Có vợ là không thoát khỏi vòng luân hồi?
Con hiện đang là giáo viên dạy cao đẳng ở Kiên Giang, công việc cũng bình thường, nhưng về mặt tình cảm thì con rất khổ sở vì ở niềm tin của chính mình. Con có rất nhiều người phụ nữ để lựa chọn, nhưng không hiểu sao con vẫn thấy rất sợ. Vì có lần con nghe nói rằng nếu có vợ là sẽ không được thoát khỏi vòng luân hồi, nên con đều từ chối tất cả những tình cảm mà người khác mang đến, nhiều lúc con đấu tranh tư tưởng rất dữ dội, vì có nhiều người con cũng thấy đáng yêu. Vì thế BBT có thể nói cho con rõ biết Phật giáo quan niệm như vậy không?
Thầy Pháp Tân chia sẻ:
Xin chào anh!
Trước tiên, thầy muốn được chia sẻ niềm tin của thầy mà đối tượng thầy tin yêu là lời chỉ dẫn của Bụt (có thể gọi là Đạo Bụt). Nếu chỉ vài dòng và vài cuốn sách, hay vài lời khuyên nhủ thôi có lẽ chưa đủ để mình có một niềm tin thực sự đâu. Trong khi nội dung của lời Bụt chỉ dẫn phải được sống và thực tập mỗi ngày, để lời chỉ dạy đó trở thành ra có tác dụng lên trên thân tâm của chính mình, và từ đó tùy theo thành quả mình thực tập mà phát khởi niềm tin nơi lời dạy của ngài.
Có rất nhiều giảng thuyết về niềm tin, những thực tập đưa tới sự thương yêu và tin cậy. Thầy nghĩ không ai mà không có niềm tin, nếu ai không có niềm tin thì người đó có rất nhiều đau khổ. Niềm tin nơi ba mẹ, niềm tin nơi một người mình yêu, niềm tin nơi một giáo lý gọi là Nhân Quả – tức là làm điều gì thì phải có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Có những người tin vào sự cầu nguyện v.v… Nếu những niềm tin đó đưa tới sự an vui, hiểu biết và thương yêu, thì niềm tin đó mới đáng được học hỏi và nuôi dưỡng. Thầy ví dụ: anh có thể thương yêu một cô gái và dĩ nhiên anh phải có niềm tin tưởng nơi cô ta. Cố nhiên, anh phải có cơ sở để tin, là vì cô ta có sự lắng nghe anh, có sự chung thủy nơi cách nói năng, hành động mà cô ấy biểu hiện mà anh có thể thấy. Đồng thời, anh có sự tìm hiểu nơi sinh hoạt gia đình cô ấy nữa v.v… Dựa trên những lý do đó anh có thể cảm thông, chấp nhận, thương yêu và muốn sống chung với cô ấy, có phải vậy không? Vì vậy, thầy nghĩ là niềm tin dù là tin về điều gì, về ai đó thì phải luôn luôn học hỏi để hiểu được đối tượng mình thương một cách đúng mức, thì cuộc sống mới được thăng hoa. Khi thương, không phải chỉ có tìm hiểu những ưu điểm của đối tượng mình thương thôi, mà mình cần học hỏi, tìm hiểu cả những khổ đau và khuyết điểm của người ấy nữa. Trong con người, ai mà không có khổ đau và khuyết điểm.
Theo sự học hỏi của thầy, danh từ Luân Hồi nghĩa là sự tuần hoàn, lưu chuyển (của vạn vật). Nhưng nói Luân Hồi thì phải cái gì luân hồi? Khổ đau đi luân hồi hay hạnh phúc đi luân hồi? Khổ đau đi luân hồi thì anh sẽ còn gặp lại khổ đau trong tương lai, vì chữ “hồi” trong “luân hồi” nghĩa là trở lại. Anh phải chọn lựa. Đó là điều quan trọng.
Trong mỗi giây phút của cuộc sống mình, mình có thể cho đi luân hồi rất nhiều thứ. Một lời nói, một hành động, một cử chỉ, một cái nhìn, một thoáng suy nghĩ đi qua… tất cả đều đang đi luân hồi. Không phải đợi tới thương một người nào đó mới bắt đầu bị dính vào luân hồi. Lời nói không dễ thương, nếu không có chánh niệm, nếu không có khả năng nhận ra lời nói của chính mình, anh có thể nói những lời không dễ thương đó một lần nữa, hay nhiều lần nữa. Lời nói không dễ thương đó đã, đang và sẽ đi luân hồi tiếp về tương lai. Cũng vậy, với một cử chỉ, một cái nhìn và một thoáng suy nghĩ của anh cũng sẽ đi luân hồi nếu anh không tu tập nhận diện thói quen hành xử của mình. Có người thương hay không có người thương, anh cũng phải cẩn trọng trong lời nói, hành xử và tư duy của anh, nếu không tất cả đều đang đi luân hồi theo một chiều hướng không được đẹp. Tức là anh đã cho khổ đau đi luân hồi, và anh sẽ còn tiếp tục khổ đau, vì khổ đau sẽ trở lại. Cho nên anh phải thực tập chánh niệm, nghĩa là nhận diện những gì xảy ra trong anh và xung quanh anh để đừng cho những khổ đau tiếp tục đi về phía trước. Anh phải chấm dứt khổ đau luân hồi để hạnh phúc có dịp biểu hiện.