Truyền thông là tiếp nối
Mỗi cá nhân, mỗi sinh vật luôn luôn sử dụng truyền thông. Chúng ta thường cho rằng truyền thông là những gì chúng ta viết hay chúng ta nói. Tuy nhiên dáng dấp của chúng ta, sắc diện của chúng ta, giọng nói, cử chỉ của chúng ta và ngay cả ý nghĩ của chúng ta, tất cả đều là những phương tiện truyền thông. Cũng như một cây cam cống hiến hoa, lá và trái cam tươi tốt, mỗi cá nhân trong cộng đồng cống hiến lời hay, cử chỉ đẹp. Một sự truyền thông không thể nào không có ảnh hưởng. Mỗi khi truyền thông là ta đóng góp hoặc yêu thương hòa hợp hoặc khổ đau đổ vỡ.
Truyền thông là đóng góp vào thế giới bên ngoài. Truyền thông cũng là những gì còn tồn tại trong thế giới bên ngoài sau đó. Cho nên truyền thông của ta là nghiệp lực của chính ta. Thuật ngữ karma, tiếng Sankrit, có nghĩa là “hành động”. Hành động ở đây không những ám chỉ hành động của cơ thể mà còn ám chỉ cả ngôn ngữ, ý nghĩ và dự tính khi hành động.
Hàng ngày ta đóng góp năng lượng của suy nghĩ, nói năng, hành động (Thân – Khẩu – Ý). Mỗi phút mỗi giây ta đều truyền thông với ta hay với người khác. Những gì ta suy nghĩ, nói năng, hành động là biểu hiện của ta. Ta chính là hành động của ta. Khi hành động, ta không chỉ hành động bằng cơ thể mà cả bằng ngôn ngữ và ý tưởng. Nghiệp (Karma) là tác động của cả ba: Thân, Khẩu và Ý.
Ý nghĩ tự nó là hành động. Mặc dù ta không thể “thấy” sự biểu hiện của ý nghĩ, ý nghĩ đã có đó như một năng lượng. Ý nghĩ có thể thôi thúc chúng ta tạo nên đổ vỡ hay đem lại yêu thương. Bất cứ ý nghĩ nào cũng đưa đến kết quả, hoặc tức thời hoặc mai sau. Khi chúng ta có một ý nghĩ thù hận, buồn giận hay tuyệt vọng, ý nghĩ ấy là một chất độc tàn hoại thân tâm ta, là nguồn gốc của mọi xung đột, tác hại. Nếu chúng ta có một hành vi bạo động, đó là vì chúng ta đã có ý nghĩ hận thù, giận ghét và có ý muốn trừng phạt. Cho nên chính ý nghĩ tự nó đã là hành động. Không cần phải nói gì hay làm gì mới gọi là hành động. Suy nghĩ một điều gì chính là hành động.
Khi ta phát khởi một ý nghĩ đầy hiểu biết, yêu thương, bao dung thì ý nghĩ ấy tức khắc có ảnh hưởng chữa trị đối với thân tâm ta và những người chung quanh ta. Nếu chúng ta khởi lên một ý nghĩ đầy phán xét, giận dữ thì ý nghĩ ấy tức khắc sẽ đầu độc thân tâm ta và những người chung quanh ta. Suy nghĩ là hành động hàng đầu bởi vì suy nghĩ là nền tảng tác dụng lên trên thế giới. Những lời ta nói cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Nếu chúng ta có thể nói và viết với thương yêu và hiểu biết thì thân tâm ta sẽ vô cùng nhẹ nhàng thanh thản. Ta không nói những lời yêu thương, hiểu biết chỉ để cho người nghe ta nói cảm thấy thoải mái, vừa lòng. Lời nói yêu thương của ta cũng có tác dụng chữa trị cho chính ta. Khi mà ta có thể nói được một lời nói dễ thương, tha thứ, thương yêu, ta sẽ cảm thấy an vui thanh thoát hơn.
Khi ta viết ra những lời yêu thương, tha thứ, ta sẽ cảm thấy an vui mặc dù người kia chưa đọc những gì ta viết. Ngay khi chưa gửi thư hay email hay đánh tin nhắn ta đã cảm thấy vui vẻ trong lòng. Và người kia khi đọc những dòng thư của ta cũng sẽ cảm nhận tình thương yêu của ta. Trái lại, nếu ta nói lên những lời giận dữ, bạo động, nếu ta nói với dụng ý trừng phạt thì ta và người nghe, cả hai đều cùng chịu đau khổ. Hãy tưởng tượng một em bé đang chứng kiến cha mẹ cãi nhau. Mặc dù lời lẽ của hai người không nhắm vào đứa bé, em bé vẫn chịu ảnh hưởng của những lời lẽ sân hận đó. Lời nói là một hành động thuộc hình thức thứ hai, có thể chữa trị và khai phóng hay tàn hại, gây đau khổ.
Hình thức hành động thứ ba là hành động của thân. Đây gọi là truyền thông bằng “ngôn ngữ của cơ thể” (body language) ví dụ như nắm chặt bàn tay lại khi giận hay dang hai tay ra khi đón mừng hoặc là những quyết định tham dự vào một sự cố hay hoạt động trong ngày, hay cách tiếp đãi một người nào. Nếu chúng ta có một hành động cứu vớt, che chở, an ủi, hỗ trợ hay chăm sóc, chúng ta sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực tức thì.
Truyền thông mang dấu ấn của ta
Tất cả những gì ta nói hay ta làm đều mang dấu ấn của riêng ta. Ta không thể nói: “Đấy không phải là ý nghĩ của tôi”. Ta chịu trách nhiệm về những gì ta truyền thông. Cho nên nếu ngày hôm qua ta nói ra một điều gì không hay, không phải thì hôm nay ta phải tìm cách sửa đổi. Triết gia người Pháp Jean Paul Sartre có nói: “Con người là tổng thể các hành động của mình”. Giá trị của cuộc đời ta tùy thuộc vào giá trị của những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng, và hành động. Chúng ta muốn cống hiến những lời lẽ, những ý nghĩ, những hành động tốt đẹp nhất bởi vì chúng là những tiếp nối của chính chúng ta. Khi chúng ta suy nghĩ, khi chúng ta nói năng hay hành động, chúng ta sáng tạo và chúng ta có mặt đó với những sáng tạo của chúng ta. Đó là thành quả của cuộc sống chúng ta. Những truyền thông của chúng ta sẽ không mất đi khi thân thể ta tàn hoại, không còn trên cõi đời này. Ảnh hưởng của những gì ta nghĩ, ta nói, hay ta làm, sẽ tiếp tục tỏa rộng ra khắp vũ trụ. Dù cho thân xác ta còn đây hay đã tan rã, những hành động của ta vẫn tiếp tục.
Khi chúng ta phát khởi một ý nghĩ, ý nghĩ ấy mang dấu ấn của chúng ta, và chúng ta chịu trách nhiệm. Nếu ý nghĩ của chúng ta thấm nhuần thương yêu, tha thứ, không kỳ thị thì cuộc sống của chúng ta sẽ tiếp nối đẹp đẽ, tốt lành bởi vì chúng ta gắn liền với những ý nghĩ, lời nói, hành động ấy. Ta là tác giả của các hành động của ta. Những lời lẽ hay hành động của ta dù là lời lẽ hành động của thương yêu hay của tàn bạo thì cũng mang dấu ấn của chính ta.
Chúng ta là những đám mây đem đến cơn mưa. Đám mây, dưới dạng những hạt mưa, tiếp tục nuôi dưỡng đồng lúa, cây cỏ, sông ngòi, mặc dù đám mây không còn lơ lửng trên bầu trời. Cũng thế, tất cả những ý nghĩ, lời nói, và việc làm của ta sẽ mãi tiếp tục mặc dù thân xác ta đã tan rã. Đám mây vẫn còn đó nơi đồng ruộng, trong dòng sông. Khi thân xác này không còn nữa, những lời ta nói, những ý nghĩ, hành động của ta vẫn còn mang ảnh hưởng. Thân – Khẩu – Ý là tiếp nối đích thực của ta.
Ta có thể tiếp tục sống đẹp mãi mãi trong tương lai. Hãy tưởng tượng một tài khoản ngân hàng đâu đó mà ta có thể gửi vào mỗi một lời nói, ý nghĩ và hành động. Tài khoản ngân hàng đó chắc chắn là có đó nhưng bản chất không bị hạn chế tại một địa phương (“its nature is nonlocal”). Không có gì mất đi cả.
Thay đổi quá khứ
Giả sử trong quá khứ, bạn đã nói một câu không dễ thương với bà nội. Bà nội nay không còn nữa và bây giờ bạn không thể xin lỗi bà nội. Nhiều người trong chúng ta mang trong lòng mặc cảm tội lỗi vì đã nói hay làm một điều gì mà bây giờ ta nghĩ rằng ta không thể sửa đổi. Nhưng ta có thể xóa bỏ những hành động thiếu khôn ngoan của quá khứ. Quá khứ không phải là đã hoàn toàn qua đi. Nếu biết rằng sự truyền thông vẫn mãi tiếp tục thì quá khứ vẫn còn đó, trong hiện tại, dưới một hình trạng khác. Dù sao đi nữa thì đau khổ vẫn còn đó, day dứt.
Điều mà bạn có thể làm bây giờ là ngồi xuống, theo dõi hơi thở sâu, vào ra, và nhận ra rằng bà nội của bạn có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể. “Nội ơi! Con biết rằng nội đang có mặt nơi từng tế bào trong cơ thể con. Con là tiếp nối của nội. Con rất hối hận vì đã làm cho nội buồn mà con cũng đau khổ. Nội ơi! Nội nghe con. Kể từ nay con sẽ không nói những lời như thế. Xin nội giúp con thực tập.” Khi bạn nói với bà nội mình như thế, bạn có thể thấy bà nội đang mỉm cười với bạn và bạn sẽ không còn đau khổ vì chuyện của quá khứ.
Truyền thông không phải là bất động. Nếu ngày hôm qua bạn đã có một ý nghĩ đầy sân hận, thù ghét thì hôm nay bạn có thể phát khởi một ý nghĩ ngược lại, một ý nghĩ đầy thương yêu, tha thứ. Ngay khi bạn khởi lên một ý nghĩ mới thì ý nghĩ ấy sẽ tức khắc đuổi kịp và hóa giải ý nghĩ của ngày hôm qua. Sử dụng truyền thông lành mạnh, đúng chánh pháp trong hiện tại sẽ giúp ta chữa lành quá khứ, vui với hiện tại và chuẩn bị tốt đẹp cho tương lai.