Cùng nắm tay ta xây dựng tăng thân

Thư chia sẻ của sư cô Trăng Yên Tử khi tham dự Khoá tu gia đình (16-20/3/2013) tại Singapore

Quang Minh Sơn, Phổ Giác Thiền Tự, Singapore

Chiều ngày 16.03.2013, lúc bốn giờ đã có lễ khai mạc cho khoá tu gia đình với chủ đề: Hạnh Phúc là con đường tại Vô Tướng Đường, chùa Phổ Giác. Đây là khoá  tu hàng năm tại Singapore được kết hợp tổ chức bởi chùa Phổ Giác (Kong Meng San Phor Kark See) và Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á. Khoá tu năm nay tuy chỉ có 170 người tham dự nhưng tỉ lệ các cháu thiếu nhi là rất cao. Có nhiều người muốn tham dự nhưng vì đăng ký sau thời hạn thông báo nên ban tổ chức đã không đồng ý tiếp nhận. Theo danh sách của ban tổ chức, khoá tu có 40 cháu thiếu nhi trong chương trình Gieo Hạt (Planting Seeds), 16 em thanh thiếu niên trong chương trình Teen Programe và 110 người lớn được chia thành 6 nhóm pháp đàm. Thiền sinh tham dự khóa tu đã tu học theo nhiều truyền thống Phật giáo: Tịnh Độ, Nam Tông, Tây Tạng… Họ chia sẻ là họ muốn tham dự khóa tu để học cách thực tập chánh niệm để làm sao áp dụng vào đời sống hàng ngày. Và kết thúc khóa tu 16 em thanh thiếu niên đều phát nguyện tiếp nhận và thọ trì Năm giới. Về tăng thân xuất sĩ thì có 16 thầy, sư cô và sư chú tới từ nhiều Trung tâm: hai thầy từ Làng Mai, hai sư cô và hai thầy từ Trung tâm Làng Mai Thái Lan, hai sư cô và hai thầy từ Việt Nam và ba thầy, ba sư cô từ Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á (AIAB).

Khóa tu đã đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho các bạn thiền sinh và các em thiếu nhi cũng như cho quý thầy, quý sư cô. Mời quý vị coi một vài hình ảnh về khóa tu do Tăng thân ở Singapore ghi lại:

 

Ngoài các vị giáo thọ ra, khoá tu này còn có sự đóng góp của ba vị xuất sĩ mới: sư chú Trời Linh Thứu, sư cô Trăng Yên Tử và sư cô Trăng Cam Lộ. Đây là khoá tu nói tiếng Anh đầu tiên mà các vị xuất sĩ trẻ này tham dự hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi, ban biên tập trang nhà Làng Mai đã nhận được cảm nhận của các vị ấy về khoá tu đặc biệt này và xin chia sẻ với mọi người.

1. Ban biên tập: Đây là khóa tu đầu tiên sư cô tham dự, hướng dẫn, mà lại là một khóa tu nói tiếng Anh,  sư cô có cảm nhận gì?

Sư cô Trăng Yên Tử: Đây là khóa tu đầu tiên con tham dự hướng dẫn ở nước ngoài và là khóa tu nói tiếng Anh. Con thấy con vừa vui vừa run. Con vui vì con có cơ hội được học hỏi và làm việc cùng quý Thầy, Quý Sư Cô lớn, được tiếp cận với một môi trường mà mình chưa biết, và Ba Mẹ con cũng sẽ vui khi được biết con có cơ hội đó. Con có hội được đem Ba Mẹ con và gia đình con ở trong con đi ra ngoài để làm điều mà Ba Mẹ và gia đình con chưa  có cơ hội làm. Con run vì con biết rõ giới hạn của mình trong việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, cũng như con ý thức được rằng mình còn chưa có kinh nghiệm gì hết. Con sợ con không hoàn thành được tốt công việc được giao, phụ lòng Sư Cô y chỉ sư của con và Quý Sư Cô lớn ở nhà và không xứng đáng để đi thay cho Sư Chị, Sư Em con.

2. Ban biên tập: Đi đến một nước bạn và hướng dẫn tu học cho người bản xứ có mang lại cho sư cô cảm hứng mới nào cho việc học tập, phụng sự và xây dựng tăng thân?

Sư cô Trăng Yên Tử: Đi đến một nước bạn và hướng dẫn tu học cho người bản xứ mang lại cho con nhiều niềm vui và cảm hứng trong việc học tập, phụng sự và xây dựng tăng thân. Con yêu quê hương và con người Việt Nam. Con thương những điều kiện khó khăn mà người Việt còn đang gặp phải. Tâm nguyện của con là được phụng sự cho quê hương  mình. Nhưng khái niệm quê hương trong con thay đổi theo thời gian. Thuở nhỏ chỉ là một tỉnh, lớn lên là đất nước, còn bây giờ là bất kỳ nơi nào con đang ở, mặc dù rằng trong con vẫn có phần thiên vị cho Việt Nam. Ngày đầu tiên đi thiền hành, con ý thức con đang đặt chân trên đất nước của Singapore. Con đang mang tâm hồn của dân tộc mình đến với một nước bạn. Con đang tiếp nối Chư Tổ để mang thông điệp của hòa bình đến với nước bạn. Điều đó xóa bỏ mặc cảm của một dân tộc ở một nước nhược tiểu, thua kém về kinh tế và điều kiện sống mà đang tồn tại ở trong con cũng như nhiều người Việt Nam khác. Mặt khác, đặt chân trên đất nước Singapore, con ý thức rằng con đang đặt chân trên một đất nước khác, nhưng cũng là đang bước đi trên Trái Đất, trong một bước chân, chưa từng có sự xa cách với quê nhà. Và vì vậy, con nhìn người Singapore và tiếp xử với họ không có khoảng cách trong lòng mình. Con nghĩ có thể trong tương lai, con cũng sẽ như vậy khi gặp những người ngoại quốc khác, trong những khóa tu khác. Con có thêm nhiều cảm hứng trong việc nghĩ cách nào chơi với trẻ em mà vẫn chia sẻ pháp môn được. Con cũng muốn được nâng cao khả năng nghe tiếng Anh của mình và thực tập các pháp môn căn bản nhiều hơn.

Trong việc xây dựng tăng thân, con thấy rằng mình càng có nhiều tăng thân trên thế giới thì Việt Nam càng có nhiều cơ hội được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Vì nếu như người dân của một đất nước nào đó có lòng yêu mến và kính trọng con người và văn hóa Việt Nam thì mình có cơ hội được yểm trợ nhiều. Con cũng thấy sự thực tập hòa hợp, lắng nghe và yêu thương nhau trong tăng đoàn cũng rất cần thiết và giúp khóa tu thành công. Và bản thân con phải ý thức để đóng góp phần mình trong sự thực tập đó.

3. Ban biên tập: Chơi và hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi tại Singapore trong khóa tu này  sư cô thấy rằng sự thực tập chánh niệm có thể mạng lại lợi lạc gì cho các cháu? Về phần mình, sư chú sư cô có lợi lạc gì không và mình cần chuẩn bị những gì trước khóa tu để cho khả năng hướng dẫn của mình thêm hiệu quả?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Chơi và hướng dẫn tu học cho các cháu thiếu nhi tai Singapore trong khóa tu này, con thấy sự thực tập chánh niệm có thể mang lại cho các cháu những lợi lạc sau:

  • Các cháu có ngay những niềm vui trong lúc đang chơi và thực tập.
  • Tự các cháu khám phá ra giá trị của sự thực tập khi trả lời những câu hỏi do chúng con đưa ra,
  • Các cháu ý thức hơn về những điều kiện hạnh phúc đang có, như là sự có  mặt và sự nuôi dưỡng của ba mẹ dành cho các cháu.
  • Các cháu có những hiểu biết ban đầu về các pháp môn căn bản, về sự thực tập thương yêu và giới,
  • Các cháu có thể mở rộng tâm hồn mình với những người ở nước khác thông qua hình ảnh Quý Thầy, Quý Sư Cô và học được cách chia sẻ về mình, bày tỏ ý kiến của mình cũng như những cách tiếp xử đẹp căn bản (chào, trao đồ vật, nhận đồ vật , vv…)

* Về phần mình, con có rất nhiều hạnh phúc khi nhận sự tươi mát từ các cháu truyền sang cũng như mỗi khi thành công trong việc hướng dẫn và chia sẻ với các cháu. Con cũng học hỏi được từ các cháu rất nhiều, và có thêm nhiều kinh nghiệm khi chơi với trẻ con. Ví dụ như:

  • Chỉ trong một nhóm 17 cháu, con nhận thấy như là một thế giới thu nhỏ. Có những cháu rất hiếu động và ưa gây gổ. Có những cháu thích phản kháng và ưa nói “không” với mọi đề nghị, và cũng rất nhạy cảm với sự hơn thua. Có cháu thích chơi một mình hơn là chơi chung, nhưng lại rất khéo léo trong việc vẽ, và trang trí; giống như mẫu cá tính của nhiều nghệ sỹ thường thấy, cháu trồng cây cũng giỏi. Có cháu lại rất khéo trong chia sẻ và bày tỏ tình cảm của mình. Có cháu thì cử chỉ hơi thô tháo và tỏ ra già trước tuổi. Có cháu thì ưa thực tập một pháp môn căn bản nào đó.  Có cháu thì lặng lẽ, ít thích sự náo nhiệt.  Có cháu thì dễ dàng chấp nhận và tham gia mọi trò chơi.  Có cháu lại rất dễ thương, ưa thích phục vụ….
  • Nhưng con cũng nhật thấy các cháu cũng có những điểm chung giống như bất cứ trẻ con nào ở bất cứ đâu, là: dễ chán khi phải ngồi yên lâu. Nghe khen bạn khác thì cũng ráng làm giỏi như vậy để được khen, thích thi đua. Nhiều tình cảm và ít che dấu cảm xúc hơn người lớn. Học hỏi và tiếp thu cái mới rất nhanh.  Dễ vui trở lại sau những cảm xúc tiêu cực hơn người lớn …
  • Con cũng học được rằng khi tổ thức các trò chơi (có thực tập) cho các cháu thì con nhận thấy:

–          Có những trò chơi cá nhân, tự mỗi cháu làm. Ví dụ như: trồng đậu xanh. Các cháu khám phá về sự tương tức, về quan hệ nhân quả, và về tình thương.

–          Có những trò chơi tập thể, ví dụ cùng nhau làm thiệp cho thực tập tưới hoa  (watering flowers). Các cháu và chính bản thân con học được rằng mình có thể có được nhiều niềm vui trong sự giúp đỡ người khác, cũng như khi chấp nhận người khác như chính họ cùng với những giới hạn của họ. Và khi mình chấp nhận cho họ cơ hội để tham gia làm việc thay vì nói với họ không thể làm đâu, thì có khi họ sẽ làm nên những kết quả tốt mà mình không ngờ tới.

–          Theo con thấy thì trước mỗi khóa tu, những ai tham gia tổ chức Children program cần có sự bàn thảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như cách thức làm việc của người đi trước. Cũng như lần này, chúng con học hỏi được rất nhiều từ Sư Cô Thẩm Nghiêm con. Bên cạnh đó cần đầu tư suy nghĩ thêm những trò chơi mới, cách mới để chia sẻ sự thực tập. Vì trẻ con nhớ dai và mau chán, nên nếu năm sau cũng chơi y như năm trước thì sợ không đủ sức thu hút các cháu.

–          Ngoài ra thì đối với con, rất cần sự thực tập kỹ năng lắng nghe bằng tiếng Anh nhiều hơn và suy nghĩ thêm với những cháu có cá tính đặc biết thì nên tiếp xử như thế nào để các cháu hòa nhập được và có nhiều niềm vui. Con cũng cần thu thập thêm những chuyện kể và tập kể chuyện bằng tiếng Anh. Vì con thấy trẻ con Việt Nam thích nghe con kể chuyện nhưng các em ở Singapore thì chưa.

4. Ban biên tập: Nếu được đại chúng cử đi tham dự hướng dẫn một khóa tu khác tương tự như khóa tu nà sư  cô nghĩ rằng mình cần luyện tập thêm. Và những kỹ năng nào và mình có thể rèn luyện, học tập những kỹ năng ấy trong thời khóa hàng ngày của chúng mà mình đang thường trú hay không? Rèn luyện và học tập như thế nào?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Nếu được cử đi tham dự hướng dẫn một khóa tu khác tương tự như khóa tu này, con nghĩ con cần để một ít thì giờ để luyện tập thêm những kỹ năng như đã nói ở trên. Ngoài ra cần tập nghe và tụng kinh tiếng Anh nhiều hơn. Nếu là kỹ năng tiếng Anh thì hơi khó thực tập chung. Vì có sự chênh lệch nhiều, và nhu cầu học hỏi về các pháp môn căn bản của từng người cũng nhiều nên ít thời gian dự. Chúng con cũng có nhu cầu tự học. Về phần con, con sẽ rất vui nếu có nhiều tài liệu nghe bằng tiếng Anh, loại có thể chép vào máy MP3 để nghe thêm khi rảnh rỗi. Có thể chúng con sẽ thỏa thuận với nhau, giữa một vài Sư Chị, Sư Em, là sẽ nói tiếng Anh với nhau vào ngày thứ hai làm biếng.

5. Ban biên tập: Sư cô có thể kể một vài chuyện vui, vài hanh phúc và vài chuyển hóa của mình trong khóa tu này?

Sư cô Trăng Yên Tử: Những chuyện vui, hạnh phúc cũng như chuyển hóa của con đã được kể phần nào trong những chia sẻ trên. Con cũng xin kể thêm một chút:

Con thấy trẻ em rất thích trả lời câu hỏi. Và vì vậy, thay vì thuyết trình cho các em một bài, thì con hỏi để các em thi nhau trả lời. Các em rất hứng thú và nhiều câu trả lời rất thông minh mà cũng rất hồn nhiên làm chúng con bật cười.  Ví dụ:

Trong trò chơi thiền Snack, con hướng dẫn các em thử nhai chậm hai miếng, miếng thứ 3 thì nhanh hơn, khi các em ăn táo. Sau đó con hỏi ăn nhanh với ăn chậm, cái nào hơn. Thì các em trẻ lời ăn chậm hay hơn. Hỏi vì sao, thì một em nói là ăn nhanh nhai mệt quá! (^_^)

Hỏi các em vì sao không nên trộm cắp, một em vòng tay ra sau lưng nói là vì sẽ bị cảnh sát bắt. Hỏi vì sao không nên chơi video games nhiều quá, có em chỉ vô cặp kiếng con đeo và nó là chơi nhiều sẽ phải đeo kiếng. (^_^)

Cho các em trồng đậu xanh, con hỏi các em có cảm giác như thế nào khi cây mọc, thì các em trồng được đều trả lời là rất hạnh phúc (very happy)  khi thấy cây mọc lên.

Con hỏi các em là nếu muốn đối trị cảm xúc thì phải làm sao, các em trả lời là Chánh Niệm (mindfulness), làm thiền sỏi (do pebbles meditation), đi như Bụt (Buddha walking)… Còn có một em nằm đưa chân lên trời nói là thiền ngủ  (sleeping meditation).

Con thấy mặc dù có em nghịch và có vẻ không tham gia nhưng các em đều có tiếp thu hết và có thể trả lời rất thông minh.

Một trong những giờ phú hạnh phúc của con trong khóa tu này là khi dự Làm Mới (Beginning Anew) giữa cha mẹ và các cháu. Vì các cháu nhỏ từ 5-8 tuổi nên chúng con nhờ giáo viên cùng chúng con giúp các em viết thư cho ba mẹ. Trong thư cảm ơn những gì ba mẹ đã làm cho các em, xin lỗi vì các em có lỗi lầm gì đó, và hứa sẽ tốt hơn. Đến giờ làm mới, cả ba mẹ và các em đều hồi hộp, xúc động. Hầu hết các em mắc cỡ, nhờ ba mẹ đọc thư giúp. Có vị đọc thư của con thì cảm xúc đi lên, rơm rớm nước mắt. Có em thì ba mẹ đọc thư thì mắt em đỏ hoe mặc dù em là con trai. Vì sự xúc động rất thật nên rất nuôi dưỡng,và gia đình này cũng được nuôi dưỡng nhờ sự đóng góp của gia đình khác. Cả các cô giáo tham dự cũng rất xúc động.

Một kỷ niệm đẹp nữa là khi các bé ăn trong thiền Snack. Một em khất thực nhiều nho khô quá, bị nhiều em la lên là không dễ thương, thì tủi thân khóc. Con chia sẻ với các em là không nên như vậy, vì ai cũng có lúc phạm lỗi, và các em nên tập nói lời dễ thương. Sau đó khi con đề nghị thì có mấy em nói: Cậu cừ lắm (You are good), Cậu được đấy (You are OK), với vẻ rất “người lớn”. Khi một giáo viên (cũng là bà ngoại của một em) nói nhỏ vô tai em đó kêu mang ít đồ ăn của mình cho bạn, thì em làm theo, và sau đó nhiều em trong lớp tự động làm theo, rất là ấm áp. Tuy bé trai kia còn khóc nhưng con nghĩ cảm xúc đã dễ chịu hơn.

Khi cả lớp đang viết thư tình (love letters) cho ba mẹ để chuẩn bị cho buổi thực tập làm mới thì có một em cứ ngồi yên, hỏi gì cũng không nói (em này thuộc dạng cá biệt, hay nói không, và dễ buồn) con hỏi thăm các giáo viên thì họ chia sẻ là mẹ em rất dễ thương. Sau đó con nói với em là con sẽ vẽ trên lá thư thay em. Con vẽ em và mẹ em, sau đó con viết tên em + tên của má em (Mummy) ở dưới. Thì có một em bé khác tới viết thêm “= trái tim” và trong trái tim em đó viết “eternal love”. Một em khác thì tới vẽ thêm mặt trời trên thư. Rất dễ thương. Và em cá biệt đó cũng làm mới rất vui với mẹ, khi mẹ em khen em, ôm em và em tặng thư cho mẹ em.

Con cũng có rất nhiều niềm vui khi cùng làm việc với thầy Minh Hy con và sư em Trăng Cam Lộ. Vì con học được từ thầy sự nhường nhịn các sư em và tạo điều kiện cho các sư em thực tập, làm việc chung. Sư em Trăng Cam Lộ thì luôn có mặt để lấp vào những chỗ mà con còn yếu, còn khiếm khuyết. Sư em rất ưa thích dọn dẹp, giúp đỡ mọi người và có khả năng đến và chia sẻ với các em bé cá biệt tách ra khỏi nhóm, làm cho các em đó vui. Con tin rằng trong con đã có những sự thay đổi lớn lên nhiều, mặc dù con không thấy rõ để gọi tên nó là gì. Và mặc cảm tự ti của dân tộc ở nước nhỏ cũng đã được nhận diện và chuyển hoá ở trong con.

6. Ban biên tập: Sự thực tập nào hay những sự thực tập nào giúp sư cô nuôi dưỡng và gìn giữ được năng lượng bình an và thảnh thơi trong khóa tu này? Sư cô thực tập những điều ấy như thế nào?

Sư cô Trăng Yên Tử:   Những điều giúp con nuôi dưỡng và gìn giữ được năng lượng bình an và thảnh thơi trong khoá tu này là :

Con ý thức được điểm mạnh và điểm yếu của con. Con biết là nếu con ngủ đủ thì con sẽ làm việc tốt, nên con tranh thủ ngủ vào những lúc không có thời khoá để giữ năng lượng.

Trong khi đang có khoá tu, con hạn chế chơi, nói cười, hay làm bất cứ gì mà cho ra nhiều năng lượng, trừ lúc đang chơi với trẻ con trong thời khoá.

Lúc chơi với các em, con hướng các em về những trò chơi nhẹ nhàng, có thực tập, thì các em yên mà con cũng đỡ mất năng lượng. Những trò náo động thì con để các em tự chơi, chỉ đứng hoặc ngồi yên để yểm trợ khi cần.

Con nhắc nhở mình thực tập ý thức về thân hành nhiều hơn, và thực tập ngồi thiền, thiền hành thêm vào lúc rảnh. Tuy nhiên, con cũng không phải là người thực tập thêm nhiều, vì có lúc con cần ngủ thì con ngủ. Người mà con được nuôi dưỡng là sư em Cam Lộ, sư em con rất giỏi trong việc quay về và sắp xếp giờ giấc để thực tập thêm mỗi ngày.

7.Ban biên tập: Sư cô có thể nói một chút về mình?

Sư cô Trăng Yên Tử:  Con là Chân Trăng Yên Tử, quê ở Phan Thiết. Năm nay con 33 tuổi theo dương lịch, 34 tuổi mụ. Càng ngày con càng cảm nhận được rằng những gì con làm là những gì của gia đình con, Thầy, bạn bè…  cùng làm. Vì trong những gì con tiếp nhận và trao truyền đều có hình ảnh của tất cả trong đó. Không có cái gì là tự con làm nên cả. Trong một khoá tu cũng vậy, nếu không có quý thầy, quý sư cô, sư anh, sư em con, thì con cũng không làm được gì. Và trong children program lần này, sự có mặt của các giáo viên trong lớp cũng giúp chúng con rất nhiều. Con nghĩ con đã chia sẻ nhiều về mình trong những câu hỏi trên. Con xin cám ơn Sư Ông và quý thầy, quý sư cô, cám ơn sư cô y chỉ sư của con đã cho con rất nhiều niềm vui trong thực tập và phụng sự.

Tiếp theo: Chia sẻ của sư chú Trời Linh Thứu và sư cô Trăng Cam Lộ