Đừng tự biến mình thành người học trò như thế

 

Con kính bạch quý Thầy, quý Sư Cô,

Xin quý Thầy, quý Sư Cô giúp giải tỏa khúc mắc trong lòng con:

Con hiện là sinh viên đại học năm thứ hai và con được làm lớp trưởng. Sau mỗi kì học lớp con phải đi tiền thầy cô giáo để thầy cô nâng điểm cao lên, điều này làm con thấy rất mệt mỏi và thương những người bạn của con. Nhiều khi con muốn khuyên kết hợp các bạn lại thành một khối để cùng nhau học tập, đoàn kết và từ đó không phải chạy tiền hay gì nữa, nhưng trí tuệ của con có hạn thầy cô ạ! Những lần đi tiền như vậy con đã thật giận và oán trách thầy cô và cả bản thân mình nữa. Khi nhận được tiền từ các bạn, con chỉ đưa một phần và phần còn lại con sử dụng vào mục đích riêng của mình. Con thấy mình đã lừa dối bạn bè, lừa dối thầy cô, lừa dối bản thân mình. Nhưng Thầy Cô ơi! số tiền đó thật là đau khổ phải không? nếu con đưa hết cho thầy cô thì làm thầy cô ngày càng hư và con nghĩ mình chỉ đưa như vậy cũng là đúng. Nhưng  đôi khi nghĩ lại con không biết điều đó là đúng hay sai nữa. Con thấy cuộc sống bây giờ tranh giành nhau từng tí một,nếu  không làm như vậy thì con nghĩ mình có tồn tại và phát triển cuộc đời mình được hay không?

Con kính mong Thầy Cô giải tỏa trong lòng con và cho con lời khuyên để con tiếp tục vững chãi trên con đường đời Thầy Cô nhé!

 

Sư cô Kỳ Nghiêm chia sẻ:

Chào em,

Chị đã đọc rất kỹ những khúc mắc mà em đã viết trong thư và chị xin có đôi lời được chia sẻ cùng em

Thứ nhất, chị thấy mừng cho em. Tại sao em biết không? Vì ít nhất thì em cũng đã ít nhiều biết được mình đang ở trong tình trạng khó khăn, đang kẹt vào một gút mắc và đang tìm cách mở gút. Rất nhiều người họ đang có khó khăn mà họ đâu có biết. Và cũng có thể đâu đó trên các giảng đường đại học khác, cũng có những bạn khác y hệt như em, nhưng họ vẫn không hề thấy có vấn đề gì đáng phải quan tâm. Trái lại, họ còn nghĩ đó là chuyện bình thường, có gì đâu mà phải bận tâm. Theo chị, một khi mình đã ý thức, đã nhận ra được vấn đề, tức là mình đã giải quyết được nó hơn 50% rồi.

Thú thật, chị hơi bất ngờ với những gì em đã chia sẻ, về chuyện sinh viên phải “đi tiền thầy cô để được nâng điểm vào sau mỗi kỳ học”. Chị thật khó tin. Có thể do chị xa rời ghế giảng đường đã lâu, lại ở trong tu viện ít được cập nhật những tin tức không mấy lành mạnh như vậy ở quê nhà. Chị thấy thương quá. Thương cho các em, cho cả một thế hệ những sinh viên trẻ, thương cho các thầy cô giáo và thương cho cả quê hương mình. Tất cả đều đang là những nạn nhân. Em hãy tự mình trả lời cho được rằng mình đang là nạn nhân của gì?

 

Em cần phải dừng lại gấp những gì mình đang làm, đừng lấy bất cứ một lý do nào khác để “bào chữa” cho hành động của mình em à. Em cũng không thể đổ lỗi rằng “cuộc sống bây giờ tranh giành nhau từng tí một, nếu con không làm vậy thì con nghĩ mình tồn tại  hay phát triển cuộc đời mình được hay không?” Em cần đặt lại vấn đề cho chính mình rằng mình đang học để làm gì đây? Để hoàn thiện một con người với đầy đủ cả trí lẫn đức, có đúng vậy không em? Mình đâu chỉ dành bốn năm trên ghế đại học chỉ để có được một mảnh bằng trên tay trong khi về mặt nhân cách sống thì mình lại chẳng tốt hơn lên chút nào hết! Sau hai năm học đại học, mình đang phát triển con người của mình thêm được những gì? Em chỉ cần nhìn lại thôi rồi em sẽ ý thức hơn để đừng làm “lỗ vốn” công ơn ba mẹ đã yêu thương dành trọn vẹn cho mình.

 

Hãy nhìn kỹ động cơ của hành động của mình em à. Hãy xem kỹ cái gì đang thúc đẩy em và các bạn của em phải làm như vậy? Một nỗi sợ âm thầm rằng nếu mình không làm vậy thì điểm sẽ thấp? Chị không nghĩ các em lại thiếu sáng suốt như vậy. Em thử nhìn lại xem cái kết quả điểm mà các em có được sau khi “đi tiền” là điểm gì? Em có còn gọi đó là kết quả học tập, là chứng tích của công phu đèn sách được không? Trong trường hợp này, những con số ấy chỉ nói lên được một điều duy nhất thôi. Đó chính là một sự tuột dốc của một nền giáo dục, một nền đạo đức cần phải chấn chỉnh kịp thời. Nghe thì thật đau lòng, nhưng nếu là người có trí, chị nghĩ mình cũng nên một lần dũng cảm chạm thẳng nỗi đau mà mổ xẻ nó. Nếu không sẽ không bao giờ lành đâu, càng để lâu vết thương sẽ ngày một lớn thêm mà thôi.

 

Tuy nhiên, chị vẫn còn niềm tin rất lớn vào những bậc thầy cô giáo thanh liêm và hết lòng vì thế hệ trẻ. Vẫn còn nhiều lắm em à. Ngay trong trường em học đó thôi, đâu phải thầy cô nào cũng thế đúng không?  Em hãy gần gũi những thầy cô đó để học hỏi thêm. Nhưng cụ thể trước mắt, chị khuyên em đừng vì những thầy cô như thế để rồi tự biến mình thành những người học trò như thế. Em thấy đó, mảnh bằng chỉ là tờ giấy, con điểm chỉ là con số, nó không nói lên được gì nhưng chính con người em, nhân cách em đã bị chính những cái vô nghĩa đó đánh gục ít nhiều rồi. Đừng chịu thua em à. Mạnh mẽ lên. Em hãy tưởng tượng xem nước nhà sẽ đi về đâu khi những “nhà kinh tế” được đào tạo từ những môi trường như vậy? Là một lớp trưởng, em có thể chủ động được rất nhiều thứ em biết không? Chị chỉ góp lời thôi, còn chính em mới là người quyết định. Có nên làm một cuộc cách mạng hay không? Nhiều khi khả năng của mình lớn hơn mình nghĩ nhiều lắm đó em!

 

Thêm nữa, là một sinh viên, mình hãy đứng đúng vị trí và làm những gì hay nhất có thể được từ vị trí của mình. Hãy thay đổi từ chính mình trước khi muốn thay đổi bất cứ ai, và cũng khoan nghĩ tới chuyện thay đổi những thầy cô mà có dính dáng vào những gì không hay như em đã kể. Chị không đồng ý khi em nói là “nếu con đưa hết cho thầy cô của mình thì làm thầy cô mình ngày càng hư và con nghĩ mình chỉ đưa như vậy cũng là đúng.” Chuyện đúng sai của thầy cô thì hãy để cho thầy cô tự lo lấy. Về phần em, em hãy xem lại cách suy tư và hành xử của mình, em nghĩ làm vậy là giúp cho thầy cô sao? Các bạn trong lớp em sẽ nghĩ gì khi phát hiện ra lớp trưởng của mình như thế? Số tiền là của chung thì vẫn là của chung, em không thể vì lý do gì mà chuyển hướng về phần sở hữu của mình để rồi tiêu dùng cho việc cá nhân hết. Làm vậy tức là em đang “nợ” của công rồi đó. Mà đã nợ thì sẽ phải trả, đó là quy luật của nhân và quả mà em. Sự dối lòng này em sẽ phải dằn vặt dài dài nếu em không dừng lại liền. Kết quả ra sao thì em cũng biết rồi. Liệu có còn ai tin tưởng vào mình nữa đây khi sự thật được phơi bày? Mà đâu cần đợi đến ngày đó, chính bây giờ em đã không có được bình an rồi còn gì. Giấc ngủ của em có được ngon không khi trong lòng mình đang chất chứa những dằn vặt đó? Mất tiền thì còn có lại chứ mất niềm tin của các bạn em sẽ còn khổ đau hơn ngàn lần. Các bạn em chắc chắn sẽ rất buồn khi thấy niềm tin của mình đã đặt sai chỗ, và đã bị “lơi dụng”, mà người đó lại chính là lớp trưởng của mình! Chị xin lỗi nếu có lỡ làm em buồn. Em có buồn một chút cũng không sao, nhưng em không có quyền bỏ cuộc đâu đấy! Không ai mà không phạm sai lầm trong đời phải không em? Quan trọng là mình có được quyết tâm để làm mới lại con người của mình hay không mà thôi. Tùy em!

 

Chị nghĩ các em nên cùng ngồi lại với nhau để tìm ra một cách nào đó hay hơn. Hãy chia sẻ những ưu tư trong lòng mình cho nhau nghe. Hãy cùng đặt lại vấn đề, phải chăng phải “đi tiền” thì mới qua khỏi môn học đó? Hãy nhìn vấn đề bằng một cặp mắt rộng lớn hơn, xa hơn và sâu hơn. Tại sao môn học này lại cần làm vậy trong khi môn học khác lại không cần? Chị rất hiểu những áp lực của các em, nhất là vào những mùa thi. Làm cái gì đó chung với nhau, với một tâm ý cùng nhau xây dựng, đóng góp. Có thể rất nhiều bạn lớp truởng hay không lớp trưởng của các lớp khác cũng lâm vào tình trạng khó xử của em. Họ cũng không thấy thoải mái để can dự vào những chuyện như thế, nhưng lại không đủ can đảm để lên tiếng. Cùng nắm tay nhau em à. Làm chung thì cái gì cũng dễ hơn nhiều.

 

Em thương, bây giờ chị mời em cùng thực tập với chị như thế này. Em tạm quên những gì chị đã phân tích ở trên, chỉ ngồi chơi với thở của mình. Đây gọi là thực tập dừng lại và trở về với hơi thở. Em có thể kiếm một nơi không có nhiều người qua lại, dưới một gốc cây vắng vẻ hay trong căn phòng của chính mình, ngồi thật yên, và chỉ theo dõi hơi thở vào ra. Thở vào, em ý thức đây là hơi thở vào. Thở ra, em ý thức đây là hơi thở ra. Theo dõi hơi thở của mình từ đầu cho đến cuối. Chỉ để ý tới hơi thở. Em thở như vậy khoảng 5-10 phút thì sẽ thấy người mình khỏe hơn, nhẹ hơn. Nếu thấy thích, em cứ tiếp tục thở thêm. Đó cũng là cách để làm lắng dịu những gì đang lao xao trong thân và tâm mình, và cũng là cách để dừng lại mọi suy tư không cần thiết trong đầu mình lúc này. Khi đã buông xuống được những gánh nặng trong lòng, em sẽ từ từ tiếp xúc với một con người rất mới trong mình.

 

Chị lấy ví dụ như khi em đang rất khát và em đang có một ly nước trong tay, nhưng trong ly nước đó đang có một ít cặn. Để uống được phần nước trong thì mình phải làm gì? Nếu mình cứ dùng muỗng mà khuấy nó lên thì không thể nào mình uống được nước trong cả đúng không em? Mình chỉ cần để ly nuớc lên mặt bàn, để yên như vậy vài ba phút thì tự nó biết lắng lại, phần cặn sẽ nằm yên ở dưới, và còn lại phần nước sẽ rất trong mà mình có thể uống được. Cũng vậy, khi em cho mình cơ hội để dừng lại, ngồi thật yên, chỉ theo dõi hơi thở vào và ra, thì từ từ cái phần nước trong trong em cũng hiện ra rất rõ. Và lúc đó em sẽ thấy lòng mình thật rộng lớn, xanh trong như mặt nước hồ thu. Và khi em tiếp xúc được sự bình an của mặt hồ thu trong mình rồi thì em sẽ tự khắc biết mình cần làm gì kế tiếp. Một khi mình đã lắng dịu cơ thể, thì những tâm hành trong mình sẽ hiện lên rất rõ: nào là hờn giận, nào là phán xét, là trách móc, là tự ti, sợ hãi, … Em cứ tiếp tục theo dõi hơi thở, có mặt và gọi tên những tâm hành đó. Em chỉ ngồi nhìn nó. Đừng đồng hóa mình với nó. Nó tự đến rồi nó cũng tự đi. Em nhớ mỉm cười với nó. Từ từ em sẽ thấy rằng con người mình không chỉ có toàn những tâm hành tiêu cực, mà bên cạnh đó mình còn rất nhiều những tâm hành tích cực như là khả năng yêu thương, cảm thông, tha thứ,… Và tâm em đang từ từ mở ra, lớn hơn, rộng hơn và em có thể thương được chính mình, hiểu được chính mình, hiểu được tại sao mình lại có những khổ tâm như thế, và em sẽ thấy rõ ý nghĩa và mục đích sống của cuộc đời mình như chị đã phân tích ở trên.

 

Sau khi hiểu và thương được mình, em từ từ mở lòng mình hướng đến các thầy cô giáo của em. Có thể những thầy cô giáo ấy cũng đang rất khổ tâm và dằn vặt. Họ cũng đang tìm cách để đi ra tình trạng này nhưng chưa được. Và họ cũng đang bị cuốn theo… Em thấy thương cho các vị đó. Biết đâu khi em dừng lại và có một thay đổi trong cách hành xử của mình thì em đang đánh động đến lương tâm của những thầy cô ấy ? Mình phải thử. Nếu mình không là người tiên phong thì là ai? Chị có niềm tin rằng em sẽ làm được điều đó. Em chỉ có thêm sức mạnh sau khi em đã tự mình nhìn lại mọi vấn đề, theo nhiều góc độ khác nhau, với một tâm yêu thương và trí tuệ chứ không phải với tâm đổ lỗi, rồi thì mặc kệ và buông xuôi. Một người trẻ có lý tưởng không thể hành xử như vậy. Chị vẫn luôn có mặt đây cho các em. Có gì cần giúp đỡ về mặt tinh thần, em đừng ngại sẻ chia. Chúc em thành công.

 

Thương yêu và tin cậy,

Chị, Chân Kỳ Nghiêm.