Khất thực trong làng Thénac
(Thầy Chân Trời Đức Định)
Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Duyên đã chín muồi
Vài năm trước, trong một lần quý thầy, quý sư cô cùng đi bộ tại Thénac, một làng nhỏ nơi xóm Thượng, Làng Mai tọa lạc, mọi người tác ý là một ngày nào đó sẽ đến khất thực nơi nhà những bạn bè quen biết, cũng là các hàng xóm cư sĩ ở đây.
Vào đầu mùa an cư kết đông 2023 – 2024, tôi đề nghị ý tưởng này với quý thầy. Nếu được như thế, chúng tôi có thể kết thúc mùa an cư một cách rất ý nghĩa. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy quý thầy chấp nhận đề nghị này một cách thật dễ dàng và vui vẻ. Không lâu sau đó, một ban tổ chức rất nhiệt tình gồm ba thầy và năm cư sĩ đã thành hình. Suốt thời gian tổ chức sự kiện này, chúng tôi đã gặp nhiều thuận duyên và rất ít khó khăn. Có vẻ như điều kiện đã chín muồi nên mọi việc diễn ra trôi chảy. Cá nhân tôi rất ngạc nhiên thấy một sự kiện liên quan tới nhiều người đến thế mà lại diễn ra một cách thật hòa điệu.
Một cơ thể, một trái tim
Sáng thứ bảy, 13.01.2024, hai nhóm xuất sĩ mang bình bát đi thiền hành tới Thénac, ngang qua những cánh đồng miền quê nước Pháp. Quang cảnh bên đường, từng hàng cây ngọn cỏ đều trắng tinh vì phủ đầy sương giá. Khi đến nhà của các bạn cư sĩ hàng xóm, sau khi được cúng dường, quý thầy tụng bài “Cát tường” để hộ niệm cho thí chủ, đoạn xá chào cảm ơn, rồi tiếp tục bước thiền hành.
Khi các huynh đệ cùng đi với nhau trong tĩnh lặng, tôi cảm thấy tất cả chúng tôi cùng thuộc về một cơ thể, một trái tim. Tôi cảm được sự gắn bó và có cùng chung một niềm hạnh phúc với huynh đệ. Nhóm khất thực của chúng tôi sắp xếp hai hàng đi song song với nhau và cất bình bát trong túi bọc khi đi trên một đoạn đường dài, lúc gần đến nhà cư sĩ, chúng tôi đổi lại đi hàng một, tay nâng bình bát. Cứ như trong một vũ điệu, chúng tôi hòa vào một dòng chảy. Khi vị đầu tiên dừng lại, tất cả các thầy đều dừng lại một lượt, lấy bình bát ra cùng một lượt. Tôi có thể cảm được quý thầy đi phía sau sẵn sàng hay chưa nhờ lắng nghe sự yên lặng rất bình an của cả đoàn.
Tưới tẩm hạt giống rộng lượng và biết ơn
Khi quý thầy trở về xóm Thượng thì các bạn thiền sinh cùng tham dự an cư, thiền sinh dài hạn và các cư sĩ sống ở vùng lân cận đang chấp tác một cách vui vẻ. Người thì giúp trang hoàng thiền đường, người khác nấu nướng trong bếp hoặc giúp dọn dẹp xóm. Chốc chốc lại có các bạn cư sĩ từ nhà tới, mang theo một món ngon nào đó.
Đến giờ ăn trưa, đại chúng bắt đầu đi theo thứ tự để khất thực. Quý thầy đi đầu, theo thứ tự hạ lạp, và được các vị thiền sinh cúng dường thức ăn vào bình bát. Trong khi tiếp nhận thức ăn, tôi có một chút hồi hộp nhưng rất vui khi thấy các bạn rất hết lòng tiếp thức ăn cho quý thầy.
Sau đó các bạn thiền sinh cũng được tiếp thức ăn. Rồi tất cả cùng đi vào thiền đường để dùng cơm trong im lặng, cùng chia sẻ với nhau các loại trái cây khô, hạt, và những thức ăn khác mà quý thầy đã nhận được từ buổi khất thực ban sáng trong làng Thénac.
Tôi còn nhớ một hôm trước ngày khất thực, khi đi bộ ngang nhà của một bạn cư sĩ, nhìn qua cửa sổ thấy bạn đang nấu nướng, tôi thoáng nghĩ có lẽ bạn ấy đang chuẩn bị cho buổi cúng dường ngày mai, lòng thấy cảm động và biết ơn. Chắc là ngay lúc ấy có nhiều vị cư sĩ khác cũng đang háo hức chuẩn bị thức ăn cúng dường cho quý thầy.
Toàn bộ sự kiện là một cơ hội để cho quý thầy nhận diện và kết nối với các vị thiền sinh cư sĩ, những người đã chuyển nhà đến sống gần tu viện. Hàng ngày, kể cả các ngày quán niệm, thường thì quý thầy không nhận ra các vị cư sĩ này là ai, nhất là khi họ không nói cùng một thứ tiếng và không cùng pháp đàm trong một nhóm với quý thầy.
Tôi rất cảm ơn ban tổ chức của buổi khất thực bởi vì mọi người đã thực tập theo tinh thần mà tôi nghĩ là Thầy sẽ hài lòng: cùng làm việc thảnh thơi, vui vẻ và hòa điệu, có hiệu quả nhưng lại không bị kẹt vào kết quả.
Cùng làm việc trong ban tổ chức với hai huynh đệ, tôi cảm thấy rất được yểm trợ. Nhờ cơ hội này chúng tôi có sự kết nối chặt chẽ với nhau hơn trong khi cùng nhau phụng sự đại chúng.
Là gì cũng đẹp
Lúc đi khất thực ngoài làng, tại ngôi nhà đầu tiên, tôi đã nhận thực phẩm cúng dường từ một người bạn thân, vị này trước đây từng ở cùng gia đình xuất gia với tôi, sau này đã trở về đời và có gia đình. Đầu tiên tôi thấy không được thoải mái cho lắm, hơi ngượng ngập, hơi bối rối không biết bây giờ quan hệ của chúng tôi nên như thế nào. Trong khi sắp xếp ngày khất thực, ban tổ chức chúng tôi có quán chiếu về mối liên hệ giữa xuất sĩ và cư sĩ. Chúng tôi ý thức rằng ai cũng đều có khả năng đi đến giải thoát hoàn toàn, dù người đó là ai đi nữa.
Đối với tôi, một người lớn lên trong xã hội Tây phương, những mối liên hệ dựa trên tính hào phóng, lòng biết ơn và tâm không mặc cảm là những điều không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy để học hỏi. Bây giờ nghĩ lại, nhờ những giáo lý đã được học và thực tập trong tăng thân mà tôi có thêm sự sáng tỏ trong vấn đề này. Sống như một thầy tu, hay như một cư sĩ đều đẹp cả, bởi vì một cuộc sống tu tập với tâm hiểu biết và từ bi là một cuộc sống tuyệt vời.
Là một thầy tu, tôi có thể cống hiến sự thực tập hết lòng của mình, học hỏi để hiểu và sống những gì mình học, kể cả tình thương lớn mà Bụt Tổ đã trao truyền cho tôi. Khi nhận thức cúng dường, tôi được nhắc nhở rằng mình cần hết lòng dấn thân để thực hiện những điều mà tôi mong mỏi nhất cho bản thân và cho cuộc đời.
Khi một vị thiền sinh cúng dường tăng thân, hoặc đóng góp tiền rau đậu để dự một khóa tu từ số lương ít ỏi mà họ kiếm được, thì họ cũng sẽ được nhắc nhở một điều tương tự: đó là ước nguyện sâu sắc nhất của họ. Đây là một điều thật sự rất tuyệt vời giúp tôi nhìn thấy, cảm nhận, được đánh động và mỉm cười trước mối liên hệ tương dung, tương quan của vạn vật.
Bình bát của Như Lai
Nay được nâng trên tay
Nguyện hết lòng thực tập
Pháp tam luân không tịch
(Kệ Nâng bát – Bước tới thảnh thơi – Sư Ông Làng Mai)
Con bướm và bông hoa, nếu ta lấy đi một cái, thì cái kia cũng không còn tồn tại nữa. Con bướm và bông hoa nương vào nhau để biểu hiện cùng một lúc. Nếu chúng tiến hóa, thì chúng sẽ cùng nhau tiến hóa. Chúng không hơn, không kém mà cũng không bằng nhau.
Người huynh đệ cư sĩ và tôi tương tức với nhau. Mối quan hệ tuyệt vời này đang xảy ra, đó là sự kết nối, là sự biết ơn, là tấm lòng rộng lượng. Cả thế giới đang có mặt trong chúng ta, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ, khi chúng ta tương tác với nhau. Thay vì cảm thấy ngượng ngùng, tôi hạnh phúc. Xuất sĩ không phải là một điều gì tồn tại biệt lập ngoài cư sĩ.
Sau đây là một ít hoa trái mà tôi gặt hái được trong mùa an cư này:
Khi tôi có thể nhận ra mối tình thân thương, gắn bó giữa các loài dù tiềm ẩn hay biểu hiện;
nhận ra liên hệ giữa những hạt giống trong tàng thức và những hoa trái trong cuộc sống hằng ngày:
hoàn cảnh, con người, thử thách…;
nhận ra mối liên hệ nội tại giữa nhu cầu thực sự của bản thân và những gì nhận được,
khi đó tôi có thể hoàn toàn tiếp nhận của cúng dường,
và hộ niệm cho người thí chủ
bằng một nụ cười tự tấm lòng.
Đi khất thực là một pháp môn
Trong chúng tôi, có một vài người tự hỏi “Có phải chúng ta tổ chức một sự kiện chỉ có tính cách biểu tượng mà thôi?”, hay “Chúng ta có nuôi dưỡng ý tưởng muốn làm những gì Đức Bụt đã làm, trong khi trên thực tế, chúng ta đã có quá đủ thức ăn và tiện nghi trong tu viện hay không?”.
Tôi đã tìm ra một câu trả lời khi quan sát những gì xảy ra vào ngày khất thực qua cách tổ chức và sự thực tập của mọi người. Tôi thấy những hạt giống thiện lành trong từng cá nhân và trong đoàn thể đang được tưới tẩm. Chúng tôi thực tập hài hòa trong quan điểm, lắng nghe nhau, có mặt và hành động trong chánh niệm, tưới tẩm những hạt giống rộng lượng, biết ơn, khiêm tốn, hạnh nguyện, quyết tâm và hiểu biết – thậm chí bằng cách đặt những câu hỏi như trên. Trong ngày hôm đó, chúng tôi cũng quán chiếu về mối quan hệ giữa mình với thức ăn và cảm thọ nơi tự thân.
Thêm một câu trả lời nữa mà tôi đã tìm ra, nhờ một câu trong kinh Duy Ma Cật: “Đi khất thực như vậy không hẳn là vì mình cần ăn”. Thầy cũng đã giải thích thêm trong tác phẩm Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia rằng “Khất thực không phải là để có thức ăn, mà là một pháp môn thực tập. Đi khất thực là chỉ để đi khất thực thôi”.
Tương tự như thế, cúng dường chỉ là để cúng dường thôi, không hẳn là vì để quý thầy có thức ăn, hay để tạo thêm chút phước.
Chúng tôi đã tổ chức sự kiện khất thực để thưởng thức nó thật hết lòng, và tôi nghĩ là chúng tôi đã làm được điều đó.
Tuy vậy tôi cũng nhân cơ hội này suy ngẫm về nhu yếu đích thực của mình trong vai trò của một hành giả, cũng như nhu yếu đích thực của một tăng thân đang chia sẻ các pháp môn thực tập với cộng đồng quốc tế bằng vô số phương tiện.
Sống thiểu dục tri túc
bằng cả thân và tâm
Là hạnh nguyện sâu sắc
Để sống đời tỉnh thức.
Cảm ơn tăng thân, gia đình tâm linh yêu quý, đã tạo ra vô vàn khoảnh khắc tuyệt vời như ngày hôm nay. Chúng ta có thể cùng nhau ăn mừng hạnh phúc và cam kết cùng nhau đi trên con đường tu tập này thật lâu bền.