Thiền trong lớp học
Trường Toronto French School là một ngôi trường tư thục song ngữ (Anh và Pháp) lớn vào bậc nhất nhì ở Canada. Nơi đó có một giáo sư người Việt (dân Vĩnh Long) làm trưởng phòng toán, đã cả gan đem Thiền tập vào lớp học ở Bắc Mỹ. Đó là giáo sư Nguyễn Henri. Việc đó bắt đầu cách đây một năm (1988).
Vào dịp lễ hai ngày lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường, mỗi giáo sư phải lên làm một trò gì cùng học sinh như múa, hát, diễn kịch, biểu diễn vũ thuật… Múa, hát, diễn kịch, Henri đều dở ẹt cả. May quá, nhân mới học chút ít về Thiền do bà cụ, bà xã chỉ dẫn vài tháng trước đó, và nhờ cụ đưa sách thiền của Thầy Thanh Từ cho đọc, Henri “gồng mình” mở lớp Thiền vào ngày hội.
Một nhóm học sinh của Henri hăng hái phóng đại hình tượng Phật dán lên tường. Vào ngày lễ, các phòng ở tầng trên của trường ồn ào, náo nhiệt với giọng ca, điệu vũ. Riêng ở tầng chót (basement), trong một căn phòng khá rộng, Henri và nhóm học sinh luân phiên yên lặng kinh hành và thiền toạ mỗi ngày ba xuất, mỗi xuất 40 phút. Tưởng không có ai bén mảng vào, nào dè ngay xuất đầu gần ba chục người, phần đông là phụ huynh học sinh, có lẽ vì ái mộ thầy của con mình nên tò mò đến tham dự.
Lúc bấy giờ, Heri chưa được biết những cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh, như cuốn “Phép Lạc Của Sự Tỉnh Thức” hay “An Trú Trong Hiện Tại” nên Henri cho dịch ra tiếng Anh bài “Thiền” mà Henri viết bằng tiếng Pháp phỏng theo một bài “Ngồi thiền” và đưa học sinh đọc cho mọi người. Henri nào dám nói gì nhiều, chỉ dặn là nhớ thở nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Nhất là nhớ cười, cười nhẹ nhàng thanh thản, bắt chước Phật trên hình. Chỉ biết vậy thôi mà dám làm thầy dạy Thiền thì quả là to gan! Có người tham dự và chỉ làm theo như thế, theo Henri chỉ dẫn sơ sơ rồi đi kinh hành chung quanh phòng, chỉ thực tập thở, mỉm cười trong 40 phút, chắp tay búp sen xá chào nhau rồi. Sau xuất đầu, chắc nghe đồn thấy lạ, thấy hay hay sao đó mà ôi thôi, ở mấy xuất sau người đến quá đông, phòng không đủ chỗ chứa (khoảng 50 người ngồi). Henri bèn đóng cửa khi hết chỗ và phát giấy giữ chỗ vào xuất sau (có cả ban ban Giám đốc trường tham dự nữa chớ!). Thấy có kết quả tốt, Henri bèn đành phải tiếp tục trong hai ngày.
Vài tháng sau, nhân có một khoá Tu Thiền ba ngày ở Camp Les Sommets, Montreal cách Toronto khoảng 600 cây số do Thầy Nhất Hạnh hướng dẫn, Henri xin phép nghỉ dạy ngày thứ sáu, lặn lội cùng bà xã đi tham dự nghe Thầy chỉ dẫn trọn vẹn ngày thứ bảy nhưng trưa chủ nhật lại quay về Toronto, không ở đến thứ hai vì bà bạn đi chung cùng xe bị bệnh. Trọn khoá tu Henri chỉ học được mười hai chữ để thở khi ngồi thiền và khi thiền hành. Đó là:
Vào – Ra Hay bằng tiếng Anh In – Out
Sâu – Chậm (Deep – Slow)
Khoẻ – Nhẹ (Calm – Ease)
Lặng – Cười (Release – Smile)
Hiện tại (Present Moment)
Tuyệt vời (Wonderful Moment)
và xin thú thật Henri chỉ nhờ “thấm” được bài kệ ấy mà áp dụng vào việc tu tập cho đến nay.
Cũng xin kể thêm cho vui, sáng thứ hai, sau khi ở Camp Les Sommets về, vào lớp học, Henri đi rất chậm đến chỗ ngồi. Mở cặp lấy sách ra rất thong thả, gọi tên điểm danh từng học sinh rất chậm rãi và luôn luôn có nụ cười trên môi. Cả lớp – khoảng 20 học sinh thi Tú tài – lấy làm lạ vì bình thường Henri nổi tiếng rất vội vã, hăng say, sợ mất thì giờ giảng bài. Bữa nay quả có gì lạ thường! Có cậu lại tưởng Henri còn đau ốm vì thứ sáu trước ông đã nghỉ dạy (để đi camp). Chúng thì thầm cùng nhau: “Il est encore malade”. (Ông ấy còn đau). Kế đến, Henri đứng dậy chậm rãi lau bảng, quán niệm lau qua thật thong thả, như cậu bé trong tuồng “Karaté Kid” lau xe hơi hay sơn hàng rào, tay lau mạnh và sạch, lau lại cũng rất chậm rãi, hơi thở ra, vào đều đặn. Cả lớp yên lặng trố mắt nhìn Henri! Lau bảng xong, Henri cười nhẹ và nói với học sinh Henri đang áp dụng Thiền vừa mới học trong mấy ngày qua. Henri đề nghị, kể từ nay, trong giờ học của Henri, học sinh sẽ cố gắng áp dụng Thiền như sau:
“Thầy đề nghị thế này nhé. Từ nay khi vào lớp, sau phần điểm danh, các con sẽ nghe thầy nói lớn: “Thở đi các con.” Khi thở vào các con theo dõi hơi thở bằng cách nói thầm In, khi thở ra các con cũng theo dõi và nói thầm Out; tiếp tục thở vào, thở ra trong chánh niệm như thế ba lần. Nhưng nếu các con thở 12 chữ có hơi dài, thầy đề nghị các con chỉ thở theo bốn chữ: In – Out; Now – Wow, nhất là khi tới chữ Wow các con nhớ mỉm cười thoải mái, an lạc.
Henri cho thực tập ngay. Học trò thực hiện ngay, gương mặt rạng rỡ, dễ thương vô cùng.
Chưa hết, vì là lớp chuẩn bị đại học, giờ Toán của Henri dài đến một tiếng rưỡi, Henri kiếm cách cho đại chúng nghỉ xả hơi. Mỗi nửa giờ một học sinh tình nguyện vỗ tay lên ba tiếng “bốp, bốp, bốp” (để thay thế cho tiếng chuông chánh niệm) tất cả thầy trò đều dừng lại, bắt đầu thở và lặp lại ba lần:
Thở vào – Thở ra (In – Out)
Thở vào – Thở ra (Now – Wow)
rồi tiếp tục học.
Thường cuối giờ học, Henri ra đứng trước cửa lớp học, học sinh đi ra và chào “Merci, Monsieur Henri”, hay có đứa nói: “Merci, papa”. Bắt đầu từ đó, Henri ra đứng trước cửa lớp, chắp tay búp sen, miệng mỉm cười. Học sinh đi ra ngang qua Henri cũng không nói gì, chỉ chắp tay búp sen, mỉm cười cúi đầu chào trong lúc Henri cũng mỉm cười và chắp tay xá lại.
Xin kể thêm cho vui, khi chúng học thở trong lớp, có đứa nói nhỏ với Henri rằng nhờ thở như vậy nó học rất tỉnh táo và hiểu bài mau hơn lúc trước. Quá mừng đi thôi!
Khi bắt đầu học thở trong vài buổi đầu, có một học sinh gặp Henri rói rằng nó không thực hành được vì nó theo đạo Công giáo, không thể thực hiện điều làm của Phật giáo. Henri bèn nói: “ OK. Rất tốt, con nên giữ nề nếp của đạo con, thầy rất vui lòng. Nhưng thầy đề nghị con cứ thở vào, thở ra và trong mỗi hơi thở con cầu nguyện thầm “My Lord – Thở vào; Jeus – Thở ra” được không? Cậu bé bằng lòng liền. Sau vài tuần, chính cậu bé ấy nhắc nhở thực tập thở đều đặn nhất.
Chuyện sau đây cũng đáng được kể lại: Khi mới bắt đầu cho một lớp tập thở, các lớp khác cũng xin học thở. Henri bèn áp dụng cho tất cả các lớp mà mình dạy. Chuyện tới tai phụ huynh và dĩ nhiên có phản ứng. Một buổi sáng, Giám đốc trường mời Henri vào phòng và cho gặp hai nhà báo của The Globe and Mail, một tờ báo lớn của Toronto. Hai ông nói: “Chúng tôi đến để điều tra xem Henri có đem Phật giáo và trường không? Nếu có, đó là một điều rất cấm kỵ ở Canada.” Henri bình tĩnh vui vẻ nói: “Xin mời hai ông vào một lớp xem, các ông sẽ chứng kiến việc làm, việc dạy dỗ của tôi trong lớp. Xin ông Giám đốc chấp nhận cho.”
Ông Giám đốc, rất nể Henri vì là trụ cột của trường, bằng lòng ngay.
Hai nhà báo, một phóng viên, một nhiếp ảnh viên vào lớp. Henri vẫn làm như thường lệ. Không nói: “Bonjoun, mes enfants” mà chắp tay búp sen xá, học trò đứng dậy chắp tay búp sen xá chào nhau. Rồi đến “Bonjoun, mes enfants” – “thở đi các con”. Sau ba bốn hơi thở, Henri mới bắt đầu giảng bài. Cả lớp yên lặng theo dõi, ghi chép bài vở… trong một không khí yên vui, thoải mái, hỏi đâu trả lời vanh vách rành mạch đến đó. Rồi cũng vỗ tay, nghỉ xả hơi, cũng thở, cũng cười và cuối giờ cũng chắp tay búp sen chào nhau. Rất vui là khi hai nhà báo đi ra, ngang qua mặt Henri họ cũng chắp tay chào như học trò đã chào, còn chêm thêm một câu ngon lành: “các lớp, các trường ở Bắc Mỹ đáng lẽ phải làm như thế mới phải”. Henri mỉm cười (và hơi hỉnh mũi, có lẽ vì “tu chưa chín”). Hai nhà báo ấy có viết một bài về thiền trong lớp học và có đăng hình Henri với ông chủ trường. Henri có giữ làm kỷ niệm cho vui.
Chuyện kể về thiền trong lớp học hơi dài, xin chấm dứt nơi đây.
Toronto, 1989
Henri Kỷ Cương
(Nguồn hình: http://www.elephantjournal.com)