Núi cao biển sâu

 

Trước ngày xuất gia tại chùa tổ Từ Hiếu

Chân tâm một quyết lên đường”

Sư cô Ân Nghiêm được xuất gia trong gia đình Cây Sen Vàng, năm 2009, lúc tu viện Bát Nhã bắt đầu xảy ra chuyện. Sư cô rất thiết tha trong việc tu học nên nhờ đó đã thay đổi cái nhìn của gia đình về việc đi tu của mình và còn hết lòng ủng hộ.

Tôi đã quen với mùi nước mặn từ thuở bé, vì mỗi lần con nước cạn tôi thích đi mò cua bắt ốc. Khi con nước lên làm tôi thêm háo hức, cùng với bạn bè ra bơi lội trên sông. Tuổi thơ êm đềm nhưng cũng lặng lẽ trôi đi như dòng nước sông quê. Trong ngôi làng nhỏ nằm trên vùng hải đảo, quê nghèo đã nuôi tôi lớn lên với nhiều kỉ niệm khó quên…

Nhiều người trong làng thường cho tôi là cô bé nghịch ngợm, cứng đầu, thứ hạng nhất nhì trong xóm. Vậy mà từ rất bé tôi hay đến chùa sinh hoạt trong gia đình Phật Tử. Nhờ đến chùa nên tôi sớm tiếp xúc với hình ảnh quý thầy, quý sư cô. Mỗi lần bắt gặp hình ảnh này, tôi cứ ngắm nhìn mãi. Tâm trí trẻ thơ của tôi bấy giờ, hình dáng người tu sĩ là biểu tượng cho một điều gì thiêng liêng thần thánh nhưng cũng khó diễn đạt để khái niệm rõ ràng về biểu tượng ấy.

Thật ấn tượng với những cái đầu tròn được cạo sạch tóc, với đôi mắt trong như hạt sương trên gương mặt  sáng tươi hiền lành, nhiều lúc tôi tự hỏi: “Sao đầu của các vị xuất gia tròn và sáng quá vậy? Hay là có thoa chất thuốc gì đó? Nếu mình rủ bỏ mái tóc xanh xinh đẹp này đi thì đầu mình có đẹp hơn vậy không?”. Rồi bất chợt một ý nghĩ lóe lên trong tâm tư: “Hay là, lớn lên mình sẽ xuất gia!” Khó có thể biết được điều gì sẽ đến, nhưng có một điều đã đến âm thầm trong trái tim tôi là một ước nguyện xuất gia được thắp lên từ ấy, dù không biết mình đi xuất gia để làm gì? Ước nguyện này như một ngọn nến soi tỏ tấm lòng, như ánh trăng khuya vằng vặc trên thái không mà tôi từng nhìn ngắm. Vì sao mình lại muốn đi tu? Câu hỏi đến từ trái tim mà tôi chưa lý giải được. Có thể đó là một suy nghĩ dễ thương trong tâm hồn đứa trẻ con.

Dì tôi là một nữ huynh trưởng gia đình Phật tử, dì rất có tâm phụng sự Tam Bảo nên bà thường dẫn tôi đi cùng trong những chủ nhật hàng tuần, ngày sinh hoạt gia đình Phật tử. Mỗi lần nấu xong thuốc cho thầy Trụ trì, dì hay dẫn tôi vào gặp thầy. Từ đó tôi biết đến thầy – vị thầy tâm linh đầu tiên của tôi. Lần đầu tiên tôi được thừa hưởng tình thương của một người thầy dành cho người đệ tử. Những lần đi học về chúng tôi thường xách dép lên tay, đua nhau chạy ngang qua chùa, thầy hay ra ngoài đường đứng đợi lũ con nít chúng tôi về cùng chơi. Thầy thương tôi lắm, nên một hôm thầy gọi:

–        Bé P, Con có muốn vào chùa ở không? Thầy nuôi. Con về nhà xin ba má, nếu ba má cho thì mang đồ xuống đây nhé!

Thầy nói xong, tôi vô tư đáp:

–        Dạ không!

–        Sao vậy con? Ở nhà ba má cho ăn cao lương mỹ vị quen rồi nên ăn chay không được chứ gì?

Tôi nghĩ thầm: “Thầy nói lạ quá, nhà mình có giàu gì đâu mà ăn những thứ sang trọng kia, mình ăn chay được chứ bộ…” Tôi nhớ cái thời tấm bé ấy bạn bè chọc nhà đứa này giàu, nhà đứa kia giàu là tôi dị ứng lắm. Không đứa nào chịu cho là nhà nó giàu mặc dù có khá giả thiệt. Huống hồ Ba Má tôi có cái gì đâu để gọi là giàu. Thế rồi tôi phân bua với thầy:

–        Thưa thầy không phải vậy đâu! Vì con chưa muốn đi

tu bây giờ. Lớn lên con mới đi.

Chùa quê nơi nào cũng mộc mạc chân quê. Tôi mến yêu mái chùa từ sự hoang sơ nghèo khó của chùa. Từ lâu chùa bị bỏ hoang, không một bóng người qua lại, không một đường chổi quét dọn, không một bàn tay chăm sóc. Cây bồ đề trước sân vẫn héo hắt trơ cành qua mấy mùa đông. Nét hoang sơ làm chùa thêm lạnh lẽo, nên mỗi lần qua ngỏ ai cũng có cảm giác sợ ma. Người trong xóm ai cũng cho quanh chùa rất nhiều ma. Từ lúc có thầy về chùa, xóm làng trở nên thân thiện ấm áp. Tiếng chuông đại hồng ngân vang trong sớm mai và trong buổi chiều tà đã xóa tan nhiều nỗi u uẩn sợ hãi trong lòng người. Gia đình Phật tử sinh hoạt trở lại, chủ nhật nào cũng là ngày vui cho tất cả mọi người. Nếu không có thầy về tu tập, chăm sóc cho ngôi chùa này thì hôm nay không biết chùa còn không? Hạnh phúc đã đến – với tôi chỉ có thế.

Tháng năm đi qua như vừa tỉnh một giấc mơ, từ một chú chim non mới mở mắt, chập chững trong đôi chân chưa cứng cánh chưa mềm, rồi một ngày nào chợt tung cánh bay cao. Từ ngành oanh tôi lên ngành thiếu, phụ các anh chị huynh trưởng hướng dẫn sinh hoạt đoàn và tập sự làm chị trưởng. Làm anh chị trưởng trong gia đình Phật tử làm gì có lương bổng thù lao nhưng lại cho tôi nhiều hạnh phúc. Vì thế tôi cống hiến, đóng góp phần mình nhiều hơn cho công việc xây dựng gia đình tâm linh này.

Tôi yêu mến màu khói trầm thanh thoát nên dành rất nhiều tình thương cho màu áo gia đình Phật tử và gắn bó với màu áo ấy ngần mười mấy năm. Tình thương sâu đậm làm cho tâm hồn tôi cảm thấy vui hơn khi được sống và đồng hành với những người anh, người chị, người em chung màu áo. Thầy của tôi vẫn sát cánh dìu dắt cho gia đình Phật tử của chùa. Tôi nhớ mãi lời dạy của thầy: “Chỉ có đi tu các con mới có thể báo đền trọn vẹn ơn đức của cha mẹ”.

Lời thầy dạy như khai mở cho tôi một con đường mới, nhưng tôi chưa hiểu và luôn trăn trở. Ước nguyện cũng là một hạt giống mà ngày xưa được gieo trồng trong đất tâm nên thêm một lần tôi thao thức: “Có phải mình muốn đi tu?”. Nhìn sâu vào đời sống thế gian, hạnh phúc là điều quá hiếm hoi mà bế tắc thì cứ hiển bày nhưng ít có ai tìm ra lối thoát cho sự bế tắc ấy. Cuộc giống của gia đình huyết thống, bên nội bên ngoại, không thực sự có được bình an đẹp đẽ như tôi thường nghĩ. Cái mà người đời mãi tìm cầu và cho nó là hạnh phúc sao lại quá mong manh. Mọi người đều đi chung một con đường là lợt lạt với nhau trong sự gắn bó liên hệ, thâm tình ngày một cách xa khi mỗi người an bề gia thất. Tiền bạc có thể làm phương tiện đem lại cho mọi người một ít hạnh phúc, nhưng mặt khác nó lại thành con dao cắt chia tình ruột thịt. Đây là một thực tại trong đời sống thế gian.

Tôi còn có ba người em, chúng tôi thương nhau lắm. Nhưng ngày sau, khi mỗi người tự lo tương lai cho riêng mình thì tình nghĩa chị em biết còn keo sơn như bây giờ? Tôi phải làm gì và phải sống như thế nào để gìn giữ tình thương trọn vẹn cho tất cả những người thân ruột thịt của tôi, bây giờ và mai sau?

Thời học sinh ngày hai buổi đến trường, tình bạn học trò cũng chan hòa màu sắc buồn, vui. Cái tuổi bồng bột, hồn nhiên, trong sáng ấy đã cho tôi biết được thế nào là cảm giác mến mến thương thương, rồi giận hờn vu vơ, trách móc. Tình cảm bạn bè có nhiều mức độ khác nhau. Tình thương mang đến nhiều cơn buồn chứ đâu hẳn chỉ có vui. Tôi lại mơ hồ về hạnh phúc dưới cái tuổi mười chín đôi mươi. Có lẽ bởi sự đổ vỡ mái ấm của các dì, của các bậc tiền bối trong họ nên tôi thường ám ảnh và hoài nghi về nó. Không thật sự tin tưởng vào tình thương, tuy nhiên khi chia tay bạn cũng khiến tôi man mác buồn.

H là người bạn thân trong những năm phổ thông. H thường hay kể cho tôi nghe về người chị đang tu học bên Làng. Thoạt đầu tôi chẳng hiểu Làng là cái gì? Làng ở đâu? Hỏi ra mới biết là trung tâm tu học có tên gọi Làng Mai tại đất Pháp. Thấy tôi hay quan tâm về người tu, H giới thiệu và cho tôi mượn băng giảng “Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng” của Sư Ông Làng Mai cùng với một CD nhạc thiền của Làng do quý thầy quý sư cô hát. Tôi như được thoát thai, khám phá ra điều mầu nhiệm của tình thương đích thực khi nghe băng giảng. Chưa thương được chính tôi thì làm sao thương được bất cứ ai. Thứ tình thương trong tôi có chăng là vướng mắc, muốn chiếm hữu cho riêng mình, đem đến phiền muộn, mất tự do. Tôi đã trở thành nô lệ của tình thương mà không hề hay biết. Những bản nhạc thiền, giọng tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm từ quý thầy, quý sư cô đã chữa trị cho tâm hồn tôi. Chưa bao giờ tôi cảm một bài hát đơn giản mà hay đến thế. Và một điều hết sức bất ngờ, quyết định không chút chần chừ “mình sẽ làm được điều này, mình sẽ xuất gia. Mình sẽ làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời này, cho những người đang đau khổ, cho cả thân bằng quyến thuộc và cho chính bản thân mình.” Cùng một lúc tôi thấy hiểu hơn về câu nói của Thầy năm giới đã “tuyên bố” ngày xưa, và thấy được con đường mà mình hằng tìm kiếm bấy lâu nay. Tâm sự với H về tâm nguyện của mình, H đưa tôi đi thăm Ôn Từ Đức lần đầu tiên tại chùa Pháp Vân TPHCM. Từ đó tôi biết Ôn, nhiều lần xin tham vấn Ôn và lần nào cũng ôm về được một số bài viết đã được đánh máy. Tâm Bồ Đề được nuôi lớn nhanh hơn từ đó. Tôi thấy quá hạnh phúc, quá bình an khi được Ôn hướng dẫn, chỉ dạy phương pháp thực tập. Thấy tôi có tâm xuất gia, Ôn giới thiệu tu viện Bát Nhã.

 

Như một cảnh giới của xứ sở thần tiên, Bát Nhã đẹp, thiêng liêng và hùng vĩ. Người tu ở đây phần đông trẻ tuổi. Ai cũng thanh thoát, nhẹ nhàng. Tôi thoáng gặp lại hình ảnh của những vị tu sĩ ngày xưa – những hình ảnh đẹp đã luôn đi theo bên lòng đứa bé lên bảy lên tám, hôm nay tái hiện lại khiến tôi xúc động. Ước mơ được trở thành một sư cô càng mãnh liệt hơn. Tuy vậy tôi không vội vàng, để cho mình thời gian trải nghiệm và tiếp xúc với con người cũng như môi trường nơi ấy.

Có cơ hội ngồi chơi, tôi hay bàn chuyện tu hành, ba má chột dạ lo lắng. Vậy nên mỗi lần Ôn về chùa Từ Đức, tôi hay “rón rén” đi thăm mà không để ba má biết. Tôi cứ hay mon men rời khỏi nhà, rồi một ngày cũng chẳng qua mặt được ba. Ba tuyệt đối nghiêm cấm không cho tôi tiếp xúc với người tu, đặc biệt quý thầy quý sư cô Bát Nhã về Từ Đức. Như một con chim bị nhốt vào lồng, tôi chẳng được bay nhảy thoải mái như xưa, luôn bị gia đình theo dõi từng nhất cử nhất động. Nhưng có dịp đi đâu ra ngoài hoặc viện cớ đi nhà bạn chơi, tôi luôn lái xe lên chùa. Biết được sẽ có một xe lớn đưa quý thầy quý sư cô về lại trú xứ, H gọi điện rủ tôi đi Bát Nhã chơi nhân dịp xe còn dư chỗ. Hết sức cẩn trọng và cố gắng để xin đi nhưng ba mẹ cương quyết chối từ. Vẫn còn thời gian nên tôi cố gắng ỉ ôi xin xỏ mấy ngày. Ba trở nên cáu gắt, bực bội :

–        Đã nói không là không, sao con lì quá vậy? Đừng tốn công vô ích.

Tôi âu sầu không dám “rọt rẹt” nữa, thất bại ão não, tôi cầm máy điện thoại cho H báo cái tin chẳng mấy vui vẻ gì. Tôi sẽ không còn một tia hy vọng nào nữa cả nếu đêm ấy H không gọi lại cho tôi. Biết có thêm nhỏ bạn cùng lớp muốn đi Bát Nhã nữa, tất cả là ba đứa, tôi hứng khởi lấy hết can đảm để xin một lần cuối cùng, cũng là lần quyết định, tuy nhiên hy vọng phần trăm trong tôi không lên đến năm mươi. Lúc ấy Ba đang nằm xem ti vi:

–        Ba ơi! Ngày mai đoàn đi Bảo Lộc rồi. Lớp con có hai đứa nữa cũng đi. Ba cho con đi chơi với tụi nó cho vui. Con đi chơi thôi mà! Tụi nó nói nếu con không đi thì chắc tụi nó cũng ở nhà. Tội tụi nó quá!

Ba vẫn nằm im, không nói gì. Thấy án binh bất động, tôi tiếp:

–        Mà con xin đi mấy ngày về thôi chứ có ở nhiều đâu. H nó cũng chuẩn bị vào lại Sài Gòn để chuẩn bị nhập học. Nó muốn đi chơi một chuyến rồi về đi học sớm, con cùng về với nó mà! Con xin đi một lần này nữa thôi, con không đòi đi nữa đâu! Một lần cuối cùng nha ba !

Không biết nghe tôi nói có vẻ lọt lỗ tai hay vì thương cảm cho mấy đứa bạn tôi mà Ba từ từ ngồi dậy lên tiếng. Tôi cứ tưởng sẽ bị rầy một trận vì cái tội lãi nhãi. Nhưng một điều mầu nhiệm đã đến với tôi:

–        Bây giờ con muốn đi phải không ? Lên mời má xuống đây rồi trước mặt ba má con phải hứa đây là lần cuối con đến chùa đó, và phải hứa là về lại nhà chứ không được đi luôn…

Tôi  mừng như được mở cờ trong bụng. Còn gì nữa mà không lo dạ lia lịa, có gì đâu phải sợ chỉ vì một lời hứa. Đối với tôi lúc ấy, bao nhiêu điều kiện ba đưa ra tôi đều làm được hết, miễn sao được đi Bát Nhã, thăm lại chốn thần tiên, thăm lại những con người thần thánh ấy. Đó cũng là lần thứ hai tôi đến tu viện và là lần đầu tiên được “cấp” giấy phép hẳn hoi.

 

Phép được ba ngày nhưng tôi đi tuốt đến năm ngày với lý do trời mưa bão, đường đèo nguy hiểm nên con chưa về được. Ba giận lắm, mắng và ra lệnh cho tôi phải về gấp, rồi ông cúp máy. Tôi phải nhờ đến sự phò tá của má, ba mới xiêu lòng.

Mấy ngày ở đây, do không có khóa tu nên thời khóa sinh hoạt bình thường. Tôi có cơ hội được tiếp xúc với những gì hiện thực xảy ra trước mắt, cái nhìn thơ mộng ban đầu về đời sống và hình ảnh người xuất gia cũng giảm bớt. Điều này khiến tôi tự kiểm và rà soát lại cảm quan bản thân, thẩm tra lại các ước muốn của mình. Trong buổi vấn đáp, câu trả lời cho câu hỏi của tôi bởi một sư cô khiến tôi thức tỉnh và giúp tôi mạnh dạn định hướng đi cho mình với một bầu nhiệt huyết dâng tràn. Thời gian ở đó, tôi lại xin đi tham vấn Sư Bá (tức Ôn Từ Đức), phần trăm muốn xuất gia của tôi lúc này lên đến một trăm.

 

Thời hạn đã hết, tôi trở về gia đình. Ba thấy tôi liền mừng vui hỏi :

–        Sao con, đi ngán chưa?

–        Tôi vờ vịt: “Dạ ngán rồi! Con không thèm đi nữa.”

 

Đó là khoảng thời gian gần cuối năm 2006, trong khi đợi chờ cơ hội tốt hơn để thưa chuyện với ba má. Tôi tiếp tục đi học tại TP.HCM. Xa được sự kiểm soát của ba mẹ, có trốn đi chùa cũng chẳng ai biết. Và tôi cứ đi lên vùng Bảo Lộc mỗi khi có ngày nghỉ nhiều để nuôi dưỡng và tưới tẩm hạt giống bồ đề trong mình. Thời gian ấy, nghĩ lại tôi thấy mình phạm giới nói dối nhiều lần. Mỗi khi nhận được điện thoại của ba má hoặc của các dì, tôi hoang mang lo sợ đầu dây bên kia nghe tiếng chuông thỉnh. Có lẽ được Bụt Tổ che chở nên không lần nào bị ba má phát hiện.

Những ngày đầu xuân năm 2007, Sư Ông và tăng thân Làng Mai về, tổ chức khóa tu. Tôi âm thầm lén lút ghi danh tham dự. Tiếp tục nói dối ba má vào lại TP.HCM trước mấy ngày để học sau kì nghỉ Tết, nhưng kỳ thực đi sớm mấy ngày để kịp khóa tu. Tôi chẳng để ba má chở ra quốc lộ đón xe như mọi khi tôi đi, mà hôm ấy nhờ em trai chở qua đón xe đi Bảo Lộc. Tất nhiên em tôi vì thương chị nên giấu kín giùm. Vậy là tôi được dự trọn vẹn khóa tu. Hơn nữa còn dự được buổi lễ xuất gia của bảy mươi bảy người trẻ, một con số khiến ai nghe cũng phải chấn động. Và làm sao tôi tránh khỏi cơn xúc động trước những bồ đề tâm cực kỳ dũng mảnh ấy. Sơ tâm cứ thế trào dâng, tôi hạnh phúc biết nhường nào! Tôi lại thưa với Sư Bá, bày tỏ nguyện vọng muốn đi tu của mình, Sư Bá yểm trợ. Ôn dạy tôi nên về nhà sống hết lòng với ba má trong một tháng.

Thế là tôi về Sài Gòn sau khi mãn khóa tu, quyết định không học tiếp nữa nên tôi lo thu dọn đồ đạc về nhà chơi với gia đình. Chẳng thể nào dám mở miệng xin vì lần nào cũng thế, ba luôn dọa:

–        Con mà bước ra khỏi nhà thì chừng ba ngày sau con về để tang cho ba.

Hoặc là:

–        Con đi đi, trong năm ngón tay này ba sẽ chặt đứt một ngón, xem như không có đứa con này.

Và dữ dội hơn nữa:

–        Con cứ đi trước, ba xách rựa theo sau, hễ gặp ông nào ba sẽ chém ông đó. Con đừng có mà bị dụ dỗ.

Vậy thì làm sao tôi dám, chỉ còn cách âm thầm xách áo ra đi.

Ba má thấy tôi mang tất cả hành lý về nhà nên hơi lo ngại:

–        Sao mang đồ về nhà nhiều vậy? Máy vi tính mang đi mang về làm chi mà khổ vậy con?

–        Trường con một tháng nữa mới đi học lại. Thầy cô ăn Tết hơi kỹ ba à! (tôi cười đùa). Với lại máy tính mà để trong đó thì không an toàn. Nhà không có khóa an toàn nên con mang về thôi. Còn cả tháng nữa mới học lận mà. Mang về con có cái để học chứ ba.

Rồi ba má yên tâm. Thời gian ấy tôi lén may đồ tu gấp. Thấy tôi có vẻ ít nói, hiếu để, ngoan ngoãn hơn rất nhiều so với trước nên ông bà sinh nghi nên cứ vặn hỏi mãi, nhẹ nhàng khuyên tôi nói thật, tôi hơi xiêu xiêu. Đó là một buổi tối, tôi mời ba má lên phòng khách, lấy hết can đảm tôi quỳ xuống thưa:

–        Con xin phép ba má cho con đi tu…

Tôi thấy tay ba run bần bật, ông kêu lên: – Trời ơi!…

–        Khoan đã, xin ba hãy cho con nói hết… Trường con đi học rồi nhưng con định không học nữa mà ôm đồ về sống với ba má một tháng, cố làm những gì có thể với ba má rồi con sẽ trốn đi. Do ba từng dọa dữ quá, nhưng vì ba má bảo con nói thiệt nên con xin khai thiệt… Con thấy hoàn cảnh gia đình hai bên nội ngoại của mình đầy đau khổ. Có tiền nhưng đâu có hạnh phúc thật sự đâu ba! Ba nhìn xem nơi các dì con đó, có mấy dì được hạnh phúc? Nếu con xin đi tu, ba má không cho mà cứ bắt con qua Mỹ, thì dù có qua đó rồi con vẫn đi tu. Con xin ba má cho phép con đi.

–        Thà con qua Mỹ, biết nước này nước kia với người ta, biết đó biết đây, sống khuất mặt ba muốn làm gì thì làm. Chứ giờ ba còn ở đây, con ở đó mà con đòi đi tu trước mặt ba, làm sao ba chịu nổi? Mỗi người có một cái số riêng. Con làm sao giống dì con. – Ba khóc nức rồi đứng dậy bỏ đi, không thèm nghe tôi nói nữa…

 

Đêm đó ba vào phòng nhưng không ngủ được. Ba khóc suốt và rên từng cơn. Nửa đêm, cơn đau khổ dường như tột cùng, ba đập tay xuống thanh giường tức tưởi than trời trách đất. Tôi ở ngoài lòng đau
như cắt, cũng không tài nào chợp mắt được. Quá nửa đêm, ba mở cửa phòng đi ra ngoài. Tôi đợi mãi không thấy ba trở vào trong khi ngoài kia trời đang mưa. Sợ ba nghĩ quẩn, tôi liền mở cửa đi tìm. Khi tôi đi ra tới hiên trước nhà, thấy ba ngồi bó gối co ro buồn bã, tay cầm khăn vừa khóc vừa chùi nước mắt. Lần đầu tiên từ khi sinh ra cho đến bây giờ tôi mới thấy ba tôi khóc như vậy. Như một đứa bé. Tôi thấy

quá xót xa, cảm thương ba vô hạn. Tôi ôm chầm lấy ba và hai cha con cùng khóc. Hồi lâu:

–        Con vào ngủ đi. Ba không sao đâu! – Ba sụt sùi.

–        Ba vào thì con mới vào – Tôi thút thít.

Ngồi đó rất lâu, ba mới chịu đi vào.
Hôm sau, ba bỏ ăn mấy ngày liền và mượn rượu để giải sầu. Kể từ đó hai cha con không nói chuyện với nhau nữa. Tôi cũng “đấu lại” bằng cách bỏ ăn giống ba. Ba xót con nên năn nỉ tôi ăn cơm. Cuộc “chiến” diễn ra ngót mấy ngày, tôi nghĩ mình khó lòng “thắng” được ba nên đành chọn giải pháp hoãn binh, gác chuyện đi tu lại, xin đi làm một thời gian cho ba thấy vậy mà an tâm và vui lòng.

Tôi xin việc nơi một nhà hàng, làm ở quầy bán hải sản. Hằng ngày phải đối mặt với cảnh giết chóc, buôn bán gian dối mà tôi phải tham dự vào công việc gian dối ấy. Lương tâm mình không cho phép phải tiếp tục. Thầm nghĩ chắc bây giờ ba nguôi ngoa rồi, đồ tu đã có sẵn nên tôi háo hức đợi ngày trốn đi. Nên gần hai tháng làm công việc đó, tôi muốn xin nghỉ. Có ngờ bị ba má phát hiện số đồ của tôi, ba lệnh má phải đốt ngay. Má tôi vì phần thương con và cũng muốn ủng hộ tôi nên không nỡ đốt mà đem vào gửi tạm nhà nội. Biết chuyện, tưởng đồ bị đốt sạch nên hơi buồn về cách hành xử của ba má, tôi tự an ủi mình và nhủ sẽ may lại không lâu.

Giai đoạn ấy, phái đoàn Làng Mai có viếng thăm chùa Long Sơn Nha Trang. Tôi nhân cơ hội còn ở đó, lái xe đi thăm Sư Bá và tham vấn chuyện lên Bát Nhã tập sự. Tôi đã làm theo lời Ôn dạy, nghỉ việc và tìm cách khác để ba hiểu mình hơn, thua keo này ta lại bày keo khác.

Với lời góp ý của một đứa bạn thân, tôi vào Sài Gòn học thêm vi tính với chủ ý mở một tiệm Internet tại nhà cho gia đình có thu nhập, sau này có đi cũng an lòng hơn vì mình đã giúp chút ít cho gia đình. Thời gian ở nhà làm việc cũng là thời gian để tôi thực tập hết lòng với gia đình. Chí xuất gia mãnh liệt thôi thúc tôi từng ngày, tôi lại lén may đồ tu giấu kỹ trong tủ quần áo của tôi. Tiếp tục đấu tranh tư tưởng với ba, tôi tiếp tục ăn chay trường sau hơn mấy tháng ăn chay khi học ở thành phố. Tôi không còn thiết nghĩ đến bạn bè, tiệc tùng. Cái điện thoại di động cũng trở thành vô nghĩa đối với tôi, cho nó nằm yên đó. Mỗi tối được xuống chùa tụng kinh cùng quý bác Phật tử là niềm vui sướng của tôi. Mỗi chủ nhật lại về chùa sinh hoạt cùng anh chị em là một điều vô cùng ý nghĩa và nuôi dưỡng bồ đề tâm. Cứ thế ngày lại ngày cho đến sáu tháng tôi sống và làm việc tại gia đình. Đó là cách tôi nỗ lực để cho ba hiểu lý tưởng của tôi. Tôi ao ước ba hiểu tôi muốn gì và cần gì trong đời này. Cái tôi cần không phải là tiền bạc danh vọng. Còn hạnh phúc gia đình đối với tôi giống như ảo ảnh phù du rất dễ vỡ nhưng muốn diễn tả điều tôi nghĩ cho ba má hiểu và cảm thông lại thật khó. Vì ba má lúc nào cũng cầu cho con cái có được tương lai rạng ngời, tươi sáng và hạnh phúc qua việc kết hôn. Nhưng ngưỡng cửa đó nhiều phiền luỵ buộc ràng. Cái tôi muốn là sự tự do, sự thanh thoát thong dong, và cuộc sống xuất gia giúp tôi thực hiện được điều này, lại còn có thể báo ân đấng sinh thành. Tôi rất muốn mang lại sự cảm thông hài hòa thắm thiết nghĩa tình trong gia đình.

Làm người xấu thường rất dễ, chịu sống đẹp rất khó. Sư Bá từng nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Một người đi tu là thế giới bớt khổ hơn bởi một người”. Như vậy nếu tôi tu chẳng phải cũng giúp đời được một phần nhỏ đó sao? Những thao thức trong lòng ngày càng nung nấu chí xuất gia của tôi. Quý thầy quý cô thường nói: Khi nào bồ đề tâm phát lên trên 100% thì hãy quyết định đi tu. Đối với tôi lúc ấy, không được đi tu chắc tôi chết mất. Tôi cảm thấy mình chẳng thể làm được gì nữa, nếu ba má cứ ngăn không cho tôi đi…

Suy nghĩ và chờ thời cơ, tôi sắp xếp hành lý dự tính lên đường trước Vu Lan 2008. Nhưng theo lời khuyên của anh chị trưởng trong đoàn, tôi đành nán lại chờ xong Vu Lan, nghĩ mình nên hưởng một mùa Vu Lan cuối bên cạnh ba má rồi ra đi cũng còn kịp.

 

Ngày báo ân phụ mẫu tôi dâng quà lên cho má. Khi má tôi nhận quà, bà khóc nhiều lắm. Tôi không hiểu vì sao má khóc. Tôi cố gắng cười nhiều để má vui mà lòng tôi lại rất buồn vì cảm giác sắp chia ly. Tôi cố giấu đi bao cảm xúc khi biết mình phải lìa xa gia đình thời gian khá lâu và có thể sẽ không bao giờ được về lại gia đình nếu ba tôi còn giận và muốn từ con. Tôi đã quyết định và chấp nhận hậu quả xảy ra.

Nữa tuần sau, ngày mong đợi đã đến. Hay tin ôn Từ Đức đang về chùa và chuẩn bị trở lại Bát Nhã, tôi lập tức liên lạc và xin đi tập sự xuất gia.

Chiều 20/8/2008, tôi chuyển giấu một cái ba lô xuống nhà bạn thân trước. Đồ đi trước, người đi sau sẽ tiện hơn, sẽ không ai phát hiện ra. Nghĩ rồi tôi gọi điện cho người anh họ xuống chở mình ra khỏi nhà. Em gái tôi biết tôi sẽ đi chiều nay vì một sự hớ hên nào đó trong lúc chuẩn bị nên hỏi:

–        Chị làm gì đó? Chị tính đi thiệt hả? – Em vừa khóc vừa hỏi.

–        Ừ, chị đi. Đừng cho ba má với mấy đứa kia biết nha.

–        Chị đừng đi mà! Lỡ ba má biết chuyện, ba có chuyện gì thì tính sao đây? – Em càng khóc to hơn.

–        Chỉ cần giấu giúp chị thôi, để chị đi cho yên. Đây là cơ hội cuối cùng của chị. Thương chị, em im lặng giùm chị nha! – Tôi bình thản đáp và biết rằng lúc ấy mắt tôi cũng đỏ hoe. Kết quả em đã rất dũng cảm giấu kín.

Chiều ấy ba tôi đi làm ngoài biển. Tôi đứng nhìn qua các lỗ thông gió để được thấy ba lần cuối. Nhìn dáng ba vô tư hiên ngang chẳng hề biết sắp có chuyện động trời xảy ra. Một mình tôi đứng đó bất động và dường như tim mình đang quặng thắt lại. Đau lắm! Cái cảm giác đau thống thiết mà không được khóc thành tiếng, tức ngực, tôi cố gắng dùng tay bịt miệng để ngăn tiếng khóc bật ra.

Cứ thế bóng ba khuất dần sau con dốc nhỏ. Mắt tôi đau và nóng ran lên, nhưng rồi tôi cố kềm nén cơn sầu, đi rửa mặt cho mắt đỡ sưng vì má tôi hiện còn đang ở nhà. Má sẽ lo lắng nhiều nếu thấy mắt tôi đỏ với sự bất an đang có. Lúc này má đang quét sân sau nhà, công việc gì đó khiến má lấy xe đi đâu. Tôi biết đây là giây phút có thể ra đi nhưng cũng là giây phút ngậm ngùi nhất. Tôi lại đứng ở vị trí cũ, lén nhìn má như đã nhìn ba. Bà đang vui vẻ nói nói cười cười với những người hàng xóm đang đi lại trước nhà. Nước mắt tôi lại trào ra giàn giụa, nhìn trước sau trong nhà vắng tanh. Má dẫn xe ra, mắt hướng về phía trước. Tôi chạy ra trước hiên để nhìn dáng má đi xa trên con “ngựa sắt”. Tôi đã có thể buông tay, cho phép mình khóc thành tiếng rồi nghẹn ngào thầm gọi “Má ơi!”.

Con đường làng quanh co lượn khúc. Dáng má đã mất hút. Tôi đứng lặng người trong vài phút để lắng nghe cảm xúc trong mình. Đến giờ tôi phải lên đường rồi, không thể chần chừ thêm phút giây nào nữa. Quýnh quáng đi tìm đôi dép. Đôi dép “rất hợp” để đi tu – tôi thấy vậy đó. Nhưng mèn ơi ! Dép đâu rồi, nó trốn nơi nao úy trời! Nó dường như đã nằm gọn trong đôi chân của má tôi rồi. Nhìn quanh quẩn tôi chẳng thấy mang một đôi dép nào khác được vì toàn là dép thời trang thôi. Có đôi dép “chùa” kia tôi mới tự tin lên Bát Nhã được, tôi ngây thơ nghĩ vậy nên đành phải ráng đợi má về.

Mười lăm phút sau má về với đôi dép rõ nằm trên chân. Như tên trộm khôn ngoan, lấy được đôi dép xong tôi quan sát bốn bên, thấy im vắng, không bóng người, tôi liền chạy một mạch ra khỏi nhà, đi thẳng xuống trường mẫu giáo cách nhà chừng 30m – nơi anh họ tôi đang đợi. Anh chở tôi xuống nhà nhỏ bạn lấy ba lô, nón lá, thêm một vài cuốn sách của Sư Ông mà tôi chưa đọc xong. Mẹ nhỏ bạn cho phép nó đi cùng tôi. Bà là người mộ đạo, hiểu đạo, nhưng lại phải giấu ba nó. Bà chở nó đi trước rồi về thưa lại với Ông sau. Bà nói: “- Cho nó đi lên chùa một tháng, nếu mà muốn tu luôn thì càng tốt”.

Hai xe bốn người đi được một đoạn đến nhà anh huynh trưởng. Anh ngoắc lại mời vào uống nước để nán đợi vài người nữa. Tôi mới biết lúc này tin tôi ra đi đã truyền lan và hôm nay có nhiều người muốn “hộ tống” đưa tôi lên tới chùa Từ Đức để tạm biệt. Cố nhiên không ai mách lại với gia đình tôi và
sẵn lòng giấu kín. Dễ thương làm sao!

 

Khi đoàn người đưa tiễn với cả xe máy lẫn xe đạp tập trung đầy đủ. Có khoảng hai mươi người kể cả anh chị huynh trưởng và các em đoàn sinh gia đình Phật tử. Nhìn bộ dạng tôi lúc ấy, mặc quần tây, áo thun đen, ba lô trên tay, đầu đội nón lá…nên nhiều người đã không cầm được nước mắt.

 

Xe đạp được để gọn vào nhà anh huynh trưởng và xe máy được vân tập để cùng chở nhau đi. Không đủ xe nên anh chị em tôi phải chở ba. Ai cũng muốn tiễn tôi đến tận chùa, vì thế phải cùng nhau đi đường hẻm để tránh công an giao thông.

Đến chùa, trời đã sụp tối hẳn. Cả đoàn lần lượt đi vào, thầy thị giả Ôn đưa chúng tôi vào bàn khách. Cuộc chia ly thấm đẫm đạo tình, nước mắt tiễn đưa, mọi người ra về. Tôi được sư cô (chị của H. đã từ Làng về) đưa vào phòng nghỉ. Đêm đó là một đêm khó ngủ. Tôi yên tâm là gia đình chưa thể tìm ra tôi và ba không dễ dàng bắt tôi về. Nhưng tôi rất lo lắng cho gia đình, không biết khi tôi đi ở nhà liệu có xảy ra chuyện gì! Ba có bị làm sao không? Tôi sợ ba tự tử lắm.

 

Một đêm sáng trăng, tuy không tròn nhưng trời trong và sáng lắm. Sư cô rủ hai chị em cùng đi thiền hành, ngắm trăng, trao đổi với nhau. Lúc ấy tôi mới biết Bát Nhã đang có chuyện không an. Nhưng tâm đã quyết “người ra đi đầu không ngoảnh lại mặc cho sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”, tôi chấp nhận tất cả mọi rủi ro nếu sự việc không hay xảy đến cho tu viện. Khi ấy tôi có niềm tin dũng mãnh nơi Tăng Thân nên dù có khó khăn đi chăng nữa, được ở trong Tăng Thân là điều tuyệt vời nhất rồi. Sư cô tin tưởng nơi tôi, tôi cũng tin mình sẽ chân cứng đá mềm. Sau khi tâm sự hàn thuyên, mấy chị em về phòng nghỉ để sáng mai lên đường đi Bát Nhã sớm.

 

Về phía gia đình tôi, chiều đó khi rời gia đình, tôi đã lưu lại thư từ biệt và cuốn nhật ký trong phòng. Tám giờ tối, thấy tôi chưa về, má tôi bắt đầu bồn chồn sốt ruột. Bà hỏi thăm các em tôi:

–        Mấy đứa biết chị đi đâu không?

–        Dạ chắc chị đi uống nước với bạn rồi.

Má suy diễn:

–        Có khi nào nó đi uống nước để từ giã bạn bè không? Tư tưởng này càng khiến bà lo lắng hơn.

Má tôi lo vì có lần vào phòng tôi, bà mở tủ đồ tìm cái gì đó và bất ngờ thấy cái ba lô tôi giấu ở ngăn dưới nên đã để bụng nghi ngờ… Lúc đó má đã nói với ba:

–        “Em nghĩ con nó chuẩn bị đi nữa rồi. Nó lại chuẩn bị đồ tu đủ cả. Em nghĩ lần này nếu nó xin đi thì anh cho nó đi đi, để nó thoải mái, chứ mình cản nó nhiều lần lắm rồi. Anh thấy đó, mình cản nó vô chùa tu, một năm nay nó cũng như người tu tại gia rồi còn gì nữa. Tâm nó quyết rồi, mình cản cũng không được. Để nó đi rồi nếu không được thì nó lại về…”

Nghe đến đó ba làm thinh không nói. Có lẽ ba cũng đồng ý vì những lần trước vừa nghe nhắc đến chuyện tôi đi tu là ba đã nổi trận lôi đình, phản bác tuyệt đối.

Rồi một người cậu họ xuống hỏi thăm tôi khiến má càng cuống quýt lo lắng:

 

–        Lạ thiệt, không hiểu nó đi đâu, bình thường tám giờ là nó về rồi, sao hôm nay đi từ chiều mà giờ hơn chín giờ vẫn chưa về? Bình thường nó lấy xe đi, hôm nay xe còn đó, vậy ai chở?

 

Lúc bấy giờ má thật sự lo bấn người. Ba tôi đã về, ăn tối và về phòng nằm nghỉ. Ba cứ tưởng tôi đi chơi với bạn. Nhưng khi má chạy vào phòng tôi kiểm tra, mở tủ nhìn cái ba lô không còn thì má hô toáng lên
rằng tôi đã đi rồi. Ba hoảng quá ngồi bật dậy. Ngay lúc ấy ông bà ngoại từ Mỹ điện thoại về, má nhấc máy mà giọt ngắn giọt dài trình bày đôi chút rồi lại cúp máy để lo chuyện của tôi. Cả nhà nhốn nháo vào phòng tìm kiếm. Biết là sẽ có thư, má lục toang giường ngủ của tôi, thấy dưới gối có lá thư,  đầu hàng ghi dòng chữ: “Khi Ba Má nhận được thư này thì con đã đi xa rồi” (tất nhiên lúc ấy tôi ở gần nhà lắm, mười hai cây số thôi nhưng tôi phải viết vậy để đánh lạc hướng, không bị bắt về. Vì vậy khi ở chùa tôi tin chắc chắn mình an toàn).

Cả nhà ồ lên khóc. Hàng xóm xúm xít qua thăm thốt lời động viên, an ủi. Má cố gắng gọi điện cho bạn bè tôi hỏi thăm tin, nhưng chẳng ai biết tôi đi đâu, đến đâu. Trong thư tôi nói mình đi Huế mặc dù thực tế tôi đi Bảo Lộc.

Đêm đó cả nhà không ai ngủ ngon. May mắn là ba tôi không tự tử, cũng không làm điều gì nông nổi, chỉ khóc ròng mấy ngày. Hai mắt ba đỏ kè, sưng húp, cứ ngồi chờ tôi điện thoại về. Tôi ra đi ngày thứ Tư, đến Chủ Nhật, ba nhìn thấy mấy em đoàn sinh gia đình Phật tử đến chùa sinh hoạt, ba càng khóc nhiều hơn vì nhớ tôi và nói với má:

–        Anh không chịu nổi nữa, anh nhớ con quá, trong người anh bức rức không yên. Anh phải đi tìm con!

–        Biết ở đâu mà tìm hả anh? Mình phải đợi nó điện thoại về rồi hỏi thăm địa chỉ, chứ giờ biết tìm ở đâu? Anh có thấy không? Bao lần nó xin anh đi tu, anh hăm he đốt chùa đòi sống, đòi chết. Bây giờ nó trốn đi liệu nó có dám gặp anh không, người ta mà biết thì cũng giấu giùm nó, dại gì họ chỉ…

–        Giọng ba áo não: – Nhưng giờ anh sẽ không bắt nó về, anh chỉ muốn nói với nó là: – Ba má đồng ý để con đi tu, cho lòng nó thoải mái, không phải âu lo về gia đình, nó yên tâm tu hành mà mình cũng an lòng biết nơi nó ở – Ba vừa nói vừa sụt sùi nước mắt.

–        Vậy để em ráng hỏi thăm.

 

Má cố gọi điện thoại hỏi gạn thêm mấy anh chị em trong gia đình Phật tử, năn nỉ đủ điều, rồi một em xiêu lòng khai báo:

–        Vậy cô lên chùa Từ Đức hỏi thăm sẽ rõ hơn. Hôm đó P ngủ lại ở chùa một đêm, sáng đi sớm.

 

Ba má tôi mừng lắm, lái xe lên chùa hỏi thăm. Gặp anh L và hỏi thăm về tôi. Anh L cũng ngại lắm, không dám khai nhưng khi hiểu nỗi lòng của ba thì rất thương cảm và chỉ chỗ. Tính đến đó thì cũng gần một tuần kể từ ngày tôi đi.

Phần tôi, tại tu viện, V- nhỏ bạn đi cùng tôi có mang điện thoại theo. Nhưng hễ điện thoại nó reo là tim tôi đập thình thịch, vì vậy nó phải tắt nguồn vì sợ gia đình tôi lần dấu. Nhưng tôi đâu được an tâm trong những ngày đó, cứ ngay ngáy lo cho gia đình. Cuối cùng tôi lấy hết can đảm bảo V mở máy và điện thoại về hỏi thăm em gái tôi. Nó bảo:

–        Chị gọi về cho ba đi. Hổm rày ba cứ khóc hoài và định đi tìm chị đó.

–        Chị không dám điện đâu, ba không sao thì chị mừng rồi. Nếu điện về ba hỏi chỗ rồi lên bắt chị về thì làm sao?

–        Ba không bắt chị về đâu, thiệt đó. Ba nói đã cho phép chị đi tu rồi. Ba muốn biết chỗ chị ở như thế nào, có an không?

–        Đừng gạt chị. Chị không điện. Em cứ nhắn với ba má là chị khỏe, đi tới nơi bình an là được rồi.

Nói đến đó tôi cúp máy, suy nghĩ về những gì em tôi nói và lời động viên của V, và tin chắc đây là sự thât. Nên thu hết can đảm điện về cho em. Lần này tôi chịu nói chuyện với ba. Giọng ba thật ngọt ngào, cứ như dỗ dành tôi ngày còn bé vậy.
– Con đó hả? Con có khỏe không?

Tôi đáp: – Con khỏe, ba có ổn không ba?

Ba nghẹn ngào: – Sao con đi mà không thưa với ba má một tiếng, lẳng lặng rời nhà vậy con? Con có biết lúc biết tin con đi ba bị sốc chừng nào không?  Mấy ngày nay ba cứ đợi tin con, hỏi thăm rất nhiều người mà không ai biết con đang ở đâu, sống như thế nào…

Rồi ba khóc. Nghe tiếng khóc của ba trong điện thoại, nước mắt tôi tuôn đầm đìa:
– Con sợ… ba không cho con đi. Con sợ ba đòi chết. Con sợ ba làm điều xằng bậy với người tu. Vì nhiều lần ba đã hù con…

–        Ba chỉ nói vậy để con nghĩ lại, để con sợ mà bỏ ý định đi tu thôi, chứ ai mà làm điều dại dột đó hả con? Giờ con đang ở đâu? Hãy cho địa chỉ để ba má lên thăm con…

–        Không, con không cho ba má biết đâu. Ba biết ba sẽ lên bắt con về.

–        Ba không bắt con về đâu. Ba má cho con đi tu lâu rồi. Ba chỉ đợi một ngày con xin phép hẳn hoi rồi ba sẽ cho con biết. Nhưng ba chưa kịp nói gì… thì con đã bỏ nhà ra đi. Ba đau lòng lắm. Ba chỉ muốn lên thăm con một lần, nói với con là ba đã đồng ý với sự lựa chọn của con. Nhìn thấy con ba má mới yên tâm được.

–        Vậy ba hứa đi. Ba hứa là sẽ không bắt con về thì con mới cho địa chỉ.

–        Ba hứa!

Thế là theo hẹn, từ quê tôi đến Bảo Lộc đi bằng xe máy thì mất sáu giờ nhưng ngày hôm đó tôi đợi mãi, càng lúc càng về chiều, nghĩ đường đèo nguy hiểm, trời lại mưa dầm, khiến tôi thêm nơm nớp lo sợ. Đến ba-bốn giờ chiều tôi mới thấy một chiếc xe Future đỏ chạy ngang qua tu viện. Hai người ngồi trên xe cứ chăm chăm nhìn vào phía chúng tôi, nhưng do Ni xá cách đường khá xa không thể nhìn rõ mặt, tôi thấy họ chạy thẳng vào khu du lịch Đamb’ri. Lòng sinh nghi, tôi xin phép được cùng V ra ngoài đường đứng đợi. Lát sau khách quay xe ngược trở lại, thì đúng là ba má. Cả ngày dài ba má đi xe rã rời mệt mỏi, tôi xót xa nhìn bụi bặm đóng từng lớp trên gương mặt hai đấng sinh thành yêu thương. Gặp nhau đôi bên đầy xúc động, không cầm được nước mắt. Phút giây đoàn tụ đã giúp chúng tôi giải tỏa hết bao nhiêu khúc mắc. Khi tôi mới chân ướt chân ráo vào tu viện, vài sư cô biết hoàn cảnh của tôi lúc ấy, thông cảm và đến chơi. Nhân cơ hội ba má lên thăm, mọi người rủ nhau đi chơi suối, ăn mít tố nữ và cùng thưởng thức quà bánh ba má mang lên cho tôi tại nhà Lục Giác.

Những gì xảy ra sau khi tôi trốn nhà đi được kể lại. Bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu sung sướng khiến không khí đoàn tụ càng trở nên ấm cúng, thân tình. Thấy quý sư cô thật tâm lý, thật gần gũi nên ba má tôi rất yên tâm. Đúng như những gì ba tôi hứa, ông không bắt tôi về và ngược lại rất hạnh phúc khi thấy tôi được sống giữa một tập thể lành mạnh, thân ái, mọi người lại thương yêu, giúp đỡ cho nhau – một tập thể thiện tri thức. Ba mẹ ở lại chơi một ngày. Hôm sau trước khi về, đã chân thành gửi gắm con mình lại cho quý sư cô. Tôi chính thức được tập sự sau một tháng sống tại tu viện, và có những ngày ngập tràn hạnh phúc tiếng cười. Sau sáu tháng tập sự, tôi được đại chúng cho xuất gia cùng với gia đình cây Sen Vàng tại tổ đình Từ Hiếu – Huế. Ba má tôi đã ra tận nơi để dự lễ xuất gia.

 

Lễ xuất gia sư cô Chân Ân Nghiêm tại tổ đình Từ Hiếu

Sau này có dịp về thăm nhà, ngắm tôi trong hình tướng người xuất gia, ba má tỏ vẻ hạnh phúc lắm. Hình như ba má đã nhận ra được điều gì đó nên bảo: – “Con đi tu là sáng suốt lắm. Giờ trong ba đứa em còn lại của con, nếu đứa nào muốn đi tu thì ba má hết lòng ủng hộ”…

Tôi cười, lòng tràn ngập niềm vui vì ba má đã thấu hiểu. Thật tri ân tấm lòng núi cao biển sâu của ba má vô bờ.
Một niềm biết ơn lớn lao hơn nữa là sự yểm trợ hết lòng của ba má đã cho tôi tiếp tục đi trên con đường phụng sự, con đường bất bạo động dù cho biến cố Bát Nhã có xảy ra, dù cho bốn trăm tăng ni không có chỗ ở phải tá túc nhiều nơi nhiều tháng, dù chưa biết số phận của bốn trăm tăng ni trong đó có con của mình sẽ đi về đâu nhưng hai vị đã âm thầm tiếp thêm nghị lực cho tôi được vững lòng và nương vào sức mạnh của Tăng thân để vượt qua muôn ngàn sóng gió.

Trải qua những biến động thăng trầm, mỗi ngày trôi qua, tôi dần lớn lên trong tình thương của huynh đệ và Tăng thân. Cùng với năng lượng thực tập hùng hậu và sự đi tới của tăng thân, niềm tin lớn lên trong tôi và tôi thấy mình thật sự may mắn khi chọn đúng Thầy, đúng môi trường để thực tập nhìn sâu tự thân, dừng lại và chuyển hóa. Cùng trang lứa như tôi hoặc trẻ hơn tôi hiện nay ngoài xã hội có biết bao bạn trẻ đang bị cơn bão của cuộc đời cuốn đi, xô ngã, đau khổ và tuyệt vọng. Các bạn có bao giờ biết dừng lại và biết đủ với những gì đang có trong hiện tại mà mỉm miệng cười hạnh phúc. Tôi nhìn họ và thấy thương thật nhiều. Trong khi đó, tôi nhìn lại tôi và thấy mình có quá nhiều hạnh phúc. Có Thầy và muôn triệu anh chị em, bạn bè cùng chung đôi tay tô đẹp cho đời, có cả một bầu trời xanh, một bầu trời đầy trăng sao trong những đêm Rằm, có đầy không gian của chim choc, của hoa lá, có đầy tình thương của sự hiểu biết, sẵn sàng ôm ấp tha thứ bao dung cho những niềm đau nổi khổ của  mình và cho những gì đã làm mình khổ. Bởi vậy mà con đường tôi đi như rộng lớn thênh thang thêm, có đầy đủ các loại “thuốc men” để chữa trị những lần tôi “đau ốm”. Tôi sẽ vẫn mãi có mặt đây để hát ca cho tôi, cho cuộc đời, cho những người xung quanh tôi.”

Mấy lời kính gởi đến Ba Má lòng tri ân của con. Kính tri ân Thầy và Tăng thân xinh đẹp đầy tình thương này.

 

Con –  Chân Ân nghiêm –