Tu mãi mà không tiến

Con xin được hỏi:
Cách đây hơn bốn năm, con đã từng phát nguyện tu tập mong giải thoát khỏi mọi khổ đau. Con đã từng quy y ngũ giới, từng đọc sách thiền và thực tập thiền, chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi. Con đã thực tập phép thiền của Sư Ông. Con đã từng cho rằng mình đã thành tựu, dù chưa là thành tựu viên mãn. Chí ít, con cho rằng mình đã biết thiền là thế nào, đời sống thiền là ra sao, an lạc thiền là mầu nhiệm như thế nào….

Ầy vậy mà, con đã lầm! Dường như chỉ là sự tự lừa dối. Điều nhận ra này khiến con rất đau khổ và gần như quyết chí bỏ tu (Thực ra con đã tự nhủ bỏ tu vô số lần, rồi sau đó lại trở lại thực tập thiền quán, thực tập chánh niệm, đọc sách thiền…) Có vẻ như lần này con thực sự thất vọng. Chữ “vọng” này có lẽ là nguồn gốc chăng. Con đã tham vọng giải thoát hay sao?

Con muốn nói đến việc con thường xuyên bùng nổ những tham, sân, si, và vô số sự cố chấp. Hoàn cảnh xung quanh dường như cũng hưởng ứng việc bùng nổ này bằng cách tạo ra vô số tình huống làm con khó chịu, tức giận, si mê, ham muốn… Con chẳng thể buông được. Chính vì thế con nói rằng con đã tự lừa dối mình. Thực ra con đã chẳng tu tập được gì cả, con đã chẳng sống thiền hay có được an lạc thiền nào hết!

Con không thể xuất gia, vì con còn gia đình phải chăm lo, con cái phải nuôi dạy. Việc tu tại gia gần như là không thể được đối với con, chẳng khác nào tự mình huyễn hoặc chính mình. Ai đó đã khuyên con hãy nhẫn nhịn, kiên trì, nhưng con đơn giản không làm được. Con cũng biết thân này tồn tại tạm bợ, rồi sẽ tan thành tro bụi và biến mất trong hư không, và mọi thứ từng giày vò con cũng sẽ tan biến, ấy vậy mà trong lúc này, tâm con vẫn không bình an, vẫn loạn động, vẫn đau khổ.

Cầu chúc Sư Ông luôn mạnh khỏe, sống lâu, để có thể hoằng pháp rộng khắp muôn phương.

 

Sư cô Túc Nghiêm chia sẻ:

Chào cô,

Tại sao ta phải thực tập chánh niệm hay gọi nôm na là tu tập? Bởi vì có khổ đau. Khi ta giận, khi ta buồn… những năng lượng đó làm cho ta bất an, khổ sở. Tại sao ta không muốn nhưng chúng vẫn hiện khởi khi đủ điều kiện? Vậy những điều kiện để cái gận có thể bùng nổ là gì? Là do thói quen phản ứng của chúng ta đối với những gì động đến quyền lợi, tiếng tăm, địa vị, uy thế của chúng ta. Chạm đến lòng tự ái của chúng ta. Chạm đến những gì ta thích hay không thích… Và do không tập một thói quen mới: nhận biết được mình đang giận, dừng lại mọi phản ứng nói hay bất cứ một hành động nào mà ngày xưa khi giận mình thường hay phản ứng. Thực tập: thở vào, biết rằng mình đang giận; thở ra, mình phải chăm sóc cái giận của mình. Hay tập trung toàn bộ sự chú tâm của mình vào sự phồng xẹp của bụng khi thở vào, thở ra. Hay tập trung toàn bộ sự chú tâm vào những bước chân: thở vào, bước 2 hoặc 3 bước; thở ra bước 2 hoặc 3 bước, tuỳ theo chiều dài của hơi thở và để sự chú tâm đến sự tiếp xúc giữa chân và mặt đất. Sự thực tập tập trung vào hơi thở khi giận này sẽ làm giảm thiểu rất nhiều sự đổ vỡ và làm cho cái giận không bùng nổ thêm. Sau đó khi yên tĩnh một chút ta sẽ sáng suốt hơn và có thể tìm ra giải pháp ổn thoả cho cả hai bên (mình và người làm mình giận). Sự việc sẽ trở nên dễ thở hơn…

Ngoài những lúc bất an khổ sở, cũng có những khi trái tim ta rất rộng mở, những giận hờn lặng hết và tâm ta trở nên yên lắng, vắng bặt những phân biệt này kia, ta chan hoà với mọi người, ta đau cái đau của người, ta hạnh phúc cái hạnh phúc của người, những ý niệm, ngôn từ dường như không có mặt trong tâm ta, ta rất tỉnh táo, an tịnh. Trạng thái đó trong nhà Phật gọi là Diệt đế. Cô đừng lầm nghĩ rằng cô không có những phút tịch mặc như vậy. Phật dạy trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy làm sao để chúng ta có thể tiếp xúc lại và sống được trong Phật tánh. Đó là thực tập chánh niệm. Thực tập chánh niệm sẽ giúp chúng ta dừng lại sự rong ruổi, trở về sống thật sự ngay trong giây phút hiện tại. Sự nhận biết, ta đang thở vào, ta đang thở ra, hay nhận biết tâm hành giận đang có mặt… đó là ta đang tiếp xúc với tâm chân thật của mình. Đang sống trong phút tịch mặc của mình. Sống và thực tập chánh niệm, từ từ ta sẽ bớt gây khổ đau, bớt gây lầm lỗi, bớt tạo thêm những nhân tiêu cực… Đó là lý do tại sao ta phải tu tập. Tu tập là để thật sự nếm được an lạc liền. Tu tập là để dừng lại những giận hờn, tham đắm, si mê. Tu tập là để làm giảm bớt đi hay giải thoát được khỏi những giận hờn, tham đắm, si mê. Pháp hành thì luôn có đó cho chúng ta để thực hành và làm theo. Tuy nhiên, tuỳ theo sự học hiểu và thực hành như thế nào trong đời sống hằng ngày mà sự chuyển hóa xảy ra mạnh mẽ hay yếu ớt. Nguồn an lạc, hạnh phúc, bình an sẵn có đó chỉ có điều ta nếm được nó nhiều hay ít mà thôi.

Mong cô đừng tự trách mình những lúc rơi vào tuyệt vọng, đau khổ, hay khi thực tập chưa thành công. Vì thời gian cô tu tập mới có bốn năm thôi, trong khi những thói quen cũ đã được cô hình thành mấy chục năm rồi, cho nên muốn chuyển hóa ta phải từ bi với chính mình, cho mình thời gian. Để giúp cho việc học và tu tập được tiến bộ, cô nên dành thời gian đọc sách, nghe băng giảng để mưa pháp được thấm ướt đất tâm, để nguồn trí tuệ được khai mở. Học được cách theo dõi hơi thở để dừng lại tâm rong ruổi, tìm cầu. Học thiền, thực tập thiền hay tu tập là để học cách sống mới. Thay vì sống trong khổ đau, trong thất niệm, thì giờ đây Bụt dạy cho chúng ta cách sống có chánh niệm. Sống hạnh phúc, ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi khi tâm đang bực bội, nóng giận ta trở về với hơi thở thì năng lượng chánh niệm lập tức có mặt khiến cho những nóng giận trong ta yếu dần. Cô có thể thực tập hơi thở ở mọi lúc mọi nơi. Thở vào biết rằng đây là hơi thở đang đi vào. Thở ra biết rằng đây là hơi thở đang đi ra. Khi ăn cơm thì biết rằng mình đang ăn cơm. Khi đi tới đi lui thì biết rằng mình đang thở và chân đang tiếp xúc với mặt đất… Cô đọc sách nhiều chắc hẳn nắm rõ các phép thực tập này.

Cô nên có thầy, có các bạn đồng tu giúp đỡ mình trên con đường tu tập thì sẽ dễ dàng hơn. Đừng để mình rơi vào tình trạng “Cứ để khổ đau tràn lấp, làm cho đen tối cuộc đời” thì rất là tội cho mình, và cho những người xung quanh. Không gặp giáo pháp thì không nói làm gì, nhưng gặp rồi mà không áp dụng được thì rất là uổng. Có gạo, có nước, có lửa, có nồi… mà không biết cách nấu thì vẫn bị đói như thường.

Trong sách Phép lạ của sự tỉnh thức, tác giả đã chỉ dẫn rất rõ ràng những phép thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày. Có những bài kệ giúp mình có thêm kiên nhẫn để học hỏi và làm theo từ từ. Giả sử thực tập thi kệ khi đánh răng. Cô chú tâm trong việc vừa đánh răng, vừa đọc bài kệ. Tay vẫn chải răng hàm trên hay hàm dưới bên trái hay bên phải tất cả đều được nhận biết rõ rằng. Với hơi thở vào, thầm câu kệ “Đánh răng và súc miệng ”. Hơi thở ra, thầm đọc “Cho sạch nghiệp nói năng”. Hơi thở vào, thầm đọc “Miệng thơm lời chánh ngữ ”. Hơi thở ra, thầm đọc “Hoa nở tự vườn tâm ”. Rồi tiếp tục bằng trở lại từ đầu câu kệ lại. Cứ thế, thở vào thở ra, thầm đọc câu kệ, tay chải tới đâu biết tới đó. Tất cả động tác chải răng được song song với hơi thở vào/ra và câu kệ làm thầy nhắc nhở mình phải thực tập chánh ngữ trong đời sống hằng ngày. Chải răng cho miệng thơm tho sạch sẽ cũng đồng thời được nhắc nhở miệng thơm nữa bằng cách nói lời chánh ngữ để vườn tâm hoa nở. Cô thấy việc thực tập chánh niệm đâu có xa lạ gì với cuộc sống. Chuyển hóa sâu xa chưa biết, nhưng cái chắc chắn rằng khi đánh răng tâm cô ở đó. Thay vì nghĩ lung tung thì tâm cô giờ đây được ở yên một chỗ là chú ý vào việc đánh răng. Bài kệ đóng vai trò một người thầy nhắc nhở ta, muốn miệng thơm là phải nói lời ái ngữ, dễ thương, có chất liệu hiểu biết, bao dung trong lời nói. Vậy đó. Còn nhiều bài tập khác để ta áp dụng vào đời sống hằng ngày. Nếu áp dụng các bài thực tập này thì ta sẽ tiếp xúc ngay được với an lạc, hạnh phúc. Ngồi, hoặc đứng phải giữ cho thân thể và gương mặt buông thư, miệng mỉm cười hàm tiếu, thở vào, biết mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra, ‎ ý thức những gì đang diễn ra trong tâm. Cô thực tập ba hơi thở như vậy sẽ thấy khoẻ, nhẹ ngay. Việc thực tập là làm cả đời chứ không phải chuyện một sớm một chiều.

Kính chúc cô bình an..