Những chỉ dẫn cần thiết

(Phiên tả Pháp thoại ngày 30 tháng 11 năm 1997 tại xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Kỳ trước chúng ta đã học về hai chữ công phu. Chúng ta biết rằng công phu nghĩa là sự rèn luyện hằng ngày như thiền ngồi, thiền nằm, thiền trà, thiền làm việc, quán niệm hơi thở, v.v. và trong đó cố nhiên là có công phu thực tập những bài tụng niệm. Như vậy, công phu ở đây được hiểu là công phu tụng niệm. Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 chúng ta sử dụng trong khóa tu này, không phải chỉ có hai buổi công phu tụng niệm, mà là mười bốn buổi. Trong sách này chúng ta có thể sử dụng những kinh điển khác nhau để tụng mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Trong nghi thức này có nhiều kinh rất thiết thực cho sự thực tập, nếu có cơ hội thực tập theo thì chúng ta sẽ được học hỏi nhiều kinh và áp dụng những kinh đó trong đời sống hằng ngày. Trước hết là phần Những chỉ dẫn cần thiết, trang 17. 

1. Các nghi thức trong đây chỉ trình bày phần thiết yếu. Vị Duy na, tùy theo thời gian, có thể thêm vào các bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt, Khai kinh và Hồi hướng. Những bài này có đầy đủ trong phần phụ lục.

Sách Nhật dụng công phu ngày xưa cũng chỉ trình bày phần thiết yếu. Ví dụ buổi sáng bắt đầu bằng kinh Lăng nghiêm, ngay từ đầu đã tụng Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ tát, không có những bài như Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh. Vì vậy nếu vị Duy na muốn tụng thêm các bài Dâng hương, Tán lễ, Niệm Bụt và Khai kinh thì vị Duy na sẽ sử dụng những bài đó trong phần phụ lục.

2. Những đạo tràng tu theo Tịnh độ sẽ niệm Bụt A Di Đà trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca. 

Sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 có thể dùng chung cho cả hai phái Thiền và Tịnh độ. Nghi thức công phu chiều thứ Sáu là một nghi thức công phu Tịnh độ tiêu biểu. Trong các Niệm Phật đường, các Tịnh độ viện có thể áp dụng nghi thức chiều thứ Sáu. Các đạo tràng Tịnh độ, nếu muốn, có thể sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều. Nhưng nếu sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều thì sẽ không được trì tụng những kinh khác. Đạo tràng tu theo Tịnh độ trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca thì các hành giả có thể niệm Bụt A Di Đà. 

Sau danh hiệu Bụt A Di Đà là danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí và các đức Bồ tát trên hội Liên Trì. Trong giờ tĩnh tọa của buổi công phu chiều, hành giả Tịnh độ thực tập niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. Niệm Bụt có nhiều cách, cách thứ nhất là niệm Bụt thành tiếng, cách thứ hai là niệm Bụt im lặng. Khi niệm Bụt im lặng, ta có thể dùng tràng hạt hoặc quán tưởng. Quán tưởng là hình dung hình ảnh của đức Thế Tôn, tiếng Anh là visualization

Sách Nhật tụng Thiền môn năm 2000 đề nghị bắt đầu buổi công phu bằng sự thực tập tĩnh tọa. Thiền giả thực tập theo sách Sen búp từng cánh hé, Tịnh độ giả thực tập theo cách niệm Bụt im lặng, lần tràng hạt hoặc quán tưởng. 

3. Bài Quán nguyện (về danh hiệu của bốn vị Bồ tát lớn) trong buổi công phu chiều thứ Hai, thay vì được đại chúng đồng tụng, nên để cho một vị trong đại chúng (hoặc bốn vị thay nhau) đọc lên. Niệm lực và định lực của những vị này phải khá vững thì trong khi đọc mới tạo ra được năng lượng quán chiếu trong đại chúng.

Lạy đức Bồ tát Quan Thế Âm, lạy đức Bồ tát Văn Thù Sư Lợi,… Những đoạn đó nên để một người đọc với niệm lực và định lực để toàn thể đại chúng cùng nghe. Như vậy không có nghĩa là chúng ta không có quyền tụng với nhau, đồng thanh tụng những lời quán nguyện đó.

4. Trong khi tụng niệm, phải biết lắng nghe vị Duy na và đại chúng để có thể hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Phải hết sức tránh tụng một mình một giọng, tách biệt với giọng của đại chúng. Tụng kinh phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc.

Điều này rất quan trọng vì nhiều khi có người tụng một mình một giọng riêng trong đại chúng nên nghe rất kỳ, không có sự hòa hợp. Những người đó phải thực tập để hòa giọng mình vào giọng đại chúng. Người nào chưa hòa được thì phải tập, hễ tập là có thể làm được, chỉ cần vài giờ đồng hồ là có thể tập được, đừng nghĩ rằng ta không thể hòa vào giọng của đại chúng. Nếu hát được thì có thể tụng được. Phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc, nghĩa là không chỉ tụng bằng miệng mà phải tụng bằng tai nữa, phải nghe giọng của đại chúng để có thể hòa giọng ta vào giọng đại chúng. Những người tụng một mình một giọng là những người không sử dụng tai, nếu có sử dụng tai, họ sẽ không dám tụng như vậy. 

5. Trong khi tụng niệm, đừng nên chỉ chú trọng tới âm điệu tụng niệm và kỹ thuật tán tụng.

Nhiều người mắc phải điều này, vì muốn tụng kinh cho hay nên chúng ta thường để hết tâm ý vào kỹ thuật tán tụng và âm điệu tụng niệm. Ta quên rằng điều quan trọng nhất là để cho những hạt giống của tuệ giác trong ta được tưới tẩm bởi lời kinh, vì vậy phải để ý tới lời kinh.

Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Phần lớn chúng ta tụng kinh như một con vẹt hay một cái máy, trong khi tụng không để ý tới lời kinh, không để lời kinh thấm vào trong lòng. Tụng kinh phải để cho lời kinh tưới tẩm hạt giống tuệ giác trong ta. Những người đọc kinh có niệm lực và định lực thì để ý tới lời kinh. Khi đọc hoặc tụng kinh, ta có cơ hội để lời kinh, ý kinh tưới tẩm những hạt giống tuệ giác có sẵn trong ta. Và có thể ta bừng tỉnh, giác ngộ trong khi đọc kinh hoặc tụng kinh. Rất nhiều người trong chúng ta tụng như cái máy, điều này rất uổng phí. Mỗi ngày để ra một giờ, hai giờ, có khi ba giờ để tụng niệm mà cứ làm như cái máy cassette, rất uổng! 

Mỗi người hãy tự nhìn lại, trong khi tụng kinh ta có mở trái tim ra, mở tâm điền (ruộng tâm) ra để cho mưa pháp rơi xuống không, hay là ta chỉ tụng bằng cái miệng. Cơ Đốc giáo có nói tới lời cầu nguyện của trái tim (a heart prayer), tức là nói tới chuyện này. Cầu nguyện không phải bằng miệng mà bằng trái tim. Tụng kinh không phải là cầu nguyện. Tụng kinh là làm cho mưa pháp rơi xuống. Nghe pháp thoại cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống ruộng tâm của ta. Ta biết chắc rằng, ruộng tâm của ta có những hạt giống của trí tuệ, giác ngộ, hiểu biết, thương yêu, tha thứ. Những hạt giống đó được chôn vùi trong đất tâm ta; tụng kinh, nghe pháp là để cho mưa pháp thấm vào những hạt giống trong tâm. Nếu trong khi tụng niệm mà để cho đất tâm ta bị khóa lại, cũng như, lấy những tấm nylon che đất tâm của ta thì dù mưa pháp có rơi xuống cũng không có ích lợi gì. Cho nên mỗi lần tụng niệm là mỗi lần tạo ra mưa pháp. Mỗi lần nghe pháp thoại là mỗi lần đi vào cơn mưa của chánh pháp. Vì vậy, ta phải mở lòng ra, mở tâm địa của ta ra để cho mưa pháp thấm nhuần vào hạt giống tích cực có sẵn trong ta. Do đó, tụng niệm gọi là công phu. Nếu công phu chỉ là đọc cho xong một thời kinh bằng miệng thì mua máy cassette tụng giùm, để ta đi ngủ có phải sướng hơn không. Ta đừng nên làm máy cassette, thực tập tụng kinh mà làm máy cassette thì thật uổng cho ta. Tụng kinh là một sự thực tập rất quan trọng. Tụng kinh trong đạo Bụt không có nghĩa là cầu xin, tụng kinh nghĩa là làm ra mưa pháp để tưới vào đất tâm. Mưa pháp phải là mưa pháp thật sự. Ta phải mở lòng ra để đón nhận mưa pháp. Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. 

Tụng kinh không phải là hợp tấu hoặc hòa nhạc. Có khi chúng ta tụng kinh rất hay nhưng kinh không thấm được vào lòng thì rất uổng!

Tụng kinh là để có cơ hội gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và từ bi trong chiều sâu tâm thức, vì vậy tâm ý phải duyên theo lời kinh và tiếp nhận ý kinh. 

Do vậy mỗi sáng, mỗi chiều khi tụng niệm, chúng ta phải theo đúng nguyên tắc này: Mở tâm địa ra để đón nhận mưa pháp.

6. Niệm Bụt, dù là Bụt Thích Ca, hay Bụt A Di Đà, Bồ tát Quán Âm hay Bồ tát Địa Tạng, ta không nên chỉ niệm bằng miệng mà không niệm bằng tâm. Nếu chỉ niệm bằng miệng, ta sẽ mau chóng trở thành một cái máy niệm, chỉ phát được âm thanh mà không phát ra được năng lượng chánh niệm.

Khi chúng ta niệm bằng trái tim thì lời kinh phát ra được năng lượng của chánh niệm, năng lượng đó thấm nhuận vào cơ thể chúng ta, thấm nhuận vào cơ thể của những người xung quanh ta. Trong đó có thể có những loài vô hình tới nghe kinh, những loài Trời, A tu la, Dược xoa, những loài ta không thấy được. Họ cũng khao khát tới nghe kinh. Nếu ta chỉ niệm Bụt hay tụng kinh bằng miệng thì năng lượng không phát ra được, và họ không được thấm nhuận thì rất tội nghiệp cho họ. Vì vậy khi tụng kinh, niệm Bụt phải tụng bằng trái tim ta. Khi tụng bằng trái tim thì lời kinh của ta có năng lượng, có sự truyền cảm, đi sâu vào tự thân ta, đi sâu vào những người tới cùng tụng và đang nghe kinh với ta. 

Niệm bằng tâm ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của Bụt vốn có sẵn trong ta, dưới hình thức hạt giống Phật tánh và chánh niệm; năng lượng ấy cũng có mặt trong vũ trụ.

Niệm Bụt là để tiếp nhận năng lượng của Bụt. Chúng ta có hạt giống Bụt trong tâm, nếu chúng ta tụng và niệm bằng tâm thì chúng ta sẽ có thể tiếp xúc được với năng lượng của Bụt và của các vị Bồ tát. Có quy luật Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu – The law of affinity. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của loài ma, thì chúng ta chỉ cần tưới tẩm năng lượng, hạt giống của ma. Nếu chúng ta muốn đồng cảm và tiếp xúc với năng lượng của Bụt và Bồ tát thì chúng ta niệm Bụt và niệm Bồ tát. Niệm ma một hồi thì ta thành ma, niệm Bụt một hồi thì ta thành Bụt. Ví dụ, có một người suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện xì ke ma túy, đó là niệm xì ke ma túy, người đó sớm muộn gì cũng sẽ đi tìm tới nhóm người đang sử dụng xì ke ma túy. Nếu có người đang nghĩ tới chuyện tu tập, thiền hành, thiền tọa, ngày nào cũng nghĩ tới chuyện đó thì sớm muộn gì người đó cũng tìm về Làng Mai hay đạo tràng tu tập tương tợ để thực tập. Mỗi ngày ta niệm cái gì thì ta sẽ trở thành cái đó, chắc chắn như vậy. 

Năng lượng của Bụt và Bồ tát có trong tâm ta nhưng cũng có trong vũ trụ. Niệm Bụt tức là làm cho ta đi vào trong tần số, trong những làn sóng điện của các vị đại nhân. 

Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ.

Cũng như một cái máy vô tuyến truyền hình hay một cái máy vô tuyến truyền thanh, nếu không có điện hay không có pin bên trong, thì chúng ta không thể mở ra và không tiếp nhận được những chương trình mà đài phát thanh hay đài truyền hình đang phát. Chúng ta phải mở đài của chúng ta ra thì chúng ta mới tiếp nhận được chương trình của các đài khác. Điều này cũng vậy, chư Bụt, chư Bồ tát hoặc các bậc đại nhân luôn luôn có mặt đó và đang phát ra năng lượng chánh niệm tập thể. Nếu ta biết sử dụng thân tâm ta như một đài thu hình hay thu thanh, thì khi mở ra chúng ta có thể bắt đầu tiếp nhận năng lượng của Bụt và Bồ tát. Chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tập thể đó và chúng ta được yểm trợ, nâng đỡ bởi năng lượng đó. Chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được năng lượng trong vũ trụ. Ta phải có một ít năng lượng, năng lượng này là năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm. Có năng lượng, có điện và mở máy ra đúng đài thì thế nào chúng ta cũng tiếp xúc được những chương trình phát ra do các đài thế giới truyền đi.

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta thực sự có mặt. 

Niệm Bụt và niệm Bồ tát không có nghĩa là buông bỏ thực tại hiện tiền, cái bây giờ và ở đây để đi tìm kiếm một nơi khác, hay trốn tránh hoàn cảnh hiện tại. Khi niệm Bụt ta phải thiết lập thân tâm ngay trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Điều này rất quan trọng. 

Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây mà trái lại, ta đang thực sự có mặt. Đây là bản chất của thiền. Thiền nghĩa là làm cho ta thực sự có mặt, ở đây và bây giờ. Niệm Bụt cũng là thiền, cũng làm cho ta có mặt ở đây và bây giờ, không mơ tưởng cõi nào hay hạnh phúc nào ở tương lai.

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe cũng chính là những gì Bụt đang thấy và đang nghe.

Nếu ta đang thực sự niệm Bụt, thì chúng ta có năng lượng Bụt và có Bụt trong tâm. Vì vậy tai ta nghe được những điều Bụt đang nghe, mắt ta thấy được những gì Bụt đang thấy. Ví dụ khi có tiếng gió xao động trong cây, Bụt có thể nghe được trong đó tiếng thuyết pháp về Tứ đế, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta có chánh niệm và năng lượng của Bụt thì khi nghe tiếng gió, tiếng chim, chúng ta sẽ có thể nghe được tiếng thuyết pháp, thấy được mầu nhiệm, chân như của vạn sự vạn vật. Khi chúng ta sử dụng con mắt và lỗ tai của mình trong chánh niệm hiện tiền thì ta có thể nhìn bằng mắt của Bụt và nghe bằng tai của Bụt. Vì vậy, nếu Bụt an trú trong Tịnh độ thì Tịnh độ cũng hiển hiện cho ta trong giờ phút hiện tiền. Ví dụ khi đi thiền, nếu chúng ta có Bụt và năng lượng của Bụt trong tâm, thì cảnh giới trong đó ta đi thiền chính là cảnh giới Tịnh độ. Ta đi những bước rất thảnh thơi, thanh thoát, bởi vì Bụt là người thảnh thơi, thanh thoát. Niệm Bụt, ta có thảnh thơi và thanh thoát trong ta. Vì vậy cõi ta đang đi là cõi Bụt đang đi, nghĩa là cõi Bụt. Những gì ta đang nhìn thấy là những gì Bụt đang thấy, những gì ta đang nghe là những gì Bụt đang nghe. Niệm Bụt như vậy mới đi lên được mức cao, tức là niệm Bụt chân chính. Trái lại, niệm Bụt với tính cách cầu xin, than thở thì chưa phải là chánh niệm. 

Với năng lượng Bụt trong tâm, những gì ta đang thấy và đang nghe đồng thời đều là những gì Bụt đang thấy và đang nghe. Điều này rất quan trọng. 

Vì thế, niệm giúp chúng ta an trú trong định và định làm biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền.

Người niệm Bụt mà niệm đúng thì tiếp xúc được Tịnh độ hiện tiền trong giây phút hiện tại, không cần phải chết rồi mới đi qua Tịnh độ. Điều này rất đúng với tinh thần chính thống của Phật giáo. Cõi này là cõi Ta bà đầy nước mắt, cũng tại vì tâm ta là tâm Ta bà, tâm chúng sinh, tâm khổ đau. Nếu tâm ta được chuyển hóa nhờ phương pháp niệm Bụt thì tâm ta trở thành tâm Tịnh độ. Khi tâm ta trở thành tâm Tịnh độ thì cõi ta đang ngồi cũng trở thành cõi Tịnh độ. Chúng ta có bài hát: 

Đây là Tịnh độ

Tịnh độ là đây

Mỉm cười chánh niệm

An trú hôm nay.

Rất rõ ràng là khi tâm ta tịnh thì cảnh giới trong đó ta ngồi cũng tịnh. Tâm tịnh, thì độ tịnh. Và độ đó không cần phải đi tìm chỗ khác, độ tức là cõi. Cũng như trong Cơ Đốc giáo, người ta nói rằng đất Chúa nằm ngay trong tâm của quý vị (The kingdom of God is within you). Nếu tâm ta an trú được trong cõi bất sinh bất diệt thì đất đai ta đang cư trú trở thành cõi bất sinh bất diệt, cõi Niết bàn. 

Niệm Bụt giúp ta an trú trong định và định là biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền. Câu này cũng rất quan trọng. Mỗi ngày chúng ta đều tụng kinh, niệm Bụt nhưng chúng ta tụng kinh, niệm Bụt như thế nào mà bản thân vẫn ở trong cõi khổ đau đầy nước mắt. Vì chúng ta không tụng kinh, niệm Bụt theo đúng phương pháp. Tụng kinh, niệm Bụt là để năng lượng của Bụt, năng lượng của niệm, của định biểu hiện trong ta. Có niệm và định thì cõi Bụt sẽ hiện ra ngay trong cảnh giới hiện tiền. Và khi chúng ta đi thiền là chúng ta đi trong cõi Tịnh độ. 

Ta sẽ tiếp xúc được với thế giới của bản môn, của Tịnh độ ngay trong khi niệm Bụt, và ta có an lạc, vững chãi cũng ngay trong khi niệm Bụt. Niệm Bụt ở đây không còn là một lời cầu khẩn hay kêu gọi, mà là một sự thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. 

Trong đạo Bụt, chúng ta ít dùng danh từ cầu nguyện. Ta có quyền năng tạo ra mưa pháp. Mưa pháp giúp cho đất tâm ta được thấm nhuần để những hạt giống bồ đề, hạt giống hạnh phúc được biểu hiện. Vì vậy câu niệm Bụt không còn là lời cầu khẩn hay kêu gọi mà là thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập. Vậy thì trong khi chúng ta ngồi thiền, kinh hành, niệm Bụt, tụng kinh, những lúc đó ta phải có mặt thực sự trong Tịnh độ. Theo nguyên tắc thì chúng ta làm được nhưng với tập khí làm như cái máy, chúng ta không thành công. Chúng ta phải cương quyết đừng làm như cái máy, những cái máy ngồi thiền, những cái máy thiền hành, những cái máy tụng kinh, những cái máy niệm Bụt. Chúng ta phải ngồi thiền bằng trái tim, chúng ta phải kinh hành bằng trái tim, chúng ta phải niệm Bụt bằng trái tim, chúng ta phải tụng kinh bằng trái tim, thì tự nhiên cảnh giới của Bụt hiện tiền. 

Có một lần, sư em Định Nghiêm viết cho thầy: “Bạch thầy, con cảm thấy hạnh phúc lắm. Có một lần ngồi nghe pháp thoại tự nhiên con thấy sao mà con may mắn và hạnh phúc quá! Ngày nào con cũng được nghe và sống với những gì rất đẹp, rất hay, rất tốt (tức là giờ pháp thoại). Giờ pháp thoại nào cũng được nghe những ý, những lời tuyệt vời về giải thoát, tự do, từ bi và con được sống theo những lời dạy về giải thoát, tự do, từ bi. Những điều đó làm cho ruộng tâm của con được thấm ướt và những hạt giống hạnh phúc của con được nảy mầm.” 

Hạnh phúc đó là hạnh phúc Tịnh độ. Hạnh phúc đó tới với ta là nhờ ta được sống trong những cơn mưa pháp. Pháp thoại và tụng kinh là để có những cơn mưa pháp. Niệm Bụt, kinh hành cũng là làm cho mưa pháp rơi xuống. Khi có mưa pháp, hạt giống hạnh phúc biểu hiện và tự nhiên ta thấy cõi Tịnh độ hiện tiền, chứ không phải là điều mơ ước xa xôi, hão huyền. 

Khi thực tập kinh hành, nên chú tâm tới sự tiếp xúc giữa bàn chân và sàn chánh điện, đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ, mỗi bước đi đều có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước đi đều đem lại thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức. 

Đó là những lời chỉ dẫn về phương pháp kinh hành trong thiền đường, trong chánh điện. Trong khi bước những bước chân như vậy, ta phải theo dõi hơi thở. Khi kinh hành trong thiền đường, thường mỗi hơi thở vào ta bước một bước chân, mỗi hơi thở ra ta bước một bước chân. Trong khi bước như vậy, ta chú ý tới sự xúc chạm giữa bàn chân và sàn chánh điện. Sàn chánh điện có thể làm bằng gỗ, được trải thảm (moquette) hay vải sơn lót sàn (linoléum). Nhưng với bất cứ sàn nào, ta cũng phải chú tâm đến sự xúc chạm giữa bàn chân với sàn nhà. Đừng tập trung tâm ý trên đầu và suy nghĩ chuyện này chuyện khác, phải đem sự tập trung tâm ý xuống bàn chân để bàn chân tiếp xúc được với sàn chánh điện trong chánh niệm. Đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ. Trong khi ta đang kinh hành, sàn chánh điện, sàn thiền đường phải trở thành Tịnh độ. Đi phía trước ta có thể là một sư anh hay một sư em, ta biết rằng ít nhất có ba người: ta, người trước và sau ta đang đi trong cõi Tịnh độ. Nếu đi như vậy mà ta có buồn, có lo, có giận thì ta đang không đi trong cõi Tịnh độ mà là đi trong cõi Ta bà. Đi như vậy giống như ma đang đi. 

Cho nên, mỗi khi đi một vòng thiền hành (kinh hành trong chùa, trong chánh điện, trong thiền đường), chúng ta phải cương quyết đừng để mất một bước chân nào, bước nào cũng phải bước đi trong Tịnh độ. Chúng ta có câu kinh Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ – I vow that each step I make will bring me into the Pure land. Mỗi bước chân đều mang thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và tâm thức ta. Tức là ta nuôi dưỡng cơ thể và tâm thức bằng chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi. Và chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi đó được bước chân ta chế tác. 

Bước đi như in xuống dấu vết niềm an lạc của ta trên mặt đất.

Đừng để hằn lên trên mặt đất niềm lo, nỗi buồn của ta. Mỗi bước chân như vậy, ta phải in trên mặt đất dấu hiệu của an lạc, thảnh thơi. Những người khác không thấy nhưng các vị Bồ tát nhìn vào dấu chân của ta thì biết rằng dấu chân này là dấu chân của thảnh thơi, an lạc hay là dấu chân của phiền não.

7. Thỉnh thoảng, đại chúng cũng có thể đề cử một vị đọc lên kinh văn căn bản của thời công phu (như kinh Kim cương, v.v.) để tất cả mọi người cùng lắng nghe, thay vì đồng tụng. 

Điều này thầy có dạy các sư cô, sư chú ở tu viện Rừng Phong. Sáng nào thầy cũng thức dậy để ngồi thiền và tụng kinh với các sư cô, sư chú ở tu viện. Ngoài ra thầy cũng dành cho các vị một vài giờ để dạy cách tụng kinh và niệm Bụt. Chúng ta thường sử dụng mõ và chuông để cùng tụng kinh văn như kinh Kim cương hay kinh Diệt trừ phiền giận. Thỉnh thoảng, thay vì tụng chung thì chúng ta cử một người đọc kinh với tất cả niệm và định. Người này nếu có thể được, thì phải biết trước bổn phận của mình và phải thực tập trước một ngày hoặc hai ngày. Nếu người đó đọc vấp váp, không nắm được ý kinh và không có niệm lực hùng hậu thì khi đọc kinh, đại chúng không được thừa hưởng năng lượng. Cho nên khi ta nhờ một người đọc lên kinh văn căn bản của buổi tụng niệm cho đại chúng nghe thì ta phải nhờ một người có niệm lực khá hùng hậu. Những người nắm được ý kinh, nhất là những người đã từng thực tập những điều dạy trong kinh, khi đọc kinh lên năng lượng sẽ thấm nhuận rất nhiều trong đại chúng, trong những vị có mặt trong buổi công phu. Muốn nắm vững ý kinh, ta phải học những kinh này và phải đem những ý trong kinh áp dụng vào đời sống hằng ngày. Làm được như vậy, đến khi tụng kinh, ta mới có thể tụng được bằng trái tim ta. Tụng được bằng trái tim thì lời kinh sẽ thấm vào tự thân và thấm vào thân tâm của những người có mặt trong buổi tụng niệm. 

Nên chọn người có giọng đọc truyền cảm và có niệm lực cũng như định lực khá hùng hậu. Kinh nghiệm thực tập ở Đạo tràng Mai Thôn trong 20 năm qua cho thấy cách tụng này giúp cho ý kinh có thể thấm vào lòng người nghe một cách dễ dàng và sâu đậm.

Nhiều khi đồng tụng với nhau, chúng ta chỉ lo tụng cho đúng nhịp mõ, chúng ta không để ý tới ý kinh. Cho nên lời kinh không có năng lượng nhiều. Vì vậy thỉnh thoảng chúng ta phải tụng theo kiểu solo (tức là một người tụng đọc để tất cả người khác nghe) như là Đạo tràng Mai Thôn đã từng làm trong 20 năm vừa qua. 

8. Các kinh dài như kinh Niệm xứ, Kim cương, Người bắt rắn, v.v. đã được thu gọn để có thể nằm vào khuôn khổ thời gian có giới hạn của khóa tụng. 

Nếu tụng từ đầu tới cuối những bản kinh rất dài thì sẽ quá giờ của buổi công phu. Cho nên một số kinh dài đã được thu lại ngắn gọn. Tuy ngắn gọn nhưng tất cả tinh túy của kinh vẫn còn được giữ nguyên vẹn. 

Toàn văn các kinh ấy có thể được tìm thấy trong sách Nghi thức tụng niệm đại toàn.

Sách Nghi thức tụng niệm đại toàn sẽ sớm được xuất bản và trong sách đó tất cả các kinh trong Nhật tụng Thiền môn đều được in ra với đầy đủ chi tiết.

9. Tất cả các buổi công phu sáng và chiều đều được bắt đầu bằng 20 tới 30 phút tĩnh tọa và một vòng kinh hành im lặng. 

Trong thiền viện cũng như trong Tịnh độ viện, trước khi tụng kinh, niệm Bụt thì ta phải bắt đầu bằng một thời tĩnh tọa ít nhất là 20 phút, trung bình là 30 phút. Tại các thiền viện, nếu muốn có thêm giờ công phu tĩnh tọa thì ta có thể thêm vào.

10. Trong khi chuông đại hồng đang được thỉnh hay khi đại chúng đang ngồi tĩnh tọa hoặc tụng kinh, tất cả những người trong chùa có phận sự mà không tham dự được buổi công phu đều phải chấp tác trong im lặng, theo dõi hơi thở để thiền tập hoặc niệm Bụt mà không được nói chuyện hoặc gây tiếng động làm hại đến phẩm chất của buổi công phu. 

Đây là truyền thống hàng ngàn năm của thiền viện, chùa nào có sự thực tập vững chãi đều như vậy cả. Trong khi chuông đại hồng vọng lên và mọi người đang ngồi thiền, tụng kinh hay niệm Bụt thì ở dưới bếp và những nơi khác, mọi người không đi tham dự công phu được vì lý do tăng sai thì phải làm việc trong im lặng, phải theo dõi hơi thở, lắng nghe tiếng chuông, cùng thực tập chung với những người ở trên thiền đường. Tuy rằng ta đang lo công việc, nấu nước, pha trà, nấu cháo sáng cho đại chúng hay đang quét dọn thì ta cũng phải sử dụng những công tác đó như là công phu thực tập của ta, không được tạo ra sự ồn ào trong chùa hay thiền viện.

11. Xuất xứ của tất cả kinh văn sử dụng trong sách này đều được ghi chép ở cuối phần phụ lục.

Chúng ta có rất nhiều kinh trong mười bốn thời công phu, tất cả những xuất xứ và đại ý của kinh đều được ghi chép ở phần cuối của sách, tức là phần phụ lục.