Sư Thúc – người Thầy khả kính

Làng Mai, 9/ 8/ 2009

Từ phương xa con xin hướng trọn lòng mình về đất thiêng chùa Tổ.

Sư Thúc kính thương!

Đêm qua, trời trở gió và đến giữa khuya thì đổ mưa. Mưa suốt từ đó cho đến chiều nay mới tạnh. Ở Làng bây giờ đang là mùa hè mà lại có một cơn mưa, rất Huế. Mưa tưới mát cho cả núi rừng sau những ngày nóng bức. Mưa làm cho con nhớ về chùa Tổ và nghĩ đến Sư Thúc nhiều hơn.

Chiều hôm qua, các anh chị em chúng con ở các xóm đã tập trung về Thiền đường Chuyển Hóa – xóm Thượng để làm lễ tưởng niệm và thọ tang Sư Thúc. Chúng con đã ngồi thiền, tụng Tâm kinh. Thượng tọa Thích Minh Tuấn dâng hương cúng dường lên Bụt và Sư Thúc. Thường thì sau khi xướng hương xong sẽ có thị giả đem hương dâng Bụt nhưng lần này Thượng Tọa tự mình làm việc ấy. Dáng điệu của Thượng Tọa rất cung kính khi cắm hương vào bát hương trước di ảnh của Sư Thúc. Đại chúng ai cũng cảm được tình huynh đệ của Thượng Tọa gửi tới Sư Thúc. Sau đó, Thầy Trung Hải xướng lên những bài kệ tán thán công hạnh của Sư Thúc trước khi thọ tang. Những bài kệ rất hay. Kế đến, các anh chị em chúng con ai cũng đều  nhận một chiếc tang màu vàng để cài lên áo, đó là biểu tượng nhắc nhở rằng sư thúc đang có mặt trong mỗi người chúng con.

Nhớ đến những ngày tháng sống ở chùa Tổ, có cơ hội  gần gũi và được Sư Thúc nâng đỡ dìu dắt, con cảm thấy rất ấm lòng.

 

 

Ở chùa Tổ các anh chị em chúng con ai cũng biết Sư Thúc có đức hạnh rất đặc biệt. Người rất thương cây cối. Mỗi năm Sư Thúc đều trồng thêm rất nhiều cây,  để bù lại cho những cây đã chết và để làm cho đất Tổ thêm xanh tươi mỗi ngày. Vào năm ấy, bão lớn làm  gãy đổ  nhiều cây. Sau khi ra thăm vườn, lòng Sư Thúc buồn rười rượi. Tuy thế, Người đã dạy chúng con chỉ chặt bỏ những cây không thể cứu vãn được. Còn những cây chỉ mới nghiêng thôi,  chưa ngã đổ thì mình phải chăm sóc, dùng dây mà kéo lên, vun gốc lại cẩn thận. Nhờ vào tình thương của Sư Thúc, những cái cây ấy có thêm cơ hội để sống. Khi nghĩ về tăng thân  chùa Tổ, được Sư Thúc bao bọc và chở che, con càng thấy được tấm lòng từ bi độ lượng của Người. Đôi khi, trong tăng thân cũng có một vài sư em còn vụng về, yếu kém, nhiều lúc làm phiền lòng Sư Thúc và đại chúng. Nhưng Sư Thúc vẫn thương, vẫn ôm ấp và dạy dỗ để sư em đó tiếp tục được tu học trong chúng. Có lần, con nhớ có một sư chú đã bỏ chúng mà đi được mấy năm, nay lại trở về xin nương tựa Sư Thúc và đại chúng. Sư chú ấy không được dễ thương lắm nên đại chúng còn đang phân vân thì Sư Thúc dạy chúng con: “ Đánh kẻ chạy đi chứ ai mà nỡ đánh người chạy lại ”. Lời dạy từ bi ấy đã thấm sâu vào trong tâm khảm con.

Các điệu rất thích lên thất Sư Thúc để chơi, con cũng vậy. Con rất thích được nghe Sư Thúc kể chuyện. Những câu chuyện hay và thú vị. Chuyện nào mà Sư Thúc kể cũng đem lại cho chúng con một trận cười thiệt đã. Cười xong rồi thì hết buồn, và hết luôn cả lo lắng. Vì vậy, mỗi khi thấy trong người hơi mệt, con lại tìm lên thất và xin được ngồi chơi với Sư Thúc. Các điệu lần nào lên chơi cũng được Sư Thúc đãi bánh kẹo. Đó là những niềm vui rất lớn của các em. Anh chị em chúng con mỗi khi lên thăm thì cũng đều được nghe Người kể chuyện và cho ăn bánh. Sư Thúc mời một lần mà không ăn thì Sư Thúc lại mời lần thứ hai, rồi lần thứ ba nữa. Có những câu chuyện Sư Thúc kể, chúng con nghe đến mấy lần mà vẫn thấy vui vì người kể chuyện rất có duyên. Chúng con vui đã đành, mà Sư Thúc cũng rất vui. Một lần đó, có một người học trò của Sư Thúc đi học ở xa về thăm người. Sư Thúc mở hộp bánh, lấy một cái và đưa cho người học trò của mình. Người học trò mới thưa là “con đã ăn cơm no rồi”. Một lát sau, Sư Thúc lại mời thêm lần nữa. Nhưng người học trò ấy cũng chắp tay xin không nhận. Nói chuyện được một lúc, thì Sư Thúc lại mời thêm một lần nữa: “Kệ, con ăn một cái cho vui”. Nhưng người học trò ấy cũng xin không lấy, lý do cũng như trên. Lúc đó Sư Thúc mới nói: “Thầy mời con đến lần thứ ba rồi, con không ăn thì cầm một cái cho Thầy vui. Nếu người ta có mời con mà con không ăn thì cũng nhận để cho người ta vui, không thì mất lòng. Huống nữa Thầy là Thầy của con”.

Lúc đó con đang đứng sau lưng Sư Thúc để hầu trà và con rất thấm thía, trong những lời mắng yêu ấy chứa đựng cả tấm lòng từ bi và thương học trò vô hạn.

Có một bữa, Sư Thúc nói với con:

“Thầy chỉ thích các con gọi Thầy là Thầy thôi. Gọi “Ôn” là để dành cho quí ôn Hòa thượng, chứ Thầy còn nhỏ lắm”. Nhưng vì kính trọng Sư Thúc cho nên con vẫn thường gọi Sư Thúc là “Ôn”, “Thưa Ôn”. Nghe Sư Thúc dạy mà con cảm nhận được trong đó đức khiêm cung của người. Sư Thúc không còn kẹt vào địa vị và danh từ nữa.

Con nhớ là thầy Từ Đạo cũng có lần nói như vậy với chúng con trong một buổi pháp đàm ở nhà Thủy tạ. Là Thầy cũng thích các anh em gọi Thầy là Thầy thôi. Con cũng thích như vậy. Gọi Thầy thì tự nhiên thấy gần gũi hơn. Con cũng đã tập gọi như vậy nhưng nhiều khi cũng bị lẫn lộn và con đã mỉm cười với thói quen đó của con.

Sư Thúc kính thương!

Bên hông chánh điện chùa Tổ có một câu chữ Hán, nghĩa của nó là:

“Rừng thì không thể thiếu cây to

Tòng lâm không thể vắng bóng bậc trưởng thượng”

Con thấy đức tính đó nơi Sư Thúc. Người ít khi đi ra ngoài mà dành nhiều thời gian ở chùa, Người có mặt đó để sách tấn đại chúng “hạ thủ công phu”. Sư Thúc đã dành rất nhiều thời gian và công sức để dạy dỗ và nâng đỡ chúng con trên con đường tu tập. Vào những đêm sáng trăng, Sư Thúc thường mắc võng bên hông liêu gần tháp tổ khai sơn để ngắm trăng. Chúng con cũng thường xuống đó ngồi chơi và ngắm trăng với Người. Đó là khoảng thời gian rất đẹp mà chúng con được gần gũi bên Người. Có một hôm, Sư Thúc ngồi trên võng, hai chân đặt vững chãi trên đất, Người nói rằng: “ Thầy không muốn làm gì hết. Chỉ muốn sống bên cạnh Tổ để phụng sự Bụt, và phụng sự Tổ thôi.”

 

 

Dưới ánh trăng khuya, trong thế ngồi vững chãi, hai bàn chân tiếp xúc với đất Tổ, Sư Thúc đã cất lên những lời nói rất dõng dạc đó. Con thích chiêm ngưỡng hình ảnh ấy của Sư Thúc.

Thượng tọa Thích Thái Hòa, vị giáo thọ lớn đã từng ở chùa Tổ  nhiều năm để dẫn dắt các anh em học tăng chúng con tu học cũng đã từng nhiều lần nhắc nhở chúng con rằng: “Ôn trú trì là người mà Bụt, mà Tổ đã bổ xứ, quí thầy coi mà nương tựa không thì lại mang tội!”

Nhờ những lời dạy đó của Thượng Tọa mà niềm tin nơi Sư Thúc trong con càng thêm vững chãi. Tuy tuổi đã cao, lại thêm trong người có bệnh, vậy mà không lúc nào Sư Thúc không để tâm đến đại chúng. Từ việc phơi củi, xay lúa, đi chợ, nấu ăn, quét sân..v.v, cho đến việc sách tấn, tuần liêu để đánh thức chúng con dậy đi công phu. Vì còn trẻ tuổi cho nên trong chúng con ai cũng có những kỷ niệm với Sư Thúc, khi Người thức chúng con dậy đi công phu. Tất cả những việc ấy đã thể hiện tấm lòng phụng sự Tam Bảo hết mực của Sư Thúc.

Có một câu chuyện vui mà con được nghe một sư chú kể lại. Chuyện xảy ra vào một buổi sáng nọ. Ở chùa Tổ, mỗi buổi sáng ai cũng có việc để chấp tác, từ quý Thầy lớn cho đến các điệu nhỏ. Vì chùa thuộc về thiền tông cho nên còn giữ được nếp sinh hoạt đó. Công việc quét lá cần nhiều người hơn hết. Không may, hôm ấy sư chú đã bị ai đó lấy mất cái chổi. Thế là sư chú đi lòng vòng để tìm xem ai mượn chổi của mình. Khi đi ngang qua hồ Bán Nguyệt thì sư chú gặp Sư Thúc. Đó là lần thứ nhất sư chú bị Sư Thúc bắt gặp. Thường thì vào mỗi buổi sáng Sư Thúc hay đi dạo quanh chùa, nếu Sư Thúc gặp sư chú hay điệu nào mà chưa đi làm việc thì đều được người “hỏi thăm”. Cũng thiệt đúng là xui cho sư chú đó, vì đi vòng vòng cố tìm cho ra cái chổi mà sư chú gặp Sư Thúc đến lần thứ ba. Buổi sáng chưa chấp tác mà gặp Sư Thúc đến ba lần thì thật là xui xẻo. Sư chú chia sẻ với con là sư chú rất buồn vì bị thầy rầy và đã rất giận vì bị mất cái chổi. Sau khi quét lá xong, sư chú trở về phòng thì nhìn thấy Sư Thúc từ dưới nhà Báo Đức Đường đưa tay vẫy gọi sư chú. Sư chú cũng không biết là có chuyện gì nữa. Vừa đến nơi thì Sư Thúc đã nắm tay sư chú  và dẫn vào phòng rồi bẻ cho sư chú một trái chuối. Chỉ có thế thôi, mà sư chú không còn buồn Sư Thúc nữa. Con thấy cách Người thực tập làm mới rất là hay.

Có lần Sư Thúc tâm sự: “Mỗi khi đi ra vườn Thầy thấy các anh em làm việc thì Thầy hay đóng góp ý kiến để công việc được tốt hơn. Nhưng nghĩ lại, thấy bệnh của mình còn lo chưa xong mà đi lo đến chuyện khác làm gì. Nghĩ như vậy, cho nên Thầy đã buông bỏ được rất nhiều thứ.”

Đó là vào những ngày tháng cuối đời của Sư Thúc. Con nhớ thời gian ấy, bệnh của Sư Thúc nặng hơn, cơ thể luôn đau đớn, lại không ngủ được nên Sư Thúc thường dậy rất sớm. Sau khi uống trà, Người ra trước Thất Lắng Nghe ngồi thiền. Có hôm Sư Thúc mở kinh Lăng Nghiêm do Ôn Chí Niệm tụng để nghe. Và Người thỉnh mõ đều đều theo tiếng tụng kinh trầm hùng của sư huynh mình. Tụng kinh xong, Người thực tập bái sám. Sư Thúc có nói là mỗi khi xướng lên một danh hiệu Bụt hay Bồ tát thì Sư Thúc lạy xuống trong tư thế năm vóc sát đất, hai bàn tay mở ra và đọc thầm bài kệ sám hối:

“Con đã gây ra bao lầm lỗi

Khi nói, khi làm, khi tư duy

Đam mê, hờn giận và ngu si

Hôm nay con cúi đầu xin sám hối

Một lòng con cầu Bụt chứng tri

Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới

Nguyện sống đêm ngày trong chánh niệm

Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ tát  (3lần)”

Với cái lạy nào Sư Thúc cũng thực tập như vậy cho nên Người lạy rất đều, lạy nào cũng chừng ấy thời gian. Lạy xong, thì trời vẫn còn chưa sáng nên Người thường đi quanh Thất Lắng Nghe để tập thở. Thở vào và niệm “Nam mô Bụt” và thở ra Người niệm “A Di Đà”. Có khi, Sư Thúc niệm danh hiệu của đức Bổn sư hoặc là Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi trời đã gần sáng thì Sư Thúc đi xuống tăng xá đốc thúc các sư chú, các điệu đi ngồi thiền tụng kinh. Đó là những tháng ngày con được gần gũi bên Sư Thúc nên đã được nghe Người chia sẻ về những sự thực tập đó. Thời gian ấy, Thượng Tọa Thích Trí Tựu cũng thường về thăm và chơi với Người. Có những khi Sư Thúc nhức mỏi không ngồi ghế được mà chỉ nằm trên võng thì Thượng tọa cũng xin không ngồi ghế mà ngồi trên sàn gạch thôi. Sư Thúc và Thượng tọa trò chuyện cùng nhau gần gũi và thân mật như người một nhà. Thượng tọa cứ nhắc Sư Thúc hoài: “ khi mô rảnh thì Ôn cho các điệu chùa Tổ lên giao lưu với các điệu trên chùa của em. Các điệu lên chơi, ăn cơm và hát hò với nhau, tiền taxi em sẽ lo”.

Thượng tọa lúc nào cũng xưng là “em”với “Sư Thúc”. Anh em con rất được nuôi dưỡng bởi những hình ảnh dễ thương đó. Chỉ ngồi lắng nghe thôi mà chúng con đã rất hạnh phúc. Mỗi buổi chiều, Sư Thúc thường gọi mấy anh em con lên để ăn cơm cùng. Ngồi ăn đông người thì Sư Thúc vui và dùng cơm được nhiều hơn. Có lần, Người nói:  “May mà Thầy đi tu chứ ở nhà thì làm gì mà mỗi chiều có bảy, tám người con trai lên ngồi chơi với mình”.

Con nghĩ đó là những ngày tháng rất hạnh phúc và bình an của Sư Thúc, mà đó cũng là những ngày tháng đáng nhớ của anh em chúng con. Sư Thúc rất trân quý giá trị cuộc đời tu của mình. Mỗi lần có dịp được lên chơi với Sư Thúc ở thất Lắng Nghe, nếu hôm đó Sư Thúc không mệt, có thể ngồi trên ghế thì Sư Thúc cũng chỉ ghế để cho chúng con ngồi. Nhưng chúng con lại thích ngồi dưới sàn hơn. Sư Thúc thương chúng con như con ruột của mình nên không còn phân biệt địa vị nữa. Tình thầy trò trở nên thân thiết và sâu đậm.

Hôm ấy, trong khi đang xoa bóp cho Sư Thúc, thấy Sư Thúc tuổi đã cao mà bệnh lại nặng, con chợt nghĩ đến một ngày nào đó Sư Thúc sẽ ra đi. Lúc ấy, trong con đi lên ý thức chánh niệm là con cần phải thực tập nhận diện Sư Thúc qua một hình tướng mới. Để con có thể ít đau buồn và nuối tiếc khi Sư Thúc ra đi. Con nghĩ đến các điệu và con thấy rất rõ các điệu là sự tiếp nối của Sư Thúc, là một phần của Sư Thúc. Bên cạnh đó còn có các Thầy và các anh chị em chúng con nữa. Sau đó, con đã xin Sư Thúc cho phép con được chăm sóc cho các điệu. Sư Thúc đã ủng hộ và yểm trợ con, Người đã photo sách Nhật Tụng Thiền Môn bằng chữ Hán để con kèm cho các điệu học. Con cũng có dạy cho các em thực tập Sám Pháp Địa Xúc, theo dõi hơi thở và tập thỉnh chuông nữa. Các điệu rất ngoan và học giỏi. Con thấy các em có khả năng tiếp nhận những pháp môn mới mà Sư Thúc đã dạy cho chúng con thực tập mỗi ngày.

Tuy Sư Thúc đã ra đi, nhưng kỳ thực là Sư Thúc vẫn đang còn ở đó. Sư Thúc đã để lại một tăng thân, đó một món quà rất quý báu cho đất Thần Kinh cố đô. Con nghĩ rằng, đó là gia tài quí giá nhất mà Sư Thúc đã hiến tặng cho cuộc đời. Qua đó, mọi người có thể thấy công hạnh của Người. Sư Thúc mang trong mình chí nguyện của của các thế hệ Tổ sư đi trước. Các Thiền sư vào những năm 30 đã để rất nhiều tâm huyết đến việc phục hưng Phật giáo, mà âm vang vẫn còn tiếp tục và tuôn chảy mãi trong mạch sống của Tăng già Thừa Thiên cho đến ngày hôm nay. Dù Sư Thúc không hề nói một lời nào đến việc đó nhưng Sư Thúc đã tiếp nối và hoàn thành  chí nguyện ấy một cách rất xứng đáng. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, con cảm thấy kính ngưỡng Người hết mực. Thành quả đó cũng là nhờ rất nhiều vào sự ủng hộ của chư tôn đức trong sơn môn.

 

 

Con rất biết ơn Sư Thúc. Trong những năm tháng con được sống và nương tựa Sư Thúc, nhờ tình thương và lòng lân mẫn của người mà con đã lớn lên rất nhiều. Đất Tổ linh thiêng đã hun đúc và hiến tặng cho cuộc đời nhiều vị tổ sư xuất chúng. Và hôm nay, thế hệ con cháu chúng con rất hạnh phúc khi nghĩ đến dòng tổ tiên tâm linh lại có thêm Sư Thúc – một bậc Thầy khả kính. Sư Thúc đã tu tập thành công trong kiếp này. Chúng con cũng nguyện nối gót của Người. Tiếp nối và giữ gìn gia tài tâm linh mà các thế hệ Tổ sư và Sư Thúc đã dày công trao truyền.

Đây là những lời mộc mạc mà chân thành nhất, nương vào năng lượng từ bi của Sư Thúc cho nên con mới dám bộc bạch.

Sư Thúc kính thương! Nếu có dịp về chùa Tổ thì con sẽ lại được đi thiền hành trên những con đường đẹp, quanh hồ Sao Hôm,  hồ Sao Mai hay Lăng Viện. Thỉnh thoảng, các điệu làm biếng và không quét sạch lá ở đó, nhưng mà con thì lại thích như vậy. Mỗi khi đi ngang qua, bàn chân con được tiếp xúc với lá khô và con tập nhìn sâu hơn để thấy được sự lưu chuyển của rừng cây và của những những chiếc lá. Ở chùa Tổ, cứ vào cuối hè đầu thu, thì có rất nhiều lá sến rơi mỗi khi gió nhẹ thổi qua. Thỉnh thoảng, cũng có một vài chiếc lá bàng rơi rất ngoạn mục. Sư Thúc cũng là một trong những chiếc lá bàng đẹp trên đất Tổ. Người đã rơi một cách tự tại và an nhiên để rồi lại trở thành chất mùn nuôi dưỡng những mầm non tương lai.

Xin cho con đem hết lòng thành kính và biết ơn hướng về trước di ảnh và kim quan Sư Thúc đảnh lễ tam bái.

 

-(Chân Minh Hy)-