Nhân duyên nào đã đưa bạn đến đây?

Chỉ vài ngày nữa thôi, Làng Mai sẽ tổ chức lễ xuất gia cho 9 em tập sự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới đây là một vài chia sẻ của các em về những nhân duyên đã đưa các em tới với Làng, và chọn con đường xuất gia này. Bên cạnh đó các em cũng trải lòng chia sẻ  điều mà các em cảm thấy khó buông bỏ nhất khi đi xuất gia.

Chia sẻ của tập sự Jie Wu, 30 tuổi, người gốc Trung Quốc đến từ Bồ Đào Nha:

Hồi trước, khi còn là sinh viên con thích khám phá, trải nghiệm và con đã thử học nhiều ngành khác nhau. Con thích đi đây đó, và đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng những điều ấy không mang con tới cái đích mà con muốn đến. Ví dụ có lần con muốn trở thành họa sĩ, con đã học hội họa vài năm. Và rồi con lại muốn trở thành nhà sản xuất phim, con đi học làm phim một thời gian. Sau đó, con qua Ấn Độ, sống ở đó gần một năm rưỡi. Con tham gia các hoạt động xã hội, dạy trẻ em học tiếng Anh và học nhảy. Ông hiệu trưởng ở trường ấy rất thương con và hay rủ con đọc sách về Phật giáo. Có một lần ông ấy giới thiệu cho con cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” của Sư Ông Làng Mai. Con nghĩ là hạt giống bồ đề đã được gieo trong con và nó vẫn âm thầm lớn lên trong con suốt thời gian đó. Thật ra con vẫn chưa đọc quyển sách ấy cho đến khi đặt chân đến Làng Mai, nhưng con cũng đã có cơ hội đọc vài cuốn sách khác của Sư Ông, trong đó có cuốn “Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy”, hay cuốn “Bụt và Chúa là anh em”. Năm 2015, con tham gia những hoạt động xã hội và con nhận ra trong con hạt giống giận rất lớn. Trong khi làm nhà hoạt động xã hội con đã bị quá tải và kiệt sức, vì vậy con quyết định đến Làng Mai để chữa trị và phục hồi năng lượng cho chính mình. Con tưởng là Sư Ông vẫn còn ở đây, nhưng lúc đó Sư Ông đã về Thái Lan. Nhưng thật may là con vẫn có cơ hội được gặp quý thầy khác của Làng. Nhờ vậy mà con cũng giải tỏa được những khúc mắc trong lòng mình. Con nhớ, một lần khi nghe bài pháp thoại với nội dung “Hàn gắn và chữa lành mối liên hệ với ba”, bài pháp thoại đã thật sự đánh động vào tâm can con. Trở về nhà, con cố gắng áp dụng những pháp môn được học tại Làng vào sự thực tập trong đời sống của mình. Nhưng cứ mỗi lần có khó khăn với gia đình, con vẫn không thể nào chịu đựng được và con lại bỏ nhà ra đi. Con đã qua Canada sống trong vòng hai năm. Con tìm đến và tham gia tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai ở đó. Con cũng sinh hoạt theo tăng thân Wake Up – cho những người trẻ ở Toronto. Nhờ đó mà con vượt qua và sống sót được sau những giông tố của cuộc đời. Rồi con lại quay về nhà lần nữa. Năm ngoái con đã quyết định qua Làng Mai thực tập hai tuần, lúc đó con xin được làm cư sĩ ngắn hạn. Sau thời gian thực tập đó, con muốn ở lại Làng thêm để thực tập sâu sắc hơn. Nhờ sự giúp đỡ của quý thầy, con đã được phép ở lại tham dự khóa tu An Cư năm đó. Từ sau khóa tu An Cư ấy hạt giống xuất gia đã bắt đầu lớn mạnh hơn trong con. Bây giờ đây, con cảm thấy rất hạnh phúc khi có đủ cơ duyên để được biểu hiện trong một gia đình tập sự rất dễ thương như thế này.

Tuy nhiên, vì còn mới trong sự thực tập cũng như trong vị trí của một người tập sự nên con vẫn còn thấy chưa dễ dàng để buông xuống trách nhiệm của mình với gia đình. Con là anh cả trong nhà nên từ nhỏ tới lớn con đã luôn ý thức về trách nhiệm chăm sóc cho gia đình, nhất là khi cha mẹ về già. Và hiện tại, con cũng đang cố gắng thực tập để “từ bỏ” cái điện thoại và máy tính xách tay của mình.

Ba mẹ con là người Trung Quốc, nhà con ở cách Thượng Hải bốn tiếng đồng hồ đi xe. Nhưng sau đó gia đình con đã chuyển qua Mỹ sinh sống. Khi đến Mỹ, ba mẹ con làm việc ở nhà hàng, có khi làm trong xưởng may mặc. Sau đó gia đình con tiếp tục chuyển qua Bồ Đào Nha, lúc này ba mẹ con đã tự đứng ra mở một nhà hàng. Vậy nên, con đã từng sống ở Mỹ, ở Bồ Đào Nha, và cũng từng sống ở Trung Quốc với ông bà của con. Thành ra, ba mẹ của con đã phải di chuyển rất nhiều.

 

Tập sự Jie Wu

 

 

Chia sẻ của tập sự Aurelien Jacques Thierry Gerard Delaux 32 tuổi đến từ Pháp:

Con bắt đầu thực tập theo pháp môn Làng Mai từ ba năm về trước. Công việc cuối cùng con làm trước khi đến đây là huấn luyện viên dạy về quản lý cảm xúc. Nhưng con nghĩ là con chỉ có thể giúp người ta cách làm dịu đi những cảm xúc của họ chứ không thật sự giúp họ chuyển hóa được những cảm xúc ấy. Con đã từng có một cuộc sống rất thoải mái. Con có nhiều tiền nên dễ dàng có trong tay mọi thứ con muốn, chỉ hưởng thụ cuộc sống. Điều kiện về tiện nghi vật chất luôn đầy đủ là vậy nhưng con luôn cảm thấy có một thứ gì đó cứ thao thức trong lòng mình. Khi bắt đầu thực tập pháp môn Làng Mai, con cảm nhận đời sống của mình đã khác hẳn trước kia. Duy trì sự thực tập như một người cư sĩ thực tập bình thường, cho đến một ngày, con có cảm giác như mình đang đặt một chân trên mặt đất còn chân kia thì lại đặt trên một con thuyền. Mà con thuyền ấy thì đang rời bến ra khơi. Đến khi con không thể chịu đựng nổi cảm giác đó nữa là lúc con biết mình phải quyết định dứt khoát cho cuộc đời của mình. Con muốn trở thành một người xuất gia. Con có thể cảm nhận được tầm quan trọng của Bụt và Pháp nhưng chưa thật sự cảm nhận được ý nghĩa của tăng thân. Vì vậy con đã tham gia sinh hoạt trong một tăng thân cư sĩ tại địa phương để có thể hiểu thêm về tăng thân. Trong tăng thân của con có một người rất ngưỡng mộ Sư Ông Làng Mai, người ấy kể cho con về Sư Ông. Con tự hỏi mình: “Sư Ông là ai? Có phải Sư Ông là một thầy tu người Việt Nam? Trong buổi sinh hoạt đầu tiên ấy, con đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi người cùng hát chung với nhau một vài bài hát trước khi bắt đầu chia sẻ. Con hỏi để xin gợi ý cuốn sách nào nên đọc khi mới bước đầu thực tập thì có một bạn đã tặng con cuốn “Im lặng sấm sét”. Mọi người trong tăng thân chia sẻ rất nhiều về Sư Ông. Con sống ở khu vực Marseilles (Pháp), cách nơi sinh hoạt của tăng thân ở Bordeaux vài giờ đi xe. Con đã tham gia sinh hoạt với tăng thân ở đó vài lần từ tháng tư năm ngoái, con đã thực sự hiểu sâu hơn tầm quan trọng của tăng thân. Con nhận ra rằng dù mới chỉ có một tuần thực tập cùng tăng thân thôi mà con đã có rất nhiều chuyển hóa, có khả năng lắng nghe người khác, có niềm tin vào sự thực tập. Ngay lúc ấy con quyết định mình phải trở thành người xuất gia. Con sắp xếp công việc và mọi thứ để có thể đến tham dự khóa tu an cư ba tháng và có mặt ở đây với mọi người.

Hiện tại, con vẫn đang nỗ lực thực tập để chuyển hóa những nỗi sợ hãi, lo lắng, và sự đòi hỏi bản thân. Đôi khi trong lòng con hay xuất hiện suy nghĩ trách móc và phát xét chính mình như “mình không đủ hay, không đủ tốt”, “tại sao mình lại chia sẻ chuyện này, lại chia sẻ chuyện kia”. Con dần quen với những tâm hành đó nhưng vẫn luôn ý thức về chúng để tiếp tục thực tập của mình.

 

Tập sự Aurelien Jacques Thierry Gerard Delaux

 

 

Chia sẻ của Tập sự Ian Campbell Wiseman 26 tuổi, đến từ Mỹ:

Một ngày nọ, mẹ con đưa cho con cuốn “An lạc từng bước chân” của Sư Ông. Con cảm thấy những điều trong cuốn sách có liên hệ rất sâu sắc tới con. Con cảm nhận được trái tim của Sư Ông đặt trọn vào những việc rất nhỏ nhặt hằng ngày cho tới những điều vĩ đại lớn lao. Quyển sách đã thật sự đánh động con. Từ nhỏ đến lớn con chưa từng nghe ai dạy cho mình biết những điều giản dị mà màu nhiệm như thế. Sau đó con đã đăng ký tham gia sinh hoạt trong một tăng thân cư sĩ nhỏ ở thành phố Kansas (Mỹ), cũng khá gần nơi con sống. Một năm sau, con quyết định sẽ đến Làng Mai. Và mùa hè năm ngoái con đã tham dự hai tuần cuối của khóa tu mùa hè. Thật ra người giúp con tìm đến nơi này là Sư Ông, nhưng thực sự chính tăng thân Làng Mai đã khiến cho con quyết định ở lại đây.

Điều gì mà con cảm thấy khó buông bỏ nhất để xuất gia? Thật sự, con đã từng cảm thấy rất khổ sở trong mấy tháng đầu tiên khi mới trở thành người tập sự xuất gia. Tham dự vào đời sống giản dị cùng tăng thân, con nhận ra mình cần phải từ bỏ rất nhiều thứ để có thể sống thảnh thơi trong đời sống này. Nhưng cứ mỗi lần nhìn lại những thứ mà mình nghĩ sẽ từ bỏ thì hàng triệu lý do lại đi lên để biện minh khiến con rất khó khăn trong việc từ bỏ chúng. Chẳng hạn như cái điện thoại di động của con. Mặc dù có một động lực mạnh mẽ trong con cho biết rằng nếu con bỏ được nó thì sẽ rất hay nhưng con vẫn loay hoay mãi với nó. Con có nhiều lí do để muốn giữ nó lại như: nó cũng là phương tiện để con giữ liên lạc với những người thương, hay để xem giờ,… Con thấy mình đã sống khá xa gia đình rồi, nên những tâm tư như vậy hay xuất hiện trong con. Cuối cùng con nhận ra rằng nếu con thực sự quan tâm và thương yêu người thân của mình, thì sẽ có rất nhiều phương tiện và thời gian để con có mặt với họ. Dù chỉ một món đồ điện tử nhỏ xíu như cái điện thoại mà con đã quen dùng từ năm con mười ba tuổi cũng khiến cho con khó buông bỏ. Nên khi buông bỏ được thì cũng là một sự buông bỏ thật sự.

 

Tập sự Ian Campbell Wiseman.

 

 

Chia sẻ của tập sự Rosa Maria Martinez Santaella, 48 tuổi, đến từ Tây Ban Nha:

Con được sinh ra trong một gia đình theo đạo Công Giáo. Năm nay con đã 48 tuổi. Từ lúc 2 tuổi đến năm 17 tuổi con theo học ở một trường Công Giáo do các xơ dạy. Từ năm 18 tuổi, con đã tâm sự cho gia đình con về ước nguyện được sống và lớn lên trong tu viện với các xơ và đi theo họ đến Nam Mỹ để truyền giáo. Các xơ ở đó thường đi Nam Mỹ để truyền giáo và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là ước mơ của con. Trong gia đình, con là con cả, sau con còn có ba người em. Hồi đó, nhà con rất nghèo, nên ba con phải làm việc rất vất vả để mang lại một cuộc sống thoải mái cho chị em con. Lớn lên con chỉ biết đi theo đường của ba đã định sẵn cho con. Con cũng đi học đại học, rồi lập gia đình. Việc làm ăn của con rất tốt, con đã tự mình mở một cơ sở kinh doanh mà tính đến nay cũng đã được 25 năm. Con có một đứa con gái. Con từng đảm trách những chức vụ cao cấp và có liên hệ với những chính trị gia. Trong lòng họ thường có những cam kết rất sâu sắc về việc muốn giúp đỡ người khác. Con cũng cảm nhận tâm bồ đề dũng mãnh trong con. Hai năm trước, có lần con đã nói với em trai mình – người bạn thân thiết nhất của con, rằng có lẽ sau này con muốn trở thành một nữ tu. Em con nói với con: “Chị ơi, chị sẵn đã là một nữ tu rồi”. Và lúc đó con nhận ra, thực sự vừa là một doanh nhân, vừa là một nữ tu là một điều hết sức khó khăn. Con đã phải một mình đối mặt với rất nhiều khổ đau, có lẽ cũng do cách nhìn sai lạc về con đường phụng sự và ý niệm sai lầm về từ bi của con. Có lúc con đã hùng hồn chia sẻ về những thực tập mà con tự nghĩ ra dựa trên đức tin có sẵn. Con xuất thân từ đạo Công Giáo và con cũng học được một chút ít về đạo Bụt. Sự thực tập đã giúp con ổn định hơn với đời sống của mình. Nhưng hai năm gần đây, có nhiều chuyện xảy ra khiến con cảm tưởng đó là giai đoạn đen tối nhất trong đời mình. Con không thể tìm thấy một tia sáng nào để mà tiếp tục sống, con hoàn toàn đánh mất mục đích sống của mình. Trong đời mình con đã làm những điều mà con cho là theo đúng với nguyên tắc sống, giá trị sống của mình, nhưng mọi thứ vẫn đầy rối rắm. Con gái con đã nói với con rằng bây giờ là thời điểm mà con có thể thực hiện những điều mà con từng mơ ước. Vì thế, con đã đăng ký tham dự khóa tu một tuần ở Làng Mai. Con biết đến chánh niệm như là một công cụ để quản lý, kiểm soát sự căng thẳng trong đời sống kinh doanh. Trong tuần đầu tiên ở Làng, qua cách nói chuyện của con, những bạn thiền sinh tu tập cùng đã khuyên con nên trở thành một người xuất gia. Lúc đó con nghĩ đây là điều không thể. Con đang sống ở Úc với một người chồng rất tốt, con còn hai đứa con nhỏ, rồi cả công việc kinh doanh của con ở Tây Ban Nha. Con muốn lắm, nhưng con nghĩ chắc trong kiếp này mình không thể. Con đã khóc rất nhiều. Con tự hỏi tại sao mình đã đến được đây mà mình lại không thể làm được điều đó. Nhưng thật mầu nhiệm, trong khóa tu con đã “tỉnh thức”. Con thấy con đường và mọi thứ rõ ràng hơn. Con nhận ra rằng trước đây con chỉ biết nhìn ra bên ngoài mà chưa từng nhìn sâu vào bên trong tự thân mình. Con luôn chăm sóc cho người khác, luôn nhìn vào đời sống của họ mà chưa từng chăm sóc và nhìn sâu vào chính bản thân. Chỉ trong một tuần thực tập con đã có thể thấy mình rõ hơn, thật sự tỉnh thức khỏi cơn mê. Và từ lúc đó, con phát nguyện sẽ thực tập hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Dù con không làm gì nhiều nhưng người bạn đời của con có thể nhận ra được những thay đổi trong con. Con nói với chồng con rằng con muốn đặt sự thực tập làm trọng tâm của đời sống con. Anh ấy khuyên con nên thật lòng với chính mình và thành thật với anh ấy. Và hãy làm điều đó theo cách mà con vẫn luôn làm với mọi thứ trong đời con, cứ làm hết khả năng của con thì con sẽ trở thành một tu sĩ. Sau đó con tiếp tục quay lại Làng nhiều lần và rồi con quyết định ở lại. Một sư cô nói với con là con không cần phải nghĩ ngợi gì cả. Nếu thực sự đủ duyên thì mọi thứ sẽ tự nhiên biểu hiện. Và điều đó đã trở thành sự thật.

Tuy là vậy nhưng con vẫn còn cảm thấy rất thử thách khi thực tập buông xuống những mong muốn được có mặt bên những người mà con yêu thương. Con luôn nghĩ rằng họ cần đến con. Có lẽ nó có liên hệ tới ý niệm con tự cho mình là một vị Bồ tát giải quyết những chuyện khó khăn trong cuộc sống của họ. Con nghĩ là nếu không có con thì sẽ có nhiều rắc rối xảy ra. Đây là khó khăn làm con phải chật vật trong tháng đầu tiên khi con quyết định viết thư xin tập sự. Nhưng cũng trong thời gian này, khi liên lạc với người thân, con đã xây dựng được một mối liên hệ sâu sắc vô hình. Khi gọi điện thoại hay nói chuyện, con có thể có mặt một trăm phần trăm cho họ, và con biết mình cần làm gì để có thể giúp đỡ họ.

 

Tập sự Rosa Maria Martinez Santaella.