Điều gì xảy ra khi quơ dép có chánh niệm?

(Sư chú Chân Trời Tương Tức)

Bạn hiền ơi, có bao giờ bạn có một ước ao lạ lùng chưa? Chẳng hạn bạn có phép thần thông như bay trong không gian hoặc đi trên mặt nước. Có lẽ điều này chỉ có thể xuất hiện trong phim ảnh hay trong giấc mơ mà thôi. Tuy nhiên, ngày hôm nay, bạn sẽ khám phá và sở hữu phép thần thông một cách đơn giản và thực tế. Từ đó, bạn có thể có được một “THẦN thái chánh niệm, THÔNG suốt mọi chuyện”. Hơn thế nữa, bạn sẽ có dịp nhận diện và tiếp xúc những điều mầu nhiệm của cuộc sống bằng chính con người bạn mà không phải là ai khác.

Bạn có nhớ lần quơ dép gần đây nhất là lúc nào chứ? Có thể bạn nhớ hoặc không nhớ. Dù sao đi chăng nữa, hôm nay, bạn sẽ được chia sẻ một điều đáng nhớ khi quơ dép. Đó là ứng dụng thi kệ này vào trong cuộc sống để giúp bạn có được hạnh phúc hơn, bình an hơn. Bài thi kệ “Quơ dép” như sau:

“Đặt chân trên mặt đất

Là thể hiện thần thông

Từng bước chân tỉnh thức

Làm hiển lộ pháp thân”

 

 

Nếu như bạn được nhập vai trong phim “Tây Du Ký” thì bạn có muốn sở hữu 72 phép thần thông chứ? Phải chăng thần thông là khả năng biến hóa, bay lượn trên không trung hay đi xuyên qua mọi vật…? Đối với bài thi kệ này thì thần thông lại là khả năng đi trên mặt đất một cách tỉnh thức. Thần thông là khả năng nhận diện và tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm ngay bây giờ và ở đây. Bên cạnh đó, thần thông là một khả năng rất cụ thể, rất thực tế mà ai cũng có thể làm được. Và bạn cũng không cần tìm nó trong phim hay giấc mơ nữa vì thần thông đã có sẵn trong bạn rồi đó.

Bạn vẫn chưa tin ư? Được rồi, bây giờ mời bạn tham gia một thí nghiệm như sau. Đầu tiên, bạn hãy ngồi ngay ngắn trong tư thế vững chãi. Thở vào, bạn từ từ nhấc chân phải lên. Chú ý từng cảm giác xuất hiện nếu có. Rồi sau đó, thở ra, bạn từ từ hạ chân xuống sàn nhà. Chú ý sự xúc chạm của bàn chân với mặt sàn. Tốt lắm. Bây giờ, mời bạn đổi chân trái và làm tương tự như chân phải. Thở vào, đưa chân lên. Thở ra, hạ chân xuống. Bạn có thấy gì chứ? Một sự thoải mái hay nặng nề của đôi chân? Hoặc là cảm giác man mát ở lòng bàn chân. Dù bạn có thấy gì đi chăng nữa thì cũng xin chúc mừng bạn vì bạn vẫn còn đôi chân khỏe mạnh, vẫn có thể nhấc lên hạ xuống, đi lại thoải mái. Và nếu như bạn không có đôi chân bình thường để thực hiện thí nghiệm trên thì cũng vẫn tốt vì ít nhất bạn còn 2 tay để chống nạng bước đi. Có khi điều này còn tốt hơn so với những ai có đôi chân mà không chịu đi một cách tỉnh thức.

Đời như cơn mộng. Trong giấc mơ thì là mộng đã đành. Nhưng sống trong đời sống với mắt thấy tai nghe mà vẫn còn thấy mộng. Vì chẳng có gì là chắc thực. Con người cứ mải mê chạy theo những thứ ảo ảnh như tài, danh, sắc, thực, thuỳ rồi đâm ra tham lam, giận hờn, si mê. Bởi thế mà đau khổ cứ chồng chất, không có lối thoát. Sự thiếu hiểu biết là nền tảng cho khối khổ đau đó đã trầm luân bao nhiêu ngàn đời, ngàn kiếp. Con người cần được đánh thức sự hiểu biết và thương yêu trong mình. Tỉnh táo đón nhận mọi sự vật, hiện tượng như chúng đang là. Hoa là hoa. Chim là chim. Mình là mình mà không cần cố gắng trở thành một ai khác mới là đẹp, mới là tốt.

Nhưng để là hoa, để là chim, để là mình thì không thể tự nó có được. Mà nó cần nương vào những điều kiện, nhân duyên khác nhau mà tạo thành. Ví dụ để có hoa thì phải có nắng, phải có nước, phải có không khí… Nếu thiếu một trong những yếu tố đó thì hoa không thể biểu hiện và tồn tại. Thông thường mình nghĩ rằng mình là một thực thể tách biệt với mọi hiện tượng khác. Nhưng kỳ thực tất cả đang trong mình, làm nên mình. Khi mình gây khổ đau cho người khác thì mình cũng đã tự làm khổ đau mình rồi. Nó xảy ra ngay tức khắc chứ chẳng đợi một thời gian sau mới thấy. Nếu nói “Tôi không cần anh” thì đó là một lối suy nghĩ thiển cận và ngây thơ. Khi cùng trở về gia đình tâm linh thì điều đó lại trở nên quá dại dột và thiếu hiểu biết. Mộng nào còn hơn mộng này nữa chăng? Chính vì thế, mình cần “TỈNH táo chấp nhận – THỨC hạt hiểu thương”.

Bằng cách nào để có được sự tỉnh thức? Hãy bước từng bước chân có ý thức, có chánh niệm. Mỗi bước chân như thế sẽ nuôi dưỡng sự tỉnh thức. Lúc ấy, mình có cơ hội làm lắng dịu khổ đau để đi tới sự sáng suốt, minh mẫn và thấu hiểu rõ ràng hơn. Từng bước chân tỉnh thức nếu được duy trì thì bạn có thể làm phát khởi, thấy rõ pháp thân.

Vậy pháp thân là gì? Pháp thân là bản thể vạn hữu, là chân như. Hay nói một cách dễ hiểu hơn thì pháp thân là tất cả mọi hiện tượng như tiếng chim hót, tia nắng ấm, đám mây trắng, cành trúc xanh… Rõ ràng những mầu nhiệm ấy đang có đó nhưng mình còn đang rong ruổi chạy theo lo lắng, sợ hãi, buồn rầu… Nên mình đã đánh mất đi cơ hội thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống. Thường thì mình đi bằng đầu chứ chẳng phải bằng chân. Khi đi mình hay suy nghĩ này, suy nghĩ nọ, đi cho mau tới mà thôi. Nếu như bạn để tâm vào bước chân và hơi thở thì một lúc sau bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều. Tự nhiên mình cảm thấy khoẻ, thấy nhẹ. Ngoài ra, mình còn cảm thấy mọi chuyện hanh thông hơn với từng chân tỉnh thức. Bởi thế mà, “PHÁP khắp mọi nơi – THÂN chẳng trong ngoài”.

Khi nào mình nên ứng dụng thi kệ này? Mỗi khi quơ dép, đi thiền hành hoặc bước đi đâu đó mình đều có thể đọc thầm bài thi kệ. Ngày trước con chẳng để ý nhiều về quơ dép. Cứ vơ phải dép là đi luôn. Vào chùa thấy mọi người xếp dép ngay ngắn thì con cũng làm như vậy như thể là mình tuân thủ nội quy răm rắp. Nhưng kể từ khi, con biết và ứng dụng thi kệ Quơ dép thì mọi chuyện đã khác. Quơ dép không chỉ là quơ dép. Quơ dép là khả năng chánh niệm, là tỉnh thức, là thấu hiểu, là thương yêu. Bạn còn nhớ câu “Bình thường tâm thị đạo” chứ? Tức là thấy đạo từ những điều bình thường, nhỏ nhặt như việc quơ dép… Bạn không cần làm một điều gì đó cao siêu mầu nhiệm hoặc ép xác khổ hạnh mới thấy đạo. Mà chỉ cần bạn chú ý, quan sát, lắng nghe thì mọi chuyện, mọi thứ đều cho bạn những bài học ý nghĩa, giúp bạn vượt thoát khổ đau mà bạn đang có.

 

 

Để ứng dụng thi kệ Quơ dép này hàng ngày, bạn cần có phương pháp cụ thể, rõ ràng. Tuy điều này nhỏ nhưng nếu không thực hiện Đúng – Đủ – Đều thì cũng rất khó hình thành thói quen và kết quả tốt được. Đầu tiên, bạn hãy chọn một khoảng thời gian cố định trong ngày như mới ngủ dậy buổi sáng hay trước khi đi ngủ buổi tối. Tiếp theo, bạn nên chọn không gian yên tĩnh, thoáng đãng như vườn cây xanh hay thiền đường… Bạn có thể xỏ dép, xỏ giày hoặc chân không đều được, miễn là bạn bước đi một cách thoải mái. Thay vì theo thói quen trước khi quơ dép, bạn có thể thở vào, thở ra một hơi rồi đọc thầm bài thi kệ Quơ dép. Điều này giúp bạn ý thức vào hành động bạn đang làm, cụ thể ở đây là quơ dép. Nếu bạn đã làm được đến đây thì bạn cũng nên tự chúc mừng bản thân vì mình đã làm được một điều mà trước đây bạn chưa từng làm. Cứ duy trì điều này trong vòng 2-3 ngày hoặc 1 tuần, nếu bạn cảm thấy ổn thì bạn nên nâng cao sự thực tập của mình. 

Cùng với không gian và thời gian đó, trong mỗi bước đi, bạn đều đọc thầm bài thi kệ. 

Thở vào, bước một bước, đồng thời đọc thầm câu “Đặt chân trên mặt đất”. 

Thở ra, bước một bước, đồng thời đọc thầm câu “Là thể hiện thần thông”. 

Tiếp theo, thở vào, bước một bước, đọc thầm câu “Từng bước chân tỉnh thức”. 

Thở ra, bước một bước, đọc thầm câu “Làm hiển lộ pháp thân“.

 

         Rút gọn lại là

“Thở vào/một bước/mặt đất”

“Thở ra/một bước/thần thông”

“Thở vào/một bước/tỉnh thức”

“Thở ra/một bước/pháp thân”. 

 

Ban đầu, mình sử dụng phương pháp này để chuyên chú nhất tâm. Nhưng nếu thực tập một thời gian thì tự nhiên mình sẽ có những cái thấy riêng. Những bước chân sau này sẽ khác hẳn với những bước chân trước đây cả về hình thức và nội dung.

Chúc bạn thực tập Quơ dép có nhiều hoa trái tốt lành !