Gửi về Thầy

Chân Trăng Thanh Thiên

Sư Ông kính thương!
Giờ này, ngoài trời đang mưa, trời mưa như thế vào mỗi buổi chiều đã nhiều ngày rồi, làm cho cỏ cây núi đồi Khaoyai đã xanh lại càng xanh hơn mọi khi. Được đi thiền hành với đại chúng mỗi sớm mai, lòng con tràn đầy sự tươi mới, nụ cười được mở ra thật dễ dàng với tất cả mọi người và muôn vật xung quanh mình. Trong con bỗng trào dâng một niềm biết ơn thầm kín đối với Đất mẹ và thiên nhiên đã nuôi dưỡng, ôm ấp và trị liệu cho con cũng như bao loài sinh linh khác. Ngoài kia trời đang mưa, không khí trở nên mát dịu, và cái mát dịu hiếm hoi của tiết trời giữa những chuỗi ngày hè nắng rát càng làm cho chén trà ấm áp trong hai bàn tay con bỗng trở nên mầu nhiệm hơn.

Sư ông kính thương! Chúng con cũng vừa hoàn tất khóa tu Baby Buddha trong vòng ba tuần lễ. Năm nay có tất cả là 18 em thiếu niên phát tâm đến xuất gia với Làng, trong đó có 11 em nam và 7 em nữ. Khóa tu này cũng là một khóa học đặc biệt đối với con. Con đã học hỏi được rất nhiều điều từ các em và cũng có cơ hội nhìn lại chính bản thân mình lúc mình còn là niên thiếu. Lúc ấy, con chưa có thể có ý thức đủ để nhận ra rằng: “Mình đang là ai? Và mình đang làm gì?”. Sự biểu hiện của tính cách, cá tính, hành động tốt hay chưa tốt và khả năng của các em là sự phản chiếu của những hình bóng, những hạt giống của con ngày ấy vậy. Những hạt giống tốt và những hạt giống chưa được dễ thương trong con được huân tập từ thời thơ ấu và chúng lớn dần lên theo năm tháng, vậy mà con chưa từng dám nhìn thẳng để nhận mặt chúng chính là mình.

Giờ đây, nhờ có cơ hội tiếp xúc với các em Baby Buddha con đã nhìn thấy được sự thật rằng: “Các em ấy chính là ta, và các em đó cũng sẽ lớn lên như ta hôm nay”. Con hướng dẫn cho các em thực tập nhận diện và chuyển hóa hạt giống ganh tỵ trong mình. Tâm hành ganh tỵ ấy, chúng có mặt trong mỗi con người, tuy nhiên vì mình không muốn đối diện với nó, không dám chấp nhận nó, nên nó cứ lẩn trốn đâu đó trong tâm, và mỗi khi có cơ hội thì chúng ra mặt một cách rõ ràng mà ai cũng có thể thấy được, duy chỉ có mình là không muốn nhận mặt nó, bởi vì thấy được mặt nó cũng chính là thấy được mặt ta, mà mặt ta thì đâu phải xấu xa như thế….

Vì vậy cho nên, trước hết cần phải chấp nhận những cái xấu, những cái chưa hay ấy của ta để ta có cơ hội chuyển hóa chúng, cũng như chấp nhận có rác, có phân thì mới có cơ hội gieo trồng hạt mầm hoa vào đó. Ta cũng cần thực tập thấy được niềm vui của người khác là niềm vui của chính mình, sự thành công, sự tài năng của các bạn cũng là sự thành đạt của chính ta, đó chính là sự thực tập chế tác hỷ lạc, là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho ta để tiếp tục bước đi một cách vững chãi và khỏe mạnh trong cuộc đời này. Mỗi khi ta để cho tâm hành ganh tị xâm chiếm thì chính là ta đang đưa vào thân và tâm ta món ăn có độc tố. Thức ăn ấy khiến cho thân ta cảm thấy nóng râm ran lên, đi đứng nằm ngồi đều cảm thấy như có hạt cỏ gai châm chích đâu đó, tâm ta cũng cảm thấy bực bội, cáu kỉnh khó chịu, dễ nỗi giận với bất cứ ai khi họ hỏi điều gì hay nói điều gì mà ta không vừa ý…, ta cảm thấy khổ đau khi thấy mặt người đó. Tại sao thế? Tại sao ta lại làm cho ta khổ đau? Tại sao ta lại tự làm cho mình mất đi sự tươi mát nơi thân và tâm vậy? Ta làm như thế có lợi ích gì cho ta không, có đem lại niềm vui gì cho người xung quanh ta không?

Con đã hỏi các em những câu hỏi đó, nhưng sự thật là con đang hỏi cho chính bản thân mình! Và con đã có thể tự mình trả lời những câu hỏi ấy. Khi con trả lời được thì có nghĩa là cánh cửa của sự hiểu biết và niềm thương yêu đã hé mở, ánh sáng của tuệ giác tương tức đã lọt vào trong trái tim con, soi sáng cho con thấy rõ được mình và người là một, cái giỏi và cái dở không phải tự riêng nó mà biểu hiện được, chúng cần phải nương vào những duyên khác mà phát hiện.Vậy cái dở của ta cũng không phải của riêng ta, mà vì chúng nương vào cái giỏi khác mà có mặt, và cái giỏi của ta cũng không phải của riêng ta mà chúng cũng cần nương tựa vào cái dở của người khác mà biểu hiện…Có được cái thấy này, lập tức con cởi trói được cho chính con thoát khỏi những mặc cảm hơn, kém và bằng.Và con đã hiến tặng cho con một niềm vui, như trong bài kệ thực tập ăn cơm muỗng thứ ba là “Nguyện giữ lòng hoan hỷ”, nó cũng đúng với cái tên mà ba mẹ đã đặt cho con lúc con mới chào đời là bé Joy. Joy là niềm vui, là sự tươi mát, có nghĩa là ba mẹ đã gởi gắm ước muốn của mình vào nơi con rằng dù bất cứ lúc nào, bất cứ mơi đâu và dù con còn bé con hay đã lớn khôn, sự có mặt của bé Joy sẽ mang lại niềm vui và sự tươi mát cho mọi người xung quanh.

 

 

Cái tên Trăng Thanh Thiên mà Sư Ông và Tăng thân đã cho con ngày con xuất gia cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Thanh có nghĩa là xanh mát, Thiên là màu trời trong xanh và dịu mát. Hễ bất cứ ai khi cảm thấy trong lòng mình hơi chật chội, bực bội, hay nóng bức mà được ngẩng đầu nhìn lên bầu trời vào buổi tối có trăng thanh trong, có gió mát lành, dù chỉ một lần thôi thì lòng cũng sẽ được nâng cao và rộng mở ngay lập tức. Sư Ông và Tăng thân cũng muốn gởi gắm niềm tin ấy nơi con. Vậy con cần phải thực tập cho sâu sắc hơn với cái tên này. Con cần phải biết nuôi dưỡng con bằng niềm vui của mọi người xung quanh con, và cũng cần biết cảm thông với những nỗi khổ niềm đau của người khác để có thể giúp họ thay đổi và chuyển hóa.

Trong số các sư em Baby Buddha, có một bé gái 7 tuổi, là sư em nhỏ nhất trong nhóm. Quý thầy quý sư cô đặt tên em là Sao Ban Mai, bởi vì tâm em trong lành và tỏa chiếu như một ngôi sao sáng còn lưu lại trong thời khắc của một buổi bình minh sắp mở ra. Một ngày nọ trong khóa tu gia đình tại Resort Wangri, em hỏi con rằng: “Chúng ta đã tới nơi chưa? Và chúng ta còn đi đâu nữa?”. Lúc ấy các sư chú và sư cô cứ nghĩ rằng em bé này quá ngây thơ, đã ở trong khóa tu ngày thứ 3 rồi mà còn hỏi là đã tới nơi chưa? Lúc ấy con cũng trả lời cho em biết là mình đang ở trong khóa tu đã 3 hôm rồi, chỉ đợi ngày mãn khóa là lên xe về lại tu viện thôi chứ còn đi đâu nữa sư em! Rồi một lúc khác em hỏi: “Tại sao mình đưa cánh tay lên được? Tại sao mình quay đầu qua bên trái bên phải được? Và tại sao mắt mình nhắp nháy được?”. Con trả lời cho em rằng vì não bộ mình đang còn làm việc tốt, và nếu mình có chánh niệm thì mình sẽ ý thức được sự hoạt động của mỗi động tác trên cơ thể của mình rõ hơn. Lúc ấy, con không biết em Sao Ban Mai có hiểu được sự giải thích của con không? Nhưng chị em con tiếp tục đi tham dự các thời khóa sinh hoạt khác nên không hỏi và không nói chuyện tiếp được.

Đến một ngày, con đang đi thiền hành, bên cạnh con không còn các bé Baby Buddha cùng nắm tay đi chung nữa, chỉ có bài kệ “đã về đã tới” cùng đi với con thôi, bỗng dưng câu hỏi của sư bé Ban Mai chợt đi lên “Ta đã tới chưa? Ta còn đi đâu nữa?”. Giật mình với câu hỏi này vài giây, con chợt hiểu ra rằng là mình đã quen với tập khí đi lang thang và đi miên man đã nhiều năm nhiều tháng rồi, giờ đây đang đi thiền mà có lúc ta vẫn cứ bỏ Tăng thân mà đi kiếm tìm cái gì đó, ở đâu đó thật xa xôi, không rõ. Con mỉm cười và thầm cảm ơn em đã nhắc nhở con là trên đầu vẫn còn ánh sao soi.

Tiếp tục đi thiền hành cùng với đại chúng đến Cốc Sư Ông, thì đại chúng thực tập 10 động tác chánh niệm. Lúc ấy, chánh niệm trong con đã được thắp sáng, nên con đã hiểu thêm câu hỏi của sư bé Ban Mai, “vì sao ta đưa tay lên được? Vì sao ta quay đầu qua lại được? Vì sao ta mắt ta nhắp nháy được?”. Con nhớ lúc ấy con đã trả lời cho bé một cách kiến thức đã học có sẵn mà không phải bằng trái tim của sự thiền tập. Giờ đây con mới hiểu được những câu hỏi của bé không còn là câu hỏi đơn thuần nữa mà là một sự nhắc nhở, giống như những vị thiền sư hỏi các vị đệ tử của mình khi tâm họ đang trôi dạt đâu đó không có mặt trong giây phút hiện tại, tự mình đánh mất đi sự sống mầu nhiệm và những điều kiện hạnh phúc đang có mặt đó.

Đôi khi những câu hỏi rất đơn giản từ một đứa trẻ lại có khả năng đánh thức ta tỉnh ngộ rất nhanh. Chúng ta nhiều lúc hay xem thường những đứa trẻ, cho rằng chúng chưa biết gì, ta mới là người lớn, mới có sự hiểu biết, học rộng và nhìn sâu, nên thường đánh mất đi cơ hội trở về với sự tỉnh thức nhờ những câu nói ấy. Sự giác ngộ không thể đo lường và đánh giá qua tuổi tác hay thời gian, sự giác ngộ ấy được biểu hiện từ trái tim của sự thiền tập. Vì thế, tuy một đứa bé còn nhỏ tuổi hơn ta rất nhiều, nhưng đôi khi bé cũng là bậc thầy giúp ta giác ngộ và đi vào giải thoát trong một kiếp này không hay.

Sư ông thương kính! Có một em trong nhóm y chỉ muội của con tính hay lầm lì và ưa bướng bỉnh, ánh mắt em luôn nhìn láo liên không yên. Mỗi khi thấy con, em thường chạy tới ôm chặt cứng đến nỗi nghẹt thở. Nhưng qua thời gian chăm sóc em, con có cơ hội tìm hiểu về hoàn cảnh em lớn lên cũng như gia đình của em đang sống, con mới hiểu hơn về em, và về lý do tại sao em lại có những biểu hiện khác thường so với các bé khác như thế? Một buổi sáng con thức dậy sớm hơn giờ thức chúng trong khóa tu tại Resort Wangri, em cũng dậy cùng lúc với con. Con yên lặng pha trà và mời em. Em rất thích được ngồi yên và uống trà vào buổi sớm mai như thế, vì đó là cảm giác chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời của em. Nhìn vào ánh mắt của em sáng hôm đó con thấy rất khác so với mọi khi, không còn láo liên như trước mà thay vào đó là một ánh mắt rất dịu hiền và trong sáng. Những ngày trong khóa tu vừa qua, em cũng đã cư xử nhẹ nhàng hơn, biết sống hài hòa với các bạn, biết vâng lời quý sư chú và sư cô chăm sóc, em đã có được những chuyển hóa đáng kể. Sau đó em kể rằng: “Hồi đêm con nằm mơ thấy thời gian 3 tuần được làm người xuất sĩ đã hết, con phải trở lại gia đình và con đã khóc rất nhiều, vì con thấy nhớ tu viện, nhớ quý thầy quý sư cô quá. Ngay lúc ấy, con bỗng dưng cất lên bài hát Quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Khi nghe em kể tới đây, con đã rất ngạc nhiên, vì bài hát này chúng con chưa từng dạy cho các em hát, chỉ có hát cho các em nghe trong một lần làm thiền buông thư thôi, vậy mà nó đã đi vào tàng thức các em lúc nào không hay và để rồi được biểu hiện ngay trong giấc mơ của các em, thật mầu nhiệm vô cùng!

Vì thế, những điều chúng con làm hôm nay thật sự không có gì mất đi cả, không có gì là vô nghĩa cả. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi tư duy đẹp và thiện của con hôm nay đều sẽ chuyển biến thành những nguồn năng lượng lành đi sâu vào trong từng tế bào của nhau cũng như trong từng nụ hoa, chiếc lá, cọng cỏ để tạo thành một y báo tốt trong hiện tại và mãi mãi trong tương lai.