Phát nguyện sinh về Cực Lạc

Con xin được hỏi:

Kính thưa quý thầy, quý sư cô!

Là người tu tại gia, gia đình chúng con đã thờ Bụt được mười năm và cả nhà đều ăn chay trường. Chúng con được nghe Sư Ông chỉ dạy thực tập làm chủ hơi thở và chánh niệm trong tứ oai nghi: đi đứng nằm ngồi. Tuy chúng con thực tập chưa thuần thục nhưng chúng con cũng thấy thảnh thơi, an lạc. Con xin được hỏi:

Chúng con ở tại gia, công việc bừa bộn lại phải tiếp xúc với bên ngoài nên chúng con dùng câu niêm Nam Mô A Di Đà Phật và tụng chú Đại Bi có được không? Chúng con có phải phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc không và nên phát nguyện như thế nào? Con nghe nói: thiền định mà không phát nguyện sinh về Cực Lạc thì dù quả báo có được hưởng ở các cõi trời thì khi hết phước vẫn bị đoạ.
Kính xin quý thầy cô khai thị cho chúng con

 

Sư cô Lĩnh Nghiêm xin chia sẻ:

Chào chị! Thật mừng cho gia đình chị khi tất cả mọi thành viên trong gia đình đều nhất tâm đồng lòng hướng về quy y Tam Bảo, đã ăn chay trường và làm việc thiện hơn mười năm nay.

Mặc dù nếp sống tại gia bận rộn, lại luôn phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng gia đình chị vẫn giữ được nếp sống tâm linh bằng cách quay về niệm Phật và tụng chú Đại Bi mỗi ngày. Đó là một việc vô cùng thiện lành, rất đáng khen ngợi.

Chị niệm hồng danh đức Phật A Di Đà  cũng chính là đang thực tập chánh niệm. Vì lúc ấy đối tượng chánh niệm của chị là câu niệm Phật. Nhưng niệm thì phải niệm cho có phẩm chất, tức là niệm bằng tất cả thân tâm của mình, chứ không nên niệm tràng giang đại hải, vừa niệm vừa suy nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác, như thế thì chẳng có phước đức gì hết, niệm kiểu đó thì dù niệm bao nhiêu năm phiền não vẫn ngập tràn, mà phiền não còn thì làm sao về Tịnh Độ được? Niệm Phật, điều cần thiết là phải nhất tâm, chuyên chú chứ không phải là niệm cho mau, cho nhiều. Khi niệm phải kết hợp câu niệm với hơi thở. Thở vào niệm Nam Mô, thở ra niệm A Di Đà Phật. Hơi thở chậm đều và bình an. Nếu niệm Phật kết hợp với hơi thở thì chỉ qua vài câu niệm là hành giả lập tức nếm được an lạc.

Trong khi đang nóng giận, lo buồn, sợ hãi… mà biết sử dụng câu niệm Phật kết hợp với hơi thở thì chỉ sau năm, mười phút những tâm hành tiêu cực lập tức lắng dịu. Lúc ấy, nếu có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, hoặc ở một nơi yên tĩnh thì quá trình chuyển hoá còn diễn ra nhanh chóng hơn. Chị có thể thực tập niệm Phật kết hợp với hơi thở ở bất cứ nơi nào, ngoài chợ, tại nơi làm việc v.v…, trong mọi tư thế: đi, đứng, nằm,ngồi đều được. Đặc biệt, trước khi đi ngủ mà nằm buông thư, thực tập niệm Phật kết hợp với hơi thở thì giấc ngủ sẽ rất sâu và nhẹ nhàng. Những người bị bệnh mất ngủ có thể sử dụng phương pháp này sẽ thấy rất hiệu quả. Khi niệm Phật thì chỉ nên chú tâm tới câu niệm Phật và hơi thở vào – ra: vào Nam Mô, ra A Di Đà Phật, mà không nghĩ ngợi vẩn vơ. Và đến khi tâm an tịnh rồi thì nên buông câu niệm xuống chỉ chú tâm vào hơi thở thôi. Tụng chú Đại Bi cũng vậy, khi tụng thì phải nhất tâm.

Tu tập mà có phát nguyện thì đường tu sẽ vững chắc hơn. Nếu muốn, chị có thể phát nguyện sinh về nước Tịnh Độ, nhưng bên cạnh đó chị nên phát nguyện thêm rằng: Con nguyện từ nay sẽ không nói và làm gì có thể gây tổn thương tới người khác. Nguyện không làm việc gì chỉ mang lại lợi ích cho gia đình con mà làm thiệt hại tới cộng đồng xung quanh. Con nguyện sẽ thường xuyên đem tài vật của mình chia sẻ bớt cho những người nghèo khổ, thiếu thốn. Nguyện sẽ đem thì giờ, năng lực của con để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Nếu chị quán nguyện như vậy mỗi ngày thì một thời gian sau tâm chị rất thanh.

Bụt có dạy rằng: “Tịnh Độ vốn sẵn nơi chân tâm. Niết bàn hiện ra từ tự tánh”. Tức là Tịnh Độ không nằm ở phương Đông hay phương Tây mà nằm trong tâm mình. Khi nào tâm thanh tịnh, không lo lắng, buồn phiền, tâm chan chứa từ bi thì khi ấy chị đang thực sự tiếp xúc với thế giới Cực Lạc, chứ không phải đợi tới khi chết mới sinh về Tịnh Độ. Hãy là Bồ Tát ngay trong kiếp này đi, đừng có mang tư tưởng, đợi con về cõi Cực Lạc con tu cho vững rồi con sẽ trở lại độ chúng sinh. Chỉ cần chị nhìn người khác với ánh mắt từ ái, nói một câu có nghĩa có tình làm cho người kia vui thì đó đã là một hành động tự lơi, lợi tha rồi.

Định có chánh định và tà định. Chánh định là sự định tâm kiên cố có được nhờ thực tập chánh niệm và trí tuệ. Còn tà định là sự định tâm có được không phải do chánh niệm và trí tuệ đem lại, vì vậy định này không kiên cố, nó có thể mất bất cứ lúc nào. Chánh định thuộc về phước vô lậu, còn tà định là phước hữu lậu. Nếu không muốn phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc, thì có thể phát nguyện trở thành một vị bồ tát ngay trong kiếp này, làm nhiều việc thiện giúp đỡ mọi người vơi bớt khổ đau. Giống như một người được cha mẹ để lại một gia sản lớn, nếu người ấy không lo làm ăn mà chỉ biết hưởng thụ thì tài sản đó trước sau gì cũng hết. Còn nếu tài sản ấy được trao cho một người con tài ba, chí thú làm ăn thì số tài sản đó ngày càng sinh xôi nảy nở. Cho nên, đừng có sợ rằng kiếp này mình tu, đến kiếp sau mình hưởng phước, kiếp sau nữa hết phước bị đoạ lại. Một cái cây bị nghiêng, khi một cơn bão tới quật ngã thì cái cây sẽ đổ về hướng nào? Tất nhiên là cây nghiêng về phía nào thì sẽ đổ về hướng đó. Độ nghiêng của cái cây ẩn dụ cho nghiệp lực, nghiệp tức là thói quen. Nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác (thói quen tốt và thói quen xấu). Một thói quen khi đã mạnh thì rất khó thay đổi, huống nữa mình lại không muốn thay đổi nó mà lại muốn nó vững bền hơn. Chị đã ăn chay trường mười năm, thì chắc chắn năm thứ mười một chị sẽ tiếp tục ăn chay trường, chị không thể ăn mặn nổi, vì không quen. Cũng như vậy, kiếp này chị đã quy y Tam Bảo, đã thiết tha cầu giải thoát, thì sang kiếp sau chị vẫn giữ được thói quen đó – khao khát tu tập mong thoát khỏi vòng sinh tử luôn hồi. Hễ có cảm thì có ứng. Miễn là mình luôn nghĩ tưởng tới Tam Bảo, thì chắc chắn mình sẽ được gần gũi Tam Bảo. Trong kinh có dạy: “Bụt thương chúng sinh như mẹ hiền thương con đỏ, con có thể quên mẹ chứ mẹ có phút nào mà không nghĩ tưởng đến con. Chỉ cần con quay đầu là thấy mẹ”.

Hy vọng rằng chị sẽ đồng cảm được với những lời chia sẻ vụng về của chúng tôi. Kính chúc chị và gia đình vững tâm tu tập. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho gia đình chị luôn an lành.