Con bị tật nguyền, con muốn có hạnh phúc như mọi người
Hỏi: Con là con gái. Con bị tật nguyền từ khi mới sinh ra, lớn lên con mới thấy rất mặc cảm cho số phận mình. Năm nay con đã 21 tuổi, con không hiểu tình yêu là gì nhưng sao luôn vướng vào chuyện tình yêu. Con đã có mấy ngườ i bạn trai, không biết họ đến với con vì điều gì, nhưng họ từ từ ra đi mà con cũng không rõ lý do. Hiện tại con đang quen 1 người qua bạn bè giới thiệu. Chúng con ở xa nhau. Ban đầu, qua điện thoại, gửi hình, anh ấy nói rất thích tính tình của con. Rồi chúng con gặp nhau. Lúc đầu, anh ấy tỏ ra ân cần và con nghĩ rằng anh ấy chấp nhận được con. Nhưng sau đó con cảm thấy được sự thay đổi của anh ấy, mặc dù không nói ra. Con đã hỏi, và anh ấy nói rằng nếu con cho biết trước thì chắc anh ấy cũng sẽ chấp nhận được và còn quý trọng con hơn. Anh ấy nghĩ rằng con không coi trọng anh. Hiện tại thì chúng con vẫn liên lạc điện thoại nhưng anh ấy tỏ ra ít nói với con và con cũng thấy khó nói chuyện. Con rất muốn hỏi xem anh ấy còn yêu con nữa không nhưng không có cam đảm. Xin sư cô và sư chú cho con lời khuyên để con có thể tiếp tục cuộc sống. Con mang mặc cảm rất lớn và chỉ mong chết sớm được ngày nào hay ngày đó. Con đang sống ở Mỹ, không phải lo lắng gì về vật chất. Con biết chuyện tình cảm chẳng lớn lao gì nhưng vẫn mong có một hạnh phúc giống như mọi người đều có. Con hy vọng nhận được sự an ủi từ quý sư cô, sư chú.
Sư cô Bội Nghiêm xin chia sẻ:
Người Việt mình thường hay nói câu, “có tật có tài” và Bội Nghiêm thấy câu này đúng lắm. Chữ tật ở đây, theo Bội Nghiêm thấy, không phải chỉ là tật ở thân mà có thể là tật ở tâm nữa. Những phiền não, mặc cảm, giận hờn, ghét ghen, bực bội v.v. là những tật của tâm. Nếu mình biết chăm sóc, ôm ấp và nhận diện những cái tật này thì mình có tài lắm. Còn nếu mình tiếp tục cảm thấy bực bội, chán nản mỗi khi những tật xấu này biểu hiện lên trong tâm thì mình thấy cuộc sống này thật sự không có ý nghĩa gì cả và cái tật từ trong tâm sẽ dần dần biểu hiện trên thân thể mình. Cuối cùng mình vừa bị tật ở tâm và vừa bị tật ở thân. Bạn không nói rõ khuyết tật của bạn là gì nên cũng hơi khó để BN chia sẻ với bạn. Trước khi viết tiếp, BN xin chia sẻ với bạn một chuyện xảy ra đến với BN trước khi BN đi xuất gia. Có một hôm BN nhờ chị BN nhổ lông mày cho BN (wax eyebrow). Lúc chị làm xong, BN nhìn trong gương và chỉ muốn khóc mà thôi. Đôi lông mày của BN đã bị mất đi một nữa, trông rất kỳ cục. BN ngồi đó, đem hai bàn tay úp lên mặt và khóc. Vừa khóc và vừa nghĩ đến tại sao mình lại khóc. BN biết rõ rằng lúc đó mình khóc một cách rất vô lý và cạn cợt. Đột nhiên hình ảnh của một em bé bị tật nguyền ở trên mặt biểu hiện lên trong đầu. Em bé đó dù bị tật nguyền nhưng lại có một nụ cười rất dễ thương. Trong nụ cười đó, BN thấy được rằng em bé đó chấp nhận và thương mình lắm, dù mình không được may mắn như những người khác. Lúc đó BN ngừng khóc bởi vì mình đã thấy rằng cái “vết thương” trên nét mặt của mình không thấm gì so với những vết thương của những người khác. Dù có ý nghĩ như vậy nhưng BN cũng cảm thấy buồn mỗi khi nhìn vào gương và thấy đôi lông mày của mình không được bình thường như những ngày kia. Cứ mỗi lúc nhìn vào gương là nỗi buồn dâng lên, không thể cười nổi và buộc mình đi chợ mua ngòi viết để kẻ lên đôi lông mày để làm cho đôi lông mày nhìn được “bình thường.” Câu chuyện này đã giúp BN thấy rõ rằng mỗi khi mình có một vết thương trên thân thể, mình không biết nhìn vào vết thương đó với con mắt từ bi mà chỉ biết nhìn với con mắt buồn tủi, lạnh lùng. Nghĩ lại, BN thấy cái mà vết thương này cần là tình thương và sự ôm ấp, nó không cần gì khác.
Đọc thư bạn, BN rất cảm động và thương bạn. Bạn bẩm sinh tật nguyền và bạn đã sống 21 năm với cái tật nguyền này. Ai mà không mặc cảm khi thấy mình không được may mắn như những người khác chứ. Nhưng nếu tiếp tục nghĩ như vậy thì nó đưa mình đi đâu? Nghĩ như vậy có khác gì tự phủ lấp lên mình khối cát phiền muộn và buồn khổ mà thôi. Có bao giờ bạn cảm thấy mình may mắn khi biết rằng tim mình còn đập bình thường không? Có bao giờ bạn cảm thấy mình hạnh phúc khi còn thấy được nụ cười của Ba Mẹ không? Mỗi đêm trước khi đi ngủ, bạn có cảm thấy sung sướng khi biết rằng tối này mình có giường êm, nệm ấm hay không? Cái tốt nhất bạn có thể làm bây giờ là nghĩ đến những điều kiện hạnh phúc bạn đang có, nghĩ đến những tế bào trong thân thể của bạn làm việc suốt ngày đêm để bạn có thể thở được, đi được, nói được, cười được, suy tư được, v.v… Bạn nên chú ý đến những thần phần khác trên thân thể của bạn. Đừng chú ý vào nơi mà cho bạn nhiều khổ đau và buồn tủi. Hay hơn nữa là bạn nên thực tập nhìn vào cái tật nguyền với con mặt từ bi. Bạn có thể nói chuyện với cái tật nguyền đó như thế này, “Em ơi, chị biết rằng em đang có mặt đó và chị đang có mặt với em đây. Em đừng cảm thấy cô đơn nhé. Chị với em là một. Hai chị em mình đã làm khổ nhau suốt 21 năm rồi. Hai chị em mình hãy làm mới lại quá khứ trong giây phút hiện tại nhé. Chị hứa với em rằng mỗi khi chị nhìn em, chị sẽ cười với em và sẽ hỏi em: “Hôm nay em có khỏe không?” Chị sẽ thương em như chị thương chị và em cũng nên thương chị như em thương em.” Nếu bạn nhìn vào một người khác đang bị tật nguyền thì trong lòng bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thương người đó không?
Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu muốn được thương yêu. Bạn có chia sẻ rằng trong quá khứ bạn đã có bạn trai nhưng rồi lại chia tay. Sư Ông thường dạy hiểu nhau mới thương nhau được. Nếu thương nhau mà không hiểu nhau thì mối liên hệ đó sẽ bị tan vỡ thôi. Khi yêu mình có khuynh hướng thương người kia nhiều hơn thương mình. Mình sẽ dành hết thời gian cho người kia và suy nghĩ về người kia suốt ngày suốt đêm. Nếu không nghĩ về người đó thì mình cảm thấy có tội. Mình cũng muốn người đó thương mình như mình thương người đó. Mình đòi hỏi càng nhiều thì mình sẽ có nhiều khổ đau. Làm như vậy là một sự sai lầm rất lớn và không dễ thương với chính mình. Nếu bạn tiếp tục cảm thấy mặc cảm và buồn tủi mỗi khi nghĩ về cái tật nguyền trên thân thể mình thì bạn sẽ không có niềm vui và hạnh phúc trong mối liên hệ bạn sẽ có với những người bạn trai khác trong tương lai. Lúc nào bạn có thể chấp nhận và thương yêu mình được, trong người bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và có nhiều từ bi đến với chính mình nhiều hơn. Nếu người bạn mà bạn đang quen không thể chấp nhận và thương bạn khi biết bạn tật nguyền thì người đó cũng bình thường như bao nhiêu người bình thường khác, họ chỉ chọn cái đẹp bên ngoài. Nhưng cũng đã có bao nhiêu người chọn cái đẹp bên ngoài để rồi cũng chia tay nhau một ngày nào đó. Và người ta nghiệm ra rằng, chỉ có cái đẹp của tâm hồn (cái nết) là giữ người ta lại với nhau bền bĩ nhất thôi. Nhưng cũng có thể khi gặp bạn lần đầu, người bạn trai của bạn hơi ‘shock’ và anh ấy cần thời gian. Bạn không nên tỏ vẻ phụ thuộc vào người bạn trai của bạn quá. Bạn phải vững mạnh lên và tự đem niềm vui và nụ cười đến cho chính mình mà không cần phụ thuộc vào người bạn đó. Thay vì ngồi đó lãng phí thời gian nghĩ về những nỗi buồn trong quá khứ, bạn có thể lấy thời gian đó để đi thăm và giúp đỡ những em bé mồ côi hoặc những người già neo đơn. Với lòng từ bi và tài năng của bạn, bạn có thể làm nhiều chuyện đẹp và lợi ích cho những em bé mồ côi, những người không có cơm để ăn mỗi ngày tại quê nhà.
Có một bài hát của Trịnh Công Sơn BN rất thích đó là bài Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui. Trong bài này có một đoạn mà BN rất thích. BN xin chia sẻ đến bạn:
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim
BN xin chúc bạn có nhiều bình an trong từng hơi thở nhẹ và có nhiều niềm vui trong từng bước chân. Xin chúc bạn thành công.
BBT thêm :
Em thương,
Có thể người bạn trai em hiểu lầm là em giấu giếm anh ấy, em gạt anh ấy,… (mà anh lại không chịu tìm hiểu lý do vì sao em không nói trước). Anh ấy có cái lý của anh ấy khi anh ấy hiểu lầm em. Em có cái lý của em khi em đã không nói. Chuyện người bạn trai em thay đổi hoàn toàn không dính líu gì tới cái tật nguyền của em cả. Chính em đã để mặc cảm khuyết tật làm em mất đi tự tin nơi con người của em. Chính cái mặc cảm đó của em đã can thiệp vào liên hệ giữa hai người. Uổng lắm. Em có biết, trên thế gian này có bao nhiêu cặp vợ chồng, bao nhiêu cặp trai gái đang yêu nhau mà khổ nhau, cho dù thân thể đôi bên lành lặn, cho dù gia thế trí thức, giàu có ? Ai lại không thích cái đẹp ? Nhưng giữ cái đẹp được bao lâu ? Có thể họ đến với nhau trong lúc này, nhưng ai dám bảo hiểm cho họ sống được với nhau suốt đời ? Sẽ không bao giờ có ai dám đứng ra làm cái hãng ‘Bảo hiểm hạnh phúc đời đời’ đâu em ạ ! Cái tật nguyền mà em đang mang có thể là thước đo tấm lòng của người anh hùng hảo hán. Nếu em có bạn trăm năm, đó là hạnh phúc của em, tại vì người đó đã thi đậu bài khảo sát ‘chấp nhận khuyết tật’ của nhau. Cũng như sư cô Bội Nghiêm chia sẻ, ai cũng có khuyết tật em ạ. Khuyết tật trên thân thể rất dễ nhận ra, nhưng với khuyết tật tâm hồn, có nhiều người phải trả một giá rất đắt mới nhận ra được, đó là khi họ về sống chung với nhau vài tháng, hay có với nhau vài mụn con em ạ ! Cho nên, người Việt mình mới rút tỉa kinh nghiệm qua câu thành ngữ : ‘cái nết đánh chết cái đẹp’.
Em sinh ra, trên thân thể đã khiếm khuyết rồi, em đừng đánh mất cả phần hồn nữa em ạ. Cái đẹp của thân thể theo thời gian cũng tàn phai đi, nhưng cái đẹp của tâm hồn là bất biến. Em hãy học đem niềm vui tới cho mình, đem hạnh phúc tới cho gia đình, đó là những gì em sẽ hiến tặng cho người em thương sau này. Bây giờ cứ rầu rĩ hoài thì món quà nào em tặng cho những người em thương ? Hãy làm những gì có ích cho cuộc đời để cho cuộc đời mình ý nghĩa ! Đừng bao giờ bỏ cuộc em nhé ! Em và người con trai này nếu chưa có duyên với nhau thì thôi, em chỉ mới 21 tuổi thôi mà, đừng để người con trai này đóng khung cuộc đời của em quá sớm như vậy. Em cần một người hiểu em tận tường, thương em thật lòng, thì người này chưa hiểu đủ, chưa thương em đủ thì … thôi, em ạ ! Đừng ép người ta, tội nghiệp cho họ mà cũng tội nghiệp cho mình.
Em nên biết rằng, trong liên hệ tình cảm, phải có quý trọng nhau, thành thật với nhau, rõ ràng với nhau thì đó là tôn trọng nhau, đó là sự cam kết lâu dài giữa nhau. Em nên mạnh dạn chia sẻ với người ta – nếu sau này em có quen người khác – về khuyết tật của mình mà không có gì phải mặc cảm, xấu hổ, hay cần phải che giấu, khi người kia thật sự muốn đi tới liên hệ với em. Đây là sự thử thách của chàng. Nếu chàng vượt qua, em sẽ có hoàng tử của lòng em. Không có gì mà em phải mặc cảm cả. Nha em !
Thương, chào em.