi khí hậu bất thường của trái đất” để mọi người có thể hiểu thêm và dễ hành trì.

Thầy Pháp Hộ: Cách đây ba năm, tự nhiên có một câu hỏi đi lên trong con là nếu nhìn lại đời tu của mình, có thể là sau hai mươi năm nữa, con đã sử dụng thời gian và năng lượng của mình như thế nào? Con có điều gì để ân hận hay hối tiếc không? Thật đáng ngạc nhiên là câu trả lời đã đến với con ngay lập tức và rất rõ ràng: con cần phải tìm ra phương thức để kết hợp một cách thiết thực sự thực tập của mình với vấn đề biến đổi khí hậu bất thường. Bởi vì nếu môi trường sinh thái không hoạt động bình thường và thiên nhiên không có sự quân bình thì sẽ không có gì tồn tại được. Khi đó con cũng đang tham gia khá nhiều hoạt động, nói chung là con thấy mình cũng đã có đủ việc để làm rồi. Nhưng trong quyển sách Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, Sư Ông có dạy rằng chúng ta không thể nói là chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ để cứu hộ sinh môi. Vì vậy điều đầu tiên con nghĩ đến là tạo một trang blog tên là “Earth Holding Blog”. Con đem đề nghị này trình lên Hội đồng giáo thọ của tu viện Lộc Uyển và tất cả mọi người đều đồng ý. Con thấy rất được yểm trợ. Sự yểm trợ ấy cũng là một cách hành động. Cho đến nay trang blog ấy vẫn còn đang hoạt động (earthholdinghereandnow.org). Con đang cố gắng mời thêm các vị xuất gia và các vị Tiếp Hiện khác tham gia.

Tăng thân Earth Holder

Khi bắt đầu đọc và tìm hiểu thêm về vấn đề biến đổi khí hậu, con thấy có quá nhiều thông tin và dữ liệu khoa học về vấn đề trái đất bị hâm nóng, nhưng đôi khi vấn đề này có vẻ khá trừu tượng với chúng ta. Một thực tế mà chúng ta có thể thấy rõ là nhiệt độ trái đất đang tăng dần. Con người chúng ta đã làm nồng độ khí nhà kính tăng lên (nhất là khí CO2), khiến cho các tia bức xạ mặt trời bị giữ lại trong khí quyển, dẫn đến tình trạng trái đất bị nóng lên. Hiện tại, nhiệt độ trên bề mặt trái đất đã tăng lên khoảng 0.70 C. Mức độ tập trung của CO2 trong khí quyển là 400 phần triệu, cao hơn rất nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số tương đối để bảo đảm an toàn cho sự sống trên trái đất là 350 phần triệu. Hiện tại, lượng khí thải nhà kính không hề giảm xuống, điều này có nghĩa là lượng khí CO2 sẽ lưu lại trong khí quyển trong nhiều thập niên. Các đại dương hấp thụ rất nhiều khí CO2, vì vậy cũng góp phần làm giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, song lượng khí CO2 trong nước biển làm gia tăng độ acid, gây ảnh hưởng có hại tới sinh vật biển.

Mực nước biển đang dâng lên cao vì các tảng băng ở Nam Cực, Bắc Cực và Greenland đang tan rã. Những tảng băng trên các dãy núi cao cũng đang tan. Không có lớp băng bảo vệ để phản xạ nhiệt, 90% nhiệt lượng của mặt trời có thể chiếu thẳng xuống mặt nước, do đó đẩy nhanh quá trình hâm nóng toàn cầu. Tình trạng tan băng cũng sẽ kéo theo sự suy giảm lượng mưa, hạn hán và nạn khan hiếm nước trầm trọng.

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở những vùng lãnh nguyên (tundra, nơi lạnh nhất của tất cả các quần xã sinh vật. Nó gắn liền với băng vĩnh cửu, nhiệt độ cực thấp, ít mưa, các chất dinh dưỡng kém và mùa sinh trưởng ngắn) ở Siberia bắt đầu tan, phóng thích lượng khí nhà kính tích trữ trong đất vào không khí. Rừng nhiệt đới là lá phổi của Địa cầu chúng ta, nơi vừa lưu trữ vừa hấp thụ bớt khí thải CO2. Khi cây rừng bị chặt phá, các loài thực vật sẽ trở nên thưa thớt và khô cằn, thậm chí chúng sẽ thải ra khí CO2 thay vì hấp thụ nó. Hiện nay, việc đốt rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp (chẳng hạn như để làm các đồn điền sản xuất dầu cọ tại Indonesia) đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Đây cũng là một nguy cơ khác đang đe dọa chúng ta.

Ngoài ra, còn có những lĩnh vực mà chúng ta đã góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào việc làm tăng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính: khí thải từ các thiết bị như máy lạnh, máy sưởi, khí thải từ xe cộ, từ quá trình sản xuất thức ăn công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chăn nuôi là ngành đứng đầu trong việc phát thải khí nhà kính. Vì vậy, chúng ta có thể đóng góp vào việc cứu hộ sinh môi bằng cách nhìn lại hướng tiêu thụ của mình, đặc biệt là việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật.

Khi sử dụng các thực phẩm như thịt, sữa… chúng ta nên tự hỏi mình có đang góp phần tạo nên khổ đau cho các loài động vật hay không. Qua những hình ảnh quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta lầm tưởng rằng những quả trứng gà hay những miếng thịt bò có vẻ như đến từ những con bò, con gà hạnh phúc. Chúng ta đã bị đánh lừa. Chúng ta không biết rằng những con bò con vừa lọt lòng đã bị tách ra khỏi mẹ ngay lập tức và sẽ được nuôi riêng rẽ để giết thịt. Những con bò mẹ thường xuyên bị thụ tinh nhân tạo để cho sữa liên tục. Thông thường các con bò sữa bị nhốt trong chuồng suốt cả ngày và chỉ đứng yên một chỗ, không được đi lại tự do. Đó là một sự khai thác tồi tệ nhất mà chúng ta có thể hình dung. Cuộc đời một con bò sữa nuôi bằng cách đó chỉ dài bằng một phần ba cuộc đời của một con bò được nuôi trong môi trường tự nhiên.

Trồng ngũ cốc và rau để phục vụ ngành chăn nuôi cũng là một sự lãng phí tài nguyên. Thay vì trồng trọt để nuôi những đồng loại đang đói khổ, chúng ta dùng nông phẩm để chăn nuôi thú vật rồi giết chúng để ăn thịt. Thử lấy một thí dụ về phương thức sản xuất thực phẩm hiện đại để thấy sự khác biệt quá lớn với cách sản xuất tại địa phương. Ở Hoa Kỳ, ngũ cốc chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, gia súc chỉ được nuôi tập trung ở một số khu chăn nuôi lớn, sau đó được vận chuyển tới một số lò mổ nhất định. Vì vậy, ngũ cốc, gia súc và thịt được vận chuyển từ nơi này sang nơi khác tạo ra vấn đề “đường đi của thực phẩm” hay “dặm thực phẩm” (food miles), tức là quãng đường vận chuyển lương thực, thực phẩm. Quãng đường vận chuyển càng lớn thì càng tốn nhiều năng lượng, đồng nghĩa với lượng khí thải CO2 càng tăng.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhắc đến nạn bất công về khí hậu. Cách sống và tiêu thụ của các nước phát triển có liên hệ vô cùng mật thiết đến sự ô nhiễm môi trường và sự khủng hoảng về khí hậu mà chúng ta hiện đang phải đối diện. Trong khi đó, những nước nghèo nhất, cũng là những nước có phương tiện eo hẹp nhất để đối phó với sự thay đổi khí hậu bất thường lại là những nước gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Có thể xem đây là một sự bất công.

Những cơn bão lớn, thậm chí khi chúng xảy ra ở những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, bao giờ cũng gây ra những thiệt hại to lớn về con người và về kinh tế. Ở những nước ấy, dù sự trợ cấp cho dân chúng khi có thiên tai rất chu đáo, sự khổ đau của họ vẫn vô cùng ghê gớm. Khi Philippines bị bão, Syria bị hạn, Bangladesh bị lụt lội… chúng ta sẽ thấy mức độ khổ đau của con người càng trầm trọng bởi vì đó là những nước kém phát triển. Số lượng người tị nạn khí hậu càng ngày càng tăng.

Biết bao loài đã bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng bị ảnh hưởng trầm trọng. Vòng tuần hoàn của mưa và hạn hán cũng thay đổi. Và hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đã bắt đầu diễn ra. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện và ý thức rằng những hoạt động của con người trên trái đất, bao gồm sự khai thác và sử dụng các nhiên liệu hóa thạch (dầu lửa, khí đốt và than đá) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nói trên. Đó là các loại nhiên liệu không thể tái tạo được. Chúng ta có thể thấy các quốc gia, các tập đoàn lớn đang tranh giành tài nguyên ở khắp nơi trên thế giới. Và chúng ta cũng thấy nhân lực, cầm thú và khoáng sản đã và đang bị khai thác một cách không thương tiếc để đáp ứng sự tham lam của con người.

Đó là những lý do vì sao con cảm thấy, như một tăng thân, chúng ta phải kiên quyết dừng lại để không góp phần vào vấn nạn này. Chúng ta phải học cách thức thay đổi cách sống. Sư Ông đã cho một bài pháp thoại rất mạnh ở Lộc Uyển về việc tăng thân nên thực tập tiêu thụ ít lại và sử dụng nhiều hơn các loại nhiên liệu có thể tái tạo. Đây không phải là những phát kiến mới bởi vì Sư Ông đã khởi xướng con đường này nhiều thập niên về trước. Năm 1971, Sư Ông và sư cô Chân Không đã giúp tổ chức một hội nghị về môi trường ở Menton có chủ đề chính là vấn đề bùng nổ dân số. Cuối cùng có khoảng 2000 nhà khoa học đã ký tên vào hiệp ước Menton. Năm 2008, nhờ sự góp sức của quý thầy, Lộc Uyển đã sử dụng năng lượng mặt trời cho toàn tu viện.

Tấm thu năng lượng mặt trời tại tu viện Lộc Uyển

Nếu chúng ta là con của Bụt, là đệ tử của Sư Ông, chúng ta cần nhìn thấu sự khổ đau của thời đại để có thể tìm ra phương thức tu tập nhằm giảm thiểu sự đóng góp của mình vào khổ đau đó, đồng thời giúp người khác ý thức rõ hơn về vấn nạn này. Con thấy đây là trách nhiệm tối thiểu của chúng ta. Nếu không bị đánh động bởi những hành động dấn thân của Sư Ông trong các vấn đề về môi trường cũng như các vấn đề xã hội mà thế giới đang phải đối diện thì con đã không trở thành một vị xuất sĩ trong truyền thống Làng Mai.

Mùa xuân năm nay, tại Lộc Uyển sẽ có khóa tu Earth Holding lần thứ hai, diễn ra từ 28.04 – 01.05.2016. Để tìm hiểu thêm về khóa tu này, các bạn có thể xem thông tin trên trang mạng earthholder.orgblog earthholdinghereandnow.org.

BBT: Xin cảm ơn thầy.