Phỏng vấn Cây Đan Mộc
BBT: Các sư em cảm thấy như thế nào khi Thầy không được khỏe và không có mặt ở Làng gần như trong suốt thời gian các sư em tập sự xuất gia? Sự vắng mặt của Thầy có ảnh hưởng gì đến sự thực tập hay chí nguyện của các sư em không?
Sư chú Trời Đạo Lực (người Việt): Ngày con lên máy bay để sang Pháp, các bạn trong Gia đình Phật tử đã hỏi con một câu tương tự. Khi đó con trả lời vui là Bụt đã tịch hơn 2600 năm rồi mà người ta vẫn phát tâm thực tập những lời Bụt dạy. Tại vì giáo nghĩa Bụt dạy rất cụ thể và phù hợp với mọi người. Trong lòng con thầm nghĩ: Thầy đã trao truyền rất nhiều pháp môn để tu học, vì vậy khi xuất gia, mình nương tựa vào pháp môn và vào pháp thân của Thầy để thực tập. Những lời Thầy dạy rất thực tế và phù hợp với xã hội hiện nay. Con đến Làng đúng vào lễ Tự tứ kết thúc mùa An cư kết Đông năm 2014 – 2015. Đó là lần đầu tiên con nghe nói đến “Tăng thân là sự tiếp nối của Thầy”. Con thấy đó là sự thật, bởi vì trong một năm con ở đây, con không chỉ học hỏi rất nhiều từ Thầy mà còn từ đại chúng. Vì vậy con không lo lắng lắm khi Thầy không có mặt trực tiếp để chỉ dạy cho chúng con.
Sư cô Trăng Tĩnh Mặc (người Indonesia): Thực sự, khi đến Làng, con chưa biết nhiều về Thầy, cũng chưa đọc nhiều sách của Thầy. Con thấy Làng Mai qua quý thầy, quý sư cô từ trung tâm Làng Mai Thái Lan đến Indonesia để hướng dẫn khóa tu. Lần đầu tiên tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô, con đã có nhiều cảm mến. Tuy con không biết Thầy là ai, nhưng nhìn quý thầy, quý sư cô, con thấy rất muốn được tham dự vào tăng đoàn. Khi quyết định đến Làng, con nghe nói Thầy bị bệnh. Ở Indonesia, người ta còn đồn là Thầy đã viên tịch. Nghe tin đó, con buồn lắm. Tuy thế con không lấy đó làm trở ngại, bởi vì con muốn gặp tăng thân. Ở Indonesia, có được một tăng đoàn đông đảo như tăng đoàn Làng Mai là rất hiếm. Vì vậy con đến đây không phải vì Thầy mà vì sự tiếp nối của Thầy. Quý thầy, quý sư cô trong chuyến hoằng pháp tại Indonesia là những người rất đẹp, rất vui tươi và đã tạo cho con rất nhiều cảm hứng.
Sư chú Trời Đạo Sơn (người Pháp): Khi con tới Làng Mai lần đầu vào tháng 10 năm 2014, Thầy không có mặt ở Làng. Lúc đó con ở Sơn Hạ và hoàn toàn chưa biết gì về Làng Mai. Lần đầu tiên tiếp xúc với tăng thân, con đã bị tăng thân chinh phục. Vì thế con không bị ảnh hưởng nhiều khi nghe tin Thầy bệnh nặng, thậm chí có thể viên tịch. Khi đó đang là mùa An cư kết Đông, có khoảng 60 vị cư sĩ nam đến an cư suốt ba tháng tại xóm Thượng. Đại chúng không có chọn lựa nào khác là phải tiếp tục đi tới dù cho bất cứ chuyện gì có thể sẽ xảy ra với Thầy, khi ấy ai cũng nương vào nội lực của mình để đóng góp cho đại chúng. Mỗi tuần đều có tin về Thầy nhưng vẫn không thể biết là chuyện gì sẽ đến. Đại chúng chỉ có thể lên kế hoạch cho từng tuần một. Quý thầy, quý sư cô và tất cả thiền sinh ai cũng thực tập hết lòng để yểm trợ tăng thân và để tiếp nối Thầy, để tăng thân vẫn tiếp tục đi tới. Con rất cảm động khi thấy điều này. Mỗi lần nhớ lại, con đều thấy có nhiều cảm hứng. Chúng ta cứ tiếp tục đi tới thôi. Thầy đã lớn tuổi. Dù sau này Thầy có bình phục, chúng ta vẫn phải tiếp tục thôi. Giờ đây con là một sư chú trẻ, con đã trở thành một thành phần của sức mạnh đi tới đó.
BBT: Chấp nhận là chìa khóa của sự thành công khi sống trong tăng thân. Các sư em thực tập như thế nào để chấp nhận những gì chưa hoàn hảo, những khác biệt và đa dạng về văn hóa trong tăng thân?
Sư chú Trời Đạo Quy (người Úc gốc Việt): Trước khi đến Làng Mai con có xem pháp thoại của Thầy trên Youtube và một số video clip giới thiệu về Làng. Khi nhìn thấy Thầy và hình ảnh rất đẹp của mùa xuân, con nghĩ là người làm phim đã chọn những hình ảnh đẹp nhất để trình bày. Khi con mới tới Làng và chạm với thực tại, con nhận ra rằng những tri giác mà con có về Làng chỉ là qua các video clip. Con chưa thực sự hiểu về tăng thân. Cách mà con đối trị với những gì chưa hay trong tăng thân là đi vào phòng và… đấm vào bao cát (cười). Con nói đùa vậy thôi chứ thật sự càng sống và thực tập lâu trong đại chúng, con càng thấy vui hơn, thấy những điểm hay, điểm đẹp của đại chúng nhiều hơn. Con vẫn còn thấy những khiếm khuyết, tuy nhiên những cái đó không làm con kém vui hay đánh mất mình. Những lúc con thực tập không giỏi, không đối trị được với những khó khăn từ trong lòng mình là những lúc con nhìn ra ngoài và chỉ thấy những điều tiêu cực rồi khởi tâm bực bội. Khi đó con quay trở lại chính mình, đi theo thời khóa, không tách mình ra khỏi sinh hoạt của đại chúng để nuôi dưỡng chính con. Ba sự thực tập căn bản giúp con là hơi thở, bước chân và ăn trong chánh niệm.
Sư chú Trời Đạo Phương (người Ý): Con nghĩ khi mình có một tâm bồ đề thật sự mạnh mẽ thì nó sẽ giúp mình vượt thắng những khó khăn. Thầy Kai Li có nói rằng khi mình đang đau khổ, mình hay có khuynh hướng nhìn thấy những điểm tiêu cực của tăng thân và của huynh đệ. Khi ấy, mình nên ý thức đến những cái đẹp đã có sẵn trong đại chúng. Ở Làng Mai, chúng ta đang thật sự có tình huynh đệ. Nếu so sánh tăng thân với những gì đang xảy ra ở ngoài đời, mình sẽ thấy tăng thân thật sự đã quá đẹp. Đây là điều mà con luôn ghi nhớ khi có khó khăn.
Sư chú Trời Đạo Hành (người Hà Lan): Thực tập chấp nhận những gì chưa hay nơi người khác cũng vui lắm. Bởi vì nếu tất cả mọi thứ đều hoàn hảo thì một ngày như mọi ngày, dù mình đang ở thiên đường thì cũng chán lắm. Vì vậy những khác biệt giữa mọi người đem lại nhiều lý thú. Con nghĩ ai cũng có những cái đẹp riêng, cho nên mình cần để tâm đến những cái đẹp hơn là cái chưa đẹp. Nếu con quá để ý tới những gì chưa hay của người khác thì có lẽ chính con mới có quá nhiều những cái chưa hay.
Sư chú Trời Đạo Sinh (người Pháp): Con nghĩ vấn đề của con là làm thế nào để nhận diện sự đòi hỏi của mình đối với người khác. Đây là thực tập chủ yếu của con trong mùa An cư năm nay. Con nhớ có một lần trong gia đình tập sự của chúng con đang có khó khăn, khi ấy, con chỉ thấy những điểm tiêu cực của mọi người mà thôi. Con chia sẻ với Y chỉ sư, cố gắng không nói về các huynh đệ của mình một cách tiêu cực mà chỉ chia sẻ cái thấy của mình. Y chỉ sư của con lập tức nói: “Em biết không, em có một gia đình tập sự rất tuyệt vời, rất hòa điệu và yểm trợ nhau. Chúng ta có thể tin tưởng lẫn nhau.” Ngay khi đó con không thấy mình được lắng nghe và được hiểu. Vài ngày sau, khi sự căng thẳng đã lắng xuống, con thấy hình như Y chỉ sư của mình đã nói đúng, thầy đã cho con một câu trả lời rất hay. Chúng con là một gia đình nói chung khá hòa hợp, tuy lúc xảy ra chuyện thì con khó mà thấy được điều đó. Chỉ khi con bình tĩnh lại, con mới thấy cái hòa hợp, cái đẹp ở đó. Thỉnh thoảng mới có một chút chuyện và điều đó là rất bình thường. Thực tế thì không có gì là như con nghĩ. Tri giác của con và thực tại là hai cái hoàn toàn khác nhau. Sống trong tăng xá, con rất cảm động trước cách sống của quý thầy. Ở đây tình huynh đệ rất mạnh mẽ, rất rõ ràng và rất thật. Dù thực tại không hoàn hảo, nhưng đó là sự liên hệ thật sự giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. Điều ấy làm cho con dễ đến và chấp nhận mọi người hơn bởi vì chính con cũng có những điểm chưa toàn hảo. Con cần phải luôn luôn ghi nhớ điều này.
BBT: Từ khi đến với tăng thân, có những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp nào mà mỗi khi nghĩ đến, các sư em cảm thấy được nuôi dưỡng và được tiếp thêm sức mạnh để đi qua những giai đoạn khó khăn trong đời sống tu học?
Sư chú Trời Đạo Quy: Đó là khi con gọi điện về nhà qua Skype để chia sẻ những niềm vui trong sự tu học của mình với ba mẹ. Con cảm thấy sự có mặt của con ở Làng Mai đã có một ảnh hưởng tích cực đến ba mẹ, dù đó chỉ là những thay đổi nhỏ. Con chưa bao giờ thấy ba mẹ vui như vậy khi nói chuyện và thấy mặt con qua Skype. Con thương ba mẹ con rất nhiều. Tình thương ấy dù vẫn còn có sự vướng mắc và phân biệt, nhưng nó mang lại cho con một nguồn năng lượng lớn trên con đường chuyển hóa. Con ý thức rằng con đang tu cho chính mình và cũng đang tu cho ba mẹ. Ba mẹ và con không phải là những thực thể riêng biệt. Vì ba mẹ, con có thể làm bất cứ việc gì, đây là niềm vui lớn nhất của con khi ở Làng.
Sư chú Trời Đạo Sơn: Một kỷ niệm mà con nghĩ sẽ giúp con đi qua khó khăn là hình ảnh ba mẹ của con trong ngày con được xuất gia. Cho đến tận lúc ấy, con vẫn không thể giải thích để cho ba mẹ, nhất là ba, hiểu được vì sao con lại chọn đời sống xuất gia ở Làng Mai. Trong ngày xuất gia, con nghĩ ba mẹ của con bắt đầu cảm nhận được phần nào cái đẹp của tăng thân như con đã cảm nhận. Con sẽ nhớ mãi hình ảnh ba con ngồi sau lưng con và khóc khi nghe con bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với hai đấng sanh thành trước cả một đại chúng lớn. Con biết khi ấy sự cảm thông đã được thiết lập giữa hai cha con. Ngày hôm ấy đã mở ra một cơ hội tuyệt vời để gia đình con được hàn gắn và trị liệu. Con cảm thấy thật sự bây giờ con đã trở thành một người có thể giúp đỡ được cho ba mẹ, chỉ đơn giản là nhờ lễ xuất gia hôm đó. Hình ảnh ấy và cảm giác ấy sẽ là điều mà con nhớ mãi trong suốt cuộc đời xuất gia của mình.
BBT: Mỗi năm vào dịp Tết, trong ngày mồng Một, đại chúng Làng Mai thường dâng hoa, trà, quả làm phẩm vật cúng dường lên Thầy như là một biểu tượng để bày tỏ lòng biết ơn và hiếu kính của mình đối với Người. Đây là lẵng quả của sự thực tập do gia đình Cây Đan Mộc ở Làng Mai chọn và dâng lên Thầy nhân dịp Tết Nguyên Đán năm nay.
Quả chuối: Đây là loại quả mà sư cô Trăng Tĩnh Mặc đã chọn. Sư cô chia sẻ:
Con thấy mình giống như một con khỉ, cứ chuyền hết cành này sang cành khác để chọn trái chuối nào to và ngọt nhất. Trước khi con biết đến pháp môn thực tập chánh niệm, con luôn tìm kiếm hết cách giải trí này đến cách giải trí khác để thỏa mãn khao khát của mình nhưng con chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Khi tham gia một khóa tu do quý thầy, quý sư cô Làng Mai hướng dẫn và tìm ra phương pháp thực tập chánh niệm, con đã thật sự bị đánh động. Trong khóa tu ấy con đã được biết đến quyển sách Ước hẹn với sự sống. Bây giờ thì chú khỉ ấy đã tìm ra được quả chuối lớn nhất và ngọt ngào nhất rồi. Chú khỉ đã dừng lại để thưởng thức nó. Tận đáy lòng con rất biết ơn Thầy vì Thầy đã bỏ nhiều tâm huyết tạo nên những điều kiện thuận lợi để chúng con thực tập và chia sẻ sự thực tập cho người khác. Thầy cũng đã dạy dỗ quý thầy, quý sư cô rất thành công vì con thấy phần lớn quý thầy, quý sư cô thật sự đang làm công việc tiếp nối Thầy rất giỏi.
Quả xoài: Sư chú Trời Đạo Lực đã chọn quả này để dâng lên Thầy.
Con xin dâng lên Thầy trái xoài quê hương. Xoài ngon lắm Thầy ạ. Mình cũng có thể làm bánh tráng xoài nữa, rất tuyệt. Ngày nào con cũng thực tập thiền hành để được đi những bước chân thảnh thơi. Con luôn tác ý là con đi cho những người đang không đi được, trong đó có Thầy, ông Nội con và những người khác nữa. Mỗi lần tác ý như vậy, con thấy trân quý hơn những bước chân của mình. Con nuôi dưỡng bước chân của con như thể là giây tiếp theo con sẽ không đi được. Vì vậy từ lúc đến Làng tới bây giờ, con thích nhất là thời khóa thiền hành. Đi từ xóm Thượng xuống xóm Hạ trong ngày quán niệm cũng vậy, mỗi bước chân, mỗi cái nhìn con thường tác ý đến Thầy. Thỉnh thoảng đi ngang qua Đàn voi của Thầy, con mỉm cười rất hạnh phúc. Con cảm ơn Thầy đã tạo ra một môi trường thực tập tuyệt vời. Qua Làng, con được dạy rằng tăng thân là sự tiếp nối của Thầy nên con tập nhìn thấy Thầy trong mỗi thầy, mỗi sư cô. Con rất hạnh phúc khi có rất nhiều thầy đang ở bên con, có mặt cho con, nuôi dưỡng con. Nhìn thấy sự thực tập vững chãi và thảnh thơi của quý thầy, quý sư cô, con rất được nuôi dưỡng. Con xin cảm ơn nhiều nhiều.
Quả Sầu Riêng: Chúng ta hãy tìm hiểu vì sao sư chú Trời Đạo Quy đã chọn quả sầu riêng dù sư chú biết Thầy không thích loại quả này.
Trái cây con ưa nhất là sầu riêng. Con biết Thầy không thích sầu riêng, nhưng sầu riêng đã được ông bà tổ tiên của con yêu chuộng từ vô lượng kiếp. Cho nên con xin dâng Thầy trái sầu riêng. Thầy có nói: “Ta có là ta, ta mới đẹp”, vậy nên con đang thực tập là chính con. Con nghĩ Thầy sẽ hạnh phúc khi con ưa thích sầu riêng.
Mấy ngày đầu tiên khi mới đến Làng, con nghĩ là mình phải ngồi thiền 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi có giờ rảnh, mình phải đi thiền hành. Như thế mình sẽ có hạnh phúc. Thế nhưng càng ngày con càng cảm thấy bực bội và không được thảnh thơi. Con hiểu rằng sự cố gắng quá sức chỉ đem lại bực bội cho tâm con, làm con càng ngày càng trạo cử, càng không toại nguyện hơn. Vì vậy con không cảm thấy e ngại khi dâng Thầy trái sầu riêng dù biết là Thầy không thích. Con thấy thoải mái khi mình có sự tự do đó. Cũng như con không cần phải ngồi thiền mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, hoặc cố gắng quá sức. Con chỉ cần có niềm vui và sự thảnh thơi trong khi tu tập, không cần có sự cưỡng ép. Bởi khi con cố ép buộc thì tâm con chạy trốn, nó không muốn ở với con. Khi con thư giãn, không cố gắng một cách mê muội nữa thì sự thực tập lại có tiến bộ, tâm con thích trở lại với thân hơn. Con ý thức là trong khi tu học, mình không nên quá gồng ép, nhưng cũng không nên để buông lung.
Quả cà chua: Sư chú Trời Đạo Hành đã chọn để dâng Thầy.
Con muốn chọn trái chấp nhận. Cuộc sống ở Làng rất khác biệt so với cuộc sống của con ở gia đình, nhưng đây là một sự khác biệt tích cực. Cuộc sống ở Làng Mai rất đa dạng bởi vì mọi người đến đây từ nhiều lứa tuổi, quốc gia và lai lịch khác nhau. Tất cả đều đẹp theo cách riêng của mình. Năm nay con tập chấp nhận mọi người nhiều hơn một chút. Người quan trọng nhất mà con đang tập chấp nhận là chính bản thân con. Những suy nghĩ, cảm thọ, và nhiều cái nữa trong con đang cần sự chấp nhận của con. Con cũng cần học hỏi để chấp nhận những hoàn cảnh, kinh nghiệm mà mình đã trải qua. Con sẽ cố gắng hết sức mình để chăm sóc cho “cây chấp nhận” càng ngày càng lớn và cho nhiều hoa trái. Con biết, trái của cây chấp nhận sẽ rất ngon ngọt và bổ ích trong suốt cuộc đời tu còn lại của con. Chính vì vậy, để chọn một loại quả dâng Thầy, con xin chọn quả cà chua. Vâng, cà chua cũng là một loại quả và nó không cần phải trở thành bất cứ một loại quả nào khác để được chọn dâng Thầy. Xin Thầy từ bi nhận nó.
Quả hồng: Loại quả mà sư chú Trời Đạo Phương dâng lên Thầy.
Trái cây ưa thích của con là hồng. Con rất thích nhìn trái hồng khi còn ở trên cây, nó tô điểm thêm cho sắc màu của mùa thu. Nó nhắc con phải thực tập kiên nhẫn, chờ đợi cho đến khi sẵn sàng cho con thưởng thức. Đôi khi con muốn chạy ra cây hồng, hái một trái ăn liền nhưng rồi con nhớ lại là con phải kiên nhẫn chờ thêm cho đến khi nó thật chín thì trái mới ngon và ngọt.
Trong quá trình tu tập, đôi khi điều duy nhất mà con nghĩ mình nên làm là tưới tẩm hạt giống tốt trong con và chờ đợi. Giống như trái hồng trên cây cần phải hấp thu thêm nước và ánh nắng mặt trời thì mới có thể trở thành một quả hồng chín thơm ngon. Con cũng cần phải làm như thế. Đối với con, sự kiên nhẫn còn có nghĩa là mình không bỏ cuộc giữa chừng, kiên định tiếp bước trên con đường sáng đẹp mà Thầy đã mở lối cho chúng con. Vì vậy con muốn dâng lên Thầy sự kiên nhẫn của con để trong tương lai con có thể trở thành một nhánh khỏe mạnh trên cây tăng thân của Thầy và của đại chúng.
Quả đào: Sư chú Trời Đạo Sơn đã chọn loại quả này để dâng lên Thầy.
Nếu chọn một hoa trái thực tập của mình để dâng Thầy, con xin chọn trái đào của tình huynh đệ. Đây là lợi lạc con được hưởng từ khi bước chân đến Làng. Khi ấy con rất cô đơn, đang quẩn quanh tìm kiếm cho mình một hướng đi. Con đến Làng trong khóa tu mùa Thu, khi Thầy không có mặt ở nhà. Tuy thế, tình huynh đệ mà con cảm nhận được ở Sơn Hạ đã cho con thấy rõ ràng tăng thân và sự thực tập ở đây chính là con đường mà con đang tìm kiếm.
Đến tận bây giờ con vẫn đang tiếp tục thực tập như thế, tiếp tục mở rộng trái tim mình để làm một người anh em, thưởng thức sự có mặt của những người anh, người em khác. Đây là thực tập chủ yếu của con trong suốt thời gian tập sự xuất gia, cũng là nguồn hạnh phúc chính của con, làm cho con càng ngày càng tin tưởng và nương tựa vào huynh đệ, càng cảm thấy đây chính là gia đình mình. Sau khi xuất gia, con chuyển vào sống trong tăng xá với quý thầy. Điều làm con xúc động nhất lại là tình huynh đệ. Trong đại gia đình tâm linh của chúng ta, ai cũng có mặt cho nhau và chấp nhận nhau không điều kiện.
Tình huynh đệ cũng rất ngon ngọt như quả đào, chỉ nhìn thôi cũng đủ thích rồi. Cũng giống như khi nhấm nháp một quả đào, khi nếm được tình huynh đệ con thấy rất ngon lành, mát mẻ và những vết thương trong lòng con được chữa lành. Và, cũng giống như quả đào, sự nhu nhuyến, ngọt ngào của tình huynh đệ giúp ta có thể làm chủ tâm mình để ta có đủ tĩnh lặng, bình ổn và vững chãi. Khi ấy mọi người có thể yểm trợ lẫn nhau và thực sự mở lòng ra với nhau. Tình huynh đệ là động lực giúp con tu học. Tình huynh đệ là hoa trái thực tập quý báu nhất của con. Tình huynh đệ chính là sự thực tập của con.
BBT: Xin cảm ơn các sư em.
Lễ dẫn thỉnh Cây Đan Mộc tại Làng Mai, Pháp