Đạo Bụt trong lòng người trẻ

 

Làng Mai năm nay tròn 30 tuổi và đang bước vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian qua, Làng Mai đã cho ra đời nhiều pháp môn mới và tạo cơ hội để đưa đạo Bụt đến với nhiều người trong xã hội. Đặc biệt, Làng Mai đã mở ra một con đường cho các bạn trẻ mong ước được tu tập và phụng sự thông qua phong trào Wake Up cũng như chương trình đào tạo năm năm. Làng Mai cũng là nơi “sản sinh” ra một thế hệ tu sĩ mới. Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng: Vì sao Làng Mai lại thu hút được nhiều người trẻ xuất gia như vậy? Có điều gì hấp dẫn những người trẻ để họ có thể chấp nhận cạo sạch mái tóc và sống một nếp sống giản dị của người tu? Có lẽ câu chuyện của tôi sẽ phần nào giải đáp cho bạn những câu hỏi đó.

Tôi năm nay hai mươi bốn tuổi, là một người tu trẻ và hạnh phúc. Tôi biết đến pháp môn tu tập của Làng Mai từ khi còn rất nhỏ. Có thể tôi không giống với mẫu người tu theo kiểu truyền thống như bạn từng biết. Tôi là một trong những người tu trẻ của thế hệ mới. Tôi không xuất gia vì thất tình hay vì không biết làm gì với cuộc đời mình; tôi cũng không chán ghét cuộc đời và tìm cách trốn chạy như cách suy nghĩ thông thường của hầu hết những người lớn tuổi mà tôi có duyên được gặp. Tôi cũng không giống  những thầy tu mà các bạn nhìn thấy trên phim ảnh. Tôi thực sự rất hạnh phúc với đời sống xuất gia của mình tại Làng Mai.

Tôi là một trong những người tu trẻ của thế hệ mới, được rèn luyện và lớn lên trong một trung tâm tu học có tên là Làng Mai. Ở nơi đây, chúng tôi được vui đùa, chơi thể thao, ca hát, có thể hát cả nhạc rap và được giao lưu, gặp gỡ với rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Nếu bạn tình cờ thấy tôi cùng với các thầy, các sư cô Làng Mai đang tắm biển hay đang đi chơi picnic trên núi, có khi vừa chơi đàn guitar vừa hát thì chắc là bạn sẽ tự hỏi: “liệu những người này có thực sự là những người tu không nhỉ?”. Khi đó tôi sẽ trả lời với bạn rằng: “chúng tôi đích thực là những người tu, chỉ có điều chúng tôi thuộc một thế hệ mới, chỉ đơn giản vậy thôi!”.

Tôi lớn lên tại Canada, trong một gia đình theo đạo Bụt. Trong nhà chúng tôi có một bàn thờ ở phòng khách, trên đó cha mẹ tôi có đặt một tượng Bụt cùng với nhang, đèn và những đồ thờ cúng theo kiểu truyền thống. Tôi được cha mẹ dạy thắp hương lên bàn thờ Bụt mỗi sáng trước khi đi học. Ban đầu tôi cũng vâng lời và làm theo, nhưng thú thật là đối với một cậu bé đang tuổi mới lớn thì việc làm này chẳng có gì hứng thú hết, vì vậy mà sau một thời gian thì tôi không làm nữa. Ở thành phố Toronto nơi tôi lớn lên có rất nhiều ngôi chùa nhỏ. Cha mẹ thường dẫn tôi và chị gái đến các ngôi chùa này vào những dịp Tết, lễ Vu Lan, Trung thu và nhiều dịp lễ khác. Mặc dù những dịp như vậy cũng khá vui nhưng sao tôi vẫn cảm thấy chán, chỉ muốn đi về nhà để xem tivi hay chơi điện tử Nintendo. Đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy nhiều bạn trẻ cũng có thái độ giống tôi, không hứng thú gì với những sinh hoạt ở chùa.

Khi đến những ngôi chùa ở Canada hay Việt Nam, lúc nào tôi cũng chỉ thấy những nghi lễ tụng kinh và cầu nguyện. Đôi khi đó là một buổi cầu siêu cho người đã chết hay là việc cúng bái theo kiểu sùng tín. Tôi chưa bao giờ cảm thấy những điều này có gì liên hệ tới cuộc sống của tôi hết. Mặc dù trong gia đình tôi, mọi người vẫn thường đến chùa tụng kinh và nghe pháp nhưng sao tôi vẫn thấy họ khổ đau và làm cho những người mình thương khổ đau. Vì vậy tôi chưa hiểu được ý nghĩa và sự lợi ích của việc đi chùa. Khi đến chùa, nhìn lên những tượng Bụt và Bồ tát, tôi không có cảm giác có sự liên hệ hay gần gũi nào. Đối với tôi, những bức tượng đó không có vẻ gì là giống con người cả. Có nhiều người trong chúng ta vốn không tin rằng có Thượng đế. Phải chăng Bụt và Bồ tát cũng là những Thượng đế của người Á Đông? Có thể lúc đầu chúng ta nghĩ rằng đúng vậy, đó là Thượng đế của chúng ta, theo kiểu Á Đông. Và rồi khi lớn lên, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng đó chỉ là những bức tượng được làm rất đẹp để chúng ta thờ cúng. Trong nhiều ngôi chùa, ta có thể nhìn thấy những câu có nội dung như: Nam Mô Đức Phật A Di Đà, con nguyện sẽ sinh về Tây phương Tịnh độ (Tây phương cực lạc). Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng những người Phật tử không muốn sống trên hành tinh xinh đẹp này nữa sao? Tại sao phải đợi cho đến khi chết đi mới sang được Tịnh độ? Đây không phải là điều mà những người trẻ ước muốn. Mặc dù tôi rất tôn trọng và cũng hiểu đôi chút về những sinh hoạt tín ngưỡng và lòng mộ đạo, nhưng tôi thấy những sinh hoạt này không hấp dẫn được những người trẻ ngày nay. Bởi vì sau một thời gian cầu nguyện, họ không cảm thấy những lời cầu nguyện của họ được đáp lại. Nhiều khi họ nghĩ rằng đạo Bụt không dành cho những người trẻ như họ mà chỉ dành cho những người lớn tuổi và cho người chết mà thôi. Từ đó  họ bắt đầu nghi ngờ, rồi dần xa rời đạo Bụt.

Trong giây phút này có thể bạn nghĩ rằng tôi đang phán xét và chỉ trích đạo Bụt. Sự thật thì tôi không hề có ý định đó, tôi chỉ muốn chia sẻ cảm giác của một người trẻ cũng như quan điểm của người trẻ về đạo Bụt ngày nay. Tôi nhận thấy đạo Bụt có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong việc giúp những người trẻ của thế hệ mới trở về để tiếp xúc với kho tàng tuệ giác mà tổ tiên huyết thống và tâm linh đã trao truyền. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì đạo Bụt phải thay đổi để thích ứng với thế kỷ mới, thế kỷ 21.

Là những người trẻ, khi đến thăm một ngôi chùa, thiền viện hay một trung tâm tu học, chúng ta mong muốn hiểu được lời kinh, tiếng kệ mà quý thầy, quý sư cô đang tụng niệm cũng như những lời chỉ dạy từ quý thầy, quý sư cô. Chúng ta muốn học hỏi một phương pháp thực tập có thể áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày và có tác dụng ngay khi thực tập. Chúng ta muốn có một nơi để trở về nương tựa, để làm lớn mạnh khía cạnh tâm linh trong đời sống của mình và tiếp xúc với chiếc nôi truyền thống.

Bố tôi dẫn tôi và chị gái đến Làng Mai năm 1996. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ là khi chúng tôi mới đến, tôi nghĩ trong đầu rằng nơi này chắc cũng chẳng khác gì những ngôi chùa mà tôi từng biết. Điều làm tôi ấn tượng đầu tiên là hình ảnh một vị thầy trẻ chào đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Nhìn vị thầy đó thật bình an, hạnh phúc và gần gũi. Sự ấm áp và chu đáo của vị thầy đó làm cho tôi cảm thấy ở nơi này có một cái gì đó không giống với những ngôi chùa mà tôi đã đến và vị thầy tôi gặp là người mà tôi có thể đến chơi một cách thoải mái, dễ dàng. Tôi đã được gặp rất nhiều thầy và sư cô trẻ khác trong thời gian ở Làng. Tôi cũng học được rất nhiều từ cách sống hàng ngày của các thầy, các sư cô nơi đây. Tôi thấy được sự quan tâm, chăm sóc giữa những người tu với nhau đầy tình thương như thế nào. Tôi cũng thấy được các thầy, các sư cô làm việc rất nhiều để phụng sự nhưng sao trên môi các vị vẫn nở được những nụ cười tươi. Những nụ cười đó không có vẻ gì là xã giao mà lại rất thật, phát sinh từ sự thực tập chánh niệm hàng ngày. Năng lượng chánh niệm đã giúp cho các thầy, các sư cô tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong mình và xung quanh mình ngay trong giờ phút hiện tại. Năng lượng đó cũng giúp cho các vị nuôi lớn tâm thương yêu đối với mọi người, ngay cả đối với những người chưa dễ thương với mình.

Làng Mai được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Ở đây mọi người không được phép chơi các trò chơi điện tử. Điều này tạo cơ hội cho những người trẻ như tôi có cơ hội chơi và tiếp xúc với các bạn trẻ cũng như các em nhỏ đến Làng từ nhiều quốc gia khác nhau. Và nhờ vậy mà tình bạn giữa chúng tôi được hình thành nhanh chóng. Chúng tôi nhận ra rằng hạnh phúc là một cái gì có thật mà không cần phải có nhiều tiền bạc và danh tiếng. Chúng tôi không bị phụ thuộc vào máy tính, tivi, những trò chơi điện tử hay Facebook, Twitters cũng như các hình thức giải trí trên mạng để có hạnh phúc. Cái thấy này có thể giúp thế hệ trẻ không bị cuốn hút vào thế giới công nghệ như hiện nay.

Tôi thích cách diễn bày đạo Bụt theo phương pháp của Làng Mai, tôi không cảm thấy đạo Bụt là một tôn giáo mà chính là một nếp sống. Bụt đã dạy rất rõ rằng hạnh phúc và sự bình an chân thực có thể được tìm thấy ngay bây giờ và ở đây. Chỉ với một hơi thở vào, tôi có thể tiếp xúc được với tất cả những điều kiện hạnh phúc mà tôi đang có, chẳng hạn như tôi đang có một cơ thể khỏe mạnh, một gia đình hạnh phúc, những người bạn dễ thương, v.v. Sự thật là có rất nhiều những điều kiện hạnh phúc đang có mặt cho chúng ta nhưng chúng ta thường bị cuốn đi bởi nhịp sống hối hả của xã hội mà quên đi điều đó. Tôi nhận ra rằng tương lai của mình đang được làm bởi những hành động trong giây phút hiện tại. Và ý thức đó đã cho tôi sức mạnh để quyết định lựa chọn cho mình một hướng đi. Tôi biết tương lai của tôi có tốt đẹp hay không, tất cả đều do chính tôi lựa chọn. Sự “vui tươi” và “trẻ trung” của pháp môn Làng Mai đã thực sự thu hút tôi cũng như rất nhiều các bạn trẻ khác đến Làng. Kinh nghiệm này đã giúp tôi thay đổi cái nhìn của mình đối với nếp sống ở chùa, đối với người tu và đối với đạo Bụt nói chung.

Tôi quyết định xuất gia ở tuổi 13, bởi vì tôi muốn sống một nếp sống như ở Làng Mai. Tình huynh đệ là một cái gì rất sống động ở Làng Mai đã thu hút tôi như… đường thu hút kiến. Tôi nhận thấy ở ngoài xã hội, chúng ta được đào tạo để trở thành những cá nhân xuất sắc, nhưng tại Làng Mai thì chúng ta phải học nhìn mọi thứ bằng con mắt tương tức, dù đó là công việc hay là vấn đề hạnh phúc hoặc khổ đau. Tôi biết điều này là một sự thực tập không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai, đặc biệt là những người trẻ lớn lên ở Tây phương như tôi. Ở Làng Mai, tất cả các thầy cùng sống chung với nhau trong một khu tăng xá và các sư cô cũng sống chung trong cùng một ni xá. Chúng tôi đến từ nhiều quốc gia, từ nhiều nền văn hóa khác nhau và có trình độ học vấn cũng như nền tảng gia đình khác nhau. Vì vậy mà chúng tôi có cách nhìn và quan điểm không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực tập sống chung an lạc với nhau. Mỗi ngày chúng tôi thực tập buông bỏ cái tôi riêng biệt và nuôi dưỡng tuệ giác tương tức bằng cách tập nhìn các sư anh, sư chị, sư em của mình là một tế bào của cùng một tăng thân.

Tôi nhớ có một lần khi làm thị giả cho Thầy, tôi may mắn được trực tiếp nghe Thầy dạy các đệ tử của mình về điều này. Lúc đó có một số quý thầy, quý sư cô đang chuẩn bị cho chuyến đi giảng dạy ở xa; trước khi đi, quý vị ấy đến chào Thầy và xin Thầy chỉ dạy. Trong nhóm này có nhiều vị rất trẻ, tài giỏi và có đủ khả năng thuyết pháp và hướng dẫn tu tập cho thiền sinh. Tuy nhiên, đôi khi có quá nhiều người tài giỏi ở trong cùng một nhóm cũng khá nguy hiểm bởi vì sẽ không ai chịu lắng nghe ai! Hôm đó, các thầy, các sư cô trẻ trong nhóm cùng ăn cơm trưa với Thầy và sau bữa ăn, các vị chia sẻ với Thầy về chương trình cũng như những ước muốn của mình trong chuyến đi. Sau khi lắng nghe các học trò của mình, Thầy dạy rằng: “Tất cả các con phải tập nhìn các sư anh, sư chị, sư em là một với mình. Hãy nhìn những ngón tay của các con. Các con có thấy mỗi ngón tay có hình dáng khác nhau không? Ngón cái thì ngắn và bụ bẫm nhưng lại rất khỏe, ngón trỏ là ngón chỉ phương hướng, ngón giữa là ngón dài nhất, kế đó là ngón đeo nhẫn rồi đến ngón út, ngón này tuy nhỏ nhưng lại rất hữu dụng. Các ngón tay biết rằng mỗi ngón đều rất khác biệt nhưng chúng cũng đồng thời ý thức rằng chúng cùng thuộc một bàn tay. Nhờ khác nhau như vậy mà các ngón tay có thể cùng nhau tạo thành một quả đấm. Nếu các ngón tay đều y như nhau thì chúng không thể hợp lại thành một quả đấm được. Các con phải tập nhìn sư anh, sư chị, sư em mình như vậy. Tất cả chúng ta đều khác nhau, mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu, nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta là những ngón tay của cùng một bàn tay thì chúng ta sẽ vượt thoát cái nhìn phân biệt, kỳ thị và chúng ta có thể phối hợp hài hòa với nhau để tạo nên sức mạnh như một quả đấm”. Các thầy, các sư cô trẻ rất vui mừng được nghe lời chỉ dạy của Thầy và hứa sẽ thực tập điều đó. Đây chính là tinh thần mà chúng tôi luôn thực tập cùng nhau tại Làng Mai.

Được sống và lớn lên trong Tăng thân, tôi nhận diện được rất nhiều tâm hành trong tự thân và biết cách chăm sóc những tâm hành đó mỗi khi chúng phát khởi. Tôi nhận ra  mình có nhiều đức tính và phẩm chất tốt được trao truyền từ ông bà tổ tiên, nhưng đồng thời cũng có không ít những tập khí chưa dễ thương cần được chuyển hóa. Đảm đương những trách nhiệm trong tăng thân đã cho tôi cơ hội tốt nhất để thực tập điều đó. Tôi được Tăng thân giao phó chức vụ trụ trì của chùa Pháp Vân, Xóm Thượng sau khi Thầy Pháp Đôn – nguyên trụ trì của chùa Pháp Vân chuyển sang tu viện Lộc Uyển, Mỹ để tiếp tục tu tập cùng đại chúng bên đó. Mặc dù trách nhiệm này có vẻ rất quan trọng và nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn hoan hỷ chấp nhận. Tôi thực sự thấy rằng tôi đã cắm rễ sâu vào mảnh đất Tăng thân, nơi tôi có nhiều thương yêu, vì vậy khi được Tăng thân giao phó trách nhiệm đó, tôi chấp nhận một cách rất tự nhiên.

Làm trụ trì ở Làng Mai rất khác so với làm trụ trì ở những chùa truyền thống. Tăng thân Làng Mai bây giờ đã phát triển khá lớn, vì vậy Thầy chúng tôi đã đưa ra một cách thức mới để tổ chức tăng thân. Cách thức này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các thầy, các sư cô trẻ thể hiện tài năng của mình. Ở những chùa truyền thống, các vị trụ trì thường có quyền hành rất lớn và quyết định mọi việc trong chùa. Nhưng ở Làng Mai thì khác, Thầy đã cho chúng tôi một hướng đi mới. Thầy khuyến khích các sư anh, sư chị lớn đóng vai trò là những trụ cột của Tăng thân. Các vị lớn có mặt đó để lắng nghe các sư em mình chia sẻ về những khó khăn trong tu học, nâng đỡ, yểm trợ và đưa những lời chỉ dẫn khi cần thiết. Các vị cũng đóng góp tuệ giác và kinh nghiệm của mình đối với những công việc trong Tăng thân, nhưng sau khi đưa ra ý kiến của mình, các vị để cho các sư em tự quyết định và thực hiện công việc đó. Tuy nhiên, các vị luôn có mặt ở phía sau để yểm trợ các sư em của mình. Cách tổ chức mới này đã tạo động lực cho các thầy, các sư cô trẻ năng động hơn và điều này giúp cho những người trẻ như chúng tôi cảm thấy mình đang được góp sức vào sự phát triển của Tăng thân. Đó là lý do tại sao Xóm Thượng của Làng Mai lại có một vị trụ trì trẻ như vậy!

Là trụ trì ở Làng Mai, chúng tôi phải làm lớn mạnh kỹ năng truyền thông của mình với những thành phần khác trong Tăng thân. Chúng tôi phải tập lắng nghe các sư anh, sư chị, sư em của mình cũng như các bạn thiền sinh với một tấm lòng rộng mở mà không để bị cuốn đi bởi những cảm xúc của mình. Công việc của một trụ trì Làng Mai cần làm là: Khám phá tài năng của các thành phần trong chúng để giúp các anh chị em có cơ hội phát triển tài năng của mỗi người. Là một thành phần của Tăng thân Làng Mai, ai trong chúng tôi cũng được khuyến khích chia sẻ ý kiến và đóng góp cái thấy của mình cho đại chúng, nhưng một khi đã chia sẻ ra rồi thì chúng tôi nương tựa vào mắt Tăng và để cho Tăng thân dung hòa tất cả các ý kiến.

Cũng có những lúc tôi cảm thấy căng thẳng và đã để cho cảm xúc cuốn đi, khiến cho tôi có những lời phàn nàn, trách cứ Tăng thân, khiến cho tôi nghĩ rằng mình giỏi hơn những người khác và nếu không có tôi thì Tăng thân sẽ rất khó khăn. Thái độ này đã làm cho tôi trở nên xa cách với các sư anh, sư chị, sư em của mình. Nó cũng khiến cho tôi mất rất nhiều năng lượng và làm tổn hại đến tình huynh đệ trong Tăng thân. Những lúc như vậy, tôi luôn tìm cách trở về với những phương pháp thực tập căn bản, buông bỏ những nghĩ suy về các dự án, các cuộc họp trong đầu và nhắc cho mình nhớ rằng chính tôi đã tự nguyện xuất gia và tự nguyện trở thành một thành phần của Tăng thân. Cùng với sự thực tập này, tôi để cho tăng thân ôm ấp những khó khăn trong tôi và nhờ đó tôi có thể nối lại truyền thông với tăng thân của mình. Kinh nghiệm này cũng giúp cho tôi nhớ rằng tôi chỉ là một trong rất nhiều những thành phần tạo nên Tăng thân. Và nếu tôi không làm những dự án đó hoặc giả dụ nếu tôi không chủ tọa những buổi họp thì sẽ có một người khác làm thay tôi. Tôi tự nói với chính mình :“Pháp Hữu, anh không có gì đặc biệt lắm đâu! Anh cũng chỉ là một tế bào như tất cả những tế bào khác của tăng thân thôi”. Sự thực tập này đã cứu tôi rất nhiều lần và giúp cho tôi buông bỏ bản ngã của mình. Nó cũng đồng thời giúp tôi làm mới lại mình và nhắc nhở tôi rằng tôi là một người tu, rằng tôi còn rất trẻ và có nhiều điều cần phải học hỏi; và rằng tôi nên nuôi lớn tâm hiểu biết cũng như tình thương yêu nơi mình. Việc làm trụ trì đã thực sự rèn cho tôi mở lòng mình nhiều hơn và giúp tôi nuôi dưỡng tâm bình đẳng, không phân biệt nơi mình.

Tôi muốn nói với những người bạn trẻ rằng đạo Bụt vẫn còn rất tươi mới và thiết thực đối với thế hệ trẻ chúng ta. Đạo Bụt không chỉ dành cho người già và người đã chết, mà có thể trở nên sống động và tràn đầy sự sống. Đạo Bụt có thể dẫn dắt thế hệ mới của chúng ta hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Là một người tu, tôi luôn hành trì theo giới luật và uy nghi để bảo hộ cho mình, nhưng không vì vậy mà tôi không được sống như một người trẻ! Tôi vẫn có thể chơi bóng rổ với các sư anh, sư chị, sư em của mình; tôi vẫn có thể hát nhạc rap với các bạn trẻ. Chỉ có điều, tôi làm những điều này với ý thức chánh niệm và với tinh thần xây dựng tình huynh đệ.

Tôi thấy mình thật may mắn được gặp Tăng thân và không đánh mất gốc rễ truyền thống của mình. Tôi mong ước mình sẽ là sự tiếp nối xứng đáng của Thầy và của Tăng thân. Tôi thấy lòng mình tràn đầy niềm biết ơn vì tôi được là một thành phần của Tăng thân Làng Mai, đặc biệt là khi Làng Mai tròn 30 tuổi. Tôi cầu mong cho mọi người trẻ trên thế giới này đều tìm thấy cho mình một nơi mà mình có thể trở về để tiếp xúc với gốc rễ của mình, và tiếp xúc với gia tài tâm linh mà tổ tiên đã trao truyền.