Những chiếc bình ngồi yên

 

CHƯƠNG 4

Những chiếc bình ngồi yên

 

Những ngày mới vào chùa, Tâm An ngạc nhiên không hiểu tại sao Thầy và hai anh sáng sáng lại ngồi yên. Chú nghe nói ngồi thiền thì phát sinh trí tuệ, nhưng làm sao tin được kia chứ, cứ ngồi như vậy chán lắm, buồn ngủ nữa. Ấy thế mà ngày hai lần luôn, một lần buổi sáng sớm, một lần buổi tối. Mỗi khi ngồi yên đến ba mươi phút, lâu ơi là lâu. Hai chân thì đau, ngồi yên như thế sao Thầy thích thú đến thế nhỉ? Có nhiều khi Tâm An thấy Thầy ngồi bất động hàng giờ. Thầy nói nếu một ngày không được ngồi yên là Thầy bị đói, bị mất năng lượng gì đó. Ngồi thiền là thức ăn không thể thiếu của Thầy. Nhưng đối với cả ba chú, ngồi thiền là một thức ăn khó nuốt, chẳng ngon lành gì. Tâm An cũng không biết mình phải làm gì trong thời gian đó cả.

Mọi thắc mắc của chú được Thầy trả lời trong một buổi nghe Thầy chia sẻ ngồi thiền:

– Các con! Ngồi thiền không như các con ngồi từ trước đến nay, thầy thấy các con lúc thì cựa quậy, đứa thì ngủ gục, đứa thì nhìn quanh, nhìn quất chẳng có yên cái thân chút nào cả. Tâm Chánh! Con nói cho Thầy nghe tư thế ngồi của một người tập thiền ngồi như thế nào?

Tâm Chánh giật mình, tự nhiên Thầy lại hỏi bất ngờ quá, chú chắp tay ngừng im lặng một lúc rồi thưa:

– Dạ con kính thưa Thầy! Khi ngồi lưng phải cho thẳng, đầu không ngửa ra sau, cũng không cúi xuống. Xếp hai chân lại, chân trái để lên bắp vế chân phải và ngược lại.

– Các con ngồi cho Thầy xem

Cả ba ngồi trên chiếc bồ đoàn con con, xếp chân ngay ngắn trong tư thế kiết già. Hai tay đặt nhẹ lên nhau. Thầy đi đến từng chú chỉnh sửa cho ngay ngắn. Rồi bảo:

– Các con phải ghi nhớ tư thế này, nếu thấy mình bị nghiêng, bị ngã ra sau, hoặc bị chồm tới phía trước thì phải điều chỉnh lại, các con phải ngồi buông thư không nên gồng lên, hoặc căng lưng quá. Các con có cảm thấy thoải mái trong tư thế này không?

– Dạ không ạ!

Thầy hiền lành cười, rồi bảo:

– Dần dần các con sẽ quen, quen rồi đến thích. Đây là tư thế ngồi lý tưởng nhất đó các con. Chịu khó tập lúc đầu mình ngồi được mười phút, mỗi ngày mình tập thêm hai phút thôi thì một thời gian sau các con có thể ngồi được hàng giờ mà không thấy khó chịu, gò bó. Đây chỉ là tư thế ngồi thôi, mình mới chỉ điều cái thân cho nó yên vị thôi. Tiếp theo các con theo dõi hơi thở. Thở vào con biết đây là hơi thở vào, thở ra con biết đây là hơi thở ra. Các con tập như vậy trước, khi nào các con biết cách theo dõi hơi thở thì mình sẽ tập thêm. Hàng tuần Thầy sẽ hướng dẫn một buổi thiền ngồi, các con nên làm theo lời khai thị. Thật ra đối với thực tập thiền, tập sống chánh niệm thì khó mà diễn tả rõ ràng. Sẽ có lúc các con tự biết được thực tập như thế nào là đúng. Chẳng hạn khi thầy chia sẻ hơi thở, mình nên thở tự nhiên không gò ép, mình chỉ là xem hơi thở nó dài ngắn như thế nào chứ không phải là tác động lên hơi thở để nó theo ý mình. Tuy nói như vậy cho các con biết nhưng Thầy biết là các con còn rất mơ hồ về hơi thở của mình. Điều lạ là khi thực tập một thời gian thì các con cảm được, chứng nghiệm được. Con người mình có một khả năng tự biết. Khả năng này sẽ dạy cho ta biết làm gì và không nên làm gì. Đó là nhờ năng lượng của chánh niệm. Chánh niệm có công năng nhận biết, có thể trở thành vị thầy giỏi hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Khi mình thực tập sai lệch chẳng hạn, thì tự nhiên mình biết được rằng sự thực tập của mình đang có vấn đề cần được tham vấn, cần được điều chỉnh.

Nghe Thầy chia sẻ mới bước khởi đầu thôi mà có nhiều từ ngữ xa lạ với Tâm An, chú cảm thấy rất khó hiểu nào là “khai thị”, “nhận biết”, “năng lượng”, “công năng”, “tham vấn”, “điều chỉnh”… có quá nhiều từ loạn xạ cả lên. Tại sao người lớn rắc rối thế không biết? Họ đặt ra bao nhiêu là thứ để rồi cứ luẩn quẩn với một mớ ngôn từ xa lạ. Mình không thể biết được, mệt quá đi mất thôi. Người lớn thật là rắc rối, mình chẳng muốn làm người lớn chút nào. Giá như mình được làm con nít mãi thì thích biết mấy. Nhưng theo luật vô thường thì mình phải lớn lên thôi. Chán quá! Ừ! Mình lại suy nghĩ bậy bạ nữa rồi. Đầu óc đi chơi xa quá, về lại đi Tâm An.

– Tâm An! Thầy hỏi, con có hiểu những gì Thầy nói không?

– Dạ con thưa Thầy, không ạ. Con chẳng hiểu chút nào hết, có quá nhiều từ con chẳng quen, mà hình như chúng cũng không thích con nữa. Thầy ơi! Chắc con không ngồi thiền được đâu.

– Thầy biết là quá nhiều khái niệm xa lạ nhưng Thầy phải đưa vào cho các con làm quen. Rồi Thầy trò mình cùng làm thử một thời gian, các con sẽ có nhiều điều bổ ích từ ngồi thiền này.

Từ đó, sáng nào ba chú đều phải ôm bồ đoàn theo Thầy ngồi thiền dù hiểu sơ sơ thôi chưa tới đâu cả, nhưng bây giờ cả ba đều biết được thế ngồi vững chãi hơn, ít loay hoay hơn. Anh Tâm Chánh còn biết theo dõi hơi thở nữa. Anh chỉ tập khi thấy hơi thở vào thầm nhẩm theo hơi thở vào… vào… vào, hơi thở ra anh thầm đọc ra… ra… ra. Làm được điều này anh Tâm Chánh bắt đầu thích thú thiền ngồi. Anh đã cảm nhận được một chút niềm vui nên anh chia sẻ:

– Các em không nên chán. Thiền ngồi còn đặc biệt hơn cả các thiền khác. Anh cảm thấy sự yên tĩnh của Thiền ngồi mang lại rất lớn. Anh đã theo dõi hơi thở được thì anh tin các em cũng sẽ làm được. Thiền ngồi là cách giúp ta lắng đọng mọi tâm tư, mọi suy nghĩ lăng xăng thông qua hơi thở. Ta chỉ để ý đến hơi thở thôi. Khi nào có suy nghĩ nào đó khởi lên, ta chỉ biết có suy nghĩ khởi lên rồi dừng lại mà không bị kéo theo suy nghĩ đó, quay về lại với hơi thở. Các em, trò chơi này cũng lý thú lắm đó. Anh thích nó, khám phá ra được sự tuyệt vời của ngồi thiền nhờ vào hồ cá của chùa. Một hôm nhìn hồ nước trong xanh, mặt hồ yên tĩnh anh đã hỏi Thầy:

– Dạ con kính thưa Thầy! Tại sao hồ nước lúc này trong như vậy ạ?

– Đó là do mặt hồ tĩnh lặng, các bụi dơ, rác bẩn lắng xuống lòng hồ trả lại dòng nước xanh, cũng vậy khi ngồi thiền là các con tự làm cho hồ tâm của mình lắng xuống những suy nghĩ lăng xăng, những cấu bẩn của tâm hồn, trả lại một hồ tâm trong sáng, khi đó tâm các con có thể phản chiếu tất cả mọi sự vật như thật, không bị bóp méo. Con nhìn xem, cảnh vật được phản chiếu dưới mặt hồ không bị méo mó, rất đẹp. Nếu có gió thổi ngang qua thì mặt hồ gợn sóng, mọi thứ bị phản chiếu đều trở nên khác đi, không thật đúng không con?

– Dạ thưa đúng ạ!

– Cũng vậy, khi ngồi yên tâm thức tĩnh lặng, con sẽ cảm nhận mọi vật, mọi hiện tượng một cách chân thật hơn, khách quan hơn, rõ ràng hơn. Khi có các tâm hành buồn, thương, giận, ghét, ganh tỵ, sợ hãi… nổi lên trong tâm thì tâm thức các con đã bị xao động như mặt hồ gợn sóng, cho nên các con không thể nhìn nhận mọi chuyện một cách trung thực được mà bị các tâm hành này thì thầm to nhỏ, tạo ra một cái nhìn lệch lạc. Do đó, một người tu là người biết giữ cho hồ tâm mình tĩnh lặng, để luôn sáng suốt trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi.

Tâm Chánh kể lại một cách hứng thú, chú thổi vào lòng Tâm Từ, Tâm An một sự thích thú, một sự tò mò về pháp môn ngồi thiền. Hai chú tròn mắt nhìn anh Tâm Chánh chia sẻ say sưa. Hình ảnh mặt hồ tĩnh lặng rất dễ hiểu. Tâm An bây giờ hết suy nghĩ là người lớn chỉ nghĩ ra những chuyện chán ngắt nữa. Họ tìm ra những thứ kỳ lạ làm sao, nhưng con nít cũng tìm ra nhiều thứ trò chơi cũng hay không kém người lớn đâu nhé. Việc ngồi yên, lắng lòng này được các chú biến hóa thành trò chơi cái bình đựng cát sỏi và nước. Mỗi chú đều tìm cho mình một cái hũ thủy tinh, đổ vào đó một phần ba cát và sỏi nhỏ, còn lại hai phần ba là nước, lắc lên, làm cho bình nước đen sì, đục ngầu, rồi để xuống cho bình nước ngồi yên. Cái bình nước ngồi yên rồi thì những hạt sỏi, hạt cát dần dần lắng xuống. Ngồi theo dõi những diễn biến của cái bình nước các chú cảm thấy vui vui. Từ đó, mỗi lần ngồi thiền, ngoài việc ôm bồ đoàn cả ba chú còn ôm luôn cái bình nước. Cái bình nước ngồi thiền rất giỏi, khoảng ba ngày là mặt nước trong vắt không một hạt bụi. Mỗi lần đi ngồi thiền với cái bình nước, các chú phấn khởi lắm, chuyện ngồi thiền không còn chán nữa.

Chỉ một tuần thôi, thì Thầy gọi ba chú vào hỏi:

– Các con đi ngồi thiền với bình nước thấy thế nào?

– Dạ kính thưa Thầy, chúng con thấy vui hơn, ngồi nhìn nó đỡ chán hơn.

– Vậy các con có theo dõi hơi thở khi nhìn không? Các con đã nghĩ gì lúc đó?

Tâm Chánh trả lời:

– Dạ con kính thưa Thầy, con có theo dõi nhưng chỉ một lúc là quên, con bị cái bình cuốn hút, con tự hỏi nhiều câu hỏi: Tại sao nó lại như vậy nhỉ? Tại sao hạt sỏi lớn là rớt xuống trước, còn cát bụi thì lắng từ từ. Tại sao? Tại sao…? Nhiều thứ lắm Thầy ạ.

Tâm Từ thưa:

– Dạ con kính thưa Thầy, con chỉ ngồi nhìn thôi chẳng thở gì cả. Cái bình nó lắng rồi, cái bình ngồi thiền dùm con rồi. Con nhìn cái bình nghĩ mình nên trang trí nó thành một con người, cho cái bình hai con mắt, một cái mũi, cái miệng, thêm cái mũ nữa thì hay lắm. Con định cho nó hai cái tay nữa, cái bình sẽ đẹp hơn, sinh động hơn.

Nghe Tâm Từ chia sẻ, hai chú còn lại cười. Rồi đến lượt Tâm An, chú chắp tay thưa:

– Dạ con kính thưa Thầy, con chỉ ngồi nhìn lúc nhớ thì thở lúc không nhớ thì thôi. Con đã chờ xem cái bình này lắng bao lâu là nước trong. Khi nước trong rồi con lại lắc nó và để xuống lại và khám phá ra thời gian lắng của cái bình nhanh hơn. Lần đầu con để mất ba ngày, lần thứ hai con thấy còn có hai ngày thôi. Con chẳng làm gì cả chỉ ngồi chờ nó lắng.

– Vậy con có suy nghĩ gì không?

– Dạ con kính thưa Thầy, con thấy nhiều thứ lắm, lúc con nghĩ đến ba mẹ, lúc con nhớ đến con mèo đang bị đau, khi con nhớ những chuyện đâu đâu không à.

– Các con! Các con ngồi thiền với cái bình nước này cũng được, nói như Tâm Từ thì cái bình ngồi thiền, lắng trong còn các con thì không. Trong tâm các con còn nhiều suy nghĩ lăng xăng đủ kiểu giống như bình nước bị khuấy động nên còn nhiều bụi dơ. Thầy sẽ chỉ cho các con cách ngồi chơi với cái bình nhé.

– Dạ. Các chú hồ hởi lắm. Thầy lại bày trò chơi mới cho mình sẽ đỡ chán, chứ trò chơi cái bình này cũng cũ lắm rồi. Nhìn các chú háo hức chờ đợi Thầy cầm một cái bình nước lên và trong tay có vài hòn sỏi nhỏ xíu. Thầy đặt tên cho từng viên sỏi nào là: tán loạn, ganh tỵ, thất niệm, suy tư, vui mừng, hờn giận, từ bi, hiểu biết… rồi thả vào trong bình. Thầy từ tốn giảng giải.

– Các con, điều Thầy cần nhắc các con là lúc ngồi thiền mình nên theo dõi hơi thở, khi các con theo dõi mà đừng nghĩ về cái bình trước mặt, hãy nhìn cái bình trong con người mình nó lắng dần lắng dần. Khi các con thấy mình suy nghĩ lung tung bỏ quên hơi thở con tự nhìn vào cái bình này và gọi tên viên sỏi thất niệm, chào bạn và gọi: “Thất niệm, chào bạn mình đã thấy bạn rồi” thì tự nhiên mình nhớ quay lại hơi thở cứ như vậy khi nào tâm hành muốn loay hoay, cựa quậy các con gọi: “Trạo cử, chào bạn” có thể mỉm cười với nó cũng tốt. Các con sẽ cảm thấy mình giống như một người lính canh gác, khi có ai bước đến cổng anh ta đứng dậy chào và biết rõ người nào đi vào đơn vị mình. Các con là những chú lính nhỏ canh gác tâm ý và gọi tên mỗi suy nghĩ, nhìn thấy viên sỏi mình gọi tên bằng cách:

Thở vào, con biết con đang buồn ngủ.
Thở ra, con đã thấy viên sỏi buồn ngủ rồi
Thở vào, chào bạn sỏi buồn ngủ
Thở ra, con mỉm cười với bạn sỏi buồn ngủ.

–  Các con có thích trò chơi mới này không?
–  Dạ có

Thầy gật đầu cười, ngày mai các con làm thử nghen.

Các chú vui lắm, có trò chơi mới rồi, mình khỏi phải nghĩ ra trò để chơi trong giờ ngồi thiền nữa.

Sau khi các chú chào Thầy về phòng, Thầy ngồi im nhìn lũ trẻ thấy thương chi lạ, chúng nó trong sáng quá, hướng dẫn cho con nít mình phải tùy duyên, phải chế biến các pháp môn thành các trò chơi thì mới làm cho chúng thích thú. Ừ! Mà mình cũng là một đứa con nít lớn tuổi đó thôi, mình cũng thích bày trò để chơi mà, Thầy ngâm nga.

“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ,

làm người một kiếp cũng như không”.

Thầy nghĩ hôm nào đó đi xuống phố, Thầy sẽ mua một số đồ chơi cho các chú nào là diều, con cubik hay trò chơi ghép hình và một quả bóng nữa. Các chú chắc thèm đá bóng lắm. Các chú còn bé cũng cần được chơi thể thao để rèn luyện thể chất. Nghĩ đến đó Thầy mỉm cười một mình, trong lòng hạnh phúc dâng tràn.

Lần đầu tiên được thực tập thiền hướng dẫn, Tâm An thấy hay hay, những lời hướng dẫn đầy hình ảnh thi ca:

Thở vào tôi thấy tôi là một bông hoa
Thở ra tôi cảm thấy tươi mát

Sau hai câu Thầy tóm lại

Thở vào là hoa
Thở ra tươi mát

 

Rồi Thầy thỉnh một tiếng chuông. Thỉnh thoảng Thầy hướng dẫn thêm câu khác.

Thở vào tôi thấy mình là núi
Thở ra tôi thấy mình vững vàng

 

Hoặc câu:

Thở vào tôi thấy mình là nước
Thở ra tôi thấy mình tĩnh lặng

 

Hoặc:

Thở vào tôi thấy tôi là không gian
Thở ra tôi thấy tôi thênh thang

Khi nghe những câu đó, Tâm An cảm thấy khó thực hành quá, nghe thì hay nhưng làm chẳng được. Khi bảo mình là hoa, đầu óc chú loạn xạ cả lên, mình sao là bông hoa nhỉ? Vậy đâu là cánh hoa? Đâu là nhụy hoa? Kỳ nhỉ bông hoa mà là con người ư? Mình là con người mà, mình đâu phải là một bông hoa. Thầy có lộn không nhỉ?

Đến lúc là núi thì chú cảm thấy khá hơn, chú thấy thế ngồi của mình như một ngọn núi, vững chãi, hiên ngang làm sao.

Thiền hướng dẫn trở thành một điều bí hiểm mà các chú cần khám phá, nó là một bài toán khó cho các chú. Tâm Chánh tự hỏi tại sao mình không thở vào thở ra thôi thì dễ hơn nhiều lắm. Còn Tâm Từ thì chia sẻ:

–   Khi nghe là hoa, em tưởng tượng mình là một bông hoa. Thân mình là nhụy nè, rồi tay chân là cánh. Em tưởng tượng mình mọc thêm nhiều cánh nữa cũng được, tùy sở thích của mình. Em muốn mình tưởng tượng là hoa gì thì tưởng tượng ra hoa đó.

Tâm An ngạc nhiên:

–   Vậy ngồi thiền là tưởng tượng ư? Em không nghĩ vậy đâu. Hôm nào mình sẽ thưa với Thầy để Thầy giải thích nghen?

–   Ừ, thôi đừng nghĩ nữa. Mệt quá.

Chưa hết đâu nhé. Nếu không bị suy nghĩ lung tung thì bị ngủ gục. Các chú cứ đồng ý không điều kiện. Tâm Chánh thì như cối giã gạo, lúc nào cũng gật gù lên xuống đều đặn. Tâm Từ lắc lư như quả lắc đồng hồ. Còn Tâm An thì xoay tròn như cối xay gió vậy. Mỗi chú một kiểu. Các chú cố gắng lắm mới tỉnh được một chút. Hai con mắt như hai cục đá nặng kéo mí mắt xuống. Khi khép lại rồi thì bị dính cứng như được dán keo supper mở ra không được. Cả ba chú đều chứng được “ngủ thiền” này. Nhiều khi Tâm An muốn được nằm lăn ra ngủ một giấc ngon lành cho sướng chứ cà giựt, cà giựt vậy mệt lắm. Tình trạng “thiền mi” này kéo dài hơn một tuần. Thầy đã dạy cho các chú cách chống lại con mắt, cái đầu của mình:

–   Các con, khi các con buồn ngủ, hãy cố gắng mở mắt ra, đừng nhắm lại, lấy tay xoa vào mắt, vào hai tai. Nếu tiếp tục buồn ngủ thì quỳ lên. Nhưng từ hôm nay, buổi tối các con nên ăn những món ăn nhẹ, không nên ăn ngọt, ăn ít lại một chút sẽ giúp các con tỉnh táo hơn.

Các chú vâng dạ. Nhưng rồi chứng nào tật ấy, điệp khúc gà mổ, cối xay vẫn cứ tái diễn liên miên.

“Trời ơi! Sao lại đặt ra cái cách ngồi, cách tu gì mà kỳ quái quá đi.”. Nhiều khi chiến đấu không lại “cái thằng giặc ngủ” các chú tỏ ra bất bình. Mỗi buổi sáng, nghĩ đến giờ ngồi thiền mà chán. Thầy hiểu, tuổi các chú giờ là tuổi ăn tuổi ngủ nên cảm thông. Mọi khi Thầy cho ngồi thiền bốn giờ sáng bây giờ Thầy cho các chú ngủ đến bốn giờ ba mươi và bắt đầu ngồi thiền năm giờ. Thầy tập cho các chú quen dần, từ từ sẽ nâng thời gian thức chúng trở lại như cũ.

Hiếm khi nào các chú được cảm giác nhẹ nhàng, an lạc, nhưng không phải là không có. Có hôm, Tâm Chánh sau giờ ngồi thiền về phòng mà mặt mày tươi như hoa, nhìn chú hạnh phúc Tâm Từ và Tâm An thì thầm bảo nhau: “Anh Tâm Chánh chắc ngộ đạo rồi, nhìn anh ấy phơi phới, vui vẻ quá đi, sướng thật.” Tâm An ngớ ngẩn hỏi:

–    Anh Tâm Từ, người ngộ đạo là thành thiền sư phải không?

–   Ừ, chứ sao, là Tổ nữa đó.

–    Vậy mình gọi anh Tâm Chánh là Tổ nhé, xin anh khai ngộ cho mình biết đâu anh chỉ cú, chỉ đánh mình một cái mà mình cũng ngộ đạo thì hay biết mấy.

Tâm Từ nhe răng cười rồi nói:

–    Đưa anh cốc cho một cái để em ngộ đạo.

Vừa nói Tâm Từ vừa đưa tay về phía đầu của Tâm An, chú giơ tay né tránh rồi nói:

–    Anh đâu phải thiền sư, em không cho cốc đâu. Anh cốc em, em còn ngu thêm, đạo thì không thấy mà chỉ thấy đau thôi. Anh ngộ đạo đi em sẽ đặt pháp hiệu là Thiền sư Cốc, nghe cũng oai phong chứ bộ.

Chú vừa nói vừa cười ngặt nghẽo rồi giả bộ chào:

–    Chào Cốc thiền sư, xin thầy khai ngộ cho con.

Lúc đó Tâm Từ giơ tay định cốc chú một cái nhưng Tâm An tránh được. Hai chú ôm nhau cười.

–   Cốc thiền sư! Cốc thiền sư mà cốc hụt. Tâm Chánh lúc này mới lên tiếng. Hai chú quay sang anh Tâm Chánh tò mò hỏi:

–    Anh Tâm Chánh! Anh ngộ đạo rồi à?

Tâm Chánh phì cười lắc đầu:

–     Ngộ cái con khỉ.

–     Chứ sao mặt mày anh hớn hở thế kia?

–     Ừ! Hôm nay anh cảm thấy hạnh phúc, bình an trong giờ ngồi thiền. Anh thích lắm, không ngờ ngồi thiền đem lại sự an lạc đến như vậy. Trong lòng anh thấy mừng vui.

–     Anh sướng ghê! Không bị buồn ngủ.

–     Đâu có phải lúc nào cũng được như vậy đâu. Mười hôm thì hết chín hôm là ngủ, không ngủ thì cứ suy nghĩ tùm lum. Anh nghĩ sẽ có lúc mình đạt được trạng thái đó, đến bây giờ mới thấy chút chút thôi. Thầy nói: “Thực tập lâu ngày, mình sẽ thấy ngồi thiền nuôi dưỡng mình nhiều lắm đó”.

Tâm An cười, trong đầu chú lóe lên một trò đùa mới, chú nói:

–     Anh Tâm Từ khi ngộ đạo sẽ lấy tên là Cốc thiền sư còn anh tên gì?

–    Anh không muốn ăn Cốc đâu, chua lắm. Sau này lỡ có đệ tử mới nói kính bạch Cốc thiền sư thì nước miếng chảy dài, nuốt ừng ực chẳng hỏi được gì cả. Anh chưa nghĩ ra.

–    Anh hay cù lét người ta cười muốn chết hay anh lấy tên là Cù thiền sư đi. Sau này đệ tử tới hỏi đạo anh chỉ cần cù lét cho nó cười, cười ngất có khi chứng đạo đó nghe.

–    Trời! Thầy mà nghe anh em mình sau này trở thành thiền sư Cốc, thiền sư Cù lét, thiền sư Nhéo chắc Thầy sợ chúng mình luôn. Thầy trao truyền kiểu gì mà chúng nó ngộ toàn là cốc, nhéo, cù lét thôi.

Cả ba ôm bụng cười ha hả.Mỉm cười

 

Những trang viết trước:

Chương 1: Tiếng gọi của Thế Tôn

Chương 2: Thế giới của thơ và nhạc

Chương 3: Vũ điệu của đôi chân

Mời quý bạn đọc đón xem phần tiếp theo của Phương Trời Lạ do sư cô Chân Vỹ Nghiêm viết tặng khung trời tuổi thơ.

Chương 5: Nuôi dưỡng thân tâm