Phỏng vấn Sc Thoại Nghiêm
Nếu bạn đã từng là độc giả trung thành của Lá Thư Làng Mai hẳn sẽ không quên loạt bài dưới tựa đề Sư Tử Núi và trong hai số gần đây là Lửa Hồng Phương Bối. Các bạn có muốn biết tác giả của loạt bài đó là ai không? Sư cô Thoại Nghiêm, một trong những vị giáo thọ xuất sắc của Làng Mai, người luôn luôn đi tiên phong trong công tác thành lập và phát triển các trung tâm tu học mới của Làng Mai. Nhờ sự góp sức rất tích cực ngay từ những ngày đầu tiên của sư cô mà chúng ta đã có được Tu viện Lộc Uyển tại Hoa Kỳ ngày hôm nay; và cũng như vậy sư cô đã góp trái tim và đôi bàn tay của mình để phát triển Tu viện Bát Nhã tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, Việt Nam. Hiện nay sư cô lại đang giúp sức tại Ni viện Diệu Nghiêm tại Huế. Và sư cô cũng chính là tác giả của loạt bài Sư Tử Núi và Lửa Hồng Phương Bối. Để biết thêm về sư cô Thoại Nghiêm, mời các bạn theo dõi bài phỏng vấn dưới đây của BBT trang nhà Làng Mai với sư cô Thoại Nghiêm.
1. Xin Sư cô cho con hỏi một câu mà chắc nhiềucũng người muốn được biết, Sư cô đi tu có phải vì thất tình không?
– (Cười) Hỏi câu gì mà khó trả lời quá. Chị không biết nữa. Chị đi xuất gia vì chị thương quá nhiều người cho nên chị muốn đi xuất gia. Thành ra thất tình mà nói theo kiểu nói chơi là chỉ có 7 mối tình thôi thì hơi ít! Thật ra chị đi tu chỉ vì muốn “bước tới thảnh thơi”. Được chưa?
2. Có bao giờ sư cô nản hoặc chán trong đời tu chưa?
– Chán người thì có, chán đời tu thì không.
3. Và sư cô đã thực tập như thế nào để vượt qua?
– Thông thường mình chán vì cảm thấy người khác không hiểu mình và đó là những lúc mình thực tập yếu. Đó là những lúc mình xuống tinh thần vì không biết chăm sóc cho mình, không biết chăm sóc những cảm thọ của mình. Sự thực tập để vượt qua là sự thực tập những điều rất căn bản như đi theo thời khóa của chúng, theo dõi hơi thở, đặc biệt là đi thiền hành và ngồi thiền để quán chiếu, tìm hiểu cho ra cội rễ của vấn đề và khi hiểu được rồi thì đi qua dễ lắm.
4. Theo kinh nghiệm của sư cô thì lứa tuổi nào dễ vướng mắc tình cảm nhất?
– Đúng là với tuổi trẻ thì vấn đề vướng mắc dễ xảy ra hơn, điều này không có nghĩa là với người lớn thì không có. Nhưng người trẻ thường chưa có đủ chín chắn về mặt tình cảm, đôi khi mình còn rất mơ hồ về những cảm tình mình đang có. Với một số các em trẻ mới vừa xuất gia phải rời xa gia đình của mình, các em thường cảm thấy có một khao khát được yêu thương bởi vì mình không còn trong vòng tay yêu thương của gia đình nữa hoặc lúc ở gia đình mình cũng bị thiếu thốn tình thương. Mặt khác thì nhu yếu được hiểu, được thương là nhu yếu của mọi lứa tuổi, nhưng với người trẻ thì mạnh hơn, đi song song với sự phát triển của sinh lý và tâm lý. Điều này làm nảy sinh khuynh hướng muốn đi tìm một đối tượng khác để mình thương yêu. Một là xảy ra tình trạng vướng mắc giữa các em với nhau hay với các sư cô lớn, hai là các em đi tìm người khác phái. Vấn đề này không phải riêng của một tu viện nào mà đây là vấn đề chung của tất cả tăng ni trẻ.
5. Tại tu viện Bát Nhã, quý sư cô làm cách nào để giải quyết vấn đề này?
– Sư Ông dạy phòng ngừa chắc ăn hơn là mình phải đối trị. Tại Bát Nhã có rất là nhiều buổi diễn thuyết, thảo luận, pháp đàm về chủ đề tình yêu, tuổi trẻ. Cũng có vài hiện tượng vướng mắc sơ sơ, thương sơ sơ, cảm thấy lòng bồi hồi xao xuyến thì đều được đem ra chia sẻ với nhau. Các em hay bị “hở van tim” khi bắt gặp một ánh mắt chăm chú và đặc biệt hơn bình thường. Các em được khuyến khích tâm sự khi bắt đầu thấy có những cảm giác khác lạ trong người, nhất là về một đối tượng cụ thể dù là người khác phái hoặc người cùng phái. Thông thường các em có y chỉ sư thì các em lên tâm sự với y chỉ sư, vị này sẽ hướng dẫn cho các em nhận diện được đó là cảm thọ gì, tập làm quen, chấp nhận, ôm ấp và chuyển hóa những cảm thọ vướng mắc như thế nào. Có những trường hợp các em không chịu cho biết, khi đã xảy ra nặng thì khó đối phó hơn một chút. Nhưng phần đông các em đều có ý thức là mình muốn tu và có thể dễ bị vướng mắc, thành ra các em rất muốn được thực tập để đừng có bị vướng vào. Nhất là một số các em ở ngoài đời đã từng có bạn trai, cũng đã từng kinh nghiệm qua những khổ thọ của cái “thú đau thương” đó, cho nên các em tâm sự, chia sẻ cho nhau và cho đại chúng biết, thì những vị chưa “lọt” vô cũng thấy hơi đắn đo khi phải bước chân vào trong đấy.
6. Tại xóm Bếp Lửa Hồng, tu viện Bát Nhã, hiện giờ có khoảng 200 quý sư cô và các em tập sự, xin sư cô chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn một đại chúng vừa mới vừa đông như vậy?
– Công việc không khó lắm như mọi người tưởng vì không phải một mình chị điều chúng mà là tập thể Tỳ Kheo Ni ở đấy điều chúng. Trước kia các chị có 15 vị, giảm còn 11 vị và hiện giờ còn khoảng 11-12 vị. Công việc được chia ra và cùng chịu trách nhiệm chung thành ra chị thấy không phải là một vấn đề khó khăn lắm. Thêm nữa các em đông thì giống như là nhà đông con vậy đó, chị lớn dạy em nhỏ, cho nên các em đến trước mà tu tập đàng hoàng thì tạo ra một sự thúc đẩy và một kỷ cương, các em đến sau nhập vào và cứ theo cái dòng đó mà tiến thì cũng không khó lắm. Dĩ nhiên là vì đông quá cho nên đôi khi mình cũng không có đủ giờ đi sâu đi sát vào từng em, để giúp các em có thể phát triển đến mức độ tối đa của các em mà gần giống như một trường học. Các em học chung, làm chung với nhau thì lại có một mặt tích cực khác là các em có được một tinh thần đồng đội, có được sự giúp nhau phát triển thay vì phải chờ mình thúc đẩy. Các em lớn lên rất đều và lớn lên trong tình thương của nhau nên đem lại một năng lượng rất mạnh, và chị thấy yên tâm. Trường hợp những em cá biệt quá và không chịu thực tập theo chúng, được các chị giúp đỡ, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa có thể chuyển hóa, vẫn làm động chúng thì đành phải mời em về nhà quán chiếu lại mục đích em muốn đi tu. Rồi khi em xác định lại được mục đích, viết thư lên thì chúng cho em thêm một cơ hội để nhập chúng tu học. Chủ yếu là những lớp đầu tiên mà được huấn luyện đàng hoàng và tu tập giỏi giang thì những lớp kế tiếp cứ noi gương mà đi thôi.
7. Những ai muốn xin vào tập sự tại Bát Nhã đều phải trải qua một buổi phỏng vấn với các sư cô. Xin sư cô cho biết những câu hỏi tượng trưng khi quý sư cô phỏng vấn các chị em?
– Chị không có danh sách những câu hỏi, nhưng mà đại khái là mình hỏi để hiểu thêm về các em, về hoàn cảnh gia đình các em bởi vì con người được hình thành từ sự giáo dục cũng như hoàn cảnh gia đình và xã hội. Mình cần biết để hiểu thêm để mà giúp đỡ cho các em. Có thêm những câu hỏi như là các em đã từng có bạn trai chưa, để nếu lỡ mà bạn trai em đòi về thì mình biết cách giúp em. Những câu hỏi về hoàn cảnh gia đình vì nếu gia đình em gặp khó khăn thì em có thể sẽ bỏ dở đường tu để về giúp đỡ cho gia đình. Ngoài ra mình cũng hỏi những câu ví dụ như có mắc nợ hay còn những vấn đề gì chưa giải quyết xong để cho các em có cơ hội được thấy những điều chướng ngại trong sự tu, em cần giải quyết trước khi em xuất gia. Và một số câu hỏi về bệnh lý để mình có thể đưa em đi khám chữa bệnh kịp thời, giúp em tự tin vào sức khỏe của mình khi được xuất gia bởi vì các em có thể sẽ được đưa đi phụng sự ở những vùng sâu vùng xa, là những vùng mọi người cần đến ánh sáng đạo pháp, lúc đó mình cần có một sức khỏe tương đối. Nhất là các em tuổi còn trẻ nếu không phát hiện ra bệnh sớm và điều trị kịp thời thì sau này khi các em lớn tuổi một chút sẽ chữa trị khó khăn hơn.
8. Chuyến về kế tiếp tại Huế sư cô có cảm nghĩ hoặc sắp đặt gì không?
– Sắp tới chị về Huế thì chị sẽ có nhiều cơ hội được tiếp xúc lại với truyền thống của chùa Tổ, nhất là truyền thống xướng tán. Chị nghĩ là chị sẽ cho các em lớn lớn từ Bát Nhã, nghĩa là sau một năm rèn luyện, được học xướng tán chính gốc chùa Huế chứ không phải học lại từ các chị, chắc là sẽ hay lắm.
9. Sư cô có cảm tưởng ra sao mỗi khi Sư Ông đề cử sư cô đi một trung tâm mới?
– Thường thường chị không có một cảm tưởng gì đặc biệt. Sư Ông đã dạy là việc gì cũng giống nhau: cho pháp thoại hay nấu ăn hay chùi phòng tắm cũng không có gì khác. Chị chỉ nghĩ đây là một Phật sự mà Sư Ông gọi mình đi thì chắc là mình cũng thích hợp với công việc đó, hay là Sư Ông muốn công việc đó giúp mình trưởng thành hơn, cho nên mình nên đi. Chị ít có suy nghĩ là công việc đó khó hay dễ, tại sao là mình mà không phải người khác. Chị thấy phần nhiều những gì Sư Ông dạy hay là những gì Sư Ông cho mình làm đều trong mục đích giúp mình trưởng thành hơn, khám phá ra chính mình hơn. Bằng chứng là khi chị đi Lộc Uyển và ở đó một năm rưỡi thì chị thấy mình lớn lên rất nhiều, khi về Việt Nam cũng vậy. Thành ra những công việc Sư Ông giao cho mình là giúp mình có thể tiến lên thêm thôi, và cũng có những thử thách, những cam go, những khó khăn nhưng cũng có những hạnh phúc, những điều mà mình không ngờ tới được. Đối với chị, hễ Sư Ông dạy mà thuận duyên hợp ý Bụt, hợp ý chư tổ thì công việc thành. Chị cứ đem hết lòng mà làm thôi chứ chị ít suy nghĩ công việc đó khó hay dễ, thành hay không vì mọi việc không thể tùy thuộc chỉ một mình mình mà còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
10. Sư cô là người dễ bị dính vào những dự án công việc, vậy thì khi không có những dự án nào sư cô có thấy trong lòng mình ý muốn đi tìm những dự án hay không?
– Chị luôn luôn có công việc để làm, nhưng chị không nghĩ là chị đi tìm công việc mà công việc luôn luôn có đó là bởi vì chị rất là có hứng khởi với công việc.
Và chị lại muốn làm rất là nhiều chuyện, thành ra khi không có ai giao việc gì hết thì chị rất là thích, và chị hay nói là: “Ôi! Bây giờ là lúc mình làm việc này…” nhưng mà thường thường ít khi nào chị có đủ giờ để làm xong cái việc của chị. Khi chị mới vừa bắt đầu làm chuyện của mình là bắt đầu có việc người khác giao…, và cứ như thế chị luôn luôn thấy mình có công chuyện để làm. Tuy nhiên, nhờ sự thực tập thành ra công việc nào chị thấy cũng như nhau. Dĩ nhiên có những việc mình thích làm và có những việc mình không thích làm lắm, nhưng Thầy dạy là lúc nào cũng phải có được cái hứng thú trong công việc thì mình mới nên làm, cho nên thực tập của chị là bất cứ công việc nào chị nhìn vào và chị thấy được là mình có hứng thú hay không, và nếu không có hứng thú thì chị sẽ làm cho nó có hứng thú để chị làm việc. Vậy thôi. Thành ra, chị thấy những việc mình muốn làm đôi khi nó nằm trong những việc người khác giao cho mình, và mình có hạnh phúc ngay trong khi mình phải làm việc.
11. Sư cô có thể cho biết làm thế nào để có thể sinh hoạt cùng với chúng những khi mình có những dự án đặc biệt?
– Cái này thì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Hồi xưa, khi chị mới được giao công việc thì chị phải vắng rất nhiều sinh hoạt của chúng, và cái đó gây cho mình rất nhiều khó khăn. Tại vì một mặt mình cũng rất muốn đi theo sinh hoạt của chúng, một mặt mình rất muốn công việc của mình hoàn thành, và nếu mình cố gắng cả hai mặt thì mình không có đủ giờ và không đủ sức khỏe. Cho nên trong một giai đoạn rất lâu thì chị bị lấn cấn và đôi khi điều đó tạo cho mình thêm nhiều áp lực. Nhưng càng tu lâu chị càng thấy rằng công việc nào cũng có giới hạn của nó, và khi mình muốn cho công việc phải xong thì rõ ràng là mình đã chạy theo công việc. Cho nên, không biết có phải một phần vì càng lớn tuổi chị càng làm biếng hơn, nghĩa là không có tâm đòi hỏi muốn làm thiệt giỏi, thiệt hoàn toàn như hồi xưa (less expectation), thành ra chị dễ bằng lòng để mà buông công việc đó mặc dù là nó chưa đạt tới ý mình muốn nhưng mà cũng tương đối rồi, miễn sao chị đừng có vắng sinh hoạt của chúng nhiều quá. Nhưng có những công việc bắt buộc phải vắng sinh hoạt chúng thì chị tự an ủi mình là việc gì cũng như nhau thôi, và chị tìm cách làm sao để trong công việc đó mình cũng phải có sự thực tâp để đừng có cảm thấy tiếc là mình không được sinh hoạt chung với chúng.
12. Ba Mẹ sư cô bây giờ đã khá lớn tuổi. Là một người tu, sư cô thấy làm như thế nào để chăm sóc tốt nhất cho Ba Mẹ của mình khi mình ở xa?
– Ba chị luôn luôn muốn chị về nhà ở với gia đình một thời gian. Chị cũng có nghĩ tới chuyện đó nhiều lần ngay cả trong giai đoạn mà Ba Má chị đang còn rất khỏe. Điều quan trọng là Ba Má chị biết chị hạnh phúc, và những điều mà Ba Má chị không thể làm tiếp được nữa nhưng chị làm được thì Ba Má chị rất vui. Chị lấy ví dụ như mới đây ở tu viện Bát Nhã có chương trình giúp đỡ cho người nghèo xung quanh, tại vì hai tháng mưa họ không thể đi làm được và họ không có tiền ăn cho nên mình phải yểm trợ cho họ gạo, xì dầu, muối, đường, mì gói để cho họ sống trong hai tháng đó. Khi nghe sư cô Hỷ Nghiêm nói tới chuyện giúp đỡ người nghèo thì chị tìm cách vận động kiếm tiền để giúp cho họ. Chị viết thư về nhà kể lại hồi xưa Ba Má đã giúp người nghèo như thế nào nên đã gieo trồng hạt giống đó trong chị, và bây giờ chị có cơ hội được tiếp tục công chuyện của Ba Má chị làm ngày xưa. Hơn nữa bây giờ nhà mình rất là may mắn, mình có điều kiện làm được tại vì mình đang sống ở Mỹ, có một đời sống vật chất tương đối ổn định thì mình lại có cơ hội để giúp đỡ người ta nhiều hơn, và chị rất hạnh phúc được làm sự nối tiếp của Ba Má chị trong công tác đó. Khi thấy chị viết như vậy, Ba Má chị gởi tiền qua giúp đỡ và rất là vui. Chị cũng vui bởi vì chị không thấy Ba Má chị nhắc đến chuyện chị phải về nhà để giúp nhà nữa mà thấy là chị đang đại diện cho Ba Má và thế cho Ba Má trong những công tác từ thiện ngày xưa mà Ba Má chị đã làm. Cho nên mỗi lần có giờ là chị viết thư cho Ba Má nói là chị đã giúp được người ta những gì, hay là chị đã làm được những gì để tiếp nối chí nguyện hay ước muốn của Ba Má chị. Do đó Ba Má chị cảm thấy đời sống của chị không phải là một đời sống vô ích thì Ba Má chị rất là an tâm và động viên để cho chị tiếp tục đứng trên cương vị của một người con mà tiếp nối cho gia đình như thế hơn là đòi chị về nhà. Nhưng thỉnh thoảng Ba Má chị cũng gọi về là vì nhớ, nhưng không có ý bắt phải ở lâu, để chăm sóc hay này kia. Chị mừng là Ba Má chị còn đủ sức khỏe và chị cũng rất ý thức là một ngày kia Ba Má chị quá lớn tuổi và cần chị thì chị sẽ về (ở cái thế không về không được thì dĩ nhiên mình về). Nhưng hình như chị càng tu thì chị thấy Ba Má chị càng khỏe ra, cũng bớt bệnh hoạn hơn, lại rất là vui, cho nên chị có cảm tưởng như là gia đình huyết thống và gia đình tâm linh bổ sung cho nhau, không phải bổ sung qua con người của chị mà bổ sung trên bình diện không gian: ở đây chị cảm thấy hạnh phúc thì bên kia Ba Má chị cũng hạnh phúc, ở đây chị thấy khỏe thì ở bên kia Ba Má chị cũng khỏe. Chị tin như thế và chị thấy là chị cứ việc tha hồ mà đi hành đạo và Ba Má chị cũng chẳng hay nhắc nhở và nói năng gì nhiều, ngoại trừ lâu lâu lại có một câu rằng là “bao giờ thì cô lại về Mỹ?” Thì để chờ coi khi nào Ba Má gởi tối hậu thư kêu rằng là phải về nhà thì lúc đấy mình sẽ tính tiếp. Bây giờ thì chuyện đó chưa xảy tới nhưng mà chị cũng dự định là lâu lâu chị cũng vẫn phải về thăm thường xuyên để Ba Má không cảm thấy là con ham lo chuyện thiên hạ quá mà quên mất Ba Má ở nhà.
13. Xin Sư cô chia sẻ một trong những sai lầm lúc Sư cô ở lứa tuổi 20 và sư cô đã học được gì qua kinh nghiệm đó?
– Ở lứa tuổi 20, chị chưa biết pháp môn thực tập. Lúc đó chị lớn lên trong sự thay đổi của xã hội cho nên trong gia đình cũng có rất nhiều áp lực của cuộc sống. Cái sai lầm mà chị mắc phải và chị nghĩ là rất nhiều người trẻ cũng mắc phải, đó là mình không hiểu được Cha Mẹ mình. Mình luôn luôn nghĩ rằng Cha Mẹ không hiểu được mình và áp đặt mình, mà mình cũng không hiểu được nỗi khổ của Cha Mẹ. Lúc đó với những biến chuyển về tâm lý và sinh lý mà lại không biết cách thực tập, cho nên có lúc những cảm xúc và những cảm thọ của mình lên rất mạnh và mình không biết cách giải quyết, thì mình thường đi tìm một cái giải pháp để mà đối trị với nó. Nhưng xung quanh mình thì không ai chỉ cho mình cho nên mình cảm thấy rất là bơ vơ, rất là lạc lõng, và có những lúc mình nghĩ đến chuyện là mình muốn chết quách cho rồi tại vì không ai hiểu mình hết. Khi đi qua khỏi cái tuổi đó mình rất thương cho những người trẻ tuổi cũng đã và đang phải đi qua. Đi qua được thì mình sẽ lớn nhưng cũng có rất nhiều người đi qua không được.
14. Sư cô đã làm như thế nào để đi qua?
– Hình như là phải tới 2 hay 3 năm sau. Chị không có thực tập để đi qua bởi vì chị chưa biết sự thực tập, nhưng hồi đó thì chị nói trong bụng là: “Thôi, mình sống cũng như đã chết, mặc kệ nó, ai biểu gì thì cứ nghe để cho nó yên”. Mặc dù là chị không muốn nhưng chị đặt mình vô tình trạng như vậy để cho có hòa khí. Và chị đã đi qua được những năm tháng đó. Nhưng sau này khi biết được sự thực tập rồi chị hơi tiếc, tại vì nếu mà mình đã biết được sự thực tập thì mình có thể sống được những năm tháng đó rất dễ chịu, và mình có thể giúp cho gia đình mình dễ chịu hơn. Khi mà chị đi qua được và trở nên một con người bình thường thì Má chị mừng quá trời luôn. Bởi vì Má chị nghĩ chị là một người cứng đầu và khó dạy nhất trong nhà. Má chị đã nhiều lúc chịu thua bởi vì không biết phải đối phó với chị như thế nào.
15. Nếu như bây giờ có những người trẻ đang gặp vấn đề như vậy thì sư cô sẽ chia sẻ với họ thực tập gì để giúp đỡ họ?
– Lời khuyên đầu tiên của chị là phải kiên nhẫn. Tất cả mọi chuyện xảy ra, nó đến rồi nó sẽ đi, không có cái gì là cái quan trọng đến độ như mình tưởng là mình đang bước vô ranh giới của sự sống và sự chết hết. Tất cả đều do cái tưởng của mình. Việc thứ nhì là mình phải hiểu được phần nào về mình. Cho tới bây giờ chị vẫn còn đang thực tập để hiểu thêm về mình và cố gắng để hiểu được tại sao Cha Mẹ mình làm những điều đó. Nếu như mình chỉ nhìn vào những hành động và mình đổ lỗi, thì cái đó nó không giúp ích được. Thành ra sự quán chiếu rất là quan trọng, để mình thấy được gốc rễ đưa tới những sự hiểu lầm hoặc những sự bất như ý, những sự thiếu truyền thông. Nhưng muốn được cái đó thì mình phải đi vào những sự thực tập rất là căn bản. Ví dụ như là phải thực tập theo dõi hơi thở, tại vì khi cảm xúc dâng lên mà mình biết theo dõi hơi thở để dừng lại, thì những cảm xúc đó không tiếp tục dâng cao được mà nó có cơ hội để hạ xuống. Ngược lại, nếu mình không biết quay lại với sự thực tập thì mình sẽ để cho những cảm xúc, suy tư và những nỗi khổ hay những cảm thọ khó chịu nó dẫn mình càng ngày càng đi lên, và mình hoặc là thấy bị căng thẳng, hoặc là thấy nổ tung cái đầu ra và không muốn làm gì nữa hết, hoặc là càng ngày càng vẽ ra những hình ảnh đi quá cái sự thật ban đầu… Cho nên, thực tập mà chị muốn khuyên tất cả các em là một thực tập căn bản nhất, đó là trở về với hơi thở. Và bây giờ, dù chị đã thực tập 10 năm rồi mà chị vẫn quay về với hơi thở mà Sư Ông dạy là thở bằng bụng. Cách thực tập này trong yoga cũng có, trong khí công cũng có, trong những phép thực tập về nội lực cũng có dạy là mình nên thở sâu, thở từ bụng, mình lấy hơi thở từ bụng lên và đó là khi mình thở ra và khi mình thở vào cũng như vậy, mình đưa cái hơi thở sâu xuống bụng. Nếu mình đặt tay lên bụng, mình theo dõi sự phồng xẹp của cái bụng, sẽ giúp cho mình định tâm lại rất là nhanh và mình chỉ nên tập trung vào sự phồng xẹp của cái bụng mình thôi. Làm được như vậy sẽ đem lại nguồn oxygen mới, làm mới lại những tế bào trong người và cũng làm mới lại những tư tưởng trong đầu mình rất là nhanh. Chị khám phá ra cái đó rất là hiệu quả. Tại vì khi mình đau quá, mình theo dõi hơi thở như vậy thì mình bớt đau; khi mình buồn, mình theo dõi hơi thở như vậy một hồi thì mình cũng bớt buồn. Đôi khi mình nói đau quá mình không chịu thực tập, nhưng mà mình biết chắc một điều là đem oxy vào trong người càng nhiều thì nó càng giúp cho cơ thể khỏe mạnh, thì thôi cứ thực tập đi đã. Và sự thực tập đó đem lại sức khỏe không những cho thân và cho tâm, và sau đó mình trở nên một người khác rất là nhanh, mình có nhiều cái nhìn tích cực hơn và mình có thể vượt thoát nỗi đau dễ hơn.
16. Hiện tại trên thế giới có rất nhiều người trẻ và người lớn đang cảm thấy cô đơn và bơ vơ. Xin sư cô chia sẻ với những người này, họ có thể làm gì để có thể chuyển hóa được tâm trạng này?
– Đọc thư gởi cho trang nhà Làng Mai, chị nghĩ có nhiều nguyên nhân lắm và tùy vô căn cơ và nhân duyên của mỗi người, giống như là mỗi người đến với đạo một cách khác nhau vậy. Bây giờ có nhiều người lợi lạc từ trang nhà Làng Mai thì họ nên tiếp tục giữ liên lạc và viết lên những câu hỏi mà họ gặp phải và đồng thời họ cũng phải thực tập khi họ nhận được những câu trả lời. Nếu họ không thực tập thì sẽ có lúc họ không vượt thoát những tình trạng bế tắc mà họ đang gặp. Chỉ có sự thực tập của chính mình mới giúp mình có được sự vượt thoát đó. Thành ra những lời dạy, những câu trả lời, những cuốn sách chỉ là những phương tiện để giúp mình đến với sự thực tập, còn lại kết quả của sự thực tập phải là tùy mình. Nếu mình không thực tập thì không có cách nào mà nếm được cái hỷ lạc một cách chân thật được. Cho nên lời khuyên của chị là ai có nhân duyên với trang nhà Làng Mai, với Làng Mai, thì nên đi sâu vào trong sự thực tập hơn và đừng có coi thường những thực tập căn bản như là thở vào, thở ra. Tuy đó là những cái rất là căn bản mà cho tới giờ này chị vẫn thấy mình chưa có làm trọn vẹn được, vậy mà nó đã giúp chị rất là nhiều so với những năm chưa biết thực tập.
17. Sư Ông dạy rất nhiều về pháp môn thiền hành, xin sư cô có thể chia sẻ về kinh nghiệm riêng của sư cô về đi thiền hành mà Sư Ông chưa bao giờ nhắc đến?
– Làm gì mà có cái chuyện never mentioned (chưa bao giờ nhắc đến) được. Thầy mentioned (nhắc đến) rất nhiều mà mình chưa bao giờ đạt tới thì đúng hơn.
Nếu nói đến kinh nghiệm thì có một lần mà đối với chị nó là một kinh nghiệm rất quý mà tới giờ này chị vẫn chưa có lại được. Chị thường hay quên thực tập đi thiền hành khi mà có công việc gấp, vì vậy cho nên chị đặt cho mình mục tiêu (lúc đó chị còn ở Xóm Hạ) là mỗi khi chị đi từ phòng của mình (lúc đó chị ở phòng Chim Sơn Ca) lên nhà ăn thì chị phải thực tập đi thiền hành liền. Dĩ nhiên đây là điều Thầy luôn luôn mong mỏi mà đôi lúc mình hay quên lắm. Cho nên năm đó chị hạ thủ công phu, chị ghi lên tờ giấy và dán lên trên tường. Năm đó chị thấy mình có sự bình an. Và có một lần trên quãng đường ngắn như vậy – khoảng chừng 30 m – trong lúc chị đang đi rất là chậm rãi như vậy, chị thấy cảnh vật xung quanh rất là sáng, nó bừng sáng lên như là mình đang chụp hình có flash vậy, và chị thấy bông hoa vàng trong cỏ rõ từng nét một, và chị nghĩ ngay đến điều Thầy dạy trong kinh Hoa Nghiêm và cảnh giới mà Kinh tả và chị nghĩ bụng: “Trời đất ơi, chẳng lẽ mình đạt đến cảnh giới này sao?” Nhưng quả thật lúc đó trong chị có sự hân hoan rất là lớn và tràn ngập, và mắt chị nhìn mọi thứ rất sáng, rất rõ nét giống như mình chụp hình mà mình focus (chú ý) rất rõ vậy. Khi chị bắt gặp hình ảnh đó thì chị đứng lặng, chị theo dõi hơi thở và chị mỉm cười. Không biết là mấy giây hay mấy phút sau đó vì lúc đó chị không có ý niệm về thời gian, thì cái cảnh nó không còn sắc nét như vậy nữa, nhưng chị bước tiếp và chị thấy rất là bình an và cái cảm giác bình an đó đến rất là thật. Chị biết rất rõ là nếu mà mình thực tập hết lòng, thì mình sẽ có được những điều mà Thầy đã từng nói. Nhưng đa phần mình thực tập được vài chục phần trăm thôi và mình đi được mấy bước là mình thất niệm lại. Đó là cái kinh nghiệm của chị. Sau này, mà nhiều khi có những lúc chị không có được vững chãi lắm, thì mỗi lần bước về con đường đó là tự nhiên kỷ niệm đó, cái kinh nghiệm đó trở lại và nó cho chị nhiều niềm tin trong sự thực tập.
18. Sư cô sẽ nhớ Làng điều gì nhiều nhất?
– Chị có bao giờ rời Làng đâu mà phải nhớ chứ! Nói một cách văn vẻ là Làng ở trong mình rồi. Thật ra, lần đầu tiên – khoảng chừng 5 – 7 năm về trước – khi mà bắt đầu nhận những công việc phải đi xa thì có lúc chị ngồi nghĩ: “Ôi! lúc này Làng có hội Hoa Mai, hay lúc này là mùa lượm mận…” Thỉnh thoảng chị có cảm tưởng là mình bị thiếu, và thiếu nhất là pháp thoại của Sư Ông, tại vì chị cứ đi hoài không có nghe pháp thoại được. Nhưng càng ngày càng đi thì chị thấy mình cũng học được ở bên ngoài, bởi vì những gì Thầy dạy mình cũng đã quá đủ, chỉ có cái là mình chưa đem ra để thực tập thôi. Và cái môi trường ở ngoài là môi trường tốt để giúp cho mình bắt buộc phải thực tập, tại vì không có Thầy để mà mình chạy tới than thở là “tại sao hôm nay sư chị này làm cho con buồn, hay sư em kia làm cho con khổ” mà coi như mình phải đứng trên đôi chân của mình và mình phải biết cách để bảo vệ cho chính mình và giúp đỡ cho người khác. Thành ra nhớ tới Làng thì đó là một hình ảnh chung, trong đó có Thầy, có tăng thân, có những sinh hoạt của Làng nhưng mà nhớ một cái gì thật riêng biệt thì chị không nhớ mình có nhớ gì không.
Chúng con xin cám ơn sư cô. Bây giờ, sư cô phải tiếp tục chuẩn bị hành lý bởi vì chỉ còn có vài tiếng nữa thôi là sư cô lại phải đi nữa rồi.
19. Câu hỏi bổ sung: Xin sư cô hoan hỷ cho chúng con thêm một câu cuối này nữa. Chúng con tò mò muốn biết cảm hứng gì đã thúc đẩy sư cô chọn nhan đề Sư Tử Núi để đặt cho những loạt bài của sư cô đăng trong Lá Thư Làng Mai? Và Lá Thư Làng Mai số Tết này Sư Tử Núi sẽ “rống” lên những tiếng rống gì thưa sư cô?
– Em sẽ thất vọng với câu trả lời của chị vì chị không chọn nhan đề đó. Chị rất dở trong việc đặt nhan đề cho những bài mình viết nên chẳng bao giờ có nhan đề cả. Năm đó (2000) chị đang ở Lộc Uyển, làm báo cáo khai thuế cuối năm thì Sư Ông bảo viết bài. Chị từ chối vì trong đầu chị lúc đó chỉ toàn là con số thôi, nhưng Sư Ông nói nếu chị không viết về Lộc Uyển thì ai biết để viết. Chị nghĩ Sư Ông nói đúng nên lục nhật ký, lôi ra vài đoạn “hấp dẫn” và sắp xếp cho có sự liền lạc rồi gởi qua Làng “để trả nợ”. Chủ yếu là để Sư Ông đọc nhiều hơn chứ không nghĩ là sẽ được đăng. Nên cái đầu đề rất lôi cuốn sự chú ý đó là do Sư Ông đặt đấy. Năm sau và năm sau nữa cũng thế, chị chỉ gởi bài thôi và đầu đề cũng từ Sư Ông hay ban biên tập Lá Thư năm đó đặt dùm (Sư Tử Núi trở lại). Không ngờ nhiều người thích và còn gọi chị là Sư Tử Núi nữa nên chị hết dám nhúc nhích (sợ bị gọi thêm tên khác), chỉ viết tiếp là tập 3, tập 4, v.v… Bài viết năm ngoái đã có tên là Lửa Hồng Phương Bối và chị “đã khai tử con sư tử núi” rồi, nhưng vì cái máy vi tính xách tay chứa bài viết bị sét đánh hư, nên chị phải viết lại. Năm nay muốn biết Sư Tử Núi “rống” cái chi chắc em ở Làng, gần Thầy hơn chị, em hỏi Thầy thử xem? Chị cũng tò mò muốn biết lắm.
Thôi nhé, chào các em và chúc các em ăn Tết vui. Hy vọng chuyến Thầy về Việt Nam kỳ này chị sẽ có nhiều giờ để ghi chép khá hơn chuyến trước.
Chúng con xin tỏ lòng biết ơn đến sư cô đã tranh thủ thời gian để trò chuyện cùng chúng con.