Đến tận cùng vẫn là phút đầu tiên

Sư cô Chân Kỳ Nghiêm

Mới chiều qua, giọng mẹ tôi reo vui qua điện thoại: con biết không, cách đây mấy hôm, trong một buổi sáng ngồi uống trà, ba nói với mẹ là: “ba có tìm vé xem có rẻ không, rồi mình qua Làng thăm KN một chuyến, chắc là KN bất ngờ lắm.” Tôi cảm được niềm hạnh phúc của mẹ khi báo tin đó cho tôi. Tôi nghe mà như mơ. Dù ba mẹ có qua được hay không, thì tôi cũng đã mãn nguyện thật sự rồi. Bởi lẽ…

Trở về chín năm trước đây…

“Con mà đi tu, chắc chắn hạnh phúc gia đình sẽ đổ vỡ. Con liệu đó mà làm. Con là chị đầu đó, rồi ba đứa em con nó sẽ thế nào? Bao nhiêu kỳ vọng ba mẹ đặt vào con hết rồi bây chừ ra ri đây hả!”

– “Ba làm sao mà ăn nói với bà con và với mấy thầy cô trên trường đây. Cho ăn học đâu vào đó để rồi bỏ mà đi tu hả ?”

– “Được chỗ làm như con bây giờ ở Huế đâu phải ai muốn cũng được đâu? Dạy đại học chưa làm con đủ hạnh phúc sao?”

Tôi cúi đầu im lặng. Biết là ngôn ngữ không thể giúp tôi thuyết phục được ba trong lúc này. Tôi chỉ biết cầu nguyện và chờ đợi. Tôi kiên nhẫn đợi một dịp khác, canh hoài canh mãi xem ba thật sự vui thì mới dám hó hé. Lần này, ba càng dứt khoát hơn: “Muốn đi thì đi đi, không ba không con gì nữa hết. Đừng có mà nói nhiều.”

Và rồi, tôi quyết định “bỏ nhà đi bụi” để mong ba chuyển ý. Tôi viết thư để lại nói là ba mẹ đừng lo gì cho tôi hết, tôi chỉ muốn có thời gian thật sự cho cả ba và tôi cùng nhìn lại quyết định xin xuất gia của tôi mà thôi. Tôi cần không gian yên lắng cho quyết định của mình được chín chắn và tôi nghĩ ba cũng vậy. Tôi nói trong thư là chừng nào ba đồng ý thì tôi mới về lại nhà. Tôi đợi đến lúc cả nhà ngủ thật ngon, khoảng 2 giờ khuya, tôi vác một cái ba lô con trên vai, đi bộ ra đầu cầu An Cựu. Gặp may có một chú xe thồ ở đó. Tôi nhờ chú chở cho lên địa chỉ mà tôi cần tới. Nghĩ lại mới thấy mình quá ư là liều mạng, thân gái giữa khuya một mình trong thành phố! Sao lúc đó trong tôi không có một nỗi sợ nào. Có thể, chư vị hộ pháp đã có mặt cho tôi ngay những phút giây đầu tiên đó. Bảy ngày đó đến bây giờ vẫn còn là một bí mật. Tôi đã đi đâu? Đã làm gì? Ai đã “chứa chấp” tôi trong những ngày này?

Tắt nguồn máy di động, không liên lạc bất cứ một ai. Với tôi, những ngày đó quả thật đã un đúc mạnh mẽ hơn chí nguyện của mình. Nhưng còn ở nhà, một tai họa lớn đã xảy ra. Với một gia đình từ lâu nay được nhìn với cặp mắt gia giáo, mẫu mực, việc bỏ nhà đi của một đứa con gái là một chuyện không thể tưởng tượng được. Hơn nữa, trước đó trong mắt mọi người tôi quả là người hạnh phúc, có đầy đủ gia đình huyết thống và tâm linh bên mình, không hề tỏ một thái độ nào “chán đời” hết. Cả nhà cuống cuồng lên, gọi điện khắp hết tất cả những ai có can hệ tới tôi. Tôi đâu biết rằng chuyện “nó bỏ nhà đi rồi” là một cái gì đó rất tủi nhục và xấu hổ vô cùng cho cả nhà… Chuyện ầm lên tới chùa Tổ. (Có một thời gian ba tôi có giúp quý Thầy học ngoại ngữ nên nhiều Thầy rất thương quý ba. Còn tôi thì khỏi nói, ngày mô mà tôi chẳng có mặt.) Tin tôi bỏ nhà đi làm ai cũng sốc. Chẳng hiểu chuyện gì xảy ra trong cái gia đình mà ai ai cũng nghĩ là quá ư lý tưởng đó. Ba tôi lên cầu cứu Sư thúc, cầu cứu Thầy giáo thọ, hy vọng có chút manh mối để lần tìm nơi tôi ở. Nhưng như tôi đã nói, tôi không hề liên lạc với một ai. À, chỉ có một người (tôi xin giấu tên) nhưng cũng chỉ để hỏi xem tình hình gia đình và xem ba đã có đổi ý gì chưa mà thôi.

Nhưng tôi đã tính sai nước. Tôi cứ hy vọng là mình bỏ nhà đi như vậy chỉ một vài hôm thì ba sẽ thay đổi. Nhưng không hề. Ba tôi còn cao cơ hơn tôi nhiều! Tôi không thể ở ngoài lâu hơn được. Vấn đề không phải là chỗ ở mà chính là công việc của tôi chỉ sắp xếp nhờ người dạy thế chỉ được chừng đó thôi. (Lúc này, tôi chưa có tin tức gì về giấy tờ bảo lãnh đi Làng nên chưa dám nghỉ việc.) Tôi đành vác mặt lủi thủi về. Thời gian này là gần Tết. Và chính tôi đã làm cho không khí gia đình thật khó thở vào những ngày đúng ra là phải vui vẻ để đón Xuân. Tôi về, càng lầm lỳ hơn trước, chẳng nói chẳng rằng gì, hỏi đi đâu tôi cũng chỉ làm mặt ngầu im lặng. Vào phòng đóng cửa không tiếp xúc một ai, chỉ ra ngoài khi có giờ lên lớp. Lúc đó, thật tội mẹ vô cùng, mẹ đâu có cản trở tôi, nhưng vì là người đứng giữa nên mẹ đã khó xử như tơ vò trăm mối. Giận ba, tôi cũng không còn sáng suốt để không giận lây mẹ và các em. Tôi chặm bặm cái mặt thật khó coi trong suốt một thời gian dài. Tôi đã nói trong bụng rằng muốn tôi vui lên, chỉ có một cách: cho tôi đi tu. Nếu không, thì phải rán chịu vậy!

Ai tính được những cơn đau chợt đến

khi giữa lòng bao day dứt

vấn vương. (*)

Tôi lẳng lặng sắp xếp mọi chuyện ở trường. Từ chối lần những giờ dạy. Tôi cáo bệnh và xin được nghỉ một thời gian để đi xa trị bệnh. Đơn giản chỉ có thế, nên trên trường coi như không ảnh hưởng gì. Tôi nghe nói là trong một năm đó, họ cứ gọi điện nói mẹ tôi qua trường nhận lương về cho tôi có chi phí trị bệnh. Mẹ không biết phải nói thế nào về thiện ý đó của họ. Nhận thì không được rồi, nhưng phải nói làm sao đây. Một năm sau, khi tôi đã ổn định bên này rồi, mẹ tôi mới dám nói sự thật.

Sư cô Chân Không đã lo cho tôi đâu vào đấy mọi giấy tờ và gọi tôi phải ra gấp chùa Đình Quán để chuẩn bị đi phỏng vấn. Chỉ đợi có thế và tôi quyết định lên đường ngay. May vô cùng là những ngày này ba tôi đi công tác xa. Mẹ và mấy em tôi tiễn lên ga Huế để ra Hà Nội vào một đêm mưa. Buồn não ruột. Trong tôi, lúc đó dù có thích tu mấy đi nữa cũng thấy đau buốt trong lòng khi thấy cảnh dưới toa tàu mẹ đang đưa tay lau vội hai dòng nước mắt. Rồi ba về, mẹ sẽ ăn nói thế nào đây? Thương mẹ một mình, có chịu nỗi trời đông! Gia đình sẽ phải chịu đựng không khí âm u này đến bao giờ? Một sự chịu đựng phi thường như trước đây mẹ đã từng như vậy, đang hiện lên trên khuôn mặt hao gầy của mẹ. Tàu chạy. Tôi khóc như mưa trút nước. Khóc thật đã đời, vì trước đó tôi bận đóng mặt ngầu, lạnh lùng như sắt đá nên chẳng có giờ nghĩ đến chuyện khóc.

Ngồi trên tàu, tôi gởi cho ba một tin nhắn nhỏ, xin ba tha thứ là tôi đã lên đường. Và đau đớn thay, tin nhận được là một lời khẳng định rằng từ nay đừng có liên lạc gì với ba nữa hết. Ba đã từ tôi. Nói là từ nhưng ba chưa chịu dừng việc cản bước của tôi đâu. Ba tiếp tục lên cầu cứu với Sư thúc và Thầy giáo thọ. Nghe nói ba đã quỳ dưới chân hai vị đó và khóc thật thảm thương. Ba tìm đủ mọi cách, từ điện thoại, đến email, ba gởi thư qua tới Làng, gởi hết tất cả những địa chỉ email của các xóm từ Thượng, đến Hạ, và xóm Mới, nói là tuyệt đối không được nhận tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi tôi mới tới Làng ngày đầu thì ai cũng tới hỏi: Ủa, em là Tm  ở Huế phải không? Như thể là tôi đã được nhắc tới từ lâu rồi. Thì ra là ba tôi đã vô tình làm cho tôi “nổi tiếng” ngay khi chưa có mặt ở Làng. Mẹ còn bật mí là ba đã nói mẹ lục tìm hộ chiếu của tôi khắp nơi, nhưng may là không tìm ra. Tôi thật là không cố tình cất kỹ, nhưng có thể chư Bụt đã giúp tôi.

Những ngày ở Đình Quán cũng hồi hộp không kém. Tôi ngày đêm cầu nguyện cho giấy tờ được thông suốt để bay cái vèo tới đâu cũng được, miễn là ra khỏi VN để khỏi lo gia đình bắt về. Biết tôi đang gặp nhiều khó khăn từ gia đình, giấy tờ lại trục trặc, Sư Cô Chân Không luôn gọi điện về khích lệ tinh thần tôi, gởi kèm lời nhắn thương yêu của Sư Ông nữa, nên trong tôi đang được tiếp sức. Tôi mang ơn Sư Thầy Đình Quán vô cùng. Hai tháng ở đó thật quý giá với một người đang xin được tập sự xuất gia như tôi. Tôi học được rất nhiều qua thân giáo của Người, qua sự khiêm hạ và hết lòng có mặt cho những chướng ngại vật đầu tiên trong quãng đời tu sau này của tôi. Không có sự cưu mang, đùm bọc đầy tình thương lẫn tuệ giác của Người thì chắc chắn tôi đã bị túm cổ về rồi. Hết ba, đến ôn nội tôi liên tiếp gọi ra chùa và nhất định đòi Sư Thầy đừng cho tôi “tá túc”. Sư Thầy thật thông minh vô cùng và chính Sư Thầy đã cứu tôi sau cú điện thoại đó. Tôi nhớ chiều đó Ba tôi gọi ra và cho Sư Thầy hay là sáng mai ba sẽ ra bắt tôi về. Rứa là Sư Thầy nói liền: Anh đừng có mà dại. Anh muốn mất con gái thiệt hay không? Thà nó ở đây thì anh còn biết đường mà lần. Còn nếu tôi cho nó biết là ngày mai anh sẽ ra đây, chắc chắn nó sẽ trốn chùa đi trong đêm nay và lúc đó thì tôi cũng không biết nó ở đâu mà giúp anh luôn. Anh tính sao? Có định ra nữa hay không? Nếu còn chút sáng suốt, xin anh đừng lên đường…”

Và ngay tối đó, Sư Thầy cho gọi tôi vào và quyết định ngay: Khuya nay 4 giờ, con sẽ được Thầy xuống tóc. Tôi khá bất ngờ, nhưng hiểu ngay liền rằng dù gì cũng phòng hờ lỡ ngày mai ba làm liều ra tận đây thì… đầu cũng đã rụng tóc! Và Sư Thầy cũng đang tính đưa tôi qua một ngôi chùa khác ở lánh (đi trốn) vài ngày. Hình ảnh đêm khuya hôm đó tôi không thể nào quên. Trên chiếc gác xép phía sau chùa, Sư Thầy Đàm Nguyện cùng Sư Thầy Tịnh Quán và một vài sư cô khác nữa đã làm lễ xuống tóc cho tôi. Chỉ xuống tóc thôi chứ không nhận giới gì hết, nhưng đó là buổi lễ tiền xuất gia của tôi. Thật ấm cúng và cảm động vô cùng.

Giữ mình giữa những phù vân

thì mây phiền não

khó gần

được ta. (*)

Suốt một năm rưởi tôi và ba không liên lạc nhau. Nhưng thú thật là tôi luôn canh cánh bên lòng những thao thức, trăn trở tìm cách gỡ mối tơ vò trong lòng ba và tôi. Nói là không để tâm nhiều, nhưng sâu thẳm trong tàng thức tôi nó đang hướng về. Sau ngày tôi đi tu, ba tôi cũng đi nghiên cứu thêm ở Mỹ khoảng 8 tháng và thế là… cơ hội đã đến!

Ba tôi là một giảng viên đại học, nhưng đồng thời cũng là một nhà thơ. Ba đi công tác nhiều lắm, trong nước cũng có, ngoài nước cũng có. Mà lạ là chỉ những lần xa nhà thì ba mới ra thơ.

Đời anh

những cuộc hành trình

đi xa là để

thấy mình

rõ hơn. (*)

Tôi thích thơ ba lắm. Thơ ba nhẹ như hơi thở và sâu thẳm vô cùng.

Tôi không thể dùng lý luận để thuyết phục ba tôi, vì về lý, ba chẳng cần tôi phải nói gì thêm. Đọc thơ ba cũng đủ thấy là ba tôi thấm đạo đến đâu rồi. Nên tôi biết, có cố gắng thêm gì cũng càng bít lối giữa ba và tôi. Tôi không thể nói chuyện về lý tưởng nọ kia gì ráo với ba. Tôi tiếp tục im lặng, chỉ chú tâm lo về phần tu học của mình trước đã. Bẵng tin một thời gian, một hôm mẹ tôi gọi điện qua với một giọng rất vui. Mẹ khoe liền: “Con biết không, ba bây chừ thay đổi rồi, ba được gặp lại một người bạn học cũ, và bác ấy dẫn ba đến sinh hoạt chung với Tăng thân Lá Bối ở Cali.”

Bạn ngồi ngẫm phù vân

Tôi đứng nhìn danh lợi

Thôi rong tìm, trông đợi

Thong thả mỗi bước chân. (*)

Một buổi nọ, theo lời kể của ba sau này, ba tôi ngồi thật yên bên chung trà và ba đã òa khóc khi nghe bài “Tìm nhau”.

Con đã tìm ra Thế Tôn

Con đã tìm ra con

Nước mắt con không cầm nổi

Một cơn xúc động đã xâm lấn cõi lòng của ba, hay chính vị Bụt trong ba đang rơi những giọt nước mắt tỉnh thức. Ba chợt nhận ra những sợ hãi, lo lắng, những bất an… của những ngày qua… Bây giờ mới có giờ lắng lòng, nhìn lại,…

Dù cho đất trời đã lên cơn bão tố,…

nhưng cuối cùng trong con

mưa cũng tạnh,

mây cũng tan

nhìn ra cửa sổ con thấy vầng trăng khuya đã hiện

và đất trời đã thật sự bình an.

Qua bài hát Tìm Nhau, ba tôi đã thật sự cảm thông khi chạm đến mối tình thầm kín và linh thiêng của con gái mình với Bụt, với Tăng thân khi nó quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để đi theo tiếng gọi cao cả ấy. Thế Tôn đã chờ đúng thời điểm để lên tiếng gọi. Và chính ba đã mở cánh cửa lòng mình để đón chào phút giây mầu nhiệm ấy. Cánh cửa đã mở ra thật rồi. Đã mở ra một lần và sẽ mở ra mãi mãi. Đâu phải ai cũng may mắn có được những giây phút linh thiêng chấn động tâm can như vậy trong đời mình! Từ sau giây phút đó, có thể nói ba tôi không còn là ba tôi trước đây nữa.

Tôi thấy rõ là không phải Bụt trong ba trước đây đã ngủ quên mà chính Bụt đang thử lòng tôi. Tôi chẳng tu tập gì giỏi cho lắm đâu, chỉ là phước đức ông bà để lại nên tôi đã nương theo mà may mắn leo qua nổi đoạn đèo dốc cao thật là cao ấy. Thú thật là có lúc tôi cũng đã hụt hơi. Và chính những người leo núi cùng tôi luôn có mặt tiếp sức cho tôi kịp lúc.

Chưa gánh nặng qua đời

lưng chưa đẫm mồ hôi

làm sao đến

phút nhẹ rơi của lá?

Phải đi từ cái xanh biếc của chồi

cái hồng thơm của quả

mới hiểu hết sắc vàng của những chiếc lá khô. (*)

Tôi chỉ mới kể đôi chút những truân chuyên vào khoảnh khắc tôi quyết định dứt áo ra đi. Cũng còn khá nhiều những ngõ ngách mà tôi đã phải “luồng lách” để đi qua. Khá vất vả. Nhưng nghĩ lại, giai đoạn đó sao mà tâm tôi cứng như chì vậy đó, chẳng gì lay chuyển nỗi tôi, dù đó là tình phụ tử. Thật ra, không phải tôi không bị mềm lòng đâu, nhưng sự thật là tôi có một niềm tin rất lớn rằng với đời sống xuất gia, với công phu tu tập của tự thân thì một ngày rất gần ba tôi sẽ thấu hiểu. Cảm ơn ba thật nhiều đã âm thầm tạo ra những nghịch duyên để giúp tôi thấm sâu hơn cái sắc vàng của những chiếc lá khô.

Với tôi, mãi mãi vẫn là phút đầu tiên, là tâm ban đầu dũng liệt phi thường, là khởi điểm cho dòng suối tâm linh tìm về nguồn cội. Phải đi qua những thác ghềnh, ngay những phút đầu tiên, như ba tôi vẫn thường nhắn nhủ: muốn có ngay không dễ, phải lao nhọc đầy vơi. Đúng thật, phải đầy vơi những niềm đau, thì hạnh phúc mới chín ngọt.

Hạnh phúc không vào đời

bằng

lối đi riêng

dễ gì đến đại dương

phải làm mưa vào đất.

Vượt sa mạc vàng khô

dòng nước sẽ

thanh khiết nhất

trước mặt

biển rồi

vực thẳm

vẫn chờ kia.(*)

Ba tôi vẫn luôn cho tôi những homework (bài tập về nhà) để làm, để chơi, để thử sức mình. Bây chừ nhìn lại, Chuyện xưa như mới hôm qua, quay nhìn sao nắng cứ nhòa lên mi. (*)

Xin được cảm ơn tất cả những nhân duyên để tôi được làm con của người. Nếu được sinh ra trở lại, tôi cũng xin được chọn ba là ba của tôi, và tiếp tục tôi cũng sẽ xin người được xuất gia. Lúc đó, có thể người sẽ chỉ mỉm cười và cú cho tôi một cú thật đau trên đầu: “Ngốc nì, đã “lỡ” tu rồi thì phải tiếp tục thôi chứ xin xỏ gì nữa hả. Con của ba, không đứa nào được phép bỏ dở nửa chừng con đường đang đi, nghe chưa!?” Chỉ một hướng tìm, chỉ một phương đến. Chỉ một. Nhớ nhé, nghe tôi!

Có dịp ngồi chơi với huynh đệ, với chị em chúng tôi bên bếp lửa hồng, chắc chắn bạn sẽ được nghe nhiều hơn nữa những câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn. Có người đã chọn hạnh im lặng, có người có duyên được sẻ chia. Dù nói ra hay chưa nói ra, thì tận sâu thẳm trong lòng tất cả anh chị em áo nâu chúng tôi xin được cúi đầu đảnh lễ những người mẹ hiền, những người cha trung kiên đã hết lòng yểm trợ để anh chị em chúng tôi được hội ngộ dưới cùng một mái nhà tâm linh. Đặc biệt, xin tri ân những ba mẹ đã “hết lòng” cản ngăn chúng tôi vào những ngày đầu chúng tôi xin được lìa xa vòng tay ấm của người. Chính trên những lớp bùn quý giá đó mà những đóa sen thơm đang hiển lộ ra từng ngày. Càng tu, chúng con càng hiểu hơn những tình thương thầm lặng đó. Tấm lòng ấy vẫn luôn dõi theo mỗi bước chân, mỗi chặng đường chúng tôi đi qua. Bây giờ và mãi mãi.

Trong tôi có cái gì đang tràn ngập cõi lòng…

Nơi đây, một tấm lòng son, hướng về người…

Đợi gì đến bình minh

môi mới nở nụ cười

khi đôi mắt đêm qua

đã một vầng trăng sáng.

lúc trong trái tim

mặt trời

bừng cháy nắng

chưa hái được hoa hồng

ta vẫn thấy

niềm vui. (*)

———————————

(*)Thơ ba tôi