Phỏng vấn sư cô Tạng Nghiêm


Sư cô Tạng Nghiêm là một sư cô trẻ, năm nay sư cô 20 tuổi, sư cô là con một, bố của sư cô mất năm sư cô chín tuổi. Mẹ sư cô kinh doanh khách sạn của gia đình, bà ở vậy nuôi con. Sư cô mới xuất gia được một năm tại tu viện Bát Nhã, và hiện giờ sư cô đang tu tập tại Làng Mai.

tang_nghiem.jpg1. PV: Chào sư em, sư em biết tới pháp môn của Sư Ông lâu chưa mà lại đi xuất gia?

Sư cô Tạng Nghiêm: Đó là vào mùa xuân năm 2005, sư em được gặp Sư Ông và Tăng đoàn tại Huế. Từ đó, sư em bắt đầu đọc sách và nghe pháp thoại của Sư Ông. Em mơ ước được sang Làng và ngày nào cũng cầu nguyện được tới đó. Thế là mùa hè năm 2006, sư em đi cùng mẹ về Làng tham dự khoá tu một tuần.

2. PV: Ấn tượng của sư em về lần đầu về Làng như thế nào?

Sư cô Tạng Nghiêm: Khi vừa bước chân tới Làng sư em cảm nhận được ngay một nguồn năng lượng rất bình an, thanh tịnh. Các sư cô ở đây rất dễ thương với thiền sinh và luôn kính trọng lẫn nhau. Ai cũng rất hiền, rất tươi, lúc nào cũng có nụ cười thường trực trên môi. Em rất thích ngắm nhìn các sư cô, nhìn các sư cô an lạc quá. Các sư cô thật gần gũi, thường xuyên tới chuyện trò và giúp đỡ các thiền sinh. Sư em hay tới chơi với các sư cô và các sư cô cứ hỏi sư em: “Bé có muốn đi tu không?”

3. PV: Sư em trả lời sao?

Sư cô Tạng Nghiêm: Sư em nói rằng, dạ không, con không muốn xuất gia. Sư em thương các sư cô lắm, sư em thần tượng các sư cô, nhưng lúc ấy sư em không hề muốn làm sư cô.

4. PV: Tại sao vậy?

Sư cô Tạng Nghiêm: Tại sư em không muốn xa mẹ và vì sư em còn nhiều dự định muốn làm.

5. PV: Sư em còn những dự định gì?

Sư cô Tạng Nghiêm: Sư em muốn tiếp tục theo học trường đại học Rmit tại Sài Gòn, muốn đi du lịch khắp nơi, và còn thích nhiều đồ đẹp nữa…

6. PV: Vậy vì lý do gì mà sau đó sư em thay đổi ý định?

Sư cô Tạng Nghiêm: Sư em chỉ được ở Làng có một tuần thôi, ngày phải trở về Việt Nam sư em buồn lắm. Sau đó, khi về Việt Nam sư em được tới tu viện Bát Nhã. Sư em tính đến đây chơi thôi, nhưng các sư cô và các chị tập sự tại tu viện Bát Nhã quá dễ thương, sư em chưa thấy một nơi nào mà tình người lại sâu sắc như ở đây, cuộc sống tại tu viện hết sức thanh bình, tâm hồn ai cũng đẹp. Đúng là một môi trường mà trong đó gồm có những con người thánh thiện nhất tới sống chung với nhau. Ở đây được một tháng thì sư em bị khuất phục hoàn toàn, sư em không thể không xuất gia. Khi đã được nếm trải niềm hạnh phúc trong đời sống tu viện, sư em không còn muốn trở lại cuộc đời trần tục, nhiều lo toan, bon chen ngoài kia nữa.

7. PV: Sư em rất đẹp và rất dễ thương, ở ngoài đời chắc sư em có nhiều người theo lắm nhỉ? Sư em đã thương ai bao giờ chưa?

Sư cô Tạng Nghiêm: Cũng có vài người thương sư em, nhưng sư em chưa thương ai hết. Hàng năm, vào ngày 14.02 em cũng nhận được nhiều thư. Lúc ấy sư em thích đọc thư tình lắm, sư em cũng thích viết thư tình, nhưng sư em chẳng biết viết cho ai. Sư em đọc đi đọc lại những bức thư đó để chọn ra một bức nhưng không chọn được ai hết thế là sư em nghĩ ra một người, sư em liền viết ngay cho người ấy.

8. PV: (giả vờ hồi hộp) Ai mà có diễm phúc thế hả em?

Sư cô Tạng Nghiêm: (cười) Hì… hì… đó là mẹ của sư  em. Và từ đó, cứ mỗi lần tới ngày 14.02 là sư em lại gửi cho mẹ một bức thư tình

9. PV: Sư em có thể kể về mẹ được không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Mẹ sư em rất đẹp và hiền. Khi bố sư em qua đời mẹ cứ ở vậy nuôi sư em và chăm sóc bà ngoại với ông bà nội. Hai nội rất thương mẹ, coi mẹ như con gái vậy, bà nội cứ giục mẹ đi lấy chồng, bà còn giới thiệu cho mẹ hết người này tới người khác, toàn những người thành đạt trong xã hội nhưng mẹ chỉ cười. Mẹ bảo, khi nào mẹ lo cho bà ngoại và ông bà nội xong thì mẹ cũng đi tu với Tạng Nghiêm.

10. PV: Sư em có thể kể cho bạn đọc nghe một vài kỷ niệm của sư em với mẹ được không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Kỷ niệm thì nhiều lắm sư chị ơi. Lúc ở nhà, mẹ là người bạn của sư em. Trước khi đi ngủ hai mẹ con hay oẳn tù tì với nhau, ai thua thì người ấy phải đi mắc màn. Trước đó thì mẹ toàn mắc màn cho sư em ngủ, nhưng sau sư em không chịu, sư em đòi chơi oẳn tù tì. Một lần, dịp đó sư em được đọc cuốn Bông hồng cài áo của Sư Ông. Tối hôm ấy, sư em bỗng sực nhớ ra và sư em liền chạy đến bên mẹ. Sư em mỉm cười nhìn sâu vào mắt mẹ và hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ có biết không?” Mẹ nhìn sư em và hỏi lại: “Biết gì?” Hì… hì… như là đang đóng kịch ấy, sư em nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Mẹ hạnh phúc quá ôm sư em vào lòng, một lúc sau mẹ nói: “À, phải rồi bây giờ mẹ phải đi lên nói với bà ngoại đây”. Thế là lúc ấy, dù đã hơn mười giờ đêm rồi mà mẹ vẫn lái xe đi lên nhà ngoại để nói câu đó.

11. PV: Cảm động quá! Mẹ chỉ có một mình sư em, sư em đi tu rồi chắc mẹ buồn lắm nhỉ?

Sư cô Tạng Nghiêm: Tuy mẹ biết đạo và ủng hộ sư em xuất gia nhưng mẹ buồn lắm. Ngoại và ông bà nội sư em còn buồn hơn nữa. Ông bà nội suốt ngày khóc và bắt mẹ phải đi đón sư em về. Có lần nội nhớ sư em quá nội khóc, mẹ cứ phải lên dỗ nội, sau đó mẹ về nhà và khóc một mình. Nội nằng nặc đòi mẹ phải đi đón sư em về cho nội. Mẹ không chịu, thế là nội bắt mẹ phải dẫn hai nội lên tu viện Bát Nhã đưa sư em về.

12. PV: Rồi hai nội có lên không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Dạ có, nhưng khi tới tu viện thấy sư em vui tươi, hạnh phúc quá lại thấy các sư cô ai cũng đẹp, ai cũng dễ thương nên nội rất thương các sư cô và chấp nhận cho sư em xuất gia. Nội nói, mấy ngày ở Bát Nhã nội rất yên tâm và mừng cho sư em khi được sống trong môi trường này.

13. PV: Sư em đi tu mọi người khóc dòng như vậy, thế lúc sư em sang Làng Mai mọi người có khóc nhiều như thế không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Mọi người còn khóc nhiều hơn ấy chị ạ, vì ở tu viện Bát Nhã mọi người còn tới thăm em thường xuyên, chứ ở tận bên Pháp làm sao thăm em dễ dàng được

14. PV: Lúc sắp lên máy bay, sư em có khóc không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Dạ không, ai cũng khóc nhưng sư em chẳng khóc chút nào hết, sư em còn cười tươi là khác, sư em hát cho mọi người nghe hết bài này tới bài nọ. Nhưng… nhưng khi vừa vào nhà cách ly… là sư em… khóc bù lu bù loa ở trong đó.   

15. PV: Tội nghiệp quá. Sư em à, sư chị nghe nói hôm 01.06 mẹ có gửi quà cho sư em từ Việt Nam qua phải không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Hàng năm cứ tới ngày 01.06 là mẹ lại tặng quà cho sư em. Năm nay sư em nghĩ rằng ở xa chắc mẹ không gửi đâu, nhưng đúng ngày 01.06 sư em nhận được quà của mẹ chuyển fax nhanh từ Việt Nam, sư em mừng quá chạy đi khoe hết tất cả các sư chị.

16. PV: Mẹ gửi gì vậy?

Sư cô Tạng Nghiêm: Mẹ gửi cho sư em một… con búp bê màu hồng… hát nhạc rốc (PV bưng miệng cười) và một bức thư, cảm động lắm.

17. PV: Mẹ nói gì hả sư em?

Sư cô Tạng Nghiêm: Mẹ bảo: “Con yêu của mẹ, bao nhiêu ngày nay mẹ đã đi hết cả thành phố, nhưng tất cả các shopping đều đã đóng chặt cửa vì con gái của mẹ đã mặc chiếc áo màu nâu.

18. PV: Chà, cảm động thật, mẹ nói như thi sĩ ấy. Rồi sư em xử lý thế nào với con búp bê, vì theo thanh quy của tu viện các sư cô không được chơi búp bê?

Sư cô Tạng Nghiêm: Ngay tối hôm ấy sư em làm… lễ xuất gia cho nó.

19. PV: Hả?

Sư cô Tạng Nghiêm: Tối hôm đấy, sư em với sư chị Liên Thanh làm lễ xuất gia cho nó. Chúng em đọc bài kệ: “Cạo sạch mái tóc. Nguyện cho mọi người. Dứt hết phiền não. Độ thoát cho đời.” rồi cạo tóc. Lúc cắt đi mớ vàng óng sư em cũng thấy hơi thương thương, nhưng khi chít chiếc khăn màu nâu lên thì nhìn búp bê hiền như một sư cô vậy. Sư chị Liên Thanh có một miếng vải nâu, thế là chúng em tháo chiếc váy màu hồng ra và may cho nó một chiếc áo nâu. Ôi, khi mặc áo nâu và chít khăn lên nhìn búp bê xinh đẹp, hiền dịu vô cùng.

20. PV: Thật tuyệt vời, thế đệ tử đầu lòng của sư em tên là gì?

Sư cô Tạng Nghiêm: Em không biết đặt tên là gì hết, hôm sau em hỏi các sư chị, thì sư chị Nhẫn Nghiêm nói, con gái Sư Ông thì ai cũng tên là Chân… Nghiêm, ví dụ như em là Chân Tạng Nghiêm, sư chị là Chân…

21. PV: Ấy, đừng có ví dụ sư chị, ví dụ người khác đi.

Sư cô Tạng Nghiêm: À, ví dụ sư chị Nhẫn Nghiêm là Chân Nhẫn Nghiêm, nên chị ấy đặt tên cho đệ tử của sư em là Cẳng Bê Nghiêm.

22. PV: Tên hay quá, hí… hí… Sư em có thể cho độc giả diện kiến đệ tử đầu lòng của sư em được không?

Sư cô Tạng Nghiêm: Sư chị cứ chọc sư em hoài, mọi người chả nhìn thấy từ nãy rồi còn gì?

23. PV: Ô, thì ra sư cháu của sư chị đây hả?

Kính thưa độc giả! Đây là sư bê Cẳng Bê Nghiêm. Sư bê thuộc thế hệ thứ 44 của dòng tu Lâm Tế, thứ 10 của phái Liễu Quán, là đệ tử đầu tiên của sadini Thích Nữ Chân Tạng Nghiêm.

Cảm ơn sư em đã trò chuyện với mọi người. Sư em trong sáng và thánh thiện lắm. Các sư anh, sư chị ai cũng thương sư em hết. Mỗi lần sư em tới chơi với ai là người đó đều được nuôi dưỡng bởi sư em. Thương chúc sư em tu tập tinh tấn, làm niềm hứng khởi cho các bạn trẻ biết tới con đường tâm linh ngày càng nhiều hơn.