Con xin được hỏi:
Con là một Phật tử, tin vào Phật pháp, thế nhưng con lại không làm chủ được bản thân. Con nghe Sư ông giảng về lời nói ái ngữ, thậm chí con đã nghe rất nhiều đĩa kinh, đọc báo Giác ngộ (bởi vì ba con là một Phật tử) nhưng gia đình con không hạnh phúc. Con chán ghét và không còn biết yêu thương gia đình, có đôi khi con muốn bỏ nhà đi luôn. Con đã bị chai lì với xúc cảm, là một đứa con bất hiếu, ích kỷ.
Cuộc đời đã không cho con lựa chọn gia đình mà con sẽ sinh ra. Có lẽ gia đình con là tập hợp nghiệp duyên. Chính ba con cũng coi đó là nghiệp và nhu nhược không chấn chỉnh. Mẹ con là một người rất bảo thủ, cố chấp và rất dễ nóng giận. Vì vậy mỗi khi có việc gì không hài lòng thì mẹ bắt đầu la mắng, thậm chí nói những câu rất ghê sợ. Ba con là một Phật tử nên luôn nhịn nhục, vì sợ mẹ bị mang tội. Mẹ đã không tôn trọng riêng tư của con, luôn xen vào những mối quan hệ của con. Vì muốn biết con làm gì nên mẹ đã lục danh bạ điện thoại của con, ghi lại số điện thoại và còn nhắn tin lung tung cho bạn con. Có khi còn xem lén nhật ký, thư từ,…. con chán lắm! Đôi khi còn mỉa mai những việc con làm, không suy xét nguồn gốc mà đã vội kết luận, phán xét và không bao giờ chịu nhận mình sai. Càng lớn thì sự phản ứng của con càng nhiều với sự la mắng của mẹ, con đã không kiềm chế được dù đã cố gắng rất nhiều. Có khi hai mẹ con còn hơn thua nhau, quăng đồ đạc của nhau, thậm chí còn đánh nhau dù rằng con là con gái. Nhiều lúc con nghĩ rằng sau này đi làm, kiếm được tiền con sẽ không dựa vào gia đình nữa. Bởi vì mỗi lần cơn giận lên mẹ con thường nói “ai nấu cơm cho mày ăn?” ,”quần áo ở đâu mày có”… Những lúc mệt mỏi quá con thường đến tâm sự, khóc với bạn bè. Con cảm thấy mình thật tội lỗi. Con biết mẹ cũng buồn con lắm, nhưng cả hai(mẹ và con) đều đã không cải thiện tình hình vì tính sân.Bây giờ con không biết phải làm gì nữa? Kính mong được sự chỉ dạy của quý thầy quý sư cô.
Thầy Pháp Niệm chia sẻ cùng bạn:
Ba ơi, con là sự tiếp nối của ba đó
Chào con! Sau khi đọc câu hỏi của con, thầy rất thương cho cả hai mẹ con của con. Thầy thấy cả hai mẹ con đều là nạn nhân của năng lượng sân hận, tập khí và khổ đau được trao truyền lại từ ông bà, tổ tiên và xã hội. Như con đã biết, sân là một trong ba tâm hành đại phiền não gọi là tham, sân và si. Ba loại phiền não này trong giáo lý đạo Phật gọi là ba chất độc (Tam độc). Sở dĩ mình khổ đau, điêu đứng cũng do ba loại năng lượng độc hại này chi phối và mình không biết cách nhận diện, chăm sóc, ôm ấp, nhìn sâu và chuyển hóa, mình không có môi trường tốt để được nâng đỡ, dìu dắt và thực tập để chuyển hóa. Trong ba loại năng lượng độc hại này, si hay nói đủ là si mê, vô minh là yếu tố căn bản làm phát khởi tham và sân. Nếu có chánh niệm, có sự hiểu biết thì mình chuyển hóa được sự u mê trong mình, mình sẽ thấy được mình không phải là mình, mình có liên hệ mật thiết với tất cả mọi người, mọi loài trong đó có mẹ mình, ba mình. Mình thấy mình và ba mình, mẹ mình không phải là những thực thể riêng biệt, hiện hữu ngoài nhau. Nếu có chánh niệm thì mình sẽ phát khởi ra được cái thấy, tức là cái hiểu biết và khi có cái hiểu biết sâu sắc, cái thấy về vô ngã, tương tức thì mình không còn hờn giận, oán trách mẹ mình nữa và mình thiết lập được sự an bình và cảm thông trong tâm. Mình sẽ thấy những khổ đau của mẹ mình có thể có gốc rễ sâu xa, có thể được trao truyền từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên và xã hội. Khi còn là một người con gái rất trẻ như con, mẹ con có thể đã bị người thân đối xử với mẹ con như mẹ đang đối xử với con và mẹ đã đau khổ, chán nản, tuyệt vọng như con đang cảm nhận bây giờ. Thầy nghĩ có thể trong khi đau khổ như một người con gái cỡ tuổi con, mẹ con đã nhiều lần tự nhủ là sau này lớn lên, lập gia đình mẹ sẽ không bao giờ đối xử với con của mẹ như thế, mẹ sẽ thương yêu con và đối xử với con mình tốt hơn; nhưng vì mẹ của con đã không có đủ duyên lành để được sống trong môi trường tốt, không được gặp những người bạn lành, những thiện tri thức và giáo pháp để tu tập chuyển hóa những khối nội kết trong tâm địa, ngược lại những tập khí như giận hờn, bực bội, trách móc, kiểm soát, sợ hãi, nói lời thô tục, chửi bới, la mắng v.v… luôn được huân tập, tưới tẩm và nó đã trở thành một thứ năng lực gọi là nghiệp hay tập khí sai khiến mẹ con. Những tâm hành như bảo thủ, cố chấp, đánh đập, không tôn trọng con cái, mỉa mai con cái, vội vàng phán xét v.v… là những tâm hành biểu hiện trong nền tảng của sợ hãi, mặc cảm, thiếu tình thương và không được tin cậy có thể đã xảy ra cho mẹ từ hồi còn ấu thơ. Ngay cả trong môi trường xã hội hiện tại khi con người chỉ nghi kỵ, ghen tỵ, chửi mắng nhau chỉ vì một chút gì đó… và luôn sẵn sàng ăn thua đủ với nhau, mẹ con đã bị tưới tẩm mỗi ngày, đã trở thành nạn nhân của môi trường không lành mạnh. Chỉ cần bình tâm, nhìn cho sâu sắc vào những hành động của mẹ con, con có thể thấy được những khổ đau của mẹ, môi trường xấu mà mẹ con đang sống, đang bị tưới tẩm mỗi ngày và phát khởi được sự cảm thông với mẹ.
Mẹ con cũng đã từng là một đứa bé, đã từng là một cô gái vị thành niên, đã từng là cô thanh nữ, đã từng làm dâu với bao điều lo sợ mẹ chồng và cô gái ấy đã rất mong manh, rất dễ bị thương tích, cô gái ấy là nạn nhân của khổ đau, bức xúc, sợ hãi do ông bà, cha mẹ, xã hội, chiến tranh tạo ra. Hiểu được như thế con đã có thể cảm thông cho mẹ, thương yêu mẹ rồi. Thầy thấy con cái nào mà không thương yêu cha mẹ của mình và cha mẹ nào mà không yêu thương con cái. Nhưng vì chưa được học phương pháp yêu thương đích thực nên mình không thương đúng cách đó thôi. Đừng nghĩ rằng nếu mình sinh ra trong một gia đình khác thì có thể tình trạng của mình sẽ khác, sẽ tốt đẹp hơn. Thầy không hoàn toàn nghĩ vậy. Nếu con sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền thế, chưa chắc con sẽ hạnh phúc hơn. Có thể con sẽ khổ đau nhiều hơn. Bụt có dạy người giàu rất khó tu, người quá nghèo khó cũng khó tu, người ở giữa thì dễ tu hơn. Hơn nữa giá trị của cuộc sống là tình thương và sự hiểu biết. Là người con của Bụt, mình không sợ hãi, không trốn tránh khổ đau, ngược lại mình phải nhìn thẳng vào khổ đau, thấy được bản chất của nó và vượt thoát. Khi đã vượt thoát được, có hiểu biết thì mình sẽ thương được, mình có tự do. Do đó có thể mẹ con là điều kiện để cho con học hiểu học thương, nhưng trước hết phải học hiểu và thương chính mình. Có thể con cũng chưa hiểu chính mình đủ cho nên cũng chưa biết thương mình. Thầy thấy con cũng đóng góp phần không ít trong cái khổ của mẹ con. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Khổ đau cũng thế. Trong trường hợp của con thì cả hai cùng làm khổ nhau. Con phải thấy được phần vụng về của mình và có thể xin lỗi mẹ. Xin lỗi mẹ thì mẹ lòng có thể sẽ mở ra. Lần đầu chưa mở thì tiếp tục lần khác. Phải kiên nhẫn và khéo léo. Người nhỏ ít tự ái nên dễ làm hơn. Hiểu mình, thương mình là nền tảng để hiểu và thương yêu người khác. Thầy nghe con nói con sinh ra trong gia đình Phật giáo, con đã được học Phật, đọc sách của Sư ông Nhất Hạnh, và những sách Phật khác, thầy mừng lắm. Không những con có cơ duyên học Phật mà ba con cũng học Phật. Như vậy là con còn có phước nhiều lắm. Con hãy áp dụng những lời dạy vào trong trường hợp của mình để chuyển hóa khổ đau, để học hiểu và học thương, trước hết là đối với bản thân mình.
Thầy nghe con nói mỗi khi mẹ con la rầy, chửi mắng, đánh con thì con phản ứng lại, tay đôi lại với mẹ, ăn thua đủ với mẹ, thầy thấy tội nghiệp cho cả con và mẹ con. Theo lời Bụt dạy, nếu khi trong tâm mình có sự bực tức, giận hờn… thì điều hay nhất mình nên làm là trở về với hơi thở chánh niệm và dùng hơi thở chánh niệm để nhận diện, ôm ấp, chăm sóc và làm lắng dịu sự bực bội, giận hờn trong mình, sau đó tập nhìn sâu để hiểu, để chuyển hóa. Mỗi khi mẹ giận dữ, nói năng không có ái ngữ… thì con có thể thực tập trở về với hơi thở chánh niệm và sử dụng thiền đi, thiền ngồi để chăm sóc chính
mình. Con có thể bỏ đi ra ngoài và thực tập thiền đi một mình để làm lắng dịu cảm xúc, hoặc mỗi khi mẹ đối xử như thế thì con đến bàn thờ thắp hương, thỉnh ba tiếng chuông, rồi ngồi thở. Con có thể cầu nguyện cho mẹ. Con có thể cầu nguyện như sau: “Bụt ơi, ông bà ơi, xin Bụt, xin ông bà giúp mẹ con con với. Bụt ơi, con đang nghe lời Bụt dạy, con đang tập thở, tập ngồi yên và ôm ấp bản thân con và ôm ấp niềm đau của mẹ con.” Thầy nghĩ nếu con làm được như vậy thì tình trạng sẽ khác. Thực tập như thế, con sẽ giúp cho chính con và sẽ giúp cho mẹ con nữa. Người ta nói rằng nếu muốn bẻ chiếc đũa thì phải cầm cả hai đầu mới bẻ gảy được. Nếu tay này cầm đầu này và tay kia không cầm đầu kia thì không thể bẻ gảy chiếc đũa được. Cũng vậy, nếu mẹ con nói như vậy, hành xử như vậy mà con không ăn thua đủ lại với mẹ thì mẹ con sẽ không có đối tượng để vung vãi những khổ đau của mình cho người khác và chính cả mẹ con. Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có, cái này như thế này vì cái kia như thế kia.” Điều con phải luôn luôn nhớ là con cũng chính là mẹ con. Con là sự tiếp nối của mẹ con. Đó là một tuệ giác rất sâu sắc. Khi con giận mẹ tức là con đang giận chính con. Con may mắn hơn mẹ vì con còn có cơ duyên gặp được chánh pháp nên con phải thực tập cho con và thực tập cả cho mẹ.
Mẹ ơi, con đang viết cho mẹ đó
Theo lời Bụt dạy, người nào cũng có những cái hay, cái dễ thương (thiện pháp, hạt giống tốt) và những cái chưa hay, chưa dễ thương (bất thiện pháp, hạt giống xấu). Con hãy tập nhận diện những yếu tố tích cực, những cái dễ thương và tài năng của mẹ để thứ nhất tự tưới tẩm mình, tự nuôi dưỡng chính mình bằng khả năng thấy được những yếu tố tích cực của của mẹ, rồi sau đó tìm cách khéo léo tưới tẩm cho mẹ để mẹ được nuôi dưỡng. Đó gọi là phương pháp Làm Mới bằng cách tưới hoa. Tưới hoa là mình nhận diện nơi người thương của mình những yếu tố tích cực, công nhận và nói cho người thương mình biết để người đó vui tươi trở lại, cảm thấy được công nhận. Con không nên chỉ nhìn mẹ toàn là tiêu cực, và chỉ biết lên án, chỉ trích mẹ, vì sự thực trong mẹ có những cái đẹp, cái hay, cái dễ thương… và con phải có khả năng nhận diện và tưới tẩm cho mẹ. Nếu nói trực tiếp chưa được thì con có thể viết thư. Viết xong, có thể lén bỏ vào túi áo mẹ hoặc để trên gối ngủ của mẹ hay một nơi nào đó mà mẹ có thể thấy được hoặc có thể nhờ ba trong một lúc nào đó thuận duyên đọc cho mẹ nghe. Hai cha con phải kết hợp để giúp cho mẹ. Bụt dạy rằng trong tâm người nào cũng có hạt giống tốt, thánh thiện, dễ thương, hiền hòa. Nếu mình biết chạm đến thì chúng sẽ nảy nở. Ngày xưa mẹ con đã từng là nàng tiên của ba con. Con phải hỏi ba ngày xưa mẹ đã là một nàng tiên của ba như thế nào, có những cái hay cái đẹp nào và ba con sẽ kể cho con nghe và con ghi nhớ rồi kể lại cho mẹ nghe. Nếu mẹ không có những cái đẹp gì đó làm cho ba con thương thì làm gì có con hôm nay. Mẹ con ngày xưa cũng đã là thần tượng của con và con đã có nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm sống đẹp với mẹ… con hãy nhớ lại và kể cho mẹ nghe. Đừng để cho những giận hận, bức tức… trấn ngự. Mẹ con cần được thương, cần được công nhận. Mình có thể hỏi chính mình là mình đã hiểu mẹ đủ chưa. Nếu mình chưa hiểu mẹ đủ mà minh đã vội lên án mẹ là như thế này như thế nọ, có phải hơi tội nghiệp cho mẹ không? Khi nào thấy mẹ vui, dễ giải, con có thể góp ý cho mẹ nhưng không nên nói hết những cái yếu kém của mẹ một lần. Góp ý từ từ thôi. Tình thương đích thực phải có yếu tố kiên nhẫn. Con cũng có nhiều lần tạo ra lầm lỗi, con đâu có toàn hảo đâu mà bắt mẹ phải toàn hảo, phải không?
Thầy thấy nếu mẹ con hay la rầy con, chửi mắng con, kiểm soát con, điều đó chứng tỏ mẹ con thương con nhiều lắm. Nếu không thương con thì mẹ sẽ bỏ mặc con, mẹ sẽ không đoái hoài gì đến con đâu. Mẹ đâu muốn sống như vậy để người ta ghét bỏ mình, để con cái lên án, chỉ trích mình. Nghĩ lại, mẹ cũng tủi, cũng khổ lắm chứ khi biết con cái đang căm ghét mình. Nhưng vì thương mà mẹ đã phải làm như vậy. Chỉ có một điều đáng thương là vì mẹ đã chưa bao giờ được học phương pháp yêu thương theo cách Bụt dạy nên mẹ không biết cách thương chứ không phải mẹ hờn ghét con. Hơn nữa xã hội ngày này có nhiều chất liệu bạo động, bất công, dối gạt, gian trá, thù hận, tệ nạn, xì ke ma túy… nên chính bản thân mẹ con cũng bị tưới tẩm mỗi ngày. Thấy cuộc đời đầy cạm bẫy như thế thì nỗi lo của mẹ cho con cái cũng lớn hơn, do đó trong tâm thức của mẹ bị thúc đẩy là phải xem chừng con cái để biết con mình đang làm gì, chơi với những hạng bạn bè nào… Nếu con biết tưới tẩm những hạt giống tốt, vui tươi nơi mẹ, rồi thường xuyên trò chuyện với mẹ thì thầy nghĩ mẹ con sẽ hiểu con hơn và sẽ bớt kiểm soát con như mẹ đã và đang làm. Lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng lời nói ái ngữ của đức Bồ tát Quan Thế Âm là hai phương pháp rất tuyệt vời để thiết lập truyền thông. Lắng nghe mà không phán xét, không phản ứng, không chỉ trích, lắng nghe để hiểu và để giúp người kia vơi bớt khổ đau trong lòng. Ví dụ khi mẹ nói nặng với con, nếu con có bình an, có hiểu sâu thì con sẽ mỉm cười và thương mẹ nhiều hơn. Con nghĩ trong lòng: Tội nghiệp mẹ quá. Mình phải tìm cách giúp mẹ mới được. Chỉ cần nghĩ như vậy đã xứng đáng là người con có hiếu rồi. Và tập nói lời ái ngữ. Khi mẹ đang giận, con đừng nói gì hết mà chỉ nắm lấy hơi thở để chăm sóc cảm xúc. Khi nào mẹ vui thì bắt chuyện và tâm sự với mẹ. Muốn thay đổi người kia mình phải học nghệ thuật chăm sóc bản thân, tập không phản ứng, tập an trú vững chãi trong từng hơi thở, bước chân… và tập nhìn sâu để hiểu trước hết là chính mình và thay đổi chính mình. Sư Ông có dạy khi mình nhìn vào tấm kiếng, mình thấy hình mình phản chiếu trong tấm kiếng. Nếu mình muốn sửa cái hình trong tấm kiếng thì mình phải sửa mình chứ không phải sửa cái hình bóng đang phản chiếu trong tấm kiếng. Thay đổi, chuyển hóa phải bắt đầu với chính mình.
Có một kinh rất hay gọi là kinh năm Phương Pháp Diệt Trừ Phiền Giận. Con có thể tìm đọc kinh đó để chuyển hóa sự phiền giận trong mình và có thể thương được người thương của mình. Và con hãy thực tập thiền năm lạy thường xuyên thì thầy bảo đảm con sẽ chuyển hóa được tình trạng và nối lại được tình thâm với mẹ. Đây là một phương pháp thiền lạy rất hay, nhiều người đã thực tập thành công và đã thiết lập lại được truyền thông với người thương.
Cám ơn con. Chúc con thành công.