Hạnh Lắng Nghe

Năm học vừa qua (1994), trong lớp 12, Henri có một học sinh tên Mandy. Đó là một học sinh cao lớn, da ngăm đen. Cha là người Phi Châu, mẹ là người Âu Châu. Mandy là một học sinh khá thông minh và chăm chỉ, luôn luôn ngồi bàn đầu nên được Henri theo dõi rất kỹ. Mandy rất trầm tĩnh.

Bỗng nhiên hai tuần liên tiếp Mandy không nộp bài làm. Henri có nhắc tới, Mandy hẹn và cũng lờ luôn. Khi hăm cho “zéro” Mandy chỉ lắc đầu và xin chịu nhận “0”. Henri ngạc nhiên và hỏi những giáo viên khác về việc học hành của Mandy, họ cũng cho hay là trong hai tuần qua, Mandy rất bê bối trong việc học hành. Mandy ngồi trong lớp như người mất hồn, không buồn ghi chép chi cả. Ban giáo sư bèn gửi giấy mời cha mẹ và Mandy tới trường một buổi, để gặp hội đồng các giáo sư của Mandy.

Trong buổi họp, cha của Mandy nói là Mandy không nghe lời ông dạy, chỉ biết nghe lời bà mẹ thôi. Còn Mandy thì nói Ba nó là một người độc tài trong gia đình. Nó muốn nói nhiều nhưng không muốn nói trong hội đồng. Nó buồn việc trong gia đình nên nó học không vô.

Có giáo sư khuyên ba Mandy không nên độc tài ở xứ Canada. Điều đó làm ông ta nổi nóng: “Tôi là người chủ gia đình. Tôi làm việc nuôi gia đình. Tôi có quyền tối thượng điều khiển gia đình.” Henri ngồi yên từ đầu cho đến cuối để nghe và tìm hiểu, thấy không khí không tốt đẹp bèn xin nói. Henri hỏi người cha: “Ông có thương Mandy không?” Ông trả lời: “Tôi thương Mandy lắm, tôi đặt hết lòng thương vào đứa con lớn của tôi”. Quay qua đứa con Henri hỏi: “Mandy có tin rằng cha thương mình không?” Mandy trả lời: “Chưa chắc”. Henri hỏi: “Mandy, có thương Ba không?” Mandy không trả lời.

Henri đề nghị: “Có những điều mà Mandy cần giãi bày cho ba biết và có những điều mà ba của Mandy cũng cần thổ lộ với Mandy. Vậy thì ngày thứ sáu này, ông cha nên cho cậu con Mandy một cơ hội nói hết nỗi lòng của Mandy ra với ông và ông phải ngồi tuyệt đối im lặng để nghe, không phản ứng, không phán xét, ông phải suy nghĩ trong ba ngày những điều Mandy đã thổ lộ. Sau ba ngày, đến lượt Mandy phải ngồi nghe ông cha phân trần phải quấy và cũng không phản ứng và không phán xét. Sau đó hai cha con sẽ suy nghĩ thật kỹ những điều đã nghe và ba ngày sau hẹn gặp nhau lại.”

Điều rất hay là hai cha con bằng lòng thử thực tập Hạnh Lắng Nghe. Mandy nghỉ học luôn một tuần sau đó.

Một tuần sau, Mandy trở vào lớp học, gương mặt sáng rỡ, có nụ cười trên môi. Henri hỏi:

    • Kết quả ra sao Mandy?

Mandy nói như muốn khóc:

    • Mon père m’a embrassé (ba tôi đã ôm tôi)

Chỉ nói có thế là Henri hiểu hai cha con đã tha thứ và thông cảm nhau rồi sau khi đã lắng nghe và hiểu rõ nỗi lòng của nhau.

Mandy bấy giờ trở lại học chăm chỉ, xin được nộp các bài đã trễ và xin Henri giúp đỡ giảng lại các bài đã mất trong mấy tuần qua. Henri giúp đỡ giảng lại các bài đã mất trong mấy tuần qua. Henri rất vui lòng (tuy hơi mệt) dạy thêm cho Mandy để nó bắt kịp các bạn. Kết quả rất khả quan. Điểm các bài thi trong thời kỳ khủng hoảng chỉ có lối 45% . Bây giờ bài thi cuối năm và các bài phải nộp định kỳ đều trở lại mực bình thường của Mandy (85%).

Henri rất lấy làm hãnh diện khi được ông Hiệu  trưởng khen: “Chỉ có Henri mới có cách giải quyết quá tốt đẹp như thế”.


Bài cùng tác giả:

1. Thiền trong lớp học

2. Sự chuyển hóa của pháp môn Thở và Cười

3. Vòng tay tình thương