Phỏng vấn Sc Học Nghiêm

 

Sư cô Học Nghiêm xuất gia vào năm 2000. Sư cô sống rất hòa thuận, vui vẻ cùng đại chúng. Khi nghe đến tên Sư cô Học Nghiêm, mọi người thường liên tưởng đến sự tươi mát và những bước chân nhẹ nhàng, thảnh thơi của Sư cô. Một điểm rất đẹp về Sư cô mà chúng con nhận thấy là Sư cô biết nuôi dưỡng hạnh phúc của mình qua sự thực tập trong đời sống hàng ngày. Kính mời Quý vị theo dõi những câu hỏi và những câu trả lời thật dễ thương để biết thêm về Sư cô .

1. Xin Sư Cô cho chúng con biết Sư Cô gặp được Sư Ông lần đầu tiên là vào lúc nào?

Chị gặp Sư Ông lúc chị tham dự khóa tu GĐPT tại Tu Viện Thanh Sơn năm 1999. Nhưng thật sự, chị được đánh động rất lớn khi chị xem một cuốn băng video phỏng vấn Sư Ông. Chị nhớ lúc đó điều đã đánh động chị không phải là những câu trả lời của Sư Ông mà chính là sự giản dị. Xem trên băng chị thấy rất thích sự đơn giản trên bàn thờ Bụt: chỉ một cặp nến, một bình hoa rất thiền vị, một dĩa trái cây. Hơn nữa, hình ảnh Thầy ngồi thật vững chãi, thật an nhiên, tay cầm một tách trà trông rất là hiền. Chính hình ảnh đó đã làm cho chị nhớ mãi.  

2. Thưa Sư cô, có người thắc mắc không hiểu vì sao lúc còn ở Việt Nam gia đình nghèo khó mà sao Sư Cô không muốn đi tu, đến khi qua Mỹ đời sống đầy đủ tiện nghi thì Sư Cô lại phát tâm xuất gia?

Chị sẽ kể cho mấy em nghe nhân duyên đi tu của chị. Từ nhỏ chị được cùng bà nội và mẹ dẫn cho đi chùa vào các ngày lễ lớn. Qua Mỹ, chị cũng như những người trẻ khác, đi học, đi làm và đi chơi. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng chị cũng đến chùa và chị đã gặp được những người bạn tinh thần. Sau 2-3 năm ở Mỹ, chị cảm thấy cần có một đời sống tâm linh. Tiếp xúc với giáo pháp chị thấy thật đẹp, chị tìm cách thỉnh băng và sách để đọc và thấy mình được nuôi dưỡng rất nhiều trong đời sống tâm linh. Một hôm chị được gặp hai người bạn vốn là học trò của Sư Ông Làng Mai đã là cầu nối để chị được tiếp xúc với băng, sách, với pháp môn thực tập của Làng.

Một buổi đó, chị đang đi trong sân trường, nhìn những người khác đang hấp tấp vào lớp, tự nhiên chị có suy nghĩ: biết bao người trẻ cứ muốn học để trở thành bác sĩ, kỹ sư,… trong khi đó mấy ai muốn làm tu sĩ? Tại sao mình thích đời sống tâm linh mà mình lại không chọn con đường xuất gia? Và ý nghĩ đó cứ theo chị vào những lớp học. Đến ngày nọ, sau khi dự một ngày quán niệm do Thầy Pháp Ân tổ chức và tối về chị liền quyết định đi theo con đường này. Chị nghĩ, đi tu được cũng là nhờ phước đức của ông bà tổ tiên. Vấn đề là khi hội đủ duyên thì mình đi thôi, chứ không phải là nghèo hay giàu về vật chất.

3.  Sư cô có gặp khó khăn gì không khi xin phép gia đình đi xuất gia?

Chị nhớ lúc đó ba mẹ chị đang ngồi trong phòng khách. Chị xin phép và mẹ chị nói ngay: “Không được!” Ba chị thì không nói là cho hay không mà chỉ hỏi chị: “Con muốn đi xuất gia làm gì?” Chị thưa là không phải vì chị đau khổ gì trong gia đình mà bỏ đi tu, chỉ là do chị thích sự thực tập, thích đời sống tâm linh. Là một cư sĩ, chỉ thực tập 5 giới thôi mà chị đã thấy được lợi lạc rất nhiều rồi. Phật Pháp còn có mặt đến ngày hôm nay là nhờ chư Tổ qua các thời đại đã khéo tu tập, gìn giữ. Để cho giáo pháp của Bụt tiếp tục hiện hữu trong cuộc đời thì cần phải có những người xuất gia trẻ để tiếp nối sự nghiệp của chư vị. Ca dao Việt Nam có câu: Tre già, măng mọc. Chị thích đi trên con đường cao đẹp đó. Dĩ nhiên là rất khó cho gia đình chấp nhận lời chia sẻ của chị, tại vì chẳng ai muốn chị đi xuất gia. Chị thực tập kiên nhẫn, tiếp tục làm một đứa con ngoan, một người em, người chị dễ thương; và cùng lúc, chị thường xuyên đọc sách, nghe băng, gần gũi những người bạn tinh thần để nuôi dưỡng tâm Bồ Đề. Rốt cuộc thì gia đình yểm trợ cho chị. Ngày ra đi, cả nhà đưa chị đến phi trường. Chị cảm thấy rất hạnh phúc và xúc động.


4. Xin Sư Cô cho biết Sư cô xuất gia gia đình cây gì? Có bao nhiêu người trong gia đình xuất gia?

Chị là thành viên gia đình cây Bông Sứ. Chị nhớ vào ngày đầy tháng cây của chị, Sư cô Chân Đức chia sẻ với anh chị em cây Bông Sứ rằng: ‘Cây Hoa Đại (tức cây Bông Sứ), luôn luôn sống ở chùa, nên chị hy vọng các em cũng vậy, sống trọn cuộc đời mình trong chùa.” Gia đình chị có tất cả 12 anh chị em và chị là người kế út.


5. Sư Cô đã từng sống ở tăng thân Lộc Uyển hay Thanh Sơn chưa?

Sau khi xuất gia được 9 tháng, chị qua sống ở Thanh Sơn 2 năm.


6. Lúc đó Sư cô còn rất nhỏ, chưa đến ngày thôi nôi mà phải sống xa Thầy, Sư cô cảm thấy như thế nào?

Sư cô Trụ trì Thanh Sơn là Sư cô Chân Đức. Sư cô thực tập rất vững chãi, chăm sóc các Sư em rất đàng hoàng. Một Sư chị lớn như vậy cũng đủ với chị lúc đó, chị không dám đòi hỏi gì thêm, chị đã học được rất nhiều từ thân giáo của Sư cô. Hơn nữa, chúng Thanh Sơn lúc đó chỉ có 10, 11 người thôi. Vì là chúng nhỏ nên chị em đã yêu thương nhau, yểm trợ và giúp đỡ nhau trong sự thực tập rất nhiều.  

7. Trong nhiều pháp môn thực tập ở Làng, Sư cô thích nhất là pháp môn nào?

Chị thấy pháp môn này yểm trợ cho pháp môn kia. Để thiền hành thành công, phải nắm vững thiền thở. Để thở thành công thì khi ngồi thiền, đi đứng, làm việc nên ý thức đến hơi thở thường xuyên. Chị cũng thích thiền trăng, ở xóm Hạ mùa trăng nào cũng đẹp. Vào mùa trăng chị thấy vui hơn, được đi thiền hành dưới trăng, vừa đi chị vừa nhớ đến bài hát “ Bụt là vầng trăng mát, đi ngang trời thái không, hồ tâm chúng sanh lặng, trăng hiện bóng trong ngần” và thấy mình rất được nuôi dưỡng.


8. Xin Sư Cô chia sẻ một kỷ niệm đẹp thời Sadi.

Chị nhớ ngày thôi nôi của gia đình cây Bông Sứ, chị và sư chị Phụng Nghiêm đang ở tại tu viện Thanh Sơn. Lúc đó, Sư Ông cũng có mặt với đại chúng Thanh Sơn. Quý Sư Cô tổ chức sinh nhật cho hai chị em rất xôm tụ. Sư Ông, quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn thiền sinh đang ngồi trong thiền đường để chúc mừng sinh nhật. Ở giữa vòng tròn có rất nhiều quà. Sư Ông lấy hai gói quà đưa cho hai chị rồi nhìn sư chị Phụng Nghiêm và hỏi: “ Con muốn Thầy tặng con cái gì?” Sư chị Phụng Nghiêm không trả lời Thầy mà nhìn qua chị tủm tỉm cười. Chị cũng mỉm cười với Sư chị Phụng Nghiêm và trong đầu nẩy lên một câu: “Nếu Thầy hỏi con câu đó thì con sẽ trả lời ngay.” Nhưng rất tiếc là Thầy đã không hỏi (Cười).

9. Nếu Thầy hỏi Sư cô: “Học Nghiêm, con thích Thầy tặng con cái gì?” thì Sư cô sẽ trả lời sao?

Chị sẽ trả lời: “Bạch Thầy, con muốn nắm tay Thầy đi thiền hành.” Hồi chị mới xuất gia chị cảm thấy tâm mình giống như em bé. Chị rất thích hình ảnh Thầy nắm tay các em bé mỗi khi đi thiền hành và chị cũng muốn mình được như các em bé đó. Mặc dù Thầy đã không hỏi và chị đã không trả lời Thầy nhưng trong lòng cảm thấy rất vui tại vì mình muốn có một món quà sinh nhật rất dễ thương. Vào mùa Thu Thầy trở lại Thanh Sơn. Một hôm chị được làm thị giả cho Thầy. Mới sáng sớm hai thầy trò đi thiền hành dưới những cây phong đang đổi lá màu đỏ thật đẹp, đang đi thì Thầy dừng lại đưa tay ra cho chị nắm. Thầy giải thích về kinh A Di Đà cho chị nghe, Thầy bảo rằng: “Chúng ta đang tiếp xúc với những điều mầu nhiệm đã mô tả về cõi nước Tịnh Độ của Bụt A Di Đà đó con.” Chị cảm thấy rất vui và nhớ hoài kỷ niệm đó.

10. Mùa Giáng Sinh đang đến, xin Sư c ô chia sẻ một điều gì đó với các bạn trẻ.

Học Nghiêm nghĩ giờ này chắc các bạn đang bận rộn chuẩn bị những món quà để tặng người thương, bạn bè của mình và chắc chắn các bạn cũng đang háo hức để đón nhận những món quà từ bạn bè và người thương. Đó là một điều rất tự nhiên nhưng Học Nghiêm muốn mời các bạn làm thêm một điều là đừng quên tặng quà cho chính mình. Các bạn có thể nhìn thật rõ để biết mình thích cái gì nhất trong mùa Giáng Sinh và hãy tặng cho mình món quà đó.

11. Sư cô có thể đọc và hát cho chúng con nghe một vài bài hát mà Sư c ô thích nhất được không ạ?

Chị rất thích bài thơ Dặn Dò và bài hát Mở Thêm Rộng Lớn Con Đường.

(Ghi chú : Với vai trò là một người chị trả lời những thắc mắc của các Sư em của mình, Ban Biên Tập xin được giữ nguyên từ chị trong những câu trả lời của Sư Cô, để cảm thấy gần gũi và thân thương hơn.)